KHI NHÀ NƯỚC QUẢN LÝ KINH DOANH

Nếu nền kinh tế tập trung bao cấp công hữu hóa không chấp nhận thành phần kinh tế tư nhân, thì ngược lại, nền kinh tế thị trường nhiều thành phần lại đòi hỏi phải có thành phần kinh tế nhà nước, đơn giản chỉ vì nếu thiếu, thì đó không còn là kinh tế thị trường nhiều thành phần nữa. Theo định đề này, có thể thấy cải cách doanh nghiệp nhà nước có hai nội dung chủ yếu: 1. Cổ phần hóa một bộ phận kinh tế nhà nước, trong đó cổ phần hóa được hiểu giống như tư nhân hóa khi toàn bộ một doanh nghiệp được cổ phần hóa và đa phần trường hợp là chỉ cổ phần hóa một phần doanh nghiệp. Cả hai dạng cổ phần hóa nêu trên đều đã diễn ra trong thực tế. Sau cổ phần hóa, doanh nghiệp nhà nước sẽ có hai loại: (i) Doanh nghiệp nhà nước (không/chưa cổ phần hóa), bao gồm những doanh nghiệp lớn trong những ngành kinh tế – kỹ thuật nòng cốt. Những doanh nghiệp này có thể mang những tên gọi khác nhau, như Tập đoàn A, Tổng công ty B, Công ty cổ phần C, Công ty TNHH một thành viên D…, song có đặc điểm chung: Nhà nước vẫn là chủ sở hữu duy nhất. Nhà nước cần nắm giữ những doanh nghiệp này vì đó chính là sức mạnh và cũng là quyền lực kinh tế mà Nhà nước có thể trực tiếp sử dụng cùng với quyền lực chính trị để quản lý xã hội. Và đó cũng là những lĩnh vực mà Nhà nước phải đảm nhiệm duy trì và phát triển, dù vốn đầu tư có lớn, suất sinh lợi có thấp. (ii) Doanh nghiệp cổ phần hóa một phần, sở hữu hỗn hợp, Nhà nước chỉ là một đồng sở hữu, với tên gọi là Công ty cổ phần N, Công ty cổ phần M… Phân biệt hai loại doanh nghiệp như vậy nhằm tạo thuận tiện cho việc xây dựng cơ chế quản lý kinh doanh của chủ sở hữu – Nhà nước phù hợp với từng loại.   2. Đổi mới cơ chế quản lý của Nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước nhằm củng cố, tăng cường khu vực kinh tế nhà nước. Quản lý kinh tế vốn là chức năng quan trọng nhất của Nhà nước ta trong thời bình. Trước đây, khi nền kinh tế công hữu hóa còn vận hành theo cơ chế tập trung bao cấp, hệ thống quản lý kinh tế của Nhà nước được tổ chức theo ngành, trong đó có lẽ chỉ trừ ngành nông nghiệp, còn các ngành khác hầu như đều đã quốc doanh hóa. Cho nên các cơ quan quản lý ngành mặc nhiên trở thành chủ quản các doanh nghiệp, vừa quản lý nhà nước với tư cách cơ quan quyền lực, vừa quản lý kinh doanh với tư cách chủ sở hữu. Với tư cách chủ sở hữu, Nhà nước không thể buông chức năng quản lý kinh doanh đối với các doanh nghiệp của mình. Một câu hỏi lập tức nảy sinh: nếu các chủ quản (cũ) chỉ quản lý nhà nước, thì cơ quan nào sẽ đại diện chủ sở hữu quản lý kinh doanh các đơn vị kinh tế nhà nước? Từ khi chuyển sang kinh tế thị trường nhiều thành phần, bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Đối với các doanh nghiệp này, đương nhiên các cơ quan nhà nước chỉ quản lý về mặt hành chính nhà nước, trong khi đó, với tư cách chủ quản, vẫn quản lý hoạt động kinh doanh đối với các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc. Hệ quả khó tránh là xuất hiện tình trạng phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau. Mặt khác, trong điều kiện cạnh tranh gay gắt của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, chức năng quản lý nhà nước và quản lý kinh doanh ngày càng trở nên phức tạp, đòi hỏi các cơ quan quản lý phải chuyên nghiệp hơn. Từ thực tế đó, hình thành ý tưởng tách quản lý nhà nước với quản lý kinh doanh, xóa bỏ cơ chế “chủ quản”. Với tư cách cơ quan quyền lực, Nhà nước thực hiện quản lý hành chính nhà nước đối với tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp nhà nước cũng phải chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp và tất cả các văn bản dưới luật liên quan như các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Trước pháp luật, các thành phần kinh tế đều bình đẳng. Tuy nhiên với tư cách chủ sở hữu, Nhà nước không thể buông chức năng quản lý kinh doanh đối với các doanh nghiệp của mình. Một câu hỏi lập tức nảy sinh: nếu các chủ quản (cũ) chỉ quản lý nhà nước, thì cơ quan nào sẽ đại diện chủ sở hữu quản lý kinh doanh các đơn vị kinh tế nhà nước? Vấn đề này rất quan trọng nhưng lâu nay dường như còn bỏ ngỏ. Do đó chức năng quản lý của chủ sở hữu cũng bị bỏ ngỏ theo. Về danh nghĩa, doanh nghiệp nhà nước có chủ là Nhà nước nhưng thực tế dường như vô chủ, tạo môi trường màu mỡ cho lạm quyền, tham ô, tham nhũng. Đã từng xuất hiện ý tưởng giao chức năng này cho các tổng công ty. Song như thực tế đã cho thấy, các tổng công ty, kể cả Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, không đủ tầm để thực hiện chức năng này, vì bản thân nó cũng chỉ là một doanh nghiệp, chỉ có tầm nhìn của doanh nghiệp, trong khi nếu là đại diện Nhà nước phải có tầm nhìn quốc gia. Có thể nói đây là một khoảng trống trong cơ chế quản lý kinh doanh khu vực kinh tế nhà nước. Về mặt bộ máy, khoảng trống này bộc lộ rõ khi cần xử lý những vấn đề kinh doanh vượt quá thẩm quyền của hội đồng quản trị và tổng giám đốc, do thiếu một cấp trên để thỉnh thị. Chẳng lẽ mỗi lúc như vậy lại trực tiếp trình lên Thủ tướng hoặc chủ tịch UBND tỉnh, thành phố ? Nhưng đó chỉ là một khoảng trống. Còn một khoảng trống quan trọng khác: thiếu hẳn vai trò chỉ đạo ở tầm chủ sở hữu trong điều hòa, phối hợp, nhất là trong tái phân phối vốn đầu tư và tích lũy nội bộ của kinh tế nhà nước. Cần nhấn mạnh rằng chính đây mới là thế mạnh của kinh tế nhà nước cần phát huy để tạo ra sức mạnh tổng thể và xác lập vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, nhất là trong cải cách cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế quốc dân. Khoảng trống này bộc lộ rõ trong tình trạng nhiều tổng công ty/tập đoàn đang hoạt động như những vương quốc độc lập. Với lý do kinh doanh đa ngành, đã xuất hiện tình trạng đầu tư chồng lấn, trái ngành giữa nhiều đơn vị kinh tế nhà nước, tình trạng sa đà vào những đầu tư rủi ro và không có thế mạnh như bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, công ty tài chính… gây ra những cơn sốt và thua lỗ không đáng có, trong khi nhiều hạng mục cần thiết cho nền kinh tế, đúng thế mạnh lại bị buông lơi do “thiếu” vốn. Có lẽ do thấy được khoảng trống nói trên và nhằm lấp khoảng trống đó, một dự thảo nghị định về tập đoàn kinh tế nhà nước đã được soạn thảo và có lúc đã được công luận chú ý. Tiếc rằng dự thảo chưa đủ sức thuyết phục. Chúng ta đang thiếu một cơ chế quản lý kinh doanh đối với các doanh nghiệp nhà nước, chứ không phải chỉ đối với tập đoàn kinh tế nhà nước. Cho nên rất cần một nghị định (thậm chí một luật riêng) quy định rõ ràng cơ chế này. Cơ sở pháp lý của nghị định này không phải là Luật Doanh nghiệp nhà nước hiện hành (cũng sắp hết hiệu lực), mà là Luật Doanh nghiệp 2005. Trong khuôn khổ Luật Doanh nghiệp và bằng nghị định này, với tư cách đại diện chủ sở hữu, Chính phủ quy định khuôn khổ cho cơ chế quản lý kinh doanh các doanh nghiệp thuộc sở hữu của mình. Nghị định này mang tính chất nội quy hơn là pháp quy. Nó chỉ có giá trị thi hành trong khu vực kinh tế nhà nước. Chính phủ không thể thông qua nghị định này để quy định những ưu ái riêng cho doanh nghiệp nhà nước. Trong nghị định này, vấn đề quan trọng bậc nhất là quy định hệ thống bộ máy quản lý kinh doanh các doanh nghiệp nhà nước cùng với những quy định về phân công, phân cấp quản lý trong hệ thống về các chỉ tiêu tăng trưởng, về chế độ lao động – tiền lương, tiền thưởng, về tái phân phối vốn tích lũy giữa các doanh nghiệp nhà nước thông qua việc lập và sử dụng quỹ đầu tư chung của kinh tế nhà nước trên cơ sở huy động vốn tương đối “thừa”, sử dụng kém hiệu quả ở doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác đang “đói” và có khả năng sử dụng vốn hiệu quả hơn. Nghị định này cũng cần quy định cơ chế quản lý kinh doanh của Nhà nước đối với các công ty cổ phần sở hữu hỗn hợp nhằm cụ thể hóa quyền và trách nhiệm của cổ đông – Nhà nước trong khuôn khổ Luật Doanh nghiệp.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật