LÊ THI
Đi vào hội nhập và toàn cầu hóa, xã hội Việt Nam đang chịu những tác động tích cực và tiêu cực, cả về mặt kinh tế và văn hóa xã hội. Gia đình, tế bào cơ sở của xã hội, tất yếu có những biến động khi xã hội đang thay đổi, có những đổi mới trong quan hệ giữa các thành viên gia đình, giữa cá nhân và gia đình. Vậy cần giữ gìn, phát huy vai trò gia đình như thế nào trong điều kiện mới?
I. Sự phát triển của kinh tế thị trường, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cuộc sống của gia đình Việt Nam hiện nay.
Cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế, ký kết hợp tác làm ăn với nhiều nước trên thế giới, với các nước ASEAN, các nước châu Á, EU, Mỹ, … Vì vậy, đang diễn ra nhiều sự thay đổi, nhiều tiến bộ trong hoạt động kinh tế của nhân dân ta. Vậy những thay đổi này ảnh hưởng đến cuộc sống của các gia đình như thế nào?
1/ Có sự giao lưu hợp tác về kinh tế rộng rãi giữa các gia đình ở thành phố và nông thôn, kể cả với nước ngoài. Thu thập của các gia đình tăng lên, tiêu dùng cũng tăng theo, không chỉ trong ăn uống mà nhiều nhu cầu giải trí, văn hóa của những gia đình có điều kiện cũng được thỏa mãn tốt hơn trước. Đối với con cái, việc đào tạo nghề nghiệp đa dạng hơn, kể cả du học ở nước ngoài.
Trong cơ chế thị trường với quy luật cạnh tranh khốc liệt, các gia đình phải tìm mọi cơ hội, điều kiện kinh doanh có lợi nhất, tốt nhất để kiếm được lợi nhuận tối đa; thậm chí, có một số trường hợp còn bất chấp cả luật pháp nhà nước và chà đạp lên đạo đức thông thường. Đồng thời, cạnh tranh cũng làm nảy sinh nhiều sáng kiến ở người lao động, nhà kinh doanh để đáp ứng yêu cầu sản xuất và thị trường tiêu thụ. Sự thay đổi về công việc, về nghề nghiệp của một bộ môn bộ phận lao động diễn ra liên tục, kịp thời tạo điều kiện cho họ và gia đình có thể sống và làm việc có hiệu quả nhất.
2/ Ảnh hưởng của văn hóa thế giới thâm nhập vào Việt Nam cùng với sự gia tăng cường giao lưu quốc tế, như tham quan, du lịch. Sách báo… hoặc sự phát triển các phương tiện thông tin đại chúng đã quốc gia như truyền hình, mạng Internet… Văn hóa Âu Mỹ, văn hóa các nước phát triển, lối sống, nếp sống của họ được du nhập bằng nhiều con đường khác nhau và có ảnh hưởng lớn đến nhân dân ta, đặc biệt là lớp trẻ.
Hiện nay, trong xã hội, nguyên tắc tự do dân chủ được đề cao; quyền lợi cá nhân, lợi ích cá nhân, tư duy cá nhân được nêu lên hàng đầu. Đồng thời, cũng có sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ đặt cái tôi lên trên hết.
Trong hôn nhân đã nảy sinh khuynh hướng chủ nghĩa thực dụng; không ít người lấy nhau, bỏ nhau vì động cơ tiền tài, địa vị, danh vọng. Tỷ lệ ly hôn, ly thân của các gia đình ở nước ta có xu hướng tăng lên hàng năm. Đồng thời, đã định hình thành quan niện dễ dãi trong quan hệ tình dục nam nữ, gắn với sự chung sống tạm bợ, không tính đến chuyện hôn nhân nghiêm túc và lâu dài. Đó là những biểu hiện của lối sống bắt chước phương Tây: Nam nữ ăn ở với nhau, chán thì chia tay; nếu nữ có thai thì đi nạo, phá thai, hay có con thì tự nuôi…
Chủ nghĩa độc thân cũng phát triển trong nam nữ thanh niên nước ta hiện nay. Sống độc thân nhưng khi cần vẫn có quan hệ tình dục với nam hay nữ, vì họ không coi trọng quan hệ tình dục nam nữ phải gắn với hôn nhân, lập gia đình, cũng như hậu quả nếu con cái sinh ra.
II. Những biến đổi trên đã ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các thành viên gia đình Việt Nam hiện nay
1/ Gia đình phổ biến là có ít con, thu nhập lại tăng lên nên có điều kiện nuôi con tốt hơn; thậm chí sinh ra chiều chuộng con, nhiều lúc quá đáng. Đồng thời, cha mẹ đi làm suốt ngày, phần lớn ở xa nhà, ít có thời gian ở gần con, săn sóc, theo dõi việc học tập, vui chơi, kết bạn của con. Họ phó mặc cho nhà trường, các đoàn thể cả việc giáo dục văn hóa và xây dựng đạo đức, nhân cách của con. Họ cung cấp tiền học, đồ chơi, ngày nay lại sắm máy vi tính điện tử cho con chơi ở nhà và nghĩ rằng đã làm hết nghĩa vụ.
Như vậy, điển nổi bật hiện nay là quan hệ giữa cha mẹ và con cái khá lỏng lẻo ở một số gia đình. Con cái họ trưởng thành chủ yếu từ môi trường xã hội: nhà trường, bạn bè, hội hè. Hội hè có khi chỉ là những nhóm thanh thiếu niên tụ tập nhau theo một ý thích chung, như đua xe máy, đi hát karaoke, đến vũ trường, đánh bạc, hút sách, chè chén, nhậu nhẹt và do vậy, dễ sa vào con đường trộm cắp, cướp giật khi thiếu tiền.
2/ Thứ hai là thường có sự đứt đoạn trong quan hệ “cha truyền con nối” về nghề nghiệp: con cái phần lớn làm nghề khác cha mẹ và tự do lựa chọn. Đồng thời, sự truyền đạt kinh nghiệm sống, các kiến thức giữa các thế hệ trong gia đình cũng diễn ra theo hai chiều: từ cha mẹ đến con cái và ngược lại, từ con cái đến cha mẹ. Ngày nay, không phải chỉ có cha mẹ là người hiểu biết nhiều nhất, là người giỏi nhất, là người thày dạy duy nhất của các con. Lớp trẻ có điều kiện tiếp xúc với nhiều loại thông tin, sách báo nên dễ dàng thu nhận được nhiều kiến thức mới, đặc biệt là về kỹ thuật sản xuất hiện đại, các công nghệ thông tin… Bởi vậy, nhiều điều cha mẹ cần lắng nghe con, học tập ở con, mà không tự coi là điều gì mình cũng biết. Đặc biệt, khi con có ý kiến khác, cho mẹ phải lắng nghe con trình bày một cách bình tĩnh, điều gì con nói đúng cần tiếp thu, không giấu dốt; điều gì con nói sai phải thuyết phục bằng lý lẽ, không thể áp đặt một cách vũ đoan, gia trưởng.
3/ Hiện nay, trong gia đình, uy quyền độc đoán của người gia trưởng, người chủ gia đình đang dần được dẹp bỏ. Những gia đình vẫn cần có người làm chủ, cả cha mẹ đều là những người làm chủ gia đình. Gia đình có người làm chủ thì trật tự kỷ cương sống mới có nề nếp, không thể ai muốn làm gì thì làm. Nếp sống vô trật tự, bừa bãi của các thành viên sẽ phá vỡ sự hòa thuận, êm ấm của gia đình.
Vì vậy, không nên hiểu lầm là đề cao tự do dân chủ trong gia đình đồng nghĩa với không có người làm chủ. Trái lại, nhất thiết phải có người lãnh đạo đức độ mới huy động được ý chí, sức lực, sự đoàn kết của các thành viên cho mục đích chung là xây dựng sự bền vững, ấm no, hạnh phúc của gia đình.
4/ Về mối quan hệ bình đẳng, dân chủ giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ trong trách nhiệm nuôi dạy con cái. Người mẹ ngày nay phần lớn đi làm kiếm tiền nuôi con cái như người cha. Đồng thời, người mẹ thường phải làm nhiều việc nội trợ gia đình, chăm sóc con cái, đặc biệt lúc con còn nhỏ tuổi.
Cách đối xử bình đẳng, dân chủ giữa vợ và chồng là yêu cầu của thời đại, đồng thời là tâm gương hàng ngày diễn ra trước mắt con cái. Cần tạo điều kiện để con cái biết ơn, thương yêu, gần gũi cả cha và mẹ. Nhiều gia đình, do thái độ không đúng của người cha khiến con cái yêu thương mẹ, mà rất sợ cha. Chúng tìm thấy sự che chở ở người mẹ, mà không phải ở người cha hay ngược lại. Cũng có những gia đình do sự đối xử không bình đẳng giữa các con, đặc biệt giữa con trai và con gái, con cả và con út cũng để lại những ấn tượng không tốt đối với con cái, sự so đo tị nạnh và ghen ghét giữa anh em với nhau ngay trong một gia đình. Đó là lỗi tại cha mẹ.
5/ Chủ nghĩa cá nhân ích kỷ đang phát triển trong quan hệ vợ chồng, dẫn đến sự không ổn định và thiếu bền vững của nhiều cuộc hôn nhân, ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Quyền tự do ly hôn ngày nay được pháp luật thừa nhận và khẳng định rõ ràng. Nhiều cuộc ly hôn là chính đáng và cần thiết. Nhưng khi chủ nghĩa cá nhân ích kỷ cảu người chồng hay người vợ phát triển ở một số gia đình, lòng tự ái, sĩ diện cá nhân tăng nên, không gì kìm hãm nổi đã đã dẫn đến những vụ ly hôn vội vã. Họ có quan niệm lệch lạc, đòi hỏi hạnh phúc cá nhân phải được bảo đảm. Thực ra cái gọi là hạnh phúc riêng tư một mình mình hưởng thụ, không có người thứ hai, thứ ba cùng chia sẻ thì liệu có cảm nhận được giá trị của hạnh phúc đó không? Trừ khi đó là sự thỏa mãn cá nhân của một thú vui vật chất ích kỷ, nhỏ mọn; còn nói đến hạnh phúc, tình yêu, tình cảm liên quan đến cuộc sống gia đình thì cần có sự chia sẻ hạnh phúc đó với người khác, là chồng, là vợ, là con cái thì mới tận hưởng được cái gọi là hạnh phúc cá nhân. Đặc biệt, khi hạnh phúc cá nhân của một người lại được xây dựng trên sự đau khổ của người khác, gây thiệt thòi cho người khác, ví như các vụ ly hôn đều có liên quan đến số phận con cái. Chúng có một tương lai phát triển mờ mịt, không thuận lợi như các trẻ em khác.
a/ Khi các cặp vợ chồng đã ly hôn thì nảy sinh nhiều quan hệ phức tạp mới giữa cha mẹ và con cái.
Gia đình sau ly hôn, con sống với cha thì không có mẹ, nếu sống với mẹ thì không có cha. Chúng lớn lên thiếu sự săn sóc của người cha hoặc người mẹ và đó là một sự thiếu hụt to lớn.
Trước tình trạng quá nhiều cặp vợ chồng ly hôn, ở phương Tây người ta đã khẳng định (và được pháp luật ủng hộ) rằng, cha mẹ có thể cắt đứt quan hệ vợ chồng, nhưng quan hệ giữa cha mẹ và con cái tồn tại cả đời không thể vứt bỏ được. Cha mẹ đã chia tay nhau nhưng vẫn phải có trách nhiệm nuôi dạy, săn sóc con, vẫn là bố, là mẹ của các con.
Ở nước ta, sau những vụ ly hôn, nhiều đôi vợ chồng đã không thực hiện điều nói trên. Có người bố chỉ gửi cho con số tiền phụ cấp hàng tháng đã tự cho là tốt lắm rồi. Nhiều ông bố khác còn đi biệt tăm không đoái hoài đến con cái sau ly hôn. Có người mẹ, sau ly hôn, lại không chấp nhận sự săn sóc của người bố đối với con cái mà gây khó khăn, trở ngại. Trong khi đó, quyền của trẻ em phải được cả bố lẫn mẹ săn sóc, yêu thương, mặc dù họ đã chia tay nhau. Thiết nghĩ rằng cần có sự nhắc nhở, giáo dục các cặp vợ chồng sau ly hôn.
b/ Các vụ ly hôn tăng, đồng thời các vụ tái hôn cũng nhiều. Trong các gia đình tái kết hôn lại nảy sinh nhiều quan hệ phức tạp mới giữa các thành viên gia đình, như giữa bố dượng với con riêng của vợ, giữa mẹ ghẻ với con riêng của chồng, giữa các con có nguồn gốc cha mẹ khác nhau. Giữa anh em không cùng cha, cùng mẹ dễ có sự so đo, tị nạnh.
Những quan hệ gia đình rất phức tạp, tế nhị. Những người chủ gia đình nếu không biết cách xử lý, không chú ý giáo dục con cái thì luôn xảy ra mâu thuẫn, đầu độc cuộc sống chung của gia đình. Đã có những cặp vợ chồng tái kết hôn sau lại xin ly hôn để anh và con anh đi một đường, tôi và con tôi đi một nẻo khác!
c/ Những gia đình đơn thuần gồm 2 thế hệ nhưng con cái chỉ sống với mẹ hoặc với bố. Chủ yếu là sống với mẹ, vì người phụ nữ góa thường không kết hôn lại, ở vậy nuôi con. Còn nam giới góa vợ lập gia đình lại sớm và tỷ lệ cao hơn so với nữ góa chồng.
Có những người phụ nữ đi xin con vì không có khả năng lấy chồng, hoặc những người lỡ có con sau những cuộc sống chung tạm bợ, người đàn ông khi có con, bỏ mặc họ…
Thiều cha hay thiếu mẹ đều là một sự thiệt thòi không thể bù đắp đối với trẻ em, đặc biệt là trong việc hình thành nhân cách toàn diện của chúng. Thiếu cha, trẻ thấy thiếu sự tự tin, mạnh dạn. Thiếu mẹ, trẻ thấy cuộc sống khô khan, cô độc và thiếu tình mẫu tử, sự hiền từ, dịu dàng của người mẹ.
6/ Mối quan hệ của con cái đối với cha mẹ.
a/ Tôn trọng quyền tự do dân chủ cá nhân là điều luật pháp bảo vệ và đòi hỏi mọi công dân phải chấp hành, là một nguyên tắc xây dựng gia đình hiện đại ở nước ta. Nhưng sự đòi hỏi về quyền, lợi ích, tự do cá nhân của con cái có trường hợp đã bị đẩy lên thành chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, từ sự thiếu hiểu biết, chín chắn của trẻ, từ việc chúng nghe theo lời bạn bè thúc đẩy, trong việc học hành, chọn nghề, vui chơi, đòi tiền cha mẹ chi tiêu, đòi sắm những thứ đắt tiền…Đặc biệt là sự lêu lổng, chơi bời, lười học, đi với bạn xấu, sa vào các tệ nạn xã hội. Vì vậy, không thể có chủ nghĩa tự do tuyệt đối của con cái sống trong gia đình. Cha mẹ cần giải thích, giáo dục cho con cái trong việc xử lý đúng mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích chung của gia đình. Lợi ích, nguyện vọng cá nhân chính đáng, không hại cho cái chung, cần được cha mẹ chiếu cố và đáp ứng; Những lợi ích, phúc lợi chung lâu dài, hợp lý của gia đình cần được mỗi cá nhân xem trọng và quan tâm góp sức.
Những người chủ gia đình, cha và mẹ phải “cầm cân nảy mực” trong việc điều chỉnh, kết hợp đúng đắn giữa lợi ích cá nhân của mỗi thành viên với lợi ích chung của gia đình. Điều quan trọng là cha mẹ phải thống nhất ý kiến với nhau trong vấn đề này. Họ cần chú ý giáo dục con cái có ý thức tự giác và chấp nhận sự cần thiết phải quan tâm đến lợi ích của gia đình, khi đòi hỏi thỏa mãn quyền lợi cá nhân của mình, từ việc nhỏ diễn ra hàng ngày mà không chỉ đối với việc lớn, trọng đại. Điều này phải trở thành nếp suy nghĩ thường trực, việc làm tự nhiên của mỗi thành viên trong gia đình.
b/ Về xu hướng con cái muốn tách khỏi sự kiểm soát của cha mẹ, mặc dù còn đi học, chưa trưởng thành. Đây là xu hướng bắt chước các gia đình phương Tây. Con cái 15, 16 tuổi đã thích cha mẹ cho ở riêng, cha mẹ phải thuê căn hộ riêng cho con sống và cung cấp tài chính để chúng ăn học, sinh hoạt.
Hiện nay, ở Việt Nam, đã có một số gia đình công chức cao cấp, nhà buôn giàu có thuê những căn hộ riêng cho con cái ở, mặc dù chúng còn đang học hành, còn sống phụ thuộc vào cha mẹ về tài chính. Và, nhiều bậc cha mẹ đã bị “sốc” trước những sự cố, như sự sa sút đạo đức, tư cách của con cái khi chúng trở thành những kẻ hư hỏng, chơi bời và phạm tội.
Thật ra, việc thanh niên muốn sống độc lập, không sống chung với cha mẹ cũng là điều dễ hiểu, vì chúng muốn tự tổ chức cuộc sống cá nhân theo ý mình. Nhưng liệu chúng đã đủ bản lĩnh để sống riêng chưa, nhất là khi vẫn tiếp tục phụ thuộc cha mẹ về tài chính?
Hiện nay, xu hướng kết hôn, lập gia đình muộn khiến một số con cái tuy trưởng thành nhưng vẫn sống với cha mẹ, chưa tách được khi chưa xây dựng cuộc sống gia đình riêng rẽ, tự chủ.
c/ Quá trình xã hội hóa trẻ em, đó là quá trình cá thể hóa con người, hình thành nhân cách cá nhân, hình thành cái tôi riêng biệt. Ngày nay, một yêu cầu bức xúc đặt ra là phải vun đắp cái tôi sáng tạo, độc lập suy nghĩ. Trước sự đòi hỏi tăng lên của quyền tự quyết cá nhân, gia đình cần cố gắng thỏa mãn trong điều kiện cho phép, tuy theo lứa tuổi. Bởi vì, điều đó ảnh hưởng đến sự hình thành đầu óc suy nghĩ độc lập, sáng tạo của con cái cũng như lòng yêu thương, tin cậy của chúng đối với cha mẹ.
Gia đình ngày nay đang đứng trước những đòi hỏi ngày càng cao của con cái, do sự phát triển của xã hội thông tin. Thời đại ngày nay, có báo chí của trẻ em bên cạnh báo chí của người lớn. Đồng thời, ti vi, máy tính điện tử, các phương tiện thông tin đại chúng khác đã cung cấp nhiều thông tin đa dạng cho các lứa tuổi. Trẻ em có thể xem các loại thông tin, các câu chuyện trên truyền hình như người lớn, dường như có sự hòa lẫn, không còn sự phân biệt giữa tuổi trẻ và tuổi trưởng thành. Sự bình đẳng trong các quan hệ xã hội đã ảnh hưởng đến sư phân phối bình đẳng về các thông tin. Đó là điều các bậc cha mẹ cần lưu ý trong việc giáo dục con cái.
III. Tích cực xây dựng những quan hệ tốt đẹp giữa cá nhân và gia đình trong điều kiện mới.
1/ Phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp của gia đình truyền thống trong hoàn cảnh xã hội mới.
Cần nhận thức rõ rằng, quan hệ giữa các thành viên gia đình không đơn giản là quan hệ giữa các công dân (mặc dù có bao hàm quyền lợi và nghĩa vụ công dân theo luật pháp nhà nước). Đó còn là những quan hệ bắt nguồn từ những liên hệ máu mủ, ruột thịt được hình thành trên cơ sở tình và nghĩa, trong sự đùm bọc và hy sinh cho nhau giữa các thành viên, nhằm vun đắp cho sự êm ấm và hòa thuận của gia đình. Đó là những quan hệ được xây dựng từ sự hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích gia đình, không có sự so đo, tị nạnh hơn kém, được thua giữa các thành viên, mà là sự nhân nhượng và tha thứ cho nhau, “chín bỏ làm mười”. Trong gia đình, khi gặp mâu thuẫn, người ta không đem những điều khoản của pháp luật ra đấu lý, mà vận dụng tình và nghĩa để thu xếp cho ổn thỏa.
Đến nay, dù cấu trúc gia đình Việt Nam có nhiều thay đổi, gia đình 2 thế hệ là phổ biến, các hình thức tổ chức gia đình cũng rất đa dạng, nhưng hơn bao giời hết, chúng ta cần tiếp tục vun trồng, nuôi dưỡng, phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp của gia đình truyền thống. Đó là đức từ của cha mẹ đối với con cái, đạo hiếu của con cái với cha mẹ, lòng biết ơn ông bà, tổ tiên. Đó là lòng chung thuỷ giữa vợ và chồng, sự nhường nhịn lẫn nhau giữa anh chị em một nhà. Gia đình sống với nhau có nghĩa, có tình, êm ấm, thuận hòa. Truyền thống coi trọng hôn nhân và gia đình cần được tiếp tục đề cao, gìn giữ, không chạy theo những kiểu sống tự do, tạm bợ giữa nam nữ, hay quái dị như đồng tính luyến ái.
2/ Đảm bảo quyền tự do dân chủ của cá nhân là điều xã hội Việt Nam, gia đình Việt Nam đang tích cực thực hiện.
Trong xã hội hiện đại, cuộc sống cá nhân được tôn trọng; nguyện vọng, nhu cầu, tương lai phát triển của cá nhân được bảo đảm. Nhưng lại cần có sự dung hòa hợp lý giữa cái riêng và cái chung. Cái riêng đúng đắn của cá nhân cần được gia đình chiếu cố, thỏa mãn. Cái chung của các thành viên gia đình cần được mỗi cá nhân xem trọng và góp sức thực hiện.
Quan hệ giữa vợ chồng là quan hệ bình đẳng, dân chủ. Họ cùng đi làm, cùng lao động nuôi con cái, làm nội trợ gia đình. Nhưng đã là việc gia đình, nhiều khi nhỏ nhặt, linh tinh, bất thường xảy ra, vì thế không nên quan niệm đó là sự phân công rạch ròi, cứng nhắc giữa vợ và chồng, mà cần có tinh thần tương trợ lẫn nhau cả về quyền lợi lẫn trách nhiệm. Vợ, chồng phải cùng góp sức, tự nguyện, tự giác để đảm bảo cuộc sống ổn định, êm ấm của gia đình. Điều quan trọng là vợ chồng biết tôn trọng và kính nể nhau, quan tâm đến nhau (về sức khỏe, về sự hưởng thụ vật chất và tinh thần…) sống chung thủy với nhau, lấy tình nghĩa làm chỗ dựa, cùng phấn đấu xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Cha mẹ cần bảo đảm quyên tự do dân chủ của con cái nhưng cũng không dung túng sự hỗn láo, không vâng lời cha mẹ, tùy ý muốn làm gì thì làm. Các bậc cha mẹ phải luôn có thái độ đúng mực, dù con còn nhỏ hay con đã lớn; biết chú ý lắng nghe ý kiến của con, cân nhắc đúng sai, không dùng uy quyền áp đặt một cách vũ đoán; đồng thời, làm đúng trách nhiệm của mình, giúp con cái nhận thức được cả 2 mặt quyền lợi và trách nhiệm cá nhân đối với gia đình. Cá nhân không thể chỉ đòi hỏi quyền lợi của mình được thỏa mãn, mà còn phải có trách nhiệm đóng góp vào việc xây dựng sự ấm no, hạnh phúc chung của gia đình.
Tóm lại, trong xã hội hiện đại, giữa các thành viên gia đình vẫ có mối liên kết tình cảm, tâm lý đặc biệt, gắn bó với nhau về quyền lợi và trách nhiệm trong suốt cuộc đời, từ lúc sinh ra đến khi từ giã cuộc đời này. Phải chăng đó là điều cốt yếu cần ghi nhớ và bảo vệ khi gia đình Việt Nam đang trong cơn lốc của kinh tế thị trường, cùng với những ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"