NGUYỄN AN LƯƠNG – Vụ Chính sách tiền tệ – NHNN
Năm 2007 lạm phát của Việt Nam tăng cao ở mức hai con số 12,63%. Nếu so sánh với mức lạm phát của một số nước trong khu vực và trên thế giới như Trung Quốc: 6,5%; Indonesia: 6,59%; Mỹ: 4,08%, Thái Lan: 3,21%, Khu vực đồng Euro: 3,07%, Nhật Bản: 0,7% thì lạm phát của Việt Nam có phần cao hơn. Bước sang Quý I/08 lạm phát của Việt Nam đạt 9,19%, vẫn cao hơn so với mức 3,02% của Quý I/07 và bằng khoảng trên 70% so với mức tăng của cả năm 2007. Đây là mức tăng cao trong vòng 12 năm trở lại đây. Vậy thì đâu là nguyên nhân dẫn đến lạm phát của Việt Nam tăng cao? Có thể đề cập đến hai nhóm nguyên nhân: các nhân tố tác động từ kinh tế toàn cầu, và các nhân tố từ nội tại nền kinh tế Việt Nam, cụ thể như sau:
* Các nguyên nhân chính từ bối cảnh kinh tế toàn cầu:
Thứ nhất: Giá dầu và giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào của sản xuất liên tục gia tăng: Trong 4 năm từ 2003-2006 kinh tế toàn cầu liên tục tăng trưởng cao, đặc biệt là nhóm các nước “mới nổi” ở khu vực Châu á, nhất là Trung Quốc đã đẩy nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng cao đột biến, cùng với những bất ổn và xung đột chính trị quân sự tại khu vực Trung Đông là các nguyên nhân trực tiếp đẩy giá dầu lên cao chưa từng có trong lịch sử 110 USD/thùng trong tháng 3/2008, đồng thời giá các nguyên vật liệu đầu vào khác như sắt thép, phân bón, xi măng cũng liên tục gia tăng. Như vậy, giá dầu đã tăng 72%, sắt thép tăng 114%, phân bón tăng 59,6%, khí hoá lỏng tăng 95% kể từ đầu năm 2007 đến tháng 3/2008 và đây cũng là mức tăng cao nhất từ trước tới nay.
Thứ hai: Giá lương thực, thực phẩm liên tục gia tăng: xuất phát từ quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai dịch bệnh diễn ra liên tiếp, cùng với những năm tăng trưởng kinh tế mạnh trên thế giới – là những năm quá trình công nghiệp hoá được đẩy mạnh khiến diện tích đất sử dụng cho trồng trọt, chăn nuôi bị thu hẹp. Tất cả những điều trên làm sản lượng lương thực – thực phẩm ngày càng giảm mạnh. Ngoài ra, giá năng lượng tăng cao đã khiến nhiều nước sử dụng một sản lượng lớn ngũ cốc chuyển sang sản xuất nhiên liệu sinh học càng làm cho nguồn cung lương thực đã giảm càng giảm sút.
Thứ ba: Một khối lượng tiền lớn được đưa ra nền kinh tế toàn cầu: Trước việc giá dầu và giá lương thực – thực phẩm liên tục leo thang đã tạo nên cú sốc cung rất lớn đẩy lạm phát toàn cầu tăng cao, tình hình này đã buộc các NHTW phải tăng các mức lãi suất chủ chốt để kiềm chế lạm phát, cụ thể: Nhật Bản tăng 1 lần từ 0,25%- 0,5%/năm; khu vực đồng Euro tăng 2 lần từ 3,5%-3,75%-4,0%/năm; Anh tăng 3 lần từ 5%-5,5%/năm (trong đó có 1 lần giảm); Thuỵ Điển tăng 4 lần từ 3,0%-4,0%/năm; Trung Quốc tăng 6 lần từ 6,12-7,47%/năm.
Việc các nước thực hiện thắt chặt tiền tệ thông qua tăng lãi suất chủ đạo cùng với việc giá dầu, giá lương thực – thực phẩm tiếp tục tăng cao chính là nguyên nhân cơ bản đã đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái vào những tháng đầu năm 2008, mà biểu hiện là cuộc khủng hoảng cho vay dưới tiêu chuẩn của Mỹ bắt đầu từ tháng 7/2007. Trước bối cảnh lạm phát gia tăng và kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, các NHTW không còn cách nào khác là phải bơm một lượng tiền khổng lồ để cứu vãn nền kinh tế, trong đó riêng Mỹ từ tháng 8/2007 đến nay đã phải đưa ra nền kinh tế trên 2.300 tỷ USD, trong đó có 800 tỷ USD tiền mặt để cứu vãn hệ thống ngân hàng, NHTW Châu Âu, Nhật Bản, Anh cũng phải đưa một lượng tiền lớn để cứu vãn nền kinh tế cũng như hệ thống ngân hàng; cùng với việc một số NHTW phải thực hiện cắt giảm lãi suất từ tháng 8/2007 trở lại đây như Mỹ, Anh, Canada. Việc cứu vãn nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái bằng biện pháp đưa hàng nghìn tỷ USD ra nền kinh tế lại càng đẩy lạm phát toàn cầu tiếp tục tăng cao.
Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là cùng một bối cảnh thế giới như nhau, tại sao các nước khác như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia lại có mức lạm phát thấp hơn so với lạm phát của Việt Nam? Vậy, mức lạm phát của Việt Nam tăng cao trong thời gian vừa qua ngoài những yếu tố thế giới thì còn những nguyên nhân nào khác?
* Các nguyên nhân chính từ nội tại nền kinh tế Việt Nam:
Thứ nhất: Chi phí sản xuất tăng cao: Trước bối cảnh lạm phát toàn cầu gia tăng đã tác động làm giá hầu hết các nhóm hàng nhập khẩu của Việt Nam gia tăng mạnh mẽ như xăng dầu, sắt thép, phân bón, thuốc trừ sâu – là những nguyên nhiên vật liệu đầu vào chính của sản xuất. Mặc dù Chính phủ đã cố gắng kiểm soát giá xăng dầu, nhưng từ đầu năm 2007 đến hết Quý I/08 giá xăng dầu đã phải điều chỉnh tăng 4 lần, tính chung giá xăng dầu đã tăng tới 38%, giá thép tăng 91%, giá điện tăng 7,6%; giá than tăng 30%; giá xi măng tăng 15%; giá phân bón tăng 58%. Điều này đã tác động làm chi phí sản xuất tăng cao.
Thứ hai: Giá lương thực, thực phẩm tăng cao: biến đổi khí hậu toàn cầu trên thế giới không những tác động đến nhiều quốc gia mà Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Chỉ trong tháng 10/2007, miền Trung phải hứng chịu 5 cơn bão liên tiếp, trong khi đó dịch bệnh trong chăn nuôi, trồng trọt như cúm gia cầm, lợn tai xanh, lở mồm long móng ở lợn, vàng lùn ở lúa cùng với rét đậm, rét hại khiến cho nguồn cung lương thực – thực phẩm bị sụt giảm.
Mặc dù Chính phủ đã ban hành Công văn 639/BTM-XNK ngày 16/8/2007 và Công văn số 266/TTg-KTTH ngày 21/2/2008 để khống chế lượng gạo xuất khẩu tối đa nhằm kiểm soát lạm phát và đảm bảo an ninh lương thực trong nước, nhưng việc giá lương thực, thực phẩm thế giới tăng cao đã khiến giá gạo xuất khẩu và giá một số mặt hàng thực phẩm xuất khẩu khác như thuỷ hải sản gia tăng cộng với chi phí sản xuất tăng cao đã đẩy giá lương thực, thực phẩm trong nước tăng cao ở mức 18,92% năm 2007 và 14,45% trong QI/2008, cao gấp 5 lần so với mức tăng 4,18% của quý I/2007, trong khi nhóm này có quyền số 42,85%, lớn nhất trong rổ hàng hoá CPI, có thể nói đây là nguyên nhân chủ yếu tác động làm CPI tăng mạnh.
Thứ ba: Chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ liên tục mở rộng từ 2001-2006 nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: Trong vòng 3 năm trở lại đây kinh tế Việt Nam liên tục tăng trưởng ở mức rất cao trên 8%, và mục tiêu của giai đoạn này đối với Chính phủ Việt Nam là ưu tiên tăng trưởng kinh tế. Với mục tiêu này đã khuyến khích cho “chính sách tài chính, tiền tệ nới lỏng đã thực hiện trong nhiều năm liền nhưng quản lý chưa chặt chẽ” nhằm mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, và đây cũng là nhân tố góp phần khiến lạm phát bình quân từ 2005 đến 2007 tăng trên 8,01%. Tín dụng ngân hàng cho nền kinh tế tăng mạnh trong một thời gian dài nhằm phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế là một nguyên nhân quan trong làm gia tăng tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế. Các ngân hàng cũ mở rộng tín dụng bằng việc nới lỏng điều kiện cho vay, cạnh tranh nhau bằng giảm lãi suất cho vay, tăng lãi suất huy động để tìm kiếm nguồn vốn cho vay,chuyển đổi mô hình, liên doanh liên kết với các doanh nghiệp, tập đoàn để tăng vốn điều lệ, mở rộng mạng lưới nhanh chóng vượt quá khả năng quản trị, cho thành lập thêm các ngân hàng mới và tất cả các ngân hàng chủ yếu đua nhau tìm kiếm lợi nhuận từ nghiệp vụ cho vay nên càng làm cho tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng cao trong suốt năm 2007 và 3 tháng đầu năm 2008, đó là nguyên nhân rất quan trong gây sức ép rất lớn làm gia tăng lạm phát trong thời gian qua.
Thứ tư: Luồng vốn nước ngoài vào Việt Nam gia tăng mạnh: bắt đầu từ cuối năm 2006 khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), cùng với những cải cách về cơ chế chính sách và môi trường đầu tư đã tạo điều kiện cho các luồng vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam tăng mạnh. Năm 2007 luồng vốn FDI tăng 20,3 tỷ USD vốn đăng ký, cao hơn nhiều so với mức 10,2 tỷ USD của năm 2006, đặc biệt là luồng vốn đầu tư gián tiếp gia tăng mạnh mẽ khoảng trên 6 tỷ, gấp 5 lần con số của năm 2006 mà chủ yếu đổ vào thị trường chứng khoán, trái phiếu đặc biệt là đổ vào IPO các doanh nghiệp nhà nước lớn. Đứng trước bối cảnh này, Ngân hàng nhà nước đã phải cung ứng một lượng lớn tiền VND để mua ngoại tệ vào nhằm mục tiêu ổn định và phá giá nhẹ tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và điều này làm cho tổng phương tiện thanh toán tăng cao, tác động làm lạm phát gia tăng.
* Các giải pháp kiểm soát lạm phát mà NHNN đã thực hiện:
Trước việc lạm phát tăng quá cao ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của dân chúng, NHNN đã thực hiện các biện pháp thắt chặt tiền tệ với mong muốn nhanh chóng đưa chỉ số giá tiêu dùng giảm xuống, bao gồm: tăng Dự trữ bắt buộc (DTBB) 2 lần từ 5%-10%-11% đối với VND và từ 8%-10%-11% đối với ngoại tệ, đồng thời mở rộng kỳ hạn tiền gửi phải thực hiện DTBB từ <24 tháng thành tất cả các kỳ hạn; Tăng tất cả các mức lãi suất cơ bản từ 8,25%-8,75%, lãi suất tái cấp vốn từ 6,5%-7,5%, lãi suất tái chiết khấu từ 4,5%-6%; liên tục hút tiền về trên Thị trường mở; NHNN phát hành tín phiếu bắt buộc khoảng trên 20 nghìn tỷ đồng bắt đầu từ 19/3/2008 với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất 7,58%; Tiếp tục thực hiện chuyển khoảng 50 nghìn tỷ đồng từ tiền gửi kho bạc về Ngân hàng Nhà nước; Trong quý IV/2007, NHNN thực hiện hạn chế tối đa mua ngoại tệ trên thị trường liên ngân hàng để hạn chế tổng phương tiện thanh toán tăng cao; Thắt chặt cho vay chứng khoán ở mức 3%/tổng dư nợ, sau đó tiếp tục kiểm soát mức cho vay đầu tư chứng khoán không vượt quá 20% vốn điều lệ, đồng thời tăng hệ số rủi ro đối với cho vay đầu tư chứng khoán từ 150% lên 250% theo Quyết định 03 ngày 1/2/2008 của NHNN.
Việc NHNN liên tục thực hiện các biện pháp thắt chặt tiền tệ trong thời gian qua, không ít ý kiến cho rằng NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chưa thật sự linh hoạt, gây nên những “nổi sóng” nhất định trên thị trường tiền tệ. Có thể đánh giá vấn đề này như sau:
Trước bối cảnh Việt Nam bắt đầu trở thành thành viên của WTO nên lần đầu tiên phải đối mặt với tình hình đầu tư gián tiếp nước ngoài gia tăng mạnh mẽ, trong khi kinh nghiệm thực tế chưa có nhiều nên việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN có phần chưa linh hoạt, thể hiện việc NHNN “đã thực hiện đồng thời nhiều giải pháp mạnh vào cùng một thời điểm, nhưng lại thiếu đồng bộ với các biện pháp khác, tuy có góp phần ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực trên thị trường tiền tệ, nhưng cũng gây khó khăn cho NHTM, tạo nên việc chạy đua nâng lãi suất huy động vốn, gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, ảnh hưởng đến tâm lý xã hội” .
Do đó, các giải pháp của NHNN tiếp theo sẽ linh hoạt hơn trong điều hành chính sách tiền tệ theo chỉ đạo của Chính phủ, nhưng vẫn là ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.
* Các giải pháp trong thời gian tới:
Thứ nhất: Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ một cách chặt chẽ, thận trọng; sử dụng linh hoạt và hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ: xem xét việc tăng dự trữ bắt buộc; tiếp tục áp dụng biện pháp mua tín phiếu Ngân hàng Nhà nước bắt buộc đã công bố; kiểm soát tốc độ tăng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán một cách hợp lý, trong đó mức tăng trưởng tín dụng tối đa 30%; kiểm soát cho vay bất động sản, kinh doanh chứng khoán và cho vay tiêu dùng.
Thứ hai: Thực hiện hỗ trợ vốn cho các ngân hàng thương mại để đảm bảo khả năng thanh toán.
Thứ ba: Tiếp tục mua ngoại tệ của các nhà đầu tư trên cơ sở nguồn cung ứng đã được Chính phủ phê duyệt một mặt để bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước, mặt khác nhằm đáp ứng đủ vốn cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu.
Thứ tư: Tiếp tục điều hành tỷ giá giữa đồng tiền Việt Nam với đồng Đô la Mỹ nói riêng và các loại ngoại tệ nói chung theo hướng cân đối các mục tiêu xuất nhập khẩu, sản xuất trong nước và nhập siêu; mở rộng biên độ giao động của tỷ giá lên ±2%.
Thứ năm: Nghiên cứu trình Chính phủ về cơ chế kiểm soát luồng vốn gián tiếp và vấn đề các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài mua cổ phiếu bằng ngoại tệ; Tiếp tục triển khai Quyết định số 98/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Để án nâng cao tính chuyển đổi của đồng Việt Nam, khắc phục tình trạng đô la hoá trong nền kinh tế; Dự báo tình hình cung cầu ngoại tệ trên thị trường trong và ngoài nước và đề xuất các giải pháp phòng ngừa các rủi ro trong trường hợp luồng vốn đảo chiều.
Thứ sáu: Xây dựng phương án điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng trong 3 quý cuối năm 2008 để cả năm đạt được mục tiêu tăng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán không quá 30%, tránh những cú sốc trên thị trường tiền tệ; Tiếp tục bổ sung hoàn thiện cơ chế điều hành dự trữ bắt buộc, lãi suất, tái cấp vốn, nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ khác, kể cả các công cụ trực tiếp để sử dụng trong trường hợp cần thiết; NHNN phối hợp với các NHTM tổ chức thị trường repo giữa các NHTM để tổ chức hệ thống thanh toán các giao dịch này và nắm thông tin để can thiệp thị trường với tư cách là người cho vay cuối cùng.
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"