KINH TẾ TẬP THỂ GÓP PHẦN HƯỚNG TỚI XÃ HỘI HỢP TÁC CÙNG PHÁT TRIỂN

TS. NGUYỄN MINH TÚ Với nền tảng tư tưởng hợp tác và phong trào HTX gần 200 năm qua, Kinh tế tập thể (KTTT) đã trở thành một loại hình tổ chức phổ biến ở hầu hết các nước trên thế giới, có ý nghĩa kinh tế, chính trị, văn hoá- xã hội to lớn đối với từng quốc gia. Không những thế, KTTT còn trở thành phong trào quốc tế sâu rộng, liên kết trong tổ chức Liên minh HTX quốc tế (ICA- International Cooperative Allien). Đối với nước ta, phát triển KTTT là một tất yếu khách quan trong sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội và củng cố nền quốc phòng – an ninh đất nước, là chủ trương lớn, nhất quán và xuyên suốt của Đảng trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. VỊ TRÍ CỦA KTTT TRONG PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC Về kinh tế: KTTT đóng góp quan trọng cho GDP của cả nước trên hai kênh: trực tiếp và gián tiếp thông qua việc nâng cao hiệu quả của kinh tế thành viên hợp tổ chức KTTT. KTTT chiếm bình quân gần 8,28% GDP (1995-2006), trong khi đó khu vực kinh tế tư nhân (bao gồm các doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp) chiếm bình quân 7,92%, khu vực kinh tế nhà nước chiếm bình quân 39,06%, khu vực kinh tế cá thể chiếm bình quân 31,93% và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm bình quân 12,36% trong cùng thời kỳ. Kinh tế thành viên tổ chức KTTT là bộ phận hữu cơ của KTTT, thể hiện rõ nhất trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện đang được thống kê vào khu vực kinh tế cá thể, cùng với KTTT ước tính chiếm trên 15% trong GDP. Về xã hội: KTTT tạo việc làm, góp phần tăng thu nhập cho thành viên và người lao động, cung cấp hàng hoá và dịch vụ xã hội. Hiện có khoảng 14 triệu người, trong đó khu vực HTX khoảng 10,5 triệu lao động, tổ hợp tác khoảng 3,5 triệu lao động. Lao động khu vực KTTT tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông lâm thuỷ sản, chiếm tới 96% tổng số lao động. Thông qua việc đạt được lợi ích chung về kinh tế, thành viên tổ chức KTTT tăng thu nhập, gắn kết hơn với nhau, mở rộng các sinh hoạt cộng đồng, giúp đỡ tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất – kinh doanh, cải thiện đời sống văn hoá. Về chính trị- văn hoá: KTTT hướng tới phát huy vai trò trong phát triển tinh thần “hợp tác”, cộng đồng, từng bước hiện thức hoá các giá trị đạo đức cao đẹp và các nguyên tắc HTX; nâng cao trách nhiệm xã hội của từng công dân cũng như của cộng đồng; tạo điều kiện cho cộng đồng ngày càng ổn định và gắn kết với nhau hơn. Thông qua tổ chức KTTT, thành viên của cộng đồng có thể cùng nhau giải quyết các vấn đề có liên quan đến cuộc sống của họ, góp phần giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ dân cư, củng cố an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi, biên giới, vùng đồng bào dân tộc.   Về thể chế: KTTT, một mặt tạo ra kênh mới trong huy động nguồn lực để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mặt khác thúc đẩy sự hợp tác giữa các thành viên để nâng cao hiệu quả hoạt động của từng thành viên; vừa góp phần tạo ra sự cạnh tranh trong nền kinh tế, vừa giảm sự khắc nghiệt và cạnh tranh không cần thiết giữa các thành viên; vừa phát huy cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của thành viên, vừa tạo ra sự hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau. PHÁT TRIỂN KTTT TRONG THỜI GIAN TỚI Mục tiêu chiến lược phát triển KTTT Một là, góp phần đẩy nhanh và nâng cao hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nhất là nông nghiệp, nông thôn; đưa kinh tế hợp tác cùng kinh tế nhà nước dần trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Hai là, phát triển nhanh và bền vững theo hướng thực sự tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc HTX, phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện đời sống thành viên; thu hút tất cả nông dân, phần lớn hộ kinh tế cá thể và nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhiều tổ chức tham gia tổ chức KTTT. Ba là, kinh tế hợp tác ngày càng có vị trí và vai trò quan trọng và toàn diện ở tất cả các mặt trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước Việt Nam, góp phần đưa tinh thần hợp tác, đoàn kết và tinh thần dân chủ trở thành “văn hoá” trong xã hội, góp phần xây dựng xã hội hợp tác, đoàn kết, chia sẻ sự thịnh vượng và quản lý một cách dân chủ. Hoàn thiện mô hình pháp lý HTX Quan điểm mô hình: HTX nói riêng và tổ chức KTTT nói chung không có mục đích tự thân mà thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện đời sống thành viên; phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của thành viên và thoả mãn nhu cầu chung của họ; thành viên tổ chức KTTT là trung tâm của tổ chức mình; tổ chức KTTT và kinh tế thành viên là hai chủ thể độc lập gắn bó hữu cơ với nhau. Thực sự tôn trọng các giá trị và các nguyên tắc cơ bản của HTX mang tính phổ biến trên thế giới áp dụng sáng tạo phù hợp với điều kiện cụ thể ở Việt Nam. Về định nghĩa mô hình pháp lý: theo ILO và ICA,“ HTX là hiệp hội tự chủ của các cá nhân liên kết với nhau một cách tự nguyện nhằm đáp ứng các nhu cầu và nguyện vọng chung về kinh tế, xã hội và văn hoá thông qua một doanh nghiệp được sở hữu chung và được kiểm soát một cách dân chủ”. Bản chất của HTX: đồng thời là chủ sở hữu và là người sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX, hoặc đồng thời là chủ sở hữu và là người lao động trong HTX; vừa là hiệp hội vừa là doanh nghiệp. Bản chất của HTX tạo cơ sở cho hình thành và củng cố các giá trị và nguyên tắc HTX. Về mô hình pháp lý cụ thể: Mô hình đồng sở hữu, đồng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp hợp tác (owner – user cooperative hay gọi tắt là HTX tiêu dùng- Consume cooperative). Mô hình này có các đặc trưng: (1) Thành viên DNHT có hoạt động kinh tế giống nhau và cùng ở một địa bàn lãnh thổ xác định có nhu cầu chung về kinh tế, văn hoá, xã hội; (2) Thành viên HTX phải sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX thể hiện nhu cầu chung của họ theo phương thức bình đẳng trên thị trường, theo đó HTX và thành viên là khách hàng của nhau; (3) Phân phối lợi ích trong HTX được thực hiện trên cơ sở đóng góp của thành viên về vốn và việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX; (4) Tài sản được hình thành trong quá trình hoạt động của HTX được coi là tài sản chung của các thành viên; (5) HTX cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho thành viên thông qua hoạt động thương mại với cộng đồng bên ngoài thành viên, hoặc HTX tự tổ chức sản xuất sản phẩm, dịch vụ trên cơ sở hiệu quả mà phương án tổ chức hoạt động của HTX đã xác định nhằm đáp ứng nhu cầu chung của mọi thành viên; (6) Tuỳ từng loại hình sản phẩm, dịch vụ của HTX mà quy định HTX được quyền cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho cả thị trường bên ngoài cộng đồng xã viên HTX. Mô hình HTX cơ bản nói trên có mô hình biến thể là: Mô hình HTX của người lao động (worker cooperative), theo đó thành viên đồng là chủ sở hữu đồng thời là người lao động trong HTX. Mục đích chủ yếu của HTX là tạo và duy trì bền vững việc làm cho các thành viên. HTX của người lao động có các đặc trưng: (1) Thành viên góp vốn vào HTX là chủ sở hữu HTX; (2) HTX tạo việc làm cho mọi thành viên và tạo ra sản phẩm, dịch vụ cung cấp trên thị trường, cạnh tranh một cách bình đẳng với mọi tác nhân trên thị trường; (3) Thành viên không bắt buộc phải sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX; (4) Tất cả thành viên là người lao động làm việc trong HTX. Mô hình HTX cấp trên cơ sở: nhiều HTX có thể liên kết với nhau theo bản chất, giá trị và nguyên tắc HTX thành HTX của các HTX, hay còn gọi là liên đoàn kinh tế HTX để đáp ứng nhu cầu chung một cách hiệu quả hơn của các HTX thành viên. Bên cạnh phương thức sáp nhập, hợp nhất để tăng quy mô và hiệu quả hoạt động sản xuất- kinh doanh, HTX có thể liên kết kinh tế với các HTX khác cùng hoạt động trên cùng lĩnh vực, ngành nghề trên nhiều địa bàn lãnh thổ khác nhau để nâng cao hiệu quả, giảm chi phí và nâng cao sức cạnh tranh của mình. Các liên đoàn kinh tế liên kết chuyên ngành kinh tế của DNHT trên phạm vi lãnh thổ rộng hơn cấp cơ sở, có thể được tổ chức theo các cấp độ hành chính lãnh thổ: cấp huyện/quận, cấp tỉnh/thành phố trực thuộc TW, cấp vùng lãnh thổ của nhiều tỉnh, thành phố, cấp quốc gia, thậm chí cấp quốc tế. Đây chính là các tập đoàn HTX. Hỗ trợ phát triển KTTT Cơ cấu lại chính sách hỗ trợ phát triển KTTT: Tổ chức KTTT hoạt động tự chủ, tự trang trải. Hỗ trợ của Nhà nước, trước hết về phát triển nguồn nhân lực, đối với tổ chức KTTT làm cho tổ chức này phát triển mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn, đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp phát triển đất nước; (2) Nhà nước thực hiện những ưu đãi hợp lý phù hợp với bản chất của tổ chức KTTT, đồng thời không gây tác hại đối với môi trường và cạnh tranh thị trường lành mạnh như: không đánh thuế trùng lắp đối với tổ chức KTTT và thành viên, không đánh thuế đối với thu nhập được đưa vào tài sản không chia- như là nguồn vốn xã hội; (4) Xoá bỏ triệt để cơ chế xin- cho” giữa Nhà nước và tổ chức KTTT, tạo điều kiện cho tổ chức KTTT và các tổ chức kinh tế liên kết, các hiệp hội của mình hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự hỗ trợ mình từ nguồn đóng góp do chính kết quả hoạt động kinh doanh của mình tạo ra. Kết hợp thể chế KTTT và hỗ trợ đầu tư phát triển của Nhà nước: Hỗ trợ đầu tư phát triển của Nhà nước có thể thực hiện thông qua tổ chức KTTT theo nguyên tắc: (1) Lĩnh vực hỗ trợ thuộc ưu tiên của Nhà nước được xác định cụ thể cho từng thời kỳ như: giáo dục, chăm sóc sức khoẻ/y tế, đường sá, vận chuyển, điện năng, cơ sở hạ tầng cơ bản phục vụ sản xuất như hệ thống kênh mương; (2) Hỗ trợ của Nhà nước tác động tới toàn bộ cộng đồng dân cư trên một địa bàn lãnh thổ nhất định, nơi mà tổ chức KTTT hoạt động; (3) Tất cả hoặc phần lớn thành viên của cộng đồng trên địa bàn là thành viên tổ chức KTTT; (4) Hỗ trợ của Nhà nước được thực hiện thông qua tổ chức KTTT theo nguyên tắc Nhà nước và thành viên tổ chức KTTT cùng chia sẻ trách nhiệm; cộng đồng thành viên thông qua tổ chức KTTT của mình là chủ thực sự của công trình, dự án được sự hỗ trợ của Nhà nước; (5) Công trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước sau khi hoàn thành sẽ giao cho cộng đồng thành viên làm chủ và được coi là tài sản chung không chia trong tổ chức KTTT và chịu trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng và phát huy tác dụng của công trình, dự án được Nhà nước hỗ trợ, nâng cao hiệu quả vốn hỗ trợ của Nhà nước, giảm thất thoát trong đầu tư và hạn chế được tiêu cực có thể nảy sinh. (6) Nhà nước hỗ trợ tài chính toàn bộ, hoặc một phần cho việc xây dựng trụ sở, cho bộ máy và nhân sự của tổ chức KTTT thu hút đại bộ phận dân cư tại địa bàn tham gia tổ chức mình, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. (7) thống nhất triển khai thực hiện các nguồn hỗ trợ phát triển khác của Nhà nước như: đào tạo- bồi dưỡng nhân lực, khuyến nông, khuyến công, xúc tiến thương mại, chuyển giao công nghệ, khoa học- kỹ thuật… thông qua tổ chức KTTT. BÀI HỌC KINH NGHIỆM Nghiên cứu quá trình phát triển KTTT và HTX ở nước ta trong 50 năm qua, có thể rút ra 4 bài học quan trọng liên quan tới nhận thức mô hình HTX như sau: Một là, mô hình HTX phải đáp ứng được lợi ích thiết thực của xã viên; HTX là tổ chức kinh tế tự chủ của dân, tự dân tổ chức, quản lý đáp ứng cho nhu cầu chung của mình; không áp đặt một cách chủ quan duy ý chí mô hình tổ chức kinh tế không phù hợp với lợi ích của nhân dân. Hai là, đề cao đúng đắn vai trò của kinh tế hộ, kinh tế tư nhân và cá thể trong điều kiện cơ chế kinh tế thị trường là đúng, nhưng chưa nhận thức và phát huy đầy đủ vai trò HTX (theo ý nghĩa HTX kiểu mới). Việc đề cao vai trò của kinh tế hộ, kinh tế tư nhân và cá thể tuy bước đầu tạo động lực cho kinh tế hộ, tư nhân, cá thể, nhưng về mặt lâu dài là hạn chế và thiếu tính bền vững, trong khi sức ép cạnh tranh thị trường ngày càng tăng và nhiều thể chế hỗ trợ rất khó tiếp cận trực tiếp tới từng hộ kinh tế tư nhân, cá thể. Cần tránh sự nhầm lẫn mô hình HTX với mô hình doanh nghiệp, công ty theo Luật Doanh nghiệp, đồng thời tránh nhầm lẫn giữa HTX với tổ chức xã hội, từ thiện. Ba là, cần vừa tránh coi nhẹ, buông lỏng chỉ đạo của cấp uỷ, quản lý nhà nước của cấp chính quyền, đồng thời phải hết sức tránh can thiệp sâu, không đúng của cấp uỷ, chính quyền đối với KTTT, HTX. Chú trọng phân cấp đúng đắn cho chính quyền các cấp trong thúc đẩy phát triển HTX. Tổ chức, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng, pháp luật và chính sách của Nhà nước phải nghiêm, đồng bộ, có bộ máy và lực lượng triển khai nhất quán từ Trung ương tới cơ sở, phải có kế hoạch hành động và biện pháp cụ thể; coi trọng xây dựng HTX điểm, từ đó nhân rộng. Bốn là, cần đặc biệt tôn trọng và nghiên cứu áp dụng phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam kinh nghiệm quốc tế trong phát triển HTX gần 200 năm qua, nhất là định nghĩa (pháp lý) về HTX, giá trị và các nguyên tắc của HTX đã mang tính phổ biến toàn cầu. Phát triển KTTT là chủ trương lớn của Đảng, không chỉ có ý nghĩa chiến lược về mặt kinh tế, mà còn có ý nghĩa văn hoá và tầm tư tưởng phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa nền kinh tế thị trường nước ta, phù hợp với sự phát triển của nhân loại, là sự nghiệp lớn, lâu dài, bền bỉ của toàn dân. Mặc dù còn đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là khó khăn bứt khỏi cơ chế, mô hình cũ, nhưng nhất định KTTT sẽ phát triển và đóng góp một cách xứng đáng và toàn diện vào sự nghiệp “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” mà Đảng ta, nhân dân ta đã lựa chọn./.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật