MÔ HÌNH BẢO HIỂM TIỀN GỬI HIỆN NAY VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM NGHIÊN CỨU KHI XÂY DỰNG LUẬT BẢO HIỂM TIỀN GỬI

TS. ĐINH DŨNG SỸ – Văn phòng Chính phủ 1. Mục tiêu, cơ chế và mô hình bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam hiện nay. Vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, sau sự đổ vỡ của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân, Nhà nước cũng như ngành ngân hàng đã nghĩ đến việc thiết lập một mô hình bảo hiểm tiền gửi (BHTG), nhằm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và bảo đảm an toàn cho hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng (TCTD). Ý tưởng này ban đầu được hình thành một cách chậm chạp do những hạn chế về mặt nhận thức nói chung cũng như những khó khăn về mặt tài chính từ phía Nhà nước. Việc nghiên cứu tìm ra một mô hình BHTG ở Việt nam chỉ thực sự được nghiên cứu một cách ráo riết từ giữa những năm 90, khi Ngân hàng nhà nước Việt Nam được giao nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng đề án về BHTG, đặc biệt là từ khi Quốc hội thông qua hai đạo luật quan trọng trong lĩnh vực ngân hàng vào tháng 12 năm 1997, đó là Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng.   Tại Điều 17 Luật Các tổ chức tín dụng đã quy định trách nhiệm của các tổ chức tín dụng là phải bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, thông qua việc tổ chức tín dụng phải tham gia tổ chức bảo toàn hoặc bảo hiểm tiền gửi. Tuy nhiên, cho đến thời điểm đó chúng ta vẫn còn chưa xác định được một mô hình BHTG phù hợp cho Việt Nam. Nhiều ý kiến đã được đề xuất, trong đó nổi lên hai quan điểm chính là: thành lập tổ chức BHTG của Nhà nước; quan điểm khác thì cho rằng nên thông qua Hiệp hội ngân hàng để thành lập tổ chức bảo toàn tiền gửi theo mô hình của một số nước phát triển (ví dụ: mô hình tổ chức Bảo toàn tiền gửi của CHLB Đức). Tuy nhiên, các chuyên gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thì khuyên rằng Việt Nam nên đi theo mô hình tổ chức BHTG của Nhà nước. Sau một thời gian nghiên cứu, mô hình BHTG đã được hình thành theo Nghị định số 89/1999/NĐ-CP ngày 1/9/1999 (sau đó được sửa đổi, bổ sung bởi NĐ 109/2005/NĐ-CP ngày 24/8/2005); đến ngày 9/11/1999 Thủ tướng CP đã ký Quyết định số 218/1999/QĐ-TTg thành lập tổ chức BHTG với tên gọi “Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam”. Theo các văn bản nói trên, cơ chế và mô hình bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam được thể hiện ở một số nét lớn như sau: Về cơ chế bảo hiểm: đây là vấn đề thể hiện quan điểm của Nhà nứơc về chính sách bảo hiểm. Và lẽ tất nhiên, các quan điểm hay chính sách này phụ thuộc và bị chi phối bởi nhiều yếu tố kinh tế, xã hội, đặc biệt là khả năng của Chính phủ trong việc bảo đảm các nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính cho việc thực hiện các mục tiêu của bảo hiểm tiền gửi. Về cơ chế bảo hiểm thể hiện chủ yếu trên một số vấn đề lớn, đó là: - Tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi của cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh. Tiền gửi của các tổ chức khác không được bảo hiểm; - Tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam. Tiền gửi là ngoại tệ thì không được bảo hiểm; - Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bắt buộc là các TCTD và tổ chức không phải là TCTD được phép thực hiện một số hoạt động ngân hàng; - Cơ chế nộp phí là 0,15%/năm tính trên số dư tiền gửi bình quân của các loại tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; - Mức bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi bao gồm cả gốc và lãi của một người gửi tiền tại một tổ chức tín dụng tối đa là 50 triệu đồng. - BHTGVN thực hiện chi trả bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản chấm dứt hoạt động và tổ chức đó mất khả năng thanh toán. Về công cụ thực hiện BHTG: BHTG Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 218/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Với tư cách là một công cụ của Chính phủ thực hiện chính sách, cơ chế về BHTG – BHTG Việt Nam là một tổ chức tài chính của Nhà nước, có tư cách pháp nhân, được ngân sách nhà nước cấp vốn điều lệ là 1000 tỷ đồng, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, được miễn các khoản thuế nhưng phải bảo đảm an toàn vốn và tự bù đắp chi phí. Mục tiêu của BHTG Việt Nam là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, nhất là những người gửi tiền nhỏ (cá nhân), bảo đảm sự an toàn của hệ thống ngân hàng, TCTD. Chúng tôi cho rằng, ở Việt Nam vào thời điểm cuối những năm 90 của thế kỷ trước, việc hình thành cơ chế và mô hình tổ chức BHTG thuộc sở hữu nhà nước như nói trên là phù hợp. Trong điều kiện hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng chưa thực sự lớn mạnh và còn nhiều rủi ro (đặc biệt là hệ thống qũy tiết kiệm); hoạt động bảo hiểm thương mại trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng gần như còn bỏ ngỏ; vai trò của hiệp hội ngân hàng chưa thực sự đủ mạnh để đứng ra liên kết các ngân hàng trong cơ chế tự bảo vệ, thì Nhà nước phải đứng ra xử lý rủi ro tiền gửi cho người dân thông qua tổ chức BHTG của Nhà nước là một mô hình hợp lý. Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước đang phát triển ở khu vực Đông Nam á cũng làm như vậy. 2. Những Vấn đề cần quan tâm nghiên cứu khi xây dựng Luật bảo hiểm tiền gửi hiện nay 2.1.  Về cơ chế bảo hiểm:Thứ nhất, tiền gửi được bảo hiểm. Đối với việc hình thành một cơ chế bảo hiểm thì một trong những điểm chốt của vấn đề đó là xác định rõ loại tiền gửi nào được bảo hiểm. Theo chúng tôi, tiền gửi được bảo hiểm cần phải được xác định và làm rõ ở ba khía cạnh sau đây: + Phải làm rõ khái niệm tiền gửi và tiền gửi được bảo hiểm là gì? Khái niệm tiền gửi là một khái niệm rất rộng. Trong hoạt động ngân hàng, khái niệm này được sử dụng để chỉ các khoản tiền được gửi ở các TCTD dưới nhiều hình thức khác nhau của nhiều chủ thể khác nhau. Tại Luật các tổ chức tín dụng, Điều 20 khoản 9 có đưa ra định nghĩa về tiền gửi như sau: “Tiền gửi là số tiền của khách hàng gửi tại tổ chức tín dụng dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm và các hình thức khác. Tiền gửi được hưởng lãi hoặc không được hưởng lãi và phải được hoàn trả cho người gửi tiền”. Ngoài định nghĩa tại Luật các TCTD nói trên, tại NĐ số 70/2000/NĐ-CP của Chính phủ về giữ bí mật thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản của khách hàng gửi tại các TCTD cũng đưa ra một quy định về tiền gửi như sau: “Tiền gửi của khách hàng bao gồm tiền Đồng Việt Nam và các loại ngoại tệ của các tổ chức và cá nhân dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn (kể cả tiền gửi tiết kiệm và các hình thức tiền gửi khác”. Như vậy, cả hai định nghĩa trên đây theo chúng tôi đều chưa thật sự rõ ràng, không nói lên được bản chất thế nào là tiền gửi mà chỉ là một cách định nghĩa theo phương pháp liệt kê. Trên cơ sở quy định của NĐ 89 nói trên, Tại Thông tư hướng dẫn số 03/2000/TT-NHNN5 ngày 16/3/2000, Ngân hàng nhà nước đã cụ thể hóa khái niệm tiền gửi được bảo hiểm gồm: - Tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn, có kỳ hạn; - Tiền gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn bao gồm cả tiền gửi trên tài khoản cá nhân; - Tiền mua các chứng chỉ tiền gửi và các trái phiếu ghi danh do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phát hành. Theo hướng dẫn trên đây của NHNN thì tiền gửi tiết kiệm dưới mọi hình thức, tiền mua chứng chỉ tiền gửi và trái phiếu ghi danh đã được xác định rõ là thuộc đối tượng BHTG. Tuy nhiên, tiền gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn bao gồm cả tiền gửi trên tài khoản cá nhân vẫn là một khái niệm không định lượng được. Chính vì không định lượng cụ thể là những loại tiền gửi nào, nên thực tế đã nẩy sinh nhiều phức tạp, gây lúng túng và xử lý thiếu thống nhất của các TCTD, đặc biệt là thời kỳ chưa ban hành NĐ 109/2005 về sửa đổi, bổ sung NĐ 89/1999. Như vậy, vấn đề nói trên, đến nay cũng cần phải được đặt ra và giải đáp một số câu hỏi như: tiền gửi dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người gửi tiền (ví dụ như tiền ký quỹ); tiền mua các chứng chỉ tiền gửi và các trái phiếu vô danh do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phát hành (mà hiện nay chưa được bảo hiểm) có phải là tiền gửi được bảo hiểm không? hoặc có nên quan niệm rằng, mọi loại tiền được quan niệm là tiền gửi thì đều được bảo hiểm không? Tuy nhiên, theo chúng tôi, dù quan niệm như thế nào thì về mặt kỹ thuật, Luật BHTG cũng rất cần phải quy định rất rõ và cụ thể những loại tiền gửi nào được BH. Điều đó cũng có nghĩa là những loại tiền gửi nào không được quy định trong Luật thì không thuộc phạm vi được BH. + Chỉ bảo hiểm tiền gửi của cá nhân và một số tổ chức có tính chất tư nhân như quy định hiện hành hay cần phải mở rộng hơn? Quan điểm của chúng ta khi xây dựng cơ chế BHTG theo NĐ 89/1999  là chỉ bảo hiểm cho những người gửi tiền nhỏ, ít có khả năng tự bảo vệ mình trước những rủi ro có thể xấy ra. Vì vậy, đối tượng được bảo hiểm theo NĐ 89/1999 chỉ là tiền gửi của cá nhân, sau đó NĐ 109/2005 đã quy định rõ hơn (thực chất là mở rộng hơn) đến các đối tượng: hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh – là những thực thể có cơ cấu tổ chức (thậm chí là có tư cách pháp nhân như công ty hợp danh), không phải là một cá nhân nhưng có tính chất tư nhân. Chúng tôi cho rằng, ở thời điểm hiện nay khi xây dựng Luật BHTG cũng cần đặt ra vấn đề là: vẫn chỉ bảo vệ quyền lợi cho những người gửi tiền nhỏ hay cho tất cả những người gửi tiền (cả cá nhân và tổ chức)? hoặc nếu vẫn chỉ là những người gửi tiền nhỏ thì có nên mở rộng phạm vi hơn so với hiện nay không? Hoặc có thể đưa ra một tiêu chí khác như bảo hiểm cho tiền gửi của tất cả các cá nhân và tổ chức thuộc sở hữu tư nhân chẳng hạn. Vì trên thực tế, theo NĐ 109/2005 chúng ta đã bảo hiểm cho tiền gửi của cả doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, nên có ý kiến cho rằng, như vậy thì tại sao lại không bảo hiểm cho tiền gửi của công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, nhất là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do một cá nhân là chủ sở hữu? + Tiền gửi được bảo hiểm chỉ là Đồng Việt Nam như hiện nay hay có thể mở rộng ra cả tiền gửi ngoại tệ? Đây cũng là một vấn đế rất đáng được quan tâm? Năm 1999 khi xây dựng NĐ 89/1999 hình thành cơ chế bảo hiểm, đây cũng là một vấn đề được trao đổi nhiều. Cũng có ý kiến đề nghị không chỉ bảo hiểm cho tiền gửi bằng Đồng VN mà cả tiền gửi bằng ngoại tệ. Ý kiến này cho rằng, nếu chỉ BH tiền gửi bằng Đồng VN thì có thể sẽ không khuyến khích người có ngoại tệ gửi tiền vào ngân hàng, hoặc họ sẽ phải chuyển đổi ngoại tệ thành tiền Việt Nam sẽ mất thêm chênh lệch tỷ giá và phí chuyển đổi. Ngược lại, nhiều ý kiến cho rằng, việc bảo hiểm cả tiền gửi là ngoại tệ có thể sẽ dẫn đến khuyến khích việc sử dụng ngoại tệ, ảnh hưởng đến giá trị đồng nội tệ cũng như quản lý nhà nước về ngoại hối, mặt khác, khả năng tài chính của chính phủ là có hạn, không có khả năng bảo hiểm hết cho tất cả các khoản tiền gửi. Do vậy, NĐ 89/1999 chỉ dừng lại ở việc bảo hiểm tiền gửi là Đồng VN, và theo chúng tôi, quy định ở thời điểm đó là hợp lý. Tuy nhiên, đến thời điểm này cũng có thể đặt vấn đề là có thể mở rộng sang đối tượng là ngoại tệ? BHTG đối với cả ngoại tệ có thể sẽ tạo cơ hội cho các ngân hàng, TCTD thu hút được nguồn ngoại tệ lớn từ trong nhân dân, khuyến khích lượng kiều hối từ nước ngoài gửi về Việt Nam cho đầu tư, phát triển đất nước. Đây cũng là một vấn đề đáng được quan tâm và cần có câu trả lời từ các nhà hoạch định chính sách. - Thứ hai, tổ chức tham gia BHTG. Theo cơ chế hiện hành, các tổ chức phải tham gia BHTG bắt buộc là các TCTD và các tổ chức không phải là TCTD được phép thực hiện một số hoạt động ngân hàng có nhận tiền gửi của các cá nhân và tổ chức. Về vấn đề này cần phải làm rõ hai khía cạnh: thứ nhất, xác định rõ tiêu chí các tổ chức nào phải tham gia BHTG? nên chăng có thể xác định theo nguyên tắc: mọi TCTD và các định chế tài chính khác (như các công ty tài chính, các công ty bảo hiểm, các công ty chứng khoán) hoặc bất kỳ một tổ chức nào có huy động tiền gửi, hoặc có những khoản tiến mà ở một thời điểm nào đó được coi là tiền gửi (cần phải được bảo đảm an toàn cho người gửi tiền) đều phải tham gia BHTG bắt buộc. Nguyên tắc này cũng được tìm thấy ở cơ chế BHTG của nhiều nước trên thế giới. Và vấn đề ở đây là cần có một quan niệm (một định nghĩa) chuẩn về tiền gửi như đã nói ở điểm thứ nhất trên đây. Một khía cạnh khác cũng nên được đặt ra là có phải chỉ bao gồm những tổ chức tham gia BHTG bắt buộc không? có thể có những tổ chức bắt buộc phải tham gia BHTG như các TCTD, cũng có thể có những định chế tài chính khác hoặc bất kỳ một tổ chức nào (được phép) có nhận tiền gửi của dân cư thì có thể tham gia BHTG một cách tự nguyện không (theo đúng bản chất của quan hệ bảo hiểm)? Thậm chí, trong cùng một tổ chức nhận tiền gửi có thể có những khoản tiền gửi được bảo hiểm, có những khoản tiền gửi không được bảo hiểm, những khoản tiền gửi không được bảo hiểm thì người gửi tiền nhận được lãi suất cao hơn, TCTD thì không phải nộp phí bảo hiểm, còn những khoản tiền gửi được bảo hiểm thì người gửi tiền sẽ được trả lãi suất thấp hơn v.v… - Thứ ba, về mức phí bảo hiểm. Theo cơ chế hiện nay, mức phí bảo hiểm được quy định theo một tỷ lệ chung, áp dụng cho mọi tổ chức tham gia BHTG. Cơ chế này phù hợp với thời gian vừa qua khi lần đầu tiên Chính phủ thành lập một tổ chức BHTG của Chính phủ để thực hiện bảo hiểm một cách công khai cho dân chúng. Mặt khác, hệ thống các ngân hàng, TCTD cũng chưa có những phát triển ổn định, cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa có những đánh giá, phân loại, định mức tín nhiệm chuẩn đối với chúng, các tổ chức hoạt động độc lập trong lĩnh vực định mức tín nhiệm cũng chưa được hình thành, do vậy, chưa thể áp dụng cơ chế thu phí theo uy tín, mức độ rủi ro của từng TCTD. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, việc áp dụng cơ chế tính phí cố định giống nhau cần phải có sự đánh giá lại, vì không khuyến khích các TCTD phấn đấu giảm thiểu rủi ro và được hưởng lợi từ việc giảm thiểu rủi ro đó thông qua việc tham gia và trả phí BHTG. BHTG ở các nước tiến tiến hiện nay xây dựng theo mô hình giảm thiểu rủi ro thường áp dụng cơ chế tính phí theo định mức tín nhiệm. TCTD nào có uy tín cao, ít rủi ro hơn thì TCTD đó phải trả phí BHTG ít hơn và ngược lại. Chúng tôi nghĩ rằng việc xác định mức phí phải trả khác nhau đối với các TCTD theo cơ chế giảm thiểu rủi ro là một mô hình rất tiên tiến, mang lại lợi ích thiết thực và tạo động lực cho các tổ chức tham gia BHTG phấn đấu giảm thiểu rủi ro nên cần được nghiên cứu và áp dụng. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả cơ chế này đòi hỏi phải có một số cơ chế đồng bộ đi theo nó, đó là năng lực quản lý, đánh giá rủi ro từ phía các cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ – tín dụng, từ phía BHTG Việt Nam cũng phải được nâng lên, đồng thời cũng cần phải có sự hỗ trợ tích cực của các công ty định mức tín nhiệm hoạt động độc lập tham gia vào quá trình này. - Thư tư, về Mức tiền chi trả bảo hiểm. Cần phải nghiên cứu xác định lại mức tiền chi trả bảo hiểm. Ở thời điểm hiện nay có thể nâng mức chi trả bảo hiểm lên cao hơn mức 50 triệu đồng như quy định hiện hành hay không? Thậm chí cũng có thể trao đổi về phương án chi trả toàn bộ. Hoặc cũng có thể cân nhắc về một cơ chế xác định mức trả bảo hiểm theo nguyên tăc kết hợp giữa việc quy định mức tiền tối đa với việc chi trả theo tỷ lệ phần trăm (%). Ví dụ: số tiền BH được trả cho tất cả các khoản tiền gửi của một người gửi tiền tại một tổ chức tham gia BHTG tối đa là 50 triệu đồng, số tiền gửi trên 50 triệu đồng sẽ được trả theo một tỷ lệ phần trăm nhất định nào đó. Đây có thể là một phương án khả thi cho Việt Nam hiện nay, vừa phù hợp với khả năng tài chính có hạn của Chính phủ, vẫn bảo đảm được nguyên tắc bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền nhỏ kết hợp với nguyên tắc của hoạt động bảo hiểm nói chung, đồng thời kích thích tăng trưởng huy động tiền gửi. - Thứ năm, về trường hợp chi trả bảo hiểm. Đây là vấn đề mà các quy định của NĐ 89/1999 và NĐ 109/2005 cũng đã khá rõ ràng về mặt pháp lý. Tuy nhiên, trong thực tiễn chi trả bảo hiểm gần như đã chấp nhận việc chi trả bảo hiểm được thực hiện trong hai tình huống: hoặc là theo quy định của pháp luật về phá sản hoặc là theo quyết định của một cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Điều đó cũng gần như được hiểu rằng, việc chi trả bảo hiểm sẽ được thực hiện cả trong trường hợp tổ chức tham gia BHTG bị phá sản (theo quy định của pháp luật phá sản), cả trong trường hợp giải thể theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền (nhưng xét về bản chất vẫn là phá sản). Chúng tôi cho rằng, với đặc điểm của hệ thống ngân hàng, TCTD cũng như thực tiễn quản lý nhà nước về lĩnh vực này ở Việt Nam trong thời gian qua (cả ở khía cạnh giá trị pháp lý của văn bản về BHTG còn thấp, chỉ ở tầm nghị định), thực tiễn đó có thể chấp nhận được. Nhưng, đến thời điểm hiện nay, khi chúng ta đã cơ bản trở thành một nước có nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt văn bản pháp luật về bảo hiểm tiền gửi tới đây lại ở tầm Luật thì cần phải xác định rõ ràng một nguyên tắc là BHTG Việt Nam chỉ thực hiện chi trả bảo hiểm khi tổ chức tham gia BHTG bị phá sản (và phải tuân theo các quy định của pháp luật về phá sản), các trường hợp giải thể không làm phát sinh trách nhiệm chi trả bảo hiểm của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. 2.2. Về công cụ thực hiện BHTG - Mô hình tổ chức, địa vị pháp lý của tổ chức BHTG. Tổ chức BHTG ở Việt Nam hiện nay có tên gọi là “Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam” – là một tổ chức tài chính của Nhà nước, có tư cách pháp nhân, được Ngân sách nhà nước cấp vốn điều lệ, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, được miễn các khoản thuế nhưng phải bảo đảm an toàn vốn và tự bù đắp chi phí. Việc xác định mô hình tổ chức BHTG VN trong giai đoạn tới cần tính tới các mô hình hiện đại theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, đồng thời cũng phải phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Theo chúng tôi, việc xây dựng mô hình tổ chức BHTG ở VN trong thời gian tới nên tính đến một số định hướng như sau: + Về tên gọi và mô hình tổ chức, quản trị. Có thể hình thành một tổ chức có tên gọi là “Tổng công ty bảo hiểm tiền gửi Việt Nam” hoạt động theo mô hình giảm thiểu rủi ro – một mô hình tiên tiến và cũng rất phổ biến trên thế giới hiện nay. Tổng công ty BHTG VN được tổ chức, quản trị và điều hành theo mô hình tổng công ty, có Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Ban điều hành (Tổng giám đốc và các Phó Tổng giám đốc) và bộ máy giúp việc. + Về địa vị pháp lý. Tổ chức BHTG có địa vị pháp lý độc lập và hoạt động theo Luật; có tư cách pháp nhân, được Nhà nước cấp vốn điều lệ; hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, được miễn các khoản thuế nhưng phải bảo đảm an toàn vốn và tự bù đắp chi phí (nếu có tích luỹ thì bổ sung vào vốn hoạt động, thậm chí có thể nộp thuế đối với các khoản thu nhập có được từ các hoạt động đầu tư). Tất nhiên, chúng tôi quan niệm rằng, dù tên gọi của tổ chức này là gì thì địa vị pháp lý của tổ chức BHTG ở Việt Nam trong tương lai vẫn luôn là một định chế tài chính của Nhà nước, một công cụ của Chính phủ, có chức năng là bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, bảo đảm sự an toàn của hệ thống ngân hàng, TCTD; + Xây dựng mô hình tổ chức BHTG VN hoạt động theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vào ngân sách của Chính phủ, trong điều kiện khả năng ngân sách là có hạn; + Xác lập cơ chế hình thành quỹ bảo hiểm bằng chủ yếu từ nguồn phí của những người hưởng lợi. Tức là những người gửi tiền và các TCTD là những người hưởng lợi từ BHTG phải là những người đóng góp chính cho việc hình thành nguồn quỹ BHTG để phục vụ cho chính lợi ích của họ; + Tăng tính tự chủ cho tổ chức BHTG thông qua việc tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động đầu tư có liên quan đến nghiệp vụ BHTG. - Về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức BHTG Với địa vị pháp lý nói trên, tổ chức BHTG có chức năng là bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, bảo đảm sự an toàn của hệ thống ngân hàng, TCTD.  Theo đó, tổ chức BHTG thực hiện các nhiệm vụ sau: 1. Giám sát, quản lý rủi ro; 2. Kiểm tra, đánh gía, xếp loại các tổ chức tham gia BHTG; 3. Can thiệp, hỗ trợ các tổ chức tham gia BHTG khi cần thiết; 4. Tiếp nhận, xử lý các tổ chức tham gia BHTG bị phá sản; 5. Thực hiện chi trả bảo hiểm; 6. Huy động vốn; 7. Hoạt động đầu tư và quản lý nguồn vốn. Trong các nhiệm vụ nói trên, có những nhiệm vụ để tổ chức BHTG thực hiện chức năng chính của mình, tức là các nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến chức năng BHTG. Tuy nhiên, để thực hiện tốt chức năng BHTG với ý tưởng xây dựng một tổ chức BHTG tiên tiến, hoạt động theo mô hình giảm thiểu rủi ro thì cần phải đặc biệt quan tâm đến các nhiệm vụ như: giám sát, quản lý rủi ro; kiểm tra, đánh giá, xếp loại các tổ chức tham gia BHTG. Hoặc cũng cần phải đặc biệt chú ý tới các nhiệm vụ liên quan đến hoạt động huy động vốn và các hoạt động đầu tư, nhằm xây dựng tổ chức BHTG thành một định chế tài chính mạnh theo nguyên tắc tự cân đối tài chính cho hoạt động của mình, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Chính phủ chỉ can thiệp vào hoạt động BHTG khi có những đổ vỡ lớn, liên quan đến an toàn của cả hệ thống tài chính – tín dụng và đe doạ đến sự an toàn của nền kinh tế.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật