KHI TÒA XEM NGƯỜI SỐNG… NHƯ ĐÃ CHẾT

VŨ PHƯƠNG THẢO TAND quận Hải Châu (Đà Nẵng) đã ra một quyết định vi phạm cả về thủ tục tố tụng và xâm phạm quyền sở hữu tài sản hợp pháp của công dân… Tòa xử sai Ngày 19.1.2004, TAND quận Hải Châu đã đưa ra xét xử vụ ly hôn giữa anh Lưu Hoàng Long và chị Phạm Thị Hoàng Yến. Theo Quyết định 04/DSST ngày 19.1.2004, TAND quận Hải Châu công nhận sự thuận tình ly hôn và thỏa thuận chị Yến nuôi con chung là Lưu Hoàn Mỹ đến tuổi trưởng thành. Đáng lưu ý là tại phần 3 của quyết định này, về tài sản chung, tòa quyết định giao ngôi nhà và đất tại 122 Núi Thành (Đà Nẵng) cho cháu Lưu Hoàn Mỹ được quyền sở hữu và sử dụng khi đủ 18 tuổi. Trên thực tế, đây là căn nhà thuộc quyền sở hữu hợp pháp của ông Lưu Quý Thảo và bà Nguyễn Thị Oai (cha mẹ anh Long). Trước đó, ông Thảo – bà Oai đã lập di chúc cho vợ chồng anh Long căn nhà này.   Việc chia tài sản khi ly hôn giữa vợ chồng anh Long, ông Thảo – bà Oai không hề được biết đến. Bẵng đi hơn 3 năm sau, khi gia đình cần các thủ tục giấy tờ liên quan đến căn nhà trên thì lúc này, ông Thảo – bà Oai mới “té ngửa” trước Quyết định 04/DSST ngày 19.1.2004. Sai phạm đầu tiên của TAND quận Hải Châu là việc ông Thảo – bà Oai, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nhưng đã không được tham gia tố tụng. Quá trình tòa giải quyết vụ án, ông Thảo – bà Oai không hề biết. Chưa hết, theo điều 649 của Bộ luật Dân sự năm 1995 thì “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi đã chết”. Như vậy, việc ông Thảo – bà Oai di chúc cho vợ chồng anh Long toàn quyền sở hữu căn nhà 122 Núi Thành chỉ có ý nghĩa sau khi ông Thảo – bà Oai đã chết. Tại thời điểm vợ chồng anh Long – chị Yến ly hôn, ngôi nhà trên vẫn thuộc quyền sở hữu hợp pháp của ông Thảo – bà Oai. Việc TAND quận Hải Châu công nhận ngôi nhà của ông Thảo – bà Oai là tài sản chung của vợ chồng anh Long trong khi ông bà vẫn còn đang sống khỏe mạnh đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền sở hữu hợp pháp của vợ chồng ông Thảo. Gia đình ông Thảo đã làm đơn khiếu nại lên TAND TP Đà Nẵng đề nghị xem xét giải quyết. Theo quy định tại khoản 2 Điều 307 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Chánh án TAND có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND các quận, huyện. Thế nhưng, Chánh án TAND TP Đà Nẵng đã không đả động đến những sai trái của cấp dưới và trong văn bản trả lời chỉ đề cập chuyện vụ án đã hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm (trong vòng 3 năm kể từ ngày quyết định có hiệu lực). Viện Kiểm sát “tiền hậu bất nhất” Gia đình ông Thảo tiếp tục gửi đơn lên Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) TP Đà Nẵng. Ngày 27.3.2007, VKSND TP Đà Nẵng đã ra Quyết định số 06 kháng nghị một phần quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự về việc thuận tình ly hôn và tài sản chung số 04/DSST ngày 19.1.2004 của TAND quận Hải Châu theo thủ tục tái thẩm. Quyết định này nêu rõ: “TAND quận Hải Châu đã không xem xét toàn diện các chứng cứ do đương sự cung cấp mà chỉ căn cứ trên lời khai của anh Long, chị Yến để công nhận ngôi nhà số 122 Núi Thành, TP Đà Nẵng là tài sản chung của vợ chồng khi anh Long, chị Yến chưa được thừa kế theo di chúc, đồng thời tòa án cũng không xác minh làm rõ để biết được vợ chồng ông Thảo – bà Oai vẫn còn sống để đưa ông bà vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là không đúng. Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự về việc thuận tình ly hôn và tài sản chung số 04/ DSST ngày 19.1.2004 của TAND quận Hải Châu đã vi phạm pháp luật dân sự cả về thủ tục tố tụng và nội dung, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền sở hữu hợp pháp của vợ chồng ông Thảo – bà Oai”. Từ đó, VKSND TP Đà Nẵng đề nghị TAND TP Đà Nẵng đưa vụ án ra xét xử theo trình tự tái thẩm theo hướng: Hủy phần công nhận thỏa thuận về tài sản chung và đình chỉ giải quyết yêu cầu công nhận thỏa thuận về tài sản chung của vợ chồng anh Long, chị Yến. VKSND TP Đà Nẵng cũng tạm đình chỉ thi hành phần công nhận thỏa thuận về tài sản chung của quyết định ly hôn 19.1.2004 để chờ kết quả xét xử tái thẩm. Quyết định trên do ông Trần Thanh Vân, lúc đó là Phó viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng ký. Tuy nhiên, 3 tháng sau, khi ông Vân lên làm Viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng, chính ông đã ra Quyết định số 07/QĐ-KNTT-KSDS, rút lại kháng nghị số 06/QĐ-KNTT-KSDS ngày 27.3.2007 do chính ông ký trước đây với lý do: những nội dung mà kháng nghị số 06 đưa ra để chứng minh là tình tiết mới không có sơ sở vững chắc (!). Đồng thời công nhận sự thỏa thuận của các đương sự về việc thuận tình ly hôn và tài sản chung theo quyết định ngày 19.1.2004 của TAND quận Hải Châu có hiệu lực pháp luật. Trớ trêu hơn là trong Quyết định 07 này, VKSND TP Đà Nẵng một lần nữa khẳng định: “TAND quận Hải Châu công nhận tài sản hợp pháp của ông Thảo – bà Oai là tài sản chung của vợ chồng anh Long, chị Yến là không đúng. Nhưng đây là vi phạm do thiếu trách nhiệm của thẩm phán giải quyết vụ án, phạm vào các quy định về thủ tục giám đốc thẩm, mà vụ án đã quá thời hạn để kháng nghị thủ tục giám đốc thẩm”. Anh Lưu Chí Cường, con trai ông Thảo – bà Oai, người được ủy quyền đứng ra giải quyết vụ việc, bức xúc: “Cả gia đình tôi thật sự bất bình. Trước đó, VKSND kháng nghị theo trình tự tái thẩm nhưng lại căn cứ theo trình tự giám đốc thẩm để rút kháng nghị. Mà hai trình tự này lại hoàn toàn khác nhau, được quy định cụ thể tại các chương, điều khác nhau của Bộ luật Tố tụng dân sự”.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật