NHỮNG BẤT CẬP VÀ PHƯƠNG HƯỚNG HOÀN THIỆN CÁC QUI ĐỊNH PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

THS. NGUYỄN NHƯ QUỲNH – Khoa Luật dân sự – Đại học Luật Hà Nội 1. Mở đầu Bên cạnh tài sản hữu hình, tài sản vô hình (trong đó bao gồm cả quyền sở hữu trí tuệ)[1] cũng khẳng định vai trò thiết yếu của nó đối với không chỉ các nhà sản xuất, các doanh nghiệp[2] mà còn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia. Theo ngài Kamil Idris – Tổng giám đốc Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), “Mặc dù tài sản hữu hình như đất đai, lao động và tiền vốn đã từng là tiêu chuẩn so sánh tình trạng kinh tế, điều này không còn đúng nữa. Động lực mới tạo ra sự thịnh vượng trong xã hội đương thời là tài sản dựa trên tri thức”[3]. Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới cũng khẳng định rằng: Sở hữu trí tuệ thuộc về tất cả các dân tộc, liên hệ tới mọi thời đại và nền văn hoá, đồng thời sở hữu trí tuệ cũng đánh dấu sự tiến triển của thế giới, có đóng góp trong qúa trình lịch sử cho tiến bộ xã hội.[4] Nhận thức được tầm quan trọng của tài sản vô hình cũng như quyền sở hữu trí tuệ và yêu cầu hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ trong bối cảnh hội nhập quốc tế, từ nhiều thế kỷ trước, các quốc gia đã có chính sách, chiến lược thích hợp cho việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý và cơ chế thực thi quyền sở hữu trí tụê[5]. Hiện nay, đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia phát triển, cơ sở pháp lý cho sở hữu trí tuệ đã ở mức độ hoàn thiện. Tuy vậy, ở Việt nam, văn bản pháp luật sở hữu trí tuệ được ban hành rất muộn và những quy định pháp luật hiện hành về quyền sở hữu trí tuệ bộc lộ quá nhiều hạn chế. Để bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả những giá trị to lớn của tài sản trí tuệ, đồng thời thúc đẩy nhanh tiến trình hội nhập quốc tế[6], chúng ta cần phải nghiêm túc, thận trọng, và khách quan xem xét những bất cập của các quy định pháp luật sở hữu trí tuệ, trên cơ sở đó đưa ra phương hướng hoàn thiện các quy định này. Có như vậy, sở hữu trí tuệ mới thực sự là công cụ đắc lực để phát triển kinh tế.   Đề tài này được thực hiện trong hoàn cảnh BLDS năm 2005 và Luật sở hữu trí tuệ mới có hiệu lực, nhiều văn bản pháp luật sở hữu trí tuệ được ban hành trước khi ban hành BLDS năm 2005 và Luật sở hữu trí tuệ vẫn được áp dụng. Bởi vâỵ, đề tài này tập trung vào phân tích cả những bất cập của các quy định pháp luật Việt Nam về quyền sở hữu trí tuệ trước khi ban hành BLDS năm 2005 và Luật sở hữu trí tuệ và những hạn chế trong các quy định về quyền sở hữu trí tuệ của BLDS năm 2005 và Luật sở hữu trí tuệ. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ của nước ta. 2. Những bất cập của các quy định pháp luật Việt Nam về quyền sở hữu trí tuệ[7] Trước hết, phải khẳng định rằng ở nước ta, các quy định pháp luật sở hữu trí tuệ được ban hành trước đây và những quy định hiện hành đã tạo được cơ sở pháp lý cho hoạt động sáng tạo trí tuệ, khuyến khích sự sáng tạo của cá nhân, tổ chức; đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể. Bên cạnh đó, tuy nhiên, nhiều hạn chế còn tồn tại. Sau đây, tác giả xin chỉ ra những bất cập cơ bản của các quy định pháp luật Việt Nam về sở hữu trí tuệ[8]. 2.1 Chưa xác định đúng vị trí của pháp luật sở hữu trí tuệ trong hệ thống pháp luật Điểm bất cập này thể hiện ở hai khía cạnh: pháp luật sở hữu trí tuệ chưa có vị trí xứng đáng trong hệ thống pháp luật Việt nam; và pháp luật sở hữu trí tuệ chưa được đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các ngành luật có liên quan. Việc xác định tầm quan trọng của vấn đề cần điều chỉnh có ý nghĩa vô cùng quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến xây dựng các quy định pháp luật điều chỉnh vấn đề đó. Cụ thể, nếu vấn đề được coi là quan trọng sẽ được đầu tư nhiều hơn trong xây dựng các quy định pháp luật điều chỉnh vấn đề này, đồng thời có vị trí xứng đáng trong hệ thống pháp luật và ngược lại. Trong những năm qua, chúng ta chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của tài sản vô hình nói chung và quyền sở hữu trí tuệ nói riêng. Hệ quả là, chúng ta chậm ban hành các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ. Văn bản pháp luật đầu tiên về quyền tác giả là Nghị quyết 25/CP ngày 24/2/1961 của Hội đồng Chính Phủ về chế độ nhuận bút. Trong khi đó, nước ý đã ban hành đạo luật bảo hộ sáng chế từ năm 1474 (Đạo luật Venice) và công ước quốc tế đầu tiên trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ ra đời vào năm 1883 (Công ước Paris). Như vậy, trong lĩnh vực pháp luật sở hữu trí tuệ, chúng ta “xuất phát muộn hơn” các quốc gia khác vài trăm năm. Cũng chính vì nhận thức chưa đầy đủ về vai trò của sở hữu trí tuệ, chúng ta chưa đầu tư thích đáng cho việc xây dựng pháp luật sở hữu trí tuệ và chưa cho lĩnh vực pháp luật này một vị trí xứng đáng trong hệ thống pháp luật Việt nam. Cụ thể, các văn bản pháp luật sở hữu trí tuệ có hiệu lực thấp; các vấn đề liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ không được quy định tập trung trong một văn bản mà quy định tản mạn, không có tính hệ thống và tính thống nhất (xem cụ thể phần 2.2). Các quy định pháp luật sở hữu trí tuệ được ban hành quá biệt lập mà không được đặt trong mối liên hệ chặt chẽ với quy định pháp luật của nhiều ngành luật liên quan khác như luật hành chính, luật hình sự, luật thương mại, luật tố tụng dân sự, thậm chí ngay cả các quy định khác của pháp lụât dân sự. Đây đã từng là đặc điểm của hoạt động xây dựng pháp luật Việt nam những năm về trước nhưng hiện nay về cơ bản đã được khắc phục. Tuy nhiên, đối với các quy định pháp luật sở hữu trí tuệ, đặc điểm này vẫn nổi bật và đáng lưu tâm. Cụ thể, giữa các ngành luật có những quy định chồng chéo về cùng một vấn đề hoặc có vấn đề không được ngành luật nào đề cập (xem phần 2.3 và 2.4); không thống nhất trong quy định giữa các văn bản pháp luật khác nhau và giữa các ngành luật. Chính điều này làm giảm hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Chưa xác định đúng vị trí của pháp luật sở hữu trí tuệ trong hệ thống pháp luật là hạn chế cơ bản nhất, lớn nhất, điều này kéo theo nhiều bất cập khác. Bởi vậy, trong quá trình hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ, trước tiên cần xem xét và giải quyết hạn chế này. 2.2 Các quy định rất tản mạn, chưa có tính hệ thống và tính thống nhất Đặc điểm tản mạn, chưa có tính hệ thống, tính thống nhất của các quy định pháp luật sở hữu trí tuệ chính là hệ quả của việc chưa xác định đúng vị trí của pháp luật sở hữu trí tuệ trong hệ thống pháp luật Việt nam. Đặc điểm này thể hiện cụ thể như sau: một vấn đề được quy định trong rất nhiều văn bản, những văn bản này có hiệu lực khác nhau thậm chí có hiệu lực như nhau nhưng do các cơ quan khác nhau ban hành. Các quy định pháp luật sở hữu trí tuệ không được quy định chung trong một văn bản pháp luật, sau đó được hướng dẫn cụ thể tại một số văn bản pháp luật có hiệu lực thấp hơn. Kết quả, người tài tình đến mấy cũng không thể vẽ nổi mô hình hoàn mỹ về các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt nam. Pháp luật sở hữu trí tuệ của chúng ta đang thiếu hai đặc điểm cơ bản của pháp luật là tính hệ thống và tính thống nhất. Sau đây là một số ví dụ điển hình về sự tản mạn, thiếu tính hệ thống và tính thống nhất của các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực quyền tác giả cũng như lĩnh vực quyền sở hữu công nghiệp. - Quy định thực thi quyền tác giả Trong lĩnh vực quyền tác giả, sự tản mạn, thiếu tính hệ thống và tính thống nhất thể hiện điển hình trong các quy định về thực thi quyền tác giả.Vấn đề thực thi quyền tác giả được quy định rải rác trong rất nhiều văn bản có hiệu lực khác nhau. Có thể liệt kê một số văn bản sau đây: Bộ luật dân sự; Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004; Công văn số 97/KHXX ngày 21/8/1997 của Toà án nhân dân tối cao xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp về quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp; Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BVHTT ngày 5/12/2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ văn hoá-thông tin về giải quyết các tranh chấp liên quan đến quyền tác giả tại Toà án nhân dân; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1998; Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002; Nghị định 88/CP ngày 14/12/1995 của Chính Phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các hoạt động văn hoá và phòng chống tệ nạn xã hội; Nghị định số 31/2001/NĐ-CP ngày 16/6/2001 của Chính Phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá-thông tin (Nghị định này bãi bỏ mục 1,2 và 4-chương II của Nghị định 88/CP kể trên); Luật hải quan năm 2001; Nghị định số 101/2001/NĐ-CP ngày 31/12/2001 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hải quan; Nghị định số 10/CP ngày 23/1/1995 của Chính Phủ về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của quản lý thị trường; Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 27/8/2001 của Thủ tướng Chính Phủ về việc thành lập Ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; Bộ luật hình sự năm 1999; Ngày 21/8/1997, Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 97/KHXX xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp về quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp. Tiếp đó, ngày 5/12/2001, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ văn hoá-thông tin đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BVHTT về giải quyết các tranh chấp liên quan đến quyền tác giả tại Toà án nhân dân. Tuy nhiên, tất cả những văn bản pháp luật này cũng chưa quy định rõ, đầy đủ các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ cụ thể nào thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án theo thủ tục tố tụng dân sự. Những quy định tản mạn, không mang tính hệ thống này gây rất nhiều khó khăn cho việc thực hiện pháp luật về quyền tác giả. Xin nêu ra đây một ví dụ: khi muốn xác định một tranh chấp cụ thể về quyền tác giả có thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân không, cá nhân, tổ chức thực hiện pháp luật không thể tìm được ở một hoặc vài văn bản pháp luật mà phải nghiên cứu quá nhiều văn bản khác nhau như: Bộ luật dân sự, Luật sở hữu trí tuệ, Bộ luật tố tụng dân sự, Thông tư của Toà án… Thẩm quyền của Toà án chỉ có thể xác định được trên cơ sở các quy định rải rác trong các văn bản pháp luật kể trên và thực tế phát sinh. - Quy định Đơn yêu cầu cấp Văn bằng bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp. Trong nhiều năm vừa qua, để hoàn tất Đơn yêu cầu cấp Văn bằng bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp, người nộp đơn phải đọc một số văn bản tối thiểu sau đây: Bộ luật dân sự; Nghị định 63/CP của Chính phủ ngày 21/5/1996 quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp; Thông tư số 3055/TT-SHCN ngày 31/12/1996 của Bộ Khoa học công nghệ môi trường (nay là Bộ Khoa học công nghệ) hướng dẫn thi hành các quy định về thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp và một số thủ tục khác trong Nghị định 63/CP của Chính phủ ngày 21/5/1996 quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp; Quy định số 308/ĐK ngày 11/6/1997 về hình thức, nội dung các loại đơn về sở hữu công nghiệp. Những quy định tản mạn này gây khó khăn cho các cá nhân, tổ chức ngay từ thủ tục xin xác lập quyền-khâu đầu tiên trong quá trình bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. - Quy định hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp chưa được quy định tập trung, thống nhất mà còn rải rác ở quá nhiều văn bản pháp luật có hiệu lực khác nhau làm phát sinh nhiều kẽ hở, nhiều khó khăn trong thực tiễn áp dụng. Điều 805-Bộ luật dân sự năm 1995 chỉ quy định các hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu hàng hoá (BLDS năm 2005 không quy định về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp). Trong khi đó, điều luật không quy định các hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với tên gọi xuất xứ hàng hoá, mặc dù tên gọi xuất xứ hàng hoá là một đối tượng sở hữu công nghiệp được pháp luật bảo hộ như quy định tại Điều 780-BLDS. Nghị định 63/CP ngày 24/10/1996 của Chính Phủ đóng vai trò là văn bản cụ thể hoá các quy định sở hữu công nghiệp trong Bộ luật dân sự năm 1995. Đáng tiếc rằng, liên quan đến việc xác định hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp, Nghị định 63/CP không có bất kỳ một điều nào quy định chi tiết Điều 804 và Điều 805 của Bộ luật dân sự năm 1995, hay nói cách khác, không có quy định chi tiết nào về hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp. Các hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp chỉ có thể xác định được một cách gián tiếp thông qua một loạt các điều luật: Điều 5, 6, 7, 34, 53 và 54 của Nghị định này. Thậm chí, ngay trong từng điều luật của Nghị định 63/CP cũng có những điểm khó hiểu, không thống nhất. Điều 53 có tiêu đề: “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, xâm phạm quyền của tác giả sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp”. Tuy nhiên, khoản 1-Điều 53 lại giải thích khoản 1-Điều 804-BLDS năm 1995; khoản 2-Điều 53 quy định về sự vi phạm của chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp đối với tác giả của đối tượng này do không trả thù lao và không đảm bảo các quyền tinh thần; còn khoản 3-Điều 53 lại quy định về các trường hợp không xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp chỉ đối với nhãn hiệu hàng hoá và tên gọi xuất xứ hàng hoá. Bên cạnh Bộ luật dân sự năm 1995 và Nghị định 63/CP, Nghị định 12/1999/NĐ-CP cũng “góp phần” xác định hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp khi giải thích về “Yếu tố vi phạmtại khoản 4 – Điều 1 và quy định về “Hành vi vi phạm quy định về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Điều 9. Thực chất, những quy định này nhằm bổ sung cho những quy định chưa đầy đủ về hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi xuất xứ hàng hoá trong Bộ luật dân sự và Nghị định 63/CP. Tuy nhiên, quy định rải rác như thế này gây khó khăn cho việc áp dụng. Các hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và bí mật kinh doanh được quy định trong Nghị định 54/2000/NĐ-CP. Như vậy, để tìm được cơ sở pháp lý cho việc xác định được hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với từng đối tượng sở hữu công nghiệp không phải đơn giản. Để làm được điều này, cần phải dựa vào tối thiểu bốn văn bản pháp luật với những quy định tản mạn, đôi khi không rõ ràng. Đây là vấn đề vô cùng khó khăn trong việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp ở nước ta hiện nay. 2.3 Còn nhiều quy định chưa rõ ràng - Quy định hành vi xâm phạm quyền tác giả Trước khi Luật sở hữu trí tuệ được ban hành, các văn bản pháp luật chưa quy định cụ thể các hành vi xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan. BLDS năm 1995 chỉ quy định về quyền của tác giả đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm (Đ751), quyền của tác giả không đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm (Đ752), quyền của chủ sở hữu tác phẩm không đồng thời là tác giả (Đ753) mà không quy định về hành vi vi phạm quyền tác giả. Về quyền liên quan, BLDS năm 1995 quy định quyền của người biểu diễn (Đ775), quyền của tổ chức sản xuất băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình (Đ777), quyền của tổ chức phát thanh, truyền hình (Đ779) mà cũng không vi phạm hành vi vi phạm quyền của những chủ thể có quyền liên quan này. Tương tự như BLDS năm 1995, BLDS năm 2005 cũng không quy định những hành vi vi phạm quyền tác giả mà chỉ quy định quyền của tác giả và quyền liên quan. Tuy nhiên, về vấn đề này, có hai điểm khác biệt sau đây giữa BLDS năm 2005 và BLDS năm 1995. Thứ nhất, BLDS năm 2005 không quy định cụ thể quyền của tác giả đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm, quyền của tác giả không đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm, quyền của chủ sở hữu tác phẩm không đồng thời là tác giả mà chỉ quy định chung về nội dung của quyền tác giả tại Đ738. Thứ hai, về quyền liên quan, BLDS năm 2005 có bổ sung quy định về quyền đối với tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá tại Đ748. Trước khi Luật sở hữu trí tuệ được ban hành, trong toàn bộ các văn bản pháp luật, chỉ có một điều luật duy nhất quy định về hành vi vi phạm quyền tác giả, đó là Đ35 Nghị định 63/CP của Chính phủ ngày 21/5/1996 quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề đáng bàn là điều luật này chỉ quy định về một số hành vi vi phạm quyền tác giả chứ không phải là toàn bộ các hành vi vi phạm; các hành vi vi phạm được quy định quá chung chung (Ví dụ, quy định sao chép nội dung tác phẩm của người khác đưa vào tác phẩm của mình mà không được sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm); hơn nữa hành vi vi phạm các quyền liên quan chỉ được nêu ra mà chưa được quy định cụ thể thế nào là hành vi vi phạm quyền của người biểu diễn hay quyền của tổ chức phát sóng (khoản 1). Do cơ sở pháp lý chưa rõ ràng, trong thực tế, để xác định hành vi vi phạm quyền tác giả, các cơ quan có thẩm quyền thực thi quyền tác giả buộc phải suy luận logic theo hướng: một hành vi bị coi là vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan nếu hành vi đó vi phạm các quyền được pháp luật quy định cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm và những chủ thể có quyền liên quan; còn nếu hành vi vi phạm quy định rõ tại Đ35 Nghị định 63/CP thì không phải bàn cãi gì thêm. Bên cạnh đó, cũng có những người nhận dạng hành vi vi phạm quyền tác giả dựa vào các tiêu chí khác. Chẳng hạn, dựa vào chủ thể vi phạm và đối tượng bị vi phạm, hành vi vi phạm quyền tác giả được phân loại thành: các nhà sáng tạo (các tác giả) xâm phạm quyền của nhau; nhà khai thác, sử dụng xâm phạm các quyền của tác giả; nhà sản xuất, kinh doanh, hoạt động dịch vụ xâm phạm quyền của nhau khi khai thác, sử dụng tác phẩm[9]. Quy định không rõ ràng về hành vi vi phạm quyền tác giả gây khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền. Có những hành vi xâm phạm quyền tác giả một cách rõ ràng, nhưng cũng có những hành vi phải phân tích, xem xét kỹ lưỡng mới kết luận được có phải hành vi vi phạm hay không. Cho nên, dẫn đến hai hệ quả là: bỏ sót ngừơi vi phạm hoặc xử lý người không vi phạm. - Quy định xác định hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp Pháp luật chưa quy định đầy đủ, chính xác các tiêu chí cơ bản nhằm xác định hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp. Theo quy định tại Khoản 1-Điều 804-BLDS năm 1995, hành vi sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp sẽ bị coi là hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp nếu thoả mãn hai điều kiện: 1. Sử dụng trong thời hạn đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ; 2. Sử dụng mà không xin phép chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên, hành vi sử dụng thoả mãn hai điều kiện trên nhưng không bị coi là hành vi vi phạm nếu là hành vi sử dụng trước theo Điều 801-BLDS năm 1995 hoặc sử dụng trên cơ sở quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (li-xăng không tự nguyện) theo Điều 802-BLDS năm 1995. Việc quy định hai tiêu chí như trên làm cơ sở cho việc xác định hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp chưa đầy đủ, chưa chính xác. Bởi vì, trong nhiều trường hợp, mặc dù cá nhân, tổ chức sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp không được sự đồng ý của chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp đó và trong thời hạn đối tượng được bảo hộ tuy nhiên vẫn không phải là hành vi vi phạm nếu ở vào một trong các trường hợp khác như sau: sử dụng không nhằm mục đích thương mại; việc sử dụng không gây nhầm lẫn với đối tượng đã được bảo hộ… - Quy định bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp bằng biện pháp hành chính Khi quyền sở hữu công nghiệp bị xâm phạm, pháp luật cho phép tác giả, chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp quyền được khởi kiện trước Toà án theo thủ tục hành chính để bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp của mình. Tuy nhiên, các quy định liên quan đến thủ tục này được quy đinh rải rác trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau của Chính phủ. Trong đó, có những nội dung cơ bản chưa được quy định rõ ràng, cụ thể hoặc chưa được quy định. Điều này gây khó khăn cho không chỉ đương sự khi tiến hành thủ tục khởi kiện mà còn gây khó khăn cho Toà án thụ lý và giải quyết vụ việc. Theo Nghị định 12/1999/NĐ-CP ngày 6/3/1999 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp thuộc về nhiều cơ quan. Cụ thể là: UBND các cấp, thanh tra chuyên ngành khoa học-công nghệ, cảnh sát kinh tế, quản lý thị trường và hải quan. Cùng với Nghị định 12/1999/NĐ-CP, một số văn bản pháp luật liên quan cũng quy định về chức năng của các cơ quan này. Ví dụ: Luật hải quan năm 2001 quy định về chức năng của hải quan; Thông tư liên tịch số 58/TTLT/BVHTT-BTC ngày 17/10/2003 của Bộ văn hoá thông tin và Bộ tài chính quy định về thủ tục thực thi tại cơ quan hải quan. Pháp lệnh cảnh sát nhân quy định về chức năng, nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát nhân dân tại Đ5. Trước hết, phải khẳng định rằng quy định nhiều cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp là cần thiết. Tuy nhiên, Nghị định 12/1999/NĐ-CP và các văn bản pháp luật liên quan chưa quy định cụ thể thẩm quyền của từng cơ quan trong xử lý vi phạm quyền sở hữu công nghiệp, chưa phân định rạch ròi thẩm quyền của từng cơ quan, chưa quy định về sự phối hợp giữa những cơ quan này trong hoạt động xử lý vi phạm quyền sở hữu công nghiệp. Chính vì vậy, các cơ quan này hoạt động chồng chéo, chưa đồng bộ, thậm chí mâu thuẫn nhau. Điều này làm cho hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ chưa cao, quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp và những người có quyền sử dụng hợp pháp khác chưa được đảm bảo. - Quy định tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Đ171-BLHS năm 1999) và tội sản xuất và buôn bán hàng giả (Đ156-BLHS năm 1999). Các quy định pháp luật hình sự hiện hành chưa làm rõ được sự khác biệt giữa Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Đ171-BLHS năm 1999) và Tội sản xuất và buôn bán hàng giả (Đ156-BLHS năm 1999), trong đó, vấn đề mấu chốt là chưa quy định sự khác biệt giữa hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Theo Thông tư liên tịch số 10/2000/TTLT-BTM-BTC-BCA-BKHCNMT ngày 27/4/2000 của Bộ thương mại, Tài chính, Công an, Khoa học Công nghệ và Môi trường hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 31/1999/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng giả gồm có: Hàng giả về nội dung (giả về chất lượng hoặc công dụng) thường là những hàng hoá không có giá trị sử dụng hoặc giá trị sử dụng không đúng với tên gọi, công dụng của nó, không đảm bảo tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm đã được quy định; Hàng giả về hình thức là hàng giả về nhãn hiệu hàng hoá, kiểu dáng công nghiệp, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; Hàng giả cả về nội dung và hình thức. Mặc dù không có quy định cụ thể, tuy nhiên có thể hiểu hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp là hàng có được từ những hành vi sử dụng trái phép các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp. Ví dụ, A đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá cho nhãn hiệu “x” gắn trên sản phẩm “y”; B đã sử dụng nhãn hiệu “x” gắn trên sản phẩm “z” do B sản xuất trong thời hạn nhãn hiệu “x” được bảo hộ mà không được sự đồng ý của A (không thông qua hợp đồng li-xăng, cũng không theo quyết định li-xăng bắt buộc). Trong trường hợp này, sản phẩm “z” có gắn nhãn hiệu “x” do B sản xuất là hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Rõ ràng, quy định của pháp luật hiện hành về hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp có một bộ phận trùng nhau. Đó là trường hợp hàng giả về hình thức và hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, chỉ dẫn địa lý. Cần phải phân định rạch ròi hai tội danh vì hai tội danh này rất khác nhau về thủ tục tố tụng và mức hình phạt. Về thủ tục tố tụng, nếu xác định người phạm tội thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, về nguyên tắc, cơ quan chức năng có quyền tiến hành khởi tố vụ án hình sự ngay sau khi phát hiện ra hành vi phạm tội và yêu cầu chủ sở hữu nhãn hiệu tham gia tố tụng với tư cách là người bị hại. Còn nếu xác định ngừơi phạm tội đã thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, theo Đ88 Bộ luật tố tụng hình sự, các cơ quan chức năng chỉ có thể khởi tố vụ án khi có yêu cầu từ phía chủ sở hữu nhãn hiệu. Về mức hình phạt, nếu người phạm tội bị xử lý theo tội sản xuất và buôn bán hàng giả, mức hình phạt cao nhất là 15 năm tù giam (khoản 3 Đ156); trong khi đó nếu bị xử lý theo tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, mức hình phạt cao nhất chỉ là 3 năm tù giam. Như vậy, việc áp dụng tội danh nào ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người phạm tội và cả chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp. Nếu nhầm lẫn giữa hai điều luật này vô cùng nguy hiểm, có thể dẫn đến hệ quả là tăng hình phạt cho người phạm tội hoặc giảm nhẹ hình phạt cho người phạm tội. Thực tiễn cho thấy, mặc dù trong nhiều trường hợp, hành vi thoả mãn đầy đủ các dấu hiệu cấu thành của tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp nhưng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền lại truy tố, xét xử theo tội sản xuất và buôn bán hàng giả. 2.4 Còn nhiều vấn đề chưa được điều chỉnh - Quy định về thủ tục xử lý hành vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại cơ quan hải quan. Theo quy định tại Đ57, 58, Luật hải quan năm 2001, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hải quan năm 2005 và Thông tư liên tịch số 58/TTLT/BVHTT-BTC ngày 17/10/2003 của Bộ văn hoá thông tin và Bộ tài chính về thủ tục thực thi tại cơ quan hải quan, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ đã được bảo hộ theo quy định của pháp luật Việt Nam có quyền đề nghị cơ quan hải quan tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu mà mình có căn cứ cho rằng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, pháp luật chưa quy định cụ thể hơn để cơ quan hải quan thực hiện quyền này, ví dụ các quy định về các biện pháp kiểm soát biên giới, đơn yêu cầu tạm dừng làm thủ tục thông quan, thủ tục đình chỉ thông quan, thời hạn đình chỉ thông quan, bồi thường thiệt hại cho người xuất khẩu, nhập khẩu khi bị đình chỉ thông quan trái pháp luật. - Quy định về phương pháp xác định giá trị tài sản vô hình nói chung, quyền sở hữu trí tuệ nói riêng. Là một loại tài sản, quyền sở hữu trí tuệ là đối tượng của các giao lưu dân sự, thương mại, trong đó quan hệ phổ biến nhất là quan hệ mua bán. Đối với các nước phát triển,việc mua bán tài sản là quyền sở hữu trí tuệ phổ biến từ nhiều năm nay. ở Việt nam, quan hệ này đã xuất hiện và việc định giá tài sản vô hình trong doanh nghiệp đã được áp dụng. Chẳng hạn, trong qúa trình góp vốn liên doanh, nhãn hiệu “P/S” được định gía là 5,3 triệu USD, nhãn hiệu “333” được định giá là 9 triệu USD, nhãn hiệu Halida được định giá là 500.000 USD. Tuy nhiên, pháp luật nước ta chưa có quy định về phương pháp xác định giá trị tài sản vô hình nói chung, quyền sở hữu trí tuệ nói riêng. Cho nên, thực tế xác định giá trị tài sản vô hình là quyền sở hữu trí tuệ thực sự còn nhiều vướng mắc. Thứ nhất, các tiêu chuẩn làm cơ sở cho việc áp dụng các phương pháp định giá tài sản vô hình do Uỷ ban thẩm định giá quốc tế đưa ra khó xác định, chưa thích hợp ở Việt Nam. Thứ hai, ở nước ta chưa có cơ quan chuyên trách có thẩm quyền xác định giá trị tài sản vô hình trong khi đó tài sản vô hình là loại tài sản đặc thù, đặc biệt là tài sản sở hữu trí tuệ. Cán cán bộ hiện đang thực hiện việc thẩm định gía trị tài sản hữu hình không có trình độ chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ. Thứ ba, thực tế xác định gía trị tài sản vô hình nói chung, xác định giá trị quyền sở hữu trí tuệ ở nước ta còn quá ít. Hơn nữa, việc xác định giá trị tài sản thuộc lĩnh vực sở hữu trí tuệ ở nước ta mới chỉ đặt ra với doanh nghiệp mà chưa có bất kỳ quyền sở hữu trí tuệ nào thuộc về cá nhân được định giá. Mặc dù không ít ngừơi Việt nam sở hữu quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp có giá trị lớn nhưng lại không biết, không quen với việc định giá nó hoặc không tin vào các tổ chức khi định giá nó. Bởi vậy, việc tìm ra phương pháp xác định giá trị tài sản vô hình sao cho phù hợp với điều kiện của nước ta vô cùng cần thiết. - Quy định về nguyên đơn, chứng cứ, giám định khi giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ theo thủ tục tố tụng dân sự. Một loạt các vấn đề trong giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ theo thủ tục tố tụng dân sự chưa được pháp luật điều chỉnh. Đó là các vấn đề: nguyên đơn, chứng cứ , giám định. Bộ luật tố tụng dân sự chỉ quy định những vấn đề này khi giải quyết vụ án dân sự nói chung mà chưa có quy định cho giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ. Cụ thể như sau: Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 chỉ quy định “Nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện, người được cá nhân, cơ quan, tổ chức khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm. Cơ quan, tổ chức do Bộ luật này quy định khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Toà án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách cũng là nguyên đơn” (khoản 2-Điều 56). Do pháp luật không quy định ai có quyền khởi kiện tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng, dẫn đến trong thực tế người có quyền khởi kiện đôi khi bỏ mất quyền khởi kiện hoặc người không có quyền khởi kiện lại khởi kiện nên không được Toà án giải quyết. Theo quy định tại Điều 82-Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, pháp luật thừa nhận chín nguồn chứng cứ mà đương sự được sử dụng để đảm bảo nghĩa vụ chứng minh của mình. Ngoài quy định chung này trong Bộ luật tố tụng dân sự, không có bất kỳ một văn bản pháp luật nào quy định về chứng cứ trong quá trình giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ. Trong quá trình giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, giám định là vấn đề quan trọng và cần thiết trong một số trường hợp.Vấn đề giám định sẽ đặt ra khi đối tượng sở hữu trí tuệ đang có tranh chấp là đối tượng phức tạp. Theo Điều 90-Bộ luật tố tụng dân sự, Thẩm phán ra quyết định trưng cầu giám định theo sự thoả thuận lựa chọn của các bên đương sự hoặc theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự. Kết luận giám định là một nguồn chứng cứ quan trọng. Tuy nhiên, Điều 67-Bộ luật tố tụng dân sự về người giám định chỉ quy định chung chung “Người giám định là người có kiến thức, kinh nghiệm cần thiết theo quy định của lĩnh vực có đối tượng cần giám định”. Cho đến nay, trong lĩnh vực sở hưũ trí tuệ, chưa có quy định cụ thể cơ quan nào có thẩm quyền giám định, trình tự, thủ tục giám định ra sao. - Quy định về bồi thường thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu đối tượng sở hữu trí tuệ khi quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm. Theo quy định của Bộ luật dân sự, tác giả, chủ sở hữu đối tượng sở hữu trí tuệ có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án buộc người có hành vi xâm phạm quyền tác giả phải chấm dứt hành vi xâm phạm và bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam chưa quy định cụ thể về cách thức xác định thiệt hại, mức bồi thường thiệt hại trong trường hợp quyền sở hữu trí tuệ bị xâm hại. Nếu chỉ căn cứ vào các quy định về Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong Bộ luật dân sự sẽ không thoả đáng khi giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại do đối tượng sở hữu trí tuệ bị xâm phạm. Hơn nữa, theo nguyên tắc, nguyên đơn có nghĩa vụ chứng minh mức độ thiệt hại thực tế và thiệt hại tiềm tàng của mình do hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp gây ra. Tuy nhiên, để chứng minh được điều này là điều không đơn giản với nguyên đơn. Hiện nay, các Toà án rất lúng túng trong việc giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn. Trong hầu hết các vụ việc, việc xác định mức bồi thường cho nguyên đơn là không thoả đáng, bởi vậy không bảo vệ được lợi ích chính đáng của họ. - Chưa có quy định về những tội phạm mới xâm phạm quyền tác giả. Trong thời đại phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin hiện nay, rất nhiều loại hành vi vi phạm quyền tác giả mới xuất hiện như: Đưa tác phẩm vào môi trường kỹ thuật số không được sự cho phép của tác giả (ví dụ tải tác phẩm âm nhạc vào điện thoại, tải tác phẩm nhiếp ảnh vào điện thoại, máy tính…); phá hoại thông tin trên mạng, ăn cắp thông tin trên mạng bằng cách mã hoá, phá khoá hoặc sử dụng bất hợp pháp các thiết bị nhận tín hiệu, đầu đọc tín hiệu. Tuy nhiên, những loại tội phạm mới này cũng chưa được quy định trong pháp luật hình sự Việt Nam. 2.5 Nhiều quy định chưa tương thích với các Công ước quốc tế Sự hội nhập quốc tế làm cho các quốc gia xích lại gần nhau hơn về mọi lĩnh vực, trong đó có pháp luật. Tiến trình hội nhập đòi hòi mỗi quốc gia phải hài hoà các vấn đề của quốc gia mình cho tương thích với những chuẩn mực chung đã được hầu hết các quốc gia khác thừa nhận. Việt nam đang chủ động và tích cực tham gia hội nhập khu vực và quốc tế, bởi vậy, việc xem xét tính tương thích, sự hài hoà giữa pháp luật Việt nam và pháp luật quốc tế rất cần thiết. Xem xét các quy định pháp luật sở hữu trí tuệ của nước ta, chúng ta thấy rằng, còn rất nhiều quy định chưa tương thích với các công ước quốc tế mà Việt nam đã và sẽ là thành viên. Trong lĩnh vực quyền tác giả, đó là các quy định về: các tác phẩm không được bảo hộ; quyền của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm; thời hạn bảo hộ quyền tác giả; công bố tác phẩm; nghĩa vụ chứng minh là tác giả của tác phẩm[10]. Cũng như lĩnh vực quyền tác giả, pháp luật về quyền sở hữu công nghiệp còn những điểm chưa tương thích với các công ước quốc tế mà nước ta đã và sẽ phải là thành viên. Cụ thể như sau: - Quy định bảo hộ các sáng chế về công nghệ sinh học Công nghệ sinh học được thừa nhận là một ngành công nghệ hứa hẹn nhất trong tương lai. Ngành công nghệ này taọ ra những bước đột phá trong y học và đem lại những cơ hội mới trong việc sản xuất thực phẩm và năng lượng cũng như đưa ra những giải pháp cho vấn đề ô nhiễm môi trường. Trên phạm vi toàn cầu, công nghệ sinh học được công nhận về tầm quan trọng và được pháp luật bảo hộ. Thực tiễn của Liên minh Châu Âu và Hoa Kỳ cho thấy rằng: bảo hộ sự sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ sinh học đem lại nhiều lợi ích to lớn cho nhiều lĩnh vực của đời sống cũng như phát triển kinh tế, xã hội. Các điều ước quốc tế bảo hộ các sáng chế về công nghệ sinh học được hình thành từ rất sớm. Những công ước quốc tế cơ bản nhất liên quan đến lĩnh vực công nghệ sinh học bao gồm: Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, năm 1883; Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới (Công ước UPOV), năm 1961; Hiệp ước Budapest về việc thừa nhận quốc tế đối với việc nộp lưu chủng vi sinh nhằm tiến hành các thủ tục về sáng chế, năm 1977; Công ước về đa dạng sinh học, năm 1992; Hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền sở hưũ trí tuệ (TRIPs), năm 1997. Tuy nhiên, Việt Nam chưa tham gia bất kỳ công ước quốc tế nào trong lĩnh vực công nghệ sinh học và cũng chưa ban hành văn bản pháp luật độc lập nhằm bảo hộ các sáng chế về công nghệ sinh học. - Quy định về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng hàng dệt Hiệp định TRIPs yêu cầu các nước thành viên phải có sự bảo hộ hợp lý đối với kiểu dáng hàng dệt (khoản 2, Điều 25). Điều này cũng được đặt ra trong Hiệp định thương mại Việt-Hoa Kỳ. Yêu cầu này xuất phát từ lý do: kiểu dáng hàng dệt nói chung có chu kỳ khai thác rất ngắn, thường xuyên phải thay đổi theo thời tiết và thị hiếu của người tiêu dùng, cho nên, nếu chúng ta vẫn thực hiện quy trình đăng ký, xét nghiệm, cấp văn bằng bảo hộ như đối với các loại kiểu dáng công nghiệp khác thì dẫn đến hệ quả là chi phí cho việc bảo hộ quá lớn, thời gian xét nghiệm dài làm cho kiểu dáng có thể bị lỗi thời khi được cấp văn bằng bảo hộ. Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam chưa có quy định riêng để bảo hộ kiểu dáng hàng dệt cũng như kiểu dáng các sản phẩm thời trang khác như giày, dép, túi xách.. Trong thời gian tới, chúng ta cần dành sự bảo hộ đặc biệt cho loại kiểu dáng này cho phù hợp với các công ước, hiệp ước mà chúng ta đã và sẽ tham gia. Hơn nữa, quy định này có ý nghĩa thiết thực với đối với nước ta, khi ngành công nghiệp dệt, may là một trong những ngành xuất khẩu muĩ nhọn, đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước. - Quy định về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hàng hoá. Theo quy định hiện nay, “nhãn hiệu hàng hoá là những dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ cùng loại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau. Nhãn hiệu hàng hoá có thể là từ ngữ, hình ảnh hoặc sự kết hợp các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc” (Điều 785-BLDS năm 1995, được quy định chi tiết tại Điều 6 Nghị định 63/CP). Rõ ràng, theo quy định hiện hành, chỉ những từ ngữ, hình ảnh hoặc sự kết hợp các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc mới có thể được bảo hộ là nhãn hiệu hàng hóa. Trong khi đó, theo các văn bản pháp luật quốc tế cũng như pháp luật của các quốc gia, các dấu hiệu có thể được đăng ký là nhãn hiệu hàng hóa được quy định rất rộng. Ví dụ, theo Điều 15(1)-TRIPs thì bất kỳ một dấu hiệu hoặc tổ hợp các dấu hiệu nào có khả năng phân biệt hàng hoá hoặc dịch vụ của một doanh nghiệp với hàng hoá hoặc dịch vụ của các doanh nghiệp khác đều có thể được công nhận là nhãn hiệu hàng hoá. Khác với các đối tượng sở hữu công nghiệp khác, điều kiện duy nhất (hay thuộc tính) để một hoặc những dấu hiệu được công nhận là nhãn hiệu hàng hoá chỉ là khả năng phân biệt với hàng hoá, dịch vụ cùng loại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau. Bởi vậy, về nguyên tắc, bất kỳ dấu hiệu nào cho dù là có thể nhìn thấy như từ ngữ, hình ảnh, màu sắc (bao gồm màu sắc trong sự kết hợp với các yếu tố khác hoặc chỉ riêng màu sắc), không gian ba chiều hoặc không được nhìn thấy như âm thanh, mùi, vị nếu như có khả năng phân biệt đều có thể được đăng ký là nhãn hiệu hàng hoá. Thực tế đã chỉ ra rằng, bên cạnh các dấu hiệu truyền thống, phổ biến như từ ngữ, hình ảnh, màu sắc, các dấu hiệu khác như không gian ba chiều[11], âm thanh[12], mùi[13], vị, chỉ riêng màu sắc[14] cũng đóng vai trò tích cực là “người chỉ dẫn”, hay “người phân biệt” hàng hoá, dịch vụ của các nhà sản xuất, kinh doanh khác nhau. - Quy định về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh Hiệp định TRIPs (Đ39) quy định bảo hộ “thông tin kín nhằm bảo hộ có hiệu quả chống lại hành vi cạnh tranh không lành mạnh quy định tại điều 10 bis Công ước Paris. Còn theo pháp luật Việt Nam hiện hành, chúng ta chỉ bảo hộ bí mật kinh doanh tức là những thông tín kín trong lĩnh vực kinh doanh. Các thông tin đặc quyền và các thông tin kín trong các lĩnh vực khác cho dù có giá trị kinh tế cũng không được bảo hộ. Rõ ràng, quy định này hẹp hơn rất nhiều so với quy định của TRips và Hiệp định thương mại Việt-Mỹ. Quy định này cũng thể hiện nhiều bất cập trong thực tiễn. Bởi vậy, chung ta nên mở rộng phạm vi bảo hộ đối với các thông tin kín nói chung chứ không phải chỉ riêng bí mật kinh doanh. - Quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là đối với việc ngăn chặn sự xâm nhập của hàng hoá vi phạm vào các kênh thương maị và bảo vệ chứng cứ liên quan đến hành vi vi phạm. Vì những lý do này, Hiệp định TRIPs (Điều 50) và Hiệp định thương mại Việt nam-Hoa Kỳ (Bilateral Trade Agreement-BTA) đều cho phép các cơ quan tư pháp được áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời tiền tố tụng. Quy định biện pháp khẩn cấp tạm thời tiền tụng cần thiết, bởi vì, thủ tục này giúp chủ sở hữu thực hiện quyền này một cách đúng đắn, trong nhiều trường hợp thủ tục này giúp chủ sở hữu có thông tin và chứng cứ xác đáng để khởi kiện. Bộ luật tố tụng dân sự năm 2003 quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời, tuy nhiên theo quy định Bộ luật, đương sự nộp đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn thời cùng với nộp đơn khởi kiện, chứ không có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện. Đây là quy định chưa tương thích giữa BLTTDS của nước ta với Hiệp định TRIPs và Hiệp định thương mại Việt nam-Hoa Kỳ. Để bảo vệ lợi ích hợp pháp cho bên bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Hiệp định TRIPs (Đ50) cũng quy định việc thực hiện biện pháp khẩn cấp tạm thời chỉ được thực hiện trong thời hạn nhất định và theo yêu cầu của bị đơn, lệnh áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được xem xét lại, trong đó có cả việc nghe bị đơn trình bày ý kiến để đi đến quyết định sửa đổi, huỷ bỏ hoặc giữ nguyên biện pháp đó. Nội dung này cũng chưa được quy định trong BLTTDS năm 2004. Phân tích trên đây cho thấy nhiều chênh lệch còn tồn tại giữa các quy định pháp luật sở hữu trí tuệ của Việt nam và các công ước quốc tế chúng ta đã và sẽ là thành viên. Có thể chia những vấn đề chênh lệch này thành ba nhóm: những vấn đề không được quy định trong các công ước quốc tế nhưng lại được pháp luật Việt nam quy định; những vấn đề được quy định trong các công ước quốc tế nhưng lại chưa được pháp luật Việt nam quy định; những vấn đề mà pháp luật Việt nam quy định khác với các công tế quốc tế quy định. 2.6 Còn tồn tại quy định gây phiền hà cho các chủ thể liên quan và quy định kém hiệu quả - Quy định về nội dung của Đơn yêu cầu cấp Văn bằng bảo hộ theo Thông tư số 3055/TT-SHCN (điểm 5 và điểm 8 ) gây phiền hà cho công chúng, đồng thời tạo thêm những công việc không cần thiết cho Cục SHTT. Ví dụ: Quy định Đơn phải nộp cùng với tài liệu chứng minh quyền kinh doanh hợp pháp và các tài liệu xác nhận về xuất xứ, giải thưởng, huy chương là không cần thiết. - Quy định thời hạn 9 tháng để xét nghiệm nội dung đơn theo Thông tư số 3055/TT-SHCN ngày 31/12/1996 (điểm 16) là quá dài. Quy định thời hạn dài như thế này có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các chủ thể liên quan. - Quy định mức phạt tiền tối đa là 200 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và quy định mức phạt tiền tối đa là 100 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xủ lý hành chính là quá thấp. Với những mức phạt này, mục đích răn đe và trừng phạt cá nhân, tổ chức vi phạm không đạt được, họ sẵn sàng vi phạm và nộp phạt để có được lợi nhuận lớn hơn nhiều lần so với mức chịu phạt. 3. Những bất cập trong các quy định về quyền sở hữu trí tuệ của Bộ luật dân sự năm 2005 và Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 Năm 2005 đánh dấu những thành tựu to lớn trong tiến trình đổi mới hệ thống pháp luật của nước ta. Việc thông qua Bộ luật dân sự và Luật sở hữu trí tuệ thể hiện thành công của tiến trình hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ. Ngày 14/6/2005, Bộ luật dân sự đã được Quốc hội khoá XI thông qua tại kỳ họp thứ 7. Trong đó, quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ được quy định tại Phần thứ sáu với ba chương, từ Đ736 đến Đ757. Sau đó, ngày 19/11/2005, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XI đã thông qua Luật sở hữu trí tuệ với 6 phần, 18 chương, 222 điều. BLDS năm 2005 và Luật sở hữu trí tuệ đã thể chế hoá được những đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về sở hữu trí tuệ tại Đại hội Đảng lần thứ IX. Trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội từ năm 2001-2005 của Đại hội Đảng đã nêu rõ, chúng ta cần “phát triển các loại thị trường dịch vụ khoa học, công nghệ, sản phẩm trí tuệ…”[15]. Cho nên, cần “thực hiện tốt chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đãi ngộ đặc biệt đối với các nhà khoa học có công trình nghiên cứu xuất sắc”[16]. Trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, phải “bảo đảm tự do, dân chủ cho mọi sáng tạo văn hoá, văn học, nghệ thuật, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy hiệu quả lao động nghệ thuật”[17]. BLDS và Luật sở hữu trí tuệ được xây dựng trên những nguyên tắc cơ bản là: Pháp điển hoá, kế thừa có chọn lọc, bổ sung các quy định còn thiếu, các quy định mới về sở hữu trí tuệ trong BLDS năm 1995 và các văn bản hướng dẫn thi hành; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các quy định pháp luật sở hữu trí tuệ và giữa các quy định liên quan đến sở hữu trí tuệ của các ngành luật khác; đảm bảo sự tương thích giữa các quy định sở hữu trí tuệ của Việt nam và các công ước quốc tế mà chúng ta đã và sẽ là thành viên, các Hiệp định song phương, đa phương khác chúng ta đã ký kết; đảm bảo các quy định về quyền sở hữu trí tuệ phù hợp với điều kiện của Việt nam. Chính vì được xây dựng trên những nguyên tắc như vậy, cho nên BLDS năm 2005 và Luật sở hữu trí tuệ đã khắc phục được hầu hết những khiếm khuyết của các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ đã được đề cập trong Phần 2 của bài viết này. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ lưỡng những quy định về quyền sở hữu trí tuệ trong Bộ luật dân sự năm 2005 và Luật sở hữu trí tuệ, chúng ta thấy vẫn còn một số hạn chế: - Theo điểm a khoản 1 Đ25 Luật sở hữu trí tuệ, nếu sao chép 01 bản của tác phẩm đã công bố nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy cá nhân thì không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao. Vậy trong một nhóm nhà nghiên cứu, họ sao chép tác phẩm thành nhiều bản cũng chỉ để nghiên cứu khoa học thì có phải xin phép và trả thù lao, nhuận bút cho tác giả không? -Khoản 2 Đ46 Luật sở hữu trí tuệ quy định việc thực hiện, sửa đổi, chấm dứt hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan được áp dụng theo quy định của BLDS. Tuy nhiên, trong BLDS năm 2005 không quy định về hợp đồng này. - Trên cơ sở BLDS năm 2005, luật sở hữu trí tuệ năm 2005 qui định về quyền tài sản thuộc quyền tác giả tại Điều 20. Tuy nhiên, những qui định của quy định của Luật sở hữu trí tuệ còn chung chung, còn phải được cụ thể hơn nữa trong trong văn bản hướng dẫn thi hành luật này. Hơn nữa, Điều 20 Luật sở hữu trí tuệ quy định thêm một (01) quyền tài sản, đó là quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng. Thực ra, quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng là một cách thức truyền đạt tác phẩm trước công chúng, cho nên, không nhất thiết tách ra quy định thành một quyền riêng. - Mặc dù tên gọi của Điều 740 Bộ luật dân sự năm 2005 là ‘’ Chủ sở hữu quyền tác giả?’’, tuy nhiên, điều luật không qui định chủ sở hữu quyền tác giả là ai và chủ sở hữu quyền tác giả có những quyền nào. Nói cách khác, điều luật không giải quyết được những vấn đề cơ bản nhất liên quan đến chủ sở hữu quyền tác giả ?. Nếu chỉ dựa vào câu chữ, chúng ta thấy rằng Điều 740 đường như tập trung vào tác giả, nhiều hơn chủ sở hữu quyền tác giả. Thuật ngữ chủ sở hữu quyền tác giả chỉ xuất hiện một lần duy nhất ở cuối khoản 3 thay vào đó là thuật ngữ tác giả. Theo quan điểm chỉ đạo xây dựng BLDS năm 2005, Bộ luật chỉ qui định khái quát, làm nền tảng cho các văn bản pháp luật cụ thể, trong đó có các văn bản sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, cho dù qui định ở ở mức độ nào, mỗi điều luật cũng phải giải quyết được những yêu cầu tối thiểu đặt ra cho nó, cụ thể phải giải quyết được những nội dung cơ bản nhất liên quan đến điều luật. Đối với Điều 740 của BLDS năm 2005, yêu cầu tối thiểu chưa đạt được; hơn nữa nội dung trong điều luật không thích ứng với tên gọi của điều luật. - Xuất phát từ tầm quan trọng và yêu cầu bảo vệ các đối tượng của quyền liên quan đến quyền tác giả, BLDS năm 2005 dành một số lượng lớn điều luật để quy định về quyền liên quan (7/21 điều). Trong khi đã, quyền đối với giống cây trồng chỉ được quy định ghép với quyền sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên, có một điều rất thó vị là, trong Luật sở hữu trí tuệ, quyền liên quan được quy định gép với quyền t¸c giả; trong khi đã quyền đối với giống cây trồng được quy định rất chi tiết trong một phần độc lập (Phần thứ tư) với quyền sở hữu công nghiệp. Điều này cũng thể hiện cơ cấu chưa thống nhất cao giữa BLDS và các văn bản có hiệu lực thấp hơn, cụ thể là Luật sở hữu trí tuệ. - Đóng vai trò là văn bản pháp luật chủ yếu, quan trọng các qui định về quyền tác giả nhất trong hệ thống các văn bản pháp luật sở hữu trí tuệ, Luật sở hữu trí tuệ đã cụ thể hóa các qui định về quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và bảo hộ các quyền đó trong BLDS năm 2005. Tuy nhiên, riêng qui định nội dung quyền đối với tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa tại khoản 2 Điều 748 BLDS năm 2005 không được qui định cụ thể trong Luật sở hữu trí tuệ năm 2005. - Mặc dù được rất nhiều người mong đợi, trong đó phải kể đến các nhà khoa học pháp lý và các nhà khoa học trong lĩnh vực công nghệ sinh học, tuy nhiên Luật sở hữu trí tuệ không đề cập đến sáng chế về công nghệ sinh học. - Đ72 Luật Sở hữu trí tuệ quy định nhãn hiệu hàng hóa vẫn chỉ là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc. Như vậy, phạm vi dấu hiệu được công nhận là nhãn hiệu hàng hoá vẫn rất hẹp, không tương thích với quy định của Hiệp định TRIPs. - Cả về mặt lý luận và thực tiễn, quy định tại khoản 3 Điều 753 dường như không thống nhất với quy định về nội dung quyền sở hữu công nghiệp tại Điều 751 BLDS năm 2005, đặc biệt là quy định về quyền của chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp tại Điều 123 và Điều 124 Luật sở hữu trí tuệ. Cụ thể, hiểu theo quy định tại khoản 1 Điều 123 Luật sở hữu trí tuệ, chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý cã quyền cho phép người khác sử dụng chỉ dẫn địa lý và cả quyền định đoạt chỉ dẫn địa lý. Vậy, phải chăng cho phép sử dụng chỉ dẫn địa lý ở đây chỉ được hiểu theo nghĩa hẹp là Nhà nước cho phép các tổ chức, cá nhân nhất định ở địa phương tương ứng sử dụng chỉ dẫn địa lý này (trao quyền sử dụng)? Quyền định đoạt chỉ dẫn địa lý chỉ là quyền quyết định chỉ dẫn địa lý đã không tồn tại nữa (chẳng hạn khi chỉ dẫn địa lý trở thành tên gọi chung) mà không có quyền chuyển nhượng? Hơn nữa, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 123, tổ chức, cá nhân được nhà nước trao quyền sử dụng chỉ địa lý cũng cã quyền cho phép người khác sử dụng chỉ dẫn địa lý? Vậy, chuyển giao quyền sử dụng cũng là một hình thức cho phép sử dụng, sao lại không được công nhận? Nếu chỉ xem xét riêng quy định tại khoản 3 Điều 753 BLDS năm 2005, chóng ta có thể dễ dàng chấp nhận quy định này từ góc độ đặc điểm của chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, nếu đặt quy định này trong một tổng thể các quy định pháp luật về chỉ dẫn địa lý, các quy định hiện nay về quyền của chủ thể cả quyền đối với chỉ dẫn địa lý cần phải xem xét thêm để quy định cho chính xác. - Đ213 Luật sở hữu trí tuệ quy định hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, theo đó, hàng hoá giả mạo nhãn hiệu hàng hoá là hàng hoá, bao bì của hàng hoá có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ nhãn hiệu hoặc của cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý. “Khó phân biệt” có phải là “tương tự” hay không? Hơn nữa, mặc dù điều 213 có tên gọi là “hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ” nhưng khoản 1 của điều luật lại quy định rằng “hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này bao gồm hàng hoá giả mạo nhãn hiệu và giả mạo chỉ dẫn địa lý”. Vậy nếu hàng hoá được sản xuất theo quy trình đã được bảo hộ là sáng chế có phải là hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ hay không? 4. Phương hướng hoàn thiện các quy định pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ Việc thông qua Luật sở hữu trí tuệ thể hiện sự thành công của Việt nam, có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam. Đây cũng là tiền đề để Việt nam vững bước trên con đường hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta không nên quá thoả mãn với thành công này. Bởi vì, như đã chỉ ra ở trên, những quy định về quyền sở hữu trí tuệ trong BLDS năm 2005 cũng như Luật sở hữu trí tuệ vẫn còn bộc lộ một số tồn tại cần phải khắc phục. 4.1 Phương phướng chung Trước hết, phải nhận thức sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ, phải coi sở hữu trí tuệ là một công cụ đắc lực để phát triển kinh tế; hơn nữa, hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ là điều bắt buộc các quốc gia phải thực hiện trong tiến trình hội nhập quốc tế. Trên cơ sở đó, chúng ta có sự đầu tư thích đáng cho xây dựng và hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ. Pháp luật sở hữu trí tuệ cần phải có vị trí xứng đáng trong hệ thống pháp luật Việt nam. Hơn nữa, quyền sở hữu trí tuệ chịu sự điều chỉnh của nhiều ngành luật khác nhau. Do đó, hoàn thiện cơ sở pháp lý không phải chỉ là hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ mà còn bao gồm cả pháp luật hình sự, pháp luật hành chính, pháp luật thương mại, pháp luật tố tụng dân sự…Tức là việc hoàn thiện phải mang tính hệ thống và tính thống nhất trong cả hệ thống pháp. Cần phải thấy rằng, khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ vô cùng quan trọng, ý nghĩa của quyền sở hữu trí tuệ bị giảm sút rất nhiều nếu chúng ta đặt sở hữu trí tuệ ngoài quan hệ thương mại. “Việc bảo hộ sở hữu trí tuệ không thoả đáng bị coi là thực tiễn thương mại thiếu lành mạnh và là rào cản đối với thị trường tự do và mở cửa”[18]. Nội dung của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) và sự ra đời của Hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs) đã chứng tỏ điều này. Thứ hai, các quy định pháp luật sở hữu trí tuệ phải khắc phục được những bất cập, hạn chế còn tồn tại đã được đề cập tại phần 2. Đó là, pháp luật sở hữu trí tuệ phải có tính hệ thống, tính thống nhất; cần phải quy định thêm những vấn đề chưa được pháp luật điều chỉnh; các quy định phải rõ ràng, cụ thể; các quy định phải tương thích với các công ước quốc tế liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ mà chúng ta đã và sẽ là thành viên, đặc biệt là Công ước Paris năm 1883 về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, Công ước Berne năm 1886 về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật và Hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs). Bởi vì, đây là những công ước xương sống của hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ quốc tế. Hơn nữa, các quy định pháp luật sở hữu trí tuệ phải hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho cả các chủ thể sáng tạo và các chủ thể có liên quan khác chứ không được gây phiền hà cho họ. 4.2 Một số kiến nghị cụ thể - Rà soát lại tất cả các văn bản pháp luật hiện hành về sở hữu trí tuệ, các quy định pháp luật cụ thể về sở hữu trí tuệ. Trên cơ sở đó, xem xét để loại bỏ, sửa đổi, bổ sung quy định nào, văn bản nào. - Xây dựng và ban hành ngay hai Nghị định: Nghị định hướng dẫn các quy định về quyền tác giả trong BLDS và Luật sở hữu trí tuệ; Nghị định hướng dẫn các quy định về quyền sở hữu công nghiệp trong BLDS và Luật sở hữu trí tuệ. - Xây dựng và ban hành văn bản pháp luật điều chỉnh những vần đề cơ bản nhưng lại chỉ được quy định chung chung trong BLDS, Luật sở hữu trí tuệ và đang phải chờ văn bản hướng dẫn thi hành. Ví dụ: Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả; Việc sử dụng tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian; Duy trì, gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ…Cần chấm dứt tình trạng quy định trong Bộ luật và Văn bản luật rằng “Chính phủ quy định chi tiết…” nhưng sau đó Chính phủ không ban hành văn bản hướng dẫn. Đây chính là trường hợp quy định tại Đ748 BLDS năm 1995. Theo điều luật này, tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian được nhà nước bảo hộ theo quy định riêng, tuy nhiên cho đến nay BLDS năm 1995 đã được thay thế bằng BLDS năm 2005 nhưng nhà nước chưa quy định cụ thể về vấn đề này! - Quy định phương pháp xác định giá trị tài sản vô hình. Cho đến nay, vẫn còn nhiều người cho rằng không thể xác định được chính xác giá của tài sản vô hình, việc xác định giá tài sản vô hình là điều không tưởng. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, hoàn toàn có thể xác định được giá trị tài sản vô hình. Theo Hướng dẫn số 4 của Uỷ ban tiêu chuẩn thẩm định giá quốc tế, có ba loại phương pháp để thẩm định giá trị tài sản vô hình. Cụ thể là: Phương pháp chi phí, phương pháp thu nhập, phương pháp thị trường. Trong từng loại phương pháp này lại có nhiều phương pháp cụ thể phục vụ cho việc xác định giá trị tài sản vô hình[19]. Dựa trên những phương pháp này, nhãn hiệu Coca-Cola được định giá là 69,637 tỉ USD, Microsoft trị giá 64,091 tỉ USD[20]…Tuy nhiên, việc áp dụng những phương pháp này chưa thích hợp với điều kiện kinh tế của nước ta. Bởi vậy, chúng ta cần phải xây dựng những phương pháp xác định giá trị tài sản vô hình cho tương thích với hướng dẫn của Uỷ ban thẩm định giá quốc tế và thông lệ quốc tế, nhưng phải phù hợp với điều kiện của Việt nam. Để làm được điều này, đòi hỏi sự đóng góp công sức của các chuyên gia tài chính cùng với các cơ quan xây dựng pháp luật. - Quy định về các đối tượng sở hữu công nghiệp cho phù hợp với các Công ước Paris và Hiệp định TRIPs. Cụ thể, quy định bảo hộ quyền sở hưũ trí tuệ đối với công nghệ sinh học; mở rộng phạm vi bảo hộ đối với kiểu dáng hàng dệt; quy định phạm vi rộng hơn những dấu hiệu có khả năng được bảo hộ là nhãn hiệu hàng hoá như: không gian ba chiều, âm thanh, thậm chí cả các dấu hiệu mùi, vị. - Hoàn thiện các quy định về thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong pháp luật hành chính. · Quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ theo hướng giảm bớt đầu mối và tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo; quy định rõ ràng thẩm quyền của từng cơ quan và phạm vi cũng như cách thức phối hợp giữa những cơ quan này khi xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. · Sửa đổi quy định về mức phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ theo hướng: tăng mức phạt tối đa; mức phạt phải cao hơn lợi nhuận mà người vi phạm có thể thu được từ hành vi vi phạm và tăng theo mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm như vi phạm có tổ chức, tái phạm, vi phạm liên quan đến các sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và sức khoẻ của cộng đồng. · Ban hành những quy định cụ thể về thủ tục tố tụng hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. · Mở rộng thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ cho Toà án cho phù hợp với Hiệp định thương mại Việt nam-Hoa Kỳ (BTA) và Hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs). · Nhanh chóng ban hành văn bản pháp luật hướng dẫn cụ thể hoạt động kiểm soát biên giới nhằm chống lại việc vi phạm quyền sở hưũ trí tuệ gắn liền với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới nước ta. - Hoàn thiện các quy định về thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong pháp luật hình sự. · Quy định những tội phạm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mới xuất hiện cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin như: phá hoại thông tin trên mạng, ăn cắp thông tin trên mạng bằng cách mã hoá, phá khoá hoặc sử dụng bất hợp pháp các thiết bị nhận tín hiệu, đầu đọc tín hiệu. · Tăng mức chế tài hình sự đối với những tội danh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, cần phải tăng mức phạt tiền cao hơn mức phạt tiền quy định hiện nay chỉ là 200 triệu đồng. · Toà án nhân dân tối cao cần ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về các tội xâm phạm quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động xét xử của các Toà án trong phạm vi cả nước. Bởi vì, đây là một lĩnh vực mới trong hoạt động xét xử của Toà án, các thẩm phán và cán bộ không có nhiều hiểu biết và kinh nghiệm về lĩnh vực này. · Quy định rõ ràng về hai tội: Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và Tội sản xuất và buôn bán hàng giả với yêu cầu phải phân biệt được hai tội này. Trong đó, cần phân biệt hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Để có thể xác định được một sản phẩm là hàng giả hay hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, có thể căn cứ vào chủ thể mà các Đ156 và Đ171 BLHS bảo vệ. Đ156 bảo vệ các chủ thể kinh doanh hợp pháp và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Còn Đ171 trước tiên bảo vệ cho chủ sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp. Trên cơ sở đó, có thể phân định như sau: Nếu hàng được sản xuất, kinh doanh do sử dụng trái phép các đối tượng sở hữu công nghiệp chỉ nhằm mục đích lợi dụng uy tín thương mại của chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp để tăng lợi nhuận chứ không nhằm lừa gạt người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm, nên coi đó là hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp chứ không phải là hàng giả. Trong trường hợp này, quyền lợi của chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp bị ảnh hưởng lớn nhất. Nếu hàng được sản xuất, kinh doanh do sử dụng trái phép các đối tượng sở hữu công nghiệp đồng thời nhằm mục đích lợi dụng uy tín thương mại của chủ sở hữu hợp pháp các đối tượng đó và lừa gạt người tiêu dùng về chất lượng của sản phẩm thì nên coi là hàng giả. Hàng giả cần phải xác định theo nội dung chứ không phải theo hình thức. Như vậy, không còn khái niệm hàng giả về hình thức mà chỉ có hàng giả về nội dung. Cho nên, cần phải sửa đổi hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 10/2000/TTLT-BTM-BTC-BCA-BKHCNMT ngày 27/4/2000 của Bộ thương mại, Tài chính, Công an, Khoa học Công nghệ và Môi trường hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 31/1999/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả. - Bổ sung quy định về giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ thông qua thương lượng, hoà giải. Giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ thông qua thương lượng, hoà giải là biện pháp giải quyết tranh chấp không chính thức thông qua vai trò trung gian hoà giải của những người có kiến thức trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, đó là luật sư và các chuyên gia sở hữu trí tuệ. Trên thế giới, biện pháp này được áp dụng khá phổ biến. Còn ở nước ta, mặc dù pháp luật chưa quy định nhưng trong thực tế biện pháp này đã được áp dụng hiệu quả ở một số thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh và Hà nội. Việc áp dụng phương thức giải quyết tranh chấp này ở Việt nam trong giai đoạn hiện nay cần được khuyến khích. Bởi vì, hiện nay, ở nước ta, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ của các cán bộ trong những cơ quan chuyên trách chưa tốt, trong khi đó những người có trình độ cao trong lĩnh vực này lại hoạt động chủ yếu ở khu vực ngoài quốc doanh như các công ty/văn phòng tư vấn sở hữu trí tuệ, công ty/văn phòng tư vấn luật và các đại diện sở hữu trí tuệ. 4.3 Điều kiện cần thiết để thực hiện thành công những đề xuất nhằm hoàn thiện pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ Thứ nhất, cần phải đầu tư vật chất thích đáng cho các cá nhân, tổ chức tham gia vào những công việc hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ. Nhà nước cần có kế hoạch rõ ràng về việc đầu tư tài chính cho việc hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ. Bởi vì, hoạt động này không thể thực hiện được nhanh chóng “một sớm một chiều” và nó đòi hỏi sự góp sức của nhiều cá nhân, tổ chức khác chứ không phải chỉ cơ quan lập pháp. Đó là: giảng viên các trường đại học, cán bộ sở hữu trí tuệ thuộc các cơ quan quản lý về sở hữu trí tuệ như cơ quan bản quyền, cơ quan sở hữu trí tuệ, quản lý thị trường, hải quan, cảnh sát kinh tế, cán bộ Toà án… Thứ hai, cần nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của quyền sở hữu trí tuệ, pháp luật hữu trí tuệ. Chỉ khi chúng ta có nhận thức đúng đắn về vai trò sở hữu trí tuệ và pháp luật hữu trí tuệ, chúng ta mới có được pháp luật sở hữu trí tuệ tốt. Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới cũng khẳng định vấn đề nâng cao nhận thức của cộng đồng là mấu chốt để nâng cao chất lượng của pháp luật sở hữu trí tuệ và hiệu quả thực thi trong Chiến lược hành động của mình[21]. Đồng thời, cần nâng cao trình độ pháp luật, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng của các cán bộ xây dựng pháp luật nói chung và pháp luật sở hữu trí tuệ nói riêng. Thứ ba, tăng cường hợp tác quốc tế. Sở hữu trí tuệ là lĩnh vực mới mẻ ở nước ta, trong khi đã từ lâu được quan tâm và đầu tư thích đáng ở hầu hết các nước khác trên thế giới. Cho nên, thông qua quan hệ hợp tác quốc tế, chúng ta tham khảo pháp luật cũng như kinh nghiệm trong lĩnh vực này của các nước phát triển (như Châu Âu, Mỹ, Nhật) và của các nước có bối cảnh kinh tế-xã hội “gần” với chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta không nên dập khuôn một cách máy móc mà cần xem xét kỹ lưỡng hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của Việt Nam. Thứ tư, cần đảm bảo phối hợp hoạt động hiệu quả giữa các cơ quan lập pháp và các cá nhân, tổ chức khác có liên quan trong những công việc nhằm hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ. Phải coi việc hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ không chỉ là việc của các cơ quan lập pháp mà phải coi đó là việc của toàn dân, của các doanh nghiệp, các Hiệp hội, các đại diện sở hữu trí tuệ, những người sáng tạo…Chỉ như vậy, pháp luật sở hữu trí tuệ của chúng ta mới thực sự khuyến khích sự sáng tạo, là cơ sở pháp vững chắc để bảo vệ thành quả sáng tạo và có tính khả thi cao. 5. Kết luận Không phải chỉ ở những nước kém phát triển và nước đang phát triển như Việt nam, pháp luật mới tồn tại hạn chế, bất cập mà ngay cả những nước có nền kinh tế phát triển và hệ thống pháp luật được coi là hoàn thiện nhất thế giới, chúng ta vẫn tìm thấy những lỗ hổng, những khiếm khuyết. Điều quan trọng là chúng ta phải nghiêm túc, thận trọng và khách quan khi nhìn nhận những khiếm khuyết đó và có phương hướng, cách thức hoàn thiện nó. Pháp luật sở hữu trí tuệ là một lĩnh vực pháp luật mới ở nước ta, bởi vậy không tránh khỏi hạn chế. Chúng ta cần phải tích cực hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ với mục tiêu lĩnh vực pháp luật này phải “góp phần thúc đẩy việc cải tiến, chuyển giao và phổ biến công nghệ, góp phần đem lại lợi ích chung cho người tạo ra và người sử dụng kiến thức công nghệ, đem lại lợi ích xã hội và lợi ích kinh tế, và tạo sự cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ” (Điều 7 Hiệp định TRIPs)./.

[1] Theo Uỷ ban thẩm định giá quốc tế, nếu dựa vào hình thức xuất hiện, tài sản vô hình được phân loại thành: các quyền, mối quan hệ giữa các bên, các tài sản vô hình lập thành nhóm như uy tín, danh tiếng…; và tài sản sở hữu trí tuệ. Còn nếu phân loại theo nguồn lực phụ thuộc, tài sản vô hình được chia thành: Các nguồn lực phụ thuộc vào con người; và các nguồn lực không phụ thuộc vào con người, bao gồm vốn tổ chức, vốn công nghệ (bằng sáng chế, bí mật thương mại, mẫu và bản vẽ công nghiệp, quyền tác giả), vốn quan hệ (danh tiếng, nhãn hàng hoá, tên thương mại, sự trung thành và các quan hệ dài hạn, các kênh phân phối). [2] Trong những năm gần đây, cơ cấu tài sản trong doanh nghiệp thay đổi theo hướng tỷ lệ tài sản hữu hình giảm và tỷ lệ tài sản vô hình tăng. Chẳng hạn, năm 1982, cơ cấu tài sản của doanh nghiệp Hoa Kỳ là: 62% tài sản hữu hình và 38% tài sản vô hình; nhưng đến năm 2000, cơ cấu thay đổi là: 30% tài sản hữu hình và 70% tài sản vô hình. [3] “Sở hữu trí tuệ, một công cụ đắc lực để phát triển kinh tế”, Kamil Idris, Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới, Trang 54. [4] Xem http://www.wipo.int/about-wipo/en/pac/ip_declaration.htm [5] Đạo luật Venice về bảo hộ sáng chế ra đời năm 1474 đánh dấu sự quan tâm của nhà nước đối với vấn đề sở hữu trí tuệ. Sau đó, Năm 1642, nước Anh ban hành Luật về đặc quyền sáng chế và hệ thống bằng độc quyền sáng chế; Năm 1788, Mỹ quy định trong Hiến pháp về bằng độc quyền sáng chế và sự bảo hộ đối với sáng chế thông qua việc cấp bằng độc quyền cho người sáng chế. Năm 1791, Pháp ban hành Luật về bằng độc quyền sáng chế. [6] Bởi vì, điều kiện tiên quyết cho quốc gia muốn trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới là phải hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ của quốc gia cho tương thích với các Công ước quốc tế do Tổ chức này,, trong đó có Hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs). [7] Phần này đề cập đến những bất cập của các quy định pháp luật sở hữu trí tuệ trước khi ban hành Bộ luật dân sự năm 2005 và Luật sở hữu trí tuệ năm 2005. [8] Cần lưu ý rằng, trong phạm vi đề tài này, tác giả chỉ đưa ra một số dẫn chứng mà không thể thống kê toàn bộ những bất cập của pháp luật sở hữu trí tuệ. Tác giả vẫn chủ yếu phân tích những bất cập trong các quy định pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành; đồng thời có đánh giá khái quát BLDS năm 2005 và Luật sở hữu trí tuệ năm 2005. [9] Xem bài: “Nhận dạng hành vi xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan qua thực tiễn thực thi”, TS Vũ Mạnh Chu. Thông tin khoa học pháp lý, Bộ tư pháp. Số 5-6 năm 2005. [10] Trong lĩnh vực quyền tác giả, về những điểm không tương thích giữa pháp luật Việt Nam và các công ước quốc tế, xem bài “Sự tương thích giữa các quy định pháp luật quyền tác giả của Việt Nam và các công ước quốc tế”; tác giả: Nguyễn Như Quỳnh; Thông tin khoa học pháp lý, Bộ tư pháp, số 5-6, năm 2005. [11] Hình dáng bên ngoài của một tổ hợp kiến trúc gồm nhà hàng, khách sạn, khu giải trí, khu thương mại được đăng ký là nhãn hiệu hàng hoá – Nhãn hiệu số 2048209 của Anh. [12] Âm thanh được đăng ký là nhãn hiệu âm thanh cho điện thoại Nọkia – Nhãn hiệu số 001040955 của Cộng đồng Châu Âu. [13] Mùi của cỏ vừa mới cắt được đăng ký là nhãn hiệu mùi cho bóng tennis – Dữ liệu từ vụ việc R 156/1998-2 của Cộng đồng Châu Âu; Mùi của hoa hồng được đăng ký là nhãn hiệu cho chỉ thêu – Dự liệu từ vụ Re Clarke 17 USPQ 2d 1238 (1990) của Mỹ. [14] Màu tím được đăng ký là nhãn hiệu màu cho kẹo socola – Nhãn hiệu số 000031336 của Cộng đồng Châu Âu. [15] Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2001-2010. Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX. Nhà xuắt bản Chính trị quốc gia. Hà nội, năm 2003. Trang 193. [16] Phát huy sức mạnh dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt nam xã hội chủ nghĩa. Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX. Nhà xuắt bản Chính trị quốc gia. Hà nội, năm 2003. Trang 37. [17] Phát huy sức mạnh dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt nam xã hội chủ nghĩa. Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX. Nhà xuắt bản Chính trị quốc gia. Hà nội, năm 2003. Trang 38. [18] Các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ trong qúa trình hội nhập. Nhà xuất bản Bản đồ. Hà nội, tháng 7-2002. Trang 1. [19] Xem thêm “Sở hữu trí tuệ, một công cụ đắc lực để phát triển kinh tế”, Kamil Idris, Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới, Trang 59. “Các phương pháp xác định giá trị tài sản vô hình”, Đoàn Văn Trường. Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật. Hà nội, năm 2005. [20] Theo Tạp chí Business Week năm 2003. [21] Xem thêm mục Strategies của website:

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật