TS. TRẦN TIẾN DŨNG
Thế giới đang có những biến chuyển rất nhanh và mạnh, xu thế toàn cầu hoá đòi hỏi nước ta phải sớm trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Theo vòng quay của bánh xe lịch sử dân tộc, các doanh nghiệp ngành Xây dựng Việt Nam đang đứng trước những thách thức, yêu cầu khắt khe của kinh tế thị trường và hơn bao giờ hết phải có những nhìn nhận đúng đắn về đường đi nước bước, thế giới quan đúng đắn về tư duy phát triển của doanh nghiệp trong thị trường xây dựng.
Trong định hướng phát triển, Đảng ta đã chỉ rõ: “Phát triển nhanh hơn công nghiệp và xây dựng theo hướng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và hiện đại”
. Để có sự phát triển bền vững theo định hướng đúng đắn mà Đảng đã chỉ ra, các doanh nghiệp xây dựng trước hết cần có những nhận thức thật sự khách quan về những gì mà đất nước đang làm, những điều cần tuân thủ, những hướng đi mà doanh nghiệp cần phải theo. Cơ chế trong đầu tư xây dựng công trình, trong giám sát hợp đồng, cơ chế trong cạnh tranh, quan hệ cung cầu đã khác rất nhiều so với những năm trước đây. Doanh nghiệp xây dựng với tư cách là chủ thể tham gia thị trường xây dựng cần có cách nhận thức mới về vấn đề này. Kinh nghiệm trên thế giới, các doanh nghiệp phải xem xét kỹ lưỡng từ những đường lối tổng quát của quốc gia tới những cơ chế vận hành của thị trường đối với ngành sản phẩm của doanh nghiệp. Đó là một cách thức tốt cho việc hoà mình vào môi trường kinh doanh và đảm bảo hữu hiệu cho phát triển bền vững. Trong phạm vi bài viết, tác giả xin trao đổi một số vấn đề xung quanh kinh nghiệm này.
Chúng ta cùng nhau nhìn vào thực tế để thấy được những gì mà đất nước đang làm; trên cơ sở đó nhận ra những tác động đến doanh nghiệp xây dựng và định dạng cho mình cách ứng xử phù hợp :
- Đất nước đang phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, sớm đưa nước ta thoát khỏi tình trạng của nước đang phát triển có thu nhập thấp. (Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới thì ngưỡng của Nước có thu nhập thấp năm 2010 có thể là 950 USD/người. Việt Nam đến 2010 có thể đạt 1050 – 1100 USD/người). Kinh tế phát triển, thu nhập cải thiện sẽ làm cho nhu cầu xã hội về sản phẩm xây dựng ngày càng lớn và “khó tính” hơn.
- Việc chuyển mạnh sang nền kinh tế thị trường, thực hiện các nguyên tắc của thị trường, hình thành đồng bộ và hoàn thiện các loại thị trường, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi những người lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng phải tuân thủ các nguyên lý cung- cầu và cạnh tranh, am tường đường lối kinh tế của đất nước và cơ chế vận động của ngành.
- Về phát huy nguồn lực cần chú ý mấy xu hướng sau đây:
+ Việc tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp bảo đảm cho mọi công dân quyền tự do đầu tư, kinh doanh. Nhà nước định hướng, tạo môi trường cho các doanh nghiệp hoạt động và phát triển hiệu quả theo cơ chế thị trường. Hỗ trợ sự phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Xây dựng một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn, đa sở hữu, tạo sức mạnh cho đất nước trong hội nhập kinh tế quốc tế. Thu hút ngày càng nhiều tập đoàn kinh tế lớn của các nước đến đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Khuyến khích phát triển mạnh mẽ hình thức kinh tế đa sở hữu thông qua việc đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước và phát triển các doanh nghiệp cổ phần mới, làm cho hình thức kinh tế này đang trở thành phổ biến, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong nền kinh tế. Thực hiện có hiệu quả Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở và nhiều luật mới được ban hành, thấu suốt quan điểm mới, bảo đảm bình đẳng và tạo thêm thuận lợi đối với mọi loại hình tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế, cả trong và ngoài nước. Điều này cho thấy: sân chơi của doanh nghiệp xây dựng ngày càng rộng lớn, đối thủ cạnh tranh ngày càng phong phú, đa dạng, thể chế chính sách ngày càng đầy đủ và nghiêm minh.
+ Đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước. Giải pháp này đang góp phần tạo động lực mạnh mẽ và cơ chế quản lý năng động, để vốn nhà nước được sử dụng có hiệu quả và ngày càng tăng lên. Nhà nước giữ cổ phần chi phối đối với các tổng công ty, công ty cổ phần hoạt động trong những ngành, lĩnh vực thiết yếu. Chuyển các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sang hình thức công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn một hoặc nhiều thành viên mà chủ sở hữu là Nhà nước. Đối với những tổng công ty lớn chưa cổ phần hoá toàn bộ tổng công ty, đang thực hiện cổ phần hoá hầu hết các doanh nghiệp thành viên và chuyển các doanh nghiệp thành viên còn lại sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn một hoặc nhiều thành viên mà chủ sở hữu là Nhà nước; đồng thời, chuyển các tổng công ty này sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con. Đặt các doanh nghiệp có vốn nhà nước vào môi trường hợp tác và cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp khác để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh.
+ Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được đối xử bình đẳng như doanh nghiệp Việt Nam. Chúng ta đang tạo điều kiện cho đầu tư nước ngoài tham gia nhiều hơn vào phát triển các ngành, trong đó có hoạt động xây dựng, các vùng lãnh thổ phù hợp với các cam kết quốc tế của nước ta. Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng phải đối đầu với những doanh nghiệp nước ngoài có trình độ cao về quản lý, kỹ thuật, vững về tài chính, mạnh về thương hiệu, am hiểu các nguyên tắc của cơ chế thị trường.
+ Chúng ta đang đổi mới chính sách, cải thiện môi trường và thủ tục đầu tư. Hoàn thiện thể chế, tăng cường hiệu lực quản lý để đảm bảo đầu tư của Nhà nước có hiệu quả, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, thất thoát, loãng phí. Điều này chứng tỏ thị trường xây dựng đang hứa hẹn nhiều tiềm năng. Đó cũng là cơ hội, thách thức cho doanh nghiệp xây dựng.
- Những năm gần đây, Nhà nước đang tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế thị trường, tạo lập đồng bộ và vận hành thông suốt các loại thi trường, để các giao dịch thị trường diễn ra phù hợp với nguyên tắc của thị trường. Hoàn thiện hệ thống quy tắc vận hành của các tổ chức tham gia thị trường, đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế. Ví dụ, liên quan tới hoạt động xây dựng, sự ra đời Nghị định 99/2007/NĐ – CP là một điểm nhấn quan trọng đưa hoạt động xây dựng tiến sâu theo nguyên tắc của thị trường. Việc thể hiện tư tưởng tiến bộ của nghị định này sẽ được hoàn thiện dần để phù hợp và thúc đẩy thị trường xây dựng. Phát triển thị trường bất động sản trên cơ sở Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản…là một mảng rất quan trọng liên quan tới doanh nghiệp xây dựng. Giá bất động sản được hình thành theo nguyên tắc thị trường. Nhà nước tác động đến giá đất trên thị trường bằng các chính sách kinh tế vĩ mô trên cơ sở quan hệ cung – cầu. Xây dựng hệ thống đăng ký, thông tin bất động sản. Phát triển nhanh các dich vụ thị trường bất động sản.
Ngoài các yêu tố trên, thị trường tài chính, thị trường vốn, thị trường tiền tệ, các chính sách tài chính, tiền tệ, tín dụng, thị trường lao động, thị trường khoa học, công nghệ, công tác quy hoạch, kế hoạch, cải cách hành chính và nhiều động thái kinh tế khác trên đất nước đang chuyển mình theo hướng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tác động sâu sắc đến doanh nghiệp xây dựng. Nếu nhận thức đúng đắn và vận hành doanh nghiệp đúng quy luật thì đó là nền tảng cơ bản để doanh nghiệp phát triển bền vững.
Bên cạnh những vấn đề quan trọng nêu trên, chúng ta cần chú ý một số khía cạnh liên quan tới quan hệ cung- cầu đối với hoạt động xây dựng trong kinh tế thị trường:
- Trên thị trường, cung và cầu luôn luôn vận động và biến đổi. Cung – cầu luôn tác động qua lại với nhau một cách khách quan. Cung – cầu- giá cả phản ánh sự tác động qua lại giữa cung và cầu thể hiện ở giá cả và số lượng hàng hoá. Cung và cầu có mối quan hệ mật thiết với nhau. Cung tác động đến cầu, kích thích cầu. Còn về phía cầu, cầu xác định cơ cấu khối lượng của cung. Quan hệ cung- cầu ảnh hưởng tới giá cả và ngược lại giá cả tác động lên cung- cầu. Các doanh nghiệp xây dựng, các nhà thầu, các nhà đầu tư kinh doanh bất động sản, xây dựng nhà ở thương mại… cần đặc biệt chú ý vấn đề này. Thực tế, trong thị trường vật liệu xây dựng, doanh nghiệp xây dựng chịu nhiều ảnh hưởng bởi yếu tố giá cả của xi măng, sắt thép trong hai thập kỷ qua. Sự thăng trầm giá cả xi măng, sắt thép xây dựng đã gây không ít sóng gió cho các nhà thầu và các chủ đầu tư. Ví dụ, từ những năm 1988 – 1993, giá thép xây dựng dao động khoảng 4200 – 4500 VNĐ/kg. Thị trường sắt thép biến thiên, thậm chí “chao đảo” nhiều lần. Năm 2004, giá thép xây dựng tăng lên tới 11000 – 12000 VNĐ/kg, sau đó lại xuống 7000 – 8000 VNĐ/kg. Cuối năm 2007 đầu năm 2008, giá thép lại lên tới 17000 – 18000 VNĐ/kg, đầu năm 2009 lại xuống 11000 – 12000VNĐ/kg. Rõ ràng, việc quản lý hợp đồng trong hoạt động xây dựng của các nhà thầu và các chủ đầu tư trong giai đoạn qua nảy sinh nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp.
- Cung- cầu trong xây dựng phụ thuộc nhiều vào các chu kỳ hưng thịnh và suy thoái của nền kinh tế. Ở những quốc gia mà nền kinh tế đang suy thoái, việc đầu tư xây dựng công trình bị đình đốn. Nhà thầu ở những nước này thường cố gắng vươn tầm hoạt động sang những nước đang phát triển để tìm kiếm thị trường. Ở những nước kém phát triển hoặc đang có chiến tranh thì cung và cầu trong xây dựng cũng ở mức thấp. Việt Nam từ sau đổi mới, đặc biệt từ thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX, quan hệ cung – cầu trong xây dựng ngày càng tăng mạnh; tuy nhiên lại có nhiều chu kỳ nhỏ biểu hiện sự biến thiên của quan hệ cung- cầu xây dựng. Trong hưng thịnh có thể có suy thoái cục bộ. Trong suy thoái có thể có hưng thịnh cục bộ. Các doanh nghiệp xây dựng cần có kiến thức và kỹ năng để phân tích môi trường và cơ hội kinh doanh.
- Trong phạm vi sản xuất xây
lắp thì doanh nghiệp xây dựng đóng vai trò bên cung. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn nhận đơn giản như vậy thì không hợp lý. Nhà thầu xây dựng không phải chỉ là người đi “làm thuê”, người “bán công trình”, mà nếu mở rộng ra lĩnh vực đầu tư xây dựng công trình, đầu tư sản xuất kinh doanh thì nhà thầu xây lắp có lúc đóng vai trò bên cung, có lúc đóng vai trò bên cầu, nhiều trường hợp doanh nghiệp xây dựng lại là chủ đầu tư. Điều này cho thấy kiến thức quản lý kinh tế tổng hợp của doanh nghiệp xây dựng là rất quan trọng.
- Trong hoạt động xây dựng cung – cầu diễn ra mang tính gián đoạn hơn so với những ngành công nghiệp thông thường khác; vì nếu nhìn nhận theo từng chủ đâu tư riêng rẽ thì nhu cầu xây dựng công trình, nhà ở không phải là nhu cầu xảy ra thường xuyên. Doanh nghiệp xây dựng cần chú ý đặc điểm này để có đối sách phù hợp trong việc tạo công ăn việc làm thường xuyên. Trong quản trị kinh doanh nhiều người nhấn mạnh vai trò của việc “bán cho những lần mua sau”. Người ta phê phán những người bán hàng không có chữ “tín”, chỉ bán hàng “một lần” (nhiều kẻ lừa đảo cũng có kiểu bán hàng một lần). Nhưng một chủ đầu tư sau khi “mua” một công trình xây dựng thì có khi cả cuộc đời họ chỉ mua có một lần đó. Như vậy, với khách hàng này có thể chỉ mua hàng “một lần”, không có “lần mua sau”. Những nhà kinh doanh xây dựng cần chú ý tính đặc biệt này trong quan hệ cung – cầu để có những ứng xử hợp lý trong thị trường mua bán sản phẩm xây dựng. Hiểu biết “quá sơ đẳng” về kinh tế thị trường, làm ăn theo kiểu “một chăng hay chớ”, kinh doanh theo kiểu “chộp giật” không bao giờ là nền tảng cho sự nghiệp kinh doanh phát triển bền vững. Đổi mới tư duy, thường xuyên đào tạo bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng xử lý trong kinh tế thị trường là một đòi hỏi tất yếu cho bất cứ doanh nghiệp xây dựng nào.
Doanh nghiệp trong kinh tế thị trường là một vấn đề lớn trong quá trình đổi mới và phục hưng đất nước. Nhiều công trình khoa học, nhiều văn bản, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta nói về vấn đề này dưới nhiều góc độ khác nhau. Trên đây là một số trao đổi vừa liên quan tới học thuật, vừa liên quan tới thực tiễn tác động trực tiếp đến doanh nghiệp xây dựng Việt Nam trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Song song với việc bao quát, thấu hiểu những gì mà đất nước đang vận hành tác động đến “đường đi nước bước” của doanh nghiệp xây dựng, các nhà kinh doanh xây dựng phải biết thích ứng và xác định cho mình những cách thức ứng xử hợp lý trên thị trường. Các doanh nghiệp xây dựng cần có những hiểu biết sâu sắc về những đặc thù liên quan tới quan hệ cung- cầu đối với hoạt động xây dựng. Muốn phát triển bền vững phải có thế giới quan đúng đắn, tầm nhìn bền vững và kỹ năng xử lý trên thị trường đáp ứng được những đòi hỏi của nguyên lý trong sự tồn tại và phát triển bền vững của doanh nghiệp xây dựng./.
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"