LÃI SUẤT: ÔN CỐ TRI TÂN

CHÂU ĐÌNH PHƯƠNG Lãi suất là một trong những công cụ tiền tệ có vai trò đặc biệt quan trọng trong chính sách tiền tệ quốc gia. Việc sử dụng lãi suất như thế nào trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam luôn là mối quan tâm hàng đầu không chỉ của các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia kinh tế, mà còn của cả xã hội. Để có thể phát huy tốt công cụ quản lý này, sẽ không thừa khi nhìn lại những kinh nghiệm trong quá khứ. Từ “Cơ chế lãi suất thỏa thuận”… Năm 2002, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã sử dụng “cơ chế lãi suất thoả thuận”. Theo đó, mức lãi suất huy động vốn và cho vay dựa trên nguyên tắc “thoả thuận” giữa ngân hàng và khách hàng. Lúc bấy giờ, trong giới chuyên môn cũng có nhiều ý kiến băn khoăn về sự ra đời “sớm” của cơ chế này, vì kinh tế – xã hội Việt Nam còn nhiều yếu tố cản trở tính hiệu quả của nó; đặc biệt là còn có sự khác biệt không nhỏ giữa các thành phần kinh tế, trong đó kinh tế Nhà nước vẫn phải giữ vai trò chủ đạo (nhưng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh không cao, thường bị thua lỗ…). Ngoài ra, lúc bấy giờ kinh tế nước ta vẫn đang là một nền kinh tế thị trường chưa đầy đủ do còn những bất hợp lý, thiếu đồng bộ trong hệ thống pháp luật; sự pha trộn, đan xen giữa 2 cung cách làm ăn cũ và mới vẫn là những trở lực rất lớn cho tính năng động sáng tạo của người lao động trong các cơ quan quản lý nhà nước cũng như trong các doanh nghiệp. Những băn khoăn về sự ra đời “sớm” của cơ chế lãi suất thoả thuận như đã nói trên là có cơ sở thực tế. Đây cũng chính là nguyên nhân mà, sau khi có cơ chế lãi suất thoả thuận ra đời thì chỉ số hàng hoá-dịch vụ tiêu dùng liên tục tăng lên, làm cho lạm phát tiền tệ của Việt Nam ngày càng một nặng nề thêm. Năm 1999, mức lạm phát chỉ là 0,1%; 2 năm sau đó mức lạm phát đều âm (2000: -0,6%; 2001: -0,2%); nhưng sang năm 2002, con số này đã là 4% và đến năm 2004 là 8,4%. Cơ chế lãi suất thoả thuận cũng đã trở thành cơ sở cho sự xuất hiện nhiều quan điểm khác nhau trong việc sử dụng lãi suất trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại trong những năm sau đó; đặc biệt là từ năm 2004. Từ năm 2004, nhiều ngân hàng thương mại đã sử dụng lãi suất với tư cách là một trong những công cụ chủ yếu để cạnh tranh, để thu hút vốn và cho vay, để nâng thị phần hoạt động, để phát triển quy mô hoạt động của mình. Với mục đích đó, chính sách lãi suất của một số ngân hàng thương mại lúc bấy giờ được xây dựng trên nguyên tắc “tín hiệu thị trường”. Điều này có nghĩa là, sự tăng giảm lãi suất huy động vốn và cho vay hoàn toàn phụ thuộc vào diễn biến của quan hệ cung – cầutrên thị trường. Tại những nước công nghiệp hàng đầu thế giới, có hàng mấy trăm năm kinh tế thị trường, trong khi thực hiện tự do hoá lãi suất, các nhà chức trách của đất nước vẫn có những can thiệp cần thiết khi xuất hiện những dấu hiệu bất thường trong biến động của lãi suất có thể gây hại cho hoạt động kinh doanh và đời sống của dân chúng. Chính vì vậy, nếu cho rằng, đã là kinh tế thị trường thì mọi hoạt động kinh tế đều được thực hiện theo những nguyên tắc hoàn toàn tự do thì tình trạng “mạnh ai nấy sống”, cạnh tranh theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé” sẽ là “hiểm hoạ” cho quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.   Cần nhấn mạnh rằng, sự ra đời của “cơ chế lãi suất thoả thuận” năm 2002 chính là sự khởi đầu cho trào lưu đòi phải thực hiện tự do hoá lãi suất, tự do hoá tỷ giá hối đoái. Tự do hoá nói ở đây chính là việc không muốn có một sự can thiệp, một sự kiểm soát nào từ phía các nhà chức trách. Tức là Nhà nước thả nổi hoàn toàn giá cả; mọi biến động của giá cả cần phải để thị trường quyết định. Giới nhà khoa học Việt Nam gọi đây là quan điểm của trường phái “cấp tiến”, muốn “đốt cháy” giai đoạn, “chạm ngõ” với kinh tế thị trường đầy đủ. Những quan điểm này đã đặt nền móng cho việc đòi xoá bỏ ngay lập tức việc “bù giá” cho một số mặt hành chiến lược mà Việt Nam vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài; trong đó có xăng dầu được xem như là “máu” của toàn bộ đời sống kinh tế – xã hội của đất nước. Trong khi đáng ra phải biết cách điều tiết thu nhập của các ngành kinh tế thường xuyên có thu nhập cao để ổn định giá của các mặt hàng chiến lược thì người ta đã lựa chọn phương pháp“xoá bỏ” bao cấp (càng sớm càng tốt) đối với việc kinh doanh các mặt hàng này “vì” ngân sách quốc gia không đủ “sức” để “gánh”. Trong khi đó, lãng phí trong chi ngân sách vẫn tiếp tục diễn ra dưới nhiều dạng khác nhau. Có một phương ngôn rất hay là “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Giá như phương ngôn này được vận dụng vào việc hoạch định chính sách tiền tệ quốc gia; vào việc đưa ra các giải pháp kiềm chế và đẩy lùi lạm phát thì chắc chắn rằng, hiệu quả mà nó đem lại có thể khó ngờ. Tình trạng nóng vội trong việc xoá bỏ “bù giá” cho một số mặt hàng chiến lược; theo đó là việc buông lỏng kiểm soát giá cả cùng với các nguyên nhân khác (như đầu tư kém hiệu quả, lãng phí trong chi ngân sách…) đã là nguyên nhân chủ yếu làm cho CPI liên tục tăng lên từ năm 2004 đến nay. … đến quan niệm sai về công cụ lãi suất Quan niệm không chính xác về công cụ lãi suất, đặc biệt từ những năm đầu của thế kỷ 21 đã trở thành một trong những nguyên nhân chủ yếu làm tình hình thị trường tiền tệ ngày một nóng lên, làm cho mặt bằng giá cả trong nước vốn đã chịu tác động rất lớn của giá cả thị trường thế giới ngày một thêm mất ổn định. Vì quan niệm cho rằng, lãi suất huy động vốn và cho vay của các ngân hàng thương mại hoàn toàn phụ thuộc vào tín hiệu của thị trường, vào quan hệ cung- cầu vốn trên thị trường nên đã gây ra những làn sóng đua nhau tăng lãi suất để hút vốn. Hậu quả là, rất nhiều ngân hàng thương mại đã phải chịu cảnh để cho vốn nằm im trong ngân hàng vì lãi suất cho vay quá cao làm cho nhiều doanh nghiệp thà chịu thiếu việc làm còn hơn phải trả lãi vay cho ngân hàng quá nặng. Vấn đề cần phải đặc biệt lưu tâm là, trong khi các ngân hàng thương mại có những quan niệm không chính xác về việc sử dụng công cụ lãi suất trong kinh tế thị trường như đã phân tích ở trên thì, thái độ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lúc bấy giờ là “không can thiệp”vì cho rằng đó là “việc riêng” của các nhà kinh doanh. Đây chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho chính sách tiền tệ giai đoạn này đã tỏ ra “thờ ơ” với những biến động thất thường theo chiều hướng ngày một xấu đi của mặt bằng giá cả trên thị trường trong nước. Mặt khác, cùng với việc các ngân hàng thương mại tự thực hiện “tự do hoá” lãi suất thì Ngân hàng Nhà nước đã “đề xuất” phương pháp mới để tính CPI. Phương pháp này được gọi là “lạm phát cơ bản”. “Nhờ” phương pháp này mà CPI 5 tháng đầu năm 2004 chỉ là 1,78%, trong khi theo tính toán của Tổng cục Thống kê thì con số này phải là 6,3%. Thậm chí, trong khi CPI của năm 2004 là 8,4% nhưng ý kiến của một số quan chức nhà nước lại cho rằng “đó không phải là lạm phát tiền tệ, mà đó là lạm phát giá cả”. Rõ ràng là, từ “cái sẩy” nẩy ra “cái ung” lại diễn ra ngay cả trong lĩnh vực “nghiên cứu”, trong các quan điểm về điều hành “vĩ mô” lẫn “vi mô” chỉ vì căn bệnh thành tích có tính trầm kha không chỉ đối với một ngành nào cả. Các công cụ tiền tệ như lãi suất, tỷ giá hối đoái, tín dụng, thanh toán… luôn có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau. Vì vậy, khi một công cụ tiền tệ nào đó; đặc biệt là công cụ tiền tệ đó có vai trò đặc biệt quan trọng như lãi suất chẳng hạn mà mắc phải những sai lầm trong quá trình sử dụng thì lập tức kéo theo sự thiếu chính xác và kém hiệu quả trong việc sử dụng các công cụ tiền tệ khác. Từ quan niệm cần phải tự do hoá lãi suất theo cách thả nổi hoàn toàn nên trong chính sách tỷ giá hối đoái cũng phải có những điều chỉnh cần thiết để đảm bảo sự tương thích giữa 2 công cụ tiền tệ luôn có mối quan hệ như hình với bóng này. Do lãi suất huy động vốn và cho vay liên tục tăng lên trong thời gian qua, nên biên độ dao động giữa mua vào và bán ra của các ngân hàng thương mại đối với USD so với tỷ giá giữa USD và VND được công bố hàng ngày của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng được nới rộng (hiện nay biên độ đó là +/- 2%). Có một thực tế là, mức lãi suất huy động vốn và cho vay của VND so với các đồng bản tệ của các nước khác là một trong những mức lãi suất cao nhất. Theo đó là tỷ lệ lạm phát của Việt Nam trong những năm qua cũng là tỷ lệ lạm phát cao nhất trong khi những tác động về giá cả trên thị trường thế giới với các nước cùng khu vực hầu như là như nhau. Vấn đề đặt ra Vấn đề đặt ra hiện nay là, việc sử dụng các công cụ tiền tệ trong kinh tế thị trường nói chung và việc sử dụng “lãi suất” nói riêng cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước từ khi bước vào đổi mới đến nay vẫn chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ, toàn diện và sâu sắc. Công cụ lãi suất được sử dụng như thế nào trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam vẫn đang là vấn đề chưa có một nghiên cứu cơ bản về mặt lý thuyết cũng như nghiên cứu ứng dụng. Vì thế, từ sự “ngộ nhận” về một công cụ tiền tệ trong kinh tế thị trường truyền thống rồi từ đó “áp đặt” vào điều kiện cụ thể của Việt Nam nên việc xuất hiện hết cực đoan này đến cực đoan khác trong khi sử dụng công cụ lãi suất là lẽ đương nhiên. Chính vì thế lúc thì sử dụng “lãi suất trần”, lúc thì sử dụng “lãi suất sàn” để làm lãi suất cơ bản, nhưng cở lý thuyết và thực tiễn nào cho việc sử dụng các loại lãi suất như thế vẫn chưa được đề cập một cách rõ ràng, có lý lẽ. Vì lãi suất ngân hàng tồn tại với tư cách là “giá vốn” nên luôn được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư. Do vậy, cần có một chính sách lãi suất vừa phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước, lại vừa có thể hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước; đặc biệt vừa có thể tác động một cách có hiệu quả vào kiềm chế và đẩy lùi lạm phát nhằm đảm bảo lợi ích kinh tế cho mọi thành viên trong xã hội, cho tiêu dùng cho sản xuất và sinh hoạt hàng ngày của người lao động. Đến nay, việc xác định mức lãi suất huy động và cho vay ở Việt Nam chịu nhiều sự chi phối của rất nhiều yếu tố; đặc biệt là chịu tác động quá nhiều của sự biến động của mặt bằng giá cả trong nước và trên thế giới; trước hết là vào chỉ số CPI. Đây chính là lý do để mức lãi suất huy động và cho vay ở Việt Nam là rất cao so với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Do chưa có những nghiên cứu cơ bản lý thuyết lãi suất trong kinh tế thị trường nên chính sách lãi suất thường được đưa ra một cách bị động trước áp lực của mặt bằng giá cả thường xuyên gia tăng như thời gian qua. Do bị động như vậy, nên một số quy định về lãi suất thường hay bị thay đổi. Những thay đổi như vậy trong chính sách lãi suất rất không có lợi cho sự ổn định mặt bằng giá trong nước; đặc biệt sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp trong thực hiện việc tiếp tục các hoạt động sản xuất kinh doanh hiện tại cũng như những dự kiến đầu tư trong tương lai. Từ thực tế sử dụng công cụ lãi suất ở Việt Nam trong thời gian qua, và từ những vấn đề lý thuyết cơ bản về lãi suất tiền tệ trong kinh tế thị trường; để lãi suất được sử dụng một cách có hiệu quả nhất trong điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước hiện nay tác giả bài viết này xin đưa ra một số ý kiến đề xuất với các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Việt Nam: Trước hết, cần có những nghiên cứu cơ bản về lý thuyết lãi suất trong kinh tế thị trường mang đặc thù của Việt Nam: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là cơ sở quan trọng, là nền tảng cho nghiên cứu ứng dụng lãi suất cho các hoạt động tiền tệ- tín dụng- ngân hàng một cách có hiệu quả nhất. Tiếp theo đó, để làm cơ sở cho nghiên cứu cơ bản nói trên, Ngân hàng Nhà nước cần có tổng kết thực tiễn đối với việc sử dụng công cụ lãi suất trong thời gian qua; đặc biệt là từ sau đổi mới kinh tế đến nay. Trước mắt, tìm mọi cách để giảm lãi suất cơ bản, làm sao cho mặt bằng lãi suất huy động vốn và cho vay của Việt Nam không có sự cách biệt quá lớn so với lãi suất trên thị trường tiền tệ thế giới. Một trong số giải pháp có thể thực hiện được là kiên quyết ổn định giá của một số mặt hàng chiến lược mà Việt Nam phải nhập khẩu./.
Giữ nguyên mức lãi suất cơ bản và tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng đồng Việt Nam Ngày 29/8/2008, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành hai Quyết định 1906/QĐ-NHNN và Quyết định 1907/QĐ-NHNN nhằm tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, nhưng linh hoạt trong điều hành để vừa góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy đầu tư sản xuất, kinh doanh trong những tháng cuối năm 2008. Quyết định số 1906/QĐ-NHNN ngày 29/8/2008 về mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam. Theo đó, mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam vẫn được giữ ở mức 14,00%/năm. Quyết định số 1907/QĐ-NHNN ngày 29/8/2008 về lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng đồng Việt Nam đối với tổ chức tín dụng. Theo đó, lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng đồng Việt Nam đối với tổ chức tín dụng được điều chỉnh từ 1,2%/năm (theo Quyết định số 923/QĐ-NHNN ngày 20/7/2004) tăng lên 3,6%/năm. Mục đích của việc tăng mức lãi suất này nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng có điều kiện giảm lãi suất cho vay, góp phần chia sẻ cùng doanh nghiệp và người vay tác động thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh phát triển. Cả hai Quyết định trên đều có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2008.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật