1- Một số vấn đề chung về tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp qua hợp đồng.
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng. Quyết định này đưa ra nội dung chủ yếu khuyến khích các doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ nông sản với người sản xuất và trách nhiệm của các ngành và tổ chức có liên quan chủ yếu gồm: nhà nông (người sản xuất), nhà doanh nghiệp (người tiêu thụ nông sản hàng hóa), Nhà nước và nhà khoa học (người nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật công nghệ); Vì thế mà chúng ta thường nói quyết định 80 với việc liên kết 4 nhà là vậy. Nội dung chủ yếu thể hiện qua liên kết 4 nhà như sau:
- Nhà nông (người sản xuất): có trách nhiệm cung ứng nông sản phẩm hàng hóa theo tiêu chuẩn đã được cam kết trong hợp đồng.
- Nhà doanh nghiệp (người tiêu thụ nông sản hàng hóa): có trách nhiệm tổ chức tiêu thụ hàng hóa đã được cam kết trong hợp đồng.
- Nhà nước: Cơ quan quản lý giá hướng dẫn nguyên tắc định giá sàn nông sản phẩm hàng hóa đảm bảo người sản xuất có lợi, doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả; Hàng năm ngân sách dành khoản kinh phí để hỗ trợ doanh nghiệp và người sản xuất áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại, đầu tư cơ sở hạ tầng với vùng sản xuất nguyên liệu tập trung và hỗ trợ hàng sản xuất, chế biến khẩu.
- Nhà khoa học: Thực hiện các hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất.
Quyết định 80 và và việc liên kết 4 nhà là một chủ trương chính sách đúng nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, là thực hiện công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tiến tới nền sản xuất hàng hoá quy mô lớn, hiện đại.
Thực hiện quyết định “Hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hoá ký giữa các doanh nghiệp với người sản xuất theo các hình thức:
- Ứng trước vốn, vật tư, hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ và mua lại nông sản hàng hoá;
- Bán vật tư mua lại nông sản hàng hóa;
- Trực tiếp tiêu thụ nông sản hàng hóa;
- Liên kết sản xuất; Hộ nông dân được sử dụng giá trị quyền sử dụng đất để góp vốn cổ phần, liên doanh, liên kết với doanh nghiệp hoặc cho doanh nghiệp thuê đất, sau đó nông dân được sản xuất trên đất đã góp vốn cổ phần, liên doanh, liên kết hoặc cho thuê và bán lại nông sản cho doanh nghiệp, tạo sự gắn kết bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp” (Điều 2 của Quyết định số 80/2002/QĐ/TTg ngày 24/6/2002).
Thực hiện quyết định này đã có nhiều hợp đồng được ký kết trong việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Kết quả thực hiện nhiều hợp đồng qua báo chí cho thấy có nhiều hợp đồng đạt kết quả tốt, cụ thể là doanh nghiệp, nhà hàng, trường học… thu mua được sản phẩm có chất lượng tốt, nguồn cung cấp cho tiêu thụ ổn định nhất là cho các xí nghiệp chế biến phát huy được sử dụng máy móc thiết bị; về phía người sản xuất đã tiêu thụ được nông sản với giá cả hợp lý, yên tâm sản xuất và thu nhập từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, tỷ lệ nông sản hàng hóa được ký kết hợp đồng tiêu thụ chưa phải là cao và cũng không ít hợp đồng bị phá vỡ không thực hiện được như:
- Hợp đồng mía với nhà máy đường Hiệp Hòa tỉnh Long An của các nông trường Phạm Văn Hai, Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) do khi đến vụ thu hoạch nông trường không huy động được lực lượng lao động thu hoạch mía vì giá công thu hoạch mía thấp hơn so với lương công nhân khoán theo thời gian trong các doanh nghiệp công nghiệp ở khu công nghiệp của huyện. Mặt khác, do giá mía thị trường thấp hơn giá mía ký hợp đồng và bị ép hạ giá thấp xuống qua việc đánh giá của nhân viên nhà máy về trữ lượng đường thấp.
- Hợp đồng với một số nhà máy chế biến dứa qua, lá cây nha đam với nông trường Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh) do kết quả thu hoạch không đạt được loại I theo quy định trong hợp đồng phải bán giá thấp dưới giá thành, nông dân bị lỗ và bán sản phẩm ra ngoài. Bên cạnh đó cũng có trường hợp khi thu hoạch giá thị trường cao hơn giá hợp đồng và nông dân đã sẵn sàng bán cho tư thương phá vỡ hợp đồng.
V V.v…
Việc xử lý vi phạm hợp đồng xảy ra hiện nay rất khó khăn và chưa có giải pháp hữu hiệu vì phần lớn các hợp đồng ký kết hiện nay chưa phải là
hợp đồng kinh tế, có những ràng buộc chặt chẽ và nghiêng về thực hiện chủ trương chính sách; Trong thực tế, nhiều sản phẩm thực hiện hợp đồng theo sự chỉ đạo của nhà nước về mức giá sàn nhằm bảo vệ quyền lợi cho người nông dân. Điều này khiến các doanh nghiệp thực hiện ký hợp đồng phải chịu sức ép về 2 phía:
- Doanh nghiệp thực hiện hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ chính trị xã hội bằng các chính sách bảo hộ cho nông dân (ví dụ giá muối ở Cần Giờ).
- Người nông dân, người sản xuất o ép doanh nghiệp khi sản phẩm hợp đồng khan hiếm, giá thị trường cao hơn hợp đồng. Như vậy có thể nói việc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm còn mang nhiều sắc thái của giải quyết chính sách xã hội, chưa phải là
một đòn bẩy kinh tế trong kinh tế thị trường bởi lẽ kết quả hợp đồng bị chi phối nhiều qua diễn tiến của thị trường. Đó là chưa kể đến chuyện “hình thức” của hợp đồng mà chúng ta chưa quản lý được như doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ nông sản để hưởng một số chính sách “ưu đãi” của nhà nước: “Đối với dự án đầu tư chế biến nông sản, tiêu thụ nông sản hàng hoá được vay từ quỹ hỗ trợ phát triển với mức lãi suất 3% năm. Trường hợp dự án do doanh nghiệp Nhà nước thực hiện thì khi dự án đi vào hoạt động, ngân sách Nhà nước cấp đủ 30% vốn lưu động” (Điều 3 của Quyết định 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002).
2- Giải pháp để tăng tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng.
Đối chiếu hợp đồng tiêu thụ nông sản hiện nay với pháp lệnh hợp đồng kinh tế ngày 25/9/1989 cho thấy: Hợp đồng kinh tế chủ thể chủ yếu là các tổ chức kinh doanh có
tư cách pháp nhân kinh doanh còn bên kia có thể là pháp nhân kinh doanh hay
cá nhân có đăng ký kinh doanh. Điều đáng lưu ý là hai bên tham gia đều phải ký kết hợp đồng kinh tế
trong phạm vi nghề nghiệp của mình đã đăng ký còn nếu hai bên có đăng ký kinh doanh hợp pháp nhưng hợp đồng việc ngoài phạm vi nghề nghiệp của mình thì không được coi là hợp đồng kinh tế mà là hợp đồng dân sự. Hợp đồng tiêu thụ nông sản ký giữa doanh nghiệp với hộ nông dân cá thể, theo Điều 42-43 Pháp lệnh này thì các hộ này cũng được xem là chủ thể của hợp đồng kinh tế.
Như vậy, tại sao hợp đồng kinh tế về tiêu thụ nông sản lại khó giải quyết ở TP.HCM nói riêng, trên diện rộng cả nước nói chung trong thời gian qua đặt ra là: các ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm trong hợp đồng chưa được tính toán đầy đủ như đã nêu trên; điều quan trọng là các hợp đồng này có quan hệ với hộ nông dân với một quy mô chủ thể quá rộng mà quy mô sản phẩm thì lại manh mún quá nhỏ (ví dụ doanh nghiệp ký hợp đồng cho 1.000 ha đậu phộng thì phải ký với khoảng 1.500 hộ dân). Như thế khi có sự cố hợp đồng xảy ra rất khó đàm phán thương lượng với chủ thể nông dân đông như vậy. Mặt khác với một tín hiệu nào đó (như tín hiệu giá cả thị trường) thì tạo ra sự lan truyền trong số đông rất nhanh và dễ dẫn đến áp lực cho chủ thể doanh nghiệp thực hiện ký kết hợp đồng.
Có thể khái quát 3 vấn đề chính ảnh hưởng đến thành công của tiêu thụ nông sản qua hợp đồng:
Một là: Chưa có quy định mối quan hệ rõ ràng và chặt chẽ giữa các bên trong hợp đồng, đó là quan hệ hợp tác mà các bên cùng có lợi và có các ưu đãi trong hợp đồng giành cho nhau; đồng thời rủi ro do phải được chia sẻ công bằng.
Hai là: Nông dân tham gia sản xuất nông nghiệp theo hợp đồng với một quy mô nhỏ, manh mún, chưa thông qua
một tổ chức đại diện có tư cách pháp nhân, cụ thể là:
- Tổ chức đại diện có tư cách pháp nhân, có đăng ký kinh doanh và ký kết hợp đồng trong phạm vi nghề nghiệp kinh doanh của mình (Pháp lệnh hợp đồng kinh tế ngày 25/9/1989).
- Tổ chức đại diện có thể đạt được quy mô sản xuất ký kết “đủ lớn” có ý nghĩa để xem xét, xử lý hợp đồng.
Nếu theo tính chất, nguyên tắc nêu trên thì mô hình đề nghị để tăng thực hiện tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng là:
- Mô hình hợp tác xã (HTX): Tổ chức sản xuất nông nghiệp nông thôn phổ biến hiện nay là kinh doanh hộ cá thể; Về chủ trương, chúng ta hướng đến phát triển HTX, và ưu thế của HTX đã được khẳng định trong Luật HTX sửa đổi năm 2003 sẽ thúc đẩy HTX phát triển mạnh hơn. Tại hội thảo quốc gia về chiến lược tăng cường các HTX nông nghiệp tại Việt Nam có sự tham dự nhiều giám đốc văn phòng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của liên minh HTX quốc tế thì Việt Nam cùng với Thái Lan và Lào là những nước Đông Nam Á được chọn làm mô hình phát triển HTX trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Do đó để tăng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp qua hợp đồng thì nhất thiết phải phát triển HTX, phải xây dựng các HTX thực sự vững mạnh. Chính các HTX là nơi gặp gỡ và tổ chức ký kết hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp, đồng thời cũng là nơi thực hiện hợp đồng; HTX có thể được xem là tổ chức sản xuất đạt đến một quy mô sản phẩm nhất định để thực hiện nhiều tác động – hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, về vốn và nhất là dễ dàng trong việc đàm phán, xử lý hợp đồng theo các quy định hiện nay. Để hợp đồng thuận lợi, điều quan trọng là cần gắn HTX với doanh nghiệp trong lợi ích chung
lãi cùng hưởng, lỗ cùng chịu; khi đó nông dân và doanh nghiệp sẽ phải quan tâm thực sự đến hợp đồng, coi đó là lợi ích của mình.
- Mô hình kinh tế trang trại: Trước hết kinh tế trang trại đạt được một quy mô sản phẩm nào đó, chủ thể của nó có tiềm lực nhất định và chủ thể này tham gia vào ký kết hợp đồng kinh tế không trái với pháp lệnh hợp đồng kinh tế hiện hành. Kinh tế trang trại cũng là mô hình mà chúng ta đang quan tâm, hỗ trợ và sản xuất có kết quả.
Ba là: Sản xuất nông nghiệp theo hợp đồng không phải là mô hình phù hợp cho tất cả các loại sản phẩm mà tập trung thành công vào một số sản phẩm có tính chất:
- Sản phẩm có tính đặc thù, ít tiêu dùng phổ thông trên thị trường, người sản xuất khó tiêu thụ nơi khác nên việc tuân thủ hợp đồng cao.
- Sản phẩm đòi hỏi đạt được những tiêu chuẩn, quy cách nhất định, thậm chí phải tuân thủ yêu cầu quy trình sản xuất bắt buộc.
Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con nuôi, tăng hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp. Hoa cảnh được xác định là loại cây sản xuất đặc thù của nông nghiệp đô thị, có thể mang lại thu nhập cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Thực tế nhu cầu hoa cây cảnh để trang trí ngày càng trở lên phổ biến trong các nhà hàng, khách sạn, văn phòng, … và trong nhiều gia đình có mức sống khá.
Việc tiêu thụ hoa cây cảnh có đặc trưng là theo thời điểm, tập trung vào Tết nguyên đán, vào các dịp lễ, các ngày kỷ niệm; Do đó thời vụ có vai trò rất quan trọng trong tổ chức trồng hoa cây cảnh. Mặt khác, vào các thời điểm tiêu thụ cũng nổi trội một số chủng loại hoa theo thói quen sử dụng như: hoa hồng, hoa lan vào ngày 20/11; hoa huệ vào ngày vu lan; hoa mai vào dịp tết nguyên đán; …
Hoa cây cảnh được xem là sản phẩm có tính đặc thù và phải tuân thủ quy trình sản xuất, kỹ thuật nghiêm ngặt rất cần tổ chức sản xuất qua hợp đồng, trong đó vai trò của nhà sản xuất và nhà khoa học đặc biệt quan trọng trong việc đưa ra sản phẩm tập trung vào các thời điểm đảm bảo quy cách sản phẩm. Ngoài ra, một yêu cầu không kém phần quan trọng trong tiêu thụ hoa cây cảnh là vấn đề bao bì bảo quản và tổ chức vận chuyển tiêu thụ là chi phí đáng kể cần tính đến trong hợp đồng.
Tiêu thụ hoa cây cảnh như nêu trên là các đối tượng nhà hàng, khách sạn, văn phòng, … và trong nhiều gia đình có mức sống khá thì quy mô sản phẩm tiêu thụ chưa phải là lớn và tổ chức sản xuất hoa cây cảnh nhỏ lẻ hiện nay vẫn có thể đáp ứng được, phù hợp. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là quy mô nhỏ lẻ này không đủ trang trải chi phí để có thể hợp đồng nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật chuyển giao về giống, về… ; Vì thế rất cần thiết sự liên kết các nhà sản xuất trong một tổ chức, tổ chức này có thể được tốt nhất là tổ chức có tư cách pháp nhân trong ký kết các hợp đồng nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm tăng hiệu quả sản xuất hoa cây cảnh./.
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"