NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM – MỘT NĂM NHÌN LẠI

PHƯƠNG CHÂM Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), châu Á đã dẫn đầu thế giới thoát ra khỏi khủng hoảng và trở thành động lực tăng trưởng chủ yếu cho kinh tế toàn cầu. Đáng chú ý là Việt Nam – một trong những nước giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng nhất khu vực Đông Nam Á, ngăn ngừa được lạm phát, an sinh xã hội được đảm bảo…Chính sách vĩ mô được ban hành một cách nhanh chóng và mạnh mẽ của Chính phủ đã giúp nền kinh tế thoát khỏi suy thoái, trong đó có sự đóng góp chủ đạo của ngành Ngân hàng. Dưới đây là những nét tiêu biểu trong chỉ đạo, điều hành và hoạt động của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2009. 1. Gói kích thích kinh tế góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế, ngăn ngừa suy giảm, đảm bảo an sinh xã hội. Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời chỉ đạo các ngân hàng thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất 4% đạt những kết quả nhất định. Trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng âm hoặc chưa qua đáy khủng hoảng, kinh tế Việt Nam vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng cả năm ở mức ấn tượng, vượt 5,2%. Mặt bằng giá trong năm tương đối ổn định. Lạm phát cả năm được kiềm chế ở mức 6,8%. Góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế là các biện pháp hỗ trợ, kích thích kinh tế của Chính phủ với gói kích thích kinh tế có tổng giá trị gần 10% GDP. Cụ thể, gói kích thích kinh tế bao gồm 4 khoản: Hỗ trợ lãi suất vay vốn tín dụng khoảng 17 nghìn tỷ đồng; vốn đầu tư phát triển của Nhà nước khoảng 90,8 nghìn tỷ đồng; thực hiện chính sách miễn, giảm thuế khoảng 28 nghìn tỷ đồng; các khoản chi khác nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội khoảng 9,8 nghìn tỷ đồng.   Trong đó, hỗ trợ lãi suất là khoản được “quan tâm nhiều nhất”. Ngành ngân hàng đã triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ lãi suất. Quán triệt rõ nhiệm vụ này, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức chỉ đạo triển khai kịp thời, quyết liệt các Quyết định 131/QĐ-TTg hỗ trợ 4% cho các khoản vay vốn lưu động của các doanh nghiệp không phân biệt thành phần kinh tế với thời gian hỗ trợ không quá 8 tháng và trước 31/12/2009; Cơ chế thứ 2 là hỗ trợ lãi suất với mức 4% cho các khoản vay vốn trung và dài hạn để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh với thời hạn hỗ trợ không quá 24 tháng và trước 31/12/2011 bao gồm 9 ngành, lĩnh vực thuộc nông nghiệp và công nghiệp (443/QĐ-TTg); Cơ chế thứ 3 theo QĐ 447 là thực hiện hỗ trợ lãi suất các khoản vay mua máy móc thiết bị tối đa là 24 tháng; vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn (tối đa là 12 tháng), áp dụng đối với những khoản vay theo hợp đồng tín dụng được ký kết, giải ngân trong khoảng thời gian từ 1/5 đến 31/12/2009. Theo báo cáo nhanh của các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất bằng đồng Việt Nam đến ngày 24/12/2009 là 412.179,83 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện các chương trình hỗ trợ lãi suất đã xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc nhưng đây là một trong những giải pháp kích thích kinh tế tối ưu với chi phí thấp, phù hợp với điều kiện nước ta, có tác động tích cực giúp nhiều doanh nghiệp và hộ sản xuất giảm chi phí vay vốn, giảm giá thành sản phẩm, duy trì và mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ngăn chặn suy giảm kinh tế. Việc triển khai cơ chế hỗ trợ lãi suất cũng thể hiện sự nỗ lực lớn và khả năng thực thi chính sách của hệ thống ngân hàng. 2.Chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt và hiệu quả, góp phần duy trì cac chỉ số tiền tệ và kinh tế vĩ mô ở mức hợp lý Lãi suất cơ bản giữ nguyên trong 10 tháng Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng thận trọng, hỗ trợ thanh khoản, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng hiệu quả. Tháng 2/2009, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm các mức lãi suất chủ đạo (lãi suất cơ bản, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn), giảm mặt bằng lãi suất cho vay, đáp ứng nhu cầu mở rộng tín dụng của nền kinh tế. Theo đó, lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam được điều chỉnh giảm từ 8,5%/năm xuống 7%/năm. lãi suất tái cấp vốn giảm từ 9,5%/năm xuống 7%/năm, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 7,5/năm xuống 5%/năm. Các mức lãi suất này được giữ nguyên cho đến hết tháng 11/2009. Tuy nhiên, từ cuối tháng 11/2009, để phù hợp với diễn biến mới của nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu thêm 1% áp dụng từ 1/12/2009 Thị trường ngoại hối dần đi vào ổn định Đầu năm, phần do lo ngại rủi ro biến động tỷ giá, nhiều doanh nghiệp chọn vay VND do được hỗ trợ lãi suất, nên tại nhiều ngân hàng rơi vào nghịch lý thừa USD cho vay nhưng lại thiếu USD để bán. Doanh nghiệp xuất khẩu găm giữ USD trên tài khoản. Trong bối cảnh các nguồn cung USD từ FDI, kiều hối, du lịch…bị suy giảm do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nên đã ảnh hưởng đến cân bằng cung cầu ngoại tệ trong nước và là một trong những nguyên nhân khiến thị trường ngoại tệ của Việt Nam có biểu hiện căng thắng. Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp để ổn định thị trường này, trong đó có quyết định mở rộng biên độ ấn định tỷ giá mua bán USD/VND của các ngân hàng thương mại từ +3% lên +5% kể từ ngày 24/3/2009 và điều hành linh hoạt tỷ giá bình quân liên ngân hàng phù hợp với tín hiệu thị trường và mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu. Từ cuối tháng 11/2009, để phù hợp với diễn biến mới của nền kinh tế và trên cơ sở xem xét mối quan hệ giữa tỷ giá, lãi suất, chỉ số giá tiêu dùng và cán cân thanh toán quốc tế, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm biên độ ấn định tỷ giá xuống +/-3% kể từ ngày 26/11/2009, đồng thời điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng áp dụng cho ngày 26/11/2009 tăng thêm 5,4% so với ngày 25/11/2009. Đồng thời Chính phủ cũng chỉ đạo 7 tập đoàn, tổng công ty bán ngoại tệ cho ngân hàng. Ngày 30/12, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký ban hành Thông tư số 26/2009/TT-NHNN quy định mua – bán ngoại tệ của một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Nhờ có những giải pháp tích cực trên, thị trường ngoại hối đã dần đi vào ổn định. 3. Triển khai đồng bộ các giải pháp về điều hành tín dụng nhằm khuyến khích sản xuất và xuất khẩu, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội, như: Chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp về tín dụng và lãi suất để vừa chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, vừa bảo đảm an toàn hoạt động và ngăn ngừa nguy cơ tái lạm phát… Đáng chú ý là việc thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo. 4. Hiện đại hoá hoạt động ngân hàng và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt Việc triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong năm 2009 tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành tiếp tục triển khai giai đoạn II Chỉ thị 20/2007/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 05 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo hướng tập trung nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ và gia tăng các tiện ích phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; Tập trung chỉ đạo việc tái cấu trúc Banknetvn để triển khai thành lập Trung tâm chuyển mạch thẻ thống nhất. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng giai đoạn II được đưa vào vận hành từ tháng 11/2008 với khả năng xử lý 2 triệu giao dịch/ngày đã góp phần rất quan trọng tăng cường khả năng cung cấp các dịch vụ thanh toán điện tử hiện đại, tiện ích cao cho xã hội. 5. Hạ nhiệt thị trường vàng Do ảnh hưởng của diễn biến giá vàng thế giới và yếu tố đầu cơ, thị trường vàng trong nước diễn biến phức tạp. Ngày 2/12/2009 giá vàng giao ngay đóng cửa tại thị trường New York đạt mức kỷ lục 1.215,8 USD/oz. Mức giá này đã bỏ xa kỷ lục đóng cửa 1.002,8 USD/oz của năm 2008. Giá vàng vật chất trong nước lập đỉnh 29,3 triệu đồng một lượng ngày 11/11, cao hơn từ 2,5 – 3 triệu đồng so với giá vàng trên thị trường quốc tế. Trước những diễn biến bất thường của thị trường vàng trong nước, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định cho phép nhập khẩu vàng nhằm hạ nhiệt thị trường. Quyết định được công bố vào chiều ngày 11/11 này được xem như một liều thuốc giải nhiệt hiệu quả và kịp thời đối với cơn sốt vàng đang ở đỉnh điểm. Trước đó, hoạt động nhập khẩu vàng đã bị tạm ngừng một năm rưỡi. Sau khi vấn đề nguồn cung được giải quyết, giá vàng tiếp tục có những biến động mạnh do xu hướng leo thang của tỷ giá USD thị trường tự do. Tuy nhiên, vấn đề này đã được khắc phục sau khi Ngân hàng Nhà nước nâng mạnh tỷ giá USD/VND liên ngân hàng và thu hẹp biên độ tỷ giá từ +/-5% về +/-3% vào ngày 25/11. Từ thời điểm đó tới nay, với sự ổn định của tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do và nguồn cung vàng không còn khan hiếm, giao dịch trên thị trường vàng diễn ra khá ổn định. Sự kiện quan trọng liên quan đến số phận của các sàn giao dịch vàng làngày 30/12, Thủ tướng Chính phủ đã ký văn bản số 369/TB-VPCP yêu cầu không được tổ chức và thực hiện việc kinh doanh vàng trên tài khoản trong nước dưới mọi hình thức. Theo đó, chậm nhất 90 ngày kể từ ngày 30/12/2009, mọi hoạt động liên quan đến kinh doanh sàn giao dịch vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước phải chấm dứt hoạt động (trước ngày 30/3/2010). Thủ tướng cũng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bãi bỏ ngay quy định về việc kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài theo Quyết định số 3/2006/QĐ-NHNN ngày 18/01/2006. 6. Tăng cường hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế Trong khuôn khổ các đợt phân bổ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của IMF nhằm tăng dự trữ ngoại hối cho các nước hội viên, Việt Nam đã được phân bổ 276,6 triệu SDR. Phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan trình Thủ tướng Chính phủ vận động Chính phủ Nhật Bản cho vay 2 khoản ưu đãi hỗ trợ khắc phục khủng hoảng trị giá 57 tỷ Yên. Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì đàm phán với WB và ADB 20 chương trình/dự án với tổng giá trị 3,8 tỷ USD, nâng tổng số chương trình/dự án đã đàm phán/ký kết với 2 tổ chức này từ năm 1993 đến nay lên 175 khoản với tổng trị giá 17 tỷ USD. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành hữu quan tích cực vận động 2 tổ chức này bổ sung các chương trình cho vay mới và tăng số tiền cam kết của các chương trình/dự án hiện có cho Việt Nam (đã huy động thêm được 325 triệu USD giá trị tăng thêm từ các chương trình hiện có và 1 tỷ USD từ 2 khoản vay mới). Mới đây, WB và ADB đã tiếp tục cam kết sẽ cho Việt Nam vay 3,9 tỷ USD trong năm 2010, trong đó có trên 800 triệu USD hỗ trợ ngân sách trực tiếp.Các văn bản hợp tác trao đổi thông tin thanh tra giám sát ngân hàng với 12 cơ quan quản lý ngân hàng các nước, vùng lãnh thổ và nhiều thỏa thuận hợp tác với các đối tác song phương trên toàn thế giới được ký kết. Tiếp tục thể hiện vai trò tích cực trong tiến trình hợp tác tài chính tiền tệ khu vực ASEAN, ASEAN+3, SEACEN, APEC… Trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước cũng cho phép 2 ngân hàng nước ngoài mở chi nhánh tại Việt Nam, nâng tổng số chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam lên 47. Đặc biệt, sự kiện Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được toàn thể Thống đốc các nước thành viên IMF/WB bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Thống đốc IMF/WB nhiệm kỳ 2008-2009 cho thấy sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng tài chính tiền tệ quốc tế đối với những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội; đó cũng là kết quả của những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong việc tăng cường và phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với IMF/WB và các nước hội viên của hai tổ chức này. Trên cương vị được giao, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch Hội đồng Thống đốc IMF/WB và chủ trì thành công Hội nghị thường niên 2009 tổ chức vào tháng 10 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, được lãnh đạo IMF/WB đánh giá cao. 7. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thành việc thống kê và công bố Bộ thủ tục hành chính thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Ngân hàng Nhà nước, và là đơn vị hoàn thành sớm nhất giai đoạn 1 – giai đoạn rà soát và thống kê tất cả các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực hoạt động ngân hàng, đảm bảo đúng yêu cầu và có chất lượng. Trong giai đoạn 2 của Đề án 30 (giai đoạn rà soát thủ tục hành chính), Ngân hàng Nhà nước cũng đã hoàn thành việc rà soát ưu tiên 15 thủ tục hành chính theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Tổ công tác chuyên trách, trong đó đã đề xuất bãi bỏ 2 thủ tục hành chính, bổ sung, sửa đổi 8 thủ tục hành chính. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tập trung rà soát các thủ tục hành chính còn lại để đề xuất đơn giản hoá tối thiểu 30% các quy định về thủ tục hành chính theo đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. 8. Hoàn thiện thể chế về tiền tệ và thánh lập các cơ quan đủ mạnh để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước Thực hiện chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2009 của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), trình Quốc hội Khoá XII cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6. Năm 2010, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung hoàn thiện 2 dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Các TCTD để trình Quốc hội thông qua, đồng thời xây dựng các văn bản hướng dẫn để có thể áp dụng ngay sau khi Luật có hiệu lực thi hành. Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện, trình và được Thủ tướng Chính phủ ban hành một số văn bản quan trọng, như: Quyết định số 83/2009/QĐ-TTg qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng; Nghị định số 59/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của các ngân hàng thương mại; Ban hành 25 văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. 9. Năm 2009, trong khi nhiều ngân hàng tại Mỹ bị “sập tiệm” và con số đã tới trên 140, các vụ bê bối tài chính trên thế giới xuất hiện, thì tại Việt Nam, hệ thống ngân hàng mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng đã đứng vững, vượt qua khủng hoảng và tiếp tục phát triển. Vấn đề an toàn hệ thống ngân hàng cũng được quan tâm đặc biệt. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc các quy định về đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động kinh doanh, trong đó vốn huy động từ thị trường tiền tệ liên ngân hàng chỉ được sử dụng để bù đắp thiếu hụt dự trữ bắt buộc và đảm bảo khả năng năng thanh toán, không được sử dụng để cho vay đối với tổ chức, cá nhân; Điều chỉnh giảm tỷ lệ tối đa sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn (từ 40% xuống còn 30%); Chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước xây dựng phương án tăng vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng. 10. Xử lý các tin đồn trên thị trường tài chính – tiền tệ Năm 2009 cũng là năm nhiều tin đồn tấn công cả vào thị trường tài chính – tiền tệ. Cơ quan quản lý đã kịp thời lên tiếng, ổn định thị trường, trong đó có vấn đề minh bạch thông tin. Điểm lại một số tin đồn trong năm 2009 có thể thấy, sau động thái điều chỉnh chính sách tiền tệ (lãi suất cơ bản, tỷ giá) hơn mt tuần (25/11), những tin đồn liên quan đến thị trường tiền tệ có tốc độ lây lan nhanh. Tin đồn cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều chỉnh nâng mức lãi suất cơ bản và tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời khẳng định tin đồn trên là không đúng. Trước đó ngày 2/12, dư luận xôn xao với thông tin Việt Nam sẽ phát hành tiền mệnh giá 1 triệu đồng và mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ. Ngoài thông tin sẽ có thêm tiền mệnh giá lớn, giới đầu tư còn hoang mang khi nghe tin Chính phủ bắt các ngân hàng mua trái phiếu bắt buộc với tỷ lệ lên tới 50% vốn điều lệ, cao gấp 5 lần mức yêu cầu đưa ra hồi khủng hoảng tiền tệ đầu năm 2008; đồng thời tăng tiếp lãi suất cơ bản và nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng tiền đồng. Dư luận còn bàng hoàng với tin đồn Việt Nam sẽ đổi tiền cho dù thị trường tiền tệ không có nhiều xáo trộn. Sáng 14/12, trên các sàn chứng khoán lại rộ lên tin đồn về việc Ngân hàng Nhà nước đã “bơm” gần 30.000 tỷ đồng cho các ngân hàng thương mại cải thiện thanh khoản. Trước các tin đồn trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu đã chính thức bác bỏ. Thị trường đã nhanh chóng ổn định trở lại. Giữa năm, vào ngày 5/6/2009, cổ phiếu ngân hàng đột ngột tăng nóng do nhiều yếu tố tác động, trong đó có cả tin đồn đối tác ngoại được tăng tỷ lệ sở hữu từ 30% lên 49%. Giới đầu tư nhìn nhận nếu việc nâng room là sự thật thì thị trường sẽ có thêm nhiều cơ hội mới khi ôm cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên, lập tức sau đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu đã khẳng định tăng tỷ sở hữu chỉ là tin đồn, Việt Nam chưa có chủ trương về vấn đề này. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành đặc biệt chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền về các biện pháp chỉ đạo và điều hành hoạt động tiền tệ – ngân hàng, nhất là các nội dung liên quan đến hỗ trợ lãi suất, chính sách tỷ giá, quản lý ngoại hối để các doanh nghiệp, tổ chức, người dân nắm bắt được thông tin. Tóm lại, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ phù hợp với diễn biến của thị trường, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn suy giảm kinh tế và duy trì các chỉ số kinh tế vĩ mô ở mức hợp lý.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật