NHẬN DIỆN NHỮNG RỦI RO TRONG ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

TS. NGUYỄN MINH PHONG – Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội Trong kinh tế thị trường, dường như không có hoạt động đầu tư kinh doanh nào lại không có nguy cơ gặp rủi ro. Lợi nhuận càng cao, rủi ro càng lớn, nhưng điều ngược lại thì chưa hẳn đã đúng: lợi nhuận có thể thấp, song rủi ro chưa chắc đã nhỏ đi… Đầu tư chứng khoán cũng không nằm ngoài quy luật này, thậm chí, ở mức sâu đậm và đa diện hơn. Từ thực tiễn thị trường chứng khoán quốc tế nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng trong thời gian qua, có thể nhận diện một số rủi ro chủ yếu trong đầu tư chứng khoán. 1. Rủi ro từ tính thanh khoản thấp của chứng khoán đầu tư Tính thanh khoản thấp của chứng khoán mà nhà đầu tư đang sở hữu có thể do chứng khoán đó khó và thậm chí không thể bán được hoặc không được phép bán hay chuyển nhượng nhằm thu hồi vốn đầu tư. Hàng hóa thông thường không thể bán được phần nhiều do: chất lượng và tiện ích của hàng hóa không đáp ứng nhu cầu; không phù hợp với “gu” của người mua; cung vượt quá cầu; có hàng hóa khác thay thế tương đương, thậm chí có sức hấp dẫn hơn. Đối với chứng khoán, tính thanh khoản của nó thấp do một số nguyên nhân sau:     - Tình trạng tài chính và triển vọng thị trường của công ty, tổ chức phát hành chứng khoán không tốt. Thật không may cho nhà đầu tư chứng khoán, khi vì một lý do nào đó, chứng khoán mà họ đã mua là của một công ty, tổ chức có tình trạng tài chính thiếu lành mạnh và triển vọng cung cấp các yếu tố đầu vào, cũng như khả năng tiêu thụ sản phẩm đầu ra của công ty, tổ chức đó không đảm bảo hiệu quả vững chắc. Rủi ro đối với nhà đầu tư sẽ là tối đa khi công ty, tổ chức phát hành chứng khoán bị phá sản hoặc đơn giản là lặng lẽ “biến mất” trên thương trường sau những “pha” “tự đánh bóng” khá chuyên nghiệp, giật gân nhằm thu hút, dẫn dụ những nhà đầu tư. Trên thị trường chứng khoán hiện nay, vẫn đang tiếp tục diễn ra tình trạng công khai và nô nức đấu giá mua cổ phiếu của cả những công ty trên thực tế đã bị phá sản vì trình trạng tài chính âm, không thể trả nợ, hoặc của những công ty, quỹ đầu tư thậm chí mới có quyết định thành lập, chưa hề triển khai hoạt động trên thực tế… - Lựa chọn không đúng cơ cấu chứng khoán đầu tư. Nhà đầu tư chứng khoán có thể chịu rủi ro từ việc “bỏ hết trứng vào một giỏ”. Việc sở hữu thuần túy các cổ phiếu ưu đãi mà không được chuyển nhượng trong thời hạn nhất định (thường từ 3-5 năm) cũng có thể khiến nhà đầu tư gặp rủi ro liên quan đến tính thanh khoản thấp của các chứng khoán này, nhất là khi họ cần tiền để trả lãi vay ngân hàng hoặc muốn rút vốn về để đầu tư vào nơi khác có lãi hơn, an toàn hơn… - Sự cạnh tranh khốc liệt và biến động khôn lường của thị trường. Ngay cả những chứng khoán tốt nhất có sức hấp dẫn nhất, “hot” nhất thuộc dạng “blue-chip” cũng có thể không giữ vững được vị thế của mình một cách ổn định, lâu dài trước sự cạnh tranh và biến động tới chóng mặt của thị trường trong xu thế toàn cầu hóa. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư chứng khoán có thể phải hứng chịu cả hai dạng thiệt hại “khấu hao hữu hình” và “khấu hao vô hình” giá trị và tính thanh khoản của các chứng khoán mà họ nắm giữ. 2. Rủi ro từ thông tin chứng khoán và thị trường Ra đời cách đây trên 200 năm, bất chấp những thăng trầm của các ngành, nghề, sản phẩm kinh doanh khác, kinh doanh chứng khoán ngày càng trở thành một bộ phận không thể thiếu được của nền kinh tế hiện đại với đặc trưng cơ bản là kinh tế thông tin. Hiếm có hoạt động kinh doanh nào mà sự thành bại của nhà đầu tư lại gắn bó mật thiết, thậm chí phụ thuộc vào sự đa dạng, hệ thống, toàn diện, cập nhật và chính xác các thông tin có liên quan trực tiếp và gián tiếp như đầu tư chứng khoán. Pha chút hóm hỉnh, khôi hài, nhưng không phải không có lý khi có người đã phác họa chân dung nhà đầu tư chứng khoán: luôn háo hức trước mọi tin đồn và hăng hái góp phần vào tin đồn; luôn cảnh giác đề phòng nhưng cũng dễ nhẹ dạ, cả tin; tinh khôn và nhạy cảm; quen biết nhiều, nhưng không kết thân với ai trong làng chứng khoán (!). Trong số họ, ai là người nắm được nhiều, nhanh, chính xác thông tin, người đó sẽ dễ dàng chiến thắng và chiếm thế thượng phong, giảm thiểu những rủi ro “chết người” do mù mờ thông tin. Khả năng lắng nghe, phân tích đọc “vị” các “chiêu thức” và cả nghệ thuật “tung tin đồn”, gây nhiễu trên thị trường chứng khoán của cả các “đại gia” hoặc “đại bợm” kinh doanh chứng khoán, hay của bản thân các công ty, tổ chức phát hành chứng khoán, là biện pháp đặc hiệu để nhà đầu tư tự bảo vệ mình, tránh những cạm bẫy và rủi ro gắn với các loại thông tin “mờ ảo” trên thị trường đặc thù này. Một báo cáo tài chính hoặc cáo bạch chưa được kiểm toán, thẩm định bởi các tổ chức độc lập, chuyên nghiệp, có uy tín và trình độ chuyên môn cao; một thông tin đến chậm hoặc bị cắt xén không đầy đủ, không chính xác về hoạt động kinh doanh của công ty phát hành cổ phiếu, về môi trường pháp lý và về các nhà đầu tư khác trên cùng “sân chơi”, hoặc đơn giản là về tình hình thời tiết hay dịch bệnh nào đó… đều có thể trở thành đầu mối trực tiếp gây ra các thiệt hại khôn lường cho nhà đầu tư chứng khoán. 3. Rủi ro từ các quy định và chất lượng dịch vụ của các sàn, trung tâm giao dịch và công ty chứng khoán Vì yêu cầu đặc thù đòi hỏi bắt buộc phải thông qua các tổ chức trung gian, môi giới trong kinh doanh chứng khoán, nên các nhà đầu tư chứng khoán có thể phải chịu những rủi ro liên quan đến các quy định, quy trình nghiệp vụ và chất lượng dịch vụ của các tổ chức trung gian này, điển hình là các rủi ro liên quan đến việc tổ chức khớp lệnh và phân lô giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán có tổ chức. - Hình thức khớp lệnh định kỳ gây rủi ro cho nhà đầu tư vì họ không thể hủy ngang lệnh đã đặt mua hàng bán trước khi kết thúc phiên khớp lệnh, bất chấp những biến động mới bất lợi trên thị trường cho họ, nếu họ không muốn chịu phạt về sự thay đổi quyết định này. Khớp lệnh định kỳ cũng có thể gây rủi ro cho nhà đầu tư vì dễ gây tình trạng cung – cầu ảo trên thị trường và cả tình trạng nghẽn mạch, quá tải hoặc phân biệt đối xử theo kiểu bỏ rơi nhà đầu tư nhỏ ở các sàn, trung tâm và công ty chứng khoán. Tuy vậy, việc khớp lệnh định kỳ có thể tạo cơ hội để nhà đầu tư giảm bớt thiệt hại khi hủy lệnh đã đặt sau khi khớp lệnh đối với các chứng khoán còn dư chưa xử lý hết trong phiên giao dịch gần nhất mà họ tham dự. - Khớp lệnh liên tục là giao dịch trên cơ sở khớp liên tục các lệnh mua – bán chứng khoán ngay khi lệnh được nhập vào hệ thống giao dịch, không phải chờ đến thời điểm định kỳ như kiểu khớp lệnh định kỳ. Trong nguyên tắc xử lý khớp lệnh liên tục này thì quyền ưu tiên luôn dành cho các lệnh mua có mức giá cao hơn và các lệnh bán có mức giá thấp hơn. Trường hợp các lệnh mua và bán có đồng mức giá thì quyền ưu tiên sẽ dành cho lệnh nhập vào hệ thống giao dịch trước. Việc tổ chức khớp lệnh liên tục cho phép các nhà đầu tư đặt lệnh thận trọng, chính xác hơn, được giải quyết nhu cầu mua – bán nhiều hơn, nhanh chóng, bình đẳng hơn và giảm thiểu tình trạng cung – cầu ảo trên thị trường chứng khoán. Bên cạnh những ưu điểm trên, việc khớp lệnh liên tục có thể gây rủi ro cho nhà đầu tư theo 2 cách: hoặc rủi ro vì lệnh mua – bán của họ bị nhập vào hệ thống chậm hơn so với các nhà đầu tư khác có lệnh tương tự nên không thực hiện được sớm hoặc hết các lệnh đã đặt (thực tế ở Thành phố Hồ Chí Minh khi khớp lệnh định kỳ thường chỉ khớp được khoảng 60% số lệnh đã được nhập vào hệ thống); hoặc rủi ro vì họ buộc phải mua – bán bằng hết các chứng khoán đã đặt lệnh theo mức giá thị trường thời điểm hiện hành cao (khi mua vào) hoặc thấp hơn (khi bán ra) so với mức lệnh đã đặt. Sở dĩ có sự rủi ro này là vì trong quy trình khớp lệnh liên tục sử dụng loại “lệnh thị trường” – gọi tắt là MP. Lệnh này có nghĩa là lệnh mua tại mức giá thấp nhất (sàn) hoặc lệnh bán tại mức giá cao nhất (trần) trên thị trường. Nếu sau khi so khớp lệnh theo nguyên tắc trên mà khối lượng đặt lệnh của lệnh MP vẫn chưa thực hiện hết, thì MP sẽ được xem là lệnh bán tại mức giá thấp hơn tiếp theo hiện hành trên thị trường. Do thực hiện nguyên tắc ưu tiên khi khớp lệnh là: bán ở mức giá thấp, mua ở mức giá cao, nên thiệt hại cho nhà đầu tư đặt lệnh bán sẽ càng lớn nếu giá bán được ngày một giảm trong quá trình khớp lệnh này vì lệnh mua sẽ khớp số lượng bán với bất kỳ giá nào cho đến khi đủ số lượng. Khi đó, nhà đầu tư dễ bị lâm vào tình trạng mua vào ở giá trần và bán ra ở giá sàn. Trong khớp lệnh liên tục, hiệu lực lệnh của nhà đầu tư trong nước được tính từ khi lệnh được nhập vào hệ thống cho đến khi kết thúc ngày giao dịch, hoặc bị hủy bỏ. Riêng đối với nhà đầu tư nước ngoài, nếu lệnh mua nhập vào hệ thống không được khớp, hoặc chỉ được khớp một phần vào thời điểm, thì sẽ bị hủy, sau đó nhà đầu tư muốn mua thì phải tiếp tục đặt lệnh trở lại. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường chứng khoán còn có thể phải đối diện với các rủi ro gắn với sự điều chỉnh quy định về số lượng giao dịch cổ phiếu thực hiện, cụ thể từ mức 10 cổ phiếu trước đây, đã nâng lên tối thiểu 100 cổ phiếu mỗi lô giao dịch trong quá trình khớp lệnh liên tục ở Thành phố Hồ Chí Minh. Các rủi ro đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ có thể gồm: - Không thể xé nhỏ các khoản đầu tư như trước, vì đã “bỏ hết trứng vào một giỏ”. - Không có cơ hội mua các hàng – chứng khoán tốt vì chúng chỉ được giao dịch theo lô lớn. - Chịu thiệt hại do phải là người “bán lẻ”, “mua lẻ” với giá thấp hơn (tới 10%) so với các nhà đầu tư có số lượng cổ phiếu đủ lô quy định, trong khi đó họ cũng không có cơ hội mua lẻ thêm cổ phiếu (giả sử đã có 90) để làm tròn 100 cổ phiếu cho đủ lô theo quy định. - Chịu nhiều cảnh phân biệt đối xử khác khi thụ hưởng các dịch vụ chứng khoán nếu vẫn muốn là người trực tiếp đầu tư, không muốn thông qua các quỹ đầu tư đại chúng, quỹ tín thác và các công ty chứng khoán… 4. Rủi ro từ các chấn động thị trường trong và ngoài nước Các nhà đầu tư chứng khoán (nhất là các nhà đầu tư nhỏ, lẻ) có thể phải gánh chịu nhiều rủi ro liên quan đến các chấn động thị trường trong nước hoặc nước ngoài, bởi: - Các trào lưu mua, bán chứng khoán theo tâm lý đám đông, đầy cảm tính và xúc cảm, làm phá vỡ các quy luật vận động bình thường của thị trường. - Các hoạt động đầu cơ, tung tin đồn thất thiệt, gây nhiễu thông tin và tự “đánh bóng”, thổi giá hoặc thậm chí lừa đảo và thông đồng có tổ chức của một số nhà đầu tư chuyên nghiệp có tiềm lực tài chính và sức mạnh khác đủ tạo nên động thái thăng, trầm của thị trường để trục lợi. - Các chấn động thị trường khác từ nước ngoài (cuộc khủng hoảng tài chính – tiền lệ những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX ở châu Á là một thí dụ điển hình). Ngoài ra, các nhà đầu tư còn chịu các rủi ro liên quan đến động thái chính sách của Chính phủ, chẳng hạn như: chính sách 2 giá trong phát hành cổ phiếu (giảm giá từ 20-40% cho các nhà đầu tư chiến lược hoặc cán bộ, công nhân viên của công ty cổ phần hóa lần đầu); những thay đổi trong chính sách tỷ giá, lạm phát, tỷ lệ nắm giữ cổ phần trong công ty cổ phần của các nhà đầu tư chiến lược, các nhà đầu tư nước ngoài; chính sách xuất – nhập khẩu, độc quyền hoặc các quan hệ quốc tế song phương – đa phương v.v.. Cuối cùng, rủi ro lớn nhất và cũng là nguồn cội của mọi rủi ro trong đầu tư chứng khoán là sai lầm do thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng tổng hợp, phân tích và phản ứng thị trường một cách nhạy bén, chính xác của bản thân nhà đầu tư…Đã vĩnh viễn qua rồi những cơ hội ngắn ngủi và các ảo tưởng về kinh doanh chứng khoán thật dễ chịu và hấp dẫn: mua chứng khoán vào, “đắp chiếu”, đợi giá lên một chiều rồi khi cần tiền thì bán ra. Sự phát triển của kinh tế thông tin, kinh tế tri thức đòi hỏi và cho phép phải tri thức hóa các hoạt động kinh doanh, trong đó có kinh doanh chứng khoán, để đầu tư chứng khoán thực sự “ích nước, lợi nhà”.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật