Doanh nghiệp có quyền được tham vấn khi cơ quan nhà nước tiến hành hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh đã được thể chế hóa trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên trong thời gian vừa qua, vai trò góp ý, xây dựng chính sách pháp luật của cộng đồng doanh nghiệp vẫn chưa được thực hiện đầy đủ và hiệu quả.
Để tăng cường năng lực góp ý xây dựng pháp luật của doanh nghiệp, được sự hỗ trợ của Star Việt Nam và Quỹ GE, sáng nay (24/3/2009) VCCI tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực doanh nghiệp, hiệp hội trong công tác tham vấn hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật kinh doanh”. Thông qua kinh nghiệm tham vấn chính sách của VCCI và kinh nghiệm quốc tế, hội thảo sẽ trang bị thông tin về quyền của doanh nghiệp và những công cụ, kỹ năng cần thiết cho doanh nghiệp, hiệp hội trong quá trình góp ý hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật.
Đến tham dự buổi hội thảo sáng nay có đại diện của các vị lãnh đạo, các Hiệp hội doanh nghiệp và đông đảo các doanh nghiệp…
Phát biểu khai mạc, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, buổi hội thảo hôm nay sẽ bàn về vấn đề tham gia của các doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp vào quá trình xây dựng các chính sách do VCCI tiến hành lấy ý kiến tham vấn. Đây là buổi trao đổi kinh nghiệm, tăng cường giao lưu hợp tác của các doanh nghiệp.
Để phát huy hiệu quả công tác tham vấn, theo TS Vũ Tiến Lộc, cần phải đề cao năng lực và tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp với VCCI và giữa VCCI với các Cơ quan chính phủ, với Quốc hội. Từ đó nhằm nâng cao vai trò của các doanh nghiệp và đưa tiếng nói của doanh nghiệp tới được với các Cơ quan của chính phủ. Do đó, cần tập trung vào vấn đề nâng cao năng lực doanh nghiệp, hiệp hội trong công tác tham vấn hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật kinh doanh.
Tiếp theo phát biểu của TS Vũ Tiến Lộc, ông Trần Hữu Huỳnh – Trưởng Ban Pháp chế VCCI đã điểm qua một vài vấn đề trong quá trình xây dựng – thi hành pháp luật và vai trò của VCCI. Theo ông Huỳnh, quá trình này bao gồm 4 nội dung: Quá trình xây dựng và góp ý Dự thảo; Ban hành văn bản QPPL và Phổ biến PL; Bản án và Bình luận bản án; Thi hành và Giải quyết vướng mắc doanh nghiệp; Thi hành và Kiến nghị xây dựng pháp luật.
Theo ông Huỳnh, sự tham gia của VCCI vào quá trình soạn thảo văn bản quy phạm bao gồm:
Thứ nhất, tham gia vào Hội đồng tư vấn về đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh (VCCI là thành viên của các hội đồng tư vấn xây dựng luật, pháp lệnh do Bộ Tư pháp chủ trì); Tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập (VCCI cử đại diện tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng pháp luật); Tham gia Hội đồng thẩm định (cử đại diện tham gia một số Hội đồng thẩm định do Bộ Tư pháp chủ trì); Phối hợp tổ chức các hội thảo lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia (phối hợp với các Bộ, Ngành, một số UB của QH, …); Tổ chức góp ý Dự thảo (đối tượng xin ý kiến được cụ thể như sau: tổng hợp ý kiến từ Hiệp hội Doanh nghiệp (gồm khoảng gần 300 Hiệp hội, doanh nghiệp khoảng hơn 250 nghìn doanh nghiệp chia theo 23 ngành nghề, các chuyên gia (danh sách 150 chuyên gia, luật sư) rồi tổng hợp – gửi (góp ý cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền); tổ chức lấy ý kiến.
Sơ đồ thể hiện quy trình chung và vai trò của VCCI
Thứ hai, Ban hành văn bản QPPL và Tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng các hình thưc phổ biến VCCI tổ chức các lớp phổ biến tại các địa phương; trên web Vibonline (các đề cương, các câu hỏi đáp pháp luật).
VCCI là đầu mối tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp
Thứ ba, bản án và bình luận qua Vibonline. Đây là web đầu tiên chính thức tiến hành công khai các bản án, có khoảng 200 bản án đã được đăng tải trên web; tạo ra các diễn đàn để các chuyên gia, luật sư, doanh nghiệp, hiệp hội bình luận; web cũng là diễn đàn để các chuyên gia, doanh nghiệp, luật sư thông qua bình luận bản án để đưa ra các sáng kiến hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Thứ tư, tháo gỡ vướng mắc doanh nghiệp: VCCI với tư cách là tổ chức cầu nối giữa doanh nghiệp, hiệp hội và cơ quan nhà nước trong việc tháo gỡ các vướng mắc doanh nghiệp. Hình thức khá đa dạng: Đối thoại Công-Tư, Gặp mặt Chính phủ hàng năm, Bộ, địa phương… Giải đáp vướng mắc doanh nghiệp, hay tiến hành phối hợp giải quyết các vụ việc cụ thể.
Thứ năm, đánh giá thi hành và kiến nghị xây dựng pháp luật với quy trình sau: VCCI (Các chương trình nghiên cứu (rà soát điều kiện kinh doanh, báo cáo thực thi…; điều tra (PCI…); tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội…) thông qua báo cáo, đánh giá, kiến nghị. Sau đó, kiến nghị tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ông Phạm Tuấn Khải – Vụ trưởng Vụ pháp luật Văn phòng Chính phủ cho rằng, chính sách rất tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp tham gia quá trình xây dựng pháp luật. Vai trò của VCCI trong quá trình này cũng đã được thể chế hoá.
Một hệ thống pháp luật tiến bộ thể hiện tính minh bạch của các chính sách. Nếu không có một hệ thống văn bản pháp luật hoàn thiện thì sẽ rất khó cho pháp luật nhà nước. Luật ban hành văn bản pháp luật 2008 cũng được ban hành, liên quan tới nhiều hệ thống pháp luật kinh doanh.
Trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật phải có sự tham gia của các chủ thể liên quan đến văn bản đó, cụ thể như luật cho doanh nghiệp. Từ các ý kiến tham vấn của doanh nghiệp, Chính phủ sẽ xem xét những văn bản chưa có tính khả thi đối với doanh nghiệp để tránh tình trạng phải sửa đổi khi văn bản đã đi vào cuộc sống. Vậy thái độ của doanh nghiệp đối với văn bản này như thế nào?
Ông Khải cho biết một số doanh nghiệp rất muốn có những thông tin từ nhà nước nhưng lại chưa cởi mở đối với cơ quan nhà nước, một phần là do các doanh nghiệp đó làm ăn chưa thật minh bạch, công khai nên sợ các chính sách của cơ quan nhà nước. Do vậy, để xây dựng các chính sách hoàn thiện, minh bạch, cơ quan nhà nước rất cần có những ý kiến từ phía các doanh nghiệp.
Ông Vũ Viết Ngoạn – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế Quốc hội tập trung vào hai vấn đề: Tầm quan trọng của doanh nghiệp trong quá trình xây dựng chính sách. Ông Ngoạn cho biết doanh nghiệp nên chia sẻ với Uỷ ban kinh tế Quốc hội, VCCI bằng cách nên phối hợp trong quá trình xây dựng chính sách.
Vai trò của doanh nghiệp trong quá trình xây dựng cơ chế chính sách: Doanh nghiệp là đối tượng xây dựng chính sách và là đối tượng có lợi từ chính qua trình tham gia xây dựng đó.
Cái khác nhau là phương thức xây dựng chính sách của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Một số đại sứ các nước mong muốn làm việc với Uỷ ban kinh tế Quốc hội để đưa ra những chính sách, kiến nghị và chiến lược cụ thể trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam thì không có. Họ chưa nhận thức được về vai trò của mình để tham gia trong quá trình hoạch định chính sách, nếu có tham gia thì quá muộn.
Ông Ngoạn cho biết Uỷ ban kinh tế Quốc hội đang xây dựng một chương trình để làm thế nào doanh nghiệp có thể tham gia vào quá trình xây dựng chính sách và hoạch định chính sách một cách tốt nhất. Sắp tới sẽ có văn bản thoả thuận hợp tác với VCCI để tạo thành một kênh cho doanh nghiệp tham gia. Nội dung tham gia là toàn bộ những khó khăn và đưa ra những kiến nghị, những bất câp cần sửa đổi trong văn bản pháp luật.
Chính phủ đang xem xét vai trò của các tập đoàn kinh tế nhà nước, đánh giá vai trò của doanh nghiệp ngoải quốc doanh. Doanh nghiệp quốc doanh của Việt Nam đã lớn lên rất nhiều, có vị trí quan trọng trong giai đoạn mới hiện nay. Do đó, cần phải nhìn nhận ở một khía cạnh mới và Uỷ ban kinh tế Quốc hội đang làm điều tra lấy ý kiến của các doanh nghiệp về vấn đề tập đoàn.
Ông David Spooner – Chuyên gia Hoa Kỳ chia sẻ về những kinh nghiệm ở Mỹ. Năm 1956, Hoa Kỳ đã Ban hành Đạo luật về vấn đề lấy ý kiến đóng góp của các bên liên quan trong quá trình xây dựng các chính sách và văn bản pháp luật và đã thu hút được nhiều ý kiến của doanh nghiệp trước khi ban hành đạo luật này. Chỉ trong vòng 3 ngày, Chính phủ đã có những nhận xét của các doanh nghiệp đối với Đạo luật đó. Khi có được những ý kiến của quần chúng thì chúng tôi có những lợi thế để xây dựng văn bản chính sách. “Chính phủ không phải là hoàn hảo mà cần phải có sự tham gia đóng góp ý kiến của nhân dân. Và các doanh nghiệpchính là nhân tố chính để hoàn chỉnh văn bản pháp luật pháp quy” – David Spooner kết luận.
Ông Michael McNamer- Cố vấn Cao cấp, Nguyên Giám đốc đào tạo, Cục thẩm định văn bản Bang California nhấn mạnh về vấn đề tham vấn và sự tham gia của công chúng. Theo ông Michael McNamer, ý nghĩa công tác tham vấn công chúng bao gồm các vấn đề chính: Thứ nhất là luật ban hành văn bản quy định, các cơ quan soạn thảo văn bản phải thực hiện quy trình tham vấn công chúng; Thứ hai việc tham vấn công chúng là cơ hội để cơ quan soạn thảo văn bản đánh giá lại các giả định và tài liệu mà họ sử dụng làm cơ sở cho công việc soạn thảo văn bản; Thứ ba việc tham vấn công chúng cho phép cơ quan soạn thảo tránh được những hậu quả mà trước đó họ không lường tới; Thứ tư việc tham vấn công chúng giúp cải thiện chất lượng của báo cáo đánh giá tác động và việc tham vấn công chúng hợp pháp hoá kết quả lập pháp trong con mắt của các đối tượng chịu tác động của các quy định do cơ quan soạn thảo văn bản ban hành.
Ông Michael McNamer cho biết, những phần cơ bản của công tác tham vấn và sự tham gia của công chúng bao gồm các hành động: Thứ nhất là cần nỗ lực hợp lý trong việc lấy ý kiến tham vấn. Theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định hướng dẫn (Nghị định này sẽ có hiệu lực trong thời gian ngắn sắp tới) và các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, các cơ quan soạn thảo văn bản phải có những nỗ lực hợp lý để lấy ý kiến góp ý của các đối tượng chịu sự tác động của văn bản vào dự thảo văn bản do họ soạn thảo.Thứ hai là thông báo thỏa đáng về cơ hội tham vấn. Cơ quan soạn thảo phải đưa ra thông báo về cơ hội tham vấn đúng hạn và thỏa đáng. Thứ ba là phải công bố tài liệu liên quan. Để giúp các đối tượng muốn đưa ra ý kiến góp ý hiểu rõ hơn sáng kiến pháp luật được đưa ra trong dự thảo, cơ quan soạn thảo phải cung cấp các tài liệu liên quan được cơ quan đó dùng làm cơ sở cho việc soạn thảo văn bản cho các đối tượng góp ý kiến.Thứ tư là cần tiếp thu ý kiến tham vấn. Cơ quan soạn thảo thực sự nghiên cứu và tiếp thu từng ý kiến góp ý vào dự thảo. Trong “tài liệu giải trình về việc tiếp thu các ý kiến tham vấn”, cơ quan soạn thảo phải tóm tắt các ý kiến nhận được và trả lời cho từng ý kiến đó theo hướng (a) chấp nhận ý kiến tham vấn và chỉ rõ các chỉnh sửa trong dự thảo để phản ánh ý kiến tham vấn; hoặc (b) không chấp thuận ý kiến tham vấn và đưa ra lý do của việc không chấp thuận. Thứ năm là phải thẩm tra các ý kiến tham vấn: Cơ quan soạn thảo văn bản phải chuyển tất cả các ý kiến góp ý đến cơ quan thẩm tra. Và,cuối cùng là phải tạo cơ hội góp ý vào bản dự thảo cuối cùng: Cơ quan soạn thảo tạo đầy đủ các điều kiện tốt nhất để các đối tượng tham gia tham vấn được đóng góp ý kiến vào bản dự thảo cuối cùng của văn bản dự kiến ban hành.
Ông Michael McNamer cũng giới thiệu sơ lược về một đề cương tập huấn thu thập và xử lý báo cáo về quá trình tham vấn đối với Dự thảo văn bản quy phạm phám luật. Ông nói, các tổ chức và cá nhân có quyền góp ý kiến vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) theo quy định của Luật ban hành VBQPPL (Điều 4.1 Luật ban hành VBQPPL). Hơn thế nữa, theo quy định của Luật ban hành VBQPPL, cơ quan soạn thảo văn bản không được phép bỏ qua các ý kiến góp ý, mọi ý kiến đều phải được nghiên cứu và tôn trọng: Ý kiến tham gia về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải được nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình chỉnh lý dự thảo”. (Điều 4.3, Luật ban hành VBQPPL). Tương tự, cam kết WTO của Việt Nam nêu tại Đoạn 518 Báo cáo của Ban công tác về việc gia nhập WTO cũng đã đặt ra yêu cầu, ngoài các nội dung khác, “Chính phủ cũng sẽ xem xét những ý kiến nhận được trong khoảng thời gian lấy ý kiến đóng góp”. Cho ý kiến về các văn bản khác như Luật và Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đều quy định yêu cầu cơ quan ban hành văn bản phải đăng tải dự thảo VBQPPL cùng với các tài liệu khác trên trang thông tin điện tử của Chính phủ hoặc của cơ quan soạn thảo để lấy ý kiến công luận. Các tài liệu khác có thể được kể đến là dự thảo chương trình lập pháp, dự thảo các chương trình xây dựng nghị định, các đề xuất VBQPPL, và các tài liệu liên quan tới dự thảo VBQPPL như các tài liệu giải trình, các báo cáo đánh giá tác động và các tài liệu khác. Ý kiến góp ý đối với các văn bản tài liệu này cũng phải được xử lý giống như các ý kiến góp ý đối với dự thảo VBQPPL. (
Download đề cương tập huấn của ông Michael McNamer)
PGS TS Phạm Duy Nghĩa gửi tới hội thảo một số thông điệp chính như sau: Thứ nhất, mỗi văn bản chỉ tìm ra 6-8 điểm vấn đề để tham gia sửa đổi, không nên góp ý về dự luật mà chỉ nên góp ý phần ảnh hưởng tốt xấu tới doanh nghiệp thôi. Thứ hai, ở Việt Nam, doanh nghiệp phải bắt đầu bằng chính sách thông tin đến với cơ quan chức năng, doanh nghiệp cần chuẩn bị lý lẽ để tự tin hơn trong việc đề xuất ý kiến cho quan chức nhà nước. Thứ ba, trên thực tế, VCCI là nơi gặp gỡ giữa các chính sách với doanh nghiệp để trao đổi kinh nghiệm, tăng cường hợp tác. Và, vai trò của báo chí rất quan trọng. Vì báo chí có vai trò rất lớn nên nếu kết hợp với doanh nghiệp tạo ra kênh thông tin tốt thì mới tạo ra được sức ép cho dư luận đưa ra thông tin và khi đó mới có sự tác động trở lại với chính quyền. Vì thế, cần phải gửi thông điệp và có sự giao lưu sau các hội thảo.
Thứ tư, trang web
www.vibonline.com.vn là kênh thông tin rất hay, phù hợp với điều kiện hiện nay nhưng chỉ giành cho “cư dân mạng”. Vì thế, nên có những trang thông tin khác, không giành riêng những “cư dân mạng”. Bởi có những Giám đốc không sử dụng công cụ này thì sẽ hạn chế rất nhiều. Nên đa dạng hoá truyền thông để đưa thông tin này đi càng xa càng tốt. Thông điệp cuối cùng là, nói tới doanh nghiệp thì không phải doanh nghiệp nào cũng mạnh vì thế với tiếng nói của doanh nghiệp nhỏ hơn thì VCCI nên có sự ưu tiên hơn trong cộng đồng của mình. Đó là những doanh nghiệp còn yếu về khả năng cũng như tiếng nói trong cộng đồng.
Về vấn đề tham vấn các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp khi xây dựng các chính sách kinh tế – xã hội, theo Luật gia Vũ Xuân Tiền – Ủy viên BCH Hội Luật gia TP Hà Nội, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn quản lý và đào tạo VFAM Việt Nam nói: “Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp phải được và cần phải tham gia vào việc xây dựng các chính sách kinh tế – xã hội thông qua việc góp ý, phản biện dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật trước khi ban hành”.
Theo ông Tiền, về nguyên tắc, dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật sẽ được xin ý kiến góp ý, phản biện của tất cả các đối tượng chịu tác động của văn bản đó. Từng cá nhân, pháp nhân đều có thể tự mình nêu các ý kiến góp ý, phản biện hoặc thông qua tổ chức đại diện của mình. Hiện nay, có rất nhiều tổ chức là đại diện cho các doanh nghiệp và doanh nhân như các Hiệp hội doanh nghiệp, các Hội nghề nghiệp… Song, có thể khẳng định rằng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam là tổ chức có vai trò quan trọng nhất. Vì có điều kiện để thực hiện vai trò đại diện một cách toàn diện hơn, triệt để hơn các tổ chức khác nhờ vai trò đại diện của VCCI không bị hạn chế về ngành nghề kinh doanh, phạm vi địa lý, hình thức tổ chức và quy mô của doanh nghiệp… Bên cạnh đó, VCCI cũng có tổ chức chặt chẽ, cơ sở vật chất, năng lực cán bộ, quan hệ quốc tế…đủ khả năng để thực hiện vai trò là đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực, trong đó có việc tham gia xây dựng các chính sách kinh tế – xã hội.
Để nângcao hơn nữa vai trò của VCCI trong việc tham gia xây dựng các chính sách kinh tế – xã hội, cụ thể là trong việc góp ý, phản biện đối với dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian tới, ông Tiền đưa ra các kiến nghị: Về chiều rộng: Tiếp tục duy trì việc xin ý kiến góp ý của cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đối với dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật dưới các hình thức khác nhau như hiện nay. Duy trì sự hoạt động và cải tiến nội dung của trang Website Vibonline. Đề nghị mở thêm chuyên mục “Đối thoại” để các ý kiến góp ý, phản biện của cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân có thể đối thoại với cơ quan chủ trì soạn thảo thông qua công cụ này. Về chiều sâu: Cần nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của nhóm chuyên gia trong việc hỗ trợ VCCI tổng kết, phân loại các ý kiến góp ý; tham gia các cuộc đối thoại trực tiếp với Ban soạn thảo các Luật, pháp lệnh, nghị định có ý nghĩa quan trọng; đối chiếu, so sánh để nhận biết những ý kiến góp ý, phản biện nào của cộng đồng doanh nghiệp đã được tiếp thu và ngược lại. Đồng thời, nhóm chuyên gia này cũng có thể tham gia những phần việc cụ thể, thích hợp trong các dự án do VCCI chủ trì nhằm kiến nghị những chính sách kinh tế – xã hội phục vụ cho công tác quản lý nền kinh tế quốc dân như những dự án hiện nay đang thực hiện. Để thực hiện được nhiệm vụ này, xin kiến nghị: Thành lập một nhóm chuyên gia gồm các luật sư, luật gia, đại diện các Hội, Hiệp hội, các nhà khoa học hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch VCCI. Nhóm chuyên gia này có thể được chia thành các tổ theo các chuyên ngành như: quản trị doanh nghiệp; đất đai; đầu tư và xây dựng; tài chính – kế toán và kiểm toán; tiền tệ và tín dụng; thị trường chứng khoán; lao động và chính sách đối với lao động, v.v….Nhóm chuyên gia hoạt động theo một quy chế riêng do Chủ tịch VCCI ban hành. Bên cạnh đó, VCCI cũng cần có cơ chế, biện pháp thích hợp nhằm thực hiện việc chia sẻ thông tin giữa đại diện cộng đồng doanh nghiệp, nhóm chuyên gia thuộc VCCI với các doanh nhân là đại biểu quốc hội. Thực hiện nhiệm vụ này, xin kiến nghị: Chủ tịch VCCI cần tổ chức các cuộc gặp trực tiếp giũa đại diện cộng đồng doanh nghiệp, nhóm chuyên gia của VCCI với Ban soạn thảo dự án Luật, pháp lệnh, nghị định trước và trong các kỳ họp quốc hội. Các cuộc gặp mặt này, về nguyên tắc, là những cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu quốc hội, nó làm cho các đại biểu gần dân, gần doanh nghiệp hơn và thấu hiểu hơn những nguyện vọng chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp. Từ đó, các doanh nhân là đại biểu quốc hội sẽ có căn cứ thực tiễn hơn, vững tin hơn khi thực hiện quyền chất vấn của mình trên nghị trường. Còn đối với Ủy ban pháp luật của quốc hội, xin kiến nghị: khi thẩm tra các dự án Luật, pháp lệnh, cần quan tâm làm rõ thông tin, Ban soạn thảo đã tiếp nhận được bao nhiêu ý kiến góp ý, phản biện, trong đó có bao nhiêu ý kiến được tiếp thu, bao nhiêu ý kiến không được tiếp thu và vì sao?. Đó là điều rất cần thiết để tránh tình trạng báo cáo một cách chung chung là đã xin bao nhiêu ý kiến góp ý, song lại không một ý kiến nào được nghiên cứu tiếp thu…
Ông Tiền nhấn mạnh: “Động viên cộng đồng doanh nghiệp tham gia xây dựng các chính sách kinh tế – xã hội thông qua việc góp ý, phản biện dự thảo các luật, pháp lệnh là cần thiết khách quan. Song, trong điều kiện hiện nay ở nước ta, đó lại là vấn đề rất phức tạp. Luật, pháp lệnh sẽ điều chỉnh lợi ích của các cá nhân, các nhóm có liên quan. Do đó, việc xây dựng luật, pháp lệnh thực chất là “sự giằng xé” về quyền lợi giữa các nhóm có quyền lợi liên quan. Tin chắc rằng, với tư cách là đại diện của cộng đồng doanh nghiệp, VCCI sẽ hoàn thành được nhiệm vụ rất phức tạp này”.
Ông Lưu Hoài Nam – Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công Thương nói: Tôi thực sự mong muốn có sự tranh luận về các dự thảo chính sách pháp luật để tìm ra cách thức, phương pháp cho doanh nghiệp. Thực tế, trong việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khó khăn về vấn đề kinh phí và đang tìm cách khắc phục khó khăn này. Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa rất nhiều nhưng thực tế họ ít đưa ra được tiếng nói của mình do có những thứ “trăm công nghìn việc”. Tại các buổi hội thảo chỉ mới tập trung được các Hiệp hội, các tổ chức, doanh nghiệp lớn còn thực tế doanh nghiệp nhỏ lại ít khi có mặt nên rất khó khăn, tiếng nói chưa được đưa đến làm cho cơ chế chính sách đi ngược lại với người thực hiện – và đây là khó khăn rất lớn. Vì thế vai trò của Hiệp hội là rất quan trọng để đưa được ý kiến đến với doanh nghiệp và ngược lại.
Ông Trương Thanh Đức – Chủ tịch Công ty Luật Basico nói: “Theo tôi, tác dụng của các hội thảo còn ít vì sự tham gia của doanh nghiệp nói chung còn hạn chế”. Ông nói thêm, nhiều khi chỉ là hình thức chứ không có ý nghĩa trên thực tế, đó là bức xúc đòi hỏi xã hội cần phải giải quyết. Ông Đức bày tỏ tin tưởng là VCCI sẽ làm được nhiều hơn nữa với vài trò là tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, tập hợp ý kiến của các doanh nghiệp. Ông nói: “Có nhiều người nói rằng doanh nghiệp không nhiệt tình, không có cơ sở nhất định… nhưng theo tôi, không phải như thế. Khi doanh nghiệp đưa ý kiến, dù ý kiến nhỏ thôi thì chúng ta cũng nên lắng nghe để tiếp thu. Chúng ta nên tận dụng cái sức ép về truyền thông về tuyên truyền quảng bá tác động quốc hội và cơ quan khác. Góp ý các về những bất cập vô lý còn tồn tại làm ảnh hưởng tới doanh nghiệp trong các văn bản đã ban hành.
Kết thúc phiên thảo luận sáng nay, ông Trần Hữu Huỳnh nói: “Trong sáng nay chúng ta đã trình bày nhiều ý kiến tham luận. Cơ bản các đại biểu đã ủng hộ về nguyên tắc, về chính sách, tư pháp. Buổi sáng nay có 14 ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp và chúng tôi sẽ cố gắng để cân nhắc với những ý kiến đóng góp trên. Vai trò của doanh nghiệp và chuyên gia có sức lan toả rất lớn. Chuyên gia là người biết đọc chính sách nằm ở vòng trong, vòng ngoài là các Hiệp hội và vòng ngoài cùng chính là các doanh nghiệp. VCCI có vai trò quan trọng trong vòng luân chuyển này. Vì thế chúng tôi tin rằng buổi hội thảo sáng nay đã đem đến nhiều đóng góp quan trọng cho việc tăng cường xây dựng chính sách cơ chế pháp luật cho doanh nghiệp”.
Chiều nay, hội thảo giành thời gian cho các cán bộ Hiệp hội, VCCI trao đổi đối thoại với nhau. Mở đầu phiên hội thảo buổi chiều, chuyên gia Michael McNamer (Mỹ) cùng cán bộ của Ban pháp chế VCCI trao đổi kinh nghiệm và các kỹ năng cho đại diện Hiệp hội, cán bộ VCCI.
Ông Michael cho biết: Việc thẩm định văn bản pháp luật của Bang California và các văn bản này đều được ban hành theo đúng quy trình của bang. Các quyết định ban hành đó bao gồm cả việc lấy ý kiến công chúng. Quy định này rất giống với quy định ban hành văn bản pháp luật Việt Nam năm 2008. Mỗi một năm Cục thẩm định văn bản thẩm định khoảng 800 đến 900 văn bản. Và các cơ quan ban hành luật sẽ có trách nhiệm thông báo để công chúng biết và tham gia vào quá trình xây dựng luật. Ông nói: “Cơ quan Bang California phải xem xét những ý kiến đóng góp và phản đối của công chúng trước khi ban hành hay sửa đổi bất kỳ quy định nào mà không được quy định rõ ràng là được miễn trừ theo Bộ Luật hành chính California (APA). “Quy định” là chính sách hoặc thủ tục có ảnh hưởng đến công chúng hoặc bất kỳ bộ phận nào trong công chúng theo đó thực hiện, giải thích, hoặc làm rõ luật mà cơ quan Bang đó thực thi hoặc giám sát thực hiện”.
Ở bang California, mỗi doanh nghiệp đều có tiếng nói của mình để tham gia vào quá trình soạn thảo. Một số doanh nghiệp thì có tiếng nói riêng cho luật pháp. Đôi khi doanh nghiệp sẽ liên kết thành các liên minh để tiếng nói trở nên có trọng lượng hơn.
Công việc đầu tiên các doanh nghiệp ở bang này tham gia đối thoại với Chính phủ là luật nào có liên quan đến quyền lợi của mình. Và, một trong những nhiệm vụ các doanh nghiệp ở bang cali là theo dõi chính phủ sẽ thông qua bản dự thảo nào. Chúng tôi có hai cách tiến hành theo dõi là một là chính thức và hai là không chính thức. Ở California thì Chính phủ có ban hành một số ấn phẩm để đăng tải. Tuy nhiên, ở Mỹ nói chung và Bang California nói riêng có duy trì nhân viên theo dõi để xem Chính phủ sẽ đưa ra quy định như thế nào.
Ông Michael cho biết, việc tham vấn ý kiến các bên liên quan trong quá trình xây dựng chính sách của bang California được quy định thành các bộ luật. Các bên liên quan có 45 ngày để trình các ý kiến bình luận bằng văn bản, qua fax hoặc thư điện tử đối với toàn bộ hoặc bất kỳ phần nào của một hoạt động ban hành quy tắc được đề xuất sẽ bắt đầu khi thông báo về đề xuất ban hành quy tắc được công bố trong sổ đăng ký thông báo pháp lý của Bang California. Sổ đăng ký thông báo này có thể được truy cập tại trang web của bang. Thông báo về đề xuất ban hành quy tắc cũng sẽ được gửi tới những người đã đề nghị được nhận thông báo của cơ quan đó, và được đăng tải trên trang web của cơ quan ban hành quy tắc. Thông báo sẽ cho bạn biết cách thức có thể tiếp cận được với nguyên bản đề xuất quy định đó và bản giải trình lý do ban đầu và đầu mối liên lạc nếu bạn có thắc mắc. Thông báo cũng đưa ra thời gian tổ chức phiên xem xét công khai là nơi bạn có thể đưa ra nhận xét bằng lời nói hoặc bằng văn bản. Sau đề xuất ban đầu, người đề xuất sẽ nhận được thông báo về việc bạn có 15 ngày để bình luận đối với (1) các sửa đổi được đề xuất hoặc (2) các tư liệu mới làm cơ sở nếu bạn đã bình luận đối với đề xuất ban đầu hoặc đã yêu cầu có thông báo đó. Cơ quan ban hành quy tắc cũng sẽ đăng tải bản thông báo về cơ hội bình luận đối với các sửa đổi được đề xuất đó trên trang web của mình. Các bình luận có hiệu lực được dựa trên sự hiểu biết về các luật và các tư liệu thực sự mà cơ quan đó dựa vào khi đưa ra đề xuất về quy định đó, dựa trên hiểu biết về mục đích khi đề xuất quy định đó, và dựa trên hiểu biết về các tiêu chuẩn mà quy định đó phải đáp ứng. Các trích dẫn về Thẩm quyền và Tham Chiếu đi kèm các nội dung từng phần của quy định sẽ nêu các luật mà phần đó dùng làm cơ sở. Bản giải trình lý do ban đầu xác định mục đích và lý do của từng quy định và xác định những tư liệu thực tế mà cơ quan đó dùng làm cơ sở để đưa ra đề xuất đó. Phản hồi đới với các ý kiến bình luận trong bản giải trình lý do cuối cùng phải chứng minh rằng mọi bình luận liên quan và đúng hạn đã được xem xét. Đối với các quy định khẩn cấp, đại diện Bang California cho biết, cơ quan bang có thể ban hành quy định khẩn cấp vào bất kỳ thời điểm nào mà cơ quan đó có thể chứng minh là có nhu cầu cấp thiết cho việc ban hành một quy định để bảo vệ sự hòa bình, sức khỏe và an toàn của công chúng, hoặc phúc lợi chung, hoặc nếu một luật cho rằng quy định là khẩn cấp cho mục đích của Luật Thủ tục Hành chính. Công chúng có thể bình luận trực tiếp đến Cơ quan Chuyên trách về Luật Hành chính về quy định khẩn cấp trong vòng 5 ngày sau khi quy định được trình lên Cơ quan Chuyên trách về Luật Hành chính để rà soát. Cơ quan Chuyên trách về Luật Hành chính có tối đa 10 ngày để rà soát một quy định khẩn cấp. Bạn có thể tìm được các thông tin bổ sung về quy định khẩn cấp đó và cách thức để góp ý website của Bang.Cơ quan Chuyên trách về Luật Hành chính sẽ xem xét quy định khẩn cấp để quyết định liệu đó là một tình trạng khẩn cấp, hoặc được luật coi là như vậy và liệu quy định đó có đáp ứng các tiêu chuẩn về Thẩm quyền, Tham chiếu, Tính Nhất quán, Tính Rõ ràng, Tính không chồng chéo, và Sự cần thiết. Khi được phê duyệt, quy định khẩn cấp sẽ có hiệu lực trong 120 ngày, trong thời gian này cơ quan ban hành quy tắc sẽ tiến hành quy trình ban hành quy tắc để ban hành vĩnh viễn quy định đó. Tuy nhiên, nếu cơ quan đó không thể hoàn tất được quy trình ban hành quy tắc trong thời gian đó, cơ quan đó có thể xin Cơ quan Chuyên trách về Luật Hành chính để có thêm 120 ngày nữa để ban hành lại quy định khẩn cấp đó
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"