NGUYỄN MAI PHƯƠNG – Chuyên viên tư vấn cao cấp – Công ty luật EPLegal
Thời điểm Jetstar Pacific buộc phải gỡ bỏ tất cả các biểu tượng Jetstar không còn bao lâu, nhưng những tranh cãi vẫn chưa có hồi kết. Vậy thực sự mắc mớ của câu chuyện này ở đâu? Các hãng hàng không nước ngoài có khả năng và tư cách thế nào trong chiến lược định vị thị trường tại Việt Nam? Có thể trả lời câu hỏi này nhìn từ khía cạnh pháp lý.
Lối tắt để thâm nhập thị trường
Theo Luật Hàng không dân đụng, các nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia vào thị trường dịch vụ vận chuyển hàng không trên các đường bay nội địa một cách hợp pháp bằng cách hợp tác với các pháp nhân hoặc cá nhân Việt Nam dưới hình thức thành lập công ty liên doanh. Tuy nhiên, phần vốn góp của các nhà đầu tư nước ngoài trong liên doanh không được vượt quá 49% vốn điều lệ của công ty liên doanh và phần vốn góp của từng nhà đầu tư nước ngoài không được quá 30%. Theo quy định này, tập đoàn Qantas (Úc) và hãng hàng không AirAsia (Malaysia) đã mua lại cổ phần của hai hãng hàng không nội địa để chuyển thành hai công ty liên doanh tương ứng là Jetstar Pacific Airlines (JPA) và VietJet AirAsia (VJA). Vì vậy, căn cứ theo Luật nói trên và được sự chấp thuận của Bộ Giao thông Vận tải (MOT), tỷ lệ sở hữu của phía nước ngoài trong JPA (27%) và VJA (30%) là hoàn toàn hợp lệ.
Tuy nhiên, tính hợp pháp của việc các liên doanh này cung cấp các chuyến bay nội địa vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Vì chưa có một định nghĩa chính thức cho khái niệm “hãng hàng không nội địa” trong pháp luật về hàng không dân dụng nên tạm thời khái niệm “công ty trong nước” hay “doanh nghiệp Việt Nam” sẽ được sử dụng ở đây. Theo Điều 2 của Quyết định 88/2009/QĐ – TTg ban hành quy chế về góp vốn và mua cổ phần trong các doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam bao gồm doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện cổ phần hóa hoặc được chuyển đổi sang các hình thức khác, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp doanh, doanh nghiệp tư nhân được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Như vậy, một công ty trong nước không được định nghĩa dựa trên tỷ lệ sở hữu của phía nước ngoài mà bởi quyền tài phán mà doanh nghiệp đó chịu ràng buộc. Nếu xét theo khía cạnh này thì cả JPA và VJA đều được xem là doanh nghiệp trong nước. Mặc dù các quy định của pháp luật cho phép thành lập công ty liên doanh trong ngành hàng không dân dụng, nhưng vẫn chưa điều chỉnh rõ ràng về khả năng và điều kiện để các liên doanh này khai thác các đường bay nội địa cũng như một định nghĩa cụ thể cho khái niệm “hãng hàng không nội địa”. Do đó, việc thành lập công ty liên doanh có thể mang lại nhiều rủi ro cho nhà đầu tư nước ngoài vì chưa xác định được khả năng cung cấp các chuyển bay nội địa của các công ty liên doanh này.
Mặt khác, theo điều 10 Nghị định 139/2007/ND – CP hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài có thể góp vốn, mua cổ phần của các công ty trong nước nhưng không được vượt quá tỷ lệ sở hữu được quy định bởi pháp luật chuyên ngành nếu có. Do đó các hãng hàng không nước ngoài đã lựa chọn con đường ngắn hơn là mua lại cổ phần trong các hãng hàng không nội địa thay vì góp vốn với đối tác Việt Nam để thành lập một hãng hàng không liên doanh.
Vênh về luật
Việc các hãng hàng không nội địa có vốn đầu tư nước ngoài được quyền khai thác đường bay nội địa không trái với quy định của pháp luật hiện hành. Tư cách tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trong các liên doanh này bị giới hạn trong phạm vi các quyền và nghĩa vụ của cổ đông thiểu số. Tuy nhiên, hành khách có thể cảm thấy như thể được phục vụ bởi chính hãng hàng không JetStar Airways (Úc) trong các chuyến bay nội địa được cung cấp bởi JPA. Bằng cách sử dụng logo và phong cách phục vụ của JetStar Airways, JPA có thể bị nhầm lẫn với hãng JetStar Airways thuộc tập đoàn Quantas. Điều này có vi phạm quy định về sở hữu trí tuệ không?
Việc sử dụng nhãn hiệu JetStar của hãng JetStar Airways được xác lập theo hợp đồng nhượng quyền. Theo Điều 16, Thông tư 26/2009/TT – BGTVT, hợp đồng nhượng quyền khai thác là một loại hợp đồng trong đó có nội dung hãng hàng không sử dụng một trong các yếu tố như tên, mã hiệu, biểu tượng (logo) hoặc các hình ảnh thương hiệu khác của các hãng hàng không khác. Theo các quy định về thương mại của Việt Nam đặc biệt là Điều 5, Nghị định 35/2006/NĐ – CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại, việc nhượng quyền được cho phép khi đáp ứng các điều kiện sau đây: Hệ thống kinh doanh theo phương thức nhượng quyền đã hoạt động tối thiểu một năm; Hoạt động nhượng quyền đã được đăng ký với Bộ Công Thương; và Dịch vụ hay hàng hóa được nhượng quyền không thuộc đối tượng bị cấm.
Vì vậy, việc nhượng quyền giữa Tập đoàn Qantas và JPA là hợp lệ vì đã đáp ứng ba điều kiện kể trên. Tuy nhiên, Điều 7.2 của Nghị định 35/2006/NĐ – CP quy định chi tiết Luật Thương Mại về hoạt động nhượng quyền thương mại cũng quy định rằng, giấy phép kinh doanh là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được nhượng quyền nếu hàng hóa, dịch vụ đó thuộc đối tượng kinh doanh có điều kiện. Theo nguyên tắc, việc nhượng quyền giữa Tập đoàn Qantas và JPA theo đó JPA được sử dụng nhãn hiệu thương mại và biểu tượng của hãng JetStar Airways chỉ có thể thực hiện sau khi được cấp giấy phép kinh doanh.
Mặt khác, theo Thông tư 26/2009/TT – BGTVT, hợp đồng nhượng quyền khai thác chỉ có hiệu lực sau khi được Cục Hàng không dân dụng Việt Nam (CAAV) phê duyệt. Tuy nhiên, liệu “giấy phép kinh doanh” được đề cập trong Nghị định 35/2006/NĐ – CP có đồng nghĩa với “sự phê duyệt” của CAAV theo Thông tư 26/2009/TT – BGTVT hay không, hiện nay vẫn đang là một ẩn số. Đáng chú ý, vào ngày 2/11/2009, Bộ trưởng MOT đã yêu cầu JPA phải tự thiết kế riêng biểu tượng thay vì sử dụng biểu tượng JetStar. Theo CAAV, JPA đang cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng không theo giấy phép kinh doanh điều chỉnh bởi Luật Hàng không dân dụng, không phải theo phương thức nhượng quyền. Như vậy, có thể thấy rằng, sự vênh nhau giữa các quy định về nhượng quyền theo pháp luật thương mại và pháp luật hàng không dân dụng đã và đang gây khó khăn trong quá trình đầu tư vào Việt Nam cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Ai là nạn nhân?
Việc rất nhiều hãng hàng không giá rẻ quốc tế tham gia vào thị trường Việt Nam trong thời gian gần đây đã tạo ra nhiều quan ngại cho các hãng bay nội địa. Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã chính thức phản đối việc hãng AirAsia mua lại một phần cổ phần của VJA. Nhiều người cho rằng các hãng máy bay giá rẻ quốc tế đã tìm cách lách luật nhằm xin được giấy phép hoạt động tại Việt Nam. Vấn đề này xin được bàn luận trên các khía cạnh của Luật Cạnh tranh và quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trước tiên, việc góp vốn, mua cổ phần của các hãng hàng không nước ngoài vào các hãng nội địa không phải một hành động “tập trung kinh tế” như được quy định tại Điều 16 Luật Cạnh tranh. Cụ thể, Tập đoàn Qantas và AirAsia hiện lần lượt là cổ đông thiểu số của JPA (27%) và VJA (30%), vì vậy các công ty này không giành được quyền chi phối các hãng nội địa trên.
Sự vênh nhau giữa các quy định về nhượng quyền theo pháp luật thương mại và pháp luật hàng không dân dụng gây khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài
Thứ hai, các hãng bay nội địa có thể gặp khó khăn bởi chính sách giá do các hãng hàng không giá rẻ thực hiện khi các hãng bay này tham gia vào phân khúc thị trường. Giá vé do JPA chào bán rẻ hơn rất nhiều so với giá vé của Vietnam Airlines. Theo Điều 13 của Luật Cạnh tranh, một doanh nghiệp thống lĩnh thị trường (có thị phần từ 30% trở lên hoặc có khả năng hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể) sẽ bị cấm cung cấp hàng hóa, dịch vụ dưới giá thành toàn bộ. Cho đến nay Cục quản lý Cạnh tranh Việt Nam chưa có kết luận nào về chính sách giá bán của JPA cũng như doanh nghiệp này có phải là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường hay không.
Thứ ba, liệu việc JPA sử dụng nhãn hiệu và tên thương mại JetStar cũng như VietJet đổi tên thành VietJet AirAsia có làm sai lệch nhận thức của khách hàng về chất lượng dịch vụ của các hãng hàng không này hay không? Điều 40 của Luật Cạnh tranh cấm các doanh nghiệp sử dụng chỉ dẫn chứa đựng
thông tin gây nhầm lẫn về tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, bao bì, chỉ dẫn địa lý và các yếu tố khác làm sai lệch nhận thức của khách hàng về hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích cạnh tranh. Tuy nhiên, quy định cấm trên không áp dụng trọng trường hợp này, bởi lẽ JPA không sử dụng thương hiệu của bất kỳ hãng bay nội địa nào khác để làm sai lệch nhận thức của khách hàng để cạnh tranh với hãng bay nội địa đó. Việc sử dụng nhãn hiệu JetStar của Jetstar Airways là dựa trên thỏa thuận nhượng quyền như đã nói ở trên. Còn đối với việc thay đổi tên doanh nghiệp của VietJet là hoàn toàn phù hợp với quy định về đặt tên doanh nghiệp theo Điều 10 của Nghị định 88/2006/NĐ – CP về đăng ký kinh doanh.
Không chỉ các hãng bay nội địa mà cả các khách hàng, những người có lợi ích trực tiếp trong chiến lược lựa chọn phân khúc thị trường của các hãng bay nước ngoài, có thể bị ảnh hưởng bởi việc gia nhập thị trường của các hãng bay này. Rõ ràng là khách hàng có thể sẽ được lợi từ các chính sách giá cạnh tranh và chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc tế của các hãng bay có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, Nghị định 55/2008/NĐ – CP quy định chi tiết việc thực hiện Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không cho phép các hành vi quảng cáo, trưng biển hiệu, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ làm sai lệch nhận thức của khách hàng. Khách hàng có thể gửi đơn khiếu nại đến nhà cung cấp dịch vụ hoặc hàng hóa trong trường hợp quyền lợi chính đáng của mình bị xâm phạm. Cho đến nay, chưa có trường hợp khiếu nại nào được báo cáo là hoạt động cung cấp dịch vụ của JPA đi ngược lại với quyền lợi người tiêu dùng.
Thiết nghĩ, khuôn khổ các quy định pháp luật của Việt Nam đối với hoạt động của các hàng hàng không nội địa có vốn đầu tư nước ngoài hiện còn chưa hoàn chỉnh và đồng bộ về khía cạnh đầu tư, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, chống độc quyền và bảo vệ người tiêu dùng. Nhìn từ góc độ pháp lý, chưa có cơ sở lập luận vững chắc để phán quyết rằng hoạt động của các hãng hàng không nước ngoài trong trường hợp của JPA hay VJA tại Việt Nam là trái với quy định của pháp luật Việt Nam. Nhìn từ góc độ thương mại, việc tham gia thị trường của các hãng hàng không nước ngoài cần phải được pháp luật điều chỉnh một cách nhất quán và toàn diện để bảo về quyền lợi của người tiêu dùng và đảm bảo một thị trường cạnh tranh lành mạnh.
Pacific Airlines được đổi tên thành Jetstar Pacific vào tháng 5/2008 và sử dụng thương hiệu, biểu tượng của Jetstar Airways. Ngày 2/11/2009, MOT yêu cầu Jetstar Pacific phải xây dựng biểu tượng riêng. Các quy định về logo và biểu tượng cũng sẽ được áp dụng với trường hợp của Hãng hàng không tư nhân VietJet Air.
Jetstar Pacific sẽ buộc phải dỡ bỏ tất cả các biển hiệu có biểu tượng chữ Jetstar hoặc Jet và hình ngôi sao màu cam tại các sân bay trước ngày 30/6/2010. Việc xây dựng thương hiệu và biểu tượng riêng là một trong các yêu cầu bắt buộc nếu hãng này muốn được xem xét cấp giấy phép bay mới, vì giấy phép đã được cấp của hãng sẽ hết hạn vào ngày 15/10/2010.
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"