QUỲNH NGA – Học viên cao học – Khoa Luật – ĐH Quốc gia HN
Sau hơn 5 năm đi vào thực tiễn, Luật kinh doanh bảo hiểm 2000 (LKDBH), nghị định số 42/2001/NĐ-CP ngày 01/8/2001 quy định chi tiết một số điều của LKDBH, nghị định số 43/2001/NĐ-CP ngày 01/8/2001 quy định chế độ tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, và các văn bản hướng dẫn thi hành LKDBH đã phát huy vai trò vô cùng quan trọng trong việc góp phần tạo lập hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, thúc đẩy và đảm bảo cho sự phát triển chung của thị trường bảo hiểm.
Bên cạnh những ưu điểm đó, LKDBH, nghị định 42 và 43 cũng đã bộc lộ không ít bất cập cần thiết phải sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện đặc biệt là trong giai đoạn Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO và xu hướng cải cách pháp luật đang diễn ra mạnh mẽ ở nước ta như hiện nay. Thực hiện Chương trình xây dựng pháp luật năm 2006 của Chính phủ, trong thời gian này, Bộ Tài chính đã tiến hành dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định 42 và 43 dựa trên các nguyên tắc: tạo môi trường pháp lý, kinh doanh bình đẳng, đổi mới phương thức quản lý, đơn giản hoá thủ tục hành chính, đảm bảo sự phù hợp với hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan, cụ thể hóa các cam kết hội nhập quốc tế. Ngoài ra, theo chúng tôi việc sửa đổi các nghị định này cũng cần đảm bảo nguyên tắc: cụ thể hoá các quy định trong LKDBH, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm và người thứ ba, tăng cường sự kiểm soát các giao dịch bảo hiểm của Nhà nước bằng pháp luật.
Sau khi nghiên cứu dự thảo các Nghị định mới, chúng tôi xin có một vài bình luận và kiến nghị như sau sau:
1. Bình luận chung: Về mặt tổng quan, dự thảo hai nghị định mới ít nhiều đã phát huy được các nguyên tắc sửa đổi, bổ sung nói trên, khắc phục được những điểm bất cập và cụ thể hóa hơn các quy định trong nghị định 42 và 43, thể hiện sự tiến bộ trong quy trình lập pháp và bước tiến lớn trong chế độ quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm, chẳng hạn như:
- Bỏ quy định tại Điều 7 và Điều 43 Nghị định 42 về lệ phí cấp giấy phép thành lập và họat động của doanh nghiệp bảo hiểm vì theo quy định của Pháp lệnh phí và lệ phí thì những vấn đề này được quy định trong một nghị định riêng của Chính phủ;
- Bổ sung quy định về điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động doanh nghiệp bảo hiểm, và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm theo các nhóm điều kiện quy định tại Điều 63 Luật kinh doanh bảo hiểm đồng thời quy định thêm các tiêu chuẩn đối với các tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn (xem Điều 6 dự thảo nghị định sửa đổi nghị định 42);
- Quy định về chuyên gia tính toán được chỉ định đã được quy định tại thông tư 98/2004/TT-BTC (xem Điều 13 dự thảo nghị định sửa đổi nghị định 42);
- Bỏ quy định tái bảo hiểm bắt buộc, nhượng tái bảo hiểm tại Điều 22 và Điều 23 nghị định 42 vì quy định này đã không phù hợp với cam kết tại Hiệp định thương mại Việt Mỹ (bỏ tái bảo hiểm bắt buộc từ ngày 10/12/2006);
- Tạo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bằng việc bãi bỏ quy định tỷ lệ góp vốn trong doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm liên doanh tại Điều 38 nghị định 42;
- Tăng cường quản lý rủi ro của Nhà nước và đảm bảo khả năng thanh toán, quy mô hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm thông qua việc tăng vốn pháp định (xem Điều 4 dự thảo nghị định sửa đổi nghị định 43).
Tuy nhiên, dự thảo các nghị định mới vẫn còn một số điểm hạn chế ở chỗ: thiếu quy định chi tiết các nội dung quan trọng của LKDBH đặc biệt là quy định về việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm, và quy định về việc kiểm soát giao dịch bảo hiểm, một vài quy định còn chưa phù hợp với thực tế cũng như các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan mà theo chúng tôi, Bộ Tài chính cần xem xét và tiếp tục hoàn thiện:
Thứ nhất , việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm là vấn đề vô cùng quan trọng. Tuy vậy, vấn đề này mới chỉ được quy định rất cơ bản trong LKDBH trong khi đó cả nghị định 42 và dự thảo nghị định mới vẫn không có những quy định chi tiết, rõ ràng và cụ thể. Vì vậy, việc áp dụng các quy định của LKDBH trong giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm là vấn đề hết sức phức tạp. Chúng tôi xin nêu ra một vài quy định quan trọng trong LKDBH cần được cụ thể hóa trong nghị định mới như sau:
- Đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, việc quy định quyền lợi có thể được bảo hiểm trong LKDBH có sự không thống nhất ở chỗ: khoản 9 Điều 3 quy định quyền lợi có thể được bảo hiểm là “quyền, nghĩa vụ, nuôi dưỡng, cấp dưỡng đối với đối tượng được bảo hiểm”;
- quy định này có thể hiểu bên mua bảo hiểm chỉ cần có quan hệ nuôi dưỡng hoặc cấp dưỡng đối với người được bảo hiểm là có quyền lợi có thể được bảo hiểm; nhưng khoản 2 Điều 31 lại quy định ngoài bản thân và những người thân thuộc (vợ, chồng, con, cha, mẹ, anh, chị, em ruột của bên mua bảo hiểm) bên mua bảo hiểm chỉ có thể mua bảo hiểm cho “người có quan hệ nuôi dưỡng và cấp dưỡng”. Tuy nhiên, theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 thì điều kiện phát sinh, quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng là khác nhau thậm chí sự tồn tại của chúng loại trừ nhau. Vì vậy, vấn đề này rất cần có văn bản dưới luật hướng dẫn cho phù hợp hơn với Luật hôn nhân và gia đình.
- Hiện tại LKDBH quy định “doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng và thu phí đến thời điểm đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm nếu bên mua bảo hiểm có hành vi cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được trả tiền bảo hiểm hoặc được bồi thường” (điểm a khoản 2 Điều 19) và quy định “hợp đồng bảo hiểm vô hiệu trong trường hợp bên mua bảo hiểm có hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng bảo hiểm” (điểm d khoản 1 Điều 22). Do không quy định rõ ràng trong việc áp dụng hai điều luật trên vì về bản chất cố ý cung cấp thông tin sai sự thật cũng là một loại hành vi lừa dối nên trên thực tế nhiều vụ tranh chấp xảy ra, doanh nghiệp đã có đầy đủ bằng chứng chứng minh bên mua bảo hiểm có hành vi cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để áp dụng Điều 19 nhưng Tòa án vẫn áp dụng Điều 22 tuyên hợp đồng vô hiệu.
- LKDBH chỉ quy định chung việc chuyển nhượng tất cả các loại hợp đồng bảo hiểm tại Điều 26 như sau: “1. Bên mua bảo hiểm có thể chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. 2. Việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm chỉ có hiệu lực trong trường hợp bên mua bảo hiểm thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc chuyển nhượng và doanh nghiệp bảo hiểm có văn bản chấp thuận về việc chuyển nhượng đó, trừ trường hợp việc chuyển nhượng được thực hiện theo tập quán quốc tế”. Quy định này rõ ràng còn rất khái quát đặc biệt là đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ – việc chuyển nhượng hợp đồng này có nhiều vấn đề nảy sinh cần pháp luật quy định, chẳng hạn: điều kiện đối với người nhận chuyển nhượng như thế nào? Người nhận chuyển nhượng có cần phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm với người được bảo hiểm hay không? Việc chuyển nhượng có cần sự đồng ý của người được bảo hiểm hay không? Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm như thế nào trong việc chấp nhận chuyển nhượng của bên mua bảo hiểm? Bên mua bảo hiểm còn trách nhiệm gì đối với hợp đồng bảo hiểm sau khi hợp đồng bảo hiểm đã được chuyển nhượng không? Giả sử, việc chuyển nhượng hợp đồng là không hợp pháp trong khi doanh nghiệp bảo hiểm lại đồng ý chuyển nhượng và sự kiện bảo hiểm xảy ra sau khi hợp đồng đã được chuyển nhượng, vậy quyền lợi và trách nhiệm của các bên trong quan hệ hợp đồng này (bên mua bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, người nhận chuyển nhượng, người thụ hưởng) sẽ được xác định như thế nào?… Rõ ràng, đây là những vấn đề quan trọng nhưng LKDBH và các nghị định đã bỏ ngỏ, do vậy khi có tranh chấp phát sinh không có cơ sở pháp lý để giải quyết.
- Về việc trả tiền bảo hiểm con người khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, LKDBH chỉ quy định “trong trường hợp một số người thụ hưởng cố ý gây ra cái chết cho người được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải trả tiền bảo hiểm cho những người thụ hưởng khác theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm” mà không đề cập rõ những nội dung sau: người thụ hưởng khác có được hưởng trọng vẹn hay chỉ được hưởng một phần số tiễn bảo hiểm và nếu trong hợp đồng không xác định rõ số tiền/tỷ lệ tiền bảo từng người thụ hưởng được nhận thì phải giải quyết ra sao; trường hợp bên mua bảo hiểm chỉ định một người thụ hưởng mà ngươì thụ hưởng này cố ý gây ra cái chết cho người được bảo hiểm thì giải quyết như thế nào? Những người thừa kế hợp pháp của người được bảo hiểm có được hưởng số tiền bảo hiểm hay không vì về bản chất số tiền bảo hiểm cũng là di sản thừa kế; trường hợp hợp đồng bảo hiểm không chỉ định người thụ hưởng mà một trong những người thừa kế hợp pháp của người được bảoh iểm có hành vi cố ý gây ra cái chết cho người được bảo hiểm thì xử lý như thế nào?.
- Một số thuật ngữ được quy định trong LKDBH nhưng chưa được định nghĩa nên dẫn đến nhiều cách suy luận khác nhau như thuật ngữ “giá trị hoàn lại”, “chi phí hợp lý”.
Thứ hai , dự thảo nghị định mới có quy định không tương thích với văn bản pháp luật khác có liên quan, chẳng hạn: điểm d khoản 2 Điều 10 dự thảo nghị định sửa đổi nghị đinh 42 quy định “các địa điểm kinh doanh trực thuộc văn phòng đại diện” là không phù hợp với Luật doanh nghiệp và các văn bản pháp luật khác vì văn phòng đại diện không được hoạt động kinh doanh. Trong trường hợp này, các địa điểm kinh doanh chỉ có thể trực thuộc chi nhánh.
Thứ ba, dự thảo nghị định mới còn nhiều điểm quy định chưa rõ, chưa chính xác hoặc chưa phù hợp như: – Đưa ra khái niệm về dự phòng toán học (xem điểm a khoản 2 Điều 9 Nghị định sửa đổi Nghị định 43) chưa chính xác vì khái niệm “số tiền bảo hiểm” chưa phản ánh chính xác trách nhiệm bảo hiểm đã cam kết của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ theo hợp đồng bảo hiểm. Trong một số sản phẩm bảo hiểm đang triển khai trên thị trường hiện nay, trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm không phải là toàn bộ số tiền bảo hiểm mà là một phần hoặc một tỷ lệ nhất định của số tiền bảo hiểm.
- Chưa có quy định về biên khả năng thanh toán tổi thiểu của doanh nghiệp tái bảo hiểm. – Việc đưa ra khái niệm “nguồn vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ” có phần khiên cưỡng. Theo Khoản 1 Điều 12 (Nghị định sửa đổi Nghị định 43), “nguồn vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm là tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm trừ các khỏan tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm dùng để bồi thường bảo hiểm thường xuyên trong kỳ đối với bảo hiểm phi nhân thọ, trả tiền bảo hiểm thường xuyên trong kỳ đối với bảo hiểm nhân thọ”. Và, “khỏan tiền dùng để bồi thường bảo hiểm thường xuyên trong kỳ đối với bảo hiểm phi nhân thọ không thấp hơn 25% tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm và được gửi tại các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam” (Khoản 2 Điều 12 dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 43) còn “khoản tiền dùng để trả tiền bảo hiểm thường xuyên trong kỳ đối với bảo hiểm nhân thọ không thấp hơn 5% tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm và được gửi tại các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam (Khoản 3 Điều 12 dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 43). Ở đây chúng ta thấy khỏan tiền dùng để bồi thường bảo hiểm thường xuyên trong kỳ đối với bảo hiểm phi nhân thọ, khỏan tiền dùng để trả tiền bảo hiểm thường xuyên trong kỳ đối với bảo hiểm nhân thọ và được gửi tại các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam thực chất cũng là khoản tiền đang được đầu tư và do vậy cũng đang “nhàn rỗi”. Bên cạnh đó, việc quy định “không thấp hơn 25% tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm” đối với bảo hiểm phi nhân thọ và “không thấp hơn 5% tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm” đối với bảo hiểm nhân thọ vô hình chung đã hạn chế sự lựa chọn của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc đầu tư (và dó đó dẫn tới giảm hiệu quả đầu tư) và có thể không phản ánh đúng trách nhiệm trả tiền bảo hiểm/bồi thường thường xuyên của doanh nghiệp bảo hiểm. Điều này có thể thấy rõ trong các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ có số đơn bảo hiểm nhỏ, xác suất tổn thất nhỏ nhưng mức trách nhiệm lớn (như bảo hiểm tàu biển, máy bay…) và trong các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ mang tính đầu tư là chủ yếu. – Việc xác định biên khả năng thanh toán tối thiểu chỉ dựa trên phí bảo hiểm và phí tái bảo hiểm trong bảo hiểm phi nhân thọ, dự phòng nghiệp vụ và số tiền chịu rủi ro đối với bảo hiểm nhân thọ (Điều 16 Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 43) có thể chưa phản ánh hết cấu thành biên khả năng thanh toán và trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm. Chẳng hạn, với bảo hiểm nhân thọ việc xác định biên khả năng thanh toán chỉ căn cứ vào thời hạn mà không căn cứ vào loại hình sản phẩm là việc làm mang tính đánh đồng, làm mất ý nghĩa của công cụ cảnh báo này (biên khả năng thanh toán tối thiểu). Hơn nữa, việc phân chia thành 2 thời hạn 5 năm trở xuống và trên 5 năm lại một lần nữa làm cho kết quả tính toán biên khả năng thanh toán thêm thiếu thuyết phục và xác đáng. Với những hạn chế nói trên, chúng tôi đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện các dự thảo nghị định mới tại mục 2 dưới đây.
2. Những kiến nghị cụ thể:
2.1. Về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 42/2001/NĐ-CP – Bổ sung quy định về việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm với các nội dung: điều kiện của việc chuyển nhượng, thủ tục chuyển nhượng, quyền hạn và trách nhiệm của các bên trong quan hệ chuyển nhượng, hậu quả pháp lý của việc chuyển nhượng. Ngoài ra, cần quy định riêng về việc chuyển nhượng của từng loại hợp đồng bảo hiểm vì giữa hợp đồng bảo hiểm con người, hợp đồng bảo hiểm tài sản và hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự là khác nhau.
- Quy định rõ việc áp dụng Điều 19 và Điều 22 của LKDBH theo hướng nếu là hành vi cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm thì sẽ áp dụng khoản 2 Điều 19 (doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng và thu phí đến thời điểm hợp đồng bị đình chỉ), còn nếu là hành vi lừa dối khác thì áp dụng điểm d khoản 1 Điều 22 (hợp đồng bảo hiểm vô hiệu).
- Cần quy định thế nào là “giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm”, và những chi phí nào được coi là “chi phí hợp lý” mà doanh nghiệp được quyền khấu trừ khi chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp bên mua bảo hiểm không còn quyền lợi có thể bảo hiểm. Theo chúng tôi, có thể định nghĩa “giá trị hoàn lại là giá trị của hợp đồng bảo hiểm mà doanh nghiệp phải thanh toán cho bên mua bảo hiểm tại thời điểm hợp đồng bảo hiểm chấm dứt hiệu lực trước thời hạn”, “chi phí hợp lý là những khoản chi phí hợp pháp mà doanh nghiệp bảo hiểm đã bỏ ra cho việc giao kết hợp đồng bảo hiểm. Những khoản chi phí này bao gồm: chi phí kiểm tra sức khỏe, hoa hồng trả cho đại lý và/hoặc môi giới bảo hiểm, chi phí phát hành hợp đồng, chi phí quản lý”.
- Thống nhất quy định về các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm đặc biệt là trong bảo hiểm con người để áp dụng chung cho các doanh nghiệp bảo hiểm theo hướng các doanh nghiệp bảo hiểm chỉ có thể thu hẹp phạm vi loại trừ trách nhiệm bảo hiểm đã được quy định trong LKDBH và nghị định chứ không được mở rộng. Mục đích của quy định này là để bảo vệ lợi ích chính đáng của bên mua bảo hiểm vì trong các sản phẩm bảo hiểm đang triển khai trên thị trường hiện nay hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm đều mở rộng rất lớn phạm vi loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong khi đó ở Việt Nam chưa có một cơ quan, tổ chức nào có thẩm quyền đưa ra định nghĩa cụ thể về từng trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm cũng như đưa ra tuyên bố chính thức khi trường hợp hiện tượng thời tiết thay đổi đột ngột (sóng thần, động đất, núi lửa, lũ, lụt, bão…) xảy ra việc doanh nghiệp bảo hiểm có được áp dụng điều khoản loại trừ hay không trên cơ sở đánh giá mức độ ảnh hưởng của nó.
- Sửa đổi khoản 2 Điều 10 bằng cách dùng từ “Phòng giao dịch” thay cho “văn phòng giao dịch” để tránh sự hiểu lầm với văn phòng đại diện, và đổi tên gọi địa điểm kinh doanh thành phòng giao dịch để thống nhất với cơ cấu tổ chức, hoạt động trên thực tế hiện nay của các doanh nghiệp bảo hiểm. Có thể quy định cụ thể như sau: “Bộ máy tổ chức của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm bao gồm: a) Văn phòng trụ sở chính; b) Sở giao dịch, hội sở, công ty thành viên hạch toán phụ thuộc và chi nhánh trực thuộc trụ sở chính (sau đây gọi tắt là “chi nhánh”); c) Phòng giao dịch trực thuộc trực thuộc trụ sở chính, hoặc chi nhánh; d) Văn phòng đại diện”. Ngoài ra, nghị định mới cũng cần quy định rõ địa vị pháp lý (quyền, nghĩa vụ) của các bộ phận nói trên trong bộ máy tổ chức của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.
- Quan hệ giữa doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm với chi nhánh thực chất là quan hệ ‘uỷ quyền” vì chi nhánh là đơn vị hoạt động phụ thuộc. Do vậy, khoản 1 Điều 11 cần quy định rõ: “Chi nhánh của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo uỷ quyền. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về toàn bộ hoạt động của chi nhánh trong phạm vi chức năng đã được uỷ quyền”.
2.2. Về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 43/2001/NĐ-CP – Bỏ quy định về định nghĩa “vốn điều lệ” của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm vì Luật doanh nghiệp đã quy định cụ thể;
- Điểm c khoản 2 Điều 8 quy định dự phòng nghiệp vụ đối với bảo hiểm phi nhân thọ cho các giao động lớn về tổn thất nên phù hợp với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS4 và chuẩn mực kế toán số 19 (hợp đồng bảo hiểm) cũng như chế độ kế toán hiện hành, đó là phải trích lập từ lãi ròng trước thuế và được ghi nhận như nguồn vốn chủ sở hữu. Mức độ trích lập có thể khống chế tối đa bằng doanh thu phí bảo hiểm gốc của chính năm đó.
- Điều 4 (Vốn pháp định) nên quy định thống nhất việc góp vốn bằng đồng Việt Nam thay vì đưa ra quy định vừa bằng tiền Việt Nam vừa bằng đô la Mỹ như dự thảo vì tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ luôn có sự biến động dẫn đến sự không thống nhất về giá trị.
- Sửa điểm a khoản 2 Điều 9 như sau: “Dự phòng toán học là khoản chênh lệch giữa giá trị hiện tại của các quyền lợi bảo hiểm đã cam kết theo hợp đồng bảo hiểm và giá trị hiện tại của phí bảo hiểm sẽ thu trong tương lai”.
- Bổ sung quy định về khái niệm “dự phòng phí chưa được sử dụng” tại điểm b khoản 2 Điều 9.
- Sửa từ “dự phòng bồi thường” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 9 thành “dự phòng bồi thường cho khiếu nại chưa giải quyết” (giống điểm b khoản 2 Điều 8- Dự phòng nghiệp vụ đối với bảo hiểm phi nhân thọ) để phản ánh đúng bản chất của khái niệm này. – Đề cập rõ điểm d khoản 2 Điều 9 là “dự phòng chia lãi đã phát sinh”.
- Sử dụng thống nhất khái niệm tương ứng giữa điểm c khoản 2 Điều 8 và điểm đ khoản 2 Điều 9 là “dự phòng bảo đảm cân đối”.
- Quy định cụ thể về biên khả năng thanh toán tối thiểu của doanh nghiệp bảo hiểm Trên đây là một số bình luận và kiến nghị của chúng tôi về các dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định 42, 43. Rất mong nhận được ý kiến phản hồi từ phía độc giả và các nhà xây dựng pháp luật.
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"