TS. PHÍ TRỌNG HIỂN
Trong hai tháng Chín và Mười năm nay, ba ngân hàng 100% vốn nước ngoài đã nhận được giấy phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam với cái tên khá mới mẻ: Ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên Standard Chartered Việt Nam, HSBC Việt Nam và ANZ Việt Nam. Cùng với sự ra đời của các ngân hàng 100% vốn nước ngoài này, Việt Nam đã tiến hành “hiện thực hóa” các cam kết WTO trong lĩnh vực ngân hàng và cạnh tranh trong khu vực ngân hàng hứa hẹn sẽ diễn ra mạnh mẽ.
Từ cam kết …
Theo cam kết giữa Việt Nam và các nước thành viên khi gia nhập WTO, các ngân hàng 100% vốn nước ngoài sẽ được phép tiếp cận thị trường với hầu hết các dịch vụ ngân hàng như một ngân hàng trong nước (trừ dịch vụ tư vấn; cung cấp, chuyển thông tin và xử lý dữ liệu thông tin tài chính). Cụ thể, kể từ ngày 01/4/2007, các ngân hàng nước ngoài được phép thiết lập sự hiện diện thương mại của mình tại Việt Nam dưới hình thức ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Ngân hàng 100% vốn nước ngoài sẽ được hưởng quy chế đối xử không phân biệt (đãi ngộ quốc gia) ngay sau khi Việt Nam gia nhập WTO, ngoại trừ ngân hàng mẹ khi muốn thành lập phải có tổng tài sản trên 10 tỷ USD. Đây được xem là một động thái tích cực và chủ động của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế bởi nếu so với Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ, Việt Nam đã gỡ bỏ nhiều hạn chế (như về huy động tiền gửi, điểm đặt máy ATM, phát hành thẻ tín dụng), đặc biệt là việc rút ngắn lộ trình cho phép sự hiện diện ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại thị trường nội địa. Ngoài ra, các tổ chức nước ngoài được tham gia góp vốn mua cổ phần tại các ngân hàng thương mại cổ phần trong nước với tổng tỷ lệ cổ phần nắm giữ không quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng.
Đến hiện thực hoá
Sau hơn một năm kể từ ngày được phép thâm nhập vào thị trường Việt Nam, ngày 08/9/2008, Việt Nam đã cấp giấy phép đầu tiên cho Standard Chartered Bank được thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước cũng đã cấp giấy phép cho HSBC thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam và theo kế hoạch, HSBC sẽ đặt trụ sở chính tại Sài Gòn, là nơi mà ngân hàng này đã mở văn phòng lần đầu tiên vào năm 1870.
Mới đây, Ngân hàng Australia and New Zealand Banking Group Limited (ANZ) vừa chính thức trở thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài thứ 3 tại Việt Nam. Ba ngân hàng trên có thời hạn hoạt động là 99 năm và được gọi dưới các tên: Ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên HSBC (Việt Nam); Ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên Standard Chartered (Việt Nam) và Ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên ANZ (Việt Nam). Đây là tên gọi mới cho các ngân hàng con nước ngoài. Các quy định về vốn điều lệ, thời hạn hoạt động đối với các ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên đều đang được áp dụng cho các ngân hàng thương mại trong nước.
Về cơ bản, nội dung hoạt động của các ngân hàng 100% vốn nước ngoài này được đối xử như các ngân hàng nội địa. Cụ thể, HSBC, Standard Chartered Bank và ANZ Bank (Vietnam) được thực hiện các nghiệp vụ như: huy động vốn; hoạt động tín dụng; dịch vụ thanh toán và ngân quỹ; và các hoạt động khác, được quy định cụ thể trong Giấy phép.
Đối với việc cung ứng dịch vụ ngoại hối trên thị trường trong nước, HSBC, Standard Chartered Bank và ANZ Bank (Vietnam) chỉ được thực hiện sau khi được Ngân hàng Nhà nước xác nhận đủ điều kiện, còn đối với việc cung ứng dịch vụ ngoại hối trên thị trường quốc tế thì chỉ được thực hiện sau khi được Ngân hàng Nhà nước xác nhận đăng ký.
Ngoài các hoạt động nêu trên, các ngân hàng trên được thực hiện các nghiệp vụ khác của ngân hàng thương mại, khi có nhu cầu và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản hoặc khi đã có văn bản quy phạm pháp luật quy định ngân hàng con 100% vốn nước ngoài được phép thực hiện các nghiệp vụ đó.
Trong quá trình hoạt động, HSBC, Standard Chartered Bank và ANZ Bank (Vietnam) phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, Luật các Tổ chức tín dụng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng, các quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối, Nghị định số 22/2006/NĐ-CP ngày 28/02/2006 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, văn phòng đại diện tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam, các chế độ và quy định do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành. Mặt khác, khi chuyển lợi nhuận ra khỏi Việt Nam, các ngân hàng ngoại này phải nộp thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Như vậy, việc cấp phép cho các ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nước ngoài đã góp phần đa dạng loại hình hiện diện thương mại trong lĩnh vực dịch vụ tài chính – ngân hàng tại Việt Nam.
Tăng cường tiếp cận thị trường
Không phải đợi sau khi được chấp thuận thành lập ngân hàng con tại Việt Nam, ngày 28/8/2008, HSBC chính thức công bố trở thành cổ đông nước ngoài đầu tiên gia tăng mức được sở hữu 20% vốn cổ phần tại Techcombank. Standard Chartered Bank cũng nhanh chóng mua 16.204.879 cổ phiếu ACB của cổ đông lớn là Công ty tài chính quốc tế -IFC theo giá thoả thuận (cao gấp 2 lần giá vào cuối phiên giao dịch ngày 21/7/2008) để tăng tỷ lệ nắm giữ của Standard Chartered Bank từ 8,84% lên 15% vốn cổ phần tại ACB. Ngoài ra, trong 10 tháng đầu năm các giao dịch mua cổ phần của MayBank tại Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình, Societe Generale S.A của Pháp mua 15% vốn cổ phần tại SeaBank cũng được thực hiện. Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Nam cũng đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép bán thêm 5% vốn điều lệ cho Tập đoàn ngân hàng UOB của Singapore. OCBC cũng gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình tại VPBank lên 15%. Eximbank đã chính thức hoàn tất các thủ tục chọn xong một đối tác chiến lược nước ngoài là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), một trong số ít tập đoàn ngân hàng lớn nhất của Nhật Bản và thế giới.
Không chịu kém các đối thủ trong việc tăng cường thâm nhập thị trường tài chính – ngân hàng tại Việt Nam, Tập đoàn ngân hàng ANZ thực hiện một hướng đầu tư khác bằng việc tiếp tục khẳng định vị trí là một cổ đông lớn của Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) thông qua việc đăng ký mua tiếp cổ phiếu SSI trong hai tháng 8 và 10/2008.
Bên cạnh đó, cũng trong tháng 8/2008, Comommwealth Bank of Australia đã khai trương chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh, trở thành ngân hàng nước ngoài đầu tiên khai trương hoạt động chi nhánh sau khi các cam kết mở cửa thị trường dịch vụ tài chính của Việt Nam sau khi gia nhập WTO chính thức có hiệu lực.
(Xem bảng 1)
Bảng 1: Tỷ lệ nắm giữ cổ phần ngân hàng thương mại cổ phần nội địa của một số tổ chức nước ngoài
(Tính đến hết tháng 9/2008)
Nguồn: Tổng hợp của tác gia
Nhiều ưu thế để lấn lướt
Tất cả, HSBC, Standard Chartered Bank và ANZ Bank (Vietnam) đều là những ngân hàng đã có chi nhánh tại Việt Nam và hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ lâu nay do các chi nhánh này đảm nhiệm. Với việc được phép thành lập và hoạt động ngân hàng con 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, HSBC, Standard Chartered Bank và ANZ Bank (Vietnam) đều bày tỏ ý định sẽ tập trung mạnh vào lĩnh vực bán lẻ. Phân khúc thị trường hai ngân hàng này chú trọng từ người tiêu dùng, cửa hàng nhỏ, các nhà bán lẻ, tiểu thương, đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tổ chức quốc tế và công ty đa quốc gia. Cụ thể hơn, HSBC (Vietnam) đã xúc tiến trước việc nâng số máy ATM tại Việt Nam lên 100, kết nối với hệ thống ATM Techcombank, hợp tác với Tổng Công ty Bưu chính viễn thông (VNPost) cung cấp dịch vụ qua mạng lưới của VNPost. Standard Chartered Bank (Vietnam) thì đã kịp khai trương dịch vụ ngân hàng trực tuyến mới đây.
Với tiềm lực tài chính hậu thuẫn của ngân hàng mẹ, kinh nghiệm và với lộ trình cam kết sẽ được đối xử gần như các ngân hàng trong nước, các ngân hàng ngoại có rất nhiều ưu thế để lấn lướt các ngân hàng nội. Họ sẽ cạnh tranh “trực diện” bằng việc đi mời chào từng khách hàng nhỏ nhất đến vay và gửi tiền, cung cấp các sản phẩm mà với hệ thống hoạt động khắp thế giới thì đây thực sự là những thách thức không nhỏ đối với ngân hàng trong nước.
Sự thâm nhập thị trường mạnh mẽ thông qua nhiều hình thức (ngân hàng con, chi nhánh, góp vốn mua cổ phần và liên doanh) đi kèm với tác phong hoạt động chuyên nghiệp, quy trình cung cấp sản phẩm, dịch vụ nhanh chóng, thuận tiện và đặc biệt với những thương hiệu tiếng tăm chắc chắn các ngân hàng ngoại sẽ làm xói mòn dần những lợi thế vốn được coi là thế mạnh của các ngân hàng nội địa như am hiểu tâm lý, quan hệ truyền thống. Nhìn nhận nhẹ nhàng hơn, đây được xem là động lực buộc các ngân hàng hoàn hiện, nâng cao tiêu chuẩn của hệ thống ngân hàng trong nước, đem lại lợi ích cho nền kinh tế và người tiêu dùng.
Về thị phần, hệ thống ngân hàng thương mại trong nước hiện đang nắm giữ khoảng gần 90% (cả tiền gửi và cho vay), trong đó các ngân hàng thương mại nhà nước chiếm gần 70%. Các ngân hàng nước ngoài (ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) chỉ chiếm khoảng gần 10% thị phần. Tuy nhiên, đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng tài sản có và dư nợ gần đây của khối ngân hàng ngoại tương ứng khoảng 33% và gần 50% so với cuối năm 2007, trong khi đó mức tăng trung bình toàn hệ thống ngân hàng chỉ khoảng 8% và gần 20%. Đến nay, khối ngân hàng này chỉ chiếm 9,3% tổng dư nợ cho vay (cả VND và USD), nhưng chiếm tới 29,5%/tổng dư nợ cho vay bằng USD của toàn hệ thống.
Tình hình cạnh tranh được dự báo sẽ có thay đổi lớn vào năm 2010 khi các ngân hàng thương mại Việt Nam ngày càng lớn mạnh hơn và các ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ở phạm vi rộng hơn. Cụ thể, cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng bán buôn sẽ xảy ra giữa các ngân hàng nước ngoài với khu vực ngân hàng thương mại nhà nước và các dịch vụ ngân hàng mới đối với các ngân hàng thương mại cổ phần. Đến năm 2010, hoạt động ngân hàng bán buôn sẽ vẫn là hoạt động quan trọng nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước, trong khi hoạt động ngân hàng bán lẻ sẽ trở nên quan trọng hơn đối với các ngân hàng thương mại cổ phần và các ngân hàng nước ngoài.
Việc cung cấp dịch vụ ngân hàng mới (như hợp đồng tương lai, quyền chọn, quản lý tài sản có và hoạt động ngân hàng qua Internet) sẽ là lĩnh vực có mức độ cạnh tranh cao nhất. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, mức độ cạnh tranh này sẽ càng cao hơn từ “mức cạnh tranh kém hơn” hiện nay lên mức “cạnh tranh mạnh” trong vòng 5 năm tới khi các ngân hàng trong nước cung cấp dịch vụ mới và các ngân hàng nước ngoài được phép mở rộng phạm vi hoạt động. Các ngân hàng, cả ngân hàng trong nước và nước ngoài, sẽ cùng áp dụng mô hình phát triển khá giống nhau, đó là mở rộng hoạt động ngân hàng bán buôn, cạnh tranh quyết liệt trong lĩnh vực bán lẻ và cung cấp dịch vụ mới và coi đó là mặt trận cạnh tranh mạnh mẽ.
Nhưng không dễ áp đảo
Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia có nền kinh tế phát triển như Pháp, Anh, Nhật Bản hay đang phát triển như Trung Quốc và Brazil cho thấy các ngân hàng (nhà nước và tư nhân) trong nước, mỗi ngân hàng đều có mạng lưới chi nhánh rộng khắp sẽ tiếp tục chiếm lĩnh thị trường. Tương tự, dù cho thời gian tới các ngân hàng ngoại hiện diện vào thị trường Việt Nam qua nhiều hình thức và có thể có vị trí trong tốp những ngân hàng có quy mô lớn, hàng đầu nhưng cũng khó có thể vượt qua được những ngân hàng nội địa (như Vietcombank hay Agribank…) để dẫn dắt thị trường.
Với vốn điều lệ đạt mức vừa đủ theo quy định của Việt Nam của 2/3 ngân hàng ngoại trên cho thấy, sự khá thận trọng trong thăm dò thị trường của các “ông lớn” đối với một loại hình hiện diện mới. Rõ ràng, các ngân hàng ngoại này cũng thấy được những khó khăn trong việc xây dựng thị phần dưới một hình thức mới, dù rằng đó là hình thức được đối xử bình đẳng với các ngân hàng nội. Điều này càng cho thấy, không phải bất cứ ngân hàng nào cũng có khả năng và mong muốn thành lập ngân hàng con tại một nước để cung cấp, phát triển các dịnh vụ bán lẻ – phần lớn là các ngân hàng có quy mô hoạt động quốc tế.
Khi thâm nhập vào Việt Nam, không dễ gì có thể áp đảo được các đối thủ trong nước bởi các ngân hàng ngoại hiểu rằng, những yêu cầu để tiếp cận dịch vụ của họ có thể là dễ dàng đối với các khách hàng truyền thống của họ (cá nhân và các doanh nghiệp có vốn nước ngoài) nhưng lại trở nên cứng nhắc và khó áp dụng đối với những khách hàng mới (doanh nghiệp và cá nhân Việt Nam). Hơn nữa, với mức thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ phân bố dân cư chưa cân xứng của Việt Nam thì đại đa số khách hàng nội địa vẫn ưa thích lựa chọn những sản phẩm phổ thông hơn là những sản phẩm có chất lượng cao do các ngân hàng ngoại cung cấp. Và một điều quan trọng nữa, các ngân hàng nội địa có thể không đóng vai trò tiên phong trong việc đưa ra những sản phẩm mới, chất lượng cao nhưng họ sẽ thích ứng rất nhanh trong việc hoàn thiện sản phẩm tương ứng cho mình để có thị phần.
Trong khi các ngân hàng con 100% vốn nước ngoài mới được cấp phép hoạt động, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài còn bị hạn chế bởi cam kết (được phép nhận tiền gửi VND từ các thể nhân Việt Nam mà ngân hàng không có quan hệ cấp tín dụng theo mức vốn mà ngân hàng mẹ cấp cho chi nhánh theo lộ trình: 800%, 900%, 1000% vốn pháp định được cấp tương ứng vào năm 2008, 2009, 2010 và từ 2011 được đối xử quốc gia đầy đủ) thì trong hai năm qua, các ngân hàng nội địa đã có bứt phá mạnh mẽ trong việc gia tăng tiềm lực tài chính và mở rộng chi nhánh – khiến cho khả năng soán ngôi của khu vực có vốn nước ngoài càng khó có thể đạt được.
Tuy vậy, cần khách quan nhìn nhận, việc gia tăng ảnh hưởng của khu vực có vốn nước ngoài sẽ khiến cho thị phần của các ngân hàng nội địa bị co hẹp và nhiều ngân hàng có quy mô nhỏ gặp nhiều khó khăn và không nghi ngờ nếu một số ngân hàng loại này sẽ bị mua lại hoặc sáp nhập vào các ngân hàng lớn.
Tiếp tục thực hiện – Không có lý do để từ chối
Để xin cấp giấy phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, ngoại trừ các điều khoản đã cam kết khi gia nhập WTO (như ngân hàng mẹ muốn thành lập phải có tổng tài sản từ 10 tỷ USD trở lên vào cuối năm trước thời điểm nộp đơn), các ngân hàng nước ngoài phải đáp ứng được một số điều kiện kỹ thuật cần thiết, trong đó điều kiện được chú ý là cơ quan giám sát, thanh tra có thẩm quyền của nước nguyên xứ đã ký cam kết (bản ghi nhớ, thoả thuận, thư trao đổi và các văn bản khác có giá trị tương đương) về hợp tác quản lý, giám sát hoạt động và trao đổi thông tin với Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài ba bộ hồ sơ đã được cấp phép hoạt động, hiện có khoảng 30 bộ hồ sơ của ngân hàng nước ngoài, bao gồm mở chi nhánh, thành lập 100% vốn nước ngoài đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ như Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan,… Có ý kiến cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có phần trì hoãn và đưa ra một số điều kiện khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài trong việc tiếp cận lĩnh vực ngân hàng nội địa. Tuy nhiên, về nguyên tắc cam kết WTO – Việt Nam không cấm thành lập ngân hàng đối với nhà đầu tư nước ngoài, nhưng ngoài những điều khoản cam kết thì không chỉ Việt Nam mà hầu hết các quốc gia được quyền và đều áp dụng những rào cản mang tính kỹ thuật, an toàn đối với một lĩnh vực kinh doanh rất nhạy cảm này. Những điều kiện mang tính kỹ thuật của Việt Nam hoàn toàn không trái với các cam kết và phù hợp với mục tiêu sau cùng là ổn định hệ thống và đảm bảo những điều kiện tốt nhất cho người tiêu dùng.
Việc cấp phép hoạt động cho các ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên Việt Nam mới đây cho thấy, Việt Nam tiếp tục thực hiện các cam kết và không có lý do để từ chối việc cấp phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài cho các nhà đầu tư nước ngoài khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện và thoả mãn các quy định. Như vậy, cánh cửa vẫn mở cho các ngân hàng nước ngoài đáp ứng đầy đủ các điều kiện và cùng với đó, sẽ đem lại nhiều lợi ích mới cho nền kinh tế và người tiêu dùng trong nước.
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"