Đặt giá trần để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) là một mục tiêu tốt. Nhưng biện pháp này vừa không thích hợp để đạt mục tiêu, vừa gây nhiều hậu quả tiêu cực, không thể thực hiện được một cách nghiêm túc, vừa là một biện pháp kém hiệu quả nhất.
Doanh thu, lợi nhuận của các công ty sản xuất kinh doanh sữa (cty sữa) không ngừng tăng chứng tỏ NTD có khả năng và sẵn sàng trả giá cao để mua sữa. Bảo vệ quyền lợi NTD ở đây, do đó, không phải là hạ giá sữa để ai cũng có thể mua sữa, mà là sao cho họ mua được sữa có chất lượng tương xứng với đồng tiền bỏ ra. Bản thân việc giá sữa cao không phải là vấn đề , giá cao qúa đáng so với chất lượng sữa mới là vấn nạn cần giải quyết.
Đặt giá trần, trong khi không có cơ chế khuyến khích, biện pháp kiểm soát tương quan chất lượng-giá cả như hiện nay, khiến các cty sữa giảm chất lượng mặt hàng đang có chất lượng cao hơn để bảo đảm mức lợi nhuận. Sữa thực sự có chất lượng tốt sẽ dần biến mất trên thị trường, NTD chỉ còn được lựa chọn giữa các loại sữa chất lượng tầm tầm. Sữa có giá thấp phục vụ NTD có thu nhập thấp, sẽ ăn theo, nâng giá cho sát với giá trần. Sự khác biệt giá cho một loại sữa của một cty nhằm đáp ứng sự khác biệt theo vùng, phù hợp sức mua của từng phân nhóm người mua không còn nữa. Hậu quả là nhóm NTD tại phân khúc thị trường đang được hưởng giá thấp cho cùng một loại sữa sẽ phải trả tiền nhiều hơn. NTD có thu nhập cao, có nhu cầu và khả năng trả tiền nhiều hơn để sử dụng sữa có chất lượng đặc biệt hơn bình thường sẽ không tìm thấy loại sữa đó. Không ai dại dột cạnh tranh bằng chất lượng khi giá bán bị khống chế. Rốt cuộc, dù NTD có thể mua sữa với giá thấp hơn, nhưng với chất lượng thấp hơn và khả năng lựa chọn sữa chất lượng tốt giảm, họ vẫn phải trả giá cao hơn cho nhu cầu sử dụng sữa.
Giá trần tác động trực tiếp, hạn chế mạnh mẽ quyền tự do và chủ động kinh doanh của doanh nghiệp, mà trước hết là đến quyền xây dựng chiến lược giá cả-một công cụ điều khiển hoạt động kinh doanh quan trọng nhất. Để tận dụng tối ưu từng phân khúc thị trường, các công ty sữa có chính sách giá khác nhau cho một sản phẩm để phù hợp với vùng lãnh thổ, với nhu cầu của từng phân nhóm NTD (yếu tố xã hội của giá) và theo chiến lược thúc đẩy tiêu thụ từng phân khúc thị trường. Chẳng hạn loại sữa A có giá bán trung bình là 100 ngàn, được bán ở miền tây với giá 70 ngàn; cung cấp cho bệnh viện với giá 60 ngàn, bán ở tp. HCM với giá 150 ngàn…và nếu A là loại sữa mới hoặc sắp hết sản xuất thì giá còn giảm nhiều nữa. Với việc áp giá trần, điều đó sẽ không còn nữa. Một chi phí quan trọng làm nên giá thành sản phẩm, nhưng ở ta rất khó xác minh và vì vậy sẽ không được đưa vào cách tính giá trần là chi phí nghiên cứu-phát triển sản phẩm (R&D). Khi áp giá trần, những sản phẩm có giá trị dinh dưỡng đặc biệt- nghĩa là có chi phí R&D cao- sẽ không được đưa vào thị trường. Các công ty sữa cũng hạn chế chi phí R&D phát triển sản phẩm mới.
Giá trị thương hiệu là một yếu tố quan trọng làm nên giá bán, cũng sẽ không được tính vào giá trần, vì ta chưa quen xác định giá trị này. Áp giá trần mà không công nhận giá trị thương hiệu chính là cào bằng, tạo điều kiện cạnh tranh không công bằng giữa các công ty có uy tín với các công ty không đàng hoàng.
Không được chủ động xây dựng chiến lược giá cả linh hoạt, không thể cạnh tranh hiệu quả bằng R&D, bằng thương hiệu, các công ty sữa lại có hàng loạt khả năng đối phó với giá trần. Những yếu tố được công nhận trong cách tính giá trần, nhưng khó xác định chính xác sẽ được khai thác triệt để, như : khai tăng giá nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu từ công ty mẹ hoặc trung gian nước ngoài; khai tăng giá các phụ phí …Họ sẽ giảm giá thành bằng cách nhập nguyên liệu chất lượng thấp hơn; hạ thấp tiêu chuẩn an sinh xã hội, an toàn lao động đang áp dụng cho công nhân; cắt giảm chỗ làm, do chi phí cho lao động trong nước dễ bị xác định hơn là nhập khẩu nguyên liệu. Ngoài ra, việc chạy cửa để có được mức giá trần cao hơn sẽ trở thành truyện thường ngày ở các công ty sữa. Có lẽ cũng như giá xăng, giá trần sữa sẽ tăng nhanh, giảm chậm theo đơn xin của doanh nghiệp với lý do giá thị trường quốc tế tăng.
Nếu việc áp giá trần kéo dài và các biện pháp đối phó của công ty sữa không đủ để giữ mức lợi nhuận cần thiết, họ sẽ chuyển qua nhập sữa thành phẩm từ cơ sở sản xuất ở nước khác của công ty mẹ, hoặc qua nhiều trung gian.
Thu mua sữa tươi nguyên liệu do doanh nghiệp trong nước sản xuất là một việc rất dễ kiểm tra, xác minh giá thành, chi phí. Công ty sữa sẽ có xu hướng hạn chế việc thu mua này. Trước mắt, áp giá trần sẽ không khuyến khích sản xuất sữa nguyên liệu trong nước. Khi các công ty sữa chuyển mạnh sang nhập khẩu sữa thành phẩm thì ngành chăn nuôi bò sữa của ta cũng bị khai tử cùng làn sóng sa thải công nhân tại các công ty sữa.
Áp giá trần gây ra những khó khăn trở ngại không nhỏ đến các công ty sữa nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, trước tiên nó ảnh hưởng mạnh đến quyền lợi phía Việt Nam. Công nhân làm việc tại các công ty này sẽ bị cắt giảm phúc lợi, hạ thấp tiêu chuẩn bảo hộ lao động- hiện rất cao so với công nhân các công ty Việt nam- mà họ đang được hưởng theo qui định của nước ngoài. Khi công ty sữa nước ngoài khai tăng giá nguyên liệu nhập và chuyển mạnh sang nhập khẩu sữa thành phẩm thì họ cũng sa thải nhiều công nhân hơn. Nếu áp giá trần thấp hơn hiện nay cho một sản phẩm vừa tiêu thụ trong nước, vừa xuất khẩu, thì cũng phải công nhận mức giá xuất khẩu thấp hơn cho sản phẩm đó. Hậu quả là các khoản thuế thu được từ xuất khẩu sẽ giảm. Ngoài ra, các cty sữa nước ngoài sẽ kiểm tra khả năng khởi kiện chính phủ ta. Ít nhất cũng có hai khả năng hiện thực: a) khởi kiện chúng ta không tuân thủ nguyên tắc đối sử bình đẳng của WTO và b) Khởi kiện trước các cơ quan bảo vệ đầu tư quốc tế.
Có hai nhóm giá chính làm nên giá bán của một sản phẩm: nhóm giá thành sản xuất (a) như giá nguyên liệu, chi phí lao động, quản lý phí, chi phí bao bì, vận chuyển; và nhóm giá phi sản xuất (b) như: mức cầu của thị trường, sự ổn định và tiềm năng của thị trường, sức mua của NTD, thương hiệu nhà sản xuất và khả năng chấp nhận của NTD, khả năng xây dựng giá bán linh hoạt, …Nếu các yếu tố của nhóm (a) có thể xác định tương đối chính xác bởi cùng một phương pháp khách quan, thì các yếu tố thuộc nhóm (b) phụ thuộc hầu như hoàn toàn vào kinh nghiệm và phương pháp khác nhau theo chủ quan của từng doanh nghiệp. Chính vì vậy người ta chỉ áp dụng giá trần cho một ngoại lệ đặc biệt: cho các công ty độc quyền nhà nước.
Cách tính giá trần như đề xuất chỉ có thể xem xét các yếu tố thuộc nhóm (a) là sự áp đặt không có cơ sở khoa học, loại bỏ các yếu tố quan trọng của thị trường , của NTD, của quan hệ cung cầu tác động lên chính sách giá của doanh nghiệp và vì vậy là phi kinh tế thị trường, đi ngược lại cam kết tự do hóa thị trường. Quyền quyết định mức giá trần của chính phủ cũng đồng nghĩa với việc ấn định mức lợi nhuận của doanh nghiệp. Nó vi phạm nghiêm trọng quyền tự do kinh doanh, không khuyến khích đầu tư mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường, nâng cao đời sống công nhân. Ngay cả khi duy ý chí để theo đuổi, thì việc áp dụng giá trần cũng rất khó thực hiện về mặt kỹ thuật và làm nẩy sinh vô số bất hợp lý, không công bằng, như nhiều ý kiến đã chỉ rõ. Sẽ làm thế nào khi giá nhập khẩu cùng một loại nguyên liệu của công ty trong nước thấp hơn của một công ty nước ngoài nhập từ công ty mẹ? Công nhận giá nhập của công ty trong nước sẽ bị công ty nước ngoài khiếu nại đối xử không bình đẳng. Không đưa giá trị thương hiệu vào giá trần, không công nhận chi phí quảng cáo, chi phí xây dựng mạng lưới phân phối cao hơn của cty sữa nước ngoài, chính phủ cũng có thể bị khởi kiện vì đối xử không bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước. Công ty sữa nước ngoài còn có thể khởi kiện chính phủ ta trước Trung tâm Quốc tế giải quyết tranh chấp về đầu tư (ICSID:
International Centre for the Settlement of Investment Disputes) hoặc cơ quan bảo đảm đầu tư đa phương (MIGA:
Multilateral Investment Guarantee Agency) do chính phủ đã không giữ đúng cam kết hấp dẫn đầu tư. Và họ sẽ thắng, bởi sẽ không ai dám đầu tư vào một nước luôn để ngỏ khả năng chính quyền áp giá trần đối với các sản phẩm bình thường. Sữa tuy quan trọng, nhưng không thuộc vào những hàng hóa thiết yếu cho đời sống để trong tình trạng khẩn cấp, nhằm đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân, chính phủ được quyền không chế giá cả. Áp giá trần cho sữa sẽ được quốc tế nhìn nhận như một tiền lệ cho phép chính phủ mở rộng việc khống chế giá với các sản phẩm khác và bằng cách đó bảo hộ doanh nghiệp trong nước.
Chỉ khi doanh nghiệp thực sự cạnh tranh thu hút NTD bằng hàng hóa chất lượng cao, giá rẻ thì tương quan giá cả-chất lượng mới hợp lý. Để được vậy nên:
a) Bổ sung qui định buộc doanh nghiệp khi công bố chất lượng, ghi thông tin trên sản phẩm, bao bì phải đúng sự thật, rõ ràng, đầy đủ, không gây ngộ nhận, để NTD dễ dàng nhận biết và có thể so sánh, kiểm tra được. Thắt chặt hơn nữa tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), đặc biệt là với nguyên liệu sữa nhập khẩu.
b) Một sản phẩm được công bố chất lượng đúng qui định vẫn có thể được bán với giá cao hơn nhiều so với một sản phẩm khác có cùng chất lượng, nếu nó „được“ NTD ngộ nhận có những tính chất đặc biệt tốt hơn. Vì vậy cần bổ sung cấm cạnh tranh gây ngộ nhận vào luật Cạnh tranh (LCT). Chất lượng như nhau, không bị ngộ nhận, giá lại rất cao nhưng sản phẩm X của công ty sữa A sẽ tiêu thụ được nhiều hơn, khi công ty này lợi dụng lòng trắc ẩn của NTD bằng cách quảng cáo: mua một hộp sữa X sẽ trích 2 ngàn cho quĩ vì trẻ em nghèo. NTD mua sữa X với giá cao không phải do chất lượng của nó. Nên bổ sung điều cấm cạnh tranh không lành mạnh (CTKLM) bằng cách lợi dụng lòng trắc ẩn, lợi dụng thói hư tật xấu của con người. NTD sẽ có ý thức lựa chọn sữa tốt với giá phù hợp khi họ được tạo điều kiện để so sánh sản phẩm cùng loại của các công ty. Vì vậy cần hủy bỏ điều cấm quảng cáo so sánh trong LCT hiện tại. (như các nước tiên tiến đang làm). Cũng nên bổ sung vào LCT điều khoản cấm hành vi chiếm lợi thế cạnh tranh bằng cách vi phạm luật. Khi đó, doanh nghiệp vi phạm qui định công bố chất lượng, tiêu chuẩn VSATTP…sẽ ngay lập tức bị trừng phạt theo LCT với mức phạt cao hơn phạt hành chính rất nhiều.
c) Qui định chặt chẽ, cụ thể hơn nữa trách nhiệm chủ động điều tra của cơ quan hành chính, không chờ phải có khiếu nại của NTD; cho phép công bố kịp thời tên các doanh nghiệp vi phạm qui định công bố chất lượng, vi phạm tiêu chuẩn VSATTP.
d) Cải tiến phương pháp làm việc, thủ tục thụ lý, điều tra vụ việc và nâng cao năng lực làm việc của cục QLCT, sao cho cơ quan này thực sự là người tích cực, chủ động tiến hành điều tra hành vi liên kết „làm giá“ của các công ty sữa, sẵn sàng tiếp nhận xử lý khiếu nại cạnh tranh không lành mạnh. Hiện tại, cục QLCT lấy lý do không thấy cấu thành hành vi CTKLM để không thụ lý và trả lại đơn khiếu nại. Trong khi, xác định có hay không có hành vi CTKLM là nội dung điều tra, kết luận sau khi thụ lý hồ sơ khiếu nại. Thực tiễn hoạt động này đã làm nản lòng doanh nghiệp và là một trong những nguyên nhân khiến LCT không đi vào cuộc sống.
e) NTD có ý thức là yếu tố quyết định cơ chế kiểm soát giá cả theo qui luật cung-cầu. Để xây dựng NTD có ý thức, cần trao cho họ khả năng thông báo ngay đến cơ quan công quyền các hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp, trao cho Hiệp hội bảo vệ NTD quyền khởi kiện như một pháp nhân. Nhà nước cũng cần cho phép, hỗ trợ thành lập các tổ chức tư nhân độc lập kinh doanh dịch vụ kiểm tra, thẩm định chất lượng hàng tiêu dùng một cách thường xuyên.
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"