KINH TẾ TẬP THỂ GỒM NHỮNG HÌNH THỨC TỔ CHỨC KINH TẾ NÀO?

ANH THƯ
Một hợp tác xã có 10 thành viên được xem thuộc loại hình kinh tế tập thể trong khi một công ty cổ phần có cả hàng vạn cổ đông thì không. Điều này liệu đã hợp lý?
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng năm 2006 có viết: “Phát triển mạnh hơn các loại hình kinh tế tập thể đa dạng về hình thức sở hữu và hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh, bao gồm các tổ chức hợp tác xã và hợp tác xã kiểu mới”. Như vậy, theo nghị quyết Đại hội X thì kinh tế tập thể gồm các tổ chức hợp tác xã. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX họp tháng 2-2002 về phát triển kinh tế tư nhân xác định các loại hình doanh nghiệp tư nhân (doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, TNHH một thành viên và hai thành viên trở lên, công ty cổ phần, công ty hợp danh), hộ kinh doanh cá thể, tiểu chủ là các hình thức tổ chức kinh tế của kinh tế tư nhân, không phải là kinh tế tập thể. Quan hệ sở hữu tư nhân thuộc thành phần kinh tế nào, nên xem xét một cách tổng thể mối quan hệ của nó tới ba quyền (chiếm hữu, sử dụng, định đoạt), cùng với cơ chế quản lý và chế độ phân phối. Trường hợp cả năm tiêu chí trên thuộc tư nhân thì đó là sở hữu cá nhân (các tài sản để tiêu dùng) hoặc sở hữu tư nhân một người (các tài sản cho sản xuất, kinh doanh). Đó là nhà tư bản thời kỳ tư bản chủ nghĩa giai đoạn đầu hoặc doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH một thành viên của ta hiện nay. Các công ty TNHH hai thành viên trở lên và công ty cổ phần khác hẳn với doanh nghiệp tư nhân và công ty TNHH một thành viên xét trên năm tiêu chí. Tuy quyền nắm giữ tài sản của công ty dạng này thuộc tư nhân, nhưng quyền sử dụng và định đoạt (quyền quyết định cho mượn, cho thuê, bán, cầm cố, thế chấp, phá hủy) lại thuộc tập thể. Nó được điều hành theo cơ chế quản lý tập thể (đại hội đồng cổ đông, hội đồng thành viên), cơ chế phân phối tập thể (các quỹ).   Các công ty cổ phần đã niêm yết, đã thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng, các công ty có cổ phiếu được ít nhất 100 nhà đầu tư sở hữu theo Luật Chứng khoán là các công ty đại chúng. Đây là tập thể còn lớn hơn hợp tác xã như Ngân hàng Á Châu (ACB) có 36.000 cổ đông tham gia góp vốn, Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) thuộc sở hữu của 24.000 nhà đầu tư. Khối tài sản thuộc công ty TNHH hai thành viên trở lên và công ty cổ phần khi được đưa vào sản xuất, kinh doanh thì mang tính tập thể rất rõ. Riêng “chiếm hữu tài sản” cũng đã là của nhiều người, tính “sở hữu” cũng giống như hợp tác xã. Chúng ta đã thừa nhập hợp tác xã thuộc kinh tế tập thể thì cũng nên xếp sở hữu tư nhân của hai loại hình tổ chức doanh nghiệp nêu trên thuộc kinh tế tập thể. Cái mà Marx đã nêu trong Tư bản luận thời kỳ Marx sống rằng mâu thuẫn cơ bản của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa là xã hội hóa lực lượng sản xuất nhưng chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, ngày nay đã được chủ nghĩa tư bản thay đổi với việc hình thành các công ty cổ phần. Các công nhân áo xanh cũng trở thành ông chủ (cổ đông góp cổ phần sở hữu công ty). Các doanh nghiệp nhà nước của ta được cổ phần hóa với cổ phần nằm trong tay Nhà nước và toàn thể cán bộ, công nhân doanh nghiệp thì lực lượng sản xuất được xã hội hóa và tư liệu sản xuất cũng được xã hội hóa vì tư liệu sản xuất đã nằm trong tay nhiều người không còn thuộc tư nhân nữa. Trên thế giới, người ta cũng xếp sở hữu tư nhân và sở hữu hợp tác thuộc quan hệ sở hữu tập thể. Theo Wikipedia, các hình thức sở hữu gồm: Sở hữu nhà nước: sở hữu chính phủ và sở hữu công (public property); Sở hữu cá nhân; Sở hữu cộng đồng (common ownership) và sở hữu tập thể (collective ownership) gồm sở hữu tư nhân (private ownership) và sở hữu hợp tác (cooperative ownership). Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã khẳng định: “Kinh tế tư nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề chiến lược lâu dài trong chiến lược phát triển nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao nội lực của đất nước trong hội nhập kinh tế quốc tế”. Tuy nhiên trên thực tế, do tư duy kỳ thị kinh tế tư nhân mà lịch sử để lại, nên kinh tế tư nhân vẫn còn gặp không ít trở ngại, vướng mắc trong tiếp cận nguồn lực, tài nguyên, đất đai, quyền kinh doanh, bị phân biệt đổi xử… Việc đưa công ty TNHH hai thành viên trở lên và công ty cổ phần vào kinh tế tập thể sẽ tạo bước tiến mới về tư duy kinh tế.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật