NHỮNG HÀNH VI HẠN CHẾ CẠNH TRANH, CẠNH TRANH KHÔNG LÀNH MẠNH TRONG LĨNH VỰC BẢO HIỂM Ở VIỆT NAM

Bối cảnh cạnh tranh trong ngành bảo hiểm Sự phát triển của hoạt động kinh doanh bảo hiểm ở Việt Nam là một xu thế tất yếu, nhất là trong bối cảnh hội nhập toàn diện, khi chúng ta đã là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Kinh tế thị trường đã tạo ra một môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Sự phong phú về hoạt động kinh doanh, tốc độ tăng trưởng cao về kinh tế, mức thu nhập ngày càng cao của nhiều tầng lớp dân cư, tính phức tạp, đa dạng của các loại rủi ro là những yếu tố quan trọng tác động mạnh đến việc hình thành và tăng nhanh các nhu cầu về bảo hiểm trong xã hội. Trong quá trình phát triển ngành bảo hiểm Việt Nam, thời gian đầu, Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam thực sự là doanh nghiệp đóng vai trò trụ cột trên thị trường. Trong bối cảnh lúc bấy giờ có thể hiểu là hầu hết không có sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Ngày 18/12/1993, với việc ban hành Nghị định 100/CP về kinh doanh bảo hiểm của Chính phủ đã đánh dấu một bước ngoặt trong quá trình phát triển ngành bảo hiểm nước ta. Trải qua quá trình hoạt động và phát triển, cùng với việc mở cửa thị trường trong bối cảnh hội nhập, đã có rất nhiều doanh nghiệp bảo hiểm ra đời. Đến nay, trên thị trường đã có 37 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm (nếu tính cả 2 Công ty mới ra đời là Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Bảo Nông) và Công ty Bảo hiểm Quân đội (MIC) thì tổng số lên tới 39 công ty), trong đó có 1 công ty nhà nước, 18 công ty cổ phần, 4 doanh nghiệp liên doanh… Điều đáng chú ý là thị trường bảo hiểm Việt Nam còn có sự góp mặt của 37 văn phòng đại diện của các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài. Nền kinh tế Việt Nam năm 2007 cho thấy những dấu hiệu phát triển khả quan đã tiếp tục tạo ra nhiều yếu tố tích cực cho sự phát triển của thị trường bảo hiểm. Ngành bảo hiểm Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng trên 20%, mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ. Sự cạnh tranh này được dự báo sẽ còn diễn ra khốc liệt hơn vào những năm tiếp theo khi các công ty bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài được phép cung cấp dịch vụ bảo hiểm bắt buộc trên thị trường bảo hiểm Việt Nam theo cam kết WTO.   Môi trường kinh doanh ngành xuất hiện nhiều tín hiệu thuận lợi khiến cho thị trường bảo hiểm Việt Nam đã sôi động, nay càng mang lại cơ hội và thách thức hơn bao giờ hết đối với các doanh nghiệp bảo hiểm. Có thể kể đến một số thay đổi như: một số văn bản pháp luật liên quan tới hoạt động kinh doanh bảo hiểm được ban hành, sửa đổi đã tác động tích cực tới khả năng tăng trưởng doanh thu bảo hiểm cho toàn thị trường như Nghị định 45-46 (sửa đổi Nghị định số 42-43), các thông tư hướng dẫn về hoạt động kinh doanh bảo hiểm được ban hành, sửa đổi cùng với các cam kết của Việt Nam về gia nhập WTO. Ngoài ra, các Nghị định như Nghị định bắt buộc về bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm xe cơ giới, hay Nghị định mới qui định về bảo hiểm y tế thay đổi cách thức chi trả (bệnh nhân tự đóng 20%), Nghị định qui định chi tiết Luật du lịch yêu cầu các công ty lữ hành mua bảo hiểm bắt buộc cho khách, cũng là một trong những yếu tố quan trọng khiến thị trường bảo hiểm ngày càng sôi động. Thực trạng cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm hiện nay Thực trạng cạnh tranh Cạnh tranh xuất hiện và tồn tại khách quan trong quá trình hình thành, phát triển của sản xuất hàng hoá và trở thành đặc trưng cơ bản của cơ chế thị trường. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, khi kinh tế phát triển, cạnh tranh sẽ diễn ra trên quy mô rộng hơn với mức độ gay gắt hơn trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong ngành dịch vụ như bảo hiểm. Trước hết, đó là sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bảo hiểm về sản phẩm, chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực, phát triển kênh phân phối sản phẩm và trình độ ứng dụng công nghệ thông tin. Thứ hai đó là sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bảo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam với các doanh nghiệp bảo hiểm tại nước ngoài về cung cấp sản phẩm bảo hiểm trong khuôn khổ đã cam kết tại WTO. Thứ ba là cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bảo hiểm với các dịch vụ tài chính khác như thu hút tiền gửi tiết kiệm, chứng khoán, kinh doanh bất động sản. Bên cạnh những nội dung cạnh tranh chính như đã nói ở trên, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ vẫn có nhiều vấn đề nổi cộm như cạnh tranh hạ phí, tăng chi phí khai thác, chưa kiểm soát được trục lợi bảo hiểm, dùng áp lực của các mối quan hệ để chi phối khách hàng, độc quyền kinh doanh bảo hiểm đối với một số ngành đặc thù. Trong lĩnh vực bảo hiểm, để phân tán rủi ro, các doanh nghiệp thường duy trì hoạt động tái bảo hiểm cho nhau, vì vậy các sản phẩm bảo hiểm có tính tương đồng và tính quốc tế rất cao. Khi một doanh nghiệp mới vào thị trường hoặc muốn giành khách hàng từ các doanh nghiệp khác để tăng thị phần, thì biện pháp cạnh tranh phổ biến nhất là hạ phí, tăng tỷ lệ hoa hồng trong khai thác hay áp dụng các biện pháp cạnh tranh không lành mạnh khác. Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp này về lâu dài vừa gây ra rủi ro cho chính doanh nghiệp bảo hiểm vừa làm thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển không lành mạnh. Hạ phí bảo hiểm Việc hạ phí bảo hiểm nhằm có được thị phần hay giành được dịch vụ không phải là hình thức cạnh tranh mới song lại đang trở thành công cụ cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện nay. Trên thực tế, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã xuất hiện tình trạng có những sản phẩm bảo hiểm mức phí đã giảm từ 40-50%, thậm chí còn thấp hơn quy định của Bộ Tài chính rất nhiều lần. Để giành được dịch vụ, nhiều công ty bảo hiểm sẵn sàng hạ phí bằng mọi giá mà không tính đến hiệu quả kinh doanh. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh nói trên bắt đầu lan trên diện rộng từ khi các công ty sử dụng những cán bộ nhân viên không có nghiệp vụ bảo hiểm hay thực hiện chế độ khoán doanh thu phí bảo hiểm cho các chi nhánh, phòng bảo hiểm khu vực hay đại lý. Để đạt chỉ tiêu được giao khoán, các bộ phận này buộc phải chạy theo doanh số, không đánh giá, khảo sát rủi ro, bán sản phẩm bảo hiểm bằng mọi giá. Điểm qua tình hình cạnh tranh về phí của một số sản phẩm bảo hiểm cơ bản trong thời gian qua ta có thể nhận thấy rất rõ vấn đề này. Đối với bảo hiểm hàng hóa, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã hạ mức phí từ 40-60%, kể cả đối với các mặt hàng nhạy cảm có tỷ lệ bồi thường cao. Với mặt hàng sắt thép, phí bảo hiểm đã giảm tới 70%. Trước đây, phí bảo hiểm mặt hàng này trung bình vào khoảng 0,14% tổng giá trị lô hàng. Hiện nay, có doanh nghiệp đã đưa ra mức phí hạ xuống còn 0,08%, rồi đẩy phí xuống còn 0,06% và gần đây nhất chỉ còn 0,05%. Với mặt hàng phân bón, phí bảo hiểm đã giảm từ 0,6% còn 0.3-0,35%. Hiện nay tất cả các công ty bảo hiểm đều thực hiện nghiệp vụ bảo hiểm cho hàng hóa xuất nhập khẩu. Ngoài các công ty bảo hiểm trong nước, đối tượng tiềm năng của sản phẩm này còn có các công ty bảo hiểm liên doanh, công ty bảo hiểm 100% vốn nước ngoài, là những công ty có tiềm lực tài chính mạnh và có công ty mẹ sẵn sàng chịu lỗ để được bảo hiểm những lô hàng giá trị lớn. Trong khi đó, vì nôn nóng muốn giành thị phần, các công ty cổ phần bảo hiểm mới ra đời đã sẵn sàng hạ phí bảo hiểm đến “chóng mặt” đối với những khách hàng lớn, có nhiều tiềm năng để khai thác. Một sản phẩm rẻ hơn thông thường không thể có một chất lượng phục vụ tốt. Vì với mức phí bảo hiểm thấp, sản phẩm bảo hiểm đó không thể tái bảo hiểm được. Khi có tổn thất xảy ra, đặc biệt là với lô hàng có giá trị lớn, vượt quá khả năng thanh toán, hơn nữa lại không được tái bảo hiểm, khách hàng sẽ là người chịu nhiều thiệt thòi khi các quyền lợi bảo hiểm không được bảo đảm. Dịch vụ bảo hiểm xây dựng, lắp đặt luôn là loại hình bảo hiểm có mức thu lời lớn do những rủi ro, tổn thất xảy ra với các công trình xây dựng là không nhiều. Mỗi năm, cả nước có thêm hàng ngàn công trình xây dựng mới, dịch vụ bảo hiểm các công trình xây dựng, lắp đặt cũng vì thế mà phát triển mạnh theo. Tuy nhiên, sản phẩm bảo hiểm này đang tiềm ẩn những rủi ro lớn do tình trạng nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đang cạnh tranh bằng cách giảm phí, kể cả chấp nhận phi kỹ thuật, có thể dẫn đến việc các hãng tái bảo hiểm từ chối chi trả nếu xảy ra sự cố. Theo quy định, để thực hiện một hợp đồng dịch vụ bảo hiểm xây dựng cho các công trình có vốn đầu tư trên 50 triệu USD, các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước (nhà bảo hiểm gốc) buộc phải thu xếp việc tái bảo hiểm với các doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài có mức độ tín nhiệm nhất định nhằm đảm bảo an toàn tài chính cho dự án. Thực tế có nhiều doanh nghiệp bảo hiểm trong nước đã chào phí thấp hơn cả mức phí của công ty tái bảo hiểm. Tình trạng này dẫn đến nguy cơ nếu có các sự cố dẫn đến phải bồi thường, các nhà tái bảo hiểm có thể sẽ từ chối thanh toán do hợp đồng của nhà bảo hiểm gốc với khách hàng không đúng tiêu chuẩn. Các công ty bảo hiểm gốc này không nhận thức được rằng chỉ cần một vụ tổn thất lớn xảy ra thì phí bảo hiểm tích lũy và lời lãi nhiều năm kinh doanh cũng không đủ chi trả bồi thường. Trong khi đó, các công ty bảo hiểm mới thành lập lại thường chưa có tích lũy nhiều từ các khoản dự phòng nghiệp vụ (bao gồm dự phòng dao động lớn). Hành vi này khiến cả khách hàng và công ty bảo hiểm gốc có thể sẽ phá sản. Đối với nghiệp vụ bảo hiểm đóng tàu, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đang cạnh tranh gay gắt và có những biểu hiện đáng báo động. Mặc dù nghiệp vụ này mới triển khai trong những năm gần đây, nhưng thị trường bảo hiểm đóng tàu là một thị trường đầy tiềm năng và hứa hẹn với các doanh nghiệp bảo hiểm. Bởi vậy, các doanh nghiệp đã cạnh tranh nhau giảm phí bảo hiểm chỉ còn 50% so với mức phí ban đầu. Có doanh nghiệp bảo hiểm đóng tàu 6.500 tấn với phí 0,25% trong khi đó biểu phí là 0,45% lại còn hoàn phí 10% khi tổn thất không xảy ra. Có thể thời gian đầu chưa có tổn thấy nhưng trong trường hợp rủi ro xảy ra tổn thất, mức độ bồi thường khi đó là rất lớn, nhất là trong bối cảnh các cơ sở đóng tàu ở Việt Nam mới được hình thành, thiếu chuyên nghiệp và khó có thể đảm bảo an toàn được. Ngoài ra, tình trạng cạnh tranh bằng cách hạ phí bảo hiểm đang diễn ra ở rất nhiều nghiệp vụ khác dưới những hình thức khác nhau. Nghiệp vụ bảo hiểm con người có sự cạnh tranh gay gắt với việc bán bảo hiểm gộp nhóm từ 3-5 người nhằm giảm phí. Đối với nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, xuất hiện tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm đưa ra bản chào giá cả gói bao gồm cả bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, bảo hiểm vật chất xe, bảo hiểm người ngồi trên xe, trong đó giảm phí hai loại bảo hiểm sau để hấp dẫn khách hàng. Đối với bảo hiểm các dự án lớn hơn như các dự án thủy điện nhỏ, một số doanh nghiệp bảo hiểm đua nhau hạ phí xuống rất thấp trong khi các nhà tái bảo hiểm lại không quản lý được rủi ro này. Có thể nói, chưa bao giờ, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ lại cạnh tranh căng thẳng như hiện nay. Tình trạng hạ phí bảo hiểm thấp hơn phí tái bảo hiểm liên tục xảy ra dẫn đến sự phát triển không lành mạnh của thị trường bảo hiểm. Tăng chi phí hoa hồng khai thác không đúng với quy định của nhà nước Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ hiện đang trong tình trạng càng làm càng lỗ hoặc gần như không có hiệu quả, do việc chi hoa hồng quá mức giữa các doanh nghiệp. Theo quy định, khi ký được hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm được phép chi từ 0,5% đến 20% hoa hồng (tùy loại hợp đồng) cho đại lý bảo hiểm hoặc tối đa không quá 15% cho công ty môi giới bảo hiểm. Tuy nhiên, trên thực tế, các đơn vị phải chi nhiều hơn để có được dịch vụ. Với tình trạng cạnh tranh như hiện nay, hoa hồng chi cao, phí bảo hiểm thấp và như vậy sẽ không đủ chi trả bồi thường cho khách hàng. Nếu xảy ra tổn thất phải bồi thường thì coi như hết lãi. Cạnh tranh trong bối cảnh kinh tế phát triển nhưng lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm ngày càng thấp là một nghịch lý trong kinh doanh tại thị trường bảo hiểm Việt Nam. Mở rộng quá mức quyền lợi bảo hiểm không tính đến hiệu quả kinh doanh Như đã phân tích ở trên, do sản phẩm bảo hiểm thường có tính tương đồng và tính quốc tế rất cao. Vì vậy, để có thể thâm nhập thị trường và nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần, ngoài cạnh tranh hạ phí bảo hiểm, tăng chi phí hoa hồng khai thác, các doanh nghiệp bảo hiểm còn áp dụng biện pháp mở rộng quá mức quyền lợi bảo hiểm để có thể dễ dàng ký kết được hợp đồng mà không tính đến hiệu quả kinh doanh. Đối với bảo hiểm hàng hóa, các công ty môi giới bảo hiểm luôn đưa ra các điều khoản mở rộng trái tập quán bảo hiểm quốc tế như không áp dụng thu phí tàu già theo qui định đối với các tàu chở hàng nguyên chuyến (nhưng vẫn cấp debit note để người được bảo hiểm đòi nước ngoài), thiếu hàng trong container còn nguyên kẹp chì, điều khoản bảo hiểm cho các rủi ro bị loại trừ trong qui tắc bảo hiểm…, đã dẫn đến tình trạng phí thu ngày càng thấp nhưng trách nhiệm của người bảo hiểm ngày càng cao. Bên cạnh đó, các công ty môi giới bảo hiểm trong nước có thể do sự thiếu kiểm tra kiểm soát của nhà nước và muốn thuyết phục khách hàng nên môi giới đưa ra các điều khoản mở rộng không đúng với tập quán bảo hiểm như bảo hiểm hàng thiếu trong container còn nguyên kẹp chì, bảo hiểm các rủi ro bị loại trừ trong qui tắc bảo hiểm quốc tế… Như vậy, vô hình chung, các nhà bảo hiểm trong nước phải nhận cả rủi ro do người bán hàng ở nước ngoài gây ra và điều này dễ dẫn đến trục lợi bảo hiểm… Có những trường hợp, khi không hạ phí, nhà bảo hiểm còn mở rộng điều kiện bảo hiểm không có trong nghiệp vụ để thu hút thêm khách hàng. Ví dụ, có doanh nghiệp bảo hiểm đã bảo hiểm chỉ cho hạ thủy tàu mà không phải là toàn bộ thời gian đóng tàu, chấp nhận rủi ro cao nhất trong điều kiện kỹ thuật hạ thủy của Việt Nam còn hạn chế để hạ phí bảo hiểm. Có doanh nghiệp còn cải tiến thời hạn bảo hiểm, kéo dài hạn hạ thủy chạy thử là 250 hải lý hoặc một tháng. Người được bảo hiểm được chọn một trong hai điều kiện đó nếu có lợi cho mình, trái với quy tắc là điều nào xảy ra trước thì chấm dứt. Đối với lĩnh vực bảo hiểm cháy, nổ, cạnh tranh hạ phí, nới rộng điều kiện, điều khoản bảo hiểm đến mức không tưởng. Không những vậy, sự tác động của một số môi giới bảo hiểm làm ảnh hưởng xấu đến thị trường bảo hiểm nói chung như việc đưa ra đến 200 điều kiện mở rộng, bảo hiểm bổ sung không đồng bộ với nội dung đơn bảo hiểm và lấn sang phạm vi một số sản phẩm bảo hiểm khác. Thực trạng thu phí bảo hiểm thấp hơn phí tái bảo hiểm, đấu thầu bỏ phí thấp, môi giới bảo hiểm đưa ra quá nhiều điều khoản, điều kiện bảo hiểm phức tạp đã dẫn đến việc doanh nghiệp bảo hiểm không thể đảm bảo quyền lợi cho đối tượng bảo hiểm khi có tổn thất xảy ra. Đây là việc làm ngắn hạn, chỉ tính đến doanh thu và thị phần trước mắt mà không lường hết được rủi ro khi mở rộng các điều kiện bảo hiểm. Kết quả là các dịch vụ trong phạm vi mức giữ lại phí hạ quá nhiều dẫn đến thực trạng phí cao, dịch vụ tốt lại phải tái bảo hiểm ra nước ngoài, phí thấp, rủi ro cao giữ lại cho phía bảo hiểm Việt Nam. Cạnh tranh thông qua sự can thiệp hành chính Ngoài các hình thức cạnh tranh nói trên, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo hiểm còn sử dụng các biện pháp hành chính để gây sức ép, lôi kéo, ép buộc người tham gia bảo hiểm phải mua bảo hiểm hoặc sử dụng dịch vụ môi giới bảo hiểm tại một doanh nghiệp, trái với quyền tự do lựa chọn và giao kết hợp đồng. Việc cạnh tranh thông qua sự can thiệp hành chính đã thể hiện rất rõ trong nghiệp vụ bảo hiểm học sinh. Một vài doanh nghiệp bảo hiểm mới ra đời hoặc mới triển khai nghiệp vụ, vì muốn chiếm lĩnh thị trường nên đã chấp nhận hỗ trợ nhà trường với nguồn kinh phí lớn, thậm chí còn cao hơn cả phí bảo hiểm thu được. Cách hỗ trợ này đã tạo điều kiện cho nhà trường gây sức ép với các doanh nghiệp bảo hiểm khác, làm xấu đi hình ảnh của bảo hiểm học sinh. Đồng thời, trong những năm học tới, việc thuyết phục người tham gia bảo hiểm chấp nhận phí bảo hiểm, mức khấu trừ hoặc điều kiện bảo hiểm bình thường sẽ rất khó khăn. Trên thị trường bảo hiểm cũng xuất hiện nhiều công ty bảo hiểm chuyên ngành, tại đó ngành này buộc các đơn vị thành viên trong cùng một tổng công ty tham gia bảo hiểm tại một doanh nghiệp bảo hiểm trực thuộc trong khi ngành này, công ty này chỉ có 30% vốn trong công ty bảo hiểm của họ. Đây là một trong những biểu hiện của độc quyền trong kinh doanh đối với những sản phẩm có tính chất đặc thù riêng. Hành động sử dụng áp lực hành chính để có được những hợp đồng bảo hiểm là hành động phi cạnh tranh. Những hành động này có thể giúp các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh độc quyền khai thác dịch vụ nhưng lại gây nên tình trạng phí khai thác dịch vụ bảo hiểm chủ yếu tập trung vào một doanh nghiệp trong một ngành, một lĩnh vực lớn trong khi đó công ty bảo hiểm này lại mới ra đời chưa đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm… dẫn đến có thể mất khả năng thanh toán khi có tổn thất lớn… Trên thị trường bảo hiểm Việt Nam có thể nhận thấy các công ty bảo hiểm nước ngoài đang nỗ lực hoạt động để chiếm dần các phân đoạn thị trường hiệu quả với chiến lược tập trung vào thị trường mục tiêu nhưng đồng thời cũng chọn lọc rủi ro. Những nỗ lực của họ phần nào đã thành công. Trong khi đó, các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam vẫn đang loay hoay trong việc cạnh tranh không lành mạnh bằng cách hạ phí bảo hiểm, tăng hoa hồng khai thác, mở rộng các điều khoản bảo hiểm hay sử dụng các áp lực hành chính. Bên cạnh đó còn các biến tướng khác của hành động cạnh tranh không lành mạnh như: khai thác chồng chéo lẫn lộn giữa các nghiệp vụ bảo hiểm với nhau như bảo hiểm cháy, nổ cùng với bảo hiểm trách nhiệm, tiền, con người… Có trường hợp, một số doanh nghiệp bảo hiểm còn làm tư vấn cho người tham gia lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm bằng cách đấu thầu hoa hồng bảo hiểm trái với quy định của Bộ Tài chính và Luật Kinh doanh Bảo hiểm. Các tác động tiêu cực đến thị trường Đối với nền kinh tế thị trường, cạnh tranh là một quy luật kinh tế, là môi trường và động lực phát triển của nền kinh tế nói chung và của các ngành trong nên kinh tế đó nói riêng. Mặt trái của cạnh tranh là những hành động cạnh tranh không lành mạnh khiến cho thị trường phát triển méo mó, gây tổn thất cho bản thân các doanh nghiệp trong ngành cũng như là những người tiêu dùng trên thị trường. Việc nhận thức được đầy đủ tính chất cũng như tác động của các hành vi cạnh tranh không lành mạnh đối với ngành bảo hiểm Việt Nam hiện nay là rất cần thiết. Hiện nay, số lượng các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Số lượng các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước mới thành lập ngày càng nhiều. Các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài có chiến lược chiếm lĩnh thị trường, tăng thị phần bảo hiểm bằng nhiều hình thức, trong đó có quảng cáo, tiếp thị và chấp nhận lỗ kỹ thuật trong thời gian dài (thậm chí hơn 5 năm). Chiến lược của các công ty nước ngoài mạnh về tiềm lực tài chính này tạo ra sự cạnh tranh không cân sức nhưng được phép với các doanh nghiệp bảo hiểm còn lại. Trong khi đó, các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam mới gia nhập thị trường thì tìm mọi biện pháp để chiếm lĩnh thị phần, tăng doanh thu. Sự cạnh tranh không cân sức giữa các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam và nước ngoài cũng như sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam với nhau đang ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thị trường. Các doanh nghiệp không cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ mà cạnh tranh bằng hạ phí bảo hiểm, trả hoa hồng sai quy định (trả cao hơn quy định, không đúng đối tượng). Nhiều doanh nghiệp đua nhau hạ phí, mở rộng quá mức quyền lợi bảo hiểm mà không tính đến hiệu quả kinh doanh. Hậu quả của cách làm này là công ty phải bù lỗ nếu tái bảo hiểm. Hạ phí quá mức sẽ gây rủi ro cho chính công ty bảo hiểm bởi trong trường hợp nếu có rủi ro xảy ra, tổn thất lớn vượt quá khả năng thanh toán, hơn nữa lại không được tái bảo hiểm, các doanh nghiệp này sẽ phải chịu toàn bộ tổn thất. Thị trường bảo hiểm hiện nay đang tiềm ẩn những rủi ro lớn bởi thực trạng giảm phí bảo hiểm thấp dưới quy định như hiện nay. Việc giảm phí trước hết làm giảm doanh thu của các doanh nghiệp. Có doanh nghiệp doanh thu cả nghìn tỉ đồng/năm nhưng lãi từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc chỉ còn 1 tỉ đồng. Kinh tế phát triển nhưng lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm ngày càng đi xuống. Giảm phí trong kinh doanh bảo hiểm không những làm giảm doanh thu của các doanh nghiệp mà còn có thể dẫn đến việc các hãng tái bảo hiểm từ chối chi trả nếu xảy ra sự cố. Những cách làm trên đây có thể dẫn đến nguy cơ phá sản bất cứ lúc nào đối với các doanh nghiệp bảo hiểm. Thị trường bảo hiểm Việt Nam còn tồn tại những hành động cạnh tranh thiếu tính chuyên nghiệp bằng cách dùng các mối quan hệ để gạt các đối thủ tiếp cận khai thác dịch vụ. Những hành động phi cạnh tranh nói trên không chỉ khiến phí khai thác dịch vụ bảo hiểm chủ yếu tập trung vào một doanh nghiệp trong một ngành, một lĩnh vực, mà còn gây nên tình trạng chia cắt trên thị trường. Thực tế này là một trong những nguyên nhân của việc thị trường bảo hiểm Việt Nam không thể phát triển lành mạnh gắn liền với sự vận động của các quy luật giá trị, quy luật cung – cầu trong nền kinh tế thị trường. Về lý thuyết, cạnh tranh là động lực phát triển của kinh tế thị trường. Khi xuất hiện những hành động cạnh tranh không lành mạnh, người bị thiệt thòi nhất là người sử dụng dịch vụ bảo hiểm. Điều này hoàn toàn đúng với thực tế thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện nay. Hậu quả của tất cả những hành động phi cạnh tranh trên là khách hàng sẽ chỉ nhận được những sản phẩm bảo hiểm với chất lượng dịch vụ không đáp ứng được nhu cầu, nhất là không được bồi thường kịp thời, thỏa đáng và chính xác khi có tổn thất xảy ra. Các giải pháp hạn chế hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường bảo hiểm Việt Nam Trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh là không thể tránh khỏi đặt biệt là trong ngành kinh doanh dịch vụ như lĩnh vực bảo hiểm. Vấn đề là ở chỗ phải hướng cạnh tranh vào con đường lành mạnh, vì quyền lợi của người tham gia bảo hiểm và sau hết là quyền và lợi ích chính đáng của bản thân các doanh nghiệp. Mọi hình thức, biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh như đã nêu đều phải bị phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh và thích đáng để duy trì sự phát triển bền vững của thị trường. Về phía các cơ quan chức năng Thứ nhất, các cơ quan chức năng cần sớm rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý để thị trường bảo hiểm vận hành theo chuẩn mực quốc tế, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, thực hiện kiểm soát, kiểm toán nội bộ nhằm phòng chốngcác biểu hiện tiêu cực trong quá trình hoạt động. Tiếp đến, các cơ quan quản lý Nhà nước cần thường xuyên theo sát diễn biến thị trường, tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm khắc các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, trục lợi, không tuân thủ các yêu cầu tài chính… làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người tham gia bảo hiểm. Thị trường bảo hiểm là một thị trường rất nhạy cảm, việc kinh doanh bảo hiểm phải dựa trên uy tín của nhà bảo hiểm. Vì vậy, việc xử lý các hành vi này cũng cần đảm bảo nguyên tắc thận trọng, khách quan, đúng người, đúng việc để không vì xử lý một cá nhân, một doanh nghiệp mà ảnh hưởng không đáng có đến các doanh nghiệp làm ăn trung thực khác trên thị trường. Trong thời gian vừa qua, các chế tài xử phạt các hành vi phi cạnh tranh trên thị trường chưa được áp dụng nên việc xử lý còn hạn chế. Vì vậy cần phải đưa các chế tài xử phạt một cách cụ thể rõ ràng và có cơ sở pháp lý. Khi đã có cơ sở, những vi phạm sẽ được xử lý nghiêm khắc hơn, và khi đó, các hành vi phi cạnh tranh sẽ ngày một hạn chế. Thứ ba, các cơ quan chức năng cần yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản pháp luật có liên quan, góp phần làm lành mạnh hóa môi trường bảo hiểm trong nước. Thứ tư, trong thời gian tới, khi có nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài cùng tham gia chia sẻ thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đối với các dịch vụ bảo hiểm bắt buộc theo cam kết của WTO, các cơ quan chức năng cần xây dựng các quy tắc về quản lý ngành, vừa đảm bảo theo đúng thông lệ quốc tế vừa phải cân đối với việc bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước. Về phía Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam Hiệp hội cần thường xuyên xây dựng và ban hành quy tắc hợp tác chống cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trên thị trường, quy tắc ứng xử giữa các doanh nghiệp hội viên, những văn bản thỏa thuận hợp tác về các nghiệp vụ bảo hiểm. Hiệp hội cũng cần tuyên truyền để các công ty bảo hiểm mới ra đời hay mới triển khai nghiệp vụ này cùng thực hiện đảm bảo thống nhất trong toàn hệ thống các nhà bảo hiểm. Mục đích cuối cùng của các hành động này cũng chỉ nhằm đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp trên thị trường cũng như là sự an tâm của khách hàng về chất lượng sản phẩm, dịch vụ theo đúng như những cam kết mà doanh nghiệp đưa ra. Hiệp hội cần tăng cường hơn nữa hoạt động của mình để nâng cao chất lượng kế hoạch hợp tác và đề ra chương trình hành động chung thiết thực. Những nỗ lực nhằm bổ sung và hoàn thiện môi trường pháp lý trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, những cố gắng của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam vì lợi ích của tất cả các hội viên sẽ không thể mang lại hiệu quả thực sự nếu bản thân mỗi doanh nghiệp bảo hiểm không thực hiện nghiêm những quy định của pháp luật cũng như những thỏa thuận mà các doanh nghiệp cùng nhau thống nhất. Về phía các doanh nghiệp bảo hiểm Thứ nhất, các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cần tăng cường năng lực tài chính, nâng cao khả năng cạnh tranh của bản thân. Có như vậy, các nhà bảo hiểm mới có thể đảm bảo được trách nhiệm của mình đối với những gì đã cam kết với khách hàng. Thứ hai, các doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định của pháp luật về kinh doanh nói chung, kinh doanh bảo hiểm nói riêng, các chính sách về cạnh tranh, chống độc quyền. Trong xu thế mới, việc tuân thủ pháp luật, cạnh tranh lành mạnh, trước hết cũng là một cách để xây dựng thương hiệu trên thị trường. Thứ ba, khi là thành viên Hiệp hội Bảo hiểm, các doanh nghiệp nên cùng nhau đưa ra những cam kết chung của mỗi nghiệp vụ kinh doanh và nghiêm chỉnh chấp hành những cam kết đó. Việc chấp hành nghiêm túc những cam kết này sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẳng mà bản thân các nhà bảo hiểm là những người hưởng lợi nhiều nhất. Thứ tư, các doanh nghiệp nên tự xây dựng cho mình một chiến lược cạnh tranh chuyên nghiệp và dài hạn như xây dựng và quảng bá thương hiệu, xây dựng những kênh phân phối mới, đưa ra các sản phẩm mới, khai thác lợi thế cạnh tranh của riêng mình… Cách làm này không những sẽ đem lại doanh thu, thị phần cho doanh nghiệp mà trong dài hạn sẽ ngày càng củng cố thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường. Việt Nam đã gia nhập WTO, chúng ta cam kết thực hiện một nền thương mại tự do công bằng với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, trong đó thách thức lớn nhất là sức cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp. Chúng ta sẽ khó có thể hội nhập thành công và có hiệu quả nếu không tạo được chất lượng sản phẩm và uy tín thương hiệu. Hơn bao giờ hết, mỗi doanh nghiệp bảo hiểm phải biết tự thích ứng với môi trường cạnh tranh, loại bỏ những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, tìm ra những lợi thế riêng để phát triển bền vững.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật