NGHỊ ĐỊNH SỐ 163/2006/NĐ-CP VỀ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM, MẶT BẰNG PHÁP LÝ CHUNG VỀ BẢO ĐẢM THỰC HIỆN NGHĨA VỤ DÂN SỰ VÀ BẢO ĐẢM TIỀN VAY CỦA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

Ngày 29/12/2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm, quy định chi tiết thi hành một số điều Bộ luật Dân sự về việc xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự và xử lý tài sản bảo đảm. Nghị định này thay thế Nghị định số 165/1999/NĐ-CP ngày 19/11/1999 về giao dịch bảo đảm, đồng thời bãi bỏ các Nghị định số 178/1999/NĐ-CP ngày 29/12/1999 về bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng, Nghị định số 85/2002/NĐ-CP ngày 25/10/2002 về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 178/1999/NĐ-CP. Chính phủ ban hành Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm nhằm tạo ra sự thống nhất trong hệ thống pháp luật về giao dịch bảo đảm và bảo đảm tiền vay của các TCTD, đồng thời xoá bỏ sự phân biệt đối xử giữa các loại hình tổ chức hoặc cá nhân trong việc áp dụng biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo khoản 1 Điều 318 của Bộ luật Dân sự. Với “sân chơi” bình đẳng, việc bảo đảm tiền vay của TCTD và giao dịch dân sự của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác có thoả thuận về biện pháp bảo đảm đều áp dụng chung các quy định tại Nghị định này. Nghị định số 163/2006/NĐ-CP có những quy định mới về một số vấn đề cơ bản như sau: Về bên bảo đảm: Trước đây, Nghị định 165/1999/NĐ-CP quy định bên bảo đảm là bên có nghĩa vụ dùng tài sản thuộc quyền sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; người thứ ba dùng tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cam kết bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự thay cho bên có nghĩa vụ, thì phải áp dụng biện pháp bảo lãnh bằng tài sản. Nghị định số 163/2006/NĐ-CP quy định bên bảo đảm không chỉ là bên có nghĩa vụ trong quan hệ dân sự mà có thể là ngừơi thứ ba cam kết bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự thay cho bên có nghĩa vụ. Giá trị tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự: Điều 5 Nghị định quy định nếu bên bảo đảm dùng một tài sản để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự theo quy định tại khoản 1 Điều 324 Bộ luật Dân sự, thì các bên có thể thỏa thuận dùng tài sản có giá trị nhỏ hơn, bằng hoặc lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Bảo vệ quyền lợi cho bên nhận bảo đảm ngay tình: Khoản 3 Điều 3 Nghị định quy định bên nhận bảo đảm ngay tình là bên nhận bảo đảm trong trường hợp không biết và không thể biết về việc bên bảo đảm không có quyền dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghia vụ dân sự. Tại Khoản 2 Điều 13 Nghị định quy định trường hợp tài sản bảo đảm là tài sản mua trả chậm, trả dần, tài sản thuê có thời hạn từ một năm trở lên của doanh nghiệp, cá nhân có đăng ký kinh doanh gồm máy móc, thiết bị, động sản khác không thuộc diện phải đăng ký quyền sở hữu và hợp đồng mua trả chậm, trả dần, hợp đồng thuê tài sản, nếu không đăng ký tại cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm có thẩm quyền trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng, thì bên nhận bảo đảm bằng các tài sản này được coi là bên nhận bảo đảm ngay tình và có thứ tự ưu tiên thanh toán cao nhất. Theo đó, trước khi nhận làm tài sản bảo đảm, để bảo vệ quyền lợi của mình, các tổ chức tín dụng cần tra cứu thông tin tại cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm có thẩm quyền. Bảo vệ quyền cho bên nhận bảo đảm khi tài sản bảo đảm liên quan đến vụ án: Khoản 4 Điều 4 Nghị định quy định trường hợp giao dịch bảo đảm được xác lập hợp pháp và có giá trị pháp lý đối với người thứ ba, thì Toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác không được kê biên tài sản bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ khác của bên bảo đảm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Thứ tự ưu tiên thanh toán và thay đổi thứ tự ưu tiên thanh toán theo thoả thuận: Thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm được xác định theo quy định tại Điều 325 Bộ luật Dân sự. Các bên cùng nhận bảo đảm bằng một tài sản có quyền thoả thuận về việc thay đổi thứ tự ưu tiên thanh toán cho nhau. Hiệu lực của giao dịch bảo đảm: Giao dịch bảo đảm được giao kết hợp pháp có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, trừ các trường hợp sau: (i) Có thỏa thuận khác; (ii) Cầm cố tài sản có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản cho bên nhận cầm cố; (iii) Việc thế chấp: quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng, tàu bay, tàu biển có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký thế chấp; (iv) Giao dịch bảo đảm có hiệu lực kể từ thời điểm công chứng hoặc chứng thực trong trường hợp pháp luật có quy định phải công chứng, chứng thực. Thời điểm giao dịch bảo đảm có giá trị pháp lý đối với người thứ ba: Giao dịch bảo đảm có giá trị pháp lý đối với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký theo quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm. Việc thay đổi một hoặc các bên tham gia giao dịch bảo đảm không làm thay đổi thời điểm giao dịch bảo đảm có giá trị pháp lý đối với người thứ ba. Việc đăng ký giao dịch bảo đảm: Các trường hợp bắt buộc phải đăng ký giao dịch bảo đảm bao gồm: thế chấp quyền sử dụng đất; thế chấp quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng; thế chấp tàu bay, tàu biển; thế chấp một tài sản để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ; các trường hợp khác, nếu pháp luật có quy định. Các trường hợp không thuộc diện phải đăng ký thì theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân. Về trường hợp bên bảo đảm là pháp nhân được tổ chức lại: Điều 14 Nghị định quy định bên bảo đảm là pháp nhân được tổ chức lại phải thông báo cho bên nhận bảo đảm về việc tổ chức lại pháp nhân. Các bên thoả thuận về việc kế thừa, thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm và giao dịch bảo đảm trong quá trình tổ chức lại pháp nhân; nếu không thoả thuận được thì bên nhận bảo đảm yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ trước thời hạn. Trước đây, Nghị định số 178/1999/NĐ-CP quy định trong mọi trường hợp chuyển giao nghĩa vụ bảo đảm bằng tài sản đối với khách hàng vay, hoặc bên bảo lãnh là doanh nghiệp sau khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, cổ phần hoá và tổ chức tín dụng phải thoả thuận ký kết lại hợp đồng bảo đảm đã gây khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Vướng mắc này đến nay đã được tháo gỡ, vì khoản 3 Điều 14 Nghị định quy định đối với giao dịch bảo đảm được xác lập trước khi tổ chức lại pháp nhân và còn thời hạn thực hiện, thì các bên không phải ký kết lại hợp đồng giao dịch bảo đảm mà có thể lập văn bản ghi nhận về việc thay đổi bên bảo đảm. Theo đó, pháp nhân sau tổ chức lại, sau chuyển đổi phải tiếp tục thực hiện đầy đủ các thoả thuận trong hợp đồng giao dịch bảo đảm của pháp nhân trước khi tổ chức lại hoặc chuyển đổi. Các TCTD phải đặc biệt chú trọng việc đăng ký giao dịch bảo đảm đối với việc bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay, vì Điều 69 Nghị định quy định trong trường hợp giao dịch bảo đảm được giao kết để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong tương lai thì nghĩa vụ trong tương lai có thứ tự ưu tiên thanh toán theo thứ tự đăng ký giao dịch bảo đảm đó, không phụ thuộc vào thời điểm xác lập giao dịch dân sự làm phát sinh nghĩa vụ trong tương lai. Quyền xử lý tài sản bảo đảm bằng tài sản hình thành trong tương lai: Điều 8 Nghị định quy định trong trường hợp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản hình thành trong tương lai, thì khi bên bảo đảm có quyền sở hữu một phần hoặc toàn bộ tài sản bảo đảm, bên nhận bảo đảm có các quyền đối với một phần hoặc toàn bộ tài sản đó. Đối với tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu mà bên bảo đảm chưa đăng ký thì bên nhận bảo đảm vẫn có quyền xử lý tài sản khi đến hạn xử lý. Tháo gỡ khó khăn trong việc xử lý tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trong trường hợp không có thoả thuận về phương thức xử lý: Điều 68 Nghị định quy định trong trường hợp không có thoả thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thì các tài sản này được bán đấu giá. Trong trường hợp chỉ thế chấp tài sản gắn liền với đất mà không thế chấp quyền sử dụng đất, thì khi xử lý tài sản gắn liền với đất, người mua, người nhận chính tài sản gắn liền với đất đó được tiếp tục sử dụng đất. Quyền và nghĩa vụ của bên thế chấp trong hợp đồng về quyền sử dụng đất giữa bên thế chấp và người sử dụng đất được chuyển giao cho người mua, người nhận chính tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp có thoả thuận khác. Về nguyên tắc xử lý tài sản bảo đảm: Trong trường hợp tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ thì việc xử lý tài sản đó do các bên thoả thuận; nếu không có thoả thuận thì tài sản được bán đấu giá theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ, thì việc xử lý tài sản đó do bên bảo đảm và các bên cùng nhận bảo đảm thoả thuận; nếu không có thoả thuận hoặc không thể thoả thuận được thì tài sản được bán đấu giá theo quy định của pháp luật. Bảo vệ quyền lợi cho bên nhận bảo đảm khi phải xử lý tài sản bảo đảm: Khoản 5 Điều 58 Nghị định quy định việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ không phải là hoạt động kinh doanh tài sản của bên nhận bảo đảm. Tháo gỡ khó khăn cho bên nhận bảo đảm trong việc làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản khi xử lý tài sản bảo đảm: Trước đây, khi chuyển quyền sở hữu cho người mua tài sản trong trường hợp phải xử lý tài sản bảo đảm theo hợp đồng cầm cố, thế chấp tài sản, pháp luật quy định phải có sự đồng ý bằng văn bản của chủ sở hữu. Tuy nhiên, trong thực tế, bên bảo đảm thường cố tình không ký văn bản này gây khó khăn khi xử lý tài sản bảo đảm. Khoản 2 Điều 70 Nghị định quy định trong trường hợp pháp luật quy định việc chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản phải có sự đồng ý bằng văn bản của chủ sở hữu, hợp đồng mua bán tài sản giữa chủ sở hữu tài sản hoặc người phải thi hành án với người mua tài sản về việc xử lý tài sản bảo đảm thì hợp đồng cầm cố tài sản, hợp đồng thế chấp tài sản được dùng để thay thế cho các loại giấy tờ này./.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật