KINH DOANH NGÂN HÀNG TRONG ĐIỀU KIỆN LẠM PHÁT Ở MỨC CAO

TS. ĐỖ THỊ THỦY – Ngân Hàng Công Thương Việt Nam Sau một thời gian dài liên tục đạt được nhịp độ trưởng kinh tế với tốc độ cao, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, bắt đầu từ cuối năm 2007 và những tháng đầu năm 2008, nền kinh tế nước ta đã rơi vào tình trạng lạm phát tăng cao ngoài mức dự báo. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của 9 tháng đầu năm 2008 so với thời điểm cuối năm 2007 đã lên tới mức trên 21% và trong năm 2009, có thể tỷ lệ lạm phát sẽ còn duy trì ở mức trên một con số. Nhìn nhận lại tình hình của nền kinh tế trong thời gian vừa qua chúng ta có thể thấy rằng, trong điều kiện lạm phát cao, các cơn “bão giá”, “bão lãi suất” diễn ra đã làm cho tình hình thị trường tài chính, tiền tệ trong nước bất ổn, gây những ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động kinh tế nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng. Viễn cảnh khủng hoảng tiền tệ, nguy cơ đổ vỡ đối với hệ thống ngân hàng không thể không lường tính trước, nếu như các cơ quan quản lý không có các chính sách kinh tế vĩ mô đúng đắn và hữu hiệu, các ngân hàng thương mại (NHTM) không có các giải pháp chống đỡ phù hợp, hiệu quả. Xét trên từng mặt hoạt động của hệ thống Ngân hàng thì những tác động tiêu cực của tình hình lạm phát thường được biểu hiện như sau.   1. Ảnh hưởng của lạm phát đến hoạt động ngân hàng 1.1. Khả năng thanh khoản bị suy giảm Hệ thống Ngân hàng là huyết mạch của cả nền kinh tế nên tính thanh khoản của hệ thống Ngân hàng phản ánh tính thanh khoản của nền kinh tế, khi hệ thống Ngân hàng mất khả năng thanh khoản thì cũng là lúc nền kinh tế rơi vào khủng hoảng. Trong điều kiện lạm phát tăng cao, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện một loạt các biện pháp thắt chặt tiền tệ như tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tăng lãi suất, phát hành tín phiếu bắt buộc đã ảnh hưởng trực tiếp và là một nhân tố làm giảm khả năng thanh khoản của hệ thống NHTM. Diễn biến tình hình trên thị trường tiền tệ vào cuối năm 2007 và những tháng đầu năm 2008 đã cho thấy, nhiều NHTM, nhất là các ngân hàng quy mô nhỏ, vốn ít đã rơi vào tình trạng căng thẳng về thanh khoản. Biểu hiện rõ nét nhất cho tình trạng này trong thời gian vừa qua là: - Lãi suất huy động vốn của các Ngân hàng đã có những diễn biến bất thường. Lãi suất huy động vốn các kỳ hạn ngắn lại cao hơn lãi suất huy động các kỳ hạn dài, các Ngân hàng chỉ tập trung huy động vốn hạn ngắn. Xét về bản chất thì hiện tượng này phản ánh việc hệ thống Ngân hàng đang thiếu thanh khoản, mục đích huy động vốn của các Ngân hàng lúc này chủ yếu là nhằm đảm bảo khả năng thanh khoản chứ không phải vì mục tiêu sinh lời. - Lãi suất vay trên thị trường liên Ngân hàng tăng lên nhanh chóng, có những thời điểm lãi suất vay qua đêm lên đến 30-40%/năm, nhưng cũng không có Ngân hàng nào cho vay. Nguyên nhân chính của hiện tượng này là do các Ngân hàng đều đang có vấn về thanh khoản, trong điều kiện tình hình huy động vốn từ dân cư và doanh nghiệp không thuận lợi buộc họ phải chấp nhận vay với lãi suất cao trên thị trường liên Ngân hàng để giải quyết nhu cầu thanh khoản trước mắt. Tính thanh khoản của NHTM chịu tác động từ nhiều nhân tố, trong đó có các biện pháp chống lạm phát của NHNN trong thời gian vừa qua. Có những thời điểm, biểu hiện tình trạng mất thanh khoản ở một số NHTM đã gây tâm lý hoang mang trong xã hội. Do đó một yêu cầu đặt ra khi thực hiện thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát là phải đảm bảo tính thanh khoản của hệ thống Ngân hàng, bởi nếu để xảy ra tình trạng mất thanh khoản ở bất kỳ một Ngân hàng nào thì sẽ tạo ra tác động dây chuyền và rất dễ dẫn đến nguy cơ đổ vỡ hệ thống, có thể đẩy nền kinh tế vào suy thoái và khủng hoảng. Hiện nay, tình hình thanh khoản của hệ thống Ngân hàng đã được cải thiện hơn so với đầu năm do tình hình lạm phát đang có chiều hướng chậm lại, NHNN đã có các chính sách can thiệp kịp thời để hỗ trợ cho các Ngân hàng gặp khó khăn. Tuy nhiên, do tình hình lạm phát trong nền kinh tế vẫn còn căng thẳng nên chưa thể nói đến khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ thắt chặt và tính thanh khoản của hệ thống Ngân hàng vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu của các nhà quản lý. 1.2. Hoạt động huy động vốn gặp khó khăn Nguồn vốn huy động là tiền đề cho mọi hoạt động kinh doanh của các NHTM, tuy nhiên, trong điều kiện lạm phát tăng cao như trong thời gian vừa qua thì hoạt động huy động vốn của các Ngân hàng đã không còn thuận lợi như trước, bởi các nguyên nhân: -Do tâm lý lo sợ trước tình hình lạm phát tăng cao, đồng tiền mất giá nên người dân có xu hướng tìm đến các kênh đầu tư an toàn hơn như mua vàng và ngoại tệ, thay vì gửi tiền nhàn rỗi vào Ngân hàng như trước đây, từ đó làm giảm khả năng huy động vốn của các Ngân hàng. -Giá cả các mặt hàng thiết yếu trong sản xuất và tiêu dùng tăng cao làm cho người dân và các doanh nghiệp sẽ phải chi tiêu nhiều hơn, dẫn đến nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư và doanh nghiệp giảm đi, trong điều kiện đó, các Ngân hàng khó có thể gia tăng được nguồn tiền huy động. -Khi lạm phát tăng cao, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động của các Ngân hàng cũng đã tăng theo nhưng nếu vẫn chưa thể ngang bằng với tốc độ trượt giá, thì người gửi tiền vào Ngân hàng phải chịu thiệt hại do lãi suất thực âm, từ đó không khuyến khích các dòng vốn chảy vào Ngân hàng. Dưới tác động tiêu cực của lạm phát, việc huy động vốn của hệ thống NHTM đã thực sự gặp nhiều khó khăn. Các NHTM vừa phải đối mặt với xu hướng lãi suất huy động vốn đầu vào có xu hướng tăng, trong khi đó nguồn vốn trong Ngân hàng lại ít có khả năng tăng và ở trong tình trạng bất ổn. Thực tế diễn biến thị trường huy động vốn của các Ngân hàng những tháng đầu năm 2008 cho thấy rất rõ điều này. Các Ngân hàng cùng chạy đua tăng lãi suất, phát triển nhiều sản phẩm huy vốn mới, áp dụng nhiều hình thức khuyến mại hấp dẫn, tăng thời gian giao dịch để huy động vốn,… Nguồn vốn huy động từ dân cư đã tăng lên nhưng tăng chưa đạt được so với mong muốn. Thị trường huy động vốn đã có lúc xảy ra tình trạng lộn xộn và căng thẳng do các Ngân hàng cạnh tranh, chèo kéo Khách hàng của nhau, đẩy lãi suất lên cao. Người gửi tiền “lướt sóng” từ Ngân hàng này sang Ngân hàng khác để hưởng lợi từ cuộc đua tăng lãi suất của các NHTM. Tình trạng nói trên chỉ lắng xuống khi NHNN thực hiện các biện pháp can thiệp hành chính như quy định trần lãi suất huy động, cấm các hình thức khuyến mại làm tăng trần lãi suất. 1.3. Hoạt động tín dụng bị kiềm chế và tiềm ẩn nhiều rủi ro Hoạt động tín dụng trong nền kinh tế có một mối quan hệ tương tác với vấn đề lạm phát, tín dụng tăng trưởng nóng là một nguyên nhân dẫn đến lạm phát và khi tình trạng lạm phát trở nên quá đà sẽ dẫn đến trạng thái bất ổn của thị trường tiền tệ và tín dụng. Thực tế diễn biến của thị trường tín dụng trong những tháng đầu năm 2008 cho thấy, khi tỷ lệ lạm phát trong nền kinh tế tăng cao, NHNN thực hiện quyết liệt các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt để chống lạm phát thì hoạt động tín dụng của các NHTM lập tức bị ảnh hưởng và đã có lúc rơi vào trạng thái căng thẳng, đình trệ. Lãi suất cho vay tăng lên và vượt quá sức chịu đựng của nhiều doanh nghiệp, tình trạng nợ xấu có chiều hướng gia tăng. Những tác động cơ bản của tình hình lạm phát đến hoạt động tín dụng Ngân hàng có thể khái quát lại như sau: Thứ nhất, lạm phát làm cho cả lãi suất huy động và cho vay của các Ngân hàng tăng cao, ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của chính các Ngân hàng và của cả nền kinh tế. Thứ hai, lạm phát cao làm cho nguy cơ nợ xấu gia tăng, chất lượng tín dụng bị suy giảm. Có thể đưa ra hai nguyên nhân của tình trạng này: -Khi xảy ra lạm phát, giá cả vật tư, hàng hoá và các chi phí đầu vào của doanh nghiệp bị đẩy lên, kèm theo đó là lãi suất tiền vay Ngân hàng cao đã làm giảm hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp vay vốn, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng trả nợ tiền vay của doanh nghiệp đối với các Ngân hàng. -Khi các Ngân hàng xiết chặt việc cho vay sẽ dẫn đến tình trạng nền kinh tế thiếu tính thanh khoản, hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, các doanh nghiệp chiếm dụng vốn lẫn nhau, mất khả năng thanh toán; nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đứng trước nguy cơ phá sản, đẩy gánh nặng nợ xấu về phía các Ngân hàng. Thứ ba, khi lạm phát xảy ra, chính sách tiền tệ được thắt chặt thì quy mô và cơ cấu của hoạt động tín dụng sẽ có nhiều biến động, cụ thể là: -Tăng trưởng tín dụng bị hạn chế, chính sách tín dụng khắt khe hơn, một mặt là do phải thực hiện mục tiêu của chính sách tiền tệ về tỷ lệ tăng trưởng tín dụng, mặt khác là do huy động vốn gặp khó khăn, chi phí vốn tăng cao trong khi lại bị khống chế lãi suất đầu ra gây thua lỗ, môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp không thuận lợi nên các Ngân hàng chủ động cắt giảm tín dụng để đáp ứng mục tiêu an toàn và thanh khoản. -Khi đã bị hạn chế về tăng trưởng tín dụng và trong điều kiện nguồn vốn khó khăn, nên để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi cho vay, các Ngân hàng đã phải điều chỉnh danh mục cho vay theo hướng tập trung vốn cho các lĩnh vực kinh tế có mức độ ổn định cao như lĩnh vực sản xuất, cho vay xuất khẩu …, hạn chế và cắt giảm cho vay vào các lĩnh vực chịu tác động lớn của lạm phát như chứng khoán, bất động sản, tiêu dùng. 1.4. Lợi nhuận giảm sút Cũng giống như các doanh nghiệp kinh doanh khác, lợi nhuận luôn là một chỉ tiêu quan trọng đánh giá hiệu quả hoạt động của các Ngân hàng, tuy nhiên dưới tác động của lạm phát và các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ thắt chặt của NHNN, lợi nhuận của các NHTM không thể tránh khỏi xu hướng sụt giảm bởi các nguyên nhân cơ bản sau: -Quy mô hoạt động tín dụng bị kiềm chế, dẫn tới khả năng thu nhập bị giảm sút. -Lãi suất huy động tăng cao trong khi lãi suất và các khoản phí dịch vụ trong hoạt động cho vay bị khống chế làm cho hoạt động tín dụng không có hiệu quả. -NHNN tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, phát hành tín phiếu bắt buộc để giảm lượng tiền cung ứng sẽ làm cho chi phí vốn của các NHTM tăng lên, từ đó làm giảm lợi nhuận. -Chất lượng tín dụng suy giảm làm tăng chi phí trích lập dự phòng rủi ro và làm giảm lợi nhuận Thực tế tình hình hoạt động kinh doanh của các Ngân hàng trong những tháng đầu năm 2008 đã cho thấy, sau một năm 2007 làm ăn phát đạt, lợi nhuận tăng mạnh thì bước sang năm 2008, hầu hết các Ngân hàng đã phải điều chỉnh giảm chỉ tiêu lợi nhuận để phù hợp với tình hình thị trường tiền tệ trong bối cảnh lạm phát tăng cao. Dự báo năm 2008 sẽ là một năm khó khăn và sóng gió đối với hệ thống Ngân hàng. 2. Các nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh ngân hàng trong điều kiện lạm phát ở mức cao Trong giai đoạn hiện nay, để giảm thiểu những tác động tiêu cực của lạm phát và biến động của thị trường tiền tệ đến hoạt động kinh doanh, đảm bảo cho các hoạt động Ngân hàng phát triển an toàn và bền vững, các NHTM nên thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp sau đây: 2.1. Tái cấu trúc tài sản có Tái cấu trúc tài sản có, hoạt động kinh doanh cho phù hợp với những biến động của thị trường, nhằm giảm thiểu rủi ro, trên cơ sở các giải pháp: - Cơ cấu lại danh mục tài sản có theo hướng lỏng hoá, đảm bảo cân bằng giữa hai mục tiêu lợi nhuận và khả năng thanh khoản trong từng thời kỳ, trong đó phải đặc biệt ưu tiên vấn đề thanh khoản trong các tình huống xấu nhất. - Đa dạng hoá các sản phẩm huy động vốn, điều hành lãi suất huy động linh hoạt, phù hợp với các diễn biến của thị trường để tăng cường năng lực huy động vốn, đảm bảo khả năng tự chủ về nguồn vốn. - Cơ cấu lại danh mục tín dụng theo hướng đảm bảo sự cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để hạn chế rủi ro kỳ hạn vốn, đa dạng hoá danh mục tín dụng để phân tán rủi ro, ưu tiên vốn tín dụng cho các ngành, lĩnh vực ít nhạy cảm, có khả năng chống đỡ biến động giá cả. - Phát triển sản phẩm, dịch vụ nhằm tăng thu nhập từ các hoạt động cung cấp dịch vụ, giảm sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng. 2.2. Nâng cao năng lực tài chính Nâng cao năng lực về tài chính và khả năng quản trị của hệ thống Ngân hàng theo các chuẩn mực quốc tế là giải pháp cơ bản để đảm bảo sự phát triển an toàn và bền vững. Trong hoàn cảnh của các NHTM trong nước hiện nay, các giải pháp tối ưu là: - Đối với các NHTM Nhà nước, cần đẩy nhanh quá trình cổ phần hoá nhằm thu hút thêm vốn, đổi mới hình thức sở hữu, phương thức quản lý để nâng cao hiệu quả hoạt động, làm nền tảng để duy trì sự ổn định và phát triển của cả hệ thống. - Tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược là các định chế tài chính nước ngoài đầu tư vào các Ngân hàng trong nước, qua đó để tăng cường tiềm lực về tài chính và nâng cao trình độ quản lý của từng Ngân hàng. - Tạo điều kiện và thúc đẩy các quá trình hợp nhất, sáp nhập, mua lại trong hệ thống các NHTM, đặc biệt là các Ngân hàng quy mô nhỏ để tăng cường năng lực cạnh tranh, tránh rủi ro hệ thống. 2.3. Chú trọng công tác quản trị rủi ro, kiểm tra kiểm soát nội bộ Hoạt động kinh doanh ngân hàng rất nhạy cảm, có liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế, liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp và các cá nhân. Khi một ngân hàng gặp phải rủi ro lớn, có thể dẫn tới việc người gửi tiền ở ngân hàng hoang mang lo sợ và kéo nhau ồ ạt đến rút tiền ở ngân hàng, làm cho không chỉ ngân hàng gặp rủi ro mà cả hệ thống ngân hàng gặp khó khăn, nền kinh tế – xã hội mất ổn định. Bởi vậy, tiếp tục bổ sung, điều chỉnh chính sách, xây dựng, hoàn thiện các quy trình quản trị rủi ro, hòan thiện tổ chức và hoạt động kiểm tra kiểm soát nội bộ ở các NHTM là các vấn đề cần phải được chú trọng, để tạo niềm tin cho khách hàng, công chúng trong bối cảnh hiện nay. Hệ thống quản trị rủi ro tín dụng cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng phân tích khách hàng, xếp hạng tín dụng, hệ thống phê duyệt và kiểm soát tín dụng. Vận dụng một cách có hiệu quả các mô hình lượng hoá rủi ro tín dụng đã được áp dụng trên thế giới để tạo công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc ra quyết định tín dụng đúng đắn. Tiếp tục cải tiến các mô hình quản trị rủi ro thị trường (hệ thống theo dõi và kiểm soát thanh khoản, rủi ro lãi suất và rủi ro ngoại hối) theo hướng tiên tiến và hiện đại. Hình thành cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc phân tích, quản trị rủi ro, ứng dụng công nghệ, sử dụng các phương pháp đo lường rủi ro hiện đại đảm bảo đưa ra những quyết sách điều hành phòng ngừa và hạn chế rủi ro thích hợp, nhanh nhạy, chi phí thấp và hiệu quả cao. Đi liền với quản trị rủi ro là hoạt động của hệ thống kiểm tra kiểm soát nội bộ. Hệ thống này của Ngân hàng cần bảo đảm mức độ đầy đủ, tính hiệu lực và hiệu quả. Công tác kiểm tra kiểm soát nội bộ không chỉ dừng ở công tác hậu kiểm, dưới hình thức tổ chức từng đợt kiểm tra, phát hiện những sai phạm đã phát sinh, mà cần nâng cao khả năng phát hiện, ngăn ngừa và quản trị rủi ro. Ngoài ra cần nâng cao vai trò của Bộ phận kiểm toán nội bộ, thực hiện đánh giá độc lập về hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ, đưa ra những khuyến nghị nhằm hoàn thiện hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ ở NHTM. 2.4. Tăng cường sự liên kết và hợp tác giữa các NHTM Tăng cường tính liên kết và hợp tác giữa các Ngân hàng với nhau để: thứ nhất, có thể khai thác lợi thế cạnh tranh của nhau, cùng phát triển sản phẩm, dịch vụ, thu hút Khách hàng, tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động; thứ hai, có thể hỗ trợ lẫn nhau trong vấn đề thanh khoản khi thị trường có biến động bất lợi. Sự hợp tác giữa các NHTM không chỉ góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế đất nước, mà còn vì chính lợi ích và sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các NHTM. Tóm lại, khi nền kinh tế xảy ra lạm phát ở mức cao, các chính sách tài chính và tiền tệ được thắt chặt thì hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung và hệ thống NHTM nói riêng không thể tránh khỏi những tác động tiêu cực. Với vai trò huyết mạch, là cầu nối chuyển tải các tác động của chính sách tiền tệ đến toàn bộ nền kinh tế, hoạt động của hệ thống NHTM luôn phải chịu những tác động trực tiếp và tức thời của tình hình lạm phát. Các giải pháp kinh doanh ngân hàng, chống đỡ lạm phát, đảm bảo kinh doanh an toàn, hiệu quả và bền vững là cần thiết không chỉ cho bản thân mỗi một NHTM mà còn góp phần thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, mang lại tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế, hỗ trợ, phục vụ tích cực các doanh nghiệp, các ngành kinh tế, sản xuất kinh doanh phát triển./.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật