NGHỊ ĐỊNH SỐ 09 KHÔNG MÂU THUẪN VỚI CÁC VĂN BẢN LUẬT

Nhân đọc bài “Nghị định 09 có khả thi?” của tác giả Nguyễn Xuân Đang trên TBKTSG số 11-2009, ra ngày 5-3-2009, ông Trần Ngọc Tiến (Chi cục Tài chính doanh nghiệp TPHCM) muốn trao đổi lại một số điểm. Tòa soạn đăng tải để rộng đường dư luận. Sau khi Nghị định 09/2009 về Quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác ra đời, đã có nhiều ý kiến thắc mắc chủ yếu xoay quanh vấn đề đối tượng áp dụng và thời gian hiệu lực của nghị định. Về đối tượng áp dụng của Nghị định 09 Hiện nay có một số ý kiến cho rằng có sự mâu thuẫn giữa các văn bản luật. Cụ thể, Nghị định 09 quy định đối tượng áp dụng là các công ty nhà nước độc lập, mà theo định nghĩa của Luật Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) 2003, tại điều 3 thì: “Công ty nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ, thành lập, tổ chức quản lý, đăng ký hoạt động theo quy định của luật này. Công ty nhà nước được tổ chức dưới hình thức công ty nhà nước độc lập, tổng công ty nhà nước”. Còn tại điều 4 Luật Doanh nghiệp 2005 (Luật DN) quy định: “Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ”. Từ đó, tác giả Nguyễn Xuân Đang có kết luận rằng nếu căn cứ theo Luật DNNN thì Nghị định 09 không áp dụng cho các doanh nghiệp cổ phần hóa mà Nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ như Vietcombank, Vietinbank, còn căn cứ theo Luật DN thì kết quả ngược lại. Do vậy, để hiểu đúng Nghị định 09 chúng ta cần phải phân biệt rõ định nghĩa “doanh nghiệp nhà nước” và “công ty nhà nước” trong các văn bản pháp luật. Căn cứ theo điều 1, Luật DNNN 2003 thì “doanh nghiệp nhà nước là tổ chức kinh tế do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ hoặc có cổ phần, vốn góp chi phối, được tổ chức dưới hình thức công ty nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn”. Như vậy theo quy định của luật này, doanh nghiệp nhà nước bao gồm các loại hình: 1. Công ty nhà nước (được định nghĩa theo điều 3 Luật DNNN nêu trên) 2. Công ty TNHH, bao gồm công ty TNHH nhà nước một thành viên mà nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ; và công ty TNHH nhà nước hai thành viên trở lên, trong đó tất cả các thành viên đều là công ty nhà nước hoặc có thành viên là công ty nhà nước và thành viên khác là tổ chức được nhà nước ủy quyền góp vốn.   3. Công ty cổ phần, bao gồm: công ty cổ phần nhà nước là công ty cổ phần mà toàn bộ cổ đông là các công ty nhà nước hoặc tổ chức được Nhà nước ủy quyền góp vốn; và công ty cổ phần mà Nhà nước nắm trên 50% vốn điều lệ (được quy định tại điều 4 Luật DN nêu trên). Trong các loại hình doanh nghiệp nhà nước nêu trên chỉ có loại hình công ty nhà nước là đối tượng của Luật DNNN và của Nghị định 09. Vấn đề này đã được quy định ngay tại điều 1 của Nghị định: “Quy chế này quy định việc quản lý tài chính đối với công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác thành lập và hoạt động theo Luật DN và Luật Hợp tác xã”. Đối với hai loại hình DNNN còn lại, mặc dù vẫn được xem là DNNN nhưng lại được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật DN. Vấn đề này cũng đã được nêu rõ tại điều 3 của Luật DNNN. Đối với các loại hình này, Luật DNNN và Nghị định 09 chỉ có tác động đến “người đại diện phần vốn nhà nước” tại các doanh nghiệp đó mà thôi. Như vậy không hề có mâu thuẫn trong các quy định của Nhà nước về đối tượng áp dụng của Nghị định 09. Thời hạn hiệu lực của Nghị định 09 Căn cứ ban hành của Nghị định 09 là Luật DNNN 2003. Theo Luật DN 2005, Luật DNNN 2003 sẽ hết hiệu lực vào ngày 1-7-2010, như vậy thời hạn hiệu lực của Nghị định 09 cũng sẽ chấm dứt. Do có thời hạn hiệu lực ngắn như vậy nên hầu hết các nội dung của Nghị định 09 đều không có thay đổi nhiều so với Nghị định 199/2004 ngày 3-12-2004 cũng về vấn đề này. Tuy nhiên việc ra đời của Nghị định 09 cũng có một số điểm mới giải quyết được một số vấn đề nóng trong quản lý tài chính của các công ty nhà nước và phần vốn của Nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp khác. Đó là vấn đề như: - Việc phân chia lợi nhuận sau thuế cho các công ty nhà nước, đặc biệt là phần quỹ khen thưởng phúc lợi. Theo Nghị định 199, tỷ lệ chia quỹ khen thưởng phúc lợi căn cứ vào phần lợi nhuận trên tỷ lệ vốn tự huy động. Vô hình trung, các công ty nhà nước không có vốn vay hay vay ít thì lại không có quỹ khen thưởng phúc lợi dù lợi nhuận làm ra có cao bao nhiêu đi nữa. Việc ra đời Nghị định 09 đã giải quyết vấn đề này khi quy định mức trích quỹ khen thưởng phúc lợi căn cứ trên xếp loại doanh nghiệp. - Việc đầu tư tràn lan trái ngành nghề của các công ty nhà nước cũng được Nghị định 09 xử lý bằng cách quy định mức khống chế không vượt quá 30% tổng nguồn vốn đầu tư. Đây là cơ sở pháp lý để các cơ quan quản lý điều chỉnh hoạt động đầu tư tài chính của các công ty. - Các quy định đối với người đại diện vốn nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp khác cũng được Nghị định 09 quy định chặt chẽ hơn như trong trường hợp xử lý quyền mua các cổ phiếu phát hành thêm trong công ty cổ phần mà họ đại diện vốn nhà nước. Do đó có thể nói việc ra đời Nghị định 09 là cần thiết trong giai đoạn chuyển tiếp hiện nay. Vấn đề chính liên quan đến thời hạn hiệu lực của Luật DNNN cũng như của Nghị định 09 là làm sao chuyển đổi các công ty nhà nước sang loại hình công ty TNHH một thành viên và công ty cổ phần trước ngày 1-7-2010. Việc sửa đổi luật để kéo dài thời gian chuyển đổi là không khả thi vì không thể tiếp tục duy trì một môi trường kinh doanh mà có hai luật chơi riêng cho hai loại hình doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn Việt Nam đã là thành viên của WTO. Do vậy Chính phủ cần phải có biện pháp thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi. Trong thời gian tới, nếu không thể đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa cho kịp thời hạn của luật, nên chăng Chính phủ cần đơn giản hóa việc chuyển đổi các công ty nhà nước thành công ty TNHH một thành viên, vì xét cho cùng với loại hình này Nhà nước vẫn nắm toàn quyền vốn chủ sở hữu, không sợ thất thoát tài sản do phải chuyển đổi gấp gáp. Việc cổ phần hóa nếu cần thiết sẽ được thực hiện sau. Vấn đề chính là đưa các doanh nghiệp vào cùng một sân chơi chung với một luật chơi là Luật DN theo đúng thời hạn đã quy định.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật