NHỮNG HỆ LỤY TỪ VIỆC CHI TIẾT HÓA

Chính sự chi tiết hóa cao độ trong hệ thống ngành kinh tế quốc dân, được đánh giá là tiến bộ khi sử dụng vào mục đích nghiên cứu, lại đang gây những khó khăn cho cả cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (ĐKKD) lẫn các chủ doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg ngày 23-1-2007 (QĐ10) về hệ thống ngành kinh tế quốc dân (KTQD). Hệ thống ngành KTQD được sử dụng vào rất nhiều mục đích như nghiên cứu, tổng hợp, xác định các chỉ tiêu kinh tế – xã hội một cách chi tiết phục vụ cho việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế trong từng thời kỳ… Do đó, mức độ chi tiết khá cao của hệ thống ngành KTQD, được ban hành theo QĐ10, được một số ý kiến đánh giá là khá tiến bộ. 21 ngành cấp 1 đã được chi tiết hóa thành 642 ngành cấp 5. Song, khi hệ thống này được sử dụng để xác định ngành nghề kinh doanh khi cấp giấy chứng nhận ĐKKD, bao gồm cả đăng ký lần đầu và đăng ký thay đổi, thì chính sự chi tiết hóa cao độ, được coi là tiến bộ lại phát sinh những hệ lụy, gây những khó khăn không đáng có cho cả người cấp giấy lẫn các chủ doanh nghiệp. Thứ nhất, trong giai đoạn hiện nay, kinh doanh đa ngành là xu hướng phổ biến của các doanh nghiệp. Vì vậy, việc đăng ký ngành nghề kinh doanh theo mã ngành cấp 5 đã dẫn đến danh mục ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận ĐKKD thường rất dài. Nếu đăng ký theo mã ngành cấp 1, một doanh nghiệp kinh doanh ba ngành, nghề chỉ cần 3-5 dòng, nhưng đăng ký theo mã ngành cấp 5 thì danh mục này ít nhất phải dài tới 30 dòng. Trong thực tế, những doanh nghiệp có danh mục ngành nghề kinh doanh dài tới 50 dòng là không hiếm. Điều đó, chắc chắn làm phát sinh thêm khá nhiều công sức, giấy, mực và góp phần gia tăng sự quá tải của các phòng ĐKKD tại các thành phố lớn.   Thứ hai, dù đã được chi tiết hóa rất cao nhưng danh mục ngành KTQD đã ban hành cũng không thể đáp ứng được hết nhu cầu phát sinh trong thực tiễn. Rất nhiều trường hợp, ngành nghề chủ doanh nghiệp ĐKKD lại không có tên trong danh mục ngành chi tiết được ban hành. Khi đó, công chức có nhiệm vụ thụ lý hồ sơ ĐKKD hoặc sẽ trả lại hồ sơ, không chấp nhận ĐKKD cho doanh nghiệp hoặc phải xin ý kiến cấp trên. Cả hai trường hợp này đều được coi là gây khó khăn cho người dân khi gia nhập thị trường. Chẳng hạn, một doanh nghiệp xin ĐKKD “dịch vụ tình yêu” với mô tả nội dung tương tự như hoạt động của câu lạc bộ kết bạn trăm năm và có thêm dịch vụ tổ chức lễ cưới, hỏi trọn gói cho khách hàng. Dịch vụ này không có tên trong mã ngành cấp 5 nên đã không được cấp giấy chứng nhận ĐKKD. Một doanh nghiệp khác xin ĐKKD ngành nghề “Dịch vụ hậu sự trọn gói” với mô tả là cung ứng dịch vụ trọn gói cho khách hàng có người thân không may qua đời, từ khi người xấu số tắt thở đến khi được đưa đến nơi an nghỉ cuối cùng. Dịch vụ này cũng không có tên trong mã ngành cấp 5. Sau năm tháng xin ý kiến với rất nhiều cuộc họp và thảo luận, doanh nghiệp mới được cấp giấy chứng nhận ĐKKD! Thứ ba, khá nhiều ngành nghề kinh doanh trong thực tiễn không có sự phân biệt một cách tuyệt đối. Do đó, công chức thừa hành sẽ gặp khó khăn rất lớn khi cấp giấy chứng nhận ĐKKD cho những ngành nghề có nội dung gần giống nhau. Chẳng hạn, tư vấn pháp luật và dịch vụ pháp lý là hai “ngành, nghề” nhưng cũng có thể coi là một vì bản thân hoạt động tư vấn thuộc nhóm ngành dịch vụ, còn “pháp luật” và “pháp lý” trong nhiều trường hợp cũng được hiểu như nhau. Vì vậy, để “an toàn” công chức cấp giấy chứng nhận ĐKKD đã sử dụng biện pháp “mở, đóng ngoặc, loại trừ” ngay trong giấy chứng nhận ĐKKD. Ví dụ, một trong những ngành, nghề doanh nghiệp ĐKKD là tư vấn đầu tư. Trên giấy chứng nhận ĐKKD cũng ghi ngành, nghề kinh doanh là tư vấn đầu tư nhưng lại có thêm mở, đóng ngoặc (trừ tư vấn pháp luật). Không ít trường hợp, hầu hết các ngành, nghề trong giấy chứng nhận ĐKKD đều có đóng mở ngoặc như vậy. Điều đó lại góp phần làm cho danh mục ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận ĐKKD đã dài lại càng dài hơn. Song, quan trọng hơn là đã đặt chủ doanh nghiệp vào tình thế bị “đánh đố” khi kinh doanh. Chẳng hạn, với ví dụ nêu trên, sẽ không thể thực hiện dịch vụ tư vấn đầu tư khi không được tư vấn những nội dung liên quan đến pháp luật vì hoạt động đầu tư liên quan chặt chẽ tới rất nhiều luật. Thứ tư, khi đã được chi tiết hóa và được sử dụng trong việc cấp giấy chứng nhận ĐKKD, các ngành nghề theo mã ngành cấp 5, thuộc một mã ngành cấp 1, lại “được chia” cho nhiều cơ quan khác nhau quản lý. Đó là nguyên nhân quan trọng làm cho những ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh, các giấy phép con luôn luôn được tái xuất hiện. Chẳng hạn, dịch vụ kê khai thuế được coi là một trong những nội dung của dịch vụ kế toán, một lĩnh vực kinh doanh có điều kiện theo Luật Kế toán và Nghị định 129/2004/NĐ-CP. Điều kiện kinh doanh là phải có chứng chỉ hành nghề kế toán. Song, khi Luật Quản lý thuế được ban hành, việc kê khai thuế lại được coi là nội dung của dịch vụ làm thủ tục về thuế, cũng là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh cũng là “chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế”! Có rất nhiều lý giải cho tình trạng trên, song về bản chất, đó là sự “chia nhau” quyền lực đối với các doanh nghiệp của các cơ quan công quyền. Câu hỏi quan trọng được đặt ra là, chúng ta nên quy định về ngành nghề kinh doanh cho doanh nghiệp theo mã ngành cấp 1, 2, 3 hay cấp 5? Xin kiến nghị: Nhà nước chỉ cần có quy định rõ ràng, đầy đủ đối với những hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện. Với những trường hợp khác, chỉ nên sử dụng đến mã ngành cấp 1 hoặc cấp 2 khi xác định ngành nghề kinh doanh trên giấy chứng nhận ĐKKD cho doanh nghiệp. Thiết nghĩ, đây cũng là một trong những nội dung quan trọng cần được nghiên cứu, giải quyết trong Đề án 30 (đơn giản hóa thủ tục hành chính) đang triển khai hiện nay.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật