MỘT SỐ BẤT CẬP CỦA PHÁP LUẬT VỀ CỔ PHẦN HÓA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI NHÀ NƯỚC

NGUYỄN CAO KHỔI Cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đối với hầu hết các doanh nghiệp nhà nước ở nước ta hiện nay, thì việc cổ phần hóa còn là cơ hội để huy động vốn của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước; đồng thời, có điều kiện tăng năng lực tài chính, đổi mới công nghệ và phương thức quản lý cho phù hợp với tình hình mới. Thực tiễn, trong những năm qua, phần lớn các doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa đều hoạt động kinh doanh có hiệu quả hơn. Điều đó, càng khẳng định tính đúng đắn của Đảng và Nhà nước về chủ trương chuyển các doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần. Trong những năm bao cấp trước đây, các doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo chỉ tiêu pháp lệnh, nên các doanh nghiệp này thường không quan tâm đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của mình mà chỉ tìm mọi cách để hoàn theo chỉ tiêu, kế hoạch do cơ quan cấp trên phân bổ xuống vì mọi công việc đều đã được Nhà nước làm thay, kể cả việc tính toán đầu vào và đầu ra. Cho nên, khi nước ta chuyển từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường, những yếu kém và hạn chế của các doanh nghiệp nhà nước đã bộc lộ rõ, như: nợ nần kéo dài, quản lý yếu kém, máy móc – thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu… Do đó, các doanh nghiệp nhà nước khó có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh và thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Để bảo đảm cho thành phần kinh tế nhà nước tiếp tục giữ vai trò chủ đạo và Nhà nước có thể kiểm soát, quản lý được hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước trên thị trường, trong giai đoạn đầu của quá trình cổ phần hoá, Nhà nước chỉ cổ phần hoá những doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Tuy nhiên, do các doanh nghiệp nhà nước được chọn để cổ phần hóa có vốn điều lệ thấp (dưới 10 tỷ đồng) và hoạt động kinh doanh không có hiệu quả (không có lãi hoặc có lãi không đáng kể), nên việc bán cổ phần của các doanh nghiệp này khi cổ phần hóa thường không thể tổ chức bán đấu giá công khai ra công chúng mà thường thực hiện bán đấu giá khép kín trong nội bộ doanh nghiệp cổ phần hóa. Mặt khác, năm 2000 thị trường chứng khoán nước ta được hình thành và đi vào họat động, nhưng số đông các doanh nghiệp cổ phần hóa nêu trên không đủ điều kiện để niêm yết (mức vốn thấp…). Một số ít doanh nghiệp cổ phần hóa đủ điều kiện niêm yết trên thị trường chứng khoán, song cổ phiếu của các doanh nghiệp này không đủ sức hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư. Do đó, thị trường chứng khoán Việt Nam đầu những năm 2000 luôn ở trong tình trạng thiếu hàng có chất lượng cao. Chính vì lẽ đó, Chính phủ đã quyết định mở rộng diện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 9 khóa IX. Trong lĩnh vực ngân hàng, theo lộ trình được Chính phủ phê duyệt, năm 2005 – 2006 Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) phải thực hiện cổ phần hóa. Năm 2007 – 2008, cổ phần hóa Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Công thương Việt Nam (Incombank). Cuối cùng là cổ phần hóa Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) vào năm 2008. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, đặc biệt là sự bất cập và quy định thiếu đầy đủ của pháp luật hiện hành, nên cả 4 ngân hàng thương mại nhà nước đầu tiên không thể thực hiện được các công việc cổ phần hóa theo đúng lộ trình được duyệt. Cho đến nay, Chính phủ đã nhiều lần sửa đổi và ban hành các nghị định khác nhau hướng dẫn về việc chuyển đổi các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sang công ty cổ phần, nhưng tiến độ cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước vẫn không thực hiện theo đúng kế hoạch. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2007 (sau đây gọi tắt là Nghị định số 109) hướng dẫn về việc chuyển các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, trong đó có các ngân hàng thương mại nhà nước. Nghị định số 109 được đánh giá là cởi mở, thông thoáng, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, dưới góc độ cổ phần hoá các ngân hàng thương mại nhà nước, chúng tôi thấy có một số khó khăn, vướng mắc dưới đây khi thực hiện Nghị định số 109: 1. Tổ chức đấu thầu hay đấu giá riêng giữa các nhà đầu tư chiến lược? Cho đến nay, có 4/5 ngân hàng thương mại nhà nước đang thực hiện việc cổ phần hoá theo chỉ đạo của Chính phủ, bao gồm: Vietcombank, MHB, BIDV, Incombank. Nhận thấy những hạn chế của mình trong bối cảnh hội nhập quốc tế (như sản phẩm dịch vụ còn đơn điệu, vốn thấp, công nghệ lạc hậu… so với các tổ chức tín dụng nước ngoài), nên khi cổ phần hoá, các ngân hàng này đều mong muốn bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài để nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật của họ. Tuỳ theo đặc điểm và điều kiện thực tế của từng ngân hàng, các ngân hàng thương mại nhà nước có thể xây dựng tiêu chí và điều kiện lựa chọn nhà đầu tư chiến lược riêng cho phù hợp. Theo quy định chung của Chính phủ, nhà đầu tư chiến lược nước ngoài được lựa chọn phải am hiểu thị trường, văn hóa Việt Nam và có tiềm năng tài chính mạnh thực sự, có những thế mạnh mà ngân hàng cổ phần hóa đang cần mở rộng, phát triển. Chính phủ có những quy định riêng về bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Trước đây, Nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ (sau đây gọi là Nghị định số 187) quy định nhà đầu tư chiến lược được mua tối đa 20% số cổ phần bán ra với giá giảm 20% so với giá đấu bình quân. Do đó, nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần phổ thông của ngân hàng cổ phần hóa theo giá ưu đãi sau khi ngân hàng đó đã tổ chức bán xong cổ phần lần đầu ra công chúng. Đổi lại, nhà đầu tư chiến lược nước ngoài phải có văn bản cam kết và bảo đảm hỗ trợ ngân hàng cổ phần hóa trong việc phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, nâng cao năng lực quản trị, điều hành và áp dụng công nghệ hiện đại. Trong thời hạn 5 năm kể từ ngày trở thành nhà đầu tư chiến lược tại một ngân hàng Việt Nam, nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và người có liên quan không được phép chuyển nhượng cổ phần thuộc sở hữu của mình cho tổ chức, cá nhân khác (kể cả trong nước và ngoài nước). Sau một thời gian thực hiện Nghị định số 187, Chính phủ thấy rằng việc nhà đầu tư chiến lược nước ngoài được mua cổ phần theo giá ưu đãi nêu trên là không còn phù hợp nữa. Cho nên, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 109 sửa đổi quy định nêu trên, theo đó nhà đầu tư chiến lược được mua cổ phần theo giá không thấp hơn giá đấu thành công bình quân. “Đối với các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước (bao gồm cả các ngân hàng thương mại nhà nước), nếu nhất thiết phải chọn nhà đầu tư chiến lược thì cơ quan quyết định cổ phần hóa báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc tổ chức đấu thầu riêng giữa các nhà đầu tư chiến lược” (điểm c khoản 3 Điều 6 Nghị định số 109). Quy định này đã làm cho các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hoá trở nên lúng túng khi tổ chức đấu thầu riêng giữa các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, đấu thầu là một hình thức mua hàng hóa, dịch vụ giữa nhà đầu tư với nhà thầu (người bán hàng, dịch vụ), trong đó nhà đầu tư xác định mức giá cao nhất và các nhà thầu (nhà đầu tư chiến lược) không được trả giá cao hơn mức giá đã được chủ đầu tư xác định. Trong khi mục đích bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là bán được giá càng cao càng tốt và nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật tối đa của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Tinh thần của quy định trên cũng được áp dụng đối với các nhà đầu tư thông thường khác, họ phải tham gia đấu giá trên thị trường chứng khoán (Trung tâm giao dịch chứng khoán/Sở Giao dịch chứng khoán) để mua được cổ phần phổ thông của ngân hàng cổ phần hoá. Mặt khác, đấu giá tài sản, dịch vụ là việc bên bán đấu giá tài sản, dịch vụ xác định mức giá tối thiểu (giá khởi điểm) để những người tham gia đấu giá trả giá. Người mua được tài sản, dịch vụ là người trả giá cao nhất và không được thấp hơn giá khởi điểm. Do vậy, nếu căn cứ vào quy định trên đây và quy định tại điểm c khoản 3 Điều 6 của Nghị định số 109, thì ngân hàng thương mại nhà nước phải chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài trả giá thấp nhất để bán cổ phần. Điều này không nằm trong mong muốn của cả doanh nghiệp cổ phần hoá và Chính phủ vì khi bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược theo hình thức đấu thầu nêu trên, lợi ích của Nhà nước sẽ bị thiệt so với hình thức đấu giá riêng giữa các nhà đầu tư chiến lược. Chính vì lý do trên, để bảo đảm lợi ích của Nhà nước khi bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược tại các doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hoá, quy định tại điểm c khoản 3 Điều 6 của Nghị định số 109 “tổ chức đấu thầu riêng giữa các nhà đầu tư chiến lược” nên được sửa lại thành “tổ chức đấu giá riêng giữa các nhà đầu tư chiến lược”. 2. Xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản là bắt buộc? Một trong các điều kiện để doanh nghiệp được cổ phần hoá là phải còn vốn nhà nước sau khi đã được xử lý tài chính và đánh giá lại giá trị doanh nghiệp. Tuỳ thuộc vào từng lĩnh vực, từng doanh nghiệp và mục tiêu cổ phần hoá, Nhà nước có thể giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ hoặc kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước, vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Theo quy định của Nghị định số 109, thì doanh nghiệp cổ phần hoá có tổng giá trị tài sản theo sổ kế toán từ 30 tỷ đồng trở lên phải thuê tổ chức có chức năng định giá để thực hiện tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp. Với quy định này, thì tất cả các ngân hàng thương mại nhà nước hiện nay đều phải thuê tổ chức tư vấn định giá để xác định giá trị doanh nghiệp. Về nguyên tắc, tổ chức tư vấn định giá được lựa chọn các phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp thích hợp để định giá, bảo đảm các nguyên tắc quy định của Nhà nước và chịu trách nhiệm về kết quả xác định giá trị doanh nghiệp. Các phương pháp mà tổ chức tư vấn định giá được lựa chọn để xác định giá trị doanh nghiệp gồm có: phương pháp tài sản, phương pháp dòng tiền chiết khấu và các phương pháp khác được Bộ Tài chính chấp thuận. Tuy nhiên, Nghị định số 109 lại yêu cầu giá trị doanh nghiệp được xác định và công bố không được thấp hơn giá trị doanh nghiệp được xác định theo phương pháp tài sản (Điều 23 – Nghị định số 109). Như vậy, về lý thuyết, tổ chức tư vấn định giá có quyền lựa chọn một trong các phương pháp nói trên để xác định giá trị doanh nghiệp, nhưng thực tế, tổ chức này có thể phải xác định giá trị doanh nghiệp theo hai phương pháp khác nhau nếu phương pháp được chọn để xác định giá trị doanh nghiệp không phải là phương pháp tài sản. Quy định trên đã vô hình trung làm kéo dài thời gian và tăng chi phí cổ phần hóa trong trường hợp tổ chức tư vấn định giá chọn các phương pháp khác (không phải là phương pháp tài sản) để xác định giá trị doanh nghiệp, kể cả những phương pháp theo thông lệ quốc tế tốt nhất. Việc xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản sẽ làm cơ sở cho tổ chức tư vấn định giá so sánh với các phương pháp khác. Do vậy, giá trị doanh nghiệp được xác định theo phương pháp khác có thể trở nên “vô nghĩa” khi giá trị này nhỏ hơn giá trị doanh nghiệp được xác định theo phương pháp tài sản vì trong trường hợp này, giá trị doanh nghiệp được công bố là giá trị doanh nghiệp được xác định theo phương pháp tài sản chứ không phải là giá trị doanh nghiệp được xác định theo phương pháp khác. Đối với các tổ chức tín dụng, nếu áp dụng phương pháp tài sản để xác định giá trị doanh nghiệp, thì tổ chức tư vấn định giá được sử dụng kết quả kiểm toán báo cáo tài chính để xác định tài sản vốn bằng tiền, các khoản công nợ nhưng phải thực hiện kiểm kê, đánh giá đối với tài sản cố định, các khoản đầu tư dài hạn và giá trị quyền sử dụng đất theo chế độ Nhà nước quy định. Vừa qua, Quyết định số 1289/QĐ-TTg ngày 26 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam cũng quy định “Ngoài áp dụng các phương pháp quốc tế trong xác định giá trị doanh nghiệp, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam thực hiện các bước xử lý tài chính, xác định giá trị quyền sử dụng đất và hình thức sử dụng đất sau cổ phần hóa, đánh giá tài sản khác … kết hợp với kết quả xác định giá trị doanh nghiệp của tổ chức tư vấn cổ phần hóa và định giá nước ngoài …. công bố giá trị doanh nghiệp và phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo số đánh giá lại” (khoản 5 Điều 1). Do vậy, sau khi xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản, ngân hàng phải hạch toán và điều chỉnh lại giá trị sổ sách. Điều này thường làm cho các nhà đầu tư thắc mắc về số liệu được hạch toán trong số sách kế toán của ngân hàng cổ phần hoá. Nhiều nhà đầu tư còn cho rằng việc không công nhận các số liệu trong báo cáo tài chính hằng năm của ngân hàng đã được kiểm toán quốc tế kiểm tra và xác nhận là không phù hợp với thông lệ quốc tế. Thêm nữa, giá trị doanh nghiệp có thể thay đổi theo thời gian (thậm chí là thay đổi theo từng ngày) do giá trị tài sản biến động theo giá thị trường. Đối với ngân hàng, thì nợ và doanh thu phát sinh hằng ngày tương đối lớn. Cho nên, kể cả trong trường hợp xác định lại theo phương pháp tài sản, thì giá trị doanh nghiệp cũng chỉ mang tính tương đối tại thời điểm xác định. Hiện nay, một số tổ chức tư vấn quốc tế đang tư vấn định giá Vietcombank, MHB, Incombank, BIDV để thực hiện các thủ tục chuyển đổi các ngân hàng này sang ngân hàng thương mại cổ phần và họ rất ngạc nhiên về quy định nêu trên của Nghị định số 109. Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nên pháp luật Việt Nam không nên có những quy định khác biệt so với pháp luật quốc tế và thông lệ quốc tế. Vì vậy, Bộ Tài chính – cơ quan được giao chủ trì soạn thảo Nghị định số 109 cần xem xét lại các phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp tại Điều 23 của Nghị định số 109 để có đề xuất sửa đổi quy định đó cho phù hợp với thông lệ quốc tế và pháp luật quốc tế. 3. Có nhất thiết thanh toán tiền mua cổ phần bằng đồng Việt Nam? Theo quy định tại Điều 7 của Nghị định số 109, thì các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài mua cổ phần của doanh nghiệp bằng đồng Việt Nam. Cho nên, khi mua cổ phần của các ngân hàng thương mại nhà nước, nhà đầu tư chiến lược nước ngoài phải thanh toán bằng đồng Việt Nam. Tuy nhiên, Nghị định số 109 lại không hướng dẫn nhà đầu tư nước ngoài về thủ tục chuyển ngoại tệ ra nước ngoài vì rõ ràng nhà đầu tư chiến lược nước ngoài chỉ có vốn bằng ngoại tệ để thanh toán tiền mua cổ phần chứ không có đồng Việt Nam. Do đó, các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài rất khó trả lời về việc liệu có đủ số tiền đồng Việt Nam để thanh toán tiền mua cổ phần đúng thời hạn hay không khi đàm phán mua cổ phần với bên Việt Nam. Số tiền đồng Việt Nam mà nhà đầu tư chiến lược nước ngoài phải thanh toán tiền mua cổ phần bằng 20% vốn điều lệ của ngân hàng thương mại nhà nước là rất lớn. Tại Quyết định số 1289/QĐ-TTg phê duyệt phương án cổ phần hóa Vietcombank nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đồng ý bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tối đa không quá 20% vốn điều lệ. Cũng theo Quyết định này, vốn điều lệ của Vietcombank được xác định là 15.000 tỷ đồng. Cho nên, 20% vốn điều lệ của Vietcombank là 3.000 tỷ đồng. Đây là số tiền lớn hơn vốn điều lệ của bất kỳ ngân hàng thương mại cổ phần nào ở nước ta hiện nay. Do vậy, nếu nhà đầu tư chiến lược nước ngoài muốn mua đồng Việt Nam tại một ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam, thì không có ngân hàng nào đủ lượng tiền đồng Việt Nam để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài trong một khoảng thời gian không phải là dài (thời gian mà nhà đầu tư chiến lược nước ngoài đã thỏa thuận nộp đủ tiền mua cổ phần theo hợp đồng mua cổ phần và quy định của Chính phủ). Theo Nghị định số 109, sau thời hạn 3 tháng kể từ ngày được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hoá, ngân hàng phải hoàn thành việc bán cổ phần (kể cả bán cổ phần theo phương thức bảo lãnh phát hành và bán thỏa thuận trực tiếp). Tiếp theo ngày hoàn thành việc bán cổ phần (thời hạn là 1 tháng), ngân hàng phải tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần đầu để chuyển ngân hàng thương mại nhà nước thành ngân hàng thương mại cổ phần và đăng ký kinh doanh. Trong một khoảng thời gian không dài như trên (không quá 4 tháng), nhà đầu tư chiến lược nước ngoài vừa phải hoàn thành các thủ tục nội bộ (bao gồm thủ tục xin phép, chấp thuận tại tổ chức tín dụng nước ngoài và tại cơ quan có thẩm quyền nước ở sở tại để đầu tư ra nước ngoài), vừa phải đàm phán, thương lượng với ngân hàng cổ phần hoá để ký được hợp đồng mua cổ phần. Cho nên, nhà đầu tư chiến lược nước ngoài khó có thể thu xếp được đủ một lượng tiền đồng Việt Nam bằng 20% vốn điều lệ của ngân hàng cổ phần hoá nếu không được cơ quan có thẩm quyền Việt Nam hỗ trợ. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước không thể mua ngay một số lượng ngoại tệ bằng 20% vốn điều lệ của Vietcombank nói trên, vì việc Ngân hàng Nhà nước mua vào hoặc bán ra một lượng ngoại tệ nhất định phải cân nhắc thận trọng và tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở chính sách tiền tệ quốc gia và cung – cầu ngoại tệ trên thị trường. Chẳng hạn như lượng ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại được phép hoạt động ngoại hối không đủ để đáp ứng nhu cầu thanh toán ngoại tệ của các tổ chức, cá nhân, thì Ngân hàng Nhà nước có thể “bơm thêm” vào nền kinh tế một lượng ngoại tệ thông qua các ngân hàng được phép nhằm bù đắp phần chênh lệch thiếu ngoại tệ trên thị trường. Ngược lại, Ngân hàng Nhà nước có thể mua vào một lượng ngoại tệ để cân đối cung – cầu ngoại tệ trên thị trường và tăng dự trữ ngoại tệ quốc gia. Do đó, nếu thị trường ngoại tệ đang trong tình trạng bình thường mà Ngân hàng Nhà nước mua số ngoại tệ của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài bằng 20% vốn điều lệ của Vietcombank, thì có thể ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ quốc gia. Chính vì lo sẽ không mua được đủ lượng đồng Việt Nam tại một ngân hàng thương mại ở Việt Nam hoặc tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nên nhiều đầu tư chiến lược nước ngoài đã đề nghị bên Việt Nam làm rõ cơ chế chuyển đổi. Trên thực tế, tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố chỉ là tỷ giá mang tính chất định hướng, không phải là tỷ giá giao dịch thực sự trên thị trường. Do vậy, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cần xem xét và có quy định về cơ chế mua ngoại tệ cho các nhà đầu tư chiến lược theo hướng sau: - Đối với số tiền nhỏ (ví dụ dưới 100 triệu USD): nhà đầu tư có thể bán trên thị trường liên ngân hàng; - Đối với số tiền lớn (ví dụ từ 100 triệu USD trở lên): thị trường liên ngân hàng có thể không hấp thụ được số lượng ngoại tệ lớn mà nhà đầu tư cần bán. Cho nên, Ngân hàng Nhà nước cần có ý kiến về việc có mua số ngoại tệ này hay không và cơ chế thực hiện, vì việc cung một lượng tiền đồng Việt Nam lớn để mua ngoại tệ có thể ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng của Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, để giảm sức ép về mua ngoại tệ, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có thể quy định phần góp vốn của nhà đầu tư (theo mệnh giá) và phần thặng dư để lại cho doanh nghiệp được thanh toán bằng đồng Việt Nam, còn phần Nhà nước thu về có thể được thanh toán bằng ngoại tệ. Từ thực trạng về việc thực hiện những quy định của pháp luật về cổ phần hoá liên quan đến các ngân hàng thương mại nhà nước trên đây, thiết nghĩ, bên cạnh những quy định của pháp luật (Nghị định số 109) áp dụng chung cho việc cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có thể tham khảo các kiến nghị trên đây để ban hành quy định riêng áp dụng đối với việc cổ phần hoá các ngân hàng thương mại nhà nước cho phù hợp với ngành nghề hoạt động kinh doanh đặc thù có điều kiện này.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật