NHÌN TỪ NGÀNH LÚA GẠO: ĐỂ TƯ DOANH BÌNH ĐẲNG VỚI QUỐC DOANH TRONG CẠNH TRANH

Mặc dù có một vài điểm chưa đồng ý về quan niệm “thị trường tự do… là tự do thuận mua vừa bán”, nhưng tôi đồng tình với ông Lê Văn Triết về vai trò của các công ty, các tổng công ty, các tập đoàn quốc doanh (Các bạn tham khảo bài phát biểu của ông Lê Văn Triết ở cuối bài này – Civillawinfor). Ngày nay, khái niệm kinh tế tự do luôn luôn được đi kèm với vai trò của Chính phủ trong việc bảo vệ nhà sản xuất và người tiêu dùng trong nước thông qua các công cụ thuế, lãi suất, tỷ giá hối đoái… cùng các quy định, luật lệ về tiêu chuẩn hàng hoá, dịch vụ, giá cả. Nếu Chính phủ có “đẻ” ra các công ty, các tổng công ty hay tập đoàn quốc doanh thì cũng – nói cho cùng – là chỉ để làm các nhiệm vụ bảo vệ người tiêu dùng trong nước mà thôi. Các đơn vị quốc doanh nêu trên có nhiệm vụ sản xuất (và kinh doanh) các mặt hàng mang tính chiến lược mà tư doanh chưa muốn làm (vì lợi nhuận thấp, thiếu vốn, chưa nắm vững thị trường, chưa có điều kiện kỹ thuật), không thể làm (vốn quá lớn, có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia mà Nhà nước giành độc quyền). Và sau khi sản xuất kinh doanh thành công, các đơn vị quốc doanh nêu trên thường được giải tư (cổ phần hoá) cho tư doanh, nếu không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Loại đơn vị quốc doanh nêu trên tại các nước tiên tiến như Bắc Âu thường không được giao nhiệm vụ điều tiết thị trường, bảo đảm an ninh tiêu dùng, mà cũng chỉ sản xuất kinh doanh thuần tuý theo nền kinh tế thị trường. Không có chuyện như một số tổng công ty của ta vừa làm kinh doanh, vừa làm an toàn quốc gia, khiến tay mặt (kinh doanh) đè tay trái (nhiệm vụ an toàn), đè luôn nhà sản xuất ) bằng “thu mua có định lượng, định giá” và đè luôn các đơn vị kinh doanh khác của các tỉnh và tư doanh bằng “quyền lực” mà Chính phủ giao cho như “điều hoà” thị trường xuất khẩu, thực hiện vai trò “chủ đạo”. Phải chăng đó là “thay vì cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, (các tập đoàn) chủ yếu quay về bắt chẹt tư nhân và doanh nghiệp nhỏ hơn ở trong nước”; phải chăng đó là do “khái niệm định hướng đã không được định nghĩa rõ ràng” như ông Lê Văn Triết nói? Nhìn lại tình hình sản xuất và kinh doanh lúa gạo trong vòng 10 năm qua, nhiều lúc chúng tôi không khỏi chạnh lòng cho vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Chưa có vùng nào trong cả nước có năng suất và sản lượng gia tăng đều đặn, mặc dù diện tích đất canh tác ngày càng thu hẹp như ĐBSCL. Cũng chưa có vùng nào mà công ty lương thực của các vùng khác có mặt “trên từng cây số” tại các tỉnh trọng điểm lương thực để khai thác gạo xuất khẩu như tại ĐBSCL. Do đó tuy nói là gạo xuất khẩu của cả nước, nhưng kỳ thực đó là gạo của ĐBSCL, hay ít ra cũng 98 – 99%. Nhưng số lượng xuất cũng “ì à ì ạch”, “khi thăng khi giáng” tuỳ theo đơn vị “điều tiết” có tìm được thị trường hay không, nhưng luôn luôn có tốc độ cao hơn sản lượng (3,2%/năm so với 2,5%/năm), trong 10 năm gần đây lượng gạo xuất chiếm khoảng 45 – 50% lượng gạo làm ra. Người dân đã chán cảnh hễ xuất được thì đơn vị “điều tiết” mua, không xuất được thì ngưng mua, đổ thừa cho an ninh lương thực, trong khi các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp quốc doanh nhỏ hơn ở trong nước tìm được thị trường xuất khẩu thì bị làm khó dễ bằng nhiều lý do. Giá cả cũng thường bất lợi cho nông dân do chính sách định giá của đơn vị “chủ đạo” luôn luôn thấp hơn giá gạo đồng chủng loại của Thái Lan từ vài chục đến hàng trăm USD/tấn (do tranh bán hay do thiếu ổn định thị trường?). Cụ thể là trong mấy tháng đầu năm 2009 này, trong khi giá gạo xuất khẩu bình quân của Thái là 608 USD/tấn thì của Việt Nam cao nhất là 405 USD/tấn. Chính phủ Thái đã biết dùng Kho an toàn lương thực để ổn định giá (cho thu nhập, đầu tư và tiêu dùng của nông dân) cho dân, trong khi chúng ta cũng có chính sách an toàn lương thực, nhưng đến khi tình hình thị trường gạo trong nước biến động (2008) thì không thấy nhiệm vụ “an toàn lương thực” ở đâu, vì… không có kho an toàn… Các chợ gạo đầu mối được đầu tư hàng chục tỉ đồng thực chất chỉ là các kho thu mua tồn trữ kiếm lời của đơn vị quốc doanh chủ đạo. Lại nói về giá, ngay trong bốn tháng đầu năm 2009, trong khi giá gạo xuất khẩu có khuynh hướng dao động trong mức 380 – 405 USD/tấn, thì giá gạo ăn trong nước vẫn ở nguyên mức từ 10 đến 12 triệu đồng/tấn, nếu tính theo tỷ giá hối đoái của ngân hàng Ngoại thương là 17.784 đồng/ USD (cuối tháng 4.2009), tương đương với 562 – 675 USD/tấn, ngang bằng với giá gạo xuất khẩu của Thái Lan. Tại sao người tiêu dùng Việt Nam phải ăn gạo với giá cao hơn giá xuất khẩu? Xuất khẩu với giá thấp để tạo ngoại tệ cho quốc gia, ai được hưởng lợi và nông dân được hưởng lợi gì? Thiết tưởng người dân cần biết và cần có câu trả lời và đáp ứng minh bạch, cụ thể. Và nếu giá xuất khẩu được nâng lên bằng mặt bằng của gạo ăn trong nước và của thế giới thì khoản chênh lệch này chắc sẽ là một khoản thu nhập rất lớn cho đất nước, và nếu được bỏ vào quỹ Bình ổn giá lúa gạo, để khi gặp khó khăn sẽ xuất ra làm gói kích thích đầu tư và tiêu dùng lớn cho nông thôn, nông nghiệp và nông dân, chưa phải cần đến ngân sách kích cầu của Chính phủ. Thiết tưởng bất cứ nhà kinh tế nào của Chính phủ cũng đều có thể tính được khoản thu nhập (để kích cầu) này. Như đã có lần chúng tôi đề nghị: Chính phủ hãy trả các tập đoàn này trở lại với vai trò kinh doanh thuần tuý, bình đẳng cạnh tranh với tư doanh và các doanh nghiệp nhỏ, để bảo đảm quyền lợi của các nhà sản xuất và giới tiêu thụ trong nước, đồng thời tạo “cơ hội” cho họ “ra biển lớn” làm ăn với quốc tế, tạo lợi ích cho quốc gia. Hãy cất giùm cho họ vai trò điều tiết, vai trò an ninh lương thực để họ làm ăn hiệu quả hơn, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách, cho quỹ Bình ổn giá. Nên chăng? image SOURCE: BÁO SÀI GÒN TIẾP THỊ Trích dẫn từ: http://sgtt.com.vn/Detail3.aspx?ColumnId=3&newsid=52033&fld=HTMG/2009/0526/52033 ============================================ BÀI PHỎNG VẤN CỦA CỰU BỘ TRƯỞNG LÊ VĂN TRIẾT TRÊN BÁO SÀI GÒN TIẾP THỊ SGTT - Những trở ngại hồi thập niên 90 đối với phát triển thị trường vẫn còn đó, ông Lê Văn Triết, bộ trưởng Thương mại thời kỳ 1991 – 1997, nhận xét. Ông Triết là một thành viên kỳ cựu trong ban chấp hành Trung ương Đảng; ông được coi là tác giả chính của chính sách cho tư nhân “thuê nhân công đến 15 người” để phát triển “tiểu thủ công nghiệp” khi Đảng chưa “đổi mới” (1984 – 1985). Khi ấy, ông là phó bí thư kiêm phó chủ tịch UBND TP.HCM. Sau đây là cuộc trò chuyện của ông với Sài Gòn Tiếp Thị Bộ Công thương vừa đưa ra chương trình xúc tiến thương mại nội địa, ông đã từng đặt vấn đề “xây dựng thị trường nội địa” từ đầu thập niên 90, thưa, ông có thể chia sẻ gì khi nó được bắt đầu trở lại? Tôi nghĩ, vấn đề của chúng ta không chỉ là thị trường nội địa. Gần đây, tôi thấy các báo nhắc nhiều đến bí thư tỉnh uỷ Vĩnh Phú Kim Ngọc, ông Kim Ngọc đúng là một người rất đáng ca ngợi khi cho nông dân “khoán chui”. Nhưng, tại sao không thấy ai nói về việc phá bỏ chính sách “ngăn sông cấm chợ”. Tự do hoá trong lưu thông hàng hoá theo tôi đã đóng vai trò hết sức quan trọng làm thay đổi bản chất kinh tế Việt Nam. Có lẽ, làng xã giữ những câu chuyện thời bao cấp tốt hơn những “trạm kiểm soát” khám xét hàng hoá của những người đi đường, cho dù theo ông thì đấy mới là thay đổi mang tính bản chất? Theo tôi, nguyên nhân chính của việc cho đến nay chúng ta chưa có một thị trường nội địa, cũng như thị trường nói chung đủ mạnh là vì, chúng ta không xác định và quan niệm về kinh tế thị trường đúng như bản chất của nó, đấy là tự do thuận mua vừa bán. Nhiều người còn nhớ, đầu thập niên 90, có một hội nghị xây dựng thị trường nội địa dự định tổ chức tại Hà Nội, các giám đốc sở thương mại đã được mời, nhưng giờ chót thì hội nghị ấy không xảy ra, có phải “thị trường tự do” cũng là một lý do? Vấn đề không nằm ở chỗ có hay không hội nghị ấy. Khi xây dựng luật Thương mại, tôi nhớ, tôi cố gắng để đưa vào dự thảo một nguyên tắc: “Công dân có quyền tự do mua bán cũng như tự do sản xuất kinh doanh”, nhưng rồi tinh thần này bị phản đối. Có vị nói thẳng: “Tự do gì cũng phải ở trong khuôn khổ, quốc doanh phải nắm hết”. Một chương trình đặt ra mục tiêu là phải xây dựng thị trường nội địa mà lại phải đảm bảo “tư tưởng chỉ đạo” là “xây dựng quốc doanh, kiên quyết không để cho tư thương đẩy lùi trận địa” thì làm sao thị trường có được. Thưa ông, lúc ấy “cương lĩnh” đã xác định xây dựng “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”? Là bộ trưởng Thương mại, tôi không làm được thì cũng không nên đổ lỗi cho ai. Nhưng, ngay cho đến bây giờ tôi cho rằng sở dĩ chúng ta không có một thị trường phát triển đúng tầm là vì khái niệm “định hướng” đã không được định nghĩa rõ ràng. Ở thời điểm ấy, yếu tố này được khai thác, và những nỗ lực theo đúng kinh tế thị trường đều rất có thể bị coi là “chệch hướng”. Đề án xây dựng thị trường của tôi bị bác bỏ gần hết. Bản dự thảo sau khi đưa lên mấy tầng, cuối cùng trở về không còn là bản của mình nữa. Ngay cả Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất ủng hộ nhưng cũng không bảo vệ được. Bây giờ nhìn lại, ông thấy tiếc? Tôi có một nguyên tắc, đã về hưu thì không có ý kiến nữa, và nguyên tắc đó được tôi giữ suốt hơn mười năm qua; chỉ có gần đây, trước lo ngại về tình hình khai thác bauxite Tây Nguyên, tôi đã phải chủ động gặp một số đồng chí có trách nhiệm. Về thị trường thì, anh hỏi, tôi thấy cũng cần nhắc lại. Vì thực ra, sự ngắc ngứ hiện nay của thị trường Việt Nam có nguyên nhân do những vấn đề bản chất của nó vẫn chưa giải quyết. Đặc trưng của hệ thống mậu dịch quốc doanh xã hội chủ nghĩa là “thu mua”. Chưa nói những nguyên tắc như đơn phương định giá, dùng chính quyền ép người dân bán cho quốc doanh, bản thân hai chữ “thu mua” cũng đủ để nói lên yếu tố bất bình đẳng trong quan hệ thương mại. Khi nào còn bất bình đẳng, khi nào chưa có tự do thương mại thực sự, thì chưa thể có thị trường thực sự. Ông muốn nói đến vai trò quốc doanh hiện nay? Tôi không phải là người phản đối quốc doanh. Tôi biết có nhiều quốc gia không hề “định hướng xã hội chủ nghĩa” họ vẫn có các doanh nghiệp quốc doanh. Những doanh nghiệp này được nhà nước lập ra, cũng có thể là để nắm giữ một ngành quan trọng; nhưng, chủ yếu là để hoạt động trong những ngành tư nhân không muốn làm nhưng xã hội và người dân lại cần. Quốc doanh của ta, điển hình là các tập đoàn kinh tế lớn, đang được giao khai thác hầu hết những tài nguyên quan trọng nhất của quốc gia nhưng hiệu quả kinh tế lại không bằng khu vực tư nhân. Quốc doanh độc quyền kinh doanh xăng dầu nhưng vẫn tăng giá khi giá xăng dầu thế giới giảm. Theo tôi, quốc doanh được lập ra là để phục vụ lợi ích chứ không phải là để thâu tóm lợi ích và ép người dân như thế. Theo ông thì nguyên nhân tại sao? Thay vì tuân thủ pháp luật, trưởng thành qua lăn lộn với thị trường thì chủ yếu, khối quốc doanh chỉ tận dụng đặc quyền, từ đặc quyền khai thác tài nguyên đến đặc quyền “vai trò chủ đạo”. Đó là nguyên nhân chính khiến cho các tập đoàn kinh tế thay vì cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài chủ yếu quay về bắt chẹt tư nhân và doanh nghiệp nhỏ hơn ở trong nước. Thưa ông, chúng ta có “tập đoàn”, có “tổng công ty”, nhưng, không những không có vai vế bên ngoài, ở bên trong cũng bỏ trống. Nhiều năm nay, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài như Unilever cứ “hành trình về nông thôn” thì các doanh nghiệp Việt Nam lại loay hoay xuất khẩu những tài nguyên thô, để mất dần thị trường nội địa? Theo tôi, hiểu thị trường nội địa một cách thuần tuý là không đúng, nội thương, ngoại thương và sản xuất là những mặt không thể tách rời. Đúng là chúng ta đã mở cửa khi mà ở bên trong chúng ta chưa có sức. Nhưng, vấn đề không phải là trì hoãn tiến trình mở cửa mà là phải tạo điều kiện để phát triển bên trong. Bản chất của vấn đề là tự do cạnh tranh trong một môi trường kinh doanh bình đẳng. Nếu những khái niệm như “chủ đạo”, định hướng” không được định nghĩa rõ ràng thì rất khó có sự bình đẳng giữa tư nhân với quốc doanh. Không bình đẳng thì không có môi trường cạnh tranh lành mạnh. Không có môi trường kinh doanh lành mạnh thì không thể có những nhà doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh cao với bên ngoài; không thể có một nền kinh tế tăng trưởng bền vững và hiệu quả. Lúc nãy, ông có nói là ông cũng lo ngại về vấn đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên, điều lo ngại đó là gì? Vấn đề của Tây Nguyên là an ninh, quốc phòng và môi trường, tuy nhiên điều tôi có thể nói ở đây là những bài học khi làm ăn với Trung Quốc. Tôi làm thứ trưởng bộ Cơ khí luyện kim từ đầu thập niên 80, biết công nghệ của Trung Quốc đưa sang cho mình ở khu gang thép Thái Nguyên, ở mỏ sắt Trại Cau tới đâu. Sắt, thép, thiếc đào lên gần như bán thô cho họ, để cái còn lại hiện nay là những nhà máy bỏ thì thương, vương thì tội. Khi tôi làm bộ trưởng Thương mại tôi cũng không nhất trí xây dựng ximăng lò đứng và nhà máy đường tràn lan. Nhưng Trung Quốc họ “hay” lắm, họ cho thăm thú, họ cho vay tiền, không chỉ có các ngành mà các địa phương cũng gây sức ép để nhập. Nhà máy đường và nhà máy ximăng lò đứng là những bài học rất mới. Tôi nghĩ là chúng ta cũng nên nhớ họ đã khuyên ta những gì khi ta định ký sớm hiệp định thương mại Việt – Mỹ và đã để mất cơ hội ký với Mỹ trước họ như thế nào. Huy Đức  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật