LUẬT CẠNH TRANH KHÔNG BẢO HỘ LỢI NHUẬN

GS.TS. NGUYỄN VÂN NAM Sự kiện 06 doanh nghiệp chiếu phim (06 DN) gửi đơn khiếu nại tập thể lên Cục quản lý Cạnh tranh (CQLCT) yêu cầu bảo vệ trước hoạt động kinh doanh được cho là vi phạm Luật Cạnh Tranh (LCT) của công ty Megastar là một sự kiện đáng mừng. Nó cho thấy doanh nghiệp ngày càng nhận ra tầm quan trọng có tính chất quyết định của LCT trong hoạt động kinh doanh, sẽ cho thấy năng lực của CQLCT đến đâu, đồng thời cũng làm bộc lộ những thiếu sót „chết người“ trong LCT của chúng ta. Do có một nhà đầu tư Châu Âu chiếm tới 90% vốn điều lệ của Megastar, tranh chấp này sẽ là cuộc tranh luận nẩy lửa giữa việc phải áp dụng những nguyên tắc, thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế (đại diện bởi Megastar) về cạnh tranh-mà Việt nam với tư cách thành viên WTO phải tôn trọng- với việc áp dụng LCT của ta. Luật CT không bảo hộ các doanh nghiệp do kinh doanh không có hiệu quả mà bị lỗ, thậm chí phá sản trong cuộc cạnh tranh lành mạnh với các doanh nghiệp khác. Không phải hễ cứ có doanh nghiệp thống lĩnh thị trường (TLTT) thì có thể tha hồ đổ lỗi cho nó mỗi khi ta kinh doanh thua lỗ. Trước hết, việc xác định Megastar có vị trí TLTT hay không, không hề dễ dàng. LCT và các văn bản hướng dẫn cũng chưa nêu đủ, rõ ràng và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế các tiêu chí xác định thị phần, thị trường và thị trường liên quan. Vươn tới chiếm lĩnh thị phần ngày càng lớn để kiếm được nhiều lợi nhuật hơn là mơ ước và động lực kinh doanh chính đáng của mọi doanh nghiệp. Bản thân việc có thị phần trên 30% không phải là có tội và cũng chưa phải là đã đủ để có thể thống lĩnh thị trường. Chỉ doanh nghiệp nào với thị phần này và có khả năng hạn chế quyền tự do cạnh tranh của doanh nghiệp khác, mới là có vị trí TLTT. Khác với thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế, luật CT của ta (Khoản 1, Điều 11) qui định doanh nghiệp chiếm thị phần từ 30% trở lên đã là có vị trí TLTT (Quốc tế: thị phần 30% trở lên và có khả năng hạn chế cạnh tranh đối với các doanh nghiệp khác). Sự khác nhau này sẽ gây ra tranh luận dữ dội giữa quan điểm quốc tế và quan điểm Việt nam.   Liệu Megarstar có khả năng hạn chế cạnh tranh? Điều này phụ thuộc vào hai yếu tố: (1) Megastar có chủ đích lạm dụng vị trí TLTT hạn chế quyền tự do CT của 06 DN không? nói một cách khác, liệu chính sách định giá thuê phim tối thiểu có thực là hoàn toàn dựa trên những căn cứ kinh doanh thuần túy khách quan phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Megastar hiện nay, chứ không nhằm ép buộc doanh nghiệp khác hay không? ; và (2) mức độ phụ thuộc của 06 DN vào Megastar đến đâu? Nghĩa là liệu 6 DN này thực sự không có khả năng, cơ hội nào khác- như thông qua một nhà nhập khẩu khác, hay trực tiếp nhập phim từ Mỹ chẳng hạn- để tiếp tục kinh doanh hay không? Chắc chắn sẽ có tranh luận bất phân thắng bại để trả lời hai câu hỏi này. Cũng khó có thể xác định 03 hành vi mà 06 DN yêu cầu CQLCT điều tra là hành vi lạm dụng vị trí TLTT: - Áp đặt giá bán gây thiệt hại cho khách hàng theo khoản 2, điều 13 LCT? Ta chưa nêu đủ những tiêu chí khách quan để xác định thế nào là áp đặt giá. Trong trường hợp của Megastar, điều này liên quan mật thiết đến s phụ thuộc trong thực tế giữa hoạt động kinh doanh chiếu phim nói chung của 06 DN với Megastar. Sự thay đổi phương thức kinh doanh (giá thuê phim tối thiểu), thậm chí là tăng giá bán, không phải bao giờ cũng là gây thiệt hại. Luật CT không có mục tiêu bảo hộ lợi nhuận. Thêm vào đó, cũng cần xác định xem liệu giá thuê phim tối thiểu có thật sự loại bỏ hết các cơ hội và phương thức kinh doanh khác của 06 DN hay không? - Buộc 06 doanh nghiệp phải thuê thêm phim khác nếu muốn thuê được phim mình muốn. Theo họ là vi phạm khoản 5, điều 13 LCT. Tuy nhiên điều cần tranh luận ở đây là liệu thuê thêm phim khác có phải là một nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh chiếu phim của các bên và đến thuê phim mình muốn không? - Tương tự, việc Megastar buộc 06 doanh nghiệp thuê phim phải chiếu phim thuê của Megastar ở những phòng chiếu do Megastar chỉ định, cũng khó có thể là vi phạm khoản 5, điều 13. Vì Megastar có quyền đòi hỏi phim của mình phải được chiếu ở phòng chiếu đảm bảo chất lượng phim tốt nhất. Nghĩa vụ bảo đảm chất lượng chiếu phim khó có thể là nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến việc thuê phim để chiếu kinh doanh được. Trong văn bản gửi Ban tuyên giáo trung ương, bộ VH-TT và DL, 06 DN khẳng định Megastar có vị trí TLTT trên thị trường phim nhập khẩu lẫn thị trường chiếu phim ở VN. Nghĩa là gián tiếp công nhận rằng 06 DN này đã hoàn toàn bỏ rơi thị trường chiếu phim Việt nam, là thị trường mà Megastar bỏ ngỏ và 06 DN lẽ ra phải chú ý phát triển- và ở đây họ hoàn toàn tự do- để không bị phụ thuộc (nếu có) quá mức vào Megastar. Các hoạt động của Megastar về cơ bản là những hoạt động bình thường của một nhà phân phối, đại lý độc quyền. Việc đánh giá chúng dưới góc độ của LCT cần rất thận trọng và nên tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế, tránh để dư luận quốc tế hiểu rằng ta áp dụng LCT để bảo hộ doanh nghiệp trong nước. Vụ việc cũng sẽ được dư luận quốc tế đặc biệt chú ý, không chỉ vì Megastar có nhà đầu tư nước ngoài-có khả năng yêu cầu chính phủ của họ khiếu nại lên WTO- mà còn vì để giải quyết một tranh chấp thuần túy kinh tế-dân sự chúng ta cần cả Đảng, Chính quyền và Cục QLCT. Ngoài ra, Megastar cũng có khả năng phản tố yêu cầu điều tra 06 DN có hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh nhằm buộc Megastar không được áp dụng cách tính mới, mà phải chấp nhận giá giao dịch cũ.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật