Bà H. gửi đơn kiện cho biết năm 2002 bà mua hơn 8.000 m² đất của một người gần nhà ông D. ở huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa-Vũng Tàu). Tháng 4-2006, tự nhiên ông D. coi như đất đó của mình, thuê xe vào múc đất mặt đem đi nên bà kiện ông D. phải trả đất mà bà đã mua.
Không được xâm phạm đất của khổ chủ
Lý giải với tòa, ông D. bảo đất này là của cha ông mua từ năm 1989. Năm 2002, không hiểu tại sao người của bà H. mang xe vào ủi đất của ông. Ông đã báo chính quyền đến lập biên bản. Hơn nữa, trước đó ông đã tranh chấp đất này với người hàng xóm, người đã bán đất này cho bà H. Vụ việc đang được cơ quan chức năng giải quyết thì đùng một cái bà H. được cấp sổ đỏ. Việc cấp này là không đúng, đất này là của gia đình ông, ông không chấp nhận trả đất cho bà H.
Sau khi nghiên cứu, tòa các cấp ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà H., buộc ông D. phải trả lại đất đang tranh chấp.
Án tuyên sai
Sau khi án có hiệu lực, bà H. làm đơn yêu cầu thi hành án. Ngược lại, ông D. khiếu nại gay gắt án phúc thẩm của TAND tỉnh vì cho rằng án tuyên sai.
Nhận đơn, đầu năm 2009, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (Cục THADS) đã tìm hiểu, thấy có nhiều sai sót nghiêm trọng nên có nhiều công văn kiến nghị lãnh đạo VKSND, TAND Tối cao kháng nghị án phúc thẩm. Cụ thể, tòa án chỉ được thụ lý giải quyết vụ kiện tranh chấp đất đai khi tranh chấp đó đã được hòa giải tại xã, phường hoặc được người có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu. Thế nhưng vụ này các bên chưa được hòa giải ở cơ sở và cũng chưa có quyết định giải quyết khiếu nại nhưng tòa vẫn thụ lý, xét xử.
Hơn nữa, việc chuyển nhượng đất phải theo một trình tự luật định nhưng ở đây người bán đất không có giấy tờ gì chứng minh đất này là của mình. Việc mua bán cũng chỉ bằng miệng, người mua lại nhờ người khác đứng tên giùm nhưng lại được tòa chấp nhận. Chưa hết, đất này đang có tranh chấp chưa giải quyết xong nhưng cơ quan chức năng lại cấp giấy đỏ cho phía bà H. Việc cấp giấy đỏ lại xảy ra trước khi mua bán...
Các kiến nghị của Cục THADS đã khá rõ ràng, thế nhưng đến nay Cục vẫn chưa nhận được trả lời gì từ các cơ quan có thẩm quyền.
Thiết nghĩ lãnh đạo VKSND, TAND Tối cao cần nhanh chóng phản hồi đề nghị của Cục THADS để vụ việc không kéo dài thêm nữa.
Bắt buộc phải qua hòa giải ở xã, phường…
Theo Luật Đất đai, nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải, nếu không tự hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải. Nếu việc hòa giải ở cấp xã không được các bên đồng ý thì có thể khởi kiện ra tòa để nhờ tòa án giải quyết (đối với đất tranh chấp đã có giấy đỏ). Như vậy, việc hòa giải tại cơ sở là bắt buộc. Nếu không có thủ tục hòa giải này mà tòa đã đưa ra xử là vi phạm nghiêm trọng tố tụng.
Luật sư CỔ HIỆP, Đoàn Luật sư TP.HCM |
VĂN ĐOÀN