MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ VỀ HOẠT ĐỘNG BAO THANH TOÁN CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG

THS. NGUYỄN THANH TÚ – Khoa Luật Thương mại – ĐH luật TP. HCM I. GIỚI THIỆU CHUNG VỀ BAO THANH TOÁN 1. Bao thanh toán (factoring) hay nhượng quyền yêu cầu thanh toán, chuyển nhượng khoản phải thu (assignment of receivables) là việc một tổ chức tín dụng (đơn vị bao thanh toán: factor) mua khoản tiền phải thu của người cung cấp hàng hóa, dịch vụ; khoản tiền này phát sinh do người đó đã hoặc sẽ cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng của nó trên cơ sở hợp đồng mua bán hay cung cấp hàng hóa, dịch vụ đã được giao kết. 2. Bao thanh toán thực sự phát triển mạnh từ đầu thế kỷ XX, đặc biệt là ở Mỹ1, là kết quả của sự phân công lao động hợp lý trong xã hội. Theo đó, người sản xuất, phân phối hàng hóa hay cung ứng dịch vụ chỉ tập trung vào hoạt động sản xuất, bán hàng và cung ứng dịch vụ; việc quản lý và thu tiền từ việc bán hàng hay cung ứng dịch vụ sẽ được tổ chức tín dụng đảm trách. Hoạt động bao thanh toán là sự kết hợp của các dịch vụ như tài trợ vốn, đánh giá rủi ro tín dụng, quản lý sổ sách, thu hộ, tư vấn2. Lợi ích của hoạt động bao thanh toán rất đa dạng, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp nhà sản xuất có vốn để tiếp tục hoạt động, duy trì được mức nhân công và quy mô sản xuất; giúp cho các doanh nghiệp sản xuất hàng thời vụ tiến hành hoạt động sản xuất quanh năm, tránh hiện tượng sa thải công nhân khi hết thời vụ; giúp doanh nghiệp phát triển với tốc độ nhanh hơn…3 Với tầm quan trọng và sự phát triển của hoạt động bao thanh toán trong nền kinh tế, pháp luật các quốc gia ngày nay đều có quy định điều chỉnh hoạt động này. Không những thế, nhiều nỗ lực trong việc thống nhất chế định bao thanh toán trên phạm vi quốc tế đã được tiến hành, như Công ước Ottawa về bao thanh toán quốc tế năm 1988 do UNIDROIT xây dựng, Bộ quy tắc các tập quán trong bao thanh toán quốc tế do các doanh nghiệp bao thanh toán thiết lập4, và Công ước của Liên hiệp quốc về chuyển nhượng khoản phải thu trong thương mại quốc tế năm 2001 do UNCITRAL soạn thảo5. 3. Theo Điều 1 Công ước Ottawa về bao thanh toán quốc tế, bao thanh toán là một hoạt động được tiến hành trên cơ sở hợp đồng bao thanh toán giao kết giữa người cung cấp hàng hóa, dịch vụ và đơn vị bao thanh toán, theo đó: a. Người cung cấp chuyển giao hay sẽ chuyển giao cho đơn vị bao thanh toán khoản phải thu phát sinh từ hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ giữa người cung cấp và khách hàng của nó (người mua, con nợ), trừ hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ phục vụ mục đích tiêu dùng hay cá nhân. b. Đơn vị bao thanh toán phải thực hiện ít nhất hai trong số các hành vi sau: - Tài trợ cho người cung cấp, bao gồm cả việc cho vay hay trả tiền trước; - Thực hiện các hoạt động kế toán, sổ sách liên quan đến khoản phải thu; - Thu tiền đối với khoản phải thu; - Tiến hành các biện pháp bảo vệ trong trường hợp người mua (con nợ) không thanh toán. c. Thông báo việc chuyển nhượng khoản phải thu cho người mua (con nợ). 4. Ở Việt Nam, hoạt động bao thanh toán đã từng được các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện nhưng chủ yếu dưới hình thức của một hợp đồng tín dụng do pháp luật ngân hàng chưa có quy định cụ thể về hoạt động bao thanh toán, trong khi lại bắt buộc cho vay trên cơ sở phải có bảo đảm bằng tài sản6. Để tạo khung pháp lý cho hoạt động bao thanh toán nhằm đa dạng hóa các hình thức cấp tín dụng, tuân thủ cam kết của Việt Nam về hoạt động bao thanh toán trong Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ7, đặc biệt sau khi có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng năm 2004, cho phép TCTD được tự quyết định trong việc cho vay hay cấp tín dụng nói chung trên cơ sở có bảo đảm hay không có bảo đảm bằng tài sản, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quy chế bao thanh toán kèm theo Quyết định số 1096/2004/QĐ-NHNN. Theo Quy chế này, “bao thanh toán là một hình thức cấp tín dụng của TCTD cho bên bán hàng thông qua việc mua lại các khoản phải thu phát sinh từ việc mua, bán hàng hoá đã• được bên bán hàng và bên mua hàng thỏa thuận trong hợp đồng mua, bán hàng”8. Như vậy, hoạt động bao thanh toán của TCTD là một hình thức cấp tín dụng cho các nhà sản xuất, phân phối hàng hóa, hay cung cấp dịch vụ. Chênh lệch giữa số tiền thu từ người mua trên cơ sở khoản phải thu và số tiền ứng trước cho người bán khi mua khoản phải thu là lãi cấp tín dụng và phí quản lý sổ sách, phí bù đắp rủi ro tín dụng cùng các chi phí khác liên quan9. Khác với hoạt động chiết khấu thương phiếu, hoạt động bao thanh toán diễn ra trước khi có sự tồn tại của thương phiếu (hối phiếu hay lệnh phiếu). Khác với hoạt động cho vay có bảo đảm bằng khoản phải thu, khoản phải thu trong hoạt động bao thanh toán được (hay sẽ được) chuyển giao cho đơn vị bao thanh toán, và hoạt động bao thanh toán còn liên quan đến nhiều dịch vụ khác ngoài tài trợ vốn. 5. Tuy nhiên, phải thấy rằng khái niệm bao thanh toán theo quy định của Điều 2 và Điều 4 Quy chế bao thanh toán như vậy là chưa đầy đủ, chỉ dừng lại đối với khoản phải thu phát sinh từ việc mua bán hàng hóa, không đề cập đến khoản phải thu phát sinh từ việc cung ứng dịch vụ trên cơ sở hợp đồng giao kết giữa bên cung ứng và bên mua. Pháp luật các quốc gia có hoạt động bao thanh toán phát triển cũng như Điều 2 Công ước của Liên hiệp quốc về chuyển nhượng khoản phải thu năm 2001 đều không có sự phân biệt này. Khoản 2 Điều 1 Công ước Ottawa về bao thanh toán quốc tế năm 1988 tuy chỉ đề cập đến khoản phải thu phát sinh từ hợp đồng mua bán hàng hóa nhưng khoản 3 Điều này lại đề cập khái niệm “hàng hóa” và “mua bán hàng hóa” ở đây bao gồm cả dịch vụ và cung ứng dịch vụ. 6. Bên cạnh đó, Quy chế bao thanh toán không đề cập đến “khoản phải thu trong tương lai”, tức khoản phải thu sẽ hình thành khi người bán chuyển giao hàng hoá, dịch vụ cho người mua theo hợp đồng đã giao kết. Ngoài ra, quy trình hoạt động bao thanh toán theo Điều 13 của Quy chế này cho thấy đơn vị bao thanh toán chỉ có thể chuyển tiền ứng trước cho bên bán hàng sau khi khoản phải thu theo hợp đồng mua bán hàng hóa đã tồn tại. Điều này sẽ hạn chế hoạt động bao thanh toán ở Việt Nam bởi vì theo thông lệ, hoạt động bao thanh toán bao gồm việc mua lại các khoản phải thu đang tồn tại (nhưng không có sự hiện diện của thương phiếu) hay khoản phải thu trong tương lai miễn là khoản phải thu này có thể xác định10, và đơn vị bao thanh toán có thể chuyển tiền cho bên bán vào bất cứ lúc nào sau khi hợp đồng bao thanh toán được giao kết căn cứ vào quy định cụ thể của hợp đồng này. 7. Tùy theo từng tiêu chí phân loại mà bao thanh toán được chia thành: bao thanh toán mở (disclosed factoring) và bao thanh toán đóng (undisclosed factoring), bao thanh toán có quyền truy đòi (recourse factoring) và bao thanh toán không có quyền truy đòi (non- recourse factoring), bao thanh toán trực tiếp (direct factoring) hay bao thanh toán gián tiếp (indirect factoring)…11 8. Về bản chất pháp lý, hoạt động bao thanh toán là một dạng đặc biệt của chuyển giao quyền yêu cầu trong pháp luật dân sự, nhưng quyền yêu cầu ở đây là khoản phải thu phát sinh từ một hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, và quyền yêu cầu này có thể là quyền yêu cầu trong tương lai, chưa tồn tại ở thời điểm giao kết hợp đồng bao thanh toán12. Do đó, mặc dù Quy chế bao thanh toán không quy định cụ thể, nhưng nếu khoản phải thu được bảo đảm thực hiện bằng biện pháp bảo đảm theo quy định của hợp đồng giao kết giữa bên bán và bên mua, thì đơn vị bao thanh toán cũng được hưởng biện pháp bảo đảm đó theo nguyên tắc thế quyền13. II. QUYỀN ƯU TIÊN ĐỐI VỚI KHOẢN PHẢI THU 1. Khoản phải thu là một dạng tài sản vô hình, có thể chưa tồn tại tại thời điểm giao kết hợp đồng bao thanh toán, nên người bán hàng hóa, dịch vụ có thể cùng một lúc bán một khoản phải thu cho nhiều đơn vị bao thanh toán hoặc vừa bán khoản phải thu, vừa cầm cố khoản phải thu đó để bảo đảm cho một khoản vay tại một TCTD khác. Vì vậy, việc xác định quyền ưu tiên đối với khoản phải thu là hết sức quan trọng, để đơn vị bao thanh toán có cơ sở pháp lý nhằm thu khoản phải thu từ người mua hàng hóa, dịch vụ. Quy chế bao thanh toán đã quy định bên bán hàng và đơn vị bao thanh toán có nghĩa vụ đồng thông báo cho bên mua hàng về hợp đồng bao thanh toán14. Không những thế, theo Quy chế này, người mua hàng có nghĩa vụ xác nhận bằng văn bản về việc đã nhận được thông báo và cam kết về việc thanh toán cho đơn vị bao thanh toán15. Khi đó, nếu bên mua hàng đã thanh toán cho đơn vị bao thanh toán thứ hai sau khi đã được đơn vị bao thanh toán thứ nhất thông báo thì bên mua này sẽ vẫn tiếp tục có nghĩa vụ đối với đơn vị bao thanh toán thứ nhất. Tuy nhiên, việc thông báo đến bên mua và xác nhận của bên mua vẫn chưa thể bảo đảm tuyệt đối quyền của đơn vị bao thanh toán đã thông báo trước cũng như các bên nhận chuyển quyền khác một cách thiện chí, trung thực trong trường hợp bên bán hay cả bên bán và bên mua cố tình lừa dối các TCTD. 2. Cũng tương tự như pháp luật Việt Nam, Luật Thương mại của Nhật Bản không điều chỉnh vấn đề bao thanh toán nói riêng hay chuyển giao quyền yêu cầu nói chung, do đó phải vận dụng các quy định của Bộ luật Dân sự16. Và vấn đề xác định quyền ưu tiên đối với khoản phải thu cũng là một vấn đề gây nhiều tranh cãi ở Nhật Bản. Các tòa án của Nhật Bản áp dụng nhiều tiêu chí không thống nhất, như chuyển giao trước thì được hưởng trước, hay chia theo tỷ lệ tùy thuộc vào từng vụ án cụ thể17. 3. Tuy nhiên, theo Điều 9 Bộ luật Thương mại thống nhất của Mỹ (UCC) về giao dịch bảo đảm, bên được bảo đảm bao gồm cả người được chuyển nhượng hay đơn vị bao thanh toán. Khi khoản phải thu được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền, thường là đăng ký với Thư ký của tiểu bang nơi người bán có trụ sở chính, đơn vị bao thanh toán được hưởng quyền ưu tiên đối với các giao dịch chuyển nhượng liên quan đến khoản phải thu đó trong vòng 5 năm kể từ ngày đăng ký, trừ trường hợp đăng ký đó bị huỷ bỏ bởi các bên liên quan18. Trong án lệ Miami National Bank v. Knudsen19, tòa án phải cân nhắc vấn đề ưu tiên dành cho việc đăng ký việc chuyển nhượng khoản phải thu theo quy định của pháp luật về khoản phải thu của Bang Florida hay việc thông báo việc chuyển nhượng với bên có nghĩa vụ. Sau khi phân tích toàn bộ nội dung vụ việc, tòa án đã khẳng định quyền ưu tiên dành cho việc đăng ký20. Như vậy, sau khi ký kết hợp đồng bao thanh toán, gửi thông báo cho bên mua và nhận xác nhận cũng như cam kết thanh toán của bên mua (nếu có), và đăng ký khoản phải thu đó tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đơn vị bao thanh toán đã hoàn toàn được bảo đảm về quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Nếu bên mua vì một lý do nào đó trả tiền cho bên bán, thì đơn vị bao thanh toán có thể buộc bên mua phải trả khoản phải thu đó cho mình một lần nữa. Không những thế, trong trường hợp này, bên bán cũng có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi của đơn vị bao thanh toán, giữ khoản tiền nhận từ bên mua với tư cách là người được đơn vị bao thanh toán tín thác, sau đó phải chuyển giao số tiền này cho đơn vị bao thanh toán. Việc đăng ký khoản phải thu đó còn bảo vệ quyền lợi của đơn vị bao thanh toán đối với các chủ nợ khác của người bán khi người bán phá sản; và khi hàng hóa bị người mua từ chối hay bị trả lại, đơn vị bao thanh toán có quyền ưu tiên đối với hàng hóa đó21. 4. Hiện nay Quy chế bao thanh toán không có quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm. Mặt khác, khoản phải thu không là đối tượng đăng ký giao dịch bảo đảm theo Nghị định 08/2000/NĐ-CP hiện hành nếu không được quy định trong chế định pháp luật về bao thanh toán22. Tuy nhiên, trong hoạt động cho thuê tài chính, nhằm bảo vệ quyền sở hữu đối với tài sản cho thuê của công ty cho thuê tài chính khi tài sản này đang được bên thuê nắm giữ, sử dụng, pháp luật về cho thuê tài chính bắt buộc tài sản cho thuê tài chính phải đăng ký tại cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm có thẩm quyền23. Vì vậy, việc đăng ký khoản phải thu trong hợp đồng bao thanh toán cũng phải được coi là nghĩa vụ của các bên, qua đó có thể xác định quyền ưu tiên thanh toán cũng như cảnh báo cho các bên có các giao dịch liên quan đến khoản phải thu đó, nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của TCTD cung ứng hoạt động bao thanh toán ở Việt Nam. III. GIỚI HẠN ĐỐI VỚI QUYỀN KHẤU TRỪ CỦA NGƯỜI MUA 1. Điểm a khoản 2 Điều 25 và điểm đ khoản 1 Điều 13 Quy chế bao thanh toán quy định người mua có nghĩa vụ xác nhận về việc đã nhận được thông báo về hợp đồng bao thanh toán và cam kết về việc thực hiện thanh toán cho đơn vị bao thanh toán. Vấn đề đặt ra là tuy có cam kết như vậy nhưng người mua có quyền khấu trừ khoản tiền phải thanh toán cho đơn vị bao thanh toán hay không, và nếu có thì giới hạn của quyền khấu trừ này là đến đâu để vẫn có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đơn vị bao thanh toán. 2. Trong vụ án Nusbaum v. Riskin24, sau khi nhận được thông báo về việc chuyển nhượng khoản phải thu, người mua (con nợ) đã mua một lệnh phiếu do người bán phát hành và sau đó chỉ thanh toán cho người nhận chuyển nhượng khoản phải thu số tiền tương ứng với khoản phải thu trừ đi số tiền ghi trên lệnh phiếu đó. Tòa án phúc thẩm bang Florida, Mỹ cho rằng về nguyên tắc, người nhận chuyển nhượng (đơn vị bao thanh toán) khi nhận chuyển nhượng khoản phải thu phải tôn trọng các quyền lợi, yêu cầu mà người mua (con nợ) có đối với người bán (người chuyển nhượng), kể cả quyền khấu trừ số tiền mà người bán nợ người mua để giảm số tiền mà người mua phải trả. Tuy nhiên người mua không thể khấu trừ vào số tiền phải trả cho người nhận chuyển nhượng khoản phải thu nếu đó là: (i) một yêu cầu độc lập với người bán mà yêu cầu này không liên quan đến khoản phải thu được chuyển nhượng, và (ii) yêu cầu này không tồn tại vào thời điểm khoản phải thu được chuyển giao. Vì vậy Tòa án trong vụ án này đã không cho phép người mua khấu trừ số tiền trên lệnh phiếu đối với người nhận chuyển nhượng vì 2 điều kiện trên không thỏa mãn. Khoản 2 Điều 9 Công ước Ottawa về bao thanh toán quốc tế quy định: “Con nợ (người mua) có thể được khấu trừ vào số tiền phải thu với đơn vị bao thanh toán các quyền mà có thể khấu trừ với người cung cấp (người bán) nếu các quyền này tồn tại trước khi con nợ nhận được thông báo bằng văn bản về việc chuyển nhượng khoản phải thu”. Như vậy, nguyên tắc chung là người mua không thể khấu trừ số tiền phải thanh toán cho đơn vị bao thanh toán nếu yêu cầu khấu trừ này phát sinh trên cơ sở nghĩa vụ của người bán với người mua sau khi người mua nhận được thông báo về hợp đồng bao thanh toán, nhất là khi yêu cầu khấu trừ này không liên quan đến hợp đồng mua bán giao kết giữa bên bán và bên mua. Điều này có nghĩa là bên mua để bảo vệ quyền lợi của mình có thể cam kết thanh toán cho đơn vị bao thanh toán với sự bảo lưu quyền khấu trừ đối với yêu cầu phát sinh trước khi nhận được thông báo về hợp đồng bao thanh toán. 3. Trong vụ án Walter E. Heller & Company, Inc. v. Lindsey25, trên cơ sở hợp đồng bao thanh toán, Công ty Heller đã mua khoản phải thu phát sinh từ hợp đồng mua bán giữa một doanh nghiệp kinh doanh gỗ và Công ty Lindsey. Lindsey đã được thông báo về vấn đề này. Sau đó, doanh nghiệp kinh doanh gỗ không cung cấp đủ hàng cho Lindsey nên doanh nghiệp này phải mua thêm hàng từ các nhà cung cấp khác để cung cấp cho Lindsey, và Lindsey đã bảo lãnh cho việc thanh toán của doanh nghiệp này. Khi doanh nghiệp kinh doanh gỗ không thanh toán cho các nhà cung cấp, bị phá sản, Linsey đã phải thanh toán thay theo nghĩa vụ bảo lãnh và khấu trừ số tiền này vào số tiền phải thanh toán cho Heller. Heller cho rằng Lindsey không được phép khấu trừ như vậy vì yêu cầu khấu trừ xuất hiện sau khi con nợ nhận được thông báo về hợp đồng bao thanh toán. Nhưng Tòa án bang Colorado, Mỹ đã cho phép Lindsey khấu trừ vì cho rằng việc Lindsey thanh toán cho các nhà cung cấp trên cơ sở nghĩa vụ bảo lãnh là bắt buộc do doanh nghiẹp kinh doanh gỗ đã không thanh toán cho các nhà cung cấp. Do đó nếu người mua không được khấu trừ trong trường hợp này thì nghĩa là người mua phải trả tiền 2 lần cho hàng hóa mua trong khi không có lỗi. Ngoài ra tòa án cũng cho rằng đơn vị bao thanh toán là người nhận chuyển nhượng, là người thế quyền thì không thể có những quyền lớn hơn quyền của người chuyển nhượng… Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này bởi sự tồn tại của hợp đồng bao thanh toán không thể làm xấu đi quyền và lợi ích hợp pháp của người mua. Người mua được quyền khấu trừ những chi phí liên quan trực tiếp đến hàng hóa, dịch vụ mà người mua phải thanh toán thay cho người bán với điều kiện người mua không có lỗi. Đây phải được coi là trường hợp ngoại lệ của nguyên tắc chung đã được đề cập ở trên. 4. Tuy nhiên cần lưu ý là hợp đồng bao thanh toán chỉ liên quan đến khoản phải thu, trong đó đơn vị bao thanh toán ứng tiền trước cho người bán và sẽ thu lại từ người mua sau, nên không liên quan đến hàng hóa. Chính vì vậy quyền khấu trừ của người mua đối với đơn vị bao thanh toán ở đây hoàn toàn khác với việc đòi lại tiền đã thanh toán cho đơn vị bao thanh toán. Người mua không có quyền đòi lại số tiền đã thanh toán cho đơn vị bao thanh toán trong trường hợp người bán hàng không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các điều khoản quy định trong hợp đồng mua bán hàng hóa26. IV. KẾT LUẬN 1. Bao thanh toán là một hình thức cấp tín dụng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường, nhất là đối với Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi nền kinh tế hiện nay với sự tồn tại của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, ít vốn. Tạo khung pháp lý nhằm giúp các TCTD cũng như các doanh nghiệp có thể mua bán các khoản phải thu dưới hình thức hợp đồng bao thanh toán là một việc phải làm. Nhưng các quy định về bao thanh toán cần phải phù hợp với các thông lệ quốc tế bởi hoạt động bao thanh toán ở Việt Nam cũng như ở các nước đang phát triển hiện nay chủ yếu liên quan đến các khoản phải thu trong các thương vụ xuất nhập khẩu. 2. Quy chế bao thanh toán vừa mới được ban hành nhưng như đã phân tích qua 3 vấn đề trên cho thấy Quy chế này còn nhiều thiếu sót, chưa đầy đủ khi so sánh với chế định pháp luật về bao thanh toán của các quốc gia phát triển và thông lệ quốc tế. Nhưng Quy chế này cũng cần phải có thời gian vận dụng thực tế và cần có nhiều nghiên cứu sâu trên cơ sở phân tích toàn diện pháp luật kinh tế dân sự của Việt Nam để hoàn thiện. Trước mắt, các TCTD được phép cũng như các doanh nghiệp khi giao kết hợp đồng bao thanh toán cần phải lường trước vấn đề này để quy định thật cụ thể quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng. Đặc biệt các TCTD nên thực hiện hình thức bao thanh toán có quyền truy đòi, quy định cụ thể TCTD có quyền đòi lại số tiền đã ứng trước cho bên bán hàng khi bên mua hàng không có khả năng hoàn thành nghĩa vụ thanh toán khoản phải thu. Qua đó TCTD có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đảm bảo khả năng thu hồi vốn khi cấp tín dụng dưới hình thức bao thanh toán27. Bên cạnh đó, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cần nhanh chóng soạn thảo hợp đồng bao thanh toán mẫu trên cơ sở các hợp đồng bao thanh toán của các doanh nghiệp bao thanh toán lớn trên thế giới để các TCTD và các doanh nghiệp tham khảo. Chú thích: 1 Xem Carroll G. Moore, “Factoring- A Unique and Important Form of Financing and Service”, 14 Bus. Law. 703 (1958-1959), pp. 703-708; và Samuel Pisar, “Legal Aspects of International Factoring- An American Concept Goes Abroad”, 25 Bus. Law. 1505 (1969-1970), pp. 1505-1506. 2 Xem M.H.R. Bakker, L. Klapper & G.F. Udell, Financing Small and Medium Size Enterprises with Factoring: Global Growth in Factoring and Its Potentials in Eastern Europe, WB, Warsaw, 2004, pp. 4-6. 3 Xem Herbert R. Silverman, “Factoring: Its Legal Aspects and Economic Justification”, 13 Law & Contemp. Probs. 593 (1948), pp. 594-595; Carroll G. Moore, ibid, pp. 709-716. 4 Bản sửa đổi mới nhất vào tháng 6/1998, xem F.R. Salinger, Factoring: The Law and Practice of Invoice Finance, 3rdEd., Sweet & Maxwell, London, 1999. 5 Xem Spiros V. Bazinas, “Key Policy Issues of the United Nations Convention on the Assignment of Receivables in International Trade”, 11 Tul. J. Int’l & Comp. L. 275, Spring 2003. 6 Xem Điều 49 và 52 Luật các tổ chức tín dụng 1997. 7 Xem điểm b phần B mục VI Phần II Bản lộ trình cam kết thương mại dịch vụ cụ thể của Việt Nam trong Phụ lục G. 8 Điều 2 Quy chế bao thanh toán. 9 Thông thường TCTD chỉ trả cho người bán khoảng 80-85% giá trị khoản phải thu. 10 Xem điểm a Điều 5 Công ước Ottawa vềbao thanh toán quốc tế, Điều 8 Công ước của Liên hiệp quốc về chuyển nhượng khoản phải thu, Điều 9-110 và9-204 Bộ luật Thương mại thống nhất của Mỹ(UCC). 11 Xem khoản 1 Điều 11, khoản 4-5 Điều 4 Quy chế bao thanh toán. Xem thêm Leo D’Arcy, Carole Murray & Barbara Cleave, The Law and Practice of International Trade, Sweet & Maxwell, London, 2000, ISBN 0 421 54680 8, pp. 226-230. 12 Xem Điều 315-320 BLDS Việt Nam, Điều 1689-1701 BLDS Pháp. Xem thêm Sidney Posen, “Factoring Accounts Receivable in France: Some Legal Aspects and American Comparisons”, 57 Tu. L. Rev.292 (1982-1983). 13 Xem Điều 319 BLDS, điểm c khoản 1 Điều 23 Quy chế bao thanh tốn, Điều 7 Cơng ước Ottawa vềbao thanh tốn quốc tế, Điều 10 Cơng ước của Lin hiệp quốc về chuyển nhượng khoản phải thu. 14 Xem điểm d khoản 1 Điều 13 Quy chế bao thanh tốn. Khoản 2 Điều 315 BLDS Việt Nam quy định người chuyển giao quyền có nghĩa vụ thông báo cho người có nghĩa vụ. 15 Điểm a khoản 2 Điều 25 Quy chế bao thanh tốn. 16 Xem Điều 466-468 BLDS Nhật Bản. 17 William C. Philbrick, “The Use of Factoring in International Commercial Transactions and the Need for Legal Uniformaty as Applied to Factoring Transactions between the United States and Japan”, 99 Com. L. J. 141(1994), pp. 149-152. Theo php luật dn sự Php, vấn đề ưu tin được xc định theo ngay thế quyền. Xem Sidney Posen, ibid, p. 312. 18 Xem Điều 9-105, 9-103, 9-401 UCC. 19 Miami National Bank v. Knudsen, 300 F.2d 289 (5th Cir., Feb. 26, 1962). 20 Carroll G. Moore, ibid, pp. 803-805. 21 Xem Samuel Pisar, ibid, p. 1509. 22 Xem Điều 2 Nghị định số 08/2000/NĐ-CP ngy 10/3/2000 về đăng ký giao dịch bảo đảm. 23 Xem Điều 19, khoản 4 Điều 20 Nghị định số 16/2001/NĐ-CP ngy 02/5/2001 về tổ chức v hoạt động của cơng ty cho thu ti chính. 24 Nusbaum v. Riskin, 136 So. 2d 1 (Fla., Dist. Ct. App., 20/12/1961). 25 Walter E. Heller & Company, Inc. v. Lindsey, 146 Colo. 452, 361 P.2d 979 (Col. Sup. Ct., 15/5/1961). 26 Xem điểm c khoản 2 Điều 25 Quy chế bao thanh tốn. 27 Do chế định pháp luật về bao thanh tốn chưa hòan thiện, chưa có kinh nghiệm trong đánh giá rủi ro đối với khoản phải thu, nên hầu hết các hợp đồng bao thanh tốn ở các nước đang phát triển dưới hình thức có quyền truy đòi. Ngược lại, ở các nước phát triển như Mỹ, Italia, tỷ lệ bao thanh tốn không có quyền truy đòi chiếm trê n 70%. Xem M. H. R. Bakker, L. Klapper & G. F. Udell, ibid, p. 4.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật