MỘT SỐ LƯU Ý ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP VIỆT NAM TRONG THỜI KINH TẾ HỘI NHẬP

Các chuyên gia có uy tín trên thế giới đều nhận định nguyên nhân của cơn bão khủng hoảng tài chính tại Mỹ bắt đầu từ phố Wall là do sự lạm dụng thái quá của các tập đoàn tài chính phố Wall trong vòng quay đồng vốn, tạo ra những giá trị tài sản ảo, đồng tiền ảo, lợi nhuận ảo và cả lỗ ảo. Trong chu chuyển tiền tệ trên thế giới trước khủng hoảng thì tỷ lệ chu chuyển ảo lớn gấp hàng trăm lần chu chuyển thật, tài sản ảo cũng lớn gấp hàng trăm lần tài sản thật. Phố Wall đã sản sinh ra cơ chế chứng khoán hoá các hợp đồng kinh tế mà trong đó tỷ lệ rất lớn là các hợp đồng “tương lai”. Phương thức này đã phát huy tác dụng rất mạnh trong những thập niên cuối thế kỷ 20 và những năm đầu thế kỷ 21. Nó làm quả bong bóng nền kinh tế thế giới tăng lên theo cấp số nhân. Thí dụ, một công ty mua một căn nhà, họ chỉ phải bỏ ra 5% giá trị ngôi nhà đó, nhưng họ lại được sở hữu cả ngôi nhà. Họ ký hợp đồng cho thuê ngôi nhà đó, và chứng khoán hoá hợp đồng cho thuê này. Sau đó, họ lại huy động một phần khoản tiền chứng khoán hoá đó để đầu tư vào một dự án ở nước khác, và họ lại dùng dự án đó để ký hợp đồng với các đối tác khác. Như vậy, với một số lượng tiền ít ỏi ban đầu, sau một thời gian ngắn, họ có thể thu lại một số lượng tài sản trên giấy rất lớn. Tài sản trên giấy này lại có giá đối với một số định chế tài chính. Và khi một trong những hợp đồng mà họ đã ký kết không được thực hiện theo kế hoạch, thì toàn bộ tài sản khổng lồ này trở lại giá trị thực ban đầu. Trên đây chỉ là một thí dụ đơn giản nhất trong vận hành của tài chính thế giới trong thời gian vừa qua. Nhưng dù sao những hoạt động này vẫn được coi là những hoạt động hợp pháp, và rủi ro về sự thất bại cũng được coi như là những rủi ro bất khả kháng. Song song với những hoạt động hợp pháp này, không thiếu những kẻ lợi dụng những hình thức hoạt động kiểu này để thực hiện các hành vi lừa đảo. Tạo ra những cái bẫy cho những người thiếu hiểu biết, thiếu thông tin.   Quay ngược lại thời gian, vào những năm cuối thập niên 90, các cơ quan chức năng Việt Nam như Ngân hàng nhà nước, Bộ tài chính đã cảnh báo các doanh nghiệp Việt Nam về hiện tượng các thủ đoạn lừa đảo núp dưới hình thức “cò” cho vay tín dụng. Mức lừa đảo ở cấp thấp, sơ đẳng là các Việt kiều hay các cá nhân nước ngoài mệnh danh công ty nọ, tập đoàn kia có nhiều vốn để cho vay. Doanh nghiệp nào có nhu cầu vay thì sẽ được xét duyệt với những chế độ hết sức ưu đãi như được vay số lượng tiền lớn, hồ sơ dự án không cần đòi hỏi chuẩn bị kĩ càng, tính khả thi của dự án không cần được chú trọng, lãi suất rất thấp, thời hạn vay dài… Với một loạt những ưu đãi này sẽ làm cho các công ty Việt Nam loá mắt và sẵn sàng nộp hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng cho các loại “cò” nói trên dưới dạng ứng trước lệ phí hoặc phí tư vấn. Sau khi nộp, các nhà môi giới tư vấn mất tăm mà tiền không về được với doanh nghiệp. Loại lừa đảo nói trên là dạng rất sơ đẳng, và không nhiều người bị mắc lừa. Sau đó, xuất hiện hình thức lừa đảo cao cấp hơn là người môi giới, tư vấn không đòi hỏi doanh nghiệp đi vay phải đưa tiền trước, thậm chí họ còn chi tiền cho các chuyến đi nước ngoài cho các chủ doanh nghiệp để tiếp xúc với công ty nọ, tập đoàn kia để khuyếch trương thanh thế. Họ chỉ yêu cầu các doanh nghiệp đưa ra các hình thức bảo lãnh ngân hàng dưới dạng BG, LC hay SLC, POF, CD… Đây coi như là một khoản bảo lãnh cho khoản vay. Họ đưa ra những bức tranh rất hấp dẫn là chỉ cần có 1 có thể vay được 10, thậm chí gấp 20, 30 lần. Những điều kiện cho vay cũng rất thuận lợi như đã đề cập trong hình thức cho vay thứ nhất ở trên. Đối tượng mà họ nhắm tới là các doanh nghiệp có khả năng thực sự, có những kiến thức hiểu biết nhất định về thương mại hay tài chính, nhưng lại thiếu kiến thức chuyên sâu, và đặc biệt thiếu kinh nghiệm. Vì về nguyên lý, hình thức cho vay này rất giống với nguyên tắc cho vay trong nền kinh tế thị trường, rất khó phân biệt giữa cái thực và cái giả. Chỉ khi đi sâu vào các chi tiết về nội dung cách thức mở bảo lãnh ngân hàng (BG), nội dung mở bảo lãnh đó… thì mới nảy sinh các bẫy mà không phải ai cũng phát hiện ra được. Thí dụ, người cho vay yêu cầu người vay phải mở một BG trị giá 5 triệu USD, nhưng nội dung BG đó phải là chuyển nhượng được (transferable), chia cắt được (dividable), vô điều kiện (unconditional) và không huỷ ngang (irrevocable). Có nhiều trường hợp còn đòi hỏi trong nội dung của BG đó phải nêu rõ ràng rằng người thụ hưởng BG được rút tiền trước ngày hết hiệu lực BG đó là 15 ngày. Thực chất, đây là một dạng hối phiếu mà người mở BG phải trao cho người hứa cho vay. Trong giới tài chính, đây gần như là một dạng tiền mặt. Như vậy, người đi vay cũng phải ứng trước một khoản tiền khá lớn để có được khoản vay. Sau khi thực hiện việc này rồi, có rất nhiều rủi ro mà khoản vay không thể thực hiện được, chủ yếu các rủi ro này nằm trong các khâu kỹ thuật, pháp lý về dự án và các quy định về tài chính, tiền tệ. Chỉ xin lấy một thí dụ về một dạng rủi ro nói ở trên: Nếu người cho vay định dùng khoản tiền bảo lãnh của người đi vay để làm một việc gì khác có khả năng sinh lời nhanh, thí dụ như chương trình High Yeild. Đây cũng là một cơn sốt trong thị trường tài chính, theo như người ta nói, chỉ sau 8 tuần, đồng tiền sẽ được nhân lên từ 8 – 12 lần số tiền ban đầu!!! Đây là một chương trình rất bí ẩn mà chưa có một định chế tài chính nào dám công khai giải thích rõ về chương trình này, thậm chí chưa có một cơ quan tài chính nào khẳng định đã thu được nguồn lợi nhuận khổng lồ từ chương trình này. Một hình thức cổ điển hơn là người ta dùng khoản tiền của người đi vay làm đòn bảy kinh tế (levier), tức là nhà đầu tư sẽ xây dựng chuỗi dự án và nguồn tài chính cho chuỗi dự án này sẽ được thực hiện dưới dạng “hòn tuyết lăn”, tức là 1 đồng vốn ban đầu sẽ gọi được 2 đồng vốn, 2 đồng vốn sẽ gọi được 8 đồng vốn, cứ thế… Hai trường hợp trên là các hoạt động kinh doanh tài chính hiện hữu nhưng đã chứa đựng những rủi ro rất cao chứ chưa nói đến là người cho vay hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến đường dây lừa đảo thì khả năng mất khoản tiền bảo lãnh của người đi vay sẽ là 100%. Ngay cả trong trường hợp bị mất do lừa đảo hay do các yếu tố bất ngờ, người đi vay cũng khó lòng đòi lại khoản tiền đó vì họ phải đối mặt với rất nhiều yếu tố kỹ thuật, pháp lý, sự khác biệt pháp luật giữa các quốc gia… Cuộc khủng hoảng tài chính đang xảy ra đã làm cho hàng nghìn tỷ đôla “bốc hơi”, hàng triệu người từ cá nhân đến công ty trên thế giới bị khánh kiệt. Đây là một bài học cho “sự tham lam của phố Wall”, và người ta đã nói đến một sự thay đổi cơ bản về hoạt động tài chính quốc tế. Có thể trong thời gian tới, những hiện tượng nói trên sẽ giảm đi phần nào đó, nhưng theo nhận định của giới tài chính rồi đâu sẽ vẫn hoàn đấy vì “tính tham lam của con người vẫn là cố hữu”, và rõ ràng đây vẫn là mảnh đất màu mỡ cho thế giới lừa đảo khai thác, tận dụng. Các doanh nghiệp Việt Nam sớm muộn sẽ buộc phải tham gia vào dòng thác nói trên. Để tồn tại được, không có một loại thuốc màu nhiệm nào khác ngoài những bài học kinh điển như phải thận trọng, hiểu biết, kỹ càng, kinh nghiệm, tỉnh táo./.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật