Đa dạng hóa đầu tư đã, đang và sẽ tiếp tục trở thành xu hướng phát triển ngày càng đậm nét của các tập đoàn kinh tế ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.Trên thực tế tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), ngoài các sản phẩm, dịch vụ liên quan tới viễn thông và công nghệ thông tin, còn mở rộng sang dịch vụ quảng cáo, kinh doanh bất động sản, cho thuê văn phòng. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngoài lĩnh vực hoạt động truyền thống là sản xuất kinh doanh điện năng, viễn thông công cộng và cơ khí điện lực, còn đầu tư mở rộng sang lĩnh vực bất động sản, tài chính – ngân hàng. Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) cũng không chịu bó khuôn trong lĩnh vực cao su, mà còn lấn sang ngành cơ khí, quản lý khai thác cảng biển, vận tải, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, kinh doanh bất động sản, dịch vụ khách sạn, du lịch nội địa, quốc tế… Có thể nói, việc đa dạng hóa đầu tư của các tập đoàn và doanh nghiệp xuất phát từ nhu cầu thực tiễn phát triển kinh doanh: từ sự xuất hiện cung – cầu mới, từ xu hướng phát triển ngành và sự phát triển của khoa học công nghệ. Ngoài ra, sự gia tăng áp lực cạnh tranh giữa các đối thủ tiềm năng đòi hỏi các doanh nghiệp phải bám sát thị trường, nhạy bén và năng động nắm bắt những thời cơ mới, không ngừng mở rộng quy mô, phát huy các nguồn lực bên trong, huy động nguồn lực bên ngoài, giảm thiểu rủi ro theo kiểu “không bỏ hết trứng vào một giỏ”. Đa dạng hóa cũng góp phần phát triển thị trường, tạo đà phát triển tiếp theo cho doanh nghiệp. Theo thống kê của Bộ Tài chính, tính đến hết năm 2007, tổng giá trị tài sản của 70 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đạt hơn 803.000 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu là 323.000 tỉ đồng, số vốn đầu tư ra bên ngoài của các tập đoàn, tổng công ty có giá trị lên đến gần 117.000 tỉ đồng. Trong đó 28/70 tổng công ty có hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm… với giá trị hơn 23.300 tỉ đồng. Tuy nhiên ở Việt Nam, các tập đoàn và công ty nhà nước lớn đã và đang giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân, là công cụ để Nhà nước điều hành và phát triển nền kinh tế thị trường nhiều thành phần theo định hướng XHCN. Như vậy, về bản chất kinh tế, các tập đoàn và công ty nhà nước không phải và càng không thể là định chế hoạt động thiên về đầu tư bề rộng thuần túy với kỳ vọng thu lợi nhuận thị trường, mà chỉ nên tham gia hoặc đảm trách các hoạt động kinh doanh công ích và những hoạt động nào mà các doanh nghiệp tư nhân không muốn làm hoặc không được phép làm, để bảo đảm cân đối và duy trì cạnh tranh lành mạnh, hoặc hỗ trợ và tạo động lực thúc đẩy đời sống kinh tế – xã hội diễn ra trơn tru, bình thường. Đặc biệt, trong khuôn khổ cơ chế hiện hành, các tập đoàn và công ty nhà nước thường rất dễ khai thác, lạm dụng ưu đãi (nhất là về vốn, nghĩa vụ tài chính và điều kiện đất đai) cùng các cơ hội kinh doanh độc quyền hơn những loại hình doanh nghiệp khác, nên việc đầu tư đa ngành vì mục tiêu lợi nhuận thị trường thuần túy, nhất là nếu có tính chất cơ hội cục bộ, cá nhân sẽ gây ra những cạnh tranh không lành mạnh hoặc phải trả những cái giá đắt đỏ cho rủi ro thị trường, sự thiếu trách nhiệm và nạn tham nhũng…
Thực tế cho thấy, việc hoạt động đa ngành nghề, đa lĩnh vực cũng có tính hai mặt của nó: Một mặt, nếu doanh nghiệp đi đúng hướng và đầu tư thành công sẽ giúp doanh nghiệp đạt được những mục tiêu như đã nêu trên; mặt khác, nếu “chệch hướng” hoặc đầu tư không hiệu quả có thể làm suy sụp hình ảnh của doanh nghiệp, thậm chí đánh mất thương hiệu và gây ra những thiệt hại to lớn khó lường cho doanh nghiệp.Những tác động mặt trái của đa dạng hóa đầu tư là do: khi doanh nghiệp đầu tư đa ngành, đa nghề ít nhiều đánh mất đi lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh của mình, rất dễ mắc sai lầm do phân tán các nguồn lực và thiếu kinh nghiệm của bộ máy quản lý. Bên cạnh đó, việc kiểm soát vốn trong hoạt động đa lĩnh vực rất phức tạp, nếu làm không tốt thì sự thất thoát, lãng phí và khả năng đổ vỡ tài chính là những nguy cơ có thực. Đặc biệt, cần thấy rằng, với khả năng tài chính có hạn của mình, việc đầu tư vốn dàn trải sẽ buộc doanh nghiệp phải tìm đến nguồn vốn mới với những điều khoản thương mại ngặt nghèo, dễ sa vào chiếc bẫy nợ nần hoặc lãng phí khủng khiếp nguồn vốn ngân sách nhà nước và tín dụng đầu tư các cấp, loại. Để giảm thiểu rủi ro, tránh những tác động mặt trái trong đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực như trên, các doanh nghiệp cần theo sát các nguyên tắc sau: Thứ nhất, cần đảm bảo nguyên tắc bám sát thị trường, biết mình biết ta. Doanh nghiệp khi tiến sang lĩnh vực mới nên có sự chuẩn bị kỹ càng, phân tích chiến lược toàn diện, dự báo sát các triển vọng thị trường dài hạn, trung hạn và ngắn hạn để hình thành và triển khai dự án đầu tư mới đúng nơi đúng lúc… Thứ hai, cần tránh việc đầu tư theo kiểu phong trào và đặc biệt tránh chạy theo tư tưởng đầu cơ, chỉ nhìn thấy lợi nhuận “nóng” trước mắt, mà quên đi chuyên môn và mục tiêu chính của mình. Thứ ba, cần theo sát sở trường và đầu tư đa ngành có trọng tâm. Doanh nghiệp nên đa dạng hóa một cách chuyên sâu, tạo sự tương hỗ, liên kết giữa các sản phẩm và dự án đầu tư mới và cũ trong quá trình đa dạng hóa và phát triển của mình. Những ngành, sản phẩm đa dạng mới mà doanh nghiệp lựa chọn phải phù hợp hoặc có tính bổ sung cao, thiết thực với năng lực và thị trường hiện tại, sẵn có của bản thân doanh nghiệp, đồng thời phù hợp với triển vọng trung và dài hạn của thị trường trong nước và thế giới. Thứ tư, phải chuẩn bị kỹ nguồn vốn huy động mang tính an toàn cao, rẻ để tránh sức ép trả nợ trong thời kỳ dự án mới đầu tư chưa sinh lợi. Đặc biệt, doanh nghiệp cần tỉnh táo trước những chiếc bẫy nợ hoặc sự lừa đảo và các dạng tội phạm tài chính ngày càng đa dạng và tinh vi trên thương trường. Thứ năm, phải biết trọng dụng chuyên gia, người tài cả về quản lý lẫn về công nghệ trong lĩnh vực đầu tư mới mà ê kíp cán bộ cũ còn bỡ ngỡ. Nói cách khác, người nào việc ấy, không thể dùng cán bộ và chuyên gia cũ cho một lĩnh vực đầu tư kinh doanh mới, tựa như không thể dùng thợ cơ khí để chế tạo đồ mộc, thợ hàn để chế tạo phần mềm trong công nghệ thông tin. Nếu phương án nhân sự mà không khớp với phương án tài chính và tiến độ triển khai dự án, thì độ thành công của dự án đa dạng hóa đầu tư thật là mong manh, thậm chí ngoài tầm kiểm soát của bất kỳ doanh nghiệp nào…
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"