MỘT SỐ GIẢI PHÁP VỀ CHÍNH SÁCH TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ DOANH NGHIỆP

TS. LÊ XUÂN NGHĨA -  Vụ trưởng, Vụ chiến lược phát triển – Ngân hàng Nhà nước VN 1. Chính sách tỷ giá hối đoái hiện nay Chính sách tỷ giá hối đoái hiện nay nặng về quản lý tỷ giá hối đoái danh nghĩa, thiếu các phân tích và đánh giá thường xuyên về tỷ giá hối đoái thực và mức độ tác động đến lạm phát, xuất khẩu … để có chính sách điều chỉnh thích hợp. Chính sách tỷ giá hối đoái neo chặt vào USD về cơ bản ổn định (mức độ phá giá không quá 1%/năm) trong khi lạm phát khá cao. Điều này tạo ra nhiều hiệu ứng phức tạp, cụ thể: - Doanh nghiệp có thói quen ỷ lại vào tỷ giá ổn định, tận dụng lợi thế về tài nguyên và lao động rẻ, ít chú ý đến đổi mới công nghệ và giá trị gia tăng của sản phẩm, không quan tâm phòng ngừa rủi ro hối đoái; không lựa chọn các đồng tiền thanh toán có lợi thế. Vì vậy, doanh nghiệp thường có phản ứng thái quá khi VND lên giá nhẹ. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong khu vực ASEAN đã vượt qua dễ dàng áp lực các đồng tiền bản địa lên giá mạnh so với USD (khoảng từ 20-25%) trên cơ sở cải tiến công nghệ, tiết kiệm chi phí và thay đổi thị trường mục tiêu, thay đổi đồng tiền thanh toán, thực hiện các công cụ phái sinh phòng ngừa rủi ro hối đoái. - Do tỷ giá hối đoái căn bản ổn định (không có rủi ro hối đoái) nên các nhà đầu tư dễ dàng tận dụng chênh lệch lãi suất nội tệ và ngoại tệ; chênh lệch lãi suất trong nước và quốc tế để đầu cơ tiền tệ, khiến cho thị trường biến động mạnh, tình trạng thừa, thiếu ngoại tệ rất khó dự báo, ảnh hưởng xấu đến hiệu quả chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Trong điều kiện thắt chặt tiền tệ, với chính sách tỷ giá như trên cũng làm tăng xu hướng các ngân hàng thương mại vay vốn ngắn hạn từ nước ngoài (kể cả ngân hàng nước ngoài) mà chủ yếu để tài trợ nhập khẩu. Điều này cũng làm tăng đáng kể rủi ro đối với an toàn hệ thống ngân hàng (giống như tình hình Thái Lan trước khủng hoảng 1997). - Giao dịch tài khoản vốn về cơ bản đã được tự do hóa ngoại trừ một số hạn chế kỹ thuật và các giới hạn tỷ lệ nắm giữ cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Điều này đòi hỏi chính sách tỷ giá hối đoái cần được linh hoạt hơn và sự phối hợp chính sách lãi suất của Ngân hàng Nhà nước cần chặt chẽ hơn. Chính sách tỷ giá hối đoái càng linh hoạt (biên độ tỷ giá hối đoái càng rộng) thì hiệu ứng của các công cụ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước càng mạnh mẽ.   2. Một số giải pháp kiến nghị về chính sách tỷ giá hối đoái hỗ trợ phát triển kinh tế và doanh nghiệp - Cơ chế điều hành tỷ giá hối đoái Chính sách nới lỏng biên độ tỷ giá hối đoái hiện nay là đúng hướng, tuy nhiên mức độ nới lỏng quá ít và lộ trình nới lỏng quá chậm chạp không phù hợp với mức độ tự do hóa giao dịch tài khoản vốn. Vì vậy, cần nới lỏng biên độ tỷ giá hối đoái. Với biên độ tương đối rộng vừa giảm sức ép lạm phát, vừa giảm mức độ cần phải can thiệp của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời tạo điều kiện cho thị trường tự điều chỉnh theo quan hệ cung cầu ngoại tệ. Ví dụ, hiện nay thâm hụt thương mại đang rất lớn, vì vậy thị trường sẽ điều chỉnh tỷ giá hối đoái tăng lên, tỷ giá hối đoái tăng có tác dụng làm giảm thâm hụt thương mại; nhưng do biên độ hẹp và do can thiệp bán ra của Ngân hàng Nhà nước, nên hiệu ứng điều chỉnh nói trên của thị trường không thể đạt được, kết quả là thâm hụt thương mại có thể còn kéo dài. - Thay thế chế độ tỷ giá gắn với USD bằng chế độ tỷ giá gắn với một rổ tiền tệ. Theo đó tỷ giá hối đoái được xác định theo quan hệ cung cầu trên thị trường ngoại hối và xu hướng biến động của các đồng tiền chủ chốt có thể từ 3 đến 5 đồng tiền có tỷ trọng thương mại lớn nhất. Các đồng tiền này sẽ tham gia vào rổ tiền tệ với trọng số theo quan hệ thương mại và đầu tư vào VN. Các trọng số và đồng tiền được điều chỉnh tùy theo sự thay đổi của thương mại và đầu tư và được giữ bí mật. Ví dụ, Singapore đang thực hiện theo cách này với rổ tiền tệ gồm 3 đồng tiền nhưng họ giữ bí mật đồng tiền nào và trọng số được tính trong rổ là bao nhiêu. - Cần phân tích sâu hơn về tỷ giá hối đoái thực hiệu quả gắn với một rổ tiền tệ xác định Như đã đề cập ở trên, nhằm xác lập được mức tỷ giá cân bằng trung tâm (central parity) làm cơ sở để điều hành tỷ giá và biên độ thích hợp trong từng giai đoạn cụ thể. Mức cân bằng trung tâm là mức mà tỷ giá hối đoái danh nghĩa cần đạt được để tỷ giá hối đoái thực cân bằng tính theo cùng một năm gốc. - Hệ thống lãi suất của Ngân hàng Trung ương – công cụ điều chỉnh tỷ giá hối đoái Chú trọng sử dụng hệ thống lãi suất của Ngân hàng Trung ương như là công cụ điều chỉnh tỷ giá hối đoái ngoài việc mua vào, bán ra qua dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước. Để làm được điều đó lãi suất của Ngân hàng Trung ương phải phản ánh đầy đủ mức độ tăng giảm của cung tiền nội tệ. Đến lượt nó mức tăng giảm cung tiền phụ thuộc vào dự báo lạm phát. Ngân hàng Nhà nước chỉ mua vào và bán ra ngoại tệ trong trường hợp cung cầu không cân bằng tại mức tỷ giá cân bằng trung tâm. - Một số chính sách hỗ trợ khác + Cần cho phép các ngân hàng thương mại (được phép kinh doanh ngoại tệ) mua bán ngoại tệ hai chiều một cách bình thường với tất cả các nhu cầu giao dịch (như đã thí điểm tại EXIMBANK). Trên cơ sở đó, cùng với việc nới rộng biên độ tỷ giá hối đoái tạo ra thị trường hối đoái thông suốt, liên tục bao gồm cả thị trường giao ngay, hoán đổi và kỳ hạn. Một thị trường hối đoái với sự đa dạng của loại hình và công cụ giao dịch sẽ làm tăng khả năng cân bằng cung cầu, hạn chế đầu cơ, găm giữ ngoại tệ tạo ra niềm tin đối với công chúng và nhà đầu tư về khả năng tiếp cận thị trường. + Cần để lãi suất hình thành theo nguyên tắc thị trường đảm bảo cấu trúc kỳ hạn và cấu trúc rủi ro của lãi suất. (Ở Mỹ hiện nay, lãi suất huy động của các ngân hàng lớn từ 3,25 – 3,75%/năm; trong khi đó các ngân hàng thương mại nhỏ huy động phổ biến từ 4,25% – 5%/năm. Các ngân hàng nhỏ cho vay ra với lãi suất cao hơn các ngân hàng thương mại lớn, đối tượng cho vay chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ theo phân khúc thị trường). Đây là giải pháp then chốt nhằm thu hút vốn vào ngân hàng và cho vay hiệu quả với rủi ro thấp (ngân hàng là một tổ chức tín dụng chuyên nghiệp). Tránh tình trạng đầu cơ vào vàng và nguyên vật liệu nhập khẩu làm trầm trọng thêm thâm hụt thương mại. Mặt khác, chỉ trên cơ sở lãi suất thị trường thì tác động của nó đến tỷ giá hối đoái mới đồng thuận với mục tiêu thắt chặt tiền tệ chống lạm phát. + Giám sát và có biện pháp quản lý hữu hiệu đối với các khoản vay ngắn hạn từ nước ngoài của các ngân hàng hoặc vay ngắn hạn của ngân hàng có bảo lãnh từ ngân hàng, các khoản trái phiếu bằng ngoại tệ kể cả của chính phủ. Các khoản vay ngắn hạn thường tăng lên rất nhanh gắn với tài trợ L/C nhập khẩu. Đây là yếu tố làm cho cung cầu ngoại tệ biến động mạnh và bất thường, gây khó khăn lớn cho việc điều hành tỷ giá hối đoái và lãi suất ngoại tệ – cũng như nội tệ. + Trong những năm tới, dự báo luồng vốn đầu tư nước ngoài vào VN vẫn còn rất lớn. Trong điều kiện chưa thả nổi tỷ giá hối đoái thì việc mua ngoại tệ vào và trung hòa tiền tệ vẫn phải tiếp tục thực hiện. Vì vậy, tình trạng mua cao bán thấp vẫn còn là áp lực lớn đối với dòng tiền của Ngân hàng Nhà nước. Ngoài các biện pháp đang áp dụng như: (1) Duy trì dự trữ bắt buộc ở mức tương đối cao; (2) phát hành tín phiếu NHTW với lãi suất thị trường; (3) nới rộng hơn nữa biên độ tỷ giá hối đoái, cần áp dụng thêm các biện pháp khác. Cụ thể là, · Ủy thác đầu tư với số lượng lớn ngoại tệ (hàng tỷ USD) cho một số ngân hàng quốc tế lớn với mức lãi suất thỏa thuận, cao hơn lãi suất tiền gửi thông thường. · Một số nước như Trung Quốc, Ả Rập thành lập quỹ kinh doanh chứng khoán quốc tế (Trung Quốc có quỹ 300 tỷ USD) từ ngoại tệ dự trữ nhằm tạo ra thu nhập cao hơn so với lãi suất tiền gửi. Tuy nhiên đây là biện pháp phức tạp đòi hỏi nhân lực có kỹ năng đầu tư quốc tế tốt. + Biện pháp quản lý vốn vào. Trước mắt thị trường chứng khoán đang giảm mạnh, do vậy việc quản lý vốn vào chưa cần thiết. Tuy nhiên, về lâu dài cần nghiên cứu để áp dụng một số biện pháp quản lý vốn vào trong những trường hợp cần thiết. Một số biện pháp đã áp dụng ở một số nước như chính sách tỷ giá hối đoái kép (tỷ giá mua bán ngoại tệ để đầu tư chứng khoán khác với tỷ giá thương mại); các biện pháp quản lý định lượng như hạn mức mua ngoại tệ đối với đầu tu chứng khoán; dự trữ bắt buộc đối với tiền đầu tư chứng khoán; phong tỏa tài sản lưu ký một năm; đánh thuế cân bằng lãi suất (thuế chênh lệch lãi suất nội địa và quốc tế)… Tuy nhiên, các biện pháp thuế như thuế giao dịch ngoại tệ kinh doanh chứng khoán; thuế lợi tức kinh doanh chứng khoán và thuế cân bằng lãi suất tỏ ra có hiệu quả hơn cả. Ở VN, kinh doanh chứng khoán trên tài khoản mở tại ngân hàng thương mại, nên việc áp dụng chính sách thuế càng thuận lợi. - Đối với doanh nghiệp Tỷ giá hối đoái tăng có lợi cho các nhà xuất khẩu và hạn chế tình trạng nhập siêu, đồng thời cũng có tác dụng giảm sức ép lạm phát. Tuy nhiên, trong ngắn hạn sẽ gây ra một số khó khăn cho doanh nghiệp như các quyết định đầu tư sẽ phải tính đến rủi ro hối đoái, đặc biệt các doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu. Vì vậy, để giảm thiểu những rủi ro này các doanh nghiệp cần phối hợp với ngân hàng thương mại thực hiện các công cụ phái sinh như hợp đồng forwad, futures, swaps. Cũng cần lưu ý rằng những biến động tỷ giá hối đoái thường lớn hơn biến động về lãi suất vì vậy việc tiết giảm chi phí phòng ngừa rủi ro hối đoái trong ngắn hạn là vô cùng quan trọng. Về dài hạn, các doanh nghiệp cần tập trung vào những tác động kinh tế thực sự của việc biến đổi tiền tệ và cần thiết xây dựng một chiến lược quản lý rủi ro hối đoái, cùng với các chiến lược như marketing, sản xuất và quản lý tài chánh thích hợp để đối phó với những tác động kinh tế của việc biến động tỉ giá hối đoái. Bởi vì, sự biến động tỉ giá hối đoái kéo theo sự thay đổi giá bán sản phẩm làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của công ty. Vì vậy, ban điều hành cần điều chỉnh quá trình sản xuất, kế hoạch marketing -mix để tạo ra tương quan giá mới để đảm bảo lợi nhuận lâu dài. Các công ty có thể ngăn ngừa những rủi ro dựa vào thu chi ngoại tệ đã được dự trù trước, nhưng ngược lại, những rủi ro cạnh tranh, – vấn đề này xuất phát từ sự cạnh tranh với các công ty dựa vào loại tiền tệ khác- là lâu dài, khó để định lượng và không thể giải quyết đơn thuần thông qua những kỹ thuật phòng ngừa giản đơn.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật