NGHỊ ĐỊNH VỀ TÍN DỤNG ĐỐI VỚI NGƯỜI NGHÈO VÀ CÁC ĐỐI TƯỢNG CHÍNH SÁCH

CHÍNH PHỦ  __________ Số: /2007/NĐ-CP CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM  Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ___________________________________ Hà Nội, ngày tháng năm 2007
NGHỊ ĐỊNH Về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách _____________ CHÍNH PHỦ Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001; Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002; Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 12 tháng 12 năm 1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 5 năm 2004; Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính, NGHỊ ĐỊNH: Chương I QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách là việc Nhà nước thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội huy động, tập trung các nguồn lực trong xã hội để cho người nghèo và các đối tượng chính sách vay ưu đãi, phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống; góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói, giảm nghèo, ổn định xã hội. Điều 2. Đối tượng điều chỉnh: 1. Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong quá trình thực hiện tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách. 2. Các cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế thuộc đối tượng được vay vốn theo qui định tại Nghị định này. Điều 3. Nguyên tắc của tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách: 1. Ngân hàng Chính sách xã hội có trách nhiệm cho vay đúng đối tượng, đúng qui định của Chính phủ và các văn bản qui phạm pháp luật có liên quan. 2. Khách hàng vay vốn phải sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ đúng hạn cả gốc và lãi theo thoả thuận trong hợp đồng tín dụng. Điều 4. Ngân hàng thực hiện tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách: 1. Giao Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức thực hiện cơ chế tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách. 2. Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay trực tiếp đối với người nghèo và các đối tượng chính sách hoặc uỷ thác qua các tổ chức chính trị xã hội. Chương II NGUỒN VỐN ĐỂ THỰC HIỆN TÍN DỤNG ĐỐI VỚI NGƯỜI NGHÈO VÀ CÁC ĐỐI TƯỢNG CHÍNH SÁCH Điều 5. Nguồn vốn do Ngân sách Nhà nước cấp: 1. Vốn điều lệ của Ngân hàng Chính sách xã hội là 10.000 tỷ đồng; 2. Vốn để cho vay xoá đói giảm nghèo; tạo việc làm và thực hiện các chương trình chính sách xã hội khác; 3. Vốn ngân sách địa phương: Hàng năm, Ủy ban nhân dân các cấp bố trí trong dự toán chi ngân sách hoặc trích một phần từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách cấp mình để tăng nguồn vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; 4. Vốn ODA được Chính phủ giao. Điều 6. Vốn huy động: 1. Huy động tiền gửi của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; 2. Phát hành trái phiếu Chính phủ, chứng chỉ tiền gửi và các giấy tờ có giá khác; 3. Các tổ chức tín dụng (trừ hệ thống Quĩ tín dụng nhân dân và Ngân hàng phát triển Việt Nam) có trách nhiệm duy trì số dư tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách xã hội bằng 2% số dư nguồn vốn huy động bằng đồng Việt Nam tại thời điểm ngày 31 tháng 12 năm trước. Tiền gửi của các tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội được trả lãi bằng lãi suất huy động tiền gửi không kỳ hạn của các Tổ chức tín dụng tại cùng thời điểm; 4. Huy động tiết kiệm của người nghèo và huy động từ các nguồn khác. Điều 7. Vốn đi vay: 1. Vay các tổ chức tài chính, tín dụng trong và ngoài nước; 2. Vay Tiết kiệm Bưu điện, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; 3. Vay Ngân hàng Nhà nước. Điều 8. Vốn đóng góp tự nguyện: Vốn đóng góp tự nguyện không hoàn trả của các cá nhân, các tổ chức kinh tế, tổ chức tài chính, tín dụng và các tổ chức chính trị – xã hội, các hiệp hội, các hội, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước. Điều 9. Vốn nhận ủy thác: Vốn nhận ủy thác cho vay ưu đãi của chính quyền địa phương, các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị – xã hội, các hiệp hội, các hội, các tổ chức phi Chính phủ, các cá nhân trong và ngoài nước. Điều 10. Các nguồn vốn khác. Chương III TÍN DỤNG ƯU ĐÃI Điều 11. Đối tượng được vay vốn: 1. Hộ nghèo; 2. Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; 3. Các hộ gia đình thuộc đối tượng thực hiện: chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng cụm tuyến dân cư vùng đồng bằng sông Cửu Long; 4. Các cá nhân thuộc gia đình chính sách đi lao động có thời hạn tại nước ngoài; 5. Các đối tượng được vay vốn của Quĩ quốc gia về việc làm; 6. Các hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn; 7. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và doanh nghiệp sử dụng người lao động là người sau cai nghiện ma tuý; 8. Thương nhân kinh doanh thương mại tại vùng khó khăn; 9. Các đối tượng khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Điều 12. Điều kiện để được vay vốn: 1. Đối với người nghèo phải có địa chỉ cư trú hợp pháp và có trong danh sách hộ nghèo được Uỷ ban nhân dân cấp xã quyết định theo chuẩn nghèo theo qui định của pháp luật, được tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét, lập thành danh sách có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã. 2. Đối với các đối tượng khác thực hiện theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và của pháp luật hiện hành. Điều 13. Mục đích sử dụng vốn vay: Vốn vay được sử dụng để đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của đối tượng được vay vốn, phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật. Điều 14. Mức vốn cho vay: 1. Mức vốn cho vay đối với người nghèo và đối tượng chính sách được xác định trên cơ sở nhu cầu vay vốn của người vay và nguồn vốn có thể huy động được trong từng thời kỳ. 2. Mức vốn cho vay đối với người nghèo và đối tượng chính sách do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định. Điều 15. Thời hạn cho vay, gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn: 1. Thời hạn cho vay được xác định trên cơ sở mục đích sử dụng vốn vay, thời hạn thu hồi vốn của chương trình, dự án và khả năng trả nợ của đối tượng được vay vốn. 2. Trường hợp đối tượng vay vốn chưa trả được nợ đúng kỳ hạn đã cam kết do nguyên nhân khách quan, được Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét cho gia hạn nợ. 3. Trường hợp đối tượng vay vốn sử dụng vốn vay sai mục đích hoặc không trả được nợ đúng hạn mà không được Ngân hàng Chính sách xã hội cho gia hạn nợ, Ngân hàng Chính sách xã hội chuyển nợ quá hạn đồng thời kết hợp với chính quyền sở tại, các tổ chức chính trị – xã hội có biện pháp thu hồi nợ. 4. Thời hạn cho vay, gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn do Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội quy định. Điều 16. Lãi suất cho vay: 1. Nguyên tắc xác định lãi suất cho vay: a) Lãi suất cho vay được phân loại theo nhóm đối tượng vay căn cứ vào khả năng tài chính của đối tượng vay và khả năng hỗ trợ của Nhà nước. - Đối với người nghèo, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng vay vốn Quĩ quốc gia về việc làm: Lãi suất cho vay tối đa bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm. - Đối với các đối tượng còn lại: Lãi suất cho vay tối đa bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm cộng với biên độ không vượt quá 3%/năm. b) Lãi suất cho vay do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định và công bố vào tháng 01 hàng năm. 2. Lãi suất cho vay được xác định tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng và không thay đổi trong cả thời hạn vay vốn. 3. Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 150% lãi suất khi cho vay. Điều 17. Quy trình, thủ tục vay vốn: Ngân hàng Chính sách xã hội quy định quy trình và thủ tục vay đối với từng đối tượng được vay vốn bảo đảm đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện. Điều 18. Bảo đảm tiền vay: 1. Đối tượng vay vốn quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 Điều 11 Nghị định này khi vay vốn không phải thế chấp tài sản. 2. Đối với các đối tượng khác thực hiện theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và của pháp luật hiện hành. Điều 19. Trích lập dự phòng: Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng theo quy định của Bộ Tài chính. Điều 20. Xử lý rủi ro tín dụng: 1. Mọi rủi ro xảy ra trong quá trình cho vay người nghèo và đối tượng chính sách do nguyên nhân khách quan được xử lý theo qui chế xử lý rủi ro do Thủ tướng Chính phủ ban hành. 2. Những thiệt hại do nguyên nhân chủ quan thì đối tượng gây thiệt hại phải bồi hoàn và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chương III KẾ HOẠCH TÍN DỤNG Điều 21. Lập kế hoạch tín dụng: Hàng năm, Ngân hàng Chính sách xã hội lập kế hoạch tín dụng báo cáo Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt. Điều 22. Nội dung của kế hoạch tín dụng, gồm: 1. Tổng mức tăng trưởng tín dụng, trong đó chi tiết cụ thể cho từng chương trình và từng đối tượng vay theo tiến độ cho vay trong năm. 2. Nguồn vốn để thực hiện kế hoạch tăng trưởng tín dụng, trong đó chi tiết từng loại nguồn vốn, phù hợp với tiến độ cho vay trong năm. 3. Nguồn vốn ngân sách Nhà nước để cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Chương IV TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC Điều 23. Bộ Tài chính 1. Chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan trình Chính phủ ban hành hoặc hướng dẫn, ban hành các cơ chế, chính sách liên quan về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách. 2. Hướng dẫn và kiểm tra giám sát việc thực hiện Nghị định này. 3. Thay mặt Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và giám sát đối với hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội. Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định các vấn đề thuộc quyền của chủ sở hữu đối với Ngân hàng Chính sách xã hội do Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội trình. 4. Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn ngân sách Nhà nước để thực hiện tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách theo qui định tại Nghị định này. Điều 24. Bộ Kế hoạch và đầu tư: 1. Tổng hợp kế hoạch tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm và dài hạn để trình Thủ tuớng Chính phủ xem xét, quyết định. 2. Phối hợp với Bộ Tài chính lập dự toán chi Ngân sách Nhà nước để thực hiện tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách. 3. Phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng xây dựng chính sách, tham gia kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách. Điều 25. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội 1. Chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư lập kế hoạch giải quyết việc làm hàng năm và 5 năm, kế hoạch bổ sung ngân sách hàng năm cho Quĩ Quốc gia về việc làm để tổng hợp trình Chính phủ xem xét, trình Quốc Hội. 2. Hướng dẫn, kiểm tra giám sát và đánh giá kết quả hoạt động của Quĩ Quốc gia về việc làm. Điều 26. Bộ Giáo dục và đào tạo. Thực hiện các nhiệm vụ trong chương trình tín dụng đối với học sinh sinh viên do Thủ tướng Chính phủ qui định. Điều 27. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 1. Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tiền tệ, tín dụng và thanh toán có liên quan đến hoạt động tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách. 2. Phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách. Điều 28. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước theo thẩm quyền đối với hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội. Điều 29. Các cơ quan, tổ chức được cử người tham gia Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội, ngoài chức năng quản lý chuyên ngành thuộc thẩm quyền, có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ sau : 1. Tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về chủ trương, chính sách và giải pháp cơ bản để thực hiện tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. 2. Trực tiếp chỉ đạo thực hiện các giải pháp chuyên ngành có liên quan đến hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội. 3. Cử đại diện có đủ thẩm quyền tham gia Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội. Điều 30. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm : 1. Chỉ đạo các Sở, Ban, ngành, Ban Chỉ đạo Chương trình xoá đói, giảm nghèo địa phương, ủy ban nhân dân cấp huyện phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội tổ chức lồng ghép các chương trình, dự án sản xuất – kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu, lựa chọn cây trồng, vật nuôi, ngành nghề, các chương trình chuyển giao công nghệ, khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hướng dẫn thị trường với việc sử dụng vốn tín dụng; kết hợp chương trình kinh tế với chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng và chương trình văn hoá – xã hội nhằm hỗ trợ Người vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả và hạn chế rủi ro. 2. Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân về việc trích một phần từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách địa phương hàng năm để chuyển cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn theo quy định tại Nghị định này. 3. Quyết định thành lập và giám sát hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị tại địa phương theo quy định của Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội. 4. Chỉ đạo các tổ chức nhận ủy thác trong việc chấp hành chính sách tín dụng đối với Người vay tại địa phương, xử lý các sai phạm, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân có đóng góp trong hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội. 5. Tập trung các nguồn vốn có nguồn gốc từ Ngân sách địa phương đang cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác quy định trong Nghị định này, kể cả Quỹ cho vay xoá đói, giảm nghèo do địa phương lập (nếu có) vào đầu mối Ngân hàng Chính sách xã hội. 6. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội. Điều 31. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm : 1. Chỉ đạo các ngành và Ban Chỉ đạo Chương trình xoá đói, giảm nghèo của huyện phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện để thực hiện chính sách tín dụng đối với Người vay trên địa bàn. 2. Chỉ đạo ủy ban nhân dân cấp xã chấp hành đầy đủ các quy định về thành lập tổ tiết kiệm và vay vốn, bình xét cho vay, xác nhận danh sách hộ nghèo đủ điều kiện vay, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, trả nợ, trả lãi tiền vay của đối tượng được vay vốn. 3. Quyết định thành lập và giám sát hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị theo Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội. Điều 32. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm: 1. Lập danh sách hộ nghèo theo chuẩn nghèo do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công bố. 2. Chỉ đạo việc thành lập và chấp thuận hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn. 3. Tổ chức và chỉ đạo Ban Chỉ đạo Chương trình xoá đói, giảm nghèo cấp xã phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội giám sát việc bình xét hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, bảo đảm dân chủ và công khai, xác nhận danh sách hộ nghèo vay vốn, phối hợp với tổ chức cho vay, tổ tiết kiệm và vay vốn kiểm tra việc sử dụng vốn vay và đôn đốc thu hồi nợ. 4. Có ý kiến về đề nghị của đối tượng vay vốn đối với các trường hợp xin gia hạn nợ và xử lý rủi ro. 5. Phối hợp với các Ban, ngành chức năng ở cấp huyện, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức tài trợ và tổ chức cho vay mở các lớp hướng dẫn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, kiến thức về thị trường…, quy chế vay vốn, trả nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội. Điều 33. Những tổ chức và cá nhân có thành tích trong việc tạo lập nguồn vốn, chấp hành tốt các quy định về cho vay mang lại hiệu quả thiết thực sẽ được khen thưởng. Hàng năm, Hội đồng quản trị, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp xem xét và đề nghị khen thưởng bằng các hình thức thích hợp. Chương VII ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH Điều 34. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo và thay thế Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách. Các đối tượng đang được vay vốn theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật. Điều 35. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Nơi nhận:  - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Toà án nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - VPCP: BTCN, các Phó Chủ nhiệm, Website Chính phủ, Ban Điều hành 112, Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; - Lưu: Văn thư, KTTH (8b). Hoà 320 bản.

TM. CHÍNH PHỦ

THỦ TƯỚNG

Nguyễn Tấn Dũng
 

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật