KHỦNG HOẢNG TÍN DỤNG Ở MỸ VÀ BÀI HỌC CHO VIỆT NAM

TS. PHAN MINH NGỌC – Phó giám đốc nghiên cứu, SMBC, Singapore THS. PHAN THÚY NGA – Giám đốc Goldsun Co, Hà Nội Cuộc khủng hoảng tín dụng ở Mỹ, bắt nguồn từ những khoản cho vay thế chấp bất động sản (BĐS) dưới chuẩn, đã bước sang một cục diện mới khi mà những “đại gia” như Lehman bị phá sản, Merrill Lynch thì buộc phải tìm cách tự bán mình cho các ngân hàng khác để tìm đường tồn tại, còn Bộ Tài chính Mỹ thì đang ráo riết xúc tiến kế hoạch giải cứu ngành tài chính của nước này với khoản kinh phí khổng lồ “vô tiền khoáng hậu” 700 tỷ USD, một kế hoạch mà một số người chỉ trích là kế hoạch “tiền đổi lấy rác”. Nếu nghiên cứu kế hoạch giải cứu này ta sẽ thấy được “gót chân Asin” của nó và cũng là một bài học hữu ích cho Việt Nam khi cũng đang phải đối mặt với nguy cơ nợ xấu và mất thanh khoản trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, với việc giá BĐS tiếp tục tụt dốc và thị trường BĐS đang trong tình trạng đóng băng. Quay trở lại trường hợp của Mỹ, cuộc khủng hoảng hiện tại có thể được xem như hình thành qua 4 bước sau đây (theo phân tích của giáo sư kinh tế học Paul Krugman, người từng giành giải Nobel kinh tế học trước đây): 1. Bong bóng BĐS nổ bục ra từ cuối năm 2006 đã dẫn đến một làn sóng mất khả năng chi trả và giải chấp các tài sản thế chấp. Đến lượt nó lại dẫn đến sự sụt giảm giá cả của các loại chứng khoán có BĐS thế chấp – là những tài sản mà rốt cuộc thì giá trị của chúng cũng chính là giá trị của những BĐS được thế chấp này. 2. Những thua lỗ, tổn thất tài chính này đã làm cho nhiều tổ chức tài chính lâm vào tình trạng có quá ít tiền vốn, nói cách khác, có quá ít tài sản so với khối lượng vay nợ của họ. Điều này đặc biệt nghiêm trọng vì ai cũng tranh nhau vay nợ quá nhiều để đầu tư khi thị trường đang trong trạng thái tăng trưởng kiểu bong bóng trong những năm trước đây. 3. Vì các tổ chức tài chính có quá ít vốn so với các nghĩa vụ nợ của họ nên họ đã không đủ khả năng hoặc không sẵn lòng cung cấp tín dụng mà nền kinh tế có nhu cầu.   4. Các tổ chức tài chính cố gắng giảm các khoản vay nợ của mình bằng cách bán đi các tài sản có, nhưng điều này lại làm cho giá cả của các loại tài sản này giảm sút thêm và làm cho trạng thái tài chính của họ càng xấu thêm. Cái vòng luẩn quẩn này được gọi là “nghịch lý giảm nợ”. Kế hoạch giải cứu của Bộ Tài chính Mỹ kêu gọi Chính phủ liên bang bỏ tiền ra mua lại tới 700 tỷ USD trị giá những tài sản tài chính có vấn đề, chủ yếu là những loại chứng khoán liên quan hoặc được thế chấp bằng bất động sản. Theo ý đồ của những nhà hoạch định, kế hoạch này có thể cứu vãn được thị trường tài chính Mỹ như thế nào? Rất có thể là việc bỏ tiền mua các tài sản xấu này sẽ phá vỡ được cái vòng luẩn quẩn gây ra từ việc bán tài sản để giảm nợ, tức là bước thứ 4 nói trên. Dẫu vậy, kế hoạch này đã bỏ qua một điều rằng không chỉ những tài sản mà Bộ Tài chính Mỹ đề xuất mua, mà ngay cả nhiều loại tài sản khác cũng đang bị áp lực sụt giá. Và cứ cho rằng cái vòng luẩn quẩn nói trên có xảy ra ở phạm vi nhỏ thì hệ thống tài chính vẫn cứ bị tổn thương bởi thiếu hụt vốn – trừ khi Chính phủ liên bang trả một cái giá quá hậu hĩnh cho những tài sản mà họ sẽ mua từ những công ty tài chính – và cũng có nghĩa là làm lợi cho những công ty này và những cổ đông cũng như ban lãnh đạo của chúng bằng tiền đóng thuế của người dân Mỹ. Như vậy, xét cả về tình lẫn lý thì kế hoạch giải cứu trên của Bộ Tài chính Mỹ tỏ ra không có tác dụng hoặc không được phép. Vậy, điều cần làm một cách logic là một sự can thiệp của Chính phủ, nhưng không phải tại bước thứ 4, mà là tại bước thứ 2: hệ thống tài chính Mỹ cần thêm nhiều vốn. Và nếu Chính phủ có ý định cứu giúp bằng cách bơm tiền cho những công ty tài chính thì họ cũng nên giành lấy cái điều mà người ra tay cứu vớt (Chính phủ) đáng được hưởng – quyền sở hữu cổ phần, để sao cho khi kế hoạch giải cứu này phát huy tác dụng và các công ty tài chính này phục hồi và ăn nên làm ra trở lại thì tất cả lợi nhuận kiếm được sẽ không rơi hết vào túi những ai đã gây ra cơn khủng hoảng này. Điều này đã từng xảy ra trong cuộc khủng hoảng tiết kiệm và cho vay trước đây ở Mỹ: Cục dự trữ liên bang nắm quyền sở hữu các ngân hàng có vấn đề, chứ không chỉ sở hữu những tài sản xấu của chúng. Đó cũng là điều xảy ra đối với trường hợp của 2 ngân hàng Fannie và Freddie – những ngân hàng mới được Chính phủ cứu vớt khỏi thảm họa phá sản gần đây. Kế hoạch giải cứu lần này của Bộ Tài chính lại nhấn mạnh đến chữ “sạch”. “Sạch” ở đây có nghĩa là giải cứu bằng tiền thuế của nhà nước mà không có ràng buộc gì cả. Điều này hẳn nhiên không thể chấp nhận được. Thêm vào đó, Bộ Tài chính còn yêu cầu quyền lực tuyệt đối cũng như quyền được tránh bị soi xét bởi “bất cứ luật nào, bất cứ cơ quan có thẩm quyền nào”, là những thứ càng không thể chấp nhận được. Bây giờ, xin quay sang trường hợp ở Việt Nam. Tình trạng đóng băng trên thị trường bất động sản, và giá bất động sản tiếp tục sụt giảm lại quay trở lại sau một thời gian ngắn có dấu hiệu phục hồi. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì sẽ có nhiều ngân hàng phải đối mặt với tổn hại. Một phần còn lại trong dư nợ tín dụng được dành cho khối doanh nghiệp nhà nước, vốn cũng đang kêu ca vì làm ăn khó khăn, thua lỗ. Kết cục là tình trạng nợ xấu sẽ có khả năng tăng mạnh. Để tránh rủi ro trong hệ thống ngân hàng, Chính phủ có thể can thiệp bằng cách tái cấp vốn cho các ngân hàng có vấn đề (bằng tiền từ ngân sách, hoặc bằng phát hành tiền), cho phép những ngân hàng này hạch toán ngoại bảng những khoản nợ xấu, những tài sản không có khả năng thu hồi, và đẩy những món tài sản xấu này sang cho các công ty mua bán nợ. Cách làm này, cũng như đã phân tích ở trên, là điều hoàn toàn không nên, không có tác dụng, chưa nói đến hậu quả nếu Ngân hàng Nhà nước phát hành tiền để Chính phủ trực tiếp mua lại những tài sản này thông qua các công ty mua bán nợ, hoặc gián tiếp thông qua tái cấp vốn cho các ngân hàng thì sẽ làm tổng cung tiền/tín dụng tăng lên và tạo thêm áp lực lạm phát. Từ việc phân tích kế hoạch giải cứu của Bộ Tài chính Mỹ nói trên, có lẽ cách làm thích hợp hơn đối với Việt Nam nếu Chính phủ có phải cung cấp vốn cho các ngân hàng thương mại thì nên thông qua con đường quốc hữu hóa hoặc nắm một tỷ lệ sở hữu nào đó trong những ngân hàng này. Biện pháp bắt buộc những ngân hàng có vấn đề bị sáp nhập với những ngân hàng lành mạnh hơn cũng là một biện pháp hữu hiệu, giống như việc Chính phủ Mỹ từng vận động các ngân hàng thương mại Mỹ mua lại những ngân hàng có nguy cơ bị phá sản như Lehman. Nhưng biện pháp này có lẽ không khả thi lắm ở Việt Nam, cũng như đã được chứng kiến ở Mỹ, vì trong bầu không khí khủng hoảng, các ngân hàng lành mạnh hơn không mấy mặn mà với việc sáp nhập và mua lại này, trừ khi họ mua được với giá quá hời hoặc đáp ứng được chiến lược kinh doanh của họ (và trừ khi bị cưỡng bức phải mua lại các ngân hàng xấu). Hiện nay, Việt Nam không những đang chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tín dụng ở Mỹ (và đang lan ra toàn thế giới), mà còn có nguy cơ phải đối mặt với khó khăn ngay trong nội bộ, phát sinh từ tình hình sụt giảm và đóng băng trên thị trường bất động sản, cũng như từ tình trạng kinh doanh thua lỗ của một số doanh nghiệp nhà nước. Điều này cấp bách đặt ra những giải pháp phòng tránh và giải quyết khủng hoảng hữu hiệu. Bài học của Mỹ nêu ra ở đây gợi mở một thái độ tiếp cận và một giải pháp hợp lý hơn.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật