Trong những thập niên qua, một số nước ở khu vực Châu Á đã nhận thức rằng đã có một khoảng cách nhất định giữa chiến lược phát triển kinh tế xã hội được họ đề ra và kết quả thực sự mang lại. Mặc dù Chính phủ ở các nước Châu Á đã cố gắng vạch ra nhiều chiến lược, tập trung vào mục tiêu giảm bớt đói nghèo ở khu vực đô thị, tuy nhiên, kết quả mang lại vẫn không được khả quan.
Nếu như ở thập niên 60 các chiến lược phần lớn tập trung vào việc đầu tư mạnh cho khu vực quốc doanh, nhà nước, tạo ra nhiều việc làm từ khu vực quốc doanh, thì đến thập niên 70 chủ yếu chiến lược đề ra đã nhắm đến chính sách rộng hơn, nhằm tạo ra nhiều việc làm cho xã hội (thâm dụng lao động), cho đến chiến lược phát triển nguồn nhân lực v.v…. Tuy nhiên, những nỗ lực đó vẫn không làm giảm đi mức nghèo khổ ở các thành phố. Cuối cùng, các nhà quản lý đô thị mới khám phá rằng, họ đã bỏ quên đi một khu vực kinh tế, gắn liền trong khu vực kinh tế ở đô thị, có quy mô hoạt động từ nhỏ đến rất nhỏ, dễ dàng tổ chức hoạt động và hầu như không bắt buộc phải tuân theo các quy định chính quy do Nhà nước đề ra. Chính khu vực kinh tế này thực tế đã thu hút một số lượng khá lớn những người lao động không có việc làm, tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ cho xã hội với giá cả vừa phải, phù hợp với túi tiền của người lao động nghèo. Khu vực này đã được đặt tên là khu vực không chính thức (informal sector) và có lẽ đây là tên gọi phổ biến nhất hiện nay. Khu vực này thực chất bao gồm các dạng hoạt động cá thể hoặc tập thể (nhưng không quá 10 người)
(1).
Theo các nhà quản lý đô thị, dựa theo quy luật “song phân” của thị trường lao động, nền kinh tế đô thị tất yếu sẽ sản sinh ra cùng một lúc hai khu vực: khu vực kinh tế chính quy – formal sector (có quy mô lớn, có tổ chức của nền kinh tế đô thị) và khu vực kinh tế không chính quy – informal sector (có quy mô nhỏ, điều kiện làm việc thấp kém hơn và hầu như thất thường, không ổn định). Mặc dù cả hai khu vực đều góp phần đáng kể vào việc phát triển KT-XH của cả quốc gia, tuy nhiên, khu vực không chính thức (hay khu vực không chính quy) thường không được chia xẻ đồng đều những thành quả phát triển chung của xã hội tạo ra. Nếu như trong
khu vực hoạt động kinh tế chính thức, các đơn vị hoạt động được chính thức vay vốn ở ngân hàng với số lượng lớn để hoạt động, người lao động trong khu vực này được tham gia bảo hiểm xã hội, được hưởng lương hưu trong suốt tuổi về già, được hưởng các khoản phụ cấp xã hội khác và được hưởng một số ngày nghỉ phép trong năm. Bên cạnh đó, người lao động trong khu vực này còn được trả lương theo mức lương tối thiểu do nhà nước quy định, cơ quan không được phép trả lương tùy tiện. Họ còn có tổ chức công đoàn sẵn sàng đấu tranh quyền lợi chính đáng của người lao động. Điều kiện làm việc của họ ngày càng được cải thiện theo thâm niên, nhất là có cơ hội thăng tiến trong xã hội v.v…
Trong khi đó,
khu vực kinh tế không chính thức thì ngược lại. Đa số người lao động trong khu vực này không tham gia bảo hiểm xã hội và không có tổ chức công đoàn. Các đơn vị hoạt động thường gặp khó khăn khi vay vốn ngân hàng. Người lao động trong khu vực này không được hưởng mọi chế độ như khu vực chính quy của Nhà nước như không có chế độ nghỉ phép năm, không có lương hưu, không có quy định mức lương tối thiểu, dễ bị chủ bóc lột sức lao động, nhất là họ thường phải làm việc bất kể thời gian v.v…. Vì vậy mặc dù trên thực tế, khu vực kinh tế không chính thức đã thu hút một tỷ lệ khá lớn lực lượng lao động, góp phần giải quyết nạn thất nghiệp, cũng như đóng góp cho xã hội một khối lượng hàng hóa và dịch vụ tương đối lớn, nhưng đời sống của những người lao động trong khu vực này thường chưa được ổn định, nhất là những người lao động cá thể, những người lãnh lương công nhật v.v… và chịu thiệt thòi hơn so với lao độïng trong khu vực chính thức. Do vậy, nếu Nhà nước quan tâm và ban hành chính sách đúng đắn cho khu vực này, có thể thực hiện cả hai mục tiêu cùng một lúc: vừa “giải quyết việc làm” và vừa tạo “công bằng trong xã hội” (ILO, 1992) .
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Kinh tế TP.HCM trong những năm 1994 -1995 cho thấy, tỷ lệ lao động trong khu vực kinh tế không chính thức tại 4 Quận: 1, 3, 5 và 10 chiếm
khoảng 48,7% lực lượng lao động
(2), bao gồm những người
hoạt động trong 5 lãnh vực:
1. Lãnh vực Sản xuất (như chế tạo một số mặt hàng TTCN, sản xuất gia công dệt, may công nghiệp, tiện nguội tại các hộ gia đình)
2. Lãnh vực Dịch vụ (như uốn tóc, thợ may tại nhà, sửa chữa giày dép, điện tử tại nhà, sửa xe gắn máy, các dịch vụ tại vỉa hè như giữ xe, đánh máy chữ v.v..)
3. Lãnh vực Buôn bán (như buôn bán rong, buôn bán tại nhà, buôn bán vỉa hè)
4. Lãnh vực Xây dựng (như các nhà thầu xây dựng không giấy phép dưới 10 người, thợ xây dựng tự do)
5. Lãnh vực Vận tải (như đạp xích lô, xe Honda ôm, xe ba gác máy).
Tất cả đối tượng trên đều tồn tại dưới hai dạng hoạt động: cá thể (cá nhân hoạt động đơn lẻ) và tổ chức tập thể (BQ từ 5 – 8 người)
(3). Kết quả nghiên cứu của Viện Kinh tế cũng cho thấy, khu vực kinh tế này đã góp phần không nhỏ, cung ứng các sản phẩm và dịch vụ cho toàn xã hội, trong đó đáp ứng phần lớn cho những người nghèo. Chính khu vực kinh tế này, ngoài chức năng góp phần cung ứng sản phẩm, dịch vụ, mà còn đóng vai trò bổ sung thay thế cho khu vực kinh tế chính thức trong một số lãnh vực hoạt động (ví dụ dịch vụ xe ôm ở các khu vực hẻo lánh mà xe buýt không đến được, dịch vụ vá xe về đêm trong khi các cửa hàng dịch vụ sửa xe chính quy đã đóng cửa, các dịch vụ bán hàng rong đã góp phần phân phối tận nơi các sản phẩm hàng hóa kịp thời cho những hộ dân ở xa v.v…). Trong số đó, còn có một số loại dịch vụ khá đa dạng và bổ sung, làm phong phú thêm cho các hoạt động của khu vực kinh tế chính thức đang tồn tại.
Thực tế nghiên cứu cho thấy việc phân định ra làm hai khu vực chính thức (formal sector) và không chính thức (informal sector) phần nào mang tính ước lệ, không có hàm ý so sánh hoặc đánh giá thấp vai trò của khu vực này hay khu vực khác. Điều cốt lõi là chính quyền thành phố nên đứng trên quan điểm làm thế nào để sử dụng tốt nhất nguồn lao động hiện có và nên có chính sách can thiệp thích hợp để giảm xuống đến mức tối thiểu các mặt tiêu cực, từ khu vực kinh tế không chính quy này. Không nên xem đây là khu vực manh mún, nhiều mặt tiêu cực cần phải xóa bỏ hoàn toàn, bởi vì nếu không sẽ vô hình trung “bóp méo” hiệu quả của việc phân bố lực lượng lao động trong toàn xã hội. Nên chăng có thể áp dụng các biện pháp điều tiết, nhằm loại trừ những khía cạnh tiêu cực (như hạn chế gây ô nhiễm trong các khu dân cư đối với một số cơ sở sản xuất gia đình, kiểm soát nạn làm hàng giả, lập lại trật tự buôn bán lòng lề đường v.v…) và hướng đến sự phân bố nguồn lao động tốt hơn không những hiện tại mà còn trong tương lai. Vì vậy, trong thời gian qua, để thực hiện Nghị Định 36/CP, TP.HCM có chủ trương thực hiện thí điểm, kẻ lằn vạch sơn dọc theo lề đường, nhằm sắp xếp cho những người buôn bán (chỉ buôn bán bên phân nữa lề đường bên trong) không lấn chiếm toàn bộ vỉa hè, là một chủ trương đúng đắn trong thời gian trước mắt. Bên cạnh đó, chủ trương xem xét và hủy bỏ một số loại thuế đánh trên những người hoạt động xe ôm trên địa bàn TP.HCM vừa qua, cũng là một chủ trương phù hợp trong thời điểm hiện tại.
Việc phát triển mạnh các hoạt động trong khu vực kinh tế chính thức dần dần sẽ thay thế cho các hoạt động trong khu vực kinh tế không chính thức, cũng là xu thế tất yếu trong quy luật phát triển về sau. Tuy nhiên, bên cạnh việc đầu tư và phát triển mạnh các loại hình hoạt động chính thức, trong giai đoạn trước mắt cũng nên áp dụng một số biện pháp nhằm góp phần cải thiện điều kiện hoạt động và làm việc của những người lao động trong khu vực không chính thức. Do môi trường làm việc không được tuân thủ theo một quy định chính quy nào, nên rất dễ xẩy ra hiện tượng một số người lao động trong khu vực này “tự bóc lột” bản thân họ. Chẳng hạn như do phục vụ nhu cầu khách hàng không kể ngày đêm, cũng như mong muốn tăng thêm thu nhập cho mình, những tài xế xích lô trong hoạt động dịch vụ vận tải, đã làm việc “quên mình” và rất dễ dẫn đến mắc phải các căn bệnh ở tuổi về già (như lao phổi v.v..). Những người công nhân làm việc trong điều kiện tiếng ồn quá lớn ở một số khu vực sản xuất, không kể giờ giấc, cũng thường dễ bị ảnh hưởng đến sức khỏe về sau v.v… Do vậy, mặc dù thời gian tồn tại của các hoạt động kinh tế không chính thức tại TP.HCM hiện thời vẫn còn là vấn đề còn tranh cãi, tuy nhiên, về khía cạnh nhân bản, một khi nguời lao động đã có đóng góp một phần công sức vào guồng máy phát triển chung của toàn xã hội, những nguời lao động đó cũng cần có được sự quan tâm đúng mức.
Riêng đối với “khu vực kinh tế vỉa hè” tập trung phần lớn trong hai dạng hoạt động buôn bán và dịch vụ, việc sắp xếp lại trật tự lòng lề đường, cấm các chợ tự phát dọc theo ven đường như Chỉ thị 13 ngày 20/6/2001 của UBND TP.HCM ban hành trong năm trật tự đô thị tại TP.HCM, là một việc làm đúng đắn. Tuy nhiên, việc bố trí sắp xếp thành các khu vực biệt lập, phù hợp, tạo điều kiện cho khu vực dịch vụ, buôn bán không chính thức, vẫn có nơi hoạt động trong trật tự, là một vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu bổ sung. Ngoài ra, đối với khu vực sản xuất các mặt hàng truyền thống với các sản phẩm mang tính đặc thù, đang hoạt động trong khu vực không chính thức; cũng nên nghiên cứu một số biện pháp và chính sách hỗ trợ phù hợp, thông qua chuyển đổi từng bước, nhằm hỗ trợ các ngành nghề truyền thống, có thể đối phó với tiến trình cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra hiện nay.
Ghi chú:
(1) Theo định nghĩa của Tổ Chức Lao động Quốc tế (ILO)
(2) Đến nay tỷ lệ này đã giảm đi khá nhiệu
(3) Kết quả điều tra mẫu tại 4 phường nội thành TP.Hồ Chí Minh của Viện Kinh Tế.
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"