Nghị định Biểu diễn nghệ thuật: ‘Loay hoay’ với chiếc áo chật

Quy chế 47 về biểu diễn nghệ thuật dường như đang mặc một cái áo quá chật khi mà những quy định trong đó từ lâu đã không còn theo kịp sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động biểu diễn.

Những cuộc thi hoa hậu, người đẹp với nhiều chuyện lùm xùm trong năm qua, hay tình trạng cấp phép hoạt động chồng chéo của các công ty biểu diễn là một ví dụ. Vấn đề cấp bách hiện nay là làm sao xây dựng cho được một nghị định về biểu diễn nghệ thuật để làm căn cứ và nâng cao tính pháp lý. Thế nhưng dù đã 7 lần sửa đổi nghị định mà các nhà quản lý vẫn loay hoay, chưa tìm được giải pháp thống nhất.

"Nóng” thi hoa hậu, người đẹp

Dự thảo nghị định về hoạt động Biểu diễn nghệ thuật vừa được Bộ VHTTDL và Cục Nghệ thuật biểu diễn đem ra lấy ý kiến tại một cuộc hội thảo quy mô toàn quốc. Với 6 chương, 30 điều, dự thảo được đánh giá là khá súc tích nhưng vì quá ngắn gọn nên có nhiều điểm vẫn chưa thực sự hết ý. Ngoài ra vẫn còn nhiều điều khoản chồng chéo, chưa rõ ràng. Có ý kiến cho rằng tên của nghị định chưa đủ trong khi nội dung đề cập cả hoạt động thi người đẹp, trình diễn thời trang và phát hành sản phẩm nghe nhìn.

Quy định về hoạt động thi hoa hậu, người đẹp vẫn còn chưa rõ ràng, gây nhiều tranh cãi (Ảnh có tính chất minh họa: Internet)

Hoạt động thi hoa hậu, người đẹp một lần nữa lại nóng lên tại hội thảo khi có nhiều ý kiến cho rằng việc định nghĩa chưa chính xác và có nhiều điều khoản còn mập mờ. Ví dụ hoạt động thi người đẹp, hoa hậu được định nghĩa "nhằm tuyển chọn người phụ nữ có đạo đức tốt, có hiểu biết về văn hóa, xã hội, có hình thể cân đối và có khuôn mặt đẹp tiêu biểu cho phụ nữ VN”.

Thế nhưng như thế nào là có đạo đức tốt và có hiểu biết về văn hóa xã hội lại mang định lượng nhiều hơn là định tính, trong khi mục đích của cuộc thi là chọn ra người đẹp thì lại được đưa xuống sau cùng. Ngoài ra, dự thảo cũng quy định thi hoa hậu, người đẹp vùng miền, ngành, đoàn thể trung ương mỗi năm không quá 3 lần. Như vậy, mỗi năm mỗi vùng miền chỉ được tổ chức thi 3 lần hay mỗi năm chỉ có 3 cuộc thi của vùng miền, ngành thôi? Dự thảo cũng ghi rằng, cấm các hoạt động thi hoa hậu, người đẹp, người mẫu ở di tích lịch sử văn hóa. Điều này khiến nhiều nhà quản lý tỏ ra rất ngạc nhiên vì "hai hoạt động này không hề mâu thuẫn với nhau.

Việc thi người đẹp có tác dụng quảng bá cho các công trình di tích. Chúng ta đã từng có cuộc thi hoa hậu Đền Hùng rất thành công. "Nếu làm đúng theo nghị định thì xem ra những cuộc thi như hoa hậu Đền Hùng khó có cơ hội tiếp tục.”-ông Thanh Long- Giám đốc một công ty người mẫu nêu ý kiến.

Loạn các công ty biểu diễn nghệ thuật!

Vấn đề cấp giấy phép cho các công ty hoạt động nghệ thuật biểu diễn một cách tràn lan và chồng chéo cũng được nhiều người quan tâm, đặc biệt là khi quy chế 47 có quá nhiều lỗ hổng trong việc này. Hiện lượng các nhà hát, đoàn nghệ thuật ngoài công lập ở TP HCM là gần 700 công ty, Hà Nội là 145 công ty. Ở các tỉnh thành khác con số cũng phải lên hàng chục cho mỗi tỉnh. Thế nhưng trong số hàng nghìn công ty có chức năng tổ chức biểu diễn nghệ thuật đang tồn tại, thật thì ít mà giả thì nhiều.

Ông Trương Nhuận- Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho rằng: Việc cấp giấy phép cho một công ty có chức năng biểu diễn nghệ thuật quá đơn giản. Chỉ cần bỏ ra 5 triệu vốn điều lệ là ai cũng mở được công ty, bất chấp người đó có biết gì về nghệ thuật hay không. Thậm chí có công ty bất động sản nhưng nhìn thấy hoạt động nghệ thuật màu mỡ nên chỉ cần họ bỏ ra 500 nghìn đồng nộp cho sở kế hoạch đầu tư là có thêm chức năng này.

Nghệ sĩ Hoài Oanh- Liên đoàn xiếc Việt Nam cho biết: Nhiều công ty khi tổ chức biểu diễn đã mượn danh liên đoàn xiếc để quảng cáo, bán vé thu lợi bất chính. Còn ở Hà Nội, nhiều công ty tổ chức biểu diễn không biết vì vô ý không biết hay cố tình mà lấy tên gần giống với tên các đơn vị nghệ thuật công lập. Công ty THHH biểu diễn nghệ thuật Tuổi Trẻ là một ví dụ. Nghệ sĩ Hoài Oanh chia sẻ: "Nghệ sĩ chúng tôi rất thiệt thòi. Các công ty nghệ thuật nhiều quá, họ toàn "treo đầu dê bán thịt chó”. Thậm chí có những người trước kia từng làm xe ôm, bán vé cho liên đoàn xiếc nhưng giờ họ cũng trở thành bầu sô và rất phát đạt. Thế nhưng, khi họ làm sai thì chỉ phạt có 20 triệu, chả thấm tháp gì so với số tiền họ kiếm được. Thế nên nhiều khi biết sai mà họ vẫn làm và chấp nhận chịu phạt để làm. Đề nghị cần phạt nghiêm hơn có thể thu hồi giấy phép nếu sai nhiều”.

Nhiều đại biểu cho rằng: mặc dù có tới hai ngành quản lý, nhưng các công ty nghệ thuật biểu diễn vẫn phát triển và hoạt động một cách hết sức tùy tiện. Vì các nhà quản lý doanh nghiệp thì mặc kệ, muốn làm gì thì làm, miễn sao không vi phạm pháp luật và nộp đủ thuế là được. Còn các nhà quản lý văn hoá thì chỉ cần các công ty thực hiện được quy định về bản quyền và không có khiếu kiện tranh chấp gì.

Theo thống kê năm 2010, hoạt động biểu diễn có sức ảnh hưởng tới hơn 10 triệu khán giả. Thế nên, theo nghệ sĩ ưu tú Quốc Chiêm- Phó giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội cho rằng: Cần có quy định bắt buộc những người làm quản lý hoặc chịu trách nhiệm về mặt nghệ thuật của những đơn vị đứng ra tổ chức hoạt động biểu diễn phải là người có kinh nghiệm hoặc được chứng nhận về mặt nghề nghiệp như: NSƯT, NSND. Chứ không phải ai cũng đứng ra tổ chức được. Ngoài ra, cần khẩn trương xây dựng nghị định về hoạt động biểu diễn nghệ thuật, đưa vào thực hiện càng sớm càng tốt. Chỉ có khi tính pháp lý được thực hiện đầy đủ thì mới hi vọng hoạt động nghệ thuật biểu diễn đi vào khuôn khổ./.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"


Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật