MỘT SỐ VẤN ĐỀ XUNG QUANH HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ THUẾ VÀ NGHĨA VỤ NỘP THUẾ

Các bạn thân mến chúng tôi xin đăng tải ý kiến của đại biểu quốc hội Trần Văn Nam – Tỉnh Bình Dương – Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá 11 về Dự thảo Luật quản lý thuế (Luật hiện nay đã có hiệu lực) để các bạn tham khảo. Trong đó có những nội dung về nghĩa vụ thanh thanh tóan nợ thuế sau khi người có nghĩa vụ nộp thuế chết và nội dung liên quan đến nghĩa vụ liên đới chịu trách nhiệm:Kính thưa Quốc hội. Dự thảo luật lần này tôi cảm nhận được rằng đã thấy sự hợp lý, rõ ràng và tính khả thi cao, nghiên cứu giải trình, tiếp thu chỉnh lý của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cơ bản tôi nhất trí, tuy nhiên, còn vài vấn đề chung tôi thấy cần nói rõ thêm về chính kiến của mình. Đó là: Vấn đề thứ nhất, tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế, vấn đề đặt ra ở đây là có thật sự cần thiết phải hình thành loại hình tổ chức này hay không. Thực chất, đây là hình thức trung gian thay mặt người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ nộp thuế với cơ quan quản lý thuế. Nói cách khác, nó như hình thức đại diện theo uỷ quyền thông qua một hợp đồng giữa người nộp thuế và tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế. Tôi cho rằng việc hình thành loại hình này sẽ giúp người nộp thuế thuận tiện hơn trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Việc thông qua tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế, để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đồng nghĩa với việc người nộp thuế phải mất một khoản chi phí cho tổ chức này. Nhưng các doanh nghiệp, cơ sở, sản xuất kinh doanh cũng sẽ tiết kiệm được việc không phải đầu tư quá nhiều cho bộ phận kế toán, tài vụ hoặc bố trí người cũng như mất thời gian để làm việc công này. Tuy nhiên, Nhà nước không thu trực tiếp từng người nộp thuế mà phải qua trung gian, liệu có tránh khỏi tình trạng thông đồng giữa người nộp thuế, tổ chức kinh doanh dịch vụ thuế với cơ quan quản lý thuế hay không? Hiện nay, việc nộp thuế cũng có khá nhiều điều cần bàn, trong đó nổi lên tình trạng thông đồng giữa cán bộ thuế với người nộp thuế để được miễn giảm thuế. Do đó, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa việc đơn giản hóa các thủ tục về hồ sơ đăng ký thuế, tổ chức các địa điểm với các hình thức nộp thuế, hoàn thuế thuận lợi, công khai đối tượng nộp thuế, mức thuế. Kiểm tra, xử lý thật nghiêm tình trạng cán bộ thuế nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người nộp thuế. Bên cạnh đó, đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại nội dung quy định tại Điểm đ Khoản 3, Điều 19 của Dự thảo: Nếu tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế thực hiện không đúng quy định của pháp luật, thì người nộp thuế vẫn phải chịu trách nhiệm với Nhà nước theo quy định của pháp luật. Vậy, tại sao, phải có một tổ chức trung gian để người nộp thuế phải chịu thêm chi phí cho tổ chức trung gian này, vừa lại phải chịu thêm trách nhiệm khi chính tổ chức này thực hiện không đúng quy định pháp luật về thuế. Rõ ràng, cần phải xem xét thật kỹ để bảo đảm tính hợp lý khi lập ra tổ chức trung gian này. Tôi đề nghị cần quy định thêm nghĩa vụ liên đới trách nhiệm của tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế đối với người nộp thuế, để khi tổ chức này thực hiện không đúng quy định của pháp luật về thuế. Vấn đề thứ hai, điều tra thuế. Dự thảo lần này, sau khi đã được chỉnh lý, nhìn chung đã làm rõ hơn vấn đề điều tra thuế, một số quy định có liên quan đến việc tạm giữ tang vật, phương tiện của người nộp thuế, khám nơi cất dấu tang vật, phương tiện liên quan đến hành vi trốn thuế, chiến đoạt tiền thuế theo quy định, theo thủ tục hành chính, lắp đạt thiết bị giám sát tại trụ sơ kinh doanh của tổ chức, cá nhân đã bị thay thế bằng các quy định khác. Cụ thể việc điều tra thuế đã được giới hạn trong phạm vi đó là: cơ quan quản lý thuế thực hiện việc điều tra thuế đối với trường hợp người nộp thuế có dấu hiệu trốn thuế, gian lận thuế, liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân khác Điều 84. Theo tôi nếu chỉ vì việc trốn thuế, gian lận thuế liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân khác mà trao cho cơ quan quản lý thuế thêm thẩm quyền điều tra thuế là chưa thoả đáng, cho dù đó chỉ là điều tra hành chính, mặt khác các biện pháp áp dụng trong điều tra trốn thuế, gian lận thuế Điều 86 cũng không khác gì các biện pháp thực hiện trong việc điều tra, thanh tra thuế hiện nay. Nếu cho rằng hoạt động thanh tra thuế hiện nay không thể thực hiện được nhiệm vụ này là do liên quan đến thành lập cùng lúc nhiều đoàn thanh tra, vì phát hiện nhiều đối tượng có liên quan. Theo tôi một khi thanh tra, kiểm tra mà phát hiện dấu hiệu trốn thuế, gian lận thuế có liên quan đến nhiều đối tượng thì cơ quan quản lý thuế chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra của công an ở nơi đấy điều tra, giải quyết vụ việc. Nếu lập luận rằng đây chỉ là điều tra hành chính thì mặt nào đó vẫn chưa thể phản ánh hết được cái đích cuối cùng của điều tra. Vì kết quả điều tra không chỉ là chỉ ra có sự gian lận thuế, trốn thuế hay không để truy thu, mà còn có thể xử lý về mặt hình sự, để đạt được kết quả này có thể phải liên quan đến hoạt động tố tụng của quá trình điều tra. Do đó việc trao cho cơ quan thuế thẩm quyền điều tra sẽ không khỏi phát sinh sự lạm quyền, lạm dụng điều tra để gây nhũng nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp. Vấn đề cốt lõi ở đây là đội ngũ cán bộ phụ thuộc vào khả năng, năng lực của cán bộ, với đội ngũ cán bộ có trình độ nghiệp vụ cao và làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra thì không nhất thiết phải trao quyền điều tra cho cơ quan quản lý thuế. Vấn đề thứ ba, Điều 11 Hội đồng tư vấn xã, phường, thị trấn. Tôi xin đề nghị bỏ điều này, vì hoạt động của Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn trong thời gian qua có hoạt động nhưng không có hiệu quả cao, khả năng chuyên sâu về thuế của Hội đồng này hạn chế và không thể tư vấn được. Có thể nói chỉ mang tính thực hiện sự công bằng về thuế trên địa bàn, nhưng vấn đề này đã được giải quyết nếu như sự công khai rõ ràng, rộng rãi về đối tượng, về mức thuế. Việc tính thuế là do cán bộ thuế tính và công khai theo quy định của luật này. Ngoài ra, còn có sự theo dõi, kiểm tra, giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, của các tổ chức Mặt trận, của cơ quan thuế cấp trên. Như vậy, vai trò phải chịu trách nhiệm của cá nhân, của cán bộ thuế đã rõ ràng, cán bộ thuế chỉ thực hiện lập bộ thuế hàng năm theo quy định và ổn định thuế 6 tháng, 1 năm rồi giao cho Ủy ban xã, phường, thị trấn là cơ quan ủy nhiệm thu thực hiện. Hơn nữa, theo quy định tại Khoản 2, Điều 10 dự thảo luật này, Ủy ban nhân dân có trách nhiệm phối hợp cùng cơ quan quản lý thuế lập dự toán thu ngân sách và tổ chức thực hiện việc này trên địa bàn. Do đó, quy định theo Hội đồng tư vấn thuế, xã, phường, thị trấn được thành lập sẽ dẫn tới tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” Đề nghị Ban soạn thảo xem xét. Một số vấn đề cụ thể: Điều 53 nghĩa vụ nộp thuế? Trong trường hợp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động ở Khoản 3 nên sửa lại doanh nghiệp chấm dứt hoạt động chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì phần thuế còn nợ lại do chủ sở hữu doanh nghiệp chịu trách nhiệm nộp. Bỏ quy định do người điều hành phải chịu trách nhiệm này, vì có thể người điều hành là người làm thuê cho doanh nghiệp bị chấm dứt hoạt động. Điều 54 nghĩa vụ nộp thuế? Trong trường hợp tổ chức lại doanh nghiệp, trường hợp các doanh nghiệp bị chia, tách, hợp nhất, bị sáp nhập, bị chuyển đổi sở hữu quy định tại Khoản 1, 2, 3 nên quy định cụ thể các doanh nghiệp này phải hoàn tất nghĩa vụ nộp thuế trước khi thực hiện việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập. Chỉ chấp nhận việc nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp mới trong trường hợp đặc biệt. Riêng đối với doanh nghiệp chuyển đổi sở hữu thì việc hoàn tất nghĩa vụ là một điều bắt buộc. Quy định như trên nhằm loại trừ trường hợp các doanh nghiệp lợi dụng việc chia, tách, hợp nhất, chuyển đổi sở hữu để né tránh, trì hoãn nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp mình đối với Nhà nước, gây thất thu cho ngân sách. Chúng ta đã có rất nhiều bài học trong thực tế về việc này. Điều 55, nghĩa vụ nộp thuế của cá nhân là người đã chết, mất năng lực hành vi dân sự hoặc người mất tích theo quy định của pháp luật dân sự. Đề nghị cần xác định rõ nguyên tắc, nghĩa vụ nộp thuế của cá nhân, chấm dứt từ thời điểm người này chết hoặc bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự hay mất tích theo quy định của pháp luật dân sự. Tức những người thừa kế hay quản lý tài sản thừa kế của họ chỉ phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thay cho đối tượng này tính từ thời điểm người này chết, hoặc bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, hay mất tích theo quy định của pháp luật dân sự trở về trước, chứ không phải những đối tượng này phải nộp thuế tính từ thời điểm tài sản được phân chia đối với người chết, hay tại thời điểm người quản lý tài sản đối với người mất năng lực hành vi dân sự, hay mất tích theo tuyên bố của Tòa án, nhận trách nhiệm quản lý tài sản. Nếu quy định như thế thì bảo đảm được quyền lợi hợp pháp không chỉ của người chết, người bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự hay mất tích mà còn bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của các chủ thể khác, có liên quan đến quyền lợi của khối tài sản mà các đối tượng trên, cũng như tránh sự lạm thu của các cơ quan quản lý thuế đối với các trường hợp này. Chương VII, thủ tục hoàn thuế quy định tại các Điều 56, 57, 58, 59 của Dự thảo luật là còn mang nặng tính hành chính và hình thức, chưa xây dựng được một quy trình kiểm tra của cơ quan quản lý thuế đối với hồ sơ hoàn thuế, nhằm bảo đảm loại trừ được những trường hợp lợi dụng hoàn thuế để chiếm đoạt tài sản Nhà nước mà trong thời gian qua đã xảy ra. Trên thực tế, thậm chí có những doanh nghiệp được thành lập chỉ nhằm một mục đích duy nhất là thực hiện việc mua, bán ảo với nhau để chiếm đoạt tiền hoàn thuế của Nhà nước trong một thời gian rất dài mà cơ quan quản lý không phát hiện ra được. Do đó, cần đề nghị cụ thể việc quy định chi tiết hơn về quy trình kiểm tra, cơ quan phối hợp kiểm tra, nội dung, phương pháp kiềm tra v.v…đối với các doanh nghiệp có hồ sơ hoàn thuế trong chương này. Xin hết.”  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật