Sau 1 năm đi vào cuộc sống Luật thi hành án dân sự năm 2009 (Luật THADS năm 2009) đã góp phần không nhỏ trong công tác thi hành án dân sự. Tuy nhiên, từ thực tiễn của công tác này đã nảy sinh những bất cập cần có văn bản hướng dẫn cụ thể.
Kéo dài thời gian, chậm thi hành vì thiếu hướng dẫn
Điều 38 Luật THADS năm 2009 quy định: các quyết định về thi hành án phải được gửi cho Viện kiểm sát (VKS) cùng cấp để thực hiện việc kiểm sát. Tuy nhiên, điều luật lại không quy định rõ trong thời hạn bao nhiêu ngày, kể từ khi ra các quyết định về thi hành án thì cơ quan thi hành án (Cục; Chi cục Thi hành án) phải gửi các quyết định đó cho VKS. Do vậy, có trường hợp sau một thời gian dài kể từ khi ra quyết định (hoặc đến khi giao được quyết định cho đương sự) thì cơ quan thi hành án mới gửi quyết định cho VKS để thụ lý và kiểm sát việc thi hành. Từ đó dẫn tới việc cập nhật của VKS không kịp thời, số liệu thống kê giữa các ngành không được chính xác (ví dụ ra quyết định tháng 10 nhưng đến tháng 12 mới gửi cho VKS do đó VKS phải báo cáo vào số liệu tháng 12 – thuộc năm thống kê khác). Hơn nữa, việc không quy định rõ thời gian gửi các quyết định dẫn đến tình trạng VKS cũng không có căn cứ để kiến nghị hoặc kháng nghị các quyết định về thi hành án của cơ quan thi hành án.
Ngoài ra, tại các Điều 30, 31 Luật THADS năm 2009, quy định về việc thi hành án theo đơn của người được thi hành án (hoặc người phải thi hành án) thì phải làm đơn yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thi hành, đồng thời phải cung cấp thông tin về tài sản của người phải thi hành án cho cơ quan thi hành án. Tuy nhiên, do hiện nay chưa có mẫu đơn áp dụng thống nhất, nên mỗi nơi có một loại mẫu đơn khác nhau, hoặc người có yêu cầu tự viết tay và nộp cho cơ quan thi hành án. Trong cả 2 trường hợp này, việc hướng dẫn người được thi hành án viết đơn mất rất nhiều thời gian do điền không đúng, không đủ thông tin cần thiết hoặc không đạt yêu cầu về pháp lý. Do đó người được thi hành án phải làm đi làm lại nhiều lần, gây phiền hà, bức xúc dẫn đến khiếu kiện và hậu quả tất yếu là vụ việc chậm được xử lý, tồn đọng.
Cần quy định rõ trách nhiệm cung cấp thông tin điều kiện thi hành án
Theo quy định tại Điều 44 của Luật THADS năm 2009 thì cơ quan THADS chỉ chủ động xác minh đối với loại việc thuộc trường hợp thủ trưởng cơ quan thi hành án chủ động ra quyết định thi hành theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật THADS. Còn đối với những trường hợp thi hành án theo đơn thì người được thi hành án phải tự tiến hành xác minh và cung cấp kết quả đó cho cơ quan thi hành án, tự chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của tài liệu đó. Trong trường hợp không thể tự xác minh được thì có thể yêu cầu chấp hành viên (CHV) tiến hành xác minh… kèm theo tài liệu để chứng minh là họ đã không thể tự xác minh được thì lúc đó CHV mới tiến hành xác minh. Tuy nhiên, trên thực tế từ khi Luật THADS có hiệu lực đến nay hầu như không có trường hợp nào người được thi hành án cung c
ấp thông tin về tài sản của người phải thi hành án cho cơ quan thi hành án mà sau đó thi hành được. Mặc dù, người phải thi hành án có tài sản thì người được thi hành án cũng không có quyền áp dụng các biện pháp như cấm dịch chuyển, tạm giữ tài sản… nhằm không cho người phải thi hành án tẩu tán tài sản…
Điều 6 nghị định số 58/2009/NĐ – CP ngày 13.7.2009 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật thi hành án dân sự và thủ tục thi hành án dân sự đã quy định về trách nhiệm của cơ quan tổ chức… là phải cung cấp thông tin nhưng những cơ quan này sẽ không thực hiện vì việc cung cấp thông tin về tài sản cá nhân chưa được quy định rõ, hoặc là do ngành luật khác điều chỉnh (ví dụ như do yêu cầu bảo mật tài sản của khách hàng mà ngân hàng không được phép cung cấp thông tin tiền trong tài khoản…). Hiện nay, chưa có một quy định hay chế tài cụ thể nào buộc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải cung cấp thông tin về tài sản của một cá nhân cho cá nhân khác. Do đó việc quy định người được thi hành án tự xác minh về tài sản của người phải thi hành án và áp dụng các biện pháp cần thiết để xác minh tài sản của người phải thi hành án rõ ràng là điều họ không thể thực hiện được, còn khi họ yêu cầu CHV xác minh thì lại phải theo một thủ tục phức tạp và mất thời gian hơn rất nhiều (đơn yêu cầu xác minh, tài liệu chứng minh là không được cung cấp…).
Điều đáng bàn hơn, khi yêu cầu xác minh thì người được thi hành án lại phải chịu chi phí xác minh theo quy định tại khoản 1 điều 31 Nghị định 58/2009/NĐ – CP, nhưng hiện nay lại chưa có quy định về việc thu phí xác minh là bao nhiêu? thu theo vụ hay theo việc? tính chất của việc cần xác minh là khó hay dễ, xác minh ở cơ quan nhà nước hay tư nhân… và thế nào là chi phí thực tế, hợp lý cho việc xác minh… từ đó dẫn đến phát sinh các yếu tố tiêu cực trong quá trình thực hiện xác minh của CHV.
Quyết định kết thúc thi hành án?
Pháp lệnh THADS năm 2004 quy định: cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định kết thúc việc thi hành án, trong trường hợp đình chỉ thi hành án thì cơ quan thi hành án không cần phải ra quyết định kết thúc vì đã đương nhiên kết thúc. Trên cơ sở các quyết định kết thúc, VKS nắm được số vụ việc đã được giải quyết xong, số việc tồn đọng… của cơ quan thi hành án. Tuy nhiên, Điều 52 của Luật THADS năm 2009 quy định: trong mọi trường hợp khi thi hành xong thì cơ quan thi hành án không phải ra quyết định kết thúc mà chỉ ghạch trên sổ thụ lý (đương nhiên kết thúc). Như vậy sẽ không có quyết định kết thúc gửi cho VKS. Từ quy định như trên dẫn đến tình trạng VKS không nắm được số vụ việc đã thi hành xong, số vụ việc tồn đọng lâu, tiến độ cũng như thái độ làm việc của CHV thụ lý giải quyết vụ việc… để từ đó có biện pháp phối hợp thi hành, hoặc có trường hợp chấp hành viên đã thi hành xong vụ việc nhưng không hoặc quên ghạch sổ thụ lý, dẫn đến bỏ lọt án.
SOURCE: BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN - DƯƠNG VĂN THỊNH – Viện KSND huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"