MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ CHẤM DỨT VIỆC NUÔI CON NUÔI

THS. NGUYỄN THỊ LAN – KHOA LUẬT DÂN SỰ – ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI Luật hôn nhân gia đình (Luật HN&GĐ) năm 2000 chưa đưa ra khái niệm về chấm dứt việc nuôi con nuôi, vì vậy, có thể đưa ra khái niệm về chấm dứt việc nuôi con nuôi như sau: Chấm dứt việc nuôi con nuôi là việc chấm dứt quan hệ giữa cha mẹ và con do Toà án quyết định theo yêu cầu các chủ thể mà pháp luật quy định. 1. Căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi Điều 76 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định những căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi sau: - Cha mẹ nuôi và con nuôi đã thành niên tự nguyện chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi. - Con nuôi bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của cha, mẹ nuôi; ngược đãi hành hạ cha, mẹ nuôi hoặc có hành vi phá tán tài sản của cha, mẹ nuôi; - Cha mẹ nuôi đã có các hành vi quy định tại khoản 3 Điều 67 hoặc khoản 5 Điều 69 của Luật này. Sau đây, chúng tôi đi sâu phân tích từng căn cứ cụ thể: a. Cha mẹ nuôi và con nuôi đã thành niên tự nguyện chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi Đối với căn cứ này, chúng tôi thấy cần đặt ra vấn đề cần giải quyết là: Hành vi tự nguyện chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi của cha mẹ nuôi và con nuôi đã thành niên phải đảm bảo sự thống nhất giữa ý chí và bày tỏ ý chí. Hay nói cách khác phải đảm bảo sự thống nhất giữa mặt chủ quan và khách quan của các chủ thể. Tuy nhiên, sự tự nguyện này có cần thiết từ hai bên chủ thể (có sự thoả thuận của cha mẹ nuôi và con nuôi) hay chỉ cần một bên chủ thể (hoặc bên cha mẹ nuôi hoặc bên con nuôi). Thậm chí về phía cha mẹ nuôi nếu một bên cha nuôi hoặc mẹ nuôi muốn chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi còn bên kia không đồng ý chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi thì có thể chấm dứt việc nuôi con nuôi không? Và chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi với cả cha, mẹ nuôi hay chỉ với người muốn chấm dứt quan hệ đó? Luật HN&GĐ năm 2000 không quy định cụ thể về việc nếu là vợ chồng nhận nuôi con nuôi thì có bắt buộc có sự đồng ý của hai vợ chồng hay không, trước đó Nghị định số 83/CP ngày 10/10/1998 của Chính phủ quy định nếu người nuôi con nuôi có vợ hoặc chồng thì trong đơn xin nhận nuôi phải có chữ kí của cả hai vợ chồng. Điều này dẫn đến cách hiểu là có thể cả hai vợ chồng nhận nuôi con nuôi và họ trở thành cha mẹ nuôi của đứa trẻ hoặc chỉ một bên vợ hoặc chồng muốn nhận nuôi con nuôi còn bên kia chỉ đồng ý cho vợ hoặc chồng mình nhận nuôi con nuôi và như vậy chỉ phát sinh quan hệ nuôi con nuôi giữa đứa trẻ với một bên vợ hoặc chồng (là cha nuôi hoặc mẹ nuôi) còn người kia không đương nhiên trở thành mẹ nuôi hoặc cha nuôi của đứa trẻ mà chỉ có thể trở thành cha dượng hoặc mẹ kế của nó mà thôi. Từ sự phân tích trên đây, có thể nhận thấy, khi chấm dứt việc nuôi con nuôi có thể xảy ra các trường hợp cụ thể là: Cha mẹ nuôi và con nuôi đã thành niên tự nguyện chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi; chỉ cha nuôi hoặc mẹ nuôi và con nuôi đã thành niên tự nguyện chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi còn quan hệ nuôi con nuôi vẫn tồn tại giữa con nuôi và người còn lại hoặc đương nhiên chấm dứt quan hệ bố dượng mẹ kế với đứa trẻ. Ví dụ 1: Ông A và bà B là vợ chồng nhận anh X là con nuôi. Khi đã thành niên vì thường xuyên mâu thuẫn với ông A là cha nuôi nên anh X và ông A đã tự nguyện chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi còn bà B và anh X vẫn tồn tại mối quan hệ nuôi con nuôi. Ví dụ 2: Ông A và bà B là vợ chồng, bà B muốn nhận anh X làm con nuôi, ông A không muốn điều đó nhưng đồng ý cho vợ mình nhận anh X làm con nuôi. Ông A trở thành bố dượng của anh X. Sau đó bà B và anh X đã tự nguyện chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi thì quan hệ giữa ông A và anh X cũng chấm dứt. Ngoài ra, nếu chỉ một bên chủ thể là cha nuôi, mẹ nuôi hoặc người con nuôi muốn chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi thì quan hệ nuôi con nuôi có được chấm dứt hay không? Tức là ở đây chỉ có sự tự nguyện của một bên chủ thể. Theo quan điểm của chúng tôi, việc nhận nuôi con nuôi là nhằm gắn bó tình cảm giữa cha mẹ và con, nếu một bên nhận thấy không thể đạt được mục đích ấy và muốn chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi thì nên chấm dứt mối quan hệ này. Điều này hoàn toàn hợp lý. b. Con nuôi bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của cha, mẹ nuôi; ngược đãi hành hạ cha, mẹ nuôi hoặc có hành vi phá tán tài sản của cha, mẹ nuôi Bộ luật hình sự năm 1999 đã quy định về các tội danh này. Trong thực tế chúng ta gặp những trường hợp người con nuôi có hành vi ngược đãi, hành hạ cha, mẹ nuôi như đối xử tồi tệ; gây nên sự đau đớn về thể xác và tinh thần cho cha, mẹ nuôi. Cần lưu ý rằng chỉ trong trường hợp người con nuôi có hành vi vi phạm đối với cha mẹ nuôi thì mới được coi là căn cứ để chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi. Nếu hành vi vi phạm đối với người khác thì không được coi là căn cứ chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi. Trong trường hợp hành vi vi phạm pháp luật của người con đối với chỉ một bên cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì có coi là căn cứ chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi với cả người kia không? Chúng tôi cho rằng đó cũng là căn cứ để chấm dứt việc nuôi con nuôi. Chính hành vi này đã phá vỡ mục đích của việc nuôi con nuôi, dẫn đến tình cảm của cha mẹ nuôi và con nuôi không còn nữa. Do đó, chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi là hoàn toàn phù hợp. c. Cha mẹ nuôi đã có các hành vi quy định tại khoản 3 Điều 67 hoặc khoản 5 Điều 69 của Luật HN&GĐ năm 2000 Khoản 3 Điều 67 quy định: “Nghiêm cấm lợi dụng việc nuôi con nuôi để bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục, mua bán trẻ em hoặc vì mục đích trục lợi khác”. Khoản 5 Điều 69 quy định: “Không phải là người đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc bị kết án mà chưa bị xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hành hạ ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em; các tội xâm phạm tình dục đối với trẻ em; có hành vi xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, đạo đức xã hội”. Có thể nói đây là sự vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng của cha, mẹ nuôi. Việc pháp luật quy định đây là một căn cứ chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi là nhằm đảm bảo quyền lợi cho người con nuôi, tách người con nuôi khỏi môi trường có nguy cơ sẽ ảnh hưởng đến nhân cách, lối sống, thể chất… của người con nuôi. Trong trường hợp này hành vi của cha mẹ nuôi được quy định tại khoản 3 Điều 76 Luật HN&GĐ năm 2000 được coi là căn cứ chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi khi hành vi đó được thực hiện với bất kể một người nào chứ không chỉ đối với người con nuôi. Điều này có là phù hợp với thực tế khách quan hay không? Khi cha, mẹ nuôi có hành vi vi phạm pháp luật đối với người khác liệu có phá vỡ mục đích của việc thiết lập quan hệ nuôi con nuôi hay không? Nếu chỉ hoặc cha nuôi hoặc mẹ nuôi có hành vi vi phạm thì chỉ chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi với người đó hay với cả người còn lại? Theo quan điểm của chúng tôi, chủ thể nào vi phạm thì coi là căn cứ áp dụng đối với chủ thể đó còn các chủ thể khác tuỳ từng trường hợp để xác định, căn cứ vào ý chí của họ có muốn tiếp tục quan hệ nuôi con nuôi hay không? Như vậy, Luật HN&GĐ năm 2000 quy định các căn cứ chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi khá rõ ràng và cụ thể. Tuy nhiên, Luật HN&GĐ năm 2000 không phân định rõ “chấm dứt nuôi con nuôi” và “huỷ nuôi con nuôi”, các văn bản hướng dẫn Luật HN&GĐ năm 2000 cũng không quy định cụ thể về vấn đề này. Chúng ta thấy rằng hai thuật ngữ này là khác nhau và hậu quả pháp lý của chúng cũng khác nhau. Chính vì vậy, cần có sự phân biệt hai thuật ngữ này để bảo vệ quyền lợi của các bên chủ thể cũng như đảm bảo đúng ý nghĩa xã hội của việc nuôi con nuôi. + Nếu việc nuôi con nuôi là hợp pháp (đảm bảo đúng mục đích luật định, các bên đáp ứng đầy đủ các điều kiện nuôi con nuôi, trình tự thủ tục luật định) nhưng trong quá trình nuôi con nuôi các bên có các hành vi được quy định tại Điều 76 Luật HN&GĐ năm 2000 và có đơn của những người có quyền yêu cầu, toà án sẽ ra quyết định chấm dứt việc nuôi con nuôi. + Nếu việc nuôi con nuôi là trái pháp luật, tức là tại thời điểm xin xác lập quan hệ nuôi con nuôi các bên hoặc một trong hai bên đã vi phạm các điều kiện luật định (vi phạm các quy định tại các Điều 68,69,70,71 Luật HN&GĐ năm 2000) hoặc người xin nhận nuôi con nuôi với mục đích khác (khoản 3 Điều 67 Luật HN&GĐ năm 2000). Trong trường hợp này buộc phải ra quyết định huỷ việc nuôi con nuôi trái pháp luật, coi như chưa bao giờ tồn tại quan hệ pháp lý giữa cha mẹ nuôi và con nuôi. Về vấn đề này, khi nghiên cứu hệ thống luật gia đình cũ, tác giả Vũ Văn Mẫu đã phân biệt hai hình thức: Sự truất bãi và sự tiêu huỷ. Theo tác giả, “… Sự truất bãi khác sự tiêu huỷ ở điểm các hiệu lực của sự truất bãi nghĩa dưỡng chỉ bắt đầu khi có bản án truất bãi nghĩa dưỡng; trái lại, sự tiêu huỷ có hiệu lực hồi tố và xoá hết các hiệu lực của sự nghĩa dưỡng đã xảy ra trong quá khứ như không hề bao giờ có sự nghĩa dưỡng giữa người con nuôi và người đứng nuôi….”(1). Như vậy, xét ở mọi phương diện từ bản chất pháp lý, nguyên nhân, tính hiệu lực và hậu quả pháp lý của việc chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi và huỷ nuôi con nuôi là không thể đồng nhất. Chấm dứt nuôi con nuôi không có ý nghĩa là một chế tài. Còn huỷ nuôi con nuôi trái pháp luật là một chế tài đối với hành vi vi phạn mục đích và điều kiện nuôi con nuôi theo luật định. Vì vậy, các văn bản hướng dẫn cần phân biệt rõ hai thuật ngữ này để việc giải quyết các tranh chấp được chính xác. 2. Quyền yêu cầu toà án chấm dứt việc nuôi con nuôi Điều 77 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định: - Con nuôi đã thành niên, cha, mẹ đẻ, người giám hộ của con nuôi, cha, mẹ, nuôi theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu toà án hoặc để nghị viện kiểm sát yêu cầu toà án ra quyết định chấm dứt việc nuôi con nuôi trong các trường hợp quy định tại Điều 76 của Luật HN&GĐ năm 2000. - Viện kiểm sát theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền yêu cầu toà án ra quyết định chấm dứt việc nuôi con nuôi trong các trường hợp quy định tại điểm 2 và điểm 3 Điều 76 của Luật HN&GĐ năm 2000. - Cơ quan, tổ chức sau đây theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu toà án hoặc đề nghị viện kiểm sát yêu cầu toà án ra quyết định chấm dứt nuôi con nuôi trong các trường hợp quy định tại điểm 2 và điểm 3 Điều 76 của Luật HN&GĐ năm 2000: + Uỷ ban bảo vệ chăm sóc trẻ em + Hội liên hiệp phụ nữ - Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có quyền đề nghị viện kiểm sát xem xét, yêu cầu toà án ra quyết định chấm dứt việc nuôi con nuôi trong các trường hợp quy định tại điểm 2 và điểm 3 Điều 76 của Luật HN&GĐ năm 2000. Như vậy, quyền yều cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi là khá rộng nhằm đảm bảo quyền lợi của các chủ thể trong mối quan hệ nuôi con nuôi, đặc biệt là người con nuôi. 3. Hậu quả pháp lý khi chấm dứt việc nuôi con nuôi Điều 78 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định: - Khi chấm dứt việc nuôi con nuôi theo quyết định của toà án, các quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi cũng chấm dứt; nếu con nuôi chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì toà án ra quyết định giao người đó cho cha mẹ đẻ hoặc cá nhân, tổ chức trông nom nuôi dưỡng. - Trong trường hợp con nuôi có tài sản riêng thì được nhận lại tài sản đó; nếu con nuôi có công sức đóng góp vào khối tài sản chung của gia đình cha mẹ nuôi thì được trích chia một phần từ khối tài sản chung đó theo thoả thuận giữa con nuôi và cha mẹ nuôi; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu toà án giải quyết. - Khi việc nuôi con nuôi chấm dứt, theo yêu cầu của cha mẹ đẻ hoặc của người đã làm con nuôi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc người đã làm con nuôi được lấy lại họ, tên mà cha mẹ đẻ đã đặt. Như chúng ta đã biết, khi quan hệ nuôi con nuôi được xác lập về nguyên tắc các quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con sẽ phát sinh (Điều 74 Luật HN&GĐ năm 2000), bao gồm quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản. Vậy, khi chấm dứt việc nuôi con nuôi thì đương nhiên quyền và nghĩa vụ nhân thân và tài sản giữa cha mẹ và con cũng chấm dứt. a. Quan hệ nhân thân Các quyền và nghĩa vụ nhân thân giữa cha mẹ và con như nghĩa vụ và quyền của cha mẹ và con (Điều 34); nghĩa vụ và quyền của con (Điều 35); nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng (Điều 36); nghĩa vụ và quyền giáo dục con (Điều 37); đại diện cho con (Điều 38) sẽ chấm dứt. Khi trở thành con nuôi người khác thì người con nuôi này có thể sẽ thay đổi họ tên của mình, do đó, khi chấm dứt việc nuôi con nuôi người con nuôi có thể được lấy lại họ, tên mà cha mẹ đẻ đã đặt theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp người con nuôi chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì toà án ra quyết định giao người đó cho cha mẹ đẻ hoặc cá nhân, tổ chức trông nom nuôi dưỡng. Trong thực tế, không phải bất kỳ trường hợp nào khi chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi thì người con nuôi đều có cá nhân hoặc tổ chức nhận nuôi dưỡng ngay, vì vậy, quyền lợi của đứa trẻ có thể bị ảnh hưởng. Hoặc đối với cha mẹ nuôi bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, già yếu… mà chưa có nơi nương tựa thì rõ ràng quyền lợi của họ cũng bị ảnh hưởng. Về vấn đề này, trước đây, Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 20/1/1988 hướng dẫn thi hành Luật HN&GĐ năm 1986 đã có hướng dẫn nếu người con nuôi chưa thành niên không có ai nuôi dưỡng thì sẽ không chấm dứt việc nuôi con nuôi, dù có đủ căn cứ chấm dứt, cho đến khi người con đó có người khác nuôi dưỡng hoặc người con nuôi đã thành niên có khả năng lao động. Quy định này là xuất phát từ việc bảo đảm quyền lợi của người con nuôi… Hiện nay, không có hướng dẫn về vấn đề này. Theo quan điểm của chúng tôi nên có hướng dẫn tương tự và để tránh xung đột giữa hai bên cha mẹ nuôi và con nuôi cũng như đảm bảo quyền lợi cho họ nên chăng nếu cha mẹ nuôi có hành vi quy định tại khoản 3 Điều 76 thì áp dụng hạn chế quyền của cha mẹ đôi với con, trong trường hợp này người cha, mẹ nuôi đó vẫn phải có nghĩa vụ nuôi dưỡng đứa trẻ; nếu người con nuôi có hành vi quy định tại khoản 2 Điều 76 thì cha mẹ nuôi kết hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan áp dụng biện pháp giáo dục người con nuôi…. Như vậy, khi giải quyết chấm dứt việc nuôi con nuôi cần thiết phải quan tâm bảo vệ quyền và lợi ích của người chưa thành niên, người đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, bị tàn tật, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. b. Quan hệ tài sản Các quyền và nghĩa vụ tài sản giữa cha mẹ và con như bồi thường thiệt hại do con gây ra (Điều 40); quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng (Điều 60); quyền quản lý, định đoạt tài sản riêng của con (Điều 44,45,46) sẽ chấm dứt. Nếu con nuôi có tài sản riêng thì được nhận lại tài sản đó, nếu có công sức đóng góp vào khối tài sản chung của gia đình cha mẹ nuôi thì được trích chia một phần từ khối tài sản chung đó theo thoả thuận hoặc do toà án giải quyết./.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật