HOÀNG MAI HẰNG
Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) được Quốc hội khoá XI kỳ họp thứ 8, thông qua và có hiệu lực từ 1/7/2006 đã đánh dấu một giai đoạn mới của quá trình phát triển hoạt động SHTT của Việt Nam. Cùng với Bộ Luật Dân sự 2005, Luật SHTT đã tạo thành một hệ thống các quy định hoàn chỉnh thống nhất về quyền SHTT thay thế cho các quy định trước đây.
Các văn bản pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật SHTT đã được ban hành và từng bước đi vào thực tiễn. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện Luật SHTT đã nảy sinh một số vướng mắc cần sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
Xâm phạm quyền SHCN có thể bị truy tố
Ông Lê Xuân Thảo – Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho biết: Tại khoản 1 điều 211 của Luật SHTT có quy định các hành vi xâm phạm là đối tượng xử lý hành chính, trong đó có quy định: không chấm dứt hành vi xâm phạm quyền SHTT mặc dù đã được chủ thể quyền SHTT thông báo bằng văn bản yêu cầu chấm dứt hành vi đó. Theo ông Thảo, trong bối cảnh hiện nay, hành vi xâm phạm có xu hướng ngày càng tinh vi, nếu như chủ thể quyền SHTT gửi văn bản thông báo đến người xâm phạm quyền thì sẽ tạo ra cơ hội cho người có hành vi xâm phạm thủ tiêu các chứng cứ, huỷ hàng tồn kho và do đó sẽ giảm hiệu quả thực thi của công tác đấu tranh chống xâm phạm quyền SHTT. Do vậy, nên bỏ phần thông báo bằng văn bản của chủ thể quyền ra khỏi điều kiện cần thiết để áp dụng quy định này. Đồng thời, điều kiện này cũng nên áp dụng tương tự với sáng chế và kiểu dáng công nghiệp.
Hành vi xâm phạm nhãn hiệu hàng hoá không chỉ gây thiệt hại cho chủ thể quyền mà còn gây thiệt hại đến người tiêu dùng vì tin vào nhãn hiệu đó mà mua sản phẩm. Đặc biệt trong bối cảnh chi phí nghiên cứu phát triển ngày càng gia tăng thiệt hại của chủ thể quyền do các hành vi xâm phạm đến quyền sáng chế, quyền giải pháp hữu ích, quyền về kiểu dáng công nghiệp trở nên rất lớn. Các DN sẽ rất khó khăn trong việc tự mình điều tra thị trường và đấu tranh với các sản phẩm xâm hại quyền SHTT.
Tăng cường bảo hộ các nhãn hiệu nổi tiếng
Tại điều 4 Luật SHTT có quy định về nhãn hiệu nổi tiếng, điều 74 có quy định về lý do không được bảo hộ liên quan đến nhãn hiệu nổi tiếng. Hiện tại ở Việt Nam hầu như chưa có trường hợp nào nộp đơn xin bảo hộ hay đã được cấp bằng bảo hộ đối với các nhãn hiệu nổi tiếng của DN nước ngoài trong lĩnh vực sản phẩm và dịch vụ mà DN đó không cung ứng. Tuy nhiên, nhãn hiệu nổi tiếng được đề cập ở đây chỉ là các nhãn hiệu nổi tiếng ở Việt Nam mà không phải là các nhãn hiệu nổi tiếng ở nước ngoài. Trong trường hợp nhãn hiệu nổi tiếng ở nước ngoài được đăng ký bảo hộ ở Việt Nam, có thể huỷ bỏ bảo hộ bằng cách khiếu nại hay khởi kiện ra toà. Việc này mất rất nhiều thời gian và người khiếu nại hay khởi kiện phải chứng minh được nhãn hiệu đó nổi tiếng ở Việt Nam. Đây thực sự là gánh nặng quá lớn đối với các DN nước ngoài. Do vậy các chuyên gia cũng đề xuất bổ sung nội dung nhãn hiệu nổi tiếng ở nước ngoài vào điều 74 và tại giai đoạn thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu, Cục SHTT thẩm định để xác định nhãn hiệu đó có tương tự như các nhãn hiệu nổi tiếng ở nước ngoài hay không.
Các chuyên gia cũng cho rằng Luật SHTT cũng cần sửa đổi bổ sung các vấn đề liên quan đến các tiêu chuẩn vận dụng trong nghiệp vụ thẩm định; các thông tin liên quan đến việc nộp đơn yêu cầu và quyền sở hữu công nghiệp; rút ngắn thời gian thẩm định; Việc tái đăng ký sau khi hết hạn bảo hộ…Các luật gia cho rằng việc quy định hành vi xâm phạm đối với nhãn hiệu hàng hoá, quyền sáng chế, quyền giải pháp hữu ích, quyền về kiểu dáng công nghiệp là một dạng tội phạm có thể bị truy tố mà không cần đến khiếu tố của người bị hại.
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"