NGÂN HÀNG: 10 ĐIỂM NỔI BẬT NĂM 2007

1. Tăng trưởng huy động và cho vay đột biến: Dự tính năm 2007, tổng huy động vốn của hệ thống tín dụng tăng đột biến, khoảng 50% so với năm 2006. Riêng tại Tp.HCM, kỷ lục được xác lập ở mức tăng khoảng 55%; tại Hà Nội là 36,1%. Tổng dư nợ cho vay toàn hệ thống cũng đột biến kể từ năm 2004, dự tính tăng tới 40%; riêng tại Tp.HCM lên tới 51%, tại Hà Nội là khoảng 38,5%. Những con số trên cho thấy sự sôi động của dòng tiền ra – vào các ngân hàng. Riêng về tốc độ cho vay lại dẫn đến những lo ngại về tăng trưởng nóng, chất lượng tín dụng và là một tác động đẩy lạm phát tăng cao. 2. Cung ngoại tệ tăng mạnh: Việt Nam tiếp tục chứng minh là điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Riêng nửa đầu 2007, lượng ngoại tệ Ngân hàng Nhà nước mua vào đã lên tới 9 tỷ USD, một con số chưa từng có trong lịch sử. Đây là biện pháp can thiệp trước nguồn cung tăng mạnh, đặc biệt từ nguồn đầu tư gián tiếp vào chứng khoán. Phía sau diễn biến này là khó khăn trong điều hành chính sách tiền tệ, trước sức ép cung tiền mua ngoại tệ dẫn tới lạm phát tăng cao, nhưng cũng là cơ hội tăng dự trữ ngoại tệ. Những tháng cuối năm, nhiều ngân hàng phải sống chung với tình trạng “thừa” ngoại tệ, trong khi giá USD liên tục sụt giảm trên thị trường thế giới.     3. Chỉ thị 03 và ảnh hưởng sâu rộng: Ngày 1/7/2007, Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước về hạn chế cho vay đầu tư chứng khoán có hiệu lực. Các ngân hàng phải rút dư nợ loại này về hạn mức 3% tổng dư nợ theo hạn 31/12/2007. Chỉ thị này tạo một tâm lý lo ngại dài lâu đối với nhà đầu tư và thị trường chứng khoán. Đây được xem là một nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán suy giảm và ảm đạm kéo dài. Nhiều ngân hàng gặp khó khăn khi thực hiện Chỉ thị 03; nhiều thành viên buộc phải nâng cao mẫu số tổng dư nợ, góp phần đẩy tín dụng tăng trưởng nóng và ảnh hưởng nhất định đến hoạt động kinh doanh. 4. Tăng dự trữ bắt buộc: Năm 2007, ngoài Chỉ thị 03, một quyết định khác của Ngân hàng Nhà nước cũng gây “sốc” đối với các ngân hàng thương mại là tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng mạnh (từ 5% lên 10%, riêng Agribank là 8%). Động thái này được xét đến ở áp lực rút tiền trong lưu thông để kiềm chế lạm phát có dấu hiệu tăng cao. Các ngân hàng đã ngồi lại với nhau để phản ứng về quyết định này, bởi chi phí của mỗi thành viên có thể bị đội thêm 0,25% từ việc tăng dự trữ bắt buộc. 5. Chạy đua lập ngân hàng mới: Sau cả thập kỷ, cuối cùng, 4 bộ hồ sơ đại diện cho hơn 20 nhu cầu từ các tập đoàn kinh tế đã được phê duyệt – kết quả ban đầu của một năm chạy đua lập ngân hàng mới. Liên quan đến vấn đề này, việc Ngân hàng Nhà nước ban hành quy chế thành lập và hoạt động ngân hàng thương mại cổ phần cũng là một sự kiện quan trọng trong năm 2007, chốt lại những điều kiện cần thiết để đảm bảo an toàn hệ thống và cả… tình trạng rao bán cổ phiếu ngân hàng chưa thành lập nở rộ trước đó. 6. Mở cửa theo cam kết WTO: Từ ngày 1/4/2007, theo lộ trình cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam sẽ mở cửa, cho phép các ngân hàng ngoại lập ngân hàng con 100% vốn. Trước thời điểm này, một số ngân hàng nước ngoài đã chuẩn bị và có hồ sơ gửi về Ngân hàng Nhà nước để sẵn sàng nhập cuộc, báo hiệu thời điểm thị trường bước vào giai đoạn cạnh tranh mới, toàn diện và bình đẳng hơn giữa các thành phần. Tuy nhiên, mốc lộ trình quan trọng này lại đang vướng cơ chế chính sách, khi các văn bản hướng dẫn cụ thể chưa hoàn thiện. 7. Nới rộng biên độ tỷ giá: Ngân hàng Nhà nước khép lại một năm điều hành chính sách tiền tệ bằng quyết định nới rộng biên độ tỷ giá VND/USD (từ +/-0,5% lên +/-0,75%). Đây là lần điều chỉnh thứ 3 từ trước đến nay, thể hiện chủ trương tạo điều kiện kinh tế Việt Nam thích nghi dần với mức độ mở cửa, đưa tỷ giá sát hơn với thị trường. Trước đó, sức ép từ cung ngoại tệ đã đẩy tỷ giá của các ngân hàng thương mại xuống sàn biên độ trong thời gian dài. Tính chung cả năm, tỷ giá VND/USD tương đối ổn định, chỉ tăng bình quân 0,62% so với năm 2006. 8. IPO Vietcombank: Sau nhiều lần lỡ hẹn, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã tổ chức phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), mở đầu kế hoạch cổ phần hóa các ngân hàng quốc doanh. Đây là đợt IPO lớn nhất từ trước tới nay và cũng tốn kém giấy mực nhiều nhất trong năm. Sự kiện này cũng là một tác động lớn đối với thị trường chứng khoán, đặc biệt là trong những tháng cuối năm, thu hút sự quan tâm đông đảo của giới đầu tư trong và ngoài nước. 9. Ấn tượng lợi nhuận ngân hàng cổ phần: Năm 2007, khối ngân hàng cổ phần tiếp tục gặt hái thành công về lợi nhuận. Hầu hết các thành viên đều vượt xa kế hoạch đặt ra đầu năm. Đây cũng là một cơ sở để cuộc chạy đua lập ngân hàng mới càng gấp rút. Phía sau những con số lợi nhuận ấn tượng là sự dịch chuyển thị phần đáng lo ngại đối với khối ngân hàng quốc doanh. Đáng chú ý là kết quả này có từ một năm khó khăn từ ảnh hưởng của một số chính sách lớn (tăng dự trữ bắt buộc, hạn chế cho vay đầu tư chứng khoán…). Ngoài ra, 2007 cũng là năm ấn tượng về nỗ lực mở rộng mạng lưới, đa dạng sản phẩm – dịch vụ của khối này.     10. Lãi suất USD tăng, lãi suất VND tương đối bình ổn: Năm 2007, lãi suất huy động USD chứng kiến 3 đợt tăng phổ biến, ngược với diễn biến trên thị trường thế giới. Trong khi đó, lãi suất VND tương đối ổn định, cân bằng từ xu hướng giảm nhẹ đầu năm và tăng nhẹ cuối năm. Sự ổn định này đã góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đáng chú ý là những tháng cuối năm, lãi suất trên thị trường mở có những thời điểm tăng đột biến, phản ánh cầu nội tệ khá căng thẳng ở một số ngân hàng thương mại.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật