MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ VỀ HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM NHÂN THỌ

THS. TRẦN VŨ HẢI – KHOA PHÁP LUẬT KINH TẾ ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI Dẫn nhập Trong nền kinh tế thị trường, lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ giữ một vai trò quan trọng. Bảo hiểm nhân thọ mang lại nhiều lợi ích cho con người và nền kinh tế. Bên cạnh yếu tố bảo hiểm, bảo hiểm nhân thọ còn có tính tiết kiệm, giúp bên mua bảo hiểm có thể thực hiện được mục đích của mình khi được doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) trả số tiền bảo hiểm. Đối với DNBH, số phí bảo hiểm sẽ được đầu tư có hiệu quả, đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp và góp phần tăng trưởng kinh tế. Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ đã từng xuất hiện ở Việt Nam từ thời Pháp thuộc và tại miền nam Việt Nam trước năm 1975. Thị trường bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam hiện nay được tái lập từ năm 19961. Đến nay, thị trường bảo hiểm nhân thọ đã có sự phát triển vượt bậc với rất nhiều DNBH tham gia, trong đó có những DNBH của các tập đoàn bảo hiểm lớn trên thế giới. Mối quan hệ giữa DNBH là bên mua bảo hiểm là mối quan hệ hợp đồng. Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ (HĐBHNT) được các bên thoả thuận, vừa là một công cụ thực hiện pháp luật, vừa là một sản phẩm của thị trường bảo hiểm nhân thọ. Bên cạnh rất nhiều mặt tích cực, trong thời gian qua, rất nhiều các tranh chấp HĐBHNT đã xảy ra, ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường bảo hiểm nói chung và thị trường bảo hiểm nhân thọ nói riêng, làm giảm niềm tin của người dân đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ. Một nguyên nhân rất quan trọng là do những quy định pháp luật về HĐBHNT hiện nay còn nhiều bất cập cần phải hoàn thiện.   Khái luận về hợp đồng bảo hiểm nhân thọ Bảo hiểm nhân thọ là loại nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người bảo hiểm sống hoặc chết trong một thời gian nhất định theo thoả thuận giữa bên bảo hiểm và bên mua bảo hiểm. Khái niệm bảo hiểm nhân thọ được hiểu tương đối thống nhất trong các tài liệu khoa học và trong hệ thống pháp luật ở các quốc gia trên thế giới2. Trong pháp luật thực định Việt Nam không có khái niệm riêng về HĐBHNT3. Như vậy, để đưa ra khái niệm về HĐBHNT, cần xem xét những đặc trưng cơ bản của loại hợp đồng này. Là một loại hợp đồng bảo hiểm thuộc loại hình bảo hiểm con người, HĐBHNT có các đặc trưng riêng biệt sau đây: Thứ nhất, HĐBHNT có đối tượng là tuổi thọ của con người. Đặc điểm này rất quan trọng và chi phối các đặc điểm khác. Trong HĐBHNT, nghĩa vụ khai báo đúng tuổi của người được bảo hiểm là rất quan trọng. Căn cứ vào độ tuổi của người được bảo hiểm, DNBH sẽ xác định người đó có thuộc nhóm tuổi tham gia bảo hiểm hay không cũng như tính toán mức phí bảo hiểm. Về lý thuyết, mức độ rủi ro sẽ khác nhau nếu người được bảo hiểm có độ tuổi khác nhau. Ngoài ra, tuổi thọ của con người còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác như sức khoẻ, bệnh tật, nếp sinh hoạt, gien di truyền…, do vậy, để đảm bảo quyền lợi chính đáng của các bên, HĐBHNT thường rất phức tạp, mà nguyên nhân chủ yếu là do tính phức tạp của đối tượng bảo hiểm tạo ra. Thứ hai, trong HĐBHNT, sự kiện bảo hiểm không hoàn toàn gắn liền với rủi ro. Trong các hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ, trách nhiệm bồi thường hoặc trả tiền bảo hiểm của DNBH chỉ phát sinh khi đối tượng bảo hiểm bị thiệt hại. Trong khi đó, trong HĐBHNT (trừ nghiệp vụ bảo hiểm tử kỳ thuần tuý), ngoài trường hợp khi người được bảo hiểm gặp rủi ro được bảo hiểm, trách nhiệm trả tiền của DNBH còn phát sinh trong một số trường hợp khác (hết thời hạn hợp đồng, hoàn phí hay trả giá trị hoàn lại). Thứ ba, HĐBHNT là loại hợp đồng dài hạn. Trên thực tế hiện nay, thời hạn ngắn nhất của HĐBHNT mà các DNBH cung cấp là 5 năm. Tính dài hạn của HĐBHNT nhằm đảm bảo quyền lợi cho DNBH trong hoạt động đầu tư đồng thời đáp ứng được mục đích tiết kiệm của bên mua bảo hiểm. Mặt khác, thời hạn hợp đồng dài sẽ giúp bên mua bảo hiểm có khả năng nộp phí bảo hiểm. Thứ tư, HĐBHNT có tính tiết kiệm đối với bên mua bảo hiểm. Tính tiết kiệm của HĐBHNT thể hiện ở chỗ, việc tham gia bảo hiểm nhân thọ cũng giống như việc gửi tiết kiệm, bên mua bảo hiểm dùng từng khoản tiền nhỏ để đóng phí bảo hiểm, khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, người thụ hưởng có thể có được khoản tiền lớn hơn. Tính tiết kiệm của HĐBHNT còn được đánh giá cao không những do gắn liền với yếu tố bảo hiểm, mà còn ở chỗ, đây là “tiết kiệm bắt buộc”4. Việc nộp phí bảo hiểm là nghĩa vụ theo thoả thuận, đồng thời bên mua bảo hiểm không thể tuỳ tiện lấy lại các khoản phí đã nộp (khác với việc gửi tiền tại ngân hàng), chính vì vậy tiết kiệm cho bên mua bảo hiểm những khoản chi tiêu không thật sự cần thiết. Chính vì HĐBHNT có tính dài hạn và tính tiết kiệm, nên để đảm bảo quyền lợi cho các bên, HĐBHNT có nhiều điều khoản đặc trưng như thoả thuận cho vay của DNBH, các quyền lợi của bên mua bảo hiểm để duy trì hợp đồng, việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm… Thứ năm, nội dung của HĐBHNT bao gồm các điều khoản mẫu. Đây là những điều khoản được DNBH soạn thảo sẵn, bên mua bảo hiểm nếu chấp nhận giao kết hợp đồng thì phải chấp nhận toàn bộ nội dung điều khoản mẫu. Vấn đề về điều khoản mẫu hợp đồng sẽ được chúng tôi đề cập trong một bài viết khác. Từ những đặc trưng riêng có của HĐBHNT, với bản chất của một loại hợp đồng bảo hiểm, có thể đưa ra khái niệm về HĐBHNT như sau:
HĐBHNT là sự thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm và DNBH về việc DNBH cam kết bảo hiểm cho tuổi thọ của người được bảo hiểm, với điều kiện bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm; DNBH sẽ trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng nếu người được bảo hiểm sống hoặc chết trong thời gian thoả thuận.
Những bất cập của pháp luật hiện hành điều chỉnh về hợp đồng bảo hiểm nhân thọ Hiện nay, những quy định về HĐBHNT được ghi nhận trong BLDS và LKDBH. Trên cơ sở các văn bản luật này, cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản dưới luật nhằm hướng dẫn thi hành như Nghị định số 42/2001/NĐ-CP ngày 01/8/2001 quy định chi tiết thi hành một số điều của LKDBH, Thông tư 98/2004/TT-BTC ngµy 19/10/2004 cña Bé Tµi chÝnh hướng dẫn thi hành Nghị định số 42/2001/NĐ-CP. Trong các văn bản này, chỉ riêng các văn bản luật, đặc biệt là LKDBH còn khá nhiều bất cập. Chúng tôi chỉ xin nêu ra một số bất cập cơ bản liên quan trực tiếp đến HĐBHNT sau đây: Thứ nhất, giữa BLDS và LKDBH không thống nhất trong quy định trả tiền bảo hiểm khi người được bảo hiểm chết. Trong BLDS năm 1995 và BLDS năm 2005, hợp đồng bảo hiểm cũng được quy định và xem như là một loại hợp đồng thông dụng. Tuy nhiên, trong những quy định về hợp đồng bảo hiểm của BLDS, hoàn toàn không có quy định về người thụ hưởng mà chỉ có quy định về người được bảo hiểm, nhưng khái niệm về người được bảo hiểm cũng không được BLDS nêu ra. Tuy nhiên, đối với HĐBHNT, người thụ hưởng là một chủ thể liên quan rất quan trọng. Điều này tất yếu dẫn đến những vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật. Tại Điều 582 BLDS năm 1995 quy định về bảo hiểm tính mạng có ghi nhận: “Trong trường hợp bảo hiểm tính mạng, thì khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, bên bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho bên được bảo hiểm hoặc người đại diện theo uỷ quyền của họ; nếu bên được bảo hiểm chết, thì tiền bảo hiểm được trả cho người thừa kế của bên được bảo hiểm”. Tuy nhiên trong LKDBH lại quy định, người thụ hưởng là người được bên mua bảo hiểm chỉ định nhận tiền bảo hiểm trong bảo hiểm con người và người thụ hưởng có thể không phải là người được bảo hiểm. Như vậy, nếu người được bảo hiểm chết, theo quy định của BLDS, số tiền bảo hiểm sẽ trả cho người thừa kế của người được bảo hiểm, còn theo quy định của LKDBH, số tiền bảo hiểm sẽ trả cho người thụ hưởng, và có thể họ không phải là người (hoặc những người) thừa kế của người được bảo hiểm. Sự bất cập này vẫn được giữ nguyên mà không được sửa đổi trong BLDS năm 2005 (Điều 578). Theo chúng tôi, quy định trong LKDBH là hợp lý hơn và BLDS cần sửa đổi theo hướng này. Thứ hai, khái niệm quyền lợi có thể được bảo hiểm không thật sự hợp lý với bản chất của bảo hiểm nhân thọ. Quyền lợi có thể được bảo hiểm là một điều kiện bắt buộc đối với bên mua bảo hiểm. Theo quy định của LKDBH thì “quyền lợi có thể được bảo hiểm là quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền tài sản; quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng đối với đối tượng được bảo hiểm”. Thực chất, quyền lợi có thể được bảo hiểm quy định như trên chỉ là những quyền lợi vật chất thuần tuý của bên mua bảo hiểm đối với đối tượng bảo hiểm. Trên thực tế, bảo hiểm nhân thọ không mang yếu tố bồi thường thiệt hại, mà là sự bù đắp tổn thất tính mạng của người được bảo hiểm hoặc/và có yếu tố tiết kiệm dành cho chính người thân của họ. Chính vì vậy, những lợi ích tinh thần cần phải được đánh giá đúng mức nhằm xác định quyền lợi có thể được bảo hiểm. Trên thực tế, sẽ rất khó thuyết phục nếu cho rằng ông bà không có quyền lợi bảo hiểm đối với cháu, vợ chồng không có quyền lợi bảo hiểm đối với nhau vì rõ ràng trong hoàn cảnh bình thường, mối quan hệ của những người này không phải là quan hệ nuôi dưỡng, cấp dưỡng nhưng những lợi ích tinh thần rất sâu sắc và không thể quy đổi ra giá trị tiền bạc đơn thuần. Một số trường hợp khác đã xuất hiện trên thị trường bảo hiểm nhân thọ như: người cho vay có thể mua bảo hiểm nhân thọ cho người vay, chủ sử dụng lao động có thể mua bảo hiểm cho người lao động, mặc dù là hợp lý nhưng không phù hợp với khái niệm quyền lợi có thể được bảo hiểm. Trong LKDBH, đối với bảo hiểm con người nói chung và bảo hiểm nhân thọ nói riêng, cũng đã có quy định cụ thể về việc bên mua bảo hiểm có thể mua bảo hiểm cho những người nào. Nhà làm luật có dự liệu mở khi quy định bên mua bảo hiểm có thể mua bảo hiểm cho “người khác, nếu bên mua bảo hiểm có quyền lợi có thể được bảo hiểm”, nhưng nếu căn cứ vào khái niệm quyền lợi có thể được bảo hiểm trong LKDBH, thì những đối tượng này bị bó hẹp rất nhiều. Thứ ba, Điều 35 khoản 2 LKDBH không phù hợp với tính tiết kiệm của HĐBHNT khi hợp đồng đã có giá trị hoàn lại. Điều 35 khoản 2 quy định trong trường hợp phí bảo hiểm được đóng nhiều lần và bên mua bảo hiểm đã đóng một hoặc một số lần phí bảo hiểm nhưng không thể đóng được các khoản phí bảo hiểm tiếp theo thì sau thời hạn 60 ngày, kể từ ngày gia hạn đóng phí, DNBH có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng, bên mua bảo hiểm không có quyền đòi lại khoản phí bảo hiểm đã đóng nếu thời gian đã đóng phí bảo hiểm dưới hai năm, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác. Còn nếu thời gian đóng phí từ 02 năm trả lên, bên mua bảo hiểm được nhận lại giá trị hoàn lại của hợp đồng. Quy định trên làm giảm đi yếu tố tiết kiệm của HĐBHNT và vô hình chung làm giảm khả năng kinh doanh của DNBH. HĐBHNT có thời hạn dài, bản thân bên mua bảo hiểm cũng không thể lường trước được những khó khăn tài chính trong quá trình thực hiện hợp đồng. Để bảo vệ quyền lợi cho bên mua bảo hiểm và người thụ hưởng, pháp luật nhiều quốc gia quy định, đối với hợp đồng đã có giá trị hoàn lại, trong trường hợp nếu bên mua bảo hiểm không thể đóng phí bảo hiểm trong thời gian gia hạn nộp phí và không có thoả thuận khác (ví dụ thoả thuận nộp phí bảo hiểm tự động chẳng hạn), bên mua có quyền yêu cầu duy trì hợp đồng bảo hiểm với số tiền bảo hiểm giảm hoặc chuyển sang hợp đồng bảo hiểm có số tiền bảo hiểm ít hơn được nộp phí một lần từ giá trị hoàn lại của hợp đồng cũ nếu những loại hợp đồng này DNBH có cung cấp; nếu bên mua không yêu cầu các quyền lợi trên, DNBH mới có quyền đình chỉ thực hiện hợp đồng và trả cho bên mua giá trị hoàn lại. Những quyền lợi này được gọi là quyền lợi không thể bị tước đoạt. Như vậy, LKDBH hiện nay coi quyền huỷ bỏ hợp đồng là quyền đương nhiên đã vô hình chung tước đoạt những quyền lợi chính đáng của bên mua bảo hiểm mà pháp luật các quốc gia khác rất coi trọng. Trên thực tế hiện nay, các DNBH kinh doanh bảo hiểm nhân thọ trong điều khoản bảo hiểm đều thoả thuận cung cấp cho khách hàng một số quyền lợi như duy trì hợp đồng bảo hiểm với số tiền bảo hiểm giảm dần, chuyển đổi thành hợp đồng khác đã trả phí một lần… Tuy nhiên, những thoả thuận này thường được hiểu là những ưu đãi của DNBH cho khách hàng chứ không phải là những quyền lợi chính đáng của bên mua bảo hiểm được pháp luật bảo đảm. Với tính chất là văn bản luật chuyên ngành điều chỉnh về hoạt động kinh doanh bảo hiểm nói chung và HĐBHNT nói riêng, ngoài những bất cập trong quy định đã nêu trên, LKDBH còn thiếu nhiều quy định đặc thù thể hiện bản chất của HĐBHNT. Thứ nhất, LKDBH còn thiếu sự giải thích một số thuật ngữ rất phổ biến trong HĐBHNT như giá trị hoàn lại và chi phí hợp lý mặc dù những thuật ngữ này được sử dụng thường xuyên trong luật và các văn bản dưới luật dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, gây khó khăn cho việc áp dụng. Thứ hai, LKDBH chưa quy định hợp lý về việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm con người. Bản chất của việc chuyển nhượng hợp đồng là việc một chủ thể khác sẽ thay thế vị trí pháp lý của bên mua bảo hiểm trong hợp đồng. Bên mua bảo hiểm có thể chuyển nhượng HĐBHNT cho người khác để tiếp tục duy trì hợp đồng hoặc để có một khoản tiền nhất định hoặc không muốn hợp đồng chấm dứt vì điều đó làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người thụ hưởng. Vấn đề này được LKDBH quy định tại Điều 26, nhưng thực tế điều khoản này chỉ đủ với hợp đồng bảo hiểm thiệt hại, khi mà bên mua bảo hiểm đồng thời là người được bảo hiểm. Đối với hợp đồng bảo hiểm con người, bên chuyển nhượng (bên mua bảo hiểm) có thể không phải là người được bảo hiểm. Do vậy, quá trình chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm con người có nhiều vấn đề nảy sinh cần pháp luật quy định. Ví dụ: điều kiện đối người nhận chuyển nhượng như thế nào, có cần có sự đồng ý của người được bảo hiểm hay không… Những bổ sung này rất quan trọng nhằm tránh những tranh chấp có thể xảy ra sau khi hợp đồng được chuyển nhượng. Nếu không có quy định cụ thể, sẽ khó khăn khi xem xét trách nhiệm của DNBH trong việc chấp nhận chuyển nhượng của bên mua bảo hiểm. Trên thực tế, các DNBH đều thoả thuận với bên mua bảo hiểm về việc không chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của thoả thuận chuyển nhượng, từ đó dẫn đến tình trạng DNBH chấp nhận việc chuyển nhượng để tiếp tục thu phí, đến khi sự kiện bảo hiểm xảy ra lại từ chối trả tiền bảo hiểm mà chỉ hoàn lại phí bảo hiểm vì hợp đồng không còn hiệu lực. Thứ ba, LKDBH chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục phê chuẩn quy tắc, điều khoản bảo hiểm nhân thọ. Tại Nghị định 42/2001/NĐ-CP và Thông tư 98/2004/TT-BTC có quy định về trình tự thủ tục phê chuẩn quy tắc, điều khoản bảo hiểm nhân thọ. Tuy nhiên, đây là một nội dung quan trọng cần phải được đề cập trong luật để nâng cao hiệu lực pháp lý trong điều chỉnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ. Tại Nghị định 42/2001/NĐ-CP quy định khá sơ sài về vấn đề này. Cụ thể là chỉ quy định cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn quy tắc, điều khoản bảo hiểm nhân thọ là Bộ Tài chính; DNBH phải nộp hồ sơ đề nghị phê chuẩn có đầy đủ tài liệu theo quy định; Bộ Tài chính phải chấp thuận hoặc từ chối trong thời hạn 30 ngày. Một vấn đề chưa được quy định là trình tự, thủ tục các bước phê chuẩn được thực hiện như thế nào? Chủ thể nào thực tế đã thẩm định nội dung quy tắc, điều khoản bảo hiểm? Thiết nghĩ, đây là việc cần thiết để đảm bảo chất lượng của hoạt động phê chuẩn, đồng thời cần xác định cụ thể trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức liên quan đối với hoạt động phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm nhân thọ nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên trong HĐBHNT, cũng như nâng cao vai trò quản lý của nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Như vậy, có thể nhận thấy, những bất cập của pháp luật về hợp đồng bảo hiểm nói chung và HĐBHNT nói riêng là khá nhiều. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm và cần phải được sửa đổi, bổ sung kịp thời. Phương hướng sửa đổi, bổ sung LKDBH sẽ được chúng tôi đề cập trong một bài viết khác./. Chú thích: (1) Xem: Quyết định 281/BTC-TCNH của Bộ Tài chính ngày 20/3/1996 về việc triển khai thí điểm hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ (2) Xem: Jérôme Yeatman, Giáo khoa quốc tế về bảo hiểm, NXB Thống kê, 2001, Hà nội (3) Xem: Điều 12 khoản 1 Luật kinh doanh bảo hiểm (4) Xem GS.TS. Trương Mộc Lâm và Lưu Nguyên Khánh, Một số điều cần biết về pháp lý trong kinh doanh bảo hiểm, NXB Thống Kê, 2001, Hà nội. (5) Xem: Nguyễn Hương Thu, Pháp luật và các điều khoản mẫu áp dụng trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, Luận văn thạc sỹ luật học, Khoa luật Đại học Quốc gia Hà nội, 2003

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật