Một dạng vi phạm phổ biến trong thi hành án dân sự

Theo quy định tại Điều 4 và 5 Luật Thi hành án dân sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trong phạm vi trách nhiệm của mình phải chấp hành nghiêm chỉnh các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; trong quá trình tổ chức thi hành án, quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được tôn trọng và pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên trong thực tế, các quy định này không phải lúc nào cũng được thực hiện nghiêm túc. Khi thụ lý, giải quyết các đơn khởi kiện tranh chấp về quan hệ vay mượn, mua bán, tặng cho tài sản (tiền, vàng hoặc lợi ích vật chất khác), Tòa án thường phải tiến hành hòa giải rất nhiều lần, chủ yếu thuyết phục, động viên các bên thống nhất với nhau về cách thức, phương pháp và thời gian trả nợ nhằm giảm bớt sự hao tốn về thời gian và công sức. Trong các buổi hòa giải, nguyên đơn bao giờ cũng đưa ra yêu cầu trả nhanh và phải trả một lần; ngược lại bị đơn thường cố “kèo nài” được trả chậm, trả nhiều lần, làm cho không khí hòa giải diễn ra căng thẳng. Tuy nhiên, nếu các bên đều thể hiện thiện chí của mình thì cách thức, phương pháp trả nợ cũng có thể được thống nhất một cách nhanh chóng. Việc thỏa thuận này được pháp luật tôn trọng, dựa trên nguyên tắc “tự do, tự nguyện cam kết thỏa thuận” theo quy định của Bộ luật Dân sự và không trái với đạo đức xã hội. Tuy nhiên, thỏa thuận trả như thế nào, bao nhiêu lần, mỗi lần bao nhiêu… thì Tòa án phải ban hành quyết định (có giá trị như một bản án), trên cơ sở nội dung các bên đã thống nhất trong biên bản hòa giải. Khi yêu cầu của mỗi bên không được đáp ứng thì Tòa án mới quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục chung. Bản án Tòa tuyên trong trường hợp này với tinh thần buộc bị đơn phải trả nợ một lần; các quyết định công nhận có ghi rõ thời gian, số tiền phải trả kèm theo các điều kiện khác theo thoả thuận. Luật Dân sự còn quy định, nếu người phải thi hành án chậm thực hiện nghĩa vụ thì ngoài việc có nghĩa vụ trả nợ gốc còn phải chịu lãi suất ngân hàng theo từng thời điểm, tương ứng với thời gian chậm thanh toán. Như vậy có thể thấy, đối với việc giải quyết các vụ việc có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ tài sản thì hai bên rất cân nhắc, thậm chí “giằng co”, giành những điều kiện thuận lợi cho mình, nhất là về thời gian thanh toán nghĩa vụ. Khi bản án đã tuyên; quyết định công nhận thỏa thuận đã có hiệu lực pháp luật, nguyên đơn yên tâm rằng, các nội dung trong bản án, quyết định có giá trị bắt buộc, cơ quan thi hành án chỉ việc căn cứ nội dung đương sự đã yêu cầu để tổ chức thi hành mà không được phép thay đổi điều khoản nào. Tuy nhiên, trên thực tế ở nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng, nhiều nội dung bản án đã tuyên công nhận thoả thuận của đương sự, nhưng cơ quan thi hành án lại tùy tiện biến việc trả nợ một lần thành nhiều lần, hoặc tự quyết định tăng số lần trả nợ cho bên phải thi hành án, trong khi Luật Thi hành án quy định đương sự có quyền thỏa thuận trong giai đoạn thi hành án và chấp hành viên là người chứng kiến, lập biên bản ghi nhận, không có quyền quyết định thay đổi thời gian, phương thức trả nợ. Điều đáng quan tâm là tình trạng chấp hành viên tuỳ tiện thay đổi nội dung của bản án, quyết định diễn ra khá phổ biến. Đơn cử trường hợp, sau nhiều lần hòa giải nhưng không thành, Toà án quyết định đưa vụ án ra xét xử, bản án tuyên ông Vũ Văn T. phải có nghĩa vụ trả cho bà Trần Hoàng L. số tiền 50 triệu đồng. Án có hiệu lực pháp luật, bà L. hy vọng sớm nhận một lần số tiền 50 triệu đồng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khi ông T. mang nộp 10 triệu đồng, cơ quan thi hành án vẫn nhận(?) Mặc dù không chấp nhận cách thức trả nợ nhiều lần của ông T. nhưng bà L. vẫn phải nhận số tiền chỉ có 10 triệu. Một vài tháng sau, khi chấp hành viên tiếp tục thuyết phục, ông T lại hứa sẽ thanh toán 10 triệu đồng nữa trong vòng 3 tháng tới… Với cách làm trên, chấp hành viên có thể tùy tiện thay đổi nội dung bản án, thay đổi phương thức trả nợ từ một lần thành nhiều lần; từ một vài lần thành chục lần và nhiều hơn nữa; thay đổi thời gian thanh toán nghĩa vụ trong các quyết định từ 1 tháng thành 2 hoặc nhiều tháng. Trong thực tế, việc làm này gây khó khăn cho người được thi hành án, nhưng dễ được lý giải do yếu tố khách quan; và khi thực hiện chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân biết việc này diễn ra khá phổ biến, song không kiến nghị khắc phục vi phạm. Trong một số trường hợp, việc tạo điều kiện cho người phải thi hành án được thực hiện nghĩa vụ trả nợ nhiều lần thể hiện sự nhân đạo. Hơn nữa, việc tổ chức thi hành các bản án, quyết định thường gặp phải khó khăn. Do đó, việc chấp hành viên thi hành án dân sự vi phạm nguyên tắc nhưng vẫn được chấp nhận, dễ dàng “bỏ qua”. Đây là một khiếm khuyết lớn nhưng ít được quan tâm, khắc phục. Thiết nghĩ, việc này cần phải được xem xét một cách nghiêm túc để nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung các quy định, nhằm hoàn thiện thể chế pháp luật về dân sự, thi hành án dân sự, tạo điều kiện để việc thi hành pháp luật nghiêm túc. SOURCE: BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ - PHẠM DÂN  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật