ĐỖ VĂN HUÂN
Lạm phát là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, nên được các nhà hoạch định chính sách quan tâm và theo dõi và xử lý – lạm phát còn được người tiêu dùng quan tâm đặc biệt, vì lạm phát thì sức mua của đồng tiền giảm đi, cũng đồng nghĩa với mức tiêu dùng thực tế giảm xuống tương ứng. Chính vì thế, giá tiêu dùng (một biểu hiện của lạm phát) được Tổng cục Thống kê theo dõi và tổng hợp ở các chợ đại diện trên phạm vi cả nước.
Diễn biến và dự báo
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng so với tháng 12/2008 của 6 tháng đầu năm 2009 như trong biểu đồ.
Diễn biến giá tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm 2009 có một số đặc điểm đáng lưu ý.
Thứ nhất, giá tiêu dùng đầu năm nay tăng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng tương ứng của cùng kỳ năm trước. Cụ thể:
Tháng 1 tăng 0,32% so với tăng 2,38%; Tháng 2 tăng 1,17% so với tăng 3,56%; Tháng 3 giảm 0,17% so với tăng 2,99%; Tháng 4 tăng 0,35% so với tăng 2,20%; Tháng 5 tăng 0,44% so với tăng 3,91%; Tháng 6 tăng 0,55% so với tăng 2,14%.
Sau 6 tháng (tức là tháng 6/2009 so với tháng 12/2008) tăng 2,68% so với 18,44%.
Chính tình hình trên cùng với việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP (từ 6,7% xuống còn 5%), Quốc hội đã điều chỉnh chỉ tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng (từ dưới 15% xuống còn dưới 10%). Cũng từ diễn biến này, mà nhiều người đã cho rằng lạm phát chưa có gì đáng lo và Nhà nước có thể yên tâm để tập trung cao hơn cho mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm nay đã được điều chỉnh và cao hơn năm sau.
Thứ hai, tốc độ tăng giá tiêu dùng đã có xu hướng cao lên qua các tháng. Nếu bình quân 1 tháng trong 5 tháng đầu năm tăng 0,42%, thì tháng 6 đã tăng 0,55%, cao hơn mức bình quân một tháng trong 5 tháng đầu năm, cao hơn trong 3 tháng trước đó. Chính xu hướng này và các yếu tố tác động (sẽ được đề cập ở phần sau) đã làm xuất hiện dư luận lo ngại về nguy cơ tái lạm phát. Nói là nguy cơ, có nghĩa là lạm phát chưa đến ngay trong vài ba tháng tới, mà có thể sẽ đến vào cuối năm nay và đầu năm sau. Cũng chính từ đó mà mục tiêu tiếp ngay sau mục tiêu ưu tiên của năm nay mà Quốc hội đưa ra là kiềm chế lạm phát.
Thứ ba, so sánh sau một năm (tức là so với cùng kỳ năm trước), tốc độ tăng giá tiêu dùng từng tháng và bình quân các tháng năm nay có xu hướng chậm dần
Tháng 1 tăng 17,48%;
Tháng 2 tăng 14,78%, bình quân hai tháng tăng 16,13%;
Tháng 3 tăng 11,25%, bình quân ba tháng tăng 14,47%;
Tháng 4 tăng 9,23%, bình quân bốn tháng tăng 13,14%;
Tháng 5 tăng 5,28%, bình quân năm tháng tăng 11,59%;
Tháng 6 tăng 3,94%, bình quân sáu tháng tăng 10,27%.
Đó là xu hướng tốt. Tuy nhiên, mặt bằng giá năm nay vẫn tăng so với mặt bằng giá của năm 2008, trong khi mặt bằng giá của năm 2008 đã tăng rất cao (gần 23%) so với năm 2007. Chính điều này đã làm người tiêu dùng, đặc biệt là những người có thu nhập thấp, những người bị giảm thu nhập do mất hay thiếu việc làm vẫn cảm thấy giá cả đắt đỏ hơn mặc dù về con số tháng sau so với tháng trước tăng thấp, thậm chí tháng 3 còn giảm so với tháng 2.
Thứ tư, theo nhóm hàng, trong khi giá lương thực giảm hoặc tăng thấp thì giá các nhóm hàng còn lại trong “rổ” tính giá tiêu dùng đã tăng cao hơn. Cụ thể: tháng 6 giá lương thực chỉ tăng 0,59%, thì giá các hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng còn lại tăng 2,99%. Đó là kết quả của sản xuất lương thực vụ đông xuân được mùa đã đóng góp, nhưng lại có yếu tố giảm giá xuất khẩu so với cùng kỳ năm trước (giảm 28,5%) mặc dù lượng gạo xuất khẩu tăng mạnh (tăng 56,2%).
Thứ năm, theo khu vực, giá tiêu dùng ở khu vực nông thôn tăng thấp hơn ở khu vực thành thị (tháng 6 tăng 0,50% so với tăng 0,62%), 6 tháng tăng 2,47% so với tăng 2,94%).
Đặc điểm thứ tư và thứ năm trên cho thấy rõ nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã góp phần “cứu” đất nước trước tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu về nhiều mặt, từ tăng trưởng kinh tế (khi tăng trưởng công nghiệp bị sụt giảm mạnh hơn), lạm phát, tiêu thụ trong nước, xuất khẩu, lao động việc làm,…; đồng thời cũng cho thấy kích cầu đầu tư, tiêu dùng cần hướng mạnh hơn vào trọng điểm nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Thời gian gần đây, trong một số cuộc hội thảo, trên diễn đàn Quốc hội và trên các phương tiện thông tin đại chúng đã xuất hiện sự lo ngại về tái lạm phát. Người viết cho rằng xu hướng diễn biến của lạm phát năm nay sẽ khác với năm trước: nếu năm trước tăng rất cao vào những tháng đầu năm, nhưng đã chậm lại và giảm vào những tháng cuối năm, thì năm nay sẽ có xu hướng ngược lại – tăng thấp vào đầu năm, nhưng sẽ cao lên vào cuối năm và cả năm sẽ ở mức xấp xỉ 10%. Vì vậy, lạm phát chưa đến ngay trong vài ba tháng tới, nhưng phải cẩn trọng, bởi lạm phát có thể quay
trở lại.
Những yếu tố tác động
Xu hướng và khuyến cáo trên căn cứ vào nhiều yếu tố tác động. Các yếu tố này có thể khái quát thành các nhóm như sau.
Nhóm thứ nhất là nguồn hàng, bao gồm nguồn hàng sản xuất trong nước và nhập siêu.
Về sản xuất trong nước, năm trước tăng cao vào đầu năm, tăng thấp vào cuối năm, nhưng tính chung cả năm tăng 6,18%; năm nay tăng thấp vào đầu năm, tăng cao hơn vào cuối năm, nhưng tính chung cả năm tăng thấp hơn năm trước (mục tiêu phấn đấu tăng 5%).
Nhập siêu, năm trước cao vào đầu năm, ít hơn vào những tháng cuối năm, nhưng cả năm ở mức 18 tỷ USD. Năm nay sẽ thấp hơn vào đầu năm (6 tháng đầu năm nay ở mức trên 2,1 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức 14,2 tỷ USD của cùng kỳ năm trước) cao hơn vào cuối năm nhưng khả năng cả năm có thể chỉ ở mức hai phần ba mức của năm trước.
Nhóm thứ hai là tiền tệ – tài khoá. Nếu năm trước, chính sách tiền tệ – tài khoá chuyển từ nới lỏng sang thắt chặt, thì năm nay chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng. Tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, dư nợ tín dụng và tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng hiện đã ở mức trên dưới 15% so với cuối năm trước, nhưng chủ yếu từ tháng 4 đến nay (sau khi gói kích cầu thứ nhất được thực hiện đến nay đã kéo trên 350 nghìn tỷ đồng tín dụng của các ngân hàng thương mại ra lưu thông). Hiện có 4 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ lãi suất (131, 443, 497, 579). Theo dự kiến, tốc độ tăng dư nợ tín dụng cả năm sẽ ở mức 30% – cao gấp 6 lần tốc độ tăng GDP. Đó là một hệ số khá cao so với năm trước và so với các nước trong khu vực, nên việc cẩn trọng với lạm phát là không thừa.
Nhóm thứ ba là tiêu thụ ở trong nước. Nếu năm trước, tiêu thụ ở trong nước chuyển từ tăng cao sang “co lại”, thì năm nay lại chuyển từ “co lại” sang tăng cao lên qua các tháng. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ dịch vụ tiêu dùng tháng 1 tăng 4%, 2 tháng tăng 5%, 3 tháng tăng 6,6%, 4 tháng tăng 7,4%, 5 tháng tăng 8,4%, 6 tháng tăng 8,8%. Tuy chưa bằng tốc độ tăng của các năm trước năm 2007, nhưng đã cao hơn tốc độ tăng 6,5% của năm 2008 và cao gấp đôi tốc độ tăng trưởng GDP (3,9%). Đây vừa là động lực của tăng trưởng, vừa là một trong những yếu tố quan trọng làm cho giá tiêu dùng có xu hướng cao lên.
Nhóm thứ tư là chi phí đẩy. Nhóm này gồm một số nhóm nhỏ. Giá cả trên thị trường thế giới, nếu năm trước tăng cao vào đầu năm, giảm mạnh vào cuối năm (góp phần kéo lạm phát cao trong các tháng cuối năm), thì năm nay đầu năm ở mức thấp nhưng đang có xu hướng cao lên vào cuối năm, nhất là giá xăng dầu, sắt thép, thức ăn chăn nuôi, đường, sữa, thuốc chữa bệnh,… Đó là giá tính bằng USD, khi nhập khẩu tính bằng VND sẽ còn tăng kép, bởi tỷ giá VND/USD năm nay tăng cao hơn năm trước (6 tháng đầu năm nay tăng 5,33%, nếu tính bình quân 6 tháng so với cùng kỳ tăng 9,62%, trong khi các con số tương ứng của cùng kỳ năm trước là 5,02% và 0,51%). Nếu lạm phát trên thế giới tăng lên như dự báo của nhiều chuyên gia, thì lạm phát ở trong nước sẽ bị “khuyếch đại” lên.
Ở trong nước, giá nhiều loại nguyên nhiên vật liệu nếu năm trước đầu năm tăng lên, cuối năm giảm xuống theo giá thế giới; chi phí vay vốn nếu năm trước ở mức cao, năm nay được bù lãi suất; nhưng nếu hết năm phần vay vốn lưu động hết thời hạn cấp bù lãi suất thì có thể sẽ có “cú sốc” không chỉ về chi phí vốn vay, mà cả về tiếp cận vốn vay không chỉ đối với doanh nghiệp mà cả các ngân hàng thương mại. Việc thực hiện cơ chế thị trường về giá đối với xăng, dầu, điện, than đá, nước… và một số loại dịch vụ cũng sẽ làm cho mặt bằng giá tăng lên.
Nhóm thứ năm là việc “chia sẻ” – thời gian qua giá vàng, chứng khoán, bất động sản ấm, nóng lên, đã hút một lượng tiền không nhỏ vào đây; nhưng tới đây, nếu nó giảm xuống thì sẽ gây áp lực lên thị trường hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng.
Cần hết sức chú ý đến sự “cộng hưởng” cả các yếu tố trên và vào cuối năm lại thêm nhu cầu cao hơn của việc hoàn thành kế hoạch cả năm, của Tết cổ truyền,… thì lạm phát có thể cao lên./.
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"