MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ QUẢN LÝ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Tiếp cận nghiên cứu vấn đề quản lý kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở nước ta hiện nay, chúng ta cần tập trung giải quyết làm rõ về mặt lý luận và thực tiễn nhằm đạt được mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. 1. Lý luận Kinh tế thị trường là gì? Khi bàn về kinh tế thị trường các nhà kinh tế đều cho rằng, đó là một kiểu, một mô hình tổ chức kinh tế – xã hội, nó bao gồm các quan hệ hàng hoá của các thành phần kinh tế trong xã hội thông qua thị trường, trong đó phản ánh các yếu tố của lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất. Điểm đặc biệt cần nhấn mạnh đến ở đây là nó không xa rời khỏi sự quản lý của chế độ chính trị – xã hội do nhà nước đó điều hành. Trên thực tế chúng ta đều thừa nhận không có một nền kinh tế thị trường trừu tượng, mà gắn với mỗi giai đoạn phát triển kinh tế nhất định là những nền kinh tế hàng hoá cụ thể. Về vấn đề này, C.Mác viết: Sản xuất hàng hoá và lưu thông hàng hoá là những hiện tượng thuộc về nhiều phương thức sản xuất hết sức khác nhau, tuy rằng quy mô và tầm quan trọng của chúng không giống nhau… Lịch sử còn cho thấy, sự hình thành và phát triển kinh tế thị trường là quy luật tất yếu dựa trên cơ sở của sự hình thành và phát triển kinh tế hàng hoá. Và như vậy, kinh tế thị trường tồn tại trong các hình thái kinh tế xã hội. Đồng nghĩa là trong chủ nghĩa tư bản hay trong chủ nghĩa xã hội đều tồn tại kinh tế thị trường. Hiện thực hoá của nền kinh tế thị trường là nền kinh tế mà trong đó chứa đựng hàng hoá của nhiều thành phần kinh tế trong xã hội. Chỉ có điều cần nắm vững để phân biệt ở đây là nền kinh tế thị trường đó phục vụ mục đích cho ai, vì ai phục vụ và có công bằng hay không. Kinh tế thị trường định hướng XHCN Sự lựa chọn con đường phát triển kinh tế nhiều thành phần của nước ta được ghi nhận từ sự đổi mới của Đảng, mà bắt đầu từ Đại hội VI (1986) khẳng định: “thực chất của cơ chế mới về quản lý kinh tế là cơ chế kế hoạch hoá theo phương thức hạch toán kinh doanh XHCN, đúng nguyên tắc tập trung dân chủ”. Tại Hội nghị Trung ương 6 khoá VI, nhấn mạnh: “Phát triển nền kinh tế hàng hoá có kế hoạch gồm nhiều thành phần đi lên chủ nghĩa xã hội”. Có thể nói đây là bước đột phá trong tư duy. Phát triển quan điểm này, tại Đại hội VII (1991), Đảng đã khẳng định: “Phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng XHCN, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”. Trải qua thực tế, Đảng ta đã nhận được sự ủng hộ và đồng thuận của các tầng lớp nhân dân nên đã tiếp tục phát triển quan điểm này, Đại hội VIII (1996) nâng tầm vấn đề thành: “Xây dựng nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường đi đôi với tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN”. Quan điểm này tiếp tục nhận được sự đồng tình ủng hộ cao của toàn xã hội, đặc biệt là của cộng đồng quốc tế nên tại Đại hội IX của Đảng (2001) ghi rõ: “Đảng và Nhà nước ta chủ trương thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước theo định hướng XHCN, đó chính là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Đến Đại hội X (2006) Đảng ta khẳng định: “Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Định hướng XHCN trong nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay cần được nhận thức đúng. Một là, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Hai là, phát triển nền kinh tế nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Ba là, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển. Bốn là, phát huy quyền làm chủ xã hội của nhân dân, bảo đảm vai trò quản lý, điều tiết kinh tế của Nhà nước pháp quyền XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng. Theo định hướng đó, Đảng ta đề ra mục tiêu cụ thể cho giai đoạn từ nay đến năm 2010 là hoàn thành cơ bản việc xây dựng hệ thống pháp luật bảo đảm cho nền kinh tế thị trường định hướng XHCN phát triển thuận lợi, phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước đi đôi với phát triển mạnh mẽ các thành phần kinh tế và các loại hình doanh nghiệp, hình thành một số tập đoàn kinh tế, các tổng công ty đa sở hữu theo mô hình công ty mẹ – công ty con, áp dụng mô hình quản lý hiện đại; đổi mới cơ bản tổ chức và phương thức hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công; hình thành, phát triển đồng bộ, đa dạng các loại thị trường cơ bản trong cả nước, từng bước liên thông với thị trường khu vực và thế giới; giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của nhân dân trong quản lý phát triển kinh tế – xã hội. Từ năm 2010 đến năm 2020, tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao trình độ phát triển của nền kinh tế, thực hiện về cơ bản mục tiêu tổng quát trên… 2. Thực tiễn Bất kỳ một nền kinh tế nào cũng cần có sự quản lý của nhà nước. Bởi nhà nước được xác lập trên nền tảng kinh tế, song nhà nước có tác động to lớn đến sự phát triển kinh tế, hoặc thúc đẩy phát triển, hoặc kìm hãm làm chậm lại, hoặc lái nền kinh tế đó đi chệch hướng. Với nước ta, từ khi xác định chuyển sang cơ chế quản lý mới đối với nền kinh tế hàng hoá, cơ cấu nhiều thành phần với cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước theo định hướng XHCN thì cũng là lúc chúng ta xác định sửa đổi Hiến pháp. Trong đó khẳng định: Nhà nước thống nhất quản lý nền kinh tế quốc dân bằng pháp luật, kế hoạch, chính sách, phân công trách nhiệm và phân cấp quản lý nhà nước giữa các ngành, các cấp”. Khi bàn về vấn đề quản lý đạt hiệu quả thì trước tiên chúng ta phải đặt ra là quản lý bằng cái gì, quản lý như thế nào. Quản lý bằng cái gì? Chúng ta đã có Hiến pháp và hệ thống pháp luật ngày càng hoàn chỉnh. Đây là cơ sở pháp lý cơ bản cho việc tổ chức quản lý nhà nước đối với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Để quản lý đạt hiệu quả cao thì việc trước tiên là các văn bản quy phạm pháp luật phải đạt chất lượng cao để khi đi vào áp dụng luôn nhận được sự đồng thuận của xã hội, ngoài ra còn phải tương đồng với các quy định của các nước trong khu vực và quốc tế. Sau Hiến pháp, chúng ta đã có Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật Hợp tác xã, Luật Phá sản, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật khuyến khích đầu tư trong nước… điểm cần nhấn mạnh là nhiều luật từ khi được ra đời đến khi áp dụng vào thực tế luôn nhận được sự đồng thuận của xã hội và cộng đồng quốc tế. Nhất là các luật đó luôn được hoàn thiện thông qua việc sửa đổi, bổ sung để sát với thực tế và tương đồng với các quy định của các nước trong khu vực và quốc tế. Một thực trạng chúng hiện nay đó là trong quá trình hoàn thiện các văn bản hướng dẫn các văn bản luật đôi lúc chúng ta còn làm chậm, đây là một vấn đề đang gây sự chú ý của dư luận trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài. Để quản lý tốt thì các văn bản hướng dẫn các điều luật phải cụ thể hoá được nội dung các điều luật đó sát với tình hình thực tế và phải bắt kịp với thực tế, nhưng do không kịp nên đã nảy sinh rất nhiều vấn đề gây khó cho người quản lý và cả người chịu sự tác động quản lý. Quản lý như thế nào? Trên quan điểm, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra chúng ta đã huy động được tất cả mọi tầng lớp nhân dân tham gia vào công tác quản lý nhà nước. Có thể nói đây là điểm mấu chốt đi đến mọi thành công. Quan điểm huy động tất cả các tầng lớp tham gia vào quản lý nhà nước được thể hiện ở chỗ, nhà nước này là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực của nhà nước thuộc về nhân dân… Xuất phát từ những quan điểm cơ bản trên cho thấy từ việc nhỏ đến việc lớn Đảng và nhà nước luôn lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, tôn trọng các ý kiến đóng góp xây dựng mà nhân dân tham gia. Do có sự tham gia của nhân dân mà công tác quản lý kinh tế của chúng ta đã kịp thời điều chỉnh được những bất hợp lý trong cơ chế, chính sách, theo đó là đấu tranh ngăn chặn kịp thời đối với các hành vi vi phạm pháp luật về kinh tế. Chúng ta đã xây dựng và thông qua được nhiều dự luật đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân như Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, Luật Ngân sách,… tiến hành mạnh mẽ công tác cải cách hành chính từ Trung ương tới các Bộ, ngành và địa phương, giảm đi được rất nhiều sự nhũng nhiễu, phiền hà đối với nhân dân. Những kết quả bước đầu đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân và và cộng đồng quốc tế. Kết quả bước đầu Theo đánh giá chung, năm 2007 là năm đạt kết quả cao nhất về mọi mặt so với nhiều năm qua. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2007 theo giá so sánh với năm 2006, đạt kế hoạch đề ra (8,2-8,5%), gồm có khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,41% (kế hoạch 3,5-3,8%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,6% đạt kế hoạch đề ra (10,5-10,7%); khu vực dịch vụ tăng 8,68% vượt kế hoạch đề ra (8,0-8,5%). Tăng trưởng kinh tế năm 2007 của nước ta đứng vào hàng các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong khu vực (Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu á-ADB thì năm 2007 kinh tế Trung Quốc tăng 11,2%; Việt Nam tăng 8,3%; Xin-ga-po tăng 7,5%; Phi-li-pin tăng 6,6%; In-đô-nê-xi-a tăng 6,2%; Ma-lai-xi-a tăng 5,6%; Thái Lan tăng 4%). Khối lượng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2007 theo giá thực tế ước tính đạt 461,9 nghìn tỷ đồng, bằng 40,4% tổng sản phẩm trong nước (đạt kế hoạch đề ra 40% GDP) và tăng 15,8% so với năm 2006, trong đó vốn khu vực Nhà nước 200 nghìn tỷ đồng, chiếm 43,3% tổng vốn và tăng 8,1%; vốn khu vực ngoài Nhà nước 187,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 40,7% và tăng 24,8%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 74,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 16% và tăng 17,1%. Trong vốn nhà nước, vốn đầu tư từ ngân sánh nhà nước (gồm vốn dự án và chương trình mục tiêu) ước tính thực hiện 97 nghìn tỷ đồng, bằng 101,6% kế hoạch năm, trong đó vốn do địa phương quản lý 64,4 nghìn tỷ đồng, bằng 107,2%, vốn trung ương quản lý đạt thấp hơn so với dự toán, chỉ bằng 92,2%; vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước ước tính 40,3 nghìn tỷ đồng, đạt kế hoạch năm và vốn của các doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức nhà nước khác khoảng 62,7 nghìn tỷ. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng khá, ước tính năm 2007 đạt 20,3 tỷ USD, tăng 69,3% so với năm 2006 và vượt 56,3% kế hoạch cả năm, trong đó vốn cấp phép mới là 17,86 tỷ USD. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2007 ước tính tăng 16,4% so với năm 2006 và bằng 106,5% dự toán cả năm, trong đó các khoản thu nội địa bằng 107%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu bằng 108,1%; thu viện trợ bằng 156,7%. Riêng thu từ dầu thô ước tính chỉ bằng 102,1% so với dự toán năm và thấp hơn năm trước, do sản lượng khai thác dầu thô giảm. Tổng chi ngân sách nhà nước năm 2007 ước tính tăng 17,9% so với năm trước và bằng 106,5% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển tăng 19,2% và bằng 103,2; chi thường xuyên tăng 15,1% và bằng 107,2%; chi trả nợ và viện trợ tăng 20,5% và đạt kế hoạch năm. Bội chi ngân sách nhà nước năm 2007 ước tính bằng 14,8% tổng số chi và bằng mức bội chi dự toán năm đã được Quốc hội thông qua đầu năm, trong đó 76,1% được bù đắp bằng nguồn vay trong nước và 23,9% từ nguồn vay nước ngoài. Có thể nói, năm 2007 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2006-2010, tổng sản phẩm trong nước tăng 8,48%, mức tăng của giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản và mức tăng giá trị sản xuất công nghiệp đều đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra; kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tăng 21,5% cao hơn mức Quốc hội đề ra; nguồn vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp tăng nhanh; tỷ lệ hộ nghèo của cả nước giảm từ 15,47% năm 2006 xuống còn 14,75% năm 2007. Các lĩnh vực xã hội khác như giáo dục đào tạo, y tế, văn hoá thông tin, thể dục thể thao cũng có những tiến bộ lớn, quan trọng. Những thành tựu trên, một mặt khẳng định sự đúng đắn của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế của Đảng và nhà nước ta, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Kết quả bước đầu đạt được đó còn là tiền đề vững chắc cho những năm tiếp theo phấn đấu vươn lên. 3. Một vài kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả quản lý kinh tế thị trường định hướng XHCN Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế về kinh tế thị trường định hướng XHCN mà trước tiên là: Hoàn thiện hệ thống pháp luật; Đổi mới chức năng quản lý nhà nước đối với nền kinh tế; Nâng cao tính minh bạch của thể chế; Thực hiện quyền tự do kinh doanh thông qua việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi; Cải thiện môi trường tài chính thuận lợi cho hoạt động ở trong nước và quốc tế. Xây dựng hệ thống thuế minh bạch đảm bảo tính ổn định, đơn giản, dễ hiểu, dễ vận dụng, có cơ chế kiểm soát thích hợp, giảm thời gian cho các cuộc thanh tra, làm lãng phí nguồn lực của cơ quan thuế lẫn doanh nghiệp; Thực hiện các cam kết gia nhập WTO. Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân để mọi người cùng nhận thức đúng đắn về vấn đề quản lý kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung cơ bản của chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước trên tất cả các loại hình phương tiện thông tin đại chúng để tất cả các tầng lớp nhân dân cùng biết, nhân dân bàn đóng góp ý kiến, nhân dân làm và tham gia kiểm tra, giám sát. Bằng các hình thức là tăng trang, tăng kỳ, tăng chuyên mục, tăng thời lượng phát sóng trên các phương tiện truyền thông bằng nhiều ngôn ngữ để cộng đồng quốc tế hiểu về đường lối nhất quán của Đảng và nhà nước ta đối với phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN hiện nay mà chúng ta đang tổ chức thực hiện. Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh công tác công khai hoá, minh bạch hoá các vấn đề liên quan đến quản lý kinh tế thị trường định hướng XHCN. Thứ tư, phát huy vai trò phản biện xã hội của các tầng lớp nhân dân đối với quản lý kinh tế thị trường định hướng XHCN./.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật