NÊN TĂNG HAY GIẢM LÃI SUẤT CƠ BẢN?

VŨ HẠNH Câu hỏi đặt ra là có nên tiếp tục giảm lãi suất cơ bản đối với VND hay không, và việc này có ảnh hưởng như thế nào đến gói hỗ trợ lãi suất 4% của Chính phủ? Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, các nước hạ lãi suất ở mức thấp, một nước đang phát triển nếu không theo xu hướng như vậy sẽ phải trả một giá rất đắt cho sự ổn định của mình. Khi áp dụng vào Việt Nam, mức độ hạ lãi suất như thế nào thì phải tuỳ thuộc tình hình thực tiễn hiện nay. Lãi suất lượn như… lươn Theo Thạc sĩ Phạm Xuân Hoè – Giám đốc Chi nhánh Nam Thăng Long của Vietinbank, nhìn vào sơ đồ lãi suất của các Ngân hàng thương mại (NHTM) trong năm 2008 và những tháng đầu năm 2009 đã có 10 lần điều chỉnh lãi suất (6 tháng đi lên, 6 tháng đi xuống đạt đáy mới). Điều này đã tác động lên toàn bộ bảng cân đối của các ngân hàng. “Có những thời điểm, lãi suất 3 tháng lại cao hơn lãi suất (LS) 12 tháng và thậm chí lãi suất tuần của các NHTM lại rất gần với lãi suất 12 tháng, thậm chí có lúc cao hơn” – ông Phạm Xuân Hoè nói. Trong giai đoạn này, các NHTM còn vướng vào một cái khó nữa là “LS đầu vào giảm rất chậm vì tất cả kỳ hạn huy động 6-9-12 tháng của dân cư không thể điều chỉnh được, còn với các hợp đồng của các tổ chức kinh tế thì phải trả giá thì mới điều chỉnh được LS”. Từ thực tế huy động LS như trên, ông Phạm Xuân Hoè cho biết, đã dẫn đến tình trạng “Thu nhập cận biên (là thu nhập của phần lãi cho vay, đầu tư, trừ đi phần chi trả lãi, chia cho tài sản thì ra lãi thực tế-NIM) chi nhánh nào giỏi lắm chỉ còn 1,5-1,8%. Đây là con số rất thấp so với bình quân chung của thế giới và khu vực (ở mức 3-3,5%). NHTM chạy đua lãi suất, rồi chạy giảm lãi suất và đến bây giờ có xu hướng tăng lên”. Tác động của chính sách tiền tệ và giải pháp tình thế tạo ra những tiền lệ ngược ở Việt Nam. Ví dụ, LS huy động tiền gửi ngắn hạn lại cao hơn huy động dài hạn. Điều này không phù hợp với thông lệ quốc tế và rất khó khăn cho các NHTM trong áp dụng biện pháp chống đỡ rủi ro lãi suất bằng cân đối kỳ hạn bình quân… Một điều dễ nhận thấy nữa là trong quãng thời gian này các NHTM nhỏ dẫn dắt cuộc chơi chứ không phải là các NH lớn. Vì khi các NHTM nhỏ không đủ khả năng thanh khoản thì đẩy lãi suất huy động lên cao, thậm chí lãi suất tiết kiệm tuần rất cao… để hút vốn của các NHTM lớn.   Phân tích thực tế này, TS Nguyễn Thị Mùi (Trường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Vietinbank) khẳng định: “Lãi suất cơ bản – LSCB điều chỉnh quá nhanh và khống chế trần lãi suất đã tác động rất mạnh đến quản trị kinh doanh của các NHTM và các NHTM phải chịu rủi ro vì yếu tố kỳ hạn là rất lớn”.
Cân nhắc kỹ việc giảm LSCB
Theo quan điểm của một số chuyên gia kinh tế, việc giảm lãi suất cơ bản sẽ giúp cho người dân và các doanh nghiệp có cơ hội vay vốn với giá rẻ hơn khi cơ chế lãi suất trần vẫn được duy trì. Khi đó lãi suất huy động VND tất yếu sẽ giảm. Ông Trương Đình Tuyển – thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ quốc gia cho rằng: “Chúng ta cần cân nhắc là có nên hạ LSCB hay không, hạ thì liệu có dẫn đến lạm phát không. Theo tôi, năm nay lạm phát chỉ khoảng trên 5% vì quý 1 là quý đáng lẽ là tốc độ tăng giá cao nhất thì mới chỉ ở mức 1,3%. Thứ hai là giảm lãi suất có gây sức ép lên tỷ giá không. Thứ ba, việc này có gây khó khăn cho NHTM không”. Ông Trương Đình Tuyển đặc biệt lưu ý đến thời điểm “cú sốc lãi suất” khi khoản hỗ trợ 4% lãi suất của Chính phủ không còn nữa. Hiện nay, đa số đối tượng được hưởng khoản hỗ trợ này (trừ một số DN nhập khẩu hàng không tương thích). Khi kết thúc năm 2009, khoản tiền hỗ trợ này sẽ hết thì chúng ta sẽ điều chỉnh như thế nào để tránh sốc cho ngân hàng và doanh nghiệp. “Phải tìm một thời điểm, cách thức để giảm bớt cú sốc lãi suất và giảm như thế nào, mức độ nào là hợp lý” – ông Tuyển nói. Cùng quan điểm này với ông Trương Đình Tuyển, bà Dương Thu Hương – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho rằng: “Lúc này chưa nên hạ LSCB, nên giữ nguyên và ổn định một thời gian nữa. Có nghĩa là lãi suất huy động của các NHTM xoay quanh mức 150% như NHNN đã qui định. Chúng ta hãy thử hình dung hạ LSCB thì sẽ xảy ra điều gì. Điều đầu tiên là lãi suất huy động VND sẽ hạ xuống. Với mức LS như hiện nay các NH phải nâng LS huy động mà vẫn không có được nhiều tiền”. Bà Hương đưa ra dẫn chứng về việc huy động vốn của hệ thống Ngân hàng Công thương tại Hà Nội. Theo đánh giá chung, địa bàn Hà Nội rất dễ huy động vốn và huy động được nhiều nhưng quí 1/09 mức huy động của thị trường này giảm 0,36%. Còn ở thị trường thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ tăng 4%. “Trong lúc lãi suất huy động của các NHTM đang phải nâng lên để huy động vào mà khối lượng tiền huy động được lại không nhiều thì hạ lãi suất nữa thì tiền sẽ không vào và sẽ không có vốn để đảm bảo cho việc kích cầu” – bà Hương khẳng định. Được biết, Hiệp hội Ngân hàng cũng đã có văn bản trình Thống đốc trong lúc này nên giữ nguyên LSCB. Chúng tôi muốn rằng sẽ ổn định trong một thời gian, ít nhất trong 6 tháng cuối năm nếu thấy tình hình có vấn đề gì sẽ thay đổi. Hạ LSCB sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá Trong quí 1/2009 xuất siêu 1,6 tỷ USD, nhập siêu khoảng 600 triệu USD (thấp hơn 2008). Cung – cầu ngoại tệ năm 2009 sẽ rất căng thẳng vì xuất khẩu giảm, FDI giảm, FII giảm, kiều hối giảm… “Nếu hạ LSCB thì ngay lập tức LS huy động VND sẽ giảm và khoảng cách VND – USD sẽ giãn rất xa. Tâm lý của người Việt Nam là sẽ chuyển từ VND sang mua USD ngay” – bà Dương Thu Hương bày tỏ lo ngại. Còn ông Lê Hải Mơ – Viện phó Viện khoa học Tài chính thì đưa ra phân tích của mình: “Khi so sánh mặt bằng lãi suất của Việt Nam với thế giới thì phải lưu ý một đặc thù là VND rất yếu, uy tín của Việt Nam thấp, độ tin cậy của hệ thống ngân hàng hiện nay dù đã được tăng cường trong năm 2007 nhưng vẫn chưa đủ “độ” để chúng ta có thể dễ dàng hạ lãi suất mà không sợ tới những phản ứng ngoài thị trường”. Ông Lê Hải Mơ đưa ra dẫn chứng: “Tại sao vừa rồi huy động trái phiếu Chính phủ lại không thành công. Câu trả lời vẫn là thái độ của người dân đối với đồng tiền và mặt bằng lãi suất. “Yếu tố này làm chúng ta không thể tuỳ tiện giảm lãi suất”- ông Lê Hải Mơ nhấn mạnh. Còn TS Nguyễn Minh Phong – Viện Nghiên cứu kinh tế Hà Nội thì cho rằng: “Không thể dùng lý trí hạ LSCB để kích cầu đầu tư, doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn. Vì điều này còn tuỳ thuộc vào tính chất khách quan của thị trường, từ lợi ích người gửi tiền… Người ta không thể nào hạ lãi suất rồi bắt người dân gửi tiền được. Phải có lãi suất cao thì mới đảm bảo một lượng vốn cho ngân hàng. Nhưng có một điều không mong muốn là sẽ làm giảm hiệu quả gói kích cầu của Chính phủ. Điều này buộc Chính phủ phải có giải pháp sử dụng ngân sách, lợi ích của mình giảm đi… (lãi suất tái chiết khấu…)”. “Nếu không tỉnh táo, tiếp tục hạ lãi suất thì ngày mai rủi ro lãi suất sẽ dẫn ngay tới rủi ro tín dụng” – ông Nguyễn Đại Lai – Chuyên viên Trung tâm thông tin tín dụng Ngân hàng Nhà nước cảnh báo./.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật