KINH NGHIỆM HÒA GIẢI MỘT SỐ VỤ VIỆC TRONG LĨNH VỰC HÔN NHÂN – GIA ĐÌNH

1. Mê đánh đề, vợ chồng mâu thuẫn Anh H và chị T đã lấy nhau được hơn 20 năm, hiện có 2 con đang tuổi đi học. Cuộc sống của gia đình anh chị thật vất vả, hàng ngày chị tần tảo buôn bán mớ rau kiếm sống, anh làm nghề sửa chữa xe đạp. Gần đây, anh H bỏ bê công việc lao vào nạn đánh số đề, rượu chè bê tha. Chị T khuyên nhủ, thuyết phục chồng không được. Hai vợ chồng thường to tiếng, xô xát, gây mất trật tự khu phố. Nhận được thông tin, Tổ hòa giải đã đến giải quyết. Sau khi nghe anh H và chị T trình bày sự việc, nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn vợ chồng, các thành viên Tổ hòa giải đã phân tích đúng sai, thuyết phục, hòa giải hai bên.   Đối với anh H, việc anh say mê, lao vào nạn lô đề là sai không những gây thiệt hại cho kinh tế gia đình vốn đã rất khó khăn mà còn là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến trật tự trị an của xã hội, sẽ bị xử phạt hành chính, nếu tiếp tục vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tục ngữ ta có câu: “Cờ bạc là bác thằng bần, Cửa nhà tan nát, vợ con chia lìa” Hơn thế nữa, vợ khuyên nhủ không nghe, lại đánh chửi vợ là không đúng. Là trụ cột trong gia đình, anh phải là tấm gương để con cái học tập, noi theo. Nếu tiếp tục tình trạng này sẽ làm cho tình cảm vợ chồng, cha con bị tổn thương, dễ dẫn đến ly hôn, khi đó hai con của anh sẽ chịu nhiều thiệt thòi nhất. Đối với chị T, khuyên nhủ, thuyết phục chồng là đúng nhưng cần phải gần gũi, phân tích nhẹ nhàng, kiên nhẫn, biết kìm chế nóng giận, không nên chì chiết, mắng chửi chồng. Cần phối hợp với các con và người thân, họ hàng hai bên gia đình để có biện pháp giúp đỡ chồng. Hai anh chị cùng nghe ra và thấu hiểu. Đến nay, gia đình anh chị đã thực sự hòa thuận, cùng nhau vun đắp, củng cố kinh tế gia đình, cuộc sống dần ổn định, hai con ngoan ngoãn, vâng lời bố mẹ, gia đình hòa thuận, hạnh phúc. 2. Giỏi việc nước nhưng phải đảm việc nhà Chị H làm công tác xã hội thường xuyên đi làm về muộn, ít có thời gian chăm sóc gia đình và các con. Anh T, chồng chị H rất khó chịu, thường mắng chửi vợ. Chị H lại nóng tính, hai vợ chồng thường xuyên cãi nhau ảnh hưởng đến an ninh, trật tự thôn xóm. Tổ hòa giải được tin đã cử chị L là cán bộ Hội phụ nữ, tổ viên Tổ hòa giải đến hòa giải. Sau khi tìm hiểu, biết được nguyên nhân sự việc là do chị H bận việc xã hội, ít có thời gian chăm sóc gia đình, anh T muốn chị H dành nhiều thời gian chăm sóc gia đình hơn, chị L đã gặp riêng anh T giải thích để anh thấy được việc chị H về muộn là do công việc của cơ quan, vì thế việc anh mắng chửi vợ là không đúng. Đáng lẽ anh nên thông cảm cho công việc của vợ, giúp đỡ vợ trong công việc gia đình, tạo điều kiện cho vợ tiến bộ trong công tác. Pháp luật cũng quy định vợ chồng cần phải tôn trọng nhau, giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội theo nguyện vọng và khả năng của mỗi người. Gặp chị H, chị L khuyên chị H hãy cố gắng thu xếp hợp lý cả việc xã hội, việc cơ quan và việc gia đình để có thời gian chăm sóc chồng con, giữ gìn hạnh phúc gia đình. Không nên nóng giận, các cụ đã dạy rằng: “Chồng giận thì vợ bớt lời Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê” Chị H cần nhẹ nhàng giải thích để anh T thông cảm với công việc của mình và động viên anh giúp chị việc gia đình. Chị L chủ động dàn xếp để anh T và chị H làm lành với nhau. Anh T đã nhận ra sự thay đổi của vợ, anh cũng cảm thông và giúp đỡ vợ nhiều hơn trong việc gia đình. Kể từ đó, hai vợ chồng anh chị sống hòa thuận, hạnh phúc. 3. Ghen với “quá khứ” của chồng Anh A và chị H kết hôn được 10 năm, có một con chung, gia đình sống rất hạnh phúc. Một hôm, trong lúc dọn dẹp tủ sách của chồng, tình cờ chị thấy một tấm ảnh của anh A chụp với người yêu cũ và những bức thư tình với lời lẽ yêu thương thắm thiết. Không nén được cơn nóng giận, chị H đã nặng lời với anh A và yêu cầu anh xé tấm ảnh đó trước mặt chị. Anh A không làm theo yêu cầu của chị, mâu thuẫn giữa hai vợ chồng phát sinh. Kể từ đó, anh A thường xuyên vắng nhà, chị H cho rằng anh A không chung thủy nên đã làm đơn xin ly hôn (mặc dù anh A không đồng ý). Vụ việc được đưa đến Tổ hòa giải. Sau khi hiểu rõ nguyên nhân sự việc, Tổ hòa giải đã gặp gỡ chị H giải thích cho chị hiểu rằng việc anh A giữ tấm ảnh và những bức thư đó chẳng qua chỉ là do anh trân trọng quá khứ, muốn giữ gìn những kỷ niệm đẹp mà thôi. Đáng lẽ chị phải trân trọng đối với quá khứ của anh, điều cốt yếu là sau khi gặp chị anh đã không còn quan hệ với người yêu cũ nữa, toàn tâm, toàn ý với gia đình, vợ con. Việc chị nặng lời với anh A, bắt anh phải xé tấm ảnh như thế là không đúng, là thiếu tôn trọng anh, khiến cho anh A tự ái, cảm thấy bị xúc phạm. Luật hôn nhân và gia đình cũng quy định rõ vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng và giữ gìn danh dự, nhân phẩm, uy tín cho nhau. Đối với anh A, Tổ hòa giải đã giải thích, phân tích cho anh A hiểu rằng sau khi xảy ra sự việc đó, anh thường xuyên vắng nhà là không đúng. Chị H đang trong cơn ghen hờn mà anh lại thường xuyên vắng nhà, như thế sẽ tạo thêm mối nghi ngờ trong lòng chị, chẳng khác nào “lửa đổ thêm dầu”, sự rạn nứt tình cảm giữa hai người là điều khó tránh khỏi. Mặc dù thái độ của chị H là không đúng nhưng với vai trò người chồng, anh cần phải cảm thông với vợ, “ớt nào mà ớt chẳng cay, gái nào là gái chẳng hay ghen chồng”. Anh cần phải hiểu rằng, chỉ vì yêu anh quá nên chị H mới ghen đến mức như vậy. Chính vì sợ mất anh nên trong cơn nóng giận, chị H muốn anh phải “đoạn tuyệt” với quá khứ, dù chỉ là những kỷ vật. Trong trường hợp này, anh cần phải hết sức bình tĩnh để giải thích cho vợ mình hiểu để được vợ mình chia sẻ, cả hai cùng trân trọng quá khứ của nhau. Trên cơ sở những lời lẽ thuyết phục có lý có tình của Tổ hòa giải, anh A và chị H đã “làm lành” với nhau, cuộc sống của anh chị ngày càng hạnh phúc và câu chuyện trên như một kỷ niệm vui của hai người. 4. Mẹ chồng, nàng dâu Bà D đã nhiều năm mâu thuẫn, xích mích với con dâu, ban đầu chỉ là những mâu thuẫn nhỏ, sau ngày càng gay gắt, bà D đã đuổi con dâu ra khỏi nhà… Biết được mâu thuẫn của gia đình bà D, Tổ hòa giải xóm 6 đã cử đồng chí Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ, tổ viên Tổ hòa giải đến nắm tình hình, tiến hành hòa giải vụ việc. Sau khi tìm hiểu, biết rõ bà D và con dâu mâu thuẫn với nhau xuất phát từ những chuyện lặt vặt trong gia đình, bà D thì khó tính, hay để ý, khắt khe với con dâu, con dâu bà D thì nói năng thiếu lễ phép với mẹ chồng, hai mẹ con lời qua tiếng lại, nguyên nhân sâu xa chỉ vì kinh tế gia đình khó khăn, đất đai nhà cửa chật hẹp. Tổ viên Tổ hòa giải đã gặp gỡ từng bên, phân tích, thuyết phục các bên hiểu rõ điều hay, lẽ phải, cuộc sống gia đình đã khó khăn, mọi người trong gia đình càng cần phải yêu thương, cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ nhau nhiều hơn, bớt đi nỗi vất vả, cực nhọc, cùng nhau vun đắp xây dựng cuộc sống gia đình. Luật hôn nhân và gia đình quy định các thành viên cùng sống chung trong gia đình đều có nghĩa vụ quan tâm, giúp đỡ nhau, cùng nhau chăm lo đời sống của gia đình. Về phía bà D, là mẹ chồng bà nên coi con dâu như con đẻ của mình, các cụ ta vẫn thường nói “dâu con, rể khách”. Bà cũng đã từng làm dâu nên hơn ai hết bà nên thông cảm và hiểu cho con dâu của mình còn “trẻ người non dạ”, bà nên vị tha, độ lượng, không nên cay nghiệt, khắt khe với con dâu, con dâu có điều gì không phải thì nhẹ nhàng dạy bảo, chắc chắn con dâu bà sẽ nhận ra cái sai của mình mà tự sửa chữa, cuộc sống gia đình sẽ thoải mái, vui vẻ và con trai bà cũng sẽ không phải đau khổ, khó xử vì mâu thuẫn giữa mẹ và vợ mình. Về phía cô con dâu bà D, Tổ hoà giải đã phân tích cho cô thấy việc cô cư xử thiếu lễ phép với mẹ chồng là sai. Là phận con, cô phải có bổn phận yêu quý, kính trọng, hiếu thảo, lắng nghe những lời khuyên bảo đúng đắn của cha mẹ, cha mẹ chồng cũng như cha mẹ đẻ, giữ gìn truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Cô phải hiểu rằng nếu như không có cha mẹ chồng thì làm sao có chồng và các con của mình, “mẹ sinh ra anh để bây giờ cho em”. Nếu mẹ chồng có thái độ hoặc lời nói không đúng thì lựa lúc mẹ chồng vui vẻ cô giải thích để mẹ chồng hiểu và thông cảm. Sau đó Tổ hòa giải đã mời mẹ con bà D ngồi lại với nhau để dàn hòa. Bà D và cô con dâu đều nhận ra lỗi của mình. Tổ hòa giải yêu cầu cô con dâu chủ động xin lỗi mẹ chồng. Sau khi hòa giải xong, bà D đã chủ động yêu cầu cô con dâu về nhà mình, cô con dâu đã quay trở về sống vui vẻ cùng gia đình nhà chồng. 5. Con dọa đánh cha vì không được đối xử công bằng Gia đình ông N là gia đình có đông con trai. Khi các con ông trưởng thành và lập gia đình đều sống chung cùng với ông bà. Chính vì thế nhiều mâu thuẫn xích mích xảy ra giữa các thành viên trong đại gia đình. Đặc biệt, việc ông N đối xử không bình đẳng giữa các con đã làm cho mâu thuẫn giữa ông N và anh T ngày càng trầm trọng, có những lúc anh T đã từng dọa đánh bố, nhờ có sự can thiệp của tổ viên Tổ hoà giải nên không xảy ra hậu quả đáng tiếc. Tổ hòa giải đã cử một đồng chí là Chi hội trưởng Chi hội cựu chiến binh xã, tổ viên Tổ hòa giải trực tiếp hòa giải vụ việc trên. Sau khi biết được nguyên nhân chính dẫn đến mâu thuẫn giữa ông N và anh T là do ông N đối xử không bình đẳng giữa các con trong gia đình, đồng chí tổ viên Tổ hòa giải đã gặp riêng từng bên, vận dụng các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, hình sự… phân tích đạo lý, thuyết phục, vận động các bên hòa giải mâu thuẫn. Về phía ông N: Việc ông đối xử không công bằng giữa các con là sai. Là trụ cột trong một gia đình đông con như vậy, ông nên xử sự khéo léo, tế nhị, làm tốt vai trò của người nhạc trưởng điều phối hợp lý mọi việc trong gia đình, đối xử công bằng với các con. Pháp luật hôn nhân và gia đình cũng đã quy định cha mẹ không được phân biệt đối xử giữa các con, ngược đãi, hành hạ, xúc phạm con. Về phía anh T: Hành vi chửi bới, xúc phạm cha mình, dùng dao đe dọa giết bố là bất hiếu, dư luận xã hội lên án, các con của anh sẽ nghĩ gì về người cha mình. Cha mẹ là người đã sinh thành, nuôi dưỡng anh nên người: “Công cha như núi Thái sơn Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” Câu ca ấy ai cũng thuộc từ thời thơ bé. Đáng lẽ anh phải yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ. Đằng này chỉ vì mâu thuẫn cha con mà anh nỡ… Hành động của anh như vậy làm cha mẹ anh đau lòng biết nhường nào và cảm thấy xấu hổ, tủi thân với bà con làng xóm. Nếu sau này các con anh cũng đối xử với anh như vậy thì anh nghĩ sao. Không những thế, đây còn là hành vi vi phạm pháp luật tuỳ theo mức độ nặng nhẹ mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc hình sự, song cũng may là chưa xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Nếu không đồng ý với cách xử sự của cha, anh nên lựa lời phân tích cho cha hiểu hoặc nhờ mẹ mình hay họ hàng thân thích khuyên giải cha. Sau một thời gian kiên trì hòa giải, cha con ông N đã hiểu ra và đoàn kết với nhau không xảy ra mâu thuẫn, xích mích nữa. 6. Cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ Anh T và chị V sau một thời gian tìm hiểu, hai anh chị đã quyết định xin phép gia đình hai bên cho họ kết hôn với nhau. Song do trước đây, bà C là mẹ anh T có mâu thuẫn với gia đình chị V nên bà C cương quyết không cho anh T cưới chị V. Mặc dù bị mẹ ngăn cản nhưng họ vẫn quyết tâm đến với nhau, hai anh chị đã đến Uỷ ban nhân dân xã xin đăng ký kết hôn. Bà C biết chuyện đã đến Uỷ ban nhân dân nơi hai anh chị đang đăng ký kết hôn, mắng chửi chị V và dọa sẽ chết nếu anh T cương quyết đăng ký kết hôn với chị V. Anh T đã phải hoãn ngày đăng ký kết hôn lại và đến nhờ Tổ hòa giải giúp đỡ thuyết phục mẹ. Nắm bắt được sự việc, Tổ hòa giải xóm 4 đã cử ông Kh là Tổ trưởng tìm hiểu sự việc để tìm cách giải quyết. Sau khi tìm hiểu nguồn gốc sự việc, thấy cả hai anh chị T và V yêu nhau và tự nguyện kết hôn với nhau, không vi phạm các quy định của pháp luật, ông Kh đã gặp bà C để thuyết phục. Một mặt dựa trên tình mẫu tử, ông Kh giải thích cho bà C thấy rằng hạnh phúc của con cái cũng là hạnh phúc của người làm cha làm mẹ. Bố mẹ phải có trách nhiệm lo cho hạnh phúc của con cái. Hơn nữa, cô V là người hiền thảo, chăm làm, chắc sẽ là một người vợ đảm, nàng dâu ngoan, bà nên tạo điều kiện để con bà có hạnh phúc chứ không nên cấm đoán, cản trở hôn nhân của con chỉ vì mâu thuẫn cá nhân của mình trong quá khứ. Hành động của bà là trái với đạo lý, nhân dân thường có câu “ép dầu ép mỡ, ai nỡ ép duyên”. Ông Kh còn vận dụng quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình để giải thích cho bà hiểu anh T và chị V kết hôn là tự nguyện, phù hợp với quy định của pháp luật, việc bà cản trở hôn nhân của anh T và chị V là vi phạm pháp luật, Điều 9 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: “Việc kết hôn do nam và nữ tự quyết định, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào; không ai được cưỡng ép hoặc cản trở”, Điều 4 của Luật này cũng quy định cấm cưỡng ép kết hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ… Nếu bà cứ tiếp tục cản trở hôn nhân của anh T thì bà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Về phía anh T, ông Kh khuyên anh mặc dù việc làm của mẹ anh là sai, nhưng anh cũng phải bình tĩnh, không nên nóng vội, lựa những thời điểm thích hợp để giải thích, thuyết phục mẹ anh, hoặc có thể nhờ họ hàng cô bác thuyết phục mẹ giúp mình. Sau một thời gian ông Kh kiên trì giải thích, thuyết phục, mặc dù chưa thuận hẳn nhưng khi anh T và chị V đi đăng ký kết hôn bà C không ngăn cản nữa. Hiện anh chị đã có một cháu trai 2 tuổi, bà C hàng ngày đưa cháu đi chơi, bà vẫn hay nhắc lại “nếu hồi đó không có ông Kh thì không biết bây giờ chẳng những tôi không có cháu bế mà còn vi phạm pháp luật, có lỗi với các con…”. 7. Hoà giải kịp thời, khách quan, có tình và có lý Anh H và chị T kết hôn năm 1984, đến nay đã có hai con, một trai, một gái. Những năm đầu, cuộc sống gia đình anh chị rất đầm ấm, hạnh phúc. Thế nhưng, hai năm trở lại đây anh H sinh ra đổ đốn thích trăng hoa, chơi bời, thậm chí có hôm mải chơi đi cả đêm không về, không quan tâm đến gia đình. Thấy chồng mình thay đổi, chị T rất buồn, hai người thường cãi nhau, lời ra tiếng vào chị T nổi nóng, dẫn đến xô xát giữa hai anh chị và chị T đã làm đơn xin ly hôn. Sau khi nắm được sự việc trên, Tổ hoà giải đã phối hợp với Tổ dân phố, Tổ phụ nữ và Tổ hưu trí đến gia đình tìm hiểu sự việc xảy ra giữa hai anh chị để thực hiện việc hoà giải. Trước hết, Tổ hoà giải đã xác định rõ nguyên nhân dẫn đến gia đình anh H và chị T lục đục, mâu thuẫn là do anh H mải chơi, thiếu trách nhiệm với vợ, con...Nắm rõ được nguyên nhân sự việc, Tổ hoà giải đã lựa chọn thời điểm thích hợp để gặp gỡ anh H và chị T để tiến hành hoà giải. Căn cứ vào Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 và tiêu chuẩn xây dựng gia đình văn hoá, Tổ hoà giải đã gặp từng bên phân tích, giải thích cho anh H và chị T thấy rõ: - Về phía anh H: Là người đàn ông, anh phải là người trụ cột và là tấm gương soi cho con cái trong gia đình, nghĩ ra việc lớn để giúp vợ con ổn định cuộc sống, cùng vợ có trách nhiệm với gia đình. Sống phải có đạo đức, kỷ cương, Điều 18 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 có quy định: “Vợ chồng chung thuỷ, thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững”, nhưng anh lại sa vào những cuộc chơi không mục đích, bỏ bê việc nhà, làm tổn thương đến tình cảm gia đình, lại còn có thái độ hăm dọa vợ con, đập phá tài sản… Bản thân anh cần phải bình tĩnh, nhìn lại thái độ và cách cư xử của mình xem đã đúng hay không? Dù đi đâu làm gì bao giờ ta cũng xác định gia đình chính là cái chốt, là tổ ấm nên phải biết trân trọng, bảo vệ và vun đắp để vợ chồng, con cái luôn luôn được yên vui, hạnh phúc. - Về phía chị T: Là người phụ nữ khi sự việc xảy ra trong gia đình, chị nên bình tĩnh, khuyên nhủ chồng mình, khi chồng mắc lỗi, hoặc nổi giận, chị biết kìm chế tìm cơ hội vui vẻ, thuận lợi nhất góp ý cho nhau như câu ca dao: “chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa chẳng đời nào khê”. Nhưng chị lại thiếu tế nhị, lại có những lời thách đố: “ Ông không bỏ được tôi ông hèn…” khác nào lửa đang cháy chị lại đổ thêm dầu thì ắt cuộc đấu khẩu phải bùng to dẫn đến tình cảm gia đình bị sứt mẻ, có nguy cơ tan vỡ. Từ đó, Tổ hoà giải đã chỉ ra cho anh chị thấy được những sai lầm, thiếu sót của mỗi bên đồng thời khuyên nhủ anh chị cần suy nghĩ về hạnh phúc gia đình mình, vì các con đang cần đến tình cảm, sự chăm sóc của những người làm cha, làm mẹ và vì bà con hàng xóm,..anh chị hãy sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, chị nên rút đơn ly hôn để gia đình lại hạnh phúc như xưa. Sau 10 ngày tích cực hoà giải, Tổ hoà giải đến thăm gia đình anh chị và được chứng kiến một bầu không khí vui vẻ, các cháu quây quần bên bố mẹ, qua ánh mắt anh chị chúng tôi hiểu rằng chị đã tha thứ cho anh. 8. Mưa dầm thấm lâu Nhân ngày 8/3, chị H trang trí nhà cửa sạch đẹp, cắm 4 bông hồng tươi đẹp lên bàn và đặc biệt không quên mời các bác Tổ hoà giải của thôn đến thăm nhà. Trên khuôn mặt vui vẻ của chị, hết nhìn chồng lại ngắm con, nói chuyện vui vẻ với tất cả mọi người trong Tổ hoà giải, chúng tôi hiểu rằng chị thầm cảm ơn các bác trong Tổ hoà giải đã giúp đỡ gia đình chị kịp thời, nếu không gia đình chị đã có nguy cơ tan vỡ. Vợ chồng anh chị có hai con trai, anh là cán bộ của một doanh nghiệp nhà nước có việc làm ổn định, chị là giáo viên dạy học tại quê nhà. Cuộc sống của họ tuy ở làng quê nhưng không vất vả gì, không phải một nắng, hai sương, chân lấm, tay bùn, có nguồn sống ổn định, điều mà không phải ai cũng có được. Thế nhưng, cuộc sống của gia đình anh chị đã làm những người hàng xóm phải chứng kiến cảnh “cơm không lành, canh chẳng ngọt” chỉ vì những việc không đâu. Chị cho rằng anh không quan tâm gì đến cuộc sống gia đình, không biết làm kinh tế, cứ “ba cọc ba đồng”, tài sản không có gì, lại còn “bồ bịch”. Anh nói chị là người lắm điều, nói dai. Cứ thế ngày qua ngày anh thường phải nghe chị nói, lúc đầu anh còn chịu được, sau họ cứ to tiếng, chẳng ai chịu ai, rồi cãi lộn nhau, có lúc rất căng thẳng… Mỗi lần cãi nhau như vậy là hàng xóm phải chứng kiến và họ được dịp bàn tán, đàm tiếu và chị làm đơn đến Uỷ ban nhân dân xã, Toà án nhân dân huyện đòi ly hôn với anh. Biết được sự việc trên, Tổ hoà giải đã vào cuộc, Tổ phân công người gặp anh, người gặp chị và các con, người tiếp cận với bạn bè anh chị để tìm hiểu nguyên nhân sự việc và nguyện vọng của của mỗi người. Sau khi nắm rõ nguyên nhân sự việc, Tổ hoà giải đã phân tích, khuyên nhủ, động viên và nhắc nhở trách nhiệm của anh, chị đối với cuộc sống của gia đình mình, của hàng xóm xung quanh, xác định cái gì là cơ bản, cái gì là thứ yếu vụn vặt thì bỏ qua cho nhau…Những ngày đầu, Tổ hoà giải đến anh chị không buồn tiếp hoặc có tiếp thì anh nói một đường, chị nói một nẻo, không câu nào ăn nhập câu nào. Mặc dầu vậy, các thành viên của Tổ hoà giải vẫn kiên trì “bám trụ”. Hôm nay cử người này, mai cử người khác “đến chơi”. Dần dần “mưa dầm thấm lâu” anh chị ngẫm nghĩ những lời khuyên của Tổ hoà giải thật có tình, có lý… những cuộc cãi nhau của anh chị giảm dần và một thời gian sau không còn nữa. Vào một ngày đầu tháng ba, chị tự đến trụ sở Uỷ ban nhân dân xã xin được rút đơn ly hôn. 9. Lời thề trước Chúa Cũng như bao giáo dân ở xứ đạo N, chị C (vợ anh M) là người hiền lành, thật thà, yêu chồng, chịu thương chịu khó làm ăn, chăm sóc con cái để anh yên tâm đi làm xa kiếm tiền lo cho gia đình ở quê nhà. Những năm gần đây, đời sống kinh tế – văn hoá – xã hội của nhân dân trong vùng đã đổi mới nhiều, những lễ giáo phong kiến dần được cải thiện theo chiều hướng tiến bộ, dân chủ, sinh hoạt của người dân công giáo vùng này không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ những lễ nghi nhà thờ mà họ còn tham gia các hoạt động xã hội bổ ích khác như các phong trào của Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội nông dân và các hoạt động văn nghệ, thể thao của cộng đồng phát động. Từ đó chị C (vợ anh M) và anh X (là anh rể của chị C) cùng các thành viên khác trong cộng đồng giáo dân đã sống hoà mình và gần nhau hơn, đôi lúc còn bông đùa, dỡn nghịch nữa. Những tưởng là chuyện bình thường không ai để tâm đến. Nào ngờ sau một thời gian dài đi làm ăn xa nhà trở về, anh M (chồng chị C) đã nghe những kẻ xấu trong làng “kích động”. M cho rằng vợ mình đã đổ đốn làm chuyện bậy bạ với anh rể. M đã tức giận, bất cần tìm hiểu ngọn ngành căn do, nhiều lần tra khảo vợ và vác dao đe doạ giết anh rể. Những cuộc cãi lộn nhau ngày càng nhiều và rất căng thẳng, kẻ bảo có, người bảo không, mâu thuẫn giữa vợ chồng, giữa hai anh em rể đã trở nên đỉnh điểm và có nguy cơ gây ra những vi phạm pháp luật và hậu quả khó lường. Đứng trước tình hình đó, cùng với yêu cầu của chị C và anh X, Tổ hoà giải đã đứng ra giải quyết. Để dàn xếp ổn thoả những mâu thuẫn gay gắt này, Tổ hoà giải đã xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Uỷ ban nhân dân xã, Ban Tư pháp xã và các đoàn thể ở địa phương, tiếp đó tổ chức cuộc họp tổ mời những người đứng đầu giáo xứ, đại diện gia tộc của các bên bàn phương pháp, thời gian, địa điểm tiến hành hoà giải. Tổ hoà giải đã phân công các thành viên của tổ và người đại diện trực tiếp gặp gỡ từng bên phân giải ngọn ngành, phải trái, đúng sai về những việc đã xảy ra. Lúc đầu anh M rất khẳng khái cho rằng lời đồn đại là đúng và hành động của anh là đúng lương tâm có trách nhiệm nhằm bảo vệ hạnh phúc gia đình và trừng trị đối với những kẻ làm trái lời răn của Chúa, anh một mực không tiếp thu lời khuyên giải của mọi người. Với phương châm “kiên trì thuyết phục” để “mưa dầm ướt áo”, Tổ hoà giải xóm 12 đã dần tác động làm “hạ hoả” trạng thái gay cấn, căng thẳng trong con người anh M. Còn về phía chị C với tư cách là một giáo dân chị đã thề trước chúa rằng : “Giữa chị và anh rể không có chuyện gì mờ ám, không phạm vào 10 điều răn của chúa”. Anh X (anh rể của chị C) thì đã nhận thức ra vấn đề là có lúc do bông đùa quá trớn của mình mà dẫn tới sự hiểu lầm đối với những người xung quanh. Bằng sự nhiệt tình, khéo léo và kiên trì thuyết phục, giáo dục kết hợp với lời khuyên giải có lý, có tình của các hoà giải viên Tổ hoà giải và những người có uy tín trong họ tộc, 3 bên đương sự giàn hoà mâu thuẫn, mỗi bên nhận lỗi, thông cảm và hứa hẹn cùng nhau sống tốt đời và đẹp đạo. Từ đấy, vợ chồng chị C và anh M càng hiểu nhau hơn, thương yêu nhau hơn, quan hệ anh em rể được trở lại như xưa. 10. Đòi ly hôn chỉ vì sinh con một bề Vợ chồng anh H và chị T sinh toàn con gái. Bố mẹ anh H chỉ có anh là con trai duy nhất trong gia đình, nên anh H buộc chị T phải sinh thêm để có con trai nối dõi tông đường. Thêm vào đó, anh H lại được sự ủng hộ của cha mẹ mình nên càng quyết tâm cao. Chị T không đồng ý với chồng và cha mẹ chồng nên mâu thuẫn trong gia đình ngày càng căng thẳng, nhiều lần xô xát, cãi cọ … chị T đành quyết định xin ly hôn để cho anh H đi lấy người khác sinh con trai nối dõi tông đường. Khi biết tin, Tổ hoà giải của thôn 7, đã gặp gỡ các bên trong gia đình để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến việc xin ly hôn giữa anh H và chị T. Qua tìm hiểu, Tổ hoà giải đã biết rõ nguyên nhân mâu thuẫn là do anh H muốn có con trai và Tổ hoà giải đã cử tổ viên chủ động đến gặp bố mẹ anh H, hỏi thăm sức khoẻ của các cụ, đồng thời giải thích để bố mẹ anh H hiểu quy định của Luật hôn nhân và gia đình, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong việc không được phân biệt đối xử giữa con trai và con gái và nói rõ Nhà nước ta và xã hội không thừa nhận sự phân biệt đối xử giữa các con, giữa con trai và con gái… mỗi gia đình phải có trách nhiệm thực hiện sinh đẻ có kế hoạch để có điều kiện bảo đảm kinh tế gia đình, nuôi dạy các cháu cho tốt… Qua việc phân tích này, bố mẹ anh H đã nhận ra trách nhiệm của gia đình và thôi không ép chị T sinh thêm con trai, đồng thời cam kết tác động con trai giải quyết mâu thuẫn với vợ. Sau đó, Tổ hoà giải kết hợp với Chi hội phụ nữ, Trưởng thôn, khuyên giải anh H, phân tích về trách nhiệm nuôi dạy con cái của cha mẹ, việc không nên phân biệt đối xử đối với con gái, phân tích hậu quả của việc ly hôn; Tổ hoà giải cũng khuyên chị T rút đơn ly hôn. Từ những giải thích, cộng thêm sự tác động của cha mẹ, anh H đã nhận ra sai trái của mình, gia đình họ trở lại hoà thuận, đầm ấm như xưa. 11. Đòi ly hôn vì vợ ngoại tình Anh A và chị B sống với nhau và có con chung nhưng chưa đăng ký kết hôn. Vừa qua, mọi người trong thôn phát hiện chị B, đi xem văn nghệ đã lén lút quan hệ với anh H, cùng thôn. Anh A chờ chị B về đã đánh chửi vợ thậm tệ sau đó làm đơn xin ly hôn. Tổ trưởng Tổ hoà giải thôn X, biết tin đến hoà giải kịp thời, đồng thời phân tích giải thích để anh A biết. Anh không được đánh vợ vì đánh vợ là vi phạm Luật hôn nhân và gia đình, có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự nếu anh đánh chị B bị thương. Sau khi xác minh chị B có quan hệ không tốt với anh H, như dư luận là có thật, Tổ hoà giải cử chị N là tổ viên tổ hoà giải Chi Hội phụ nữ thôn đến gặp riêng chị B, phân tích, giải thích để chị B nhận ra sai lầm của mình vì việc quan hệ không đúng đắn của chị với anh H chính là nguyên nhân làm đổ vỡ hạnh phúc gia đình, trái đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật Tổ trưởng Tổ hoà giải cũng gặp riêng anh A, động viên anh độ lượng tha thứ cho vợ vì nhẹ dạ mà phạm lỗi, đồng thời phân tích trách nhiệm của anh chị đối với con mình, phân tích hậu quả của việc ly hôn. Tổ hoà giải cũng phê bình anh A thiếu quan tâm đến tâm tư, tình cảm của vợ còn hay uống rượu và bỏ bê vợ con … Việc anh đánh vợ, ép chị ký đơn ly hôn là sai, là phạm pháp và có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật… Qua sự phân tích, giải thích thuyết phục của tổ viên Tổ hoà giải, anh A, chị B thấy rõ được sai lầm của mình, đồng thời, Tổ hoà giải đã sắp xếp để chị B, xin lỗi anh A, hai bên đã bỏ qua lỗi lầm của nhau và hoà thuận trở lại. 12. Người vợ bạo lực Anh M và chị T là hai vợ chồng, anh M làm nghề thợ mộc, chị T buôn bán nhỏ ở chợ. Do kinh tế gia đình eo hẹp, chị T lại nghi chồng mình cặp bồ với bà chủ nhà đang thuê anh đóng đồ gỗ nên mâu thuẫn giữa hai vợ chồng thường xuyên xảy ra. Một hôm, chị theo dõi chồng, bắt gặp anh mặc quần đùi đang đóng mộc còn chị chủ nhà thì mặc bộ đồ ngủ ngồi cạnh đấy, máu ghen nổi lên, chị túm tóc đánh anh lôi về nhà. Nhiều lần chị T cầm dao chém chồng chảy máu, những lần như thế anh thường cố nhịn cho qua chuyện rồi đến trình báo với chính quyền, duy nhất có một lần anh đã tát lại chị. Nắm được tình hình đó, các thành viên của Tổ hòa giải đến nhà anh chị để giải quyết. Sau khi tìm hiểu cặn kẽ sự tình, thành viên Tổ hòa giải gặp riêng từng người để phân tích đúng sai, đặc biệt chỉ rõ cho chị T thấy được là một người vợ không nên xử sự với chồng như thế. Việc làm của chị là trái với đạo lý vợ chồng của người Việt Nam, trái thuần phong mỹ tục của dân tộc. Là người vợ, nhất là khi cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn thì chị càng phải yêu chồng, thương con hơn, động viên chồng làm việc, ca dao tục ngữ có câu: “Chồng em áo rách em thương Chồng người áo gấm xông hương mặc người” Hơn nữa, hành vi của chị còn vi phạm pháp luật. Luật hôn nhân gia đình có quy định vợ chồng có nghĩa vụ chung thuỷ, thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; cấm vợ, chồng có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của nhau, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Anh M vốn là người hiền lành, chăm chỉ, chỉ vì bắt gặp bà chủ nhà ngồi xem anh khi anh đang đóng mộc mà chị nghi anh cặp bồ là không có căn cứ, chị cần xem xét thận trọng, điều cốt yếu là phải tin tưởng, thương yêu, quý trọng chồng. Về phía anh M, thành viên Tổ hòa giải cũng giải thích cho anh hiểu về đạo lý, trách nhiệm của người chồng trong gia đình là phải chung thuỷ, yêu thương, chăm sóc vợ con. Anh cũng cần xét lại mình xem đã làm tốt trách nhiệm của người chồng, người cha. Nếu vợ anh (chị T) có những hành vi thái quá, thì anh cũng không nên đánh vợ mà có thể nhờ hàng xóm hoặc báo chính quyền can thiệp, để tránh gây nên những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Mặc dù các thành viên Tổ hòa giải đã kiên trì hòa giải nhưng chị M vẫn chứng nào, tật ấy. Sự việc cứ lặp đi lặp lại đến hai năm trời, không thể chịu được thói bạo lực của vợ, anh M đã viết đơn xin ly hôn. Thấy tình hình không thể hòa giải được nữa, Tổ hòa giải quyết định chuyển đơn ly hôn của anh M lên Tòa án nhân dân huyện để giải quyết. Như vậy, mặc dù Tổ hòa giải đã rất kiên trì nhưng thấy rằng chị T không chịu sửa đổi, tình hình mâu thuẫn ngày càng trầm trọng, đời sống chung giữa anh M và chị T không thể kéo dài, mục đích của cuộc hôn nhân là xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững đã không đạt được, cách giải quyết tốt nhất là để hai người ly hôn. 13. Cờ bạc là bác thằng bần, cửa nhà tan vỡ vợ con chia lìa Ông V và bà X kết hôn với nhau đã được trên 20 năm, có hai con chung, một trai, một gái. Các con ông đều được học hành tử tế, gia đình sống yên ấm, hoà thuận. Thế nhưng cũng tất cả tại ông, do vi phạm pháp luật ông phải đi cải tạo 6 năm, một mình bà ở nhà thay chồng lặn lội, tần tảo nuôi con ăn học, dạy chúng nên người, chung thuỷ, chờ chồng hết hạn cải tạo trở về cùng gia đình sum họp. Ngày bà cùng các con mong đợi đã đến, ông được mãn hạn tù trở về với gia đình, được một thời gian ngắn sau, do máu mê cờ bạc, rượu chè bê tha, vợ con khuyên bảo nhiều lần ông không nghe, thậm chí ông còn bị chính quyền, công an nhắc nhở, răn đe và yêu cầu ký cam kết. Nhưng ông vẫn chứng nào tật ấy, ngày càng lấn sâu vào con đường cờ bạc, bỏ bê công việc gia đình… mâu thuẫn gia đình phát sinh, hạnh phúc gia đình có nguy cơ tan vỡ. Sau khi tìm hiểu sự việc, nắm rõ nguyên nhân chủ yếu là do lỗi của ông V…Tổ hoà giải đã cùng với chính quyền địa phương nhiều lần đến khuyên giải, vận động, tuyên truyền, thuyết phục cả ông bà: - Về phía ông V: Là người chồng, người cha, ông phải thật sự sống mẫu mực, có trách nhiệm với gia đình. Phải luôn nghĩ rằng lỗi lầm xưa là bài học kinh nghiệm cần phải tránh. Ngần ấy năm ông xa nhà, bà đã vất vả nuôi con ăn học, dạy chúng nên người, sống chung thuỷ chờ ông về sum vầy. Nay đã trở về, ông càng phải dành nhiều thời gian hơn, chí thú làm ăn lo cho vợ, con, gia đình, bù đắp phần nào cho bà khi ông vắng nhà, các con thiếu sự chăm sóc của bố. Ngược lại, ông lại sa vào con đường tệ nạn xã hội, nếu cứ tiếp tục vi phạm ông sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, và làm ảnh hưởng xấu đến gia đình. Đây là sai lầm ông cần rút kinh nghiệm, sửa chữa để cùng nhau xây dựng gia đình yên vui, hạnh phúc. - Về phía bà X: Động viên bà phải kiên trì khuyên bảo, cùng các con tìm cách giúp đỡ ông khắc phục. Tìm cho ông việc làm phù hợp, lôi kéo ông rời xa tệ nạn cờ bạc và mặc cảm với lỗi lầm trước đây, cùng nhau xây dựng gia đình đầm ấm, hoà thuận… Sau nhiều lần Tổ hoà giải đã đến vận động, thuyết phục, khuyên nhủ nhưng ông V vẫn không chịu sửa chữa lỗi lầm mà ngày càng lấn sâu vào con đường cờ bạc, mâu thuẫn gia đình lên đến đỉnh điểm. Bà X đã làm đơn xin ly hôn. Toà án đã ra quyết định thuận tình ly hôn. 14. Giá như kiên trì, có biện pháp tích cực hơn… thì đâu đến nỗi Nhìn hai đứa trẻ bị tách ra, một ở với bố và một ở với mẹ, những lúc nghỉ học, bọn trẻ thường qua lại chơi đùa với nhau, cứ nhìn cảnh ấy, người trong thôn xóm nhất là thành viên trong Tổ hòa giải ai cũng thấy đau lòng. Q sau ba năm chia tay với vợ anh vẫn không có ý định tìm vợ khác mặc dù các chị em và bạn bè của anh đã giới thiệu nhiều đám nhưng anh đều từ chối. Còn chị N, cũng không đành để con lại mà đi bước nữa, mọi tâm lực chị dồn sức nuôi con khôn lớn. Ba năm về trước, vợ chồng họ rất đẹp đôi, có hai con trai khỏe mạnh và ngoan ngoãn, họ cũng đã xây được nhà riêng, sắm được nhiều đồ dùng đắt tiền cho gia đình như xe máy, ti vi… Cả hai đều rất thương con và chăm lo vun vén kinh tế gia đình. anh không rượu chè, cờ bạc, chị rất siêng năng, chăm chỉ, nhưng cuộc sống của họ luôn xảy ra mâu thuẫn bởi một nỗi anh chồng quá hiền lành, thiếu tự chủ, mọi việc trong nhà đều nghe theo sự sắp đặt của các chị gái (anh là con trai út duy nhất của gia đình). Cho nên, nhiều khi đã làm cho chị N cảm thấy mất quyền tự chủ, tự do, rồi dần dẫn đến hiểu lầm nhau làm cho giữa chị và anh có những khoảng cách, giữa chị và các chị gái bên nhà chồng luôn xảy ra va chạm. Chị đã bỏ nhà về mẹ đẻ ở một thời gian, sau được Tổ hòa giải và bà con làng xóm khuyên can nên chị trở về cùng anh làm ăn, nuôi dạy con cái. Chẳng bao lâu vợ chồng chị lại mâu thuẫn, chị lại bỏ nhà ra đi. Đến lúc này các chị chồng được thể khuyên em trai ly hôn vợ, đồng thời quyết không nhận là con dâu, em dâu của gia đình. Nắm được sự việc, các tổ viên Tổ hòa giải cùng Ban hòa giải, Ban Tư pháp xã nhiều lần gặp gỡ hai bên gia đình và hai vợ chồng để thuyết phục, vận động, khuyên giải nhưng các bên không thỏa thuận được. Đã có lần, Tổ hòa giải thôn tổ chức một cuộc họp có đầy đủ các thành phần họ hàng hai bên, bà con xóm làng, các đoàn thể ở cơ sở để dàn xếp, tạo điều kiện cho chị N trở về gia đình chung sống với chồng con, nhưng kết cục mục đích ấy cũng không thành. Do thúc ép từ phía gia đình chồng, sự cố chấp của các chị chồng, sự tự ái của chị N, cuối cùng Tổ hòa giải xã và Ban Tư pháp xã đã phải lập biên bản hòa giải không thành và chuyển đơn xin thuận tình ly hôn của anh chị lên Tòa án nhân dân huyện để giải quyết theo pháp luật. Tòa án nhân dân huyện đã xử công khai thuận tình ly hôn. Ba năm đã trôi qua, các hòa giải viên trong thôn vẫn cảm thấy bứt rứt, băn khoăn và ngậm ngùi mỗi khi nhìn hai đứa trẻ. Mặc dù rất tận tình, nhưng tận đáy lòng họ vẫn cảm thấy băn khoăn cho con trẻ. Giá như lúc ấy họ kiên trì thuyết phục thêm chút nữa, biết vận động và có thái độ thẳng thắn phê phán về sự can thiệp sâu của các chị chồng vào đời sống kinh tế của vợ chồng, đồng thời giúp anh Q xác định rõ tính độc lập, tự chủ của người đàn ông trong cuộc sống thì chắc gia đình anh chị không chia ly như thế này. Các hòa giải viên của thôn vẫn trông chờ và sẵn sàng một lần nữa đứng ra để “bắc cầu” cho vợ chồng họ trở về chung sống với nhau. 15. Ly hôn chỉ vì thiếu tự chủ Tổ hoà giải tiếp nhận đơn xin ly hôn từ tay anh S xin ly hôn vợ là chị P. Sau khi tìm hiểu hoàn cảnh gia đình anh chị cũng như nguyên nhân của sự việc, Tổ hoà giải tổ chức buổi hoà giải với sự chủ toạ của đồng chí Phó Chủ tịch, cán bộ tư pháp, Hội Phụ nữ, Ban Thanh tra nhân dân phường và Tổ hoà giải của nhóm. Anh S và chị P kết hôn năm 1995 đã có hai con gái. Trước đây, anh S có cửa hàng mua bán chiếu và hàng tre đan ở chợ, nhưng do làm ăn thất bại và thiếu nợ nên đã nghỉ bán và chuyển sang bán dạo. Anh chị ở chung với mẹ, nhưng do cuộc sống gia đình rất khó khăn lại phải nuôi hai con còn nhỏ, nên chị của S đã đưa mẹ về ở chung để vợ chồng anh S đỡ vất vả. Cuộc sống khó khăn nên vợ chồng anh hay cãi vã, lời qua tiếng lại, từ đó cũng gây mâu thuẫn với gia đình bên chồng. Vào dịp tết Thanh minh chị của anh S ghé nhà chơi, do đã có mâu thuẫn nên khi nói chuyện, chị P đã có những lời nói không được tế nhị về anh S làm cho chị của anh không vừa lòng, dẫn đến vợ chồng cải vã nhau; khi chị đang dỗ con ngủ, anh S nhào đến đánh chị, chị giận quá không làm chủ được hành động của mình đã ném tấm thớt vào người anh S làm anh bị gãy tay. Sau khi bó bột xong, anh S có về nhà, do còn giận nên chị đã nói dỗi là sẽ không chăm sóc cho anh nên anh S đã về ở tạm nhà người chị ruột. Anh S là lao động chính trong gia đình, anh về ở với chị ruột, nhà không có tiền, chị P lại phải trông hai con nhỏ nên phải đem cầm tivi và đầu máy để có tiền lo cho các con mà không nói anh S biết. Thêm vào đó, mẹ anh S kể lại vợ anh đã làm chìa khoá để ăn cắp vàng và còn dùng lời lẽ thô tục chửi bà, đồng thời chị gái anh kể nghe chị P nói nếu anh còn sống chung với chị ấy thì sẽ bị vợ đày đọa cho đến chết nên đã gợi ý cho anh ly hôn. do sự tác động của gia đình, anh S đã gửi đơn đến Uỷ ban nhân dân phường xin ly hôn với chị P. Hiểu được nguyên nhân sự việc, Tổ hoà giải tổ chức buổi hoà giải với sự chủ tọa của đồng chí Phó Chủ tịch, cán bộ tư pháp, Hội phụ nữ, Ban thanh tra nhân dân phường và Tổ hoà giải của xóm, Tổ hoà giải đã giải thích cho anh chị hiểu những quy định của Luật hôn nhân và gia đình về quan hệ vợ chồng, phân tích cho anh chị thấy rằng trong cuộc sống vợ chồng khó tránh khỏi sự va chạm, như ông bà ta thường nói: “chén chung sống vẫn còn khua” huống hồ chi là vợ chồng, điều quan trọng là anh chị phải hiểu nhau, thông cảm thương yêu và chăm sóc lẫn nhau nhất là những lúc khó khăn. Chuyện anh chị gây gổ và đánh nhau dẫn đến anh S bị gãy tay tuy chỉ do ngoài ý muốn, nhưng chị P phải thấy hành động nông nổi của chị đã gây ra hậu quả rất nghiêm trọng; anh là lao động chính trong gia đình nhưng lại bị tai nạn do chị gây ra như vậy thì cuộc sống sắp tới của gia đình chị sẽ khó khăn thêm. Chị nên sửa đổi tính nóng nảy vì xưa nay mềm mỏng vốn là đức tính của phụ nữ “chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa chẳng đời nào khê”. Đã vậy, khi anh S bó bột trở về chị nên hoà dịu, quan tâm chăm sóc để anh S nguôi cơn giận nhưng chị đã không làm mà con nói dỗi là sẽ không chăm sóc anh S để mâu thuẫn càng sâu sắc hơn, đây là cái sai lớn nhất của chị. Về phía anh S, Tổ hoà giải cũng giải thích trong sự việc này anh cũng có cái sai, vợ chồng chung sống đã lâu anh hiểu vợ mình, mỗi người nhịn một tiếng thì sẽ không có chuyện xảy ra, anh vì lời nói dỗi của chị P mà bỏ về nhà chị ruột ở mà không hề nghĩ đến bổn phận đối với các con trong khi anh là lao động chính. Vợ anh phải giữ con nhỏ không thể làm gì được nên phải đem ti vi và đầu máy cầm để có tiền nuôi con, anh không hề nghĩ tới trách nhiệm của mình mà lại trách vợ không hỏi ý kiến của anh là không đúng. Khi sự việc đã xảy ra, anh không nên cố chấp, phải nghĩ đến trách nhiệm của mình và bàn bạc với chị P để xoay xở nuôi các con, không nên vì chuyện này mà đòi ly hôn với vợ. Anh chỉ nghe mẹ anh kể lại vợ anh làm chìa khoá để ăn cắp vàng mà đã vội vàng kết luận trong đơn xin ly hôn là không đúng vì chưa đủ cơ sở để nói chị P ăn cắp. nếu thật sự chị P có lấy thì khi phát hiện, mẹ anh phải báo với công an để làm rõ sự việc, anh là chồng thì anh phải hiểu vợ hơn ai hết. Anh vì nghe lời chị ruột kể lại vợ anh có lời hăm dọa sẽ đày đoạ anh cho đến chết mà xin ly hôn là không đủ cơ sở. Việc vợ anh mắng chửi mẹ anh, bản thân anh cũng chưa nghe thấy, chị P cũng trình bày là chị không hề có lời nào xúc phạm mẹ chồng; như vậy anh chưa đủ căn cứ, lý do hợp lý để ly hôn với chị P. Nếu tất cả sự việc anh trình bày là có thật, chị P là vợ của anh, anh có thể khuyên nhủ hoặc có thể nêu sự việc với cha mẹ của chị P để cha mẹ chị nhắc nhở, khuyên bảo chị… Trên cơ sở phân tích đúng, sai Tổ hoà giải đã động viên anh chị nên tha thứ cho nhau, làm hoà và nên nghĩ đến cuộc sống sắp tới, nghĩ tới hai cháu, chúng không thể sống thiếu tình thương của cha hoặc mẹ, hãy nghĩ đến tương lai của các cháu… Chị P rất hối hận, chị đã nhận lỗi và mong muốn anh S tha thứ để vợ chồng chung lo làm ăn và nuôi dạy các con. Chị nghĩ rằng anh S chỉ giận một thời gian rồi sẽ hết, không ngờ vì chuyện này mà anh S đòi ly hôn. chị trả lời rằng chị không đồng ý ly hôn. Thấy anh S tỏ vẻ phân vân không quyết định. Tổ hoà giải đã động viên anh chị về suy nghĩ kỹ, bảy ngày sau sẽ mời anh chị đến để nghe quyết định của anh chị. Bảy ngày sau, anh S và chị P đến Uỷ ban nhân dân phường có cả người thân của hai bên, chúng tôi đã nói rõ sự việc cho người thân của anh chị nghe để động viên anh chị nên vì tương lai các con mà đoàn tụ. Gia đình chị P muốn cho anh chị hoà giải và riêng bản thân chị cũng không có ý kiến gì chỉ chờ quyết định của anh S; còn gia đình anh S thì lại có ý muốn anh ly hôn, bản thân anh không tự làm chủ, không dứt khoát, anh sợ rằng nếu tiếp tục chung sống sẽ bị chị P đày đọa và anh đã yêu cầu được ly hôn. Do anh S yêu cầu ly hôn chị P phải chấp nhận, chị chỉ yêu cầu khi ly hôn anh S sẽ chia phần tài sản là căn nhà và cửa hàng nằm ở khu vực chợ là tài sản mà anh S được thừa kế của cha mẹ để chị có tiền nuôi các con, chị cũng không hề yêu cầu cấp dưỡng. Anh S trình bày anh chị không có tài sản chung, nhà và cửa hàng mà chị P nói đó là tài sản của cha mẹ anh. Về các con nếu chị P không nuôi được thì giao cho anh , chứ anh không thực hiện việc cấp dưỡng. Mặc dù đã cố gắng động viên và tạo cơ hội cho anh chị hoà giải nhưng hoà giải không thành nên Tổ hoà giải lập biên bản và chuyển sang Toà án thị xã để giải quyết. Đồng thời, Tổ hoà giải giải thích cho anh chị hiểu, khi ly hôn về con cái và tài sản sẽ do Toà án quyết định theo quy định của pháp luật. 16. Điều không thể hoà giải được Ông T và bà M kết hôn từ năm 1984, đến nay đã có 4 con, ông T hay uống rượu nhiều, lại phát bệnh thần kinh. Mỗi lần uống rượu say về, ông T thường xuyên đập phá đồ đạc trong nhà và chửi bới vợ con. Anh em, họ hàng, vợ con nhiều lần khuyên bảo nhưng ông T vẫn “chứng nào tật nấy”. Bà M không thể chịu nổi và bà quyết định viết đơn xin ly hôn. Tổ hoà giải biết được sự việc liền cử tổ viên đến tìm hiểu nguyên nhân sự việc, đồng thời kết hợp với Chi hội phụ nữ thôn, Hội nông dân, công an đến nhà để khuyên giải vợ chồng ông T. Họ đã phân tích những khuyết điểm của ông T do uống rượu nhiều, không lo làm ăn, hay đập phá đồ dùng trong gia đình …đã làm ảnh hưởng đến đời sống kinh tế cũng như hạnh phúc gia đình. Ông T viết bản cam kết và hứa sẽ thay đổi. Còn về phía bà M, Tổ hoà giải cũng gặp riêng bà, động viên bà nên đưa ông T đi khám bệnh, đồng thời quan tâm, chăm sóc các con … Tuy nhiên, bà M vẫn kiên quyết gửi đơn xin ly hôn bởi vì bà cho rằng trong thời gian qua bà đã quá khổ nhục, vất vả, hơn nữa ông T, nhiều lần hứa với vợ con sẽ sửa chữa để lo làm ăn, cùng nhau nuôi dạy con, xong ông T vẫn không sửa chữa được. Theo bà M, với tính cách của ông T, không thể làm người cha tốt, ngược lại còn làm ảnh hưởng xấu đến các con, vả lại các con bà rất mặc cảm với bạn bè vì có một người cha như thế. Mặc dù vẫn biết nếu ly hôn sẽ không tốt cho các con nhưng bà không thể sống với người chồng như thế. Qua vụ việc hoà giải không thành trên đây, mặc dù Tổ hoà giải và các tổ viên giải thích rất nhiệt tình và có nhiều nỗ lực trong việc giải quyết mâu thuẫn trong gia đình ông T và bà M, song vẫn không hoà giải thành, cũng do nhiều nguyên nhân. Một mặt, việc hoà giải chưa kịp thời (do việc mâu thuẫn trong gia đình ông T xảy ra trong một thời gian dài, và ngày càng sâu sắc…), chưa có hướng giải quyết tận gốc, sự việc để lâu nên việc đơn giản trở thành phức tạp. Mặt khác, bản thân ông T hứa nhưng không chịu sửa chữa sai lầm, phía bà M chưa thật sự giúp chồng chữa trị tận gốc bệnh thần kinh, mâu thuẫn giữa vợ và chồng không thể dung hoà được vì cách sống và quan niệm của mỗi người không có điểm chung và điều quan trọng vẫn là bản thân chính họ. 17. Đáng ra không thể ly hôn Anh A, chị H cùng sinh ra và lớn lên ở một làng ven sông Hồng, tuổi thanh niên của họ đã có những kỷ niệm đẹp và tình yêu đã đến với họ. Tình cảm của anh, chị đã được hai gia đình ủng hộ, họ đã đến Uỷ ban nhân dân xã đăng ký kết hôn và tổ chức lễ cưới năm 1985. Sau 18 năm chung sống, anh chị đã có 3 người con ( 2 gái 1 trai). Những năm đầu, mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng trong gia đình anh chị lúc nào cũng có tiếng cười vui vẻ, hạnh phúc của ông bà, cha mẹ, và con cái. Khi nền kinh tế thị trường phát triển, ruộng đất được giao ít đi, anh chị còn trẻ khoẻ, các con đã lớn có thể ở nhà với ông, bà để bố mẹ vào miền Nam làm ăn kinh tế. Khi nêu nguyện vọng của mình, anh, chị đã được bố mẹ và các con đồng ý. Ngày vào miền Nam, vợ chồng anh chị với bao suy nghĩ, toan tính phải cố gắng làm ăn, có tiền gửi về để xây nhà, nuôi con ăn học, phụng dưỡng bố mẹ già, giúp đỡ các em… Song không hiểu do cuộc sống sôi động nơi đô thành (Sài Gòn – Chợ lớn trước đây) hay do mê tín mà quan hệ giữa hai anh chị phát sinh mâu thuẫn, chị kiên quyết đòi ly hôn với anh mà chẳng có lý do chính đáng. Cha mẹ chị đồng tình, còn cha mẹ chồng và gia đình anh thì khuyên nhủ, các con của anh chị không bằng lòng nhưng chị không nghe, sắm sửa được thứ gì chị đem về nhà mẹ đẻ, các con đứa ở với mẹ, đứa ở với ông, bà, cảnh nhà tan tác. Biết chuyện, Tổ hoà giải đã nhiều lần đến khuyên nhủ, gặp gỡ từng người thân trong gia đình anh chị để tìm hiểu nguyên nhân sự việc, phân tích đúng, sai cho anh và chị đồng thời khuyên nhủ hai người hãy vì trách nhiệm, tình thương với con cái, gia đình mà sống đoàn tụ nhưng chị vẫn không nghe, kiên quyết đòi ly hôn. chị yêu cầu Ban Tư pháp xã gửi hồ sơ xin ly hôn của chị đến Toà án nhân dân huyện. Sau nhiều lần hoà giải không thành, Toà án nhân dân quyết định mở phiên toà xét xử ly hôn (vì anh vắng mặt do làm ăn ở miền Nam) và tuyên án chị được ly hôn kèm theo được phân chia tài sản và con cái… Còn anh, nghe tin gia đình thông báo kết quả vụ án, anh vội vã trở về quê làm đơn chống án lên Toà phúc thẩm vì anh không muốn ly hôn với chị, không muốn các con phải chia ly, muốn gia đình hạnh phúc… Qua vụ việc hoà giải không thành trên đây đã để lại những suy nghĩ day dứt, về một vụ ly hôn lẽ ra không đáng có… giá như hồi đó, Tổ hoà giải, tổ viên Tổ hoà giải và các cơ quan đoàn thể ở địa phương kiên trì thuyết phục và có biện pháp tích cực hơn, biết đâu họ sẽ hiểu ra.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật