MỘT SỐ KIẾN NGHỊ NHẰM HOÀN THIỆN NHỮNG QUI ĐỊNH PHẤP LUẬT VỀ QUẢN LÝ THUẾ Ở VIỆT NAM

THS. NGUYỄN THỊ THỦY -  Khoa Luật Thương mại - ĐH Luật TP.HCM Sự xuất hiện của Nhà nước đòi hỏi cơ sở vật chất để đảm bảo điều kiện cho nó tồn tại và thực hiện các chức năng của mình. Nhà nước dùng quyền lực chính trị để ban hành những quy định pháp luật cần thiết làm công cụ phân phối một phần của cải xã hội và hình thành quỹ tiền tệ tập trung của Nhà nước. Sự xuất hiện sản phẩm thặng dư trong xã hội là cơ sở chủ yếu tạo khả năng và nguồn thu để thuế khóa tồn tại, phát triển. Như vậy, thuế là phạm trù có tính lịch sử và là một tất yếu khách quan xuất phát từ nhu cầu đáp ứng việc thực hiện chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước. Thuế ra đời, tồn tại và phát triển cùng với sự ra đời, tồn tại và phát triển của Nhà nước. Thuế được Nhà nước sử dụng như một công cụ kinh tế quan trọng nhằm huy động nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, góp phần điều chỉnh nền kinh tế và điều tiết thu nhập trong xã hội. Mặc dù, hệ thống pháp luật thuế đã được Nhà nước quan tâm sửa đổi thường xuyên cho phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội trong từng thời kỳ, nhưng hàng năm tình trạng thất thu thuế vẫn xảy ra và trở thành mối quan tâm không chỉ của Nhà nước mà còn đối với các doanh nghiệp và dân cư. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất thu thuế là người dân chưa được tuyên truyền một cách đầy đủ, có hệ thống về vai trò của thuế cũng như những quy định của pháp luật thuế nên sự tự giác trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước còn thấp, tình trạng trốn thuế xảy ra thường xuyên, thậm chí có nhiều người còn quan niệm trốn thuế là đương nhiên. Tình trạng trên đây xảy ra một phần cũng do những quy định của pháp luật về quản lý thuế ở Việt Nam chưa hoàn thiện, các quy định còn nhiều bất cập, tính hiệu quả chưa cao. Thậm chí pháp luật thuế còn chưa quan tâm đúng mức đến tính thực thi cũng như chưa đưa vào các văn bản pháp luật thuế những quy định về quản lý thuế mang tính hiệu quả, vì vậy, chưa đảm bảo sự công bằng trong nghĩa vụ đóng góp của người dân. Để thuế thực sự là nguồn thu chủ yếu của ngân sách Nhà nước, là công cụ kích thích nền kinh tế phát triển, đảm bảo công bằng xã hội, bài viết này xin đề cập đến tầm quan trọng của thuế đối với Nhà nước, xã hội, người dân và hướng hoàn thiện những quy định của pháp luật về quản lý thuế tại Việt Nam. Chúng ta đều biết rằng, thuế có vai trò rất quan trọng đối với một quốc gia, đối với đời sống xã hội và sự phát triển kinh tế của quốc gia đó. Có một hệ thống pháp luật thuế hoàn thiện, cơ chế quản lý thuế thích hợp là một trong những yếu tố đảm bảo công bằng xã hội, đảm bảo tính dân chủ cao. Nền kinh tế của Việt Nam trước đây vận hành theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp, mọi chi tiêu của Nhà nước hầu như đều được Nhà nước tự cân đối thông qua vay nợ và phát hành thêm tiền vào lưu thông. Chính cơ chế bao cấp đã tạo một thói quen cho người dân sự ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước. Thậm chí đa số người dân không hiểu được tầm quan trọng của thuế đối với Nhà nước và trách nhiệm của người dân trong việc thực hiện nghĩa vụ về thuế với Nhà nước. Do vậy, trong tiềm thức, người dân cho rằng trốn thuế không có gì là xấu xa. Người ta có thể lên án hành động trọm cắp một đồ vật có giá trị vài trăm ngàn đồng của một cá nhân nhưng hành động trốn thuế hàng tỷ đồng của một chủ doanh nghiệp tư nhân thì lại cho là bình thường. Nhận thức cho thấy sự hiểu biết về tính dân chủ của dân chúng chưa cao; và đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thủ tục hành chính rườm rà, nạn tiêu cực phát triển. Chúng ta thử xem xét tình huống sau đây: Người dân ở một nước phát triển khi thấy trộm vào nhà mình, họ gọi ngay cho cảnh sát. Nếu cảnh sát đến muộn, dẫn đến việc điều tra bị chậm trễ gây thiệt hại là họ sẽ kiện người cảnh sát đó, vì họ cho rằng tiền lương của người này do họ trả thông qua nghĩa vụ nộp thuế của họ cho Nhà nước. Vì vậy, người này phải có trách nhiệm phục vụ lại cho dân chúng. Ở Việt Nam, nếu rơi vào trường hợp trên, sẽ rất ít người chọn phương án khiếu kiện, thậm chí nếu người cảnh sát đến kịp thời, có lẽ đa số người bị hại thấy mình hàm ơn người cảnh sát và phải tìm cách”bồi dưỡng” để trả ơn. Sở dĩ có hành động trên đây vì đa số người dân chưa ý thức được tiền lương của công chức Nhà nước do ai trả và trong thực tế họ chưa thực hiện tốt nghĩa vụ về thuế với Nhà nước nên chưa nhận thức đúng về trách nhiệm của công chức Nhà nước đối với nhân dân. Cũng chính từ thực tế này đã dẫn đến tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu trong các cơ quan bộ máy Nhà nước. Một số công chức Nhà nước chưa hiểu được trách nhiệm của họ đối với dân chúng, họ làm việc để phục vụ ai, tiền lương mà Nhà nước trả cho họ do đâu mà có nên tìm mọi cách gây phiền hà cho người dân. Về phía người dân, do chưa ý thức rõ về quyền và nghĩa vụ của mình khi đóng thuế cho Nhà nước, chưa thực hiện tốt nghĩa vụ thuế nên họ cũng chưa thật sự có thái độ phản ứng dứt khoát khi bị gây phiền hà, sách nhiễu. Như vậy, việc tuyên truyền nội dung từng sắc thuế và nghĩa vụ nộp thuế đối với người dân đóng vai trò rất quan trọng. Thực hiện tốt điều này sẽ giúp dân chúng hiểu được nghĩa vụ phải nộp thuế của họ đối với Nhà nước và trách nhiệm của công chức Nhà nước đối với nhân dân để từ đây tránh được tình trạng nhũng nhiễu trong các cơ quan bộ máy Nhà nước, tránh được tình trạng tiêu cực xảy ra. Khi Nhà nước thu đúng, đủ tiền thuế vào ngân sách, Nhà nước sẽ có quỹ ngân sách dồi dào, đồng thời tăng khả năng tích lũy cho nền kinh tế. Thực tế những năm gần đây, Nhà nước đã quan tâm đến việc hoàn thiện hệ thống pháp luật thuế nhưng lại chưa chú trọng đến việc tuyên truyền hệ thống pháp luật thuế trong dân chúng. Các quy định pháp luật về quản lý thuế vừa bất cập, thiếu tính đồng bộ lại không mang tính khả thi. Thói quen mua bán hàng hóa phải lấy và xuất hóa đơn hầu như còn quá mới mẻ trong dân chúng. Đại bộ phận dân chúng không quan tâm đến việc số tiền thuế cấu thành trong giá cả hàng hóa, dịch vụ mà mình đã trả cho người bán có vào túi Nhà nước hay không. Người dân thì vậy, còn những người đảm nhiệm công việc thu thuế cho Nhà nước hầu như cũng chưa thật sự thấy được tầm quan trọng của thuế đối với Nhà nước, xã hội. Rất nhiều cán bộ có thẩm quyền thu thuế đã thông đồng với đối tượng nộp thuế để trốn thuế. Thậm chí, những công chức Nhà nước cũng chưa có ý thức trong việc chấp hành pháp luật thuế. Họ chỉ thắc mắc tại sao lương Nhà nước trả cho họ quá thấp, trong khi đó họ không hiểu rằng do thu ngân sách Nhà nước ít cho nên phần chi cho tiền lương của công chức Nhà nước cũng rất hạn hẹp. Chúng ta phải hình dung rằng, chiếc bánh ngân sách được làm chủ yếu từ nguyên liệu thuế, mà phần nguyên liệu này do các tổ chức, cá nhân trong xã hội đóng góp nên, nếu nguyên liệu ít, chiếc bánh sẽ nhỏ và ngược lại. Như vậy, mỗi người trong chúng ta phải có ý thức trong việc chấp hành nghĩa vụ về thuế với Nhà nước, có quỹ ngân sách Nhà nước dồi dào thì tiền lương của công chức mới cao, các chế độ chính sách xã hội mới được đảm bảo và phần tích lũy cho nền kinh tế mới nhiều. Thực hiện được điều này, hoạt động quản lý thuế của Nhà nước đóng vai trò hết sức quan trọng. Quản lý thuế là những biện pháp mà Nhà nước đề ra để thu đúng, thu đủ tiền thuế vào ngân sách, tránh tình trạng thất thu thuế xảy ra, đồng thời cũng tránh tình trạng lạm thu đối với nền kinh tế. Nếu ngân sách Nhà nước bị thất thu sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước. Còn nếu tình trạng lạm thu xảy ra sẽ là một trong những nguyên nhân kìm hãm nền kinh tế phát triển. Như vậy, nếu hoạt động quản lý thuế của Nhà nước tốt sẽ tạo được quỹ ngân sách dồi dào đồng thời là một trong những yếu tố kích thích nền kinh tế phát triển. Để hoạt động quản lý thuế của Nhà nước đạt hiệu quả cao, đồng thời đảm bảo công bằng trong nghĩa vụ đóng góp về thuế của người dân đối với Nhà nước, chúng tôi xin có một số kiến nghị nhằm hoàn thiện những quy định của pháp luật về quản lý thuế, cụ thể: Thứ nhấtCần có quy định thống nhất và chặt chẽ hoạt động mua bán hàng hóa buộc phải sử dụng hóa đơn, chứng từ. Từ khi chúng ta chuyển nền kinh tế từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường có sự quản lý Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thói quen mua bán hàng hóa phải xuất và lấy hóa đơn hầu như không được người bán và người mua quan tâm. Khi người tiêu dùng mua hàng hóa, họ chỉ quan tâm đến giá cả và chủng loại hàng hóa mà họ cần mua, chứ chưa quan tâm đến việc phải có chứng cứ pháp lý để khiếu kiện khi hàng hóa kém chất lượng hoặc không đúng quy cách đã thỏa thuận. Trong khi đó hóa đơn mua hàng, ở một số nước phát triển trên thế giới cũng như ở Việt Nam là bằng chứng pháp lý rất quan trọng để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Người tiêu dùng chỉ thấy sự phiền hà khi phải đòi hóa đơn từ người bán mà chưa thấy được nếu có tờ hóa đơn trong tay thì vấn đề chứng minh hàng hóa đó được mua ở đâu, trách nhiệm của người bán khi hàng hóa kém chất lượng, hư hỏng… Đã đến lúc, Nhà nước phải có những quy định để buộc hoạt động mua bán hàng hóa phải có hóa đơn. Muốn thực hiện được điều này, Nhà nước phải hoàn thiện pháp luật về thuế thu nhập cá nhân. Cụ thể, thay vì đánh thuế trên từng cá nhân có thu nhập cao như hiện nay, chúng ta nên đánh thuế theo hộ gia đình (dựa trên quan hệ huyết thống ba đời: ông bà, cha mẹ, con cái). Nhà nước nên thu thuế theo hướng sau khi đã trừ đi các khoản chi phí cần thiết cho cuộc sống, số thu nhập còn lại chia đều cho các thành viên trong gia đình đến một mức độ nhất định thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Cách thu thuế như trên vừa đảm bảo bình đẳng trong nghĩa vụ đóng góp của cá nhân vừa tạo thói quen cho người dân khi mua hàng hóa phải lấy hóa đơn. Bởi vì nếu họ không lấy hóa đơn, thì những khoản chi phí họ bỏ ra để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng hàng ngày sẽ không được coi là chi phí để trừ vào thu nhập chịu thuế. Để quy định này mang tính khả thi, trước tiên cơ quan thuế phải thực hiện công tác quản lý đối tượng nộp thuế thật tốt. Cơ quan thuế phải phối hợp với cơ quan công an và chính quyền địa phương để tiến hành cấp và quản lý mã số thuế cho từng hộ gia đình. Điều này, bước đầu sẽ gặp khó khăn, nhưng về lâu dài, chúng ta cũng phải tiến hành. Bởi vì, có như vậy, người dân mới thực sự hiểu được quyền và nghĩa vụ tài chính của mình đối với Nhà nước. Thứ haiNhà nước cần quy định và quản lý các hoạt động mua bán hàng hóa phải thanh toán qua ngân hàng. Hiện nay, việc thanh toán bằng tiền mặt được người dân sử dụng rất phổ biến. Thậm chí ngay cả các doanh nghiệp khi tiến hành thanh toán với nhau họ cũng sử dụng hình thức thanh toán bằng tiền mặt. Thói quen này đã dẫn đến hoạt động quản lý Nhà nước về tiền tệ rất khó khăn. Cụ thể, ngân hàng Nhà nước thì khó kiểm soát được khối lượng tiền trong lưu thông, do vậy, việc đề ra các biện pháp để ổn định giá trị đồng tiền chưa được kịp thời. Hơn nữa, khi nền kinh tế chủ yếu sử dụng bằng tiền mặt sẽ dẫn đến chi phí in tiền cao, đồng thời Nhà nước rất khó kiểm soát các quan hệ mua bán hàng hóa diễn ra trên thị trường. Chính sự bất cập này đã dẫn đến các đối tượng nộp thuế càng có điều kiện để trốn thuế nhất là hoạt động bán hàng hóa cho người tiêu dùng vì đây là khâu cuối cùng trong quá trình kinh doanh của các doanh nghiệp. Khi các quan hệ mua bán hàng hóa buộc phải thanh toán qua ngân hàng, Nhà nước sẽ dễ kiểm soát được thu nhập của các tổ chức, cá nhân cũng như tạo điều kiện cho cơ quan thuế quản lý tốt đối tượng nộp thuế. Chính vì những lý do trên đây mà pháp luật nên quy định thống nhất các quan hệ mua bán hàng hóa phải thanh toán thông qua ngân hàng. Tuy nhiên do đặc thù 70% dân số Việt Nam là ở nông thôn nên trước mắt chúng ta chỉ quy định bắt buộc đối với những đối tượng cư trú ở vùng thành thị mà thôi. Để thực hiện được điều này, cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan như ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Kho bạc Nhà nước, cơ quan thuế. Cụ thể, ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần phải quy định rõ những quan hệ mua bán nào buộc phải thanh toán qua ngân hàng, Kho bạc Nhà nước cần tiến hành chi trả tiền lương vào tài khoản của các cá nhân nhận lương từ ngân sách Nhà nước tại ngân hàng. Cơ quan thuế thì phải quản lý mã số thuế của đối tượng nộp thuế tương ứng với số tài khoản của cá nhân và tổ chức tại ngân hàng. Sau khi làm thí điểm đối với những đối tượng được Nhà nước trả lương một thời gian, pháp luật cần quy định tất cả các khoản chi trả tiền lương của các doanh nghiệp đối với người lao động cũng phải tiến hành chi trả thông qua tài khoản của các cá nhân tại ngân hàng. Giải pháp này, trước mắt đối với Việt Nam có thể sẽ rất khó khăn nhưng thiết nghĩ, trước sau gì chúng ta cũng phải làm. Bởi vì thực hiện được điều này, chúng ta mới có sự thay đổi căn bản phong cách làm việc của hệ thống ngân hàng Việt Nam, giúp hệ thống ngân hàng Việt Nam có thể sánh với hệ thống ngân hàng các nước phát triển. Trên thực tế, hoạt động thanh toán qua ngân hàng và chi trả tiền lương thông qua tài khoản tại ngân hàng đã được các nước phát triển áp dụng từ lâu. Cách thức quản lý này đã đem lại những hiệu quả đáng kể, cụ thể, cơ quan thuế rất dễ dàng trong việc thực hiện quản lý thu nhập và chi tiêu của các doanh nghiệp cũng như các cá nhân; hệ thống ngân hàng có điều kiện nắm giữ tiền nhàn rỗi trong công chúng để tiến hành cho vay lại đối với nền kinh tế; Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm bớt được chi phí in tiền và thuận tiện trong việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tiền tệ. Chính vì những lý do trên đây, chúng tôi xin đưa ra kiến nghị, ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên sớm ban hành văn bản buộc các tổ chức, cá nhân (đối với công chức Nhà nước và những người làm công ăn lương tại các doanh nghiệp) phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng đối với hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ. Về phía Bộ tài chính cần sớm quy định về việc quản lý và cấp mã số thuế cho các cá nhân, hộ gia đình. Riêng đối với các tổ chức tín dụng là ngân hàng thì phải có nhiệm vụ mở và quản lý tài khoản của các tổ chức, cá nhân và tiến hành thanh toán qua ngân hàng cho những chủ thể này. Thực hiện đồng bộ những đề xuất trên đây, thì hoạt động quản lý thuế của Nhà nước mới mang lại hiệu quả cao. Thứ baNhà nước cần có biện pháp quản lý hóa đơn chứng từ hiệu quả. Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định 89/2002/NĐ-CP quy định về việc in, phát hành, sử dụng, quản lý hóa đơn chứng từ và Bộ tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 120/2002/TT-BTC hướng dẫn NĐ 89/CP. Hai văn bản trên đây phần nào đã quy định rõ những hành vi vi phạm chế độ hóa đơn chứng từ và mức xử phạt cụ thể cho từng hành vi, tuy nhiên với mức phạt cao nhất được quy định là 50.000.000 VND thiết nghĩ vẫn chưa đủ mạnh để răn đe đối với những hành vi vi phạm về hóa đơn chứng từ. Hiện nay, một vấn đề đang gây đau đầu cho các nhà quản lý thuế và là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây thất thu cho ngân sách Nhà nước là tình trạng hóa đơn do Bộ Tài chính phát hành được đem ra bán một cách công khai trên thị trường. Hành vi này gây thiệt hại lớn cho Nhà nước không chỉ ở góc độ hợp thức hóa các khoản chi tiêu không đúng chế độ trong các cơ quan bộ máy Nhà nước mà còn tạo điều kiện cho một số các doanh nghiệp lợi dụng để rút tiền hoàn thuế từ ngân sách Nhà nước. Trước tình trạng trên đây, Bộ tài chính cần có cơ chế quản lý hóa đơn thích hợp. Theo chúng tôi, Bộ tài chính nên hạn chế tối đa việc bán hóa đơn cho các doanh nghiệp mà dần tiến tới để các doanh nghiệp tự in hóa đơn sau khi đã đăng ký với cơ quan thuế. Khi các doanh nghiệp tự in hóa đơn thì phải có trách nhiệm đối với số lượng hóa đơn do mình phát hành, nếu để thất thoát thì tự các doanh nghiệp đó phải có trách nhiệm bồi thường cho Nhà nước. Đồng thời, Bộ tài chính phải xây dựng định chế quản lý hóa đơn rõ ràng. Cụ thể, đối với các doanh nghiệp phát hành hóa đơn phải chịu trách nhiệm đối với hóa đơn của mình khi đã phát hành. Người thụ hưởng hóa đơn có quyền kiểm soát hóa đơn vì đã ủy quyền cho bên bán hàng nộp thuế thay mình. Cơ quan thuế có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát hóa đơn khi tiến hành quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân. Để thực hiện tốt những đề xuất trên, chúng tôi xin kiến nghị, Nhà nước nên có văn bản quy định bảo vệ quyền sở hữu của người mua hàng có hóa đơn hợp pháp, bằng cách công nhận quyền sở hữu hàng hóa, dịch vụ của người mua hàng nếu có tranh chấp dân sự xảy ra để tạo ý thức tự kiểm tra, kiểm soát đối với chứng từ, hóa đơn của doanh nghiệp đã phát hành. Thứ tưPháp luật cần quy định rõ chế tài đối với hành vi trốn thuế và hành vi chiếm đoạt tài sản của Nhà nước. Chúng ta cũng biết rằng, dựa vào tính chất động viên vào ngân sách Nhà nước, thuế được phân thành hai loại là thuế trực thu và thuế gián thu. Thuế trực thu là thuế thu trực tiếp vào đối tượng nộp thuế, đối tượng nộp thuế phải trích một phần thu nhập của mình để nộp vào ngân sách Nhà nước. Còn thuế gián thu là loại thuế thu gián tiếp thông qua giá cả hàng hóa và dịch vụ. Đối với sắc thuế này, người bán sẽ thu hộ Nhà nước từ người mua thông qua giá bán, sau đó có nghĩa vụ nộp vào ngân sách Nhà nước. Như vậy, với cách phân loại trên đây, nếu đối tượng nộp thuế không nộp thuế vào ngân sách Nhà nước thì pháp luật không thể đánh đồng hai hành vi này để cho rằng đều là hành vi trốn thuế. Theo chúng tôi, đối với thuế trực thu, nếu đối tượng nộp thuế không đóng thuế cho Nhà nước thì có thể coi là hành vi trốn thuế vì người này đã không trích một phần từ thu nhập của họ để nộp vào ngân sách Nhà nước. Nhưng đối với thuế gián thu, nếu đối tượng nộp thuế (người bán hàng) đã tiến hành thu thuế thay Nhà nước thông qua giá cả hàng hóa và dịch vụ mà sau đó không nộp vào ngân sách Nhà nước thì phải coi đây là hành vi chiếm đoạt tài sản của Nhà nước. Trên thực tế, theo quy định của pháp luật thì hai hành vi trên đều được coi là hành vi trốn thuế và áp dụng Điều  161 Bộ luật Hình sự để xác định trách nhiệm hình sự với mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù giam. Theo chúng tôi quy định trên đây chưa thật sự hợp lý; bởi vì, thứ nhất, chúng ta không thể gộp hai hành vi khác nhau để đưa vào một tội trong Bộ luật Hình sự; thứ hai, mức hình phạt quy định đối với các hành vi này là quá nhẹ, không tương xứng với hành vi vi phạm và chưa đảm bảo được tính răn đe giáo dục đối với loại tội này. Chính vì những lý do trên đây, chúng tôi xin kiến nghị, Bộ luật Hình sự nên phân biệt rõ hai loại tội danh trên đây căn cứ vào hành vi phạm tội như đã phân tích ở trên, đồng thời phải tăng mức hình phạt đối với loại tội này để đảm bảo tính răn đe và tương xứng với mức độ nguy hiểm mà hành vi này gây ra đối với Nhà nước và xã hội. Tóm lại, để góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, đảm bảo khả năng tích lũy của nền kinh tế chiếm tỷ trọng lớn trong GDP, đồng thời kích thích nền kinh tế phát triển chúng ta cần phải quan tâm đến việc tuyên truyền pháp luật thuế và hoàn thiện những quy định của pháp luật về quản lý thuế. Thực tế những năm gần đây, vấn đề thất thu thuế đang là mối quan tâm của không chỉ Nhà nước mà còn đối với các doanh nghiệp và tầng lớp dân cư. Nếu hệ thống thuế của chúng ta bất cập, không đảm bảo công bằng về nghĩa vụ đóng góp của các chủ thể trong xã hội sẽ là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự bất công trong xã hội. Có một hệ thống thuế hoàn thiện và công bằng cũng như cơ chế quản lý thuế thích hợp sẽ giúp cho các chủ thể trong xã hội nhận thức được rằng, thực hiện tốt nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước vừa là quyền vừa là nghĩa vụ. Số thu từ thuế sẽ được Nhà nước hoàn trả gián tiếp lại cho người dân thông qua việc xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, đảm bảo các chính sách về mặt xã hội và tăng tích lũy cho nền kinh tế. Muốn đất nước phát triển, các chế độ xã hội được đảm bảo, Nhà nước cần phải quan tâm hơn nữa đến việc tuyên truyền hệ thống pháp luật thuế trong dân chúng, phải giúp người dân hiểu rằng thực hiện tốt nghĩa vụ thuế với Nhà nước là hành động yêu nước. Để thực hiện được điều này thì từ phía Nhà nước phải xây dựng được hệ thống pháp luật thuế hoàn thiện, những quy định về quản lý thuế phải hiệu quả, đảm bảo thuế vừa là nguồn thu chủ yếu của ngân sách Nhà nước, vừa là công cụ kích thích nền kinh tế phát triển lại vừa là công cụ nhằm điều tiết thu nhập và thực hiện công bằng xã hội.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật