Trình tự, thủ tục đăng ký kết hôn của công dân hiện nay được thực hiện theo Nghị định 158 về đăng ký và quản lý hộ tịch. Theo đó, UBND cấp xã là cơ quan duy nhất có thẩm quyền giải quyết việc đăng ký kết hôn cho công dân trong nước. Tuy nhiên, kiểm tra việc đăng ký và quản lý hộ tịch cho thấy, vẫn còn nhiều sai sót trong quá trình giải quyết đăng ký kết hôn cho người dân, dẫn đến nhiều hệ lụy pháp lý phát sinh sau này.
Điều 18 Nghị định 158 quy định, khi đến đăng ký kết hôn tại UBND cấp xã- nơi cư trú của bên nam hoặc bên nữ thì hai bên nam, nữ phải nộp tờ khai theo mẫu quy định và xuất trình chứng minh nhân dân. Trong trường hợp, một người cư trú tại xã, phường, thị trấn này nhưng đăng ký kết hôn tại xã, phường, thị trấn khác thì phải có xác nhận của UBND cấp xã, nơi cư trú về tình trạng hôn nhân của người đó. Quy định như vậy, nhưng qua kiểm tra, có nhiều hồ sơ một trong các bên nam, nữ không tiến hành xác nhận tình trạng hôn nhân theo quy định, hoặc có xác nhận tình trạng hôn nhân nhưng đã quá hạn 6 tháng mà UBND cấp xã vẫn giải quyết cho đăng ký kết hôn. Lẽ ra, trong trường hợp này phải yêu cầu xác nhận lại tình trạng hôn nhân, nhưng cán bộ hộ tịch cơ sở vẫn giải quyết cho đương sự đăng ký kết hôn là không đúng luật. Ngược lại, chỉ yêu cầu các bên nam, nữ xuất trình chứng minh nhân dân để đối chiếu với tờ khai đăng ký kết hôn theo thủ tục, nhưng nhiều cán bộ hộ tịch vẫn yêu cầu người dân phải photo nộp cả chứng minh nhân dân, gây phiền phức cho người dân.
Thời hạn giải quyết việc đăng ký kết hôn, nhiều UBND cấp xã giải quyết chưa đúng quy định. Theo luật định, để UBND cấp xã giải quyết yêu cầu đăng ký kết hôn cho người dân là 5 ngày, kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ, thủ tục hợp lệ; nếu xác minh các vấn đề nào khác thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 5 ngày. Nhưng thực tế vẫn có nhiều hồ sơ gần 1 tháng vẫn chưa giải quyết, gây nhiều phiền hà cho người dân.
Sai sót nhiều nhất trong thủ tục giải quyết đăng ký kết hôn cho công dân là việc ký tên trong chứng nhận kết hôn, sổ đăng ký kết hôn và tờ khai đăng ký kết hôn. Một trong những quy định bắt buộc trong thủ tục giải quyết đăng ký kết hôn là các bên nam, nữ đều phải ký tên vào sổ đăng ký kết hôn để chứng tỏ quan hệ hôn nhân do các bên xác lập là quan hệ hôn nhân hoàn toàn tự nguyện và chịu trách nhiệm về quan hệ hôn nhân do mình xác lập. Khoản 3, Điều 18, Nghị định 158 quy định: khi đăng ký kết hôn hai bên nam, nữ phải có mặt. Đại diện UBND cấp xã yêu cầu hai bên cho biết ý muốn tự nguyện đăng ký kết hôn, nếu hai bên đồng ý kết hôn thì cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký kết hôn và Giấy chứng nhận kết hôn. Sau đó, hai bên nam, nữ ký vào Sổ và Giấy chứng nhận kết hôn; chủ tịch UBND cấp xã sẽ ký, cấp cho mỗi bên nam, nữ một bản chính giấy chứng nhận kết hôn, giải thích cho hai bên về quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình. Đây còn gọi là nghi thức đăng ký kết hôn (hay lễ đăng ký kết hôn), tuy nhiên hầu hết các UBND cấp xã không hề thực hiện nghi thức này. Nhiều trường hợp cho thấy, chỉ có một bên nam hay nữ đơn phương đến UBND cấp xã nhận Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn; chỉ cần có chữ ký của một trong các bên, bên còn lại không ký vào chứng nhận kết hôn cũng được UBND cấp xã cho nhận Giấy chứng nhận kết hôn. UBND xã cho rằng, không có thời gian để tiến hành lễ đăng ký kết hôn cho người dân, chỉ cần cán bộ Tư pháp- hộ tịch tiếp nhận hồ sơ, tham mưu UBND xã ký chứng nhận kết hôn là đủ. Giải quyết kiểu “đốt cháy giai đoạn” như vậy sẽ phát sinh nhiều hệ quả pháp lý sau này, nếu một trong các bên đăng ký kết hôn không thừa nhận quan hệ hôn nhân của mình trước Tòa án- khi ly hôn, do giấy tờ đăng ký kết hôn không hợp lệ và phát sinh tranh chấp tài sản thì UBND cấp xã sẽ là cơ quan chịu trách nhiệm về việc giải quyết đăng ký kết hôn không đúng luật.
Khâu lưu trữ hồ sơ đăng ký kết hôn cũng chưa đúng quy định, nhiều cán bộ Tư pháp- hộ tịch cơ sở chưa thực hiện việc lưu trữ các thủ tục đăng ký kết hôn của người dân. Theo quy định, các giấy tờ đương sự đã nộp khi đăng ký hộ tịch phải được lưu trữ, bảo quản tại cơ quan đăng ký hộ tịch trong thời hạn 5 năm, nhằm phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước về hộ tịch . Nhưng qua kiểm tra, phát hiện các hồ sơ đăng ký kết hôn ở nhiều xã chỉ trong một hai năm gần đây cũng không còn lưu trữ, không thể đối chiếu, xác minh khi có khiếu nại, tố cáo xảy ra. Hồ sơ đăng ký kết hôn không được lưu trữ, dẫn đến mất mát còn gây khó khăn cho công tác quản lý hộ tịch ở địa phương.
Đăng ký kết hôn cho công dân là nhiệm vụ của UBND cấp xã. Để tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền kết hôn theo quy định, UBND xã phải áp dụng đúng luật để giải quyết các thủ tục cần thiết. Có như vậy mới bảo đảm được quyền lợi hợp pháp của công dân, tránh những hệ lụy pháp lý phát sinh sau này.
SOURCE: BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN - NGUYỄN THANH XUÂN
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"