NGÂN HÀNG VIỆT NAM VÀ NHỮNG VƯỚNG MẮC VỀ THỂ CHẾ PHÁP LÝ

Sau hai năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới ( WTO), các ngành, các lĩnh vực trong nền kinh tế nước ta đều có những thay đổi. Ngân hàng Việt Nam cũng có những thay đổi về quản lý, về điều hành chính sách tiền tệ. Song, Ngân hàng Việt Nam vẫn đang ở tình thế "gà mắc tóc" trong tiến trình hội nhập. Nguyên nhân cơ bản của tình trạng đó là những vướng mắc lớn về thể chế pháp lý đã tồn tại từ lâu nhưng vẫn chưa được tháo gỡ. NHỮNG VƯỚNG MẮC LỚN Theo Điều 483, Bản cam kết Việt Nam gia nhập WTO, từ ngày 01/4/2007, các ngân hàng thương mại (NHTM) nước ngoài được mở NHTM 100% vốn nước ngoài (còn gọi là ngân hàng con) tại Việt Nam, với điều kiện tính đến cuối năm trước, ngân hàng mẹ có tài sản 20 tỷ USD. NHTM nước ngoài được mở chi nhánh tại Việt Nam, ngân hàng mẹ có tổng tài sản là 10 tỷ USD và cấp vốn cho chi nhánh tại Việt Nam ít nhất 15 triệu USD; NHTM nước ngoài góp với NHTM Việt Nam để hình thành ngân hàng liên doanh, NHTM nước ngoài góp vốn không quá 50% vốn điều lệ; NHTM nước ngoài được mua cổ phần NHTM cổ phần của Việt Nam, tối đa không quá 30% vốn điều lệ. Ngày 28/2/2006, Chính phủ ban hành Nghị định 22/2006/NĐ-CP để quy định chi tiết việc thực hiện nội dung nêu trên. Tuy nhiên, khó có thể thực hiện đúng nội dung đã cam kết nêu trên thông qua một Nghị định của Chính phủ. Muốn thực hiện những điều Việt Nam cam kết gia nhập WTO, đòi hỏi Nhà nước CHXHCN Việt Nam thay đổi một số điều không còn phù hợp với thông lệ quốc tế của Luật Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam. Trước hết là địa vị pháp lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá IX thông qua việc sửa đổi, bổ sung một số điều Luật NHNN Việt Nam, nhưng không phù hợp với thông lệ quốc tế, cụ thể là: Khoản 1, Điều 1, Luật NHNN Việt Nam, quy định: "Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) là cơ quan của Chính phủ và là Ngân hàng Trung ương của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Theo thông lệ quốc tế, Ngân hàng Trung ương (NHTW) hoạt động độc lập với Chính phủ, nhiệm vụ chính là ổn định giá trị tiền tệ. Chính phủ điều hành ngân sách quốc gia và không được can thiệp vào việc phát hành tiền. NHTW của nhiều nước trực thuộc Quốc hội. Ngược lại, ở nước ta, Chính phủ có Hội đồng giám sát tài chính-tiền tệ, Thống đốc NHNN chỉ là cấp phó. Do đó, khi lạm phát cao hoặc thiểu phát, không thể quy trách nhiệm cho Thống đốc NHNN Việt Nam. Hơn nữa, Thống đốc NHNN lại là một Bộ trưởng, thành viên của Chính phủ nên có trách nhiệm thực hiện những Nghị quyết của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng, trong đó, có những vấn đề không được làm nếu Ngân hàng Nhà nước là một NHTW thực sự.   Khoản 3, Điều 34, Luật NHNN Việt Nam quy định: "Ở huyện, thị xã không phải là tỉnh lỵ, Kho bạc Nhà nước mở tài khoản tại một ngân hàng thương mại nhà nước". Quy định trên không đúng nguyên lý quản lý ngân sách nhà nước, vì NHTM nhà nước chỉ là DN nhà nước. Hơn nữa, Kho bạc Nhà nước (KBNN) gửi tiền tại NHNN, khối lượng giá trị ấy không phải là tổng phương tiện thanh toán. Ngược lại, KBNN gửi tiền NHTM nhà nước, giá trị ấy trở thành tổng phương tiện thanh toán. NHTM nhà nước có quyền dùng tiền gửi của KBNN để cho vay, gây lạm phát cao. Cuối năm 2007, KBNN gửi tiền tại các chi nhánh NHTM nhà nước: 52.700 tỷ đồng. Quỹ tiền tệ quốc tế yêu cầu sửa đổi. Bởi vậy, điểm 6, Công văn 319/TTg-KTTH ngày 3-3-2008 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: "Bộ Tài chính sớm chỉ đạo thực hiện chuyển số dư tiền gửi của Kho bạc tại các NHTM hiện nay về NHNN để bảo đảm tạo điều kiện thực hiện tốt việc điều hành chính sách tiền tệ". Nhưng, yêu cầu nêu trên tại một công văn của Thủ tướng Chính phủ không thực hiện được, vì Luật NHNN Việt Nam chưa sửa đổi. Cuối tháng 6-2008, KBNN gửi tại các chi nhánh Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn (NHNo&PTNT) Việt Nam: 27.000 tỷ đồng. Điều 12, Bản cam kết Việt Nam gia nhập WTO, viết: "Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các NHTM quốc doanh, NHNN dự định sẽ cổ phần hoá hầu hết các NHTM quốc doanh cho đến năm 2010". Câu hỏi được đặt ra là, từ năm 2011, KBNN cấp huyện sẽ gửi tiền tại đâu? Khoản 1, Điều 10, Luật NHNN Việt Nam, viết: "Ngân hàng Nhà nước được tổ chức thành hệ thống tập trung, thống nhất gồm bộ máy điều hành và hoạt động tại trụ sở chính, các chi nhánh ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương…". Do đó, bên cạnh 63 chi nhánh NHNN cấp tỉnh là 63 KBNN cấp tỉnh, gây lãng phí lớn cả về nhân lực và tiền bạc của đất nước. Việc điều hành toàn bộ hệ thống NHTM của NHNN còn chưa hợp lý và có nhiều biểu hiện của sự lúng túng. Chẳng hạn, sau hơn 6 năm, tháng 11/2008, NHNN Việt Nam tổ chức hệ thống thanh toán liên ngân hàng đến 63 chi nhánh NHNN cấp tỉnh, bằng vốn vay của ngân hàng thế giới 145 triệu USD, sẽ là một lãng phí, vì nhiều NHTM thực hiện cơ chế ngân hàng lõi (core banking) hoặc giữa các đơn vị thanh toán khác hệ thống thực hiện cơ chế "thu, chi hộ"; cuối tháng hoặc cuối quý hai đơn vị thanh toán chỉ thanh toán với nhau phần chênh lệch; Tổ chức thanh toán không dùng tiền mặt của NHNN Việt Nam rất yếu. Cả nước chỉ có hơn 1,3 triệu cá nhân mở tài khoản "tiền gửi không kỳ hạn" tại các đơn vị thanh toán. Vì vậy không kiểm soát được thu nhập bằng tiền của cá nhân và pháp nhân để chống tham nhũng; chống thất thu thuế; đồng thời tăng chi phí phát hành tiền của NHNN. Từ tháng 6/2002 đến nay, NHNN điều hành lãi suất cơ bản (lãi suất cho vay) không giống một mô hình nào trên thế giới. Nói khác đi lãi suất cơ bản do NHNN công bố không có tác dụng với NHTM. Bởi vậy, lãi suất huy động vốn kỳ hạn 12 tháng của các NHTM, cao hơn lãi suất cơ bản do Thống đốc NHNN công bố; đồng thời không giúp các thành phần kinh tế mở rộng kinh doanh bằng vốn vay NHTM, vì lãi suất quá cao. Từ năm 2007 trở về trước, NHNN điều hành chính sách tiền tệ lỏng lẻo. Lãi suất cơ bản 8,25%/năm duy trì 25 tháng liên tục; tỷ lệ tiền gửi dự trữ bắt buộc thấp, tiền gửi VND cao nhất là 5%, khiến lạm phát 12,63%/ năm 2007. Năm 2008, NHNN thắt chính sách tiền tệ, bằng cách tăng lãi suất cơ bản từ 8,25%/năm tăng lên: 8,75%/năm; 10%/năm; 12%/năm và 14%/năm; từ tháng 10/2008 đến hết năm, NHNN hạ lãi suất cơ bản liên tục: 13%/năm; 12%/năm; 11%/năm; 10%/năm và 8,5%/năm. Tỷ lệ tiền gửi dự trữ bắt buộc cao nhất đối VND: 11%, dẫn đến lạm phát năm 2008: 19,89% cao nhất kể từ năm 1992 đến nay. Về các ngân hàng thương mại. Trước hết phải đề cập đến Chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng liên doanh. Trước khi VN gia nhập WTO, nước ta có 29 chi nhánh (CN) ngân hàng nước ngoài. Sau khi VN gia nhập WTO thêm 3 CN ngân hàng nước ngoài, nâng con số lên 32. Các CN ngân hàng nước ngoài phục vụ cho các DN của nước họ đầu tư trực tiếp (FDI) vào nước ta là chủ yếu. Đến cuối năm 2008, có 5 NHTM 100% vốn nước ngoài được cấp phép hoạt động, gồm ngân hàng ANZ vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng của Australia; Standard vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng và HSCB vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng của Vương quốc Anh; Ngân hàng Shinhan vốn điều lệ hơn 1.600 tỷ đồng của Hàn Quốc và Ngân hàng Hong Leong Bank Berhad vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng của Malaysia. Song, trong số 5 ngân hàng nêu trên chỉ có HSBC là đi vào hoạt động. Trước khi VN tham gia WTO, ở VN có 5 ngân hàng liên doanh. Sau khi gia nhập WTO không thêm ngân hàng liên doanh nào. Điều đó có nghĩa là, trên thực tế, những cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO trong lĩnh vực Ngân hàng chưa đi vào thực tiễn. Về các Ngân hàng thương mại Việt Nam. Trước khi gia nhập WTO, nước ta có 5 NHTM nhà nước, Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng phát triển và 35 NHTM cổ phần. Sau khi gia nhập WTO, có thêm 3 NHTM cổ phần, nâng tổng số lên 38 NHTM cổ phần, trong đó 13 NHTM cổ phần nông thôn chuyển thành NHTM cổ phần đô thị. Năm 2008, cổ phấn hoá VCB và Ngân hàng Công Thương (NHCT), nâng số NHTM cổ phần lên 40 và NHTM nhà nước chỉ còn 3. Trước khi gia nhâp WTO, một số NHTM mở văn phòng đại diện ở nước ngoài như: NHNo&PTNT mở văn phòng đại diện tại Campuchia; VCB mở 4 văn phòng đại diện ở nước ngoài, trong đó có: Hồng Kông, Pháp… Mỹ chưa cho các NHTM Việt Nam mở văn phòng đại diện hoặc mở CN, vì Việt Nam chưa có Luật chống rửa tiền. Sau khi gia nhập WTO, ba NHTM cổ phần bán cổ phần cho 3 NHTM nước ngoài từ 15% đến 20% vốn điều lệ, gồm: ABBank, Techcombank và NHTM cổ phần Phương Nam. Cho đến nay, mới có 4/40 NHTM cổ phần niêm yết cổ phiếu tại hai sàn giao dịch chứng khoán. Bởi lẽ, NHTM cổ phần muốn niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán, phải được Thống đốc NHNN Việt Nam đồng ý bằng văn bản. Các NHTM Việt Nam, mặc dù khá nhiều về số lượng, nhưng trước những đòi hỏi khắt khe của hội nhập kinh tế quốc tế đã bộc lộ những yếu kém rất nghiêm trọng. Có thể nêu những yếu kém chủ yếu là: Vốn tự có quá thấp (theo quy định hiện nay vốn pháp định của NHTM ít nhất phải đạt 1000 tỷ đồng); năng lực quản trị yếu, đặc biệt là quản trị rủi ro; sự liên kết giữa các NHTM quá lỏng lẻo; công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt lạc hậu do đó không đáp ứng được yêu cầu về thời gian trong kinh doanh; dịch vụ ngân hàng còn đơn điệu. VÀI KIẾN NGHỊ Những vướng mắc lớn đã trình bày trên cho phép kết luận rằng, việc Việt Nam gia nhập WTO chưa thực sự có tác động tích cực đến hoạt động của lĩnh vực ngân hàng. Để NHNN Việt Nam chủ động trong điều hành chính sách tiền tệ và các NHTM Việt Nam trụ vững khi tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có lộ trình mở cửa theo cam kết với WTO ngày càng sâu sắc, toàn diện, xin có vài kiến nghị sau: Một là, khẩn trương nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Luật Ngân hàng Nhà nước theo hướng hình thành một Ngân hàng Trung ương thực sự đúng với thông lệ quốc tế. Chỉ khi đó, các biện pháp cần thiết để giữ vững giá trị đồng VN, chống lạm phát và điều hành chính sách tiền tệ mới thực sự phù hợp với những quy luật khách quan của kinh tế thị trường. Hai là, cần có những biện pháp kiên quyết nhằm nâng cao hơn nữa năng lực toàn diện của các NHTM. Trước hết và quan trọng nhất là điều chỉnh tăng vốn pháp định của NHTM, đồng thời hình thành khung pháp lý đầy đủ, minh bạch, chặt chẽ đối với việc hợp nhất, sát nhập các NHTM có quy mô nhỏ thành những NHTM có quy mô lớn. Ba là, thiết lập hệ thống thanh toán liên ngân hàng với các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt và thẻ ATM. Đây là biện pháp rất quan trọng nhằm tiết kiệm một số lượng lớn chi phí đầu tư và nâng dần tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong toàn xã hội. Bốn là, nghiên cứu, ban hành Luật Chống rửa tiền nhằm bảo đảm an toàn cho hoạt động của các NHTM và tạo điều kiện để các NHTM mở rộng phạm vi kinh doanh đến các nước phát triển trên thế giới và khu vực.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật