KINH TẾ VIỆT NAM – NHỮNG ĐIỂM NHẤN NĂM 2009 VÀ BÀI TOÁN NĂM 2010

Năm 2009, nền kinh tế Việt Nam từng bước được ổn định và tiếp tục phát triển với những điểm nhấn đáng chú ý sau: I. BỐN ĐIỂM NHẤN TRONG NĂM 2009… 1.Ổn định kinh tế – xã hội chung được giữ vững, thị trường trong nước từng bước được mở rộng Về tổng thể, năm 2009, Việt Nam đã thực hiện được mục tiêu tổng quát đề ra là ngăn chặn suy giảm kinh tế, giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối thu chi ngân sách nhà nước, tiền tệ, cán cân thanh toán quốc tế… cơ bản được bảo đảm, vốn đầu tư toàn xã hội đạt cao, tới 42,6% GDP, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) ước bằng 100,2% dự toán; Việt Nam đã vượt qua thời kỳ lạm phát cao khá tốt, hiện VND đang có độ ổn định và tin cậy khá cao, lượng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán tăng trong phạm vi cho phép, nợ xấu và tiền mặt trong thực tế ngày càng giảm, dự trữ ngoại tệ đủ theo tiêu chuẩn quốc tế, mặt bằng giá cả bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội về cơ bản là không cao, thậm chí nhiều mặt hàng đang có sự giảm giá đáng kể; lạm phát được kiềm chế với tỷ lệ lạm phát khoảng 7%, tương đương với mức trung bình của nhiều năm trước đây; công tác an sinh xã hội được chú trọng đúng mức. Dư luận thế giới cũng đánh giá cao những nỗ lực vượt qua khủng hoảng kinh tế – tài chính toàn cầu mà chúng ta đã, đang và sẽ còn tiếp tục thu được. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước ước đạt 5,2%, tuy thấp nhất trong vòng nhiều năm gần đây, Việt Nam là nước đứng đầu Asean về tốc độ tăng trưởng, đồng thời nằm trong nhóm trên 10 nước có tăng trưởng dương năm 2009… Đây là những nỗ lực tổng hợp rất đáng ghi nhận, đặc biệt trong bối cảnh tuyệt đại đa số các nước trên thế giới đang đối diện với những thảm cảnh suy thoái và thất nghiệp tràn lan do khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.   Tính đến ngày 15/11/2009, so với cùng kỳ năm trước: Cả nước đã thu hoạch lúa mùa bằng 101,2%, quy mô chăn nuôi lợn và gia cầm đều tăng, sản lượng thủy sản ước tăng 3,5%; Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 7,3% (trong đó khu vực ngoài Nhà nước tăng 9,4% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 7,7% cho thấy sự năng động của các khu vực này); tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 18,5% (nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 10,8%); kim ngạch hàng hoá xuất khẩu ước tính đạt 51,3 tỷ USD (giảm 11,6%), bao gồm khu vực kinh tế trong nước đạt 24,3 tỷ USD, giảm 6,7%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 27 tỷ USD, giảm 15,5% – nếu không kể dầu thô, thì kim ngạch xuất khẩu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chỉ giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2008. Đặc biệt, một số mặt hàng chủ lực có lượng xuất khẩu tăng, nhưng do giá trên thị trường thế giới hạ, nên kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó gạo tăng 33,5% về lượng nhưng giảm 5,8% về kim ngạch; cà phê tăng 15,5% về lượng, giảm 17,4% về kim ngạch; than đá tăng 19,8% về lượng, giảm 11,3% về kim ngạch; dầu thô tăng 3,1% về lượng, giảm 41,7% về kim ngạch; cao su tăng 8,6% về lượng, giảm 32,4% về kim ngạch. Điểm đáng chú ý là, lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ đối ngoại của Việt Nam, năm 2009 Hoa Kỳ vừa là nhà đầu tư FDI lớn nhất, vừa là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu đạt 9,3 tỷ USD, tiếp theo là thị trường EU với 7,6 tỷ USD, thị trường Asean với 7,3 tỷ USD trong 10 tháng năm 2009. Tính chung 11 tháng đầu 2009, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 61,7 tỷ USD, giảm 17,8% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm khu vực kinh tế trong nước đạt 39,3 tỷ USD, giảm 20,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 22,4 tỷ USD, giảm 13,2%. Sự giảm sút được ghi nhận ở hầu hết các mặt hàng nhập khẩu phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong nước, trong đó nhiều mặt hàng mặc dù lượng nhập khẩu tăng, nhưng do giá giảm nên kim ngạch giảm, trong đó xăng dầu giảm 45,3% (lượng tăng 0,6%); sắt thép giảm 24,4 (lượng tăng 16,3%)… Thị trường nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam dẫn đầu là Trung Quốc với 1,13 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Nhật Bản với 665 triệu USD, giảm 7,2%; Đài Loan 247 triệu USD, tăng 3,9%; Hàn Quốc 228 triệu USD, tăng 11,6%. Nhập siêu 11 tháng năm 2009 ước tính 10,4 tỷ USD, bằng 20,3% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu và bằng 61,1% mức nhập siêu cùng kỳ năm 2008. Khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 3,4 triệu lượt người, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng hàng hoá vận chuyển 11 tháng đầu năm 2009 ước tính đạt 583,4 triệu tấn, tăng 4,1% và 167,8 tỷ tấn.km, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: vận tải trong nước đạt 558,3 triệu tấn, tăng 5,8% và 58,6 tỷ tấn.km, tăng 5,2%; vận tải nước ngoài đạt 25,1 triệu tấn, gim 5,5% và 109,3 tỷ tấn.km, tăng 9,8%. Sự gia tăng vận tải trong nước chứng tỏ sự gia tăng vai trò của thị trường trong nước trong bối cảnh có sự sụt giảm vận tải hàng hoá và vai trò thị trường ngoài nước… Tính chung 11 tháng, cả nước có 641,4 nghìn lượt hộ với 2823,6 nghìn lượt nhân khẩu bị thiếu đói. So với cùng kỳ năm 2008, số hộ thiếu đói giảm 31% và số nhân khẩu thiếu đói giảm 27,6%. Vừa qua, Ủy ban Tài chính Ngân sách đã nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc bổ sung kinh phí 1300 tỷ đồng để tăng nguồn thực hiện chương trình tín dụng của Nhà nước hỗ trợ các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, tôn nền xây dựng nhà vùng ngập lũ. 2. ODA giải ngân cao nhất trong các năm Năm 2009, Việt Nam được đánh giá là quốc gia đối phó tốt với khủng hoảng kinh tế và đang phục hồi nhanh chóng, sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng và là quốc gia đang phát triển có mức thu nhập GDP bình quân đầu người đạt khoảng 1.200 USD. Đây là tiền đề quan trọng để các nhà tài trợ tiếp tục đặt niềm tin vào nền kinh tế và vốn ODA cung cấp cho Việt Nam. Trong tổng số vốn 5,914 tỷ USD mà các nhà tài trợ cam kết tại Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG – 2008), tổng lượng vốn ODA đã được ký kết đạt 3,85 tỷ USD (tính đến hết tháng 10/2009) và dự kiến cả năm, tổng vốn ký kết sẽ đạt ở mức 5,056 tỷ USD. Đặc biệt, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mức giải ngân vốn ODA cả năm 2009 sẽ đạt khoảng 3 tỷ USD (trong đó vốn cho xây dựng cơ bản là 850 triệu USD), cao nhất kể từ khi Việt Nam tiếp nhận viện trợ ODA. Nguồn vốn ODA đã được sử dụng đúng mục đích với những chương trình, dự án quan trọng được ký kết, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giao thông, cấp thoát nước và phát triển đô thị, như khoản vay hỗ trợ khắc phục tác động của khủng hoảng trị giá 500 triệu USD; đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây 410,20 triệu USD; dự án thoát nước Thành phố Hà Nội giai đoạn 2 với 299,97 triệu USD… Nếu không có biến động lớn, tổng vốn ODA ký kết cho cả thời kỳ 2006 – 2009 đạt khoảng 20 tỷ USD, tức vượt xa so với mục tiêu 12,35 – 15,75 tỷ USD là Việt Nam đã đặt ra về thu hút khoản viện trợ này. Kết thúc Hội nghị CG – 2009, chiều ngày 4/12/2009, các nhà tài trợ quốc tế công bố mức cam kết viện trợ kỷ lục vốn ODA dành cho Việt Nam với hơn 8 tỷ USD. Năm nay, WB trở thành nhà tài trợ lớn nhất với mức 2,498 tỷ USD. Nhật Bản công bố mức viện trợ 1,64 tỷ USD; Trong khi đó, EU công bố mức viện trợ hơn 1 tỷ USD; ADB dành 1,479 tỷ USD cho Việt Nam. So với mức gần 6 tỷ USD cam kết của năm 2008, cam kết của các nhà tài trợ năm nay được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định “thể hiện sự ủng hộ chính sách phát triển, đường lối của Việt Nam trong đổi mới hội nhập quốc tế”. 3. Dòng kiều hối và FDI vẫn sung sức Với khoảng 4 triệu kiều bào đang sinh sống và làm ăn ở hơn 100 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, trong đó có hơn 500.000 người lao động xuất khẩu, Việt Nam là quốc gia có lượng kiều hối chuyển về hàng năm rất lớn và không ngừng tăng. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, năm 2008 Việt Nam đứng thứ 10 trong số các nước nhận được lượng kiều hối nhiều nhất thế giới. Theo dự báo của Bộ Tài chính, kiều hối năm 2009 có thể đạt 6,8 tỷ USD (trong đó lượng kiều hối chuyển cho thân nhân tăng, còn lượng kiều hối chuyển về đầu tư giảm). So với 7,2 tỷ USD kiều hối năm 2008, mức giảm kiều hối năm 2009 không lớn như dự kiến. Điều này góp phần cải thiện cán cân thanh toán của Việt Nam trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu giảm. Với nhiều chính sách mới khuyến khích kiều bào về đầu tư, mua nhà ở Việt Nam và đẩy mạnh xuất khẩu lao động, hy vọng năm 2010 lượng kiều hối sẽ tăng mạnh trở lại cùng với đà phục hồi của nền kinh tế thế giới. Bất chấp sự sụt giảm dòng đầu tư chung trên toàn thế giới, tính đến 21/11/2009, Việt Nam vẫn thu hút được 19,7 tỷ USD qua kênh FDI (tuy giảm 72% so với cùng kỳ năm 2008, nhưng vẫn bằng 20% so với tổng 98 tỷ FDI còn hiệu lực tính đến cuối năm 2007 mà Việt Nam thu hút được trong suốt 20 năm 1988 – 2007 ), bao gồm: Vốn đăng ký của 776 dự án được cấp phép mới đạt 14,6 tỷ USD (giảm 77,6% về vốn và giảm 47,5% về số dự án); vốn đăng ký bổ sung của 213 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước đạt 5,1 tỷ USD. Điểm cần lưu ý, năm 2009 tỷ lệ vốn FDI thực hiện trong 11 tháng đầu năm 2009 ước tính đạt 9 tỷ USD, chỉ giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2008, đây là mức giảm không đáng kể so với tỷ lệ giảm của vốn đăng ký, chứng tỏ sự thuận lợi trong kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài ở Việt Nam… Đặc biệt, năm 2009, lần đầu tiên xuất hiện cơ cấu các nhà đầu tư hàng đầu mới: Hoa Kỳ đứng đầu với 4261,1 triệu USD, chiếm 29,1% tổng vốn đăng ký mới (hiện Hoa Kỳ đứng thứ 7 trong số các nước có vốn FDI vào Việt Nam, với tổng số 485 dự án còn hiệu lực và hơn 12,8 tỷ USD vốn đăng ký); đảo Cayman 2016,5 triệu USD, chiếm 13,8%; Sa-moa 1700,6 triệu USD, chiếm 11,6%; Hàn Quốc 1517,7 triệu USD, chiếm 10,4% (đứng thứ 2 với 2294 dự án còn hiệu lực và hơn 20,5 tỷ USD vốn đăng ký); Đài Loan 1417,4 triệu USD, chiếm 9,7% (đứng số 1 với 2013 dự án còn hiệu lực và 21,3 tỷ USD vốn đăng ký); quần đảo Virgin thuộc Anh 1076,1 triệu USD, chiếm 7,3%. Có thể nói, năm 2009, Việt Nam vẫn nhận được những cái nhìn lạc quan từ các nhà đầu tư nước ngoài với hàng loạt doanh nghiệp lớn FDI tiếp tục khai trương và hàng trăm nhà đầu tư mới tiếp tục đổ đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội trong nhiều lĩnh vực, như đầu tư và chứng khoán, nội địa hóa nguồn nguyên liệu sữa, thị trường bán lẻ, ngành dầu mỏ Việt Nam, viễn thông di động, ngân hàng… Mới đây, Tập đoàn Kyocera MiTa (Nhật Bản) – một trong 10 tập đoàn lớn nhất thế giới về thiết bị, máy văn phòng với doanh thu 12 tỷ USD/năm – đã chính thức vào thị trường Việt Nam thông qua việc lựa chọn HSTC Group của Việt Nam là đối tác chính thức. Hong Leong – Tập đoàn Tài chính lớn nhất Malaysia – cũng vừa quyết định xin đầu tư ngân hàng 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam và đã chính thức ra mắt đầu tháng 10 vừa qua. Ông Lê Đình Long – Tổng giám đốc Hong Leong Bank Việt Nam nhấn mạnh, dù kinh tế khó khăn, Hong Leong vẫn nhìn thấy tiềm năng của thị trường Việt Nam. Ông Don Lam – Tổng giám đốc VinaCapital cho biết, những năm tới, sẽ chứng kiến sự hứng thú mới của các nhà đầu tư có tầm vóc toàn cầu đối với Việt Nam. Đó là tín hiệu tốt và tạo xung lực mới cho quá trình cải cách thể chế và tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam. 4. Nhiều giải pháp đặc thù đã được triển khai thích hợp Sớm nắm bắt nhu cầu nền kinh tế và các động thái thị trường thế giới, năm 2009, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chính sách đặc thù thích hợp, trong đó điển hình là tổ hợp các giải pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng, chống suy giảm kinh tế, đảm bảo an sinh đã tỏ ra có vai trò nhất định tác động tốt đến môi trường kinh doanh và kết quả ổn định kinh tế – xã hội chung. Ngoài ra, việc tăng cường sản xuất và tiêu thụ hướng vào thị trường nội địa cũng như các thị trường mới và áp dụng các cơ chế hành chính rút ngắn khẩn cấp khác, như áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các dự án cấp bách có hạn mức trên 5 tỷ đồng theo văn bản số 229/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 16/02/2009, trên thực tế cũng đã góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản, mở rộng đầu tư, duy trì tăng trưởng, tạo thêm nhiều công ăn, việc làm cho người lao động và tạo đà phát triển cho các năm tiếp theo… II. BỐN BÀI TOÁN CHO NĂM 2010 Tại Hội nghị ngành Kế hoạch và Đầu tư trong tháng 11/2009, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ mục tiêu năm 2010, cả nước phải nỗ lực phấn đấu phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế với mức cao hơn năm 2009, đạt khoảng 6,5%, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao chất lượng tăng trưởng, ngăn chặn lạm phát cao trở lại, bảo đảm an sinh xã hội… Từ thực tế năm 2009 cho thấy, trong năm 2010 Việt Nam cần chú ý đến 4 vấn đề sau: 1. Ngăn chặn những cơn sốt giá ngược dòng và tình trạng đầu cơ lũng đoạn thị trường Ngoài giá sữa và giá xăng dầu lội ngược dòng với xu hướng giá cả thế giới trong thời gian khá dài, năm 2009 ở Việt Nam đã chứng kiến sự bùng phát đủ loại các cơn sốt giá khác trên nhiều thị trường nhà đất, chứng khoán, vàng, USD… Nét chung trong hầu hết các cơn sốt giá ở nước ta là vai trò của công tác thông tin, nhất là yếu tố tâm lý và những tin đồn… Sự tăng giá vàng trong tháng 11/2009 có nguyên nhân một phần bởi sự gia tăng giá vàng thế giới trong khi có sự liên thông trực tiếp giữa thị trường trong nước và thị trường nước ngoài, nhưng những động thái thị trường thời gian đầu cho thấy khá rõ nét sự tăng giá mang tính đầu cơ cao, có chủ đích của một nhóm lợi ích có tiềm lực kinh tế và có tổ chức, tập trung ở phía Bắc, được tiếp tay bởi tâm lý “đám đông” và cả bởi một số bất cập nhất định trong cơ chế quản lý thị trường của Nhà nước… Việc giá vàng trong nước có chênh lệch giá quy đổi so với vàng nhập khẩu từ 1-5 triệu đồng, tức có lúc cao nhất tới trên dưới 20%, đã chứng tỏ điều đó. Hơn nữa, tính chất đầu cơ và tâm lý còn thể hiện rõ qua sự chênh lệch giá cao giữa giá vàng miếng với giá sàn vàng ảo, cũng như giữa giá mua vào – bán ra của các cửa hàng và đơn vị kinh doanh vàng, đặc biệt là qua sự tương phản về trạng thái tấp nập thị trường trên bình diện cả nước. Bằng chứng tiêu biểu nhất cho thấy sự ảnh hưởng của yếu tố đầu cơ và tâm lý là, chỉ bằng một tuyên bố ngắn gọn và rõ ràng của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu hôm 11/9/2009 về việc Ngân hàng Nhà nước sẽ cấp phép cho nhập khẩu vàng theo nhu cầu thị trường cũng có sức mạnh tức thì “cắt sốt”, làm đảo chiều giá vàng trên toàn quốc… Còn giá bất động sản tăng cao gần đây cũng ít nhiều được giải thích tương tự, nhưng tính đầu cơ của thị trường bất động sản rõ nét và thường xuyên hơn, đặc biệt là vai trò “thủ phạm tăng giá” chủ yếu chính là giới chủ đầu tư và cò nhà đất đủ loại… Thị trường chứng khoán Việt Nam mới hình thành chưa được 10 năm so với lịch sử trên dưới 300 năm của thị trường chứng khoán thế giới; hơn nữa, nó lại hoạt động trong một cơ chế thị trường chưa đầy đủ, với những bỡ ngỡ, bất cập từ cả 3 phía: Nhà nước, nhà đầu tư chứng khoán và các công ty, đặc biệt là vai trò giám sát, chế tài của Nhà nước còn nhiều lỏng lẻo. Vì vậy, thị trường này trong thời kỳ đầu dường như con ngựa bất kham, hoạt động không theo nguyên tắc giá chứng khoán cao phụ thuộc vào kết quả kinh doanh thực tế của công ty phát hành chứng khoán, cũng như càng không thể tránh khỏi yếu tố tâm lý đám đông và tính chất đầu cơ ngắn hạn rất cao, thậm chí có sức mạnh vượt trội những phản ứng lôgich “hợp quy luật” của các nhà đầu tư bài bản, và đôi lúc làm nhạt đi ý nghĩa tích cực của thị trường chứng khoán trong nền kinh tế… Về lý thuyết và thực tế, có thể nói, trong đời sống kinh tế thị trường, luôn tồn tại những tin đồn đủ loại. Tuy nhiên, loại tin đồn “đặc thù” trong lĩnh vực kinh tế lại có ý nghĩa khác, và thường chúng mang nặng tính định hướng có mục tiêu hoặc đầu cơ cao. Chúng có thể giúp cho ai đó thu bộn tiền, cũng có khi làm lao đao bao nhiêu số phận cá nhân và cả doanh nghiệp, thậm chí có thể làm giảm sút căn bản hiệu lực, hiệu quả của một chính sách quản lý nhà nước và làm tổn thất uy tín, cũng như tiền của quốc gia. Những tin đồn thất thiệt loại này thường xuất hiện khi có sự không rõ ràng, nhất quán trong chính sách của Chính phủ, khi chậm hoặc không có những phát ngôn chính thức có liên quan, hoặc khi do cá nhân hoặc nhóm lợi ích nào đó chủ ý tung ra có mục đích định hướng dư luận, tranh thủ “đục nước béo cò” trước một đám đông hành động mất phương hướng và chủ kiến lại được nhân lên bởi sự phân tích, đồn thổi kiểu “tam sao thất bản” từ kinh nghiệm quá khứ, trí tưởng tượng, sự nhẹ dạ cả tin, sự hiếu kỳ và thói ưa buôn chuyện của giới vô công rồi nghề… Rõ ràng đang tồn tại những lỗ hổng và bất cập nào đó trong quản lý nhà nước dung dưỡng và nương tay với các tin đồn thất thiệt. Đã đến lúc các cơ quan có trách nhiệm cần ngồi lại với nhau để rà soát lại, bổ sung, điều chỉnh các chính sách và thể chế nhằm đối phó hữu hiệu, chủ động hơn với các loại hiện tượng sốt nóng – lạnh gắn với các yếu tố tâm lý, tin đồn và đầu cơ đã, đang và sẽ còn diễn ra trên thị trường hàng hóa, dịch vụ cả trong và ngoài nước, trực tiếp ảnh hưởng to lớn, lâu dài đến đời sống và sự ổn định kinh tế – xã hội của nước ta. Để góp phần ngăn chặn hiệu quả các yếu tố tâm lý và tin đồn thất thiệt tương tự trong thời gian tới, cần đảm bảo hoàn thiện và tuân thủ các nguyên tắc quản lý kinh tế và cạnh tranh thị trường, giảm thiểu và khắc phục các biểu hiện và lạm dụng công cụ quản lý hành chính, mệnh lệnh và hiện tượng “vận động hành lang”, “chạy chính sách” vì lợi ích ngành độc quyền, bất chấp lợi ích và uy tín quốc gia… Đảm bảo các biến động chính sách phải tường minh và có thể dự báo được trong xu hướng ổn định, nhất quán, phù hợp các nguyên tắc kinh tế thị trường và yêu cầu cam kết hội nhập, các thông lệ thế giới, cũng như các tín hiệu thị trường khách quan. Phát hiện và trừng phạt kịp thời, nghiêm khắc các cá nhân và tổ chức tung tin đồn thất thiệt nhằm mục tiêu phá hoại chính sách, đầu cơ và cạnh tranh không lành mạnh… Có thể áp dụng xử lý hình sự với các vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, thông báo rộng rãi làm gương trong dân chúng. Tăng cường giáo dục dân trí, nâng cao nhận thức về kinh tế thị trường và hiểu biết pháp luật, tăng khả năng tự nhận thức và cảnh giác, tránh hành động kiểu bầy đàn, vô tình hoặc cố ý tiếp tay và trở thành nạn nhân của tin đồn… Tăng cường và thể chế hoá các phát ngôn và cung cấp thông tin chính thức có chất lượng và trách nhiệm pháp lý cao định kỳ và không định kỳ của các cơ quan và đại diện nhà nước, các tổ chức kinh doanh có liên quan, nhất là các bộ kinh tế – tài chính tổng hợp, cũng như của các ngành và doanh nghiệp đang có độ độc quyền kinh doanh cao… Cần nhấn mạnh rằng, những nghiên cứu, dự báo dài hạn và kịp thời về thị trường, những tuyên bố đúng lúc của các nhân vật có trách nhiệm và uy tín, những tin tức được cập nhật hàng ngày, hàng giờ từ đội ngũ báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng hiện đại, các quy chế kiểm tra thị trường đột xuất, có hiệu lực và hiệu quả cao sẽ là những cấu thành không thể thiếu được trong cơ chế bảo vệ sự cạnh tranh và hoạt động lành mạnh của kinh tế thị trường có quản lý vĩ mô của nhà nước ở Việt Nam, từ đó bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng tránh khỏi những thiệt hại từ sự đầu cơ và cả những dại dột của chính mình… 2. Thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế và các ngân hàng Chính sách kinh tế năm 2009 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, đó là: chưa tận dụng được cơ hội và tạo đòn bẩy để bước đầu chuyển đổi và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tích cực. Đặc biệt, chỉ số ICOR ngày càng tăng cao đã cho thấy những giới hạn trần của phát triển kinh tế theo bề rộng; tình trạng một số khoản chi vượt dự toán lớn đã làm mất ý nghĩa của việc chấp hành dự toán chi, thể hiện tính kỷ luật tài chính chưa nghiêm. Các khoản chi NSNN như chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên, chi khác ngân sách đều tăng so với dự toán. Năm 2010, nhu cầu vốn hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam sẽ tiếp tục căng thẳng trong khi chính sách tiền tệ trong nước có xu hướng thắt chặt và các doanh nghiệp vẫn còn nhu cầu vay vốn, khiến cho lãi suất tăng cao trở lại và khiến cho thanh khoản của các ngân hàng sẽ không còn dồi dào như trước. Các cuộc sáp nhập, hợp nhất và yêu cầu bảo đảm tiêu chuẩn vốn của các ngân hàng trong nước sẽ gia tăng. Lợi nhuận của các ngân hàng Việt Nam có thể sẽ giảm so với năm 2009. Đặc biệt, sẽ đậm hơn sự cần thiết phải thực hiện những dự phòng tài chính cho các khoản tín dụng đang tồn đọng và có nguy cơ khó đòi, những dự phòng quan trọng nhằm kiểm soát và ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tín dụng. Điều này cần những nỗ lực chung của Chính phủ và doanh nghiệp ngân hàng Trong lâu dài, yêu cầu về nhân sự cấp cao ngày càng tăng và có thể khiến cho các ngân hàng Việt Nam phải thuê mướn chuyên viên nước ngoài và sẽ là yếu tố ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động và khả năng mở rộng mạng lưới của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Cùng với sự có mặt ngày càng đông đảo và rộng rãi của các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, môi trường kiểm soát và quản lý rủi ro của hệ thống ngân hàng cần và sẽ liên tục được cải thiện, các tiêu chuẩn báo cáo tài chính sẽ dần dần đáp ứng chuẩn mực quốc tế, thêm vào đó sự hoàn thiện và phát triển ngày càng tăng của cơ sở hạ tầng thông tin sẽ giúp nâng cao triển vọng của các ngân hàng Việt Nam trên tiến trình tăng trưởng và hội nhập với hệ thống tài chính ngân hàng quốc tế. Quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, cũng như các ngân hàng của Việt Nam trong thời gian tới cần bảo đảm thúc đẩy sự phát triển dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả, hình thành nền kinh tế với cơ cấu hai tầng, với tầng trên là các doanh nghiệp và tổ hợp doanh nghiệp lớn, hiện đại, đa sở hữu, kinh doanh đa ngành, hoạt động xuyên quốc gia và tầng dưới là mạng lưới các doanh nghiệp nhỏ và vừa liên kết chặt chẽ với nhau và với tầng trên; hình thành các sản phẩm chủ lực, quy mô lớn, có hiệu quả và phát huy lợi thế so sánh chung của đất nước, của địa phương theo nguyên tắc thị trường, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, đáp ứng cả thị trường trong nước và nước ngoài; đồng thời đề cao bàn tay nhạc trưởng thống nhất của Nhà nước thông qua các công cụ luật pháp và ngân sách nhà nước… Cần đề cao vai trò của SCIC (Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước) trong việc chủ động mua bán các cổ phần doanh nghiệp để định hướng và thúc đẩy quá trình này. 3. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng và chất lượng công tác cán bộ Với định nghĩa tham nhũng là “sự lạm dụng chức quyền để thu lợi cá nhân”, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đã công bố bảng xếp hạng chống tham nhũng năm 2009 đối với 180 quốc gia được rút ra từ 13 thăm dò và khảo sát khác nhau từ 10 viện nghiên cứu độc lập, bao gồm cả các tổ chức quốc tế, trong đó có Ngân hàng Thế giới. Các quốc gia được xếp hạng theo thang điểm từ 0 (mức độ tham nhũng cao nhất) đến 10 (mức độ tham nhũng thấp nhất). Việt Nam năm 2009 được 2,7 điểm, đứng thứ 120, tăng một bậc so với năm 2008 và tăng ba bậc so với năm 2007. New Zealand đã vượt qua Đan Mạch để đứng đầu danh sách với 9,4 điểm, Đan Mạch thứ hai với 9,3 điểm, tiếp đó là Singapore và Thụy Điển cùng 9,2 điểm. Ba nước xếp cuối bảng là Somalia (1,1 điểm), Afghanistan (1,3 điểm) và Myanmar (1,4 điểm). Mỹ đứng thứ 19 với 7,5 điểm trong khi Trung Quốc với 3,6 điểm đứng thứ 79 và Nga 2,2 điểm đứng thứ 146. Mặc dầu có sự cải thiện nhỏ trong bảng xếp hạng của TI, song có thể nói công tác chống tham nhũng ở Việt Nam trên thực tế vẫn còn nhiều việc phải làm, nhất là đấu tranh với các hành vi tham nhũng trong công tác quản lý khu vực kinh tế nhà nước, quản lý tài chính và NSNN, quản lý đất đai và công tác cán bộ. Những nghi án tham nhũng và án oan trong quản lý nhà nước chậm được giải quyết dứt điểm và minh bạch, đã và đang cho thấy thực tế nền pháp lý cần được cải cách cấp bách… Đồng thời, cần tăng cường quản lý, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; thực hiện nghiêm túc công tác thi tuyển, tuyển dụng và quản lý cán bộ, chế độ trách nhiệm gắn với quyền lợi; có cơ chế, biện pháp đột phá và hiệu quả ngăn ngừa và trừng trị nghiêm khắc hiện tượng chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp; công tác quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng cần bảo đảm tôn vinh đúng mục đích, kịp thời, đúng đối tượng, tránh phô trương hình thức, lãng phí. Đặc biệt, cần nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước để ngăn chặn tham nhũng, tránh trường hợp người cán bộ “nảy sinh tham nhũng do quản lý nhà nước quá kém” như lời Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết giãi bày trong hội nghị kiều bào toàn thế giới họp ngày 23/11/2009 ở Trung tâm hội nghị Quốc gia, Mỹ Đình – Hà Nội. 4. Tăng cường sự phối hợp các giải pháp và hoạt động quản lý nhà nước Sự phối hợp các giải pháp và hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước trong thời gian tới cần tập trung trước hết vào việc cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân định rõ chức năng, nhim vụ, quyền hạn và trách nhiệm, gắn với công tác kiểm tra giám sát, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh, thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu và nâng cao hiệu quả của hội nhập kinh tế quốc tế; Rà soát, điều chỉnh hình thức, tiêu chí và đối tượng hưởng chính sách kích thích kinh tế cho phù hợp với nền kinh tế đã phục hồi; ngăn chặn và xử lý tiêu cực trong thực hiện chính sách hỗ trợ của nhà nước; Sử dụng có hiệu quả và đúng mục đích dự trữ ngoại hối nhà nước; Chủ động tích cực, linh hoạt để ổn định giá trị đồng tiền VND, ổn định thị trường vàng trong nước thích ứng với biến động của thị trường vàng thế giới; Kiểm soát chặt chẽ nợ quá hạn, nhất là nợ xấu, đảm bảo an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ; Cân bằng hơn giữa đầu tư cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, đồng thời tăng cường quản lý và phát triển thị trường nội địa, sử dụng hàng rào thuế quan và phi thuế quan cần thiết, không trái với cam kết quốc tế để điều hòa hoạt động nhập khẩu, bảo đảm chất lượng hàng nhập khẩu vì lợi ích người tiêu dùng và vệ sinh môi trường; Tăng cường kiểm tra, quản lý thị trường, kịp thời phát hiện hành vi lợi dụng việc khan hiếm hàng hóa để tăng giá trục lợi đối với một số mặt hàng quan trọng và thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng của dân cư. Ngoài ra, cần nhấn mạnh đến yêu cầu kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng công tác tham mưu về chính sách phát triển kinh tế, các hoạt động quản lý hành chính nhà nước, điều tiết thị trường và thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước, cũng như nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả đầu tư nhà nước; Tăng cường sự phối hợp các hoạt động và cơ quan dự báo với giám sát, bao gồm cả giám sát chuyên ngành với giám sát hợp nhất, tổng thể toàn thị trường để cảnh báo sớm rủi ro và xử lý một cách hiệu quả những vấn đề mới phát sinh, nhất là các rủi ro chéo, tránh các đổ vỡ dây chuyền và bất ngờ…  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật